Nguồn: Philip Stephens, “China must learn how to be a great power”, Financial Times, 05/11/2015.
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Khi một tàu chiến Mỹ đi qua Biển Đông, Trung Quốc đã phản đối, còn các nước láng giềng của họ lại hoan nghênh. Washington tuyên bố họ đang duy trì tự do hàng hải trong bối cảnh diễn ra dự án bồi đắp đất nhằm biến các bãi đá tranh chấp thành đảo nhân tạo của Trung Quốc. Bắc Kinh cảnh báo sẽ chống lại sự khiêu khích từ một nước bên ngoài không có liên quan tới các tranh chấp lãnh thổ trong khu vực. Riêng chúng ta thì được nhắc nhớ lại định mệnh buồn thảm trong ghi chép của Thucydides về cuộc chiến tranh Peloponnese.
Việc tàu của hải quân Mỹ đã đi vào vùng nước mà Trung Quốc coi là lãnh hải của mình chỉ ra sự va chạm của nhiều yêu sách chủ quyền lịch sử, địa lý và sự chuyển dịch cân bằng quyền lực, thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang ở Đông Á. Một số người cho rằng hiện nay có nhiều tàu ngầm ở các vùng biển Tây Thái Bình Dương như đã từng có ở Bắc Đại Tây Dương.
Ngay trước khi tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Lassen bắt đầu hành trình của mình, tôi đã cùng với nhiều cán bộ cấp cao của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) tham dự hội nghị an ninh quốc tế hàng năm của Trung Quốc tại Bắc Kinh. Và chưa bao giờ tôi được gặp nhiều sĩ quan cấp cao như vậy!
Diễn đàn Hương Sơn, được tổ chức bởi Hiệp hội Khoa học Quân sự Trung Quốc, là một dấu hiệu khác của sự thay đổi. Cách đây không lâu, trong tâm trí của người phương Tây, PLA là một tổ chức bí mật, thậm chí nguy hiểm. Giờ đây, Diễn đàn Hương Sơn, đối thủ cạnh tranh với Đối thoại Shangri La của Singapore, đáp ứng được nhu cầu của một giới quân sự vốn giờ đang muốn có tiếng nói trên trường quốc tế.
Trung Quốc đã trỗi dậy nhanh hơn so với tưởng tượng của chính các vị lãnh đạo nước này, một phần cũng vì những thiệt hại to lớn mà phương Tây phải gánh chịu bởi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Bắc Kinh giờ đây cần phải học cách để thực sự trở thành một cường quốc. Nói vậy không phải là để tỏ ra dạy đời, mà đó là một mô tả thực tế. Sau hai thế kỷ, đầu tiên là một nạn nhân rồi sau đó phần lớn là một người ngoài cuộc của các vấn đề toàn cầu, Trung Quốc giờ đã nổi lên như một cường quốc thứ hai chỉ sau Mỹ
Tuy nhiên, nói thì dễ hơn làm, nhất là khi hầu hết những nước khác trong khu vực chỉ muốn giữ nguyên hiện trạng. Trung Quốc, cũng như các nước láng giềng của họ, đang nhận ra rằng bản thân nước này cũng phải thích nghi với sự trỗi dậy của mình. Tôi đã thoáng thấy điều này trong các cuộc thảo luận ở Diễn đàn Hương Sơn. PLA được thành lập như là một lực lượng lục quân để bảo vệ lãnh thổ của Trung Quốc khỏi xâm lược từ bên ngoài. Giờ thì các vị tướng đang cắt giảm quân số, vì họ đang cân nhắc mở rộng hải quân và không quân. Đây là điều mà những nước đang lên sẽ làm. Tuy nhiên, tôi lại có cảm giác họ đang hoang mang không biết làm thế nào để chuyển đổi.
Tương tự như vậy, các nhà hoạch định chính sách thường phải vật lộn để cân bằng giữa việc áp đặt những gì mà họ cho là yêu sách chính đáng của Trung Quốc và việc được công nhận như một cường quốc đang lên. Đối với phương Tây, có một sự trái ngược giữa những tuyên bố ồn ào về chủ quyền không thể tách rời đối với vùng lãnh thổ đang tranh chấp, và những lời bảo đảm rất lặng lẽ, được lặp đi lặp lại ở diễn đàn, rằng Bắc Kinh sẽ không bao giờ sử dụng vũ lực quân sự để chiếm ưu thế.
Điểm khác biệt giữa Tập Cận Bình và những người tiền nhiệm là quyết tâm của ông, cùng một lúc vừa tập trung quyền lực cá nhân trong nước – bằng việc “thanh trừng” các lãnh đạo cũ, vừa tăng cường sức mạnh trên trường quốc tế. Các công trình cải tạo ở Biển Đông là một trong những biểu hiện của mục tiêu thứ hai. Nhưng theo tôi, chiến lược “Một Vành đai, Một Con đường” nhằm xây dựng ảnh hưởng của Trung Quốc trên lục địa Á-Âu thậm chí còn tham vọng hơn nhiều.
Quyết định hội đàm với Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu của ông Tập – cuộc gặp mặt đầu tiên kiểu như vậy kể từ khi Đài Loan tách khỏi đại lục vào năm 1949 – cũng cho thấy ông là một nhà lãnh đạo sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Cuộc gặp có thể phản tác dụng nếu trong cuộc bầu cử sắp tới vào tháng Giêng, Quốc Dân Đảng của ông Mã thua trước Đảng Dân Tiến, vốn công khai theo đường lối dân tộc chủ nghĩa.
Bắc Kinh có cơ sở khi nói rằng mọi thứ không thể giữ nguyên như trước. Luận cứ mạnh nhất, cũng đồng thời đơn giản nhất của họ là: thế giới đã thay đổi. Phạm vi và mức độ phức tạp của các lợi ích kinh tế và an ninh của Trung Quốc đã lớn hơn gấp nhiều lần. Giống như các cường quốc khác, họ phải gánh vác vai trò giám sát các lợi ích chung toàn cầu. Nếu nói rằng không nên thay đổi cán cân cũ nghĩa là đang thách thức thực tế địa chính trị. Chúng ta không thể nhìn thế kỷ 21 dưới con mắt của thế kỷ 20. Và nữa, lần cuối mà một cường quốc đang lên lại không tìm cách kiểm soát các vùng nước ven biển của mình là khi nào?
Tuy nhiên, việc tham vọng của Bắc Kinh bị Mỹ phản ứng cũng là điều bình thường. Sự hiện diện của Mỹ ở Đông Á được xem là yếu tổ bảo đảm cho hòa bình khu vực. Đấy là chưa kể Mỹ được mời vào Đông Á. Các nước láng giềng của Trung Quốc muốn Mỹ hiện diện nhiều hơn, chứ không phải ít hơn ở khu vực này. Việt Nam không hài lòng vì Washington không bán các loại vũ khí tinh vi cho họ. Hãy thử nghĩ về điều đó. Hầu hết các nước khu vực chỉ trích chính sách xoay trục sang châu Á của Tổng thống Barack Obama chủ yếu là vì nó quá “e dè.”
Đông Á sẽ không còn như trước, đơn giản là vì sự trỗi dậy của Trung Quốc đã thay đổi bối cảnh khu vực. Mỹ không thể níu giữ tư thế vượt trội vốn dĩ đã không còn. Nhưng Trung Quốc cũng chẳng thể khẳng định bá quyền riêng của mình. Một trật tự mới phải đáp ứng được cả hai. Bất kỳ nỗ lực nào khác từ cả hai phía đều sẽ dẫn đến một kịch bản, như Sparta và Athens, họ chắc chắn sẽ xung đột.