Monday, 18 January 2016

42 năm rồi, Hoàng Sa vẫn một nỗi đau! - AFR Dân Nguyễn

Chỉ còn một ngày nữa là tròn 42 năm chúng ta mất Hoàng Sa vào tay giặc. Vậy mà tưởng chừng như mới hôm qua, bởi nỗi đau này vẫn vò xé chúng ta mỗi ngày, và nó vẫn còn nguyên tính thời sự nóng hổi về bài học giữ nước.

Quân lực Việt Nam Cộng hòa đang trấn giữ đảo, đang tiếp nối thực thi chủ quyền lãnh thổ từ cha ông truyền lại một cách bình yên và vững chắc. Tuy nhiên, phải thừa nhận có sự hỗ trợ của hải quân đồng minh Hoa Kỳ, nên chủ quyền biển đảo của VN mới có sự bảo đảm an ninh tuyệt đối đó.

Sự kiện để mất chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa, chính thể VNCH không có lỗi. Những người lính VNCH đã anh dũng chiến đấu và HY SINH. Họ đã làm tất cả những gì có thể trong khả năng. Họ đã tôn trọng luật quốc tế, bình tĩnh, kiềm chế yêu cầu đối phương rời xa phạm vi thuộc chủ quyền của VN.


Nhưng đứng trước dã tâm xâm lược của giặc, hiểu thấu ý đồ của giặc Trung Cộng (TC), các chiến sỹ hải quân VNCH đã dũng cảm, mưu trí chủ động khai hỏa trước, đánh phủ đầu quân giặc.

Đó là hành động chẳng khác nào Lý Thường Kiệt chủ động phá âm mưu xâm lược của nhà Tống, bằng cách vượt biên giới tiến đánh Ung Châu…

Để mất Hoàng Sa vào tay giặc, trách nhiệm hoàn toàn thuộc về chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa XHCNVN, bởi khi ấy họ đang là đồng minh, đồng chí với giặc.
Dù khi đó, họ ở vào hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan, hay bị mắc mưu giặc, hay bất cứ vì lý do gì, họ cũng không thể chạy tội, hay đổ vấy trách nhiệm cho một ai.
Họ có thể được lịch sử miễn cho tội đồng lõa với giặc hoặc nặng hơn là bán chủ quyền lãnh thổ cho giặc; nhưng để mất Hoàng Sa, rồi bưng bít thông tin, lấp liếm, che giấu, không cho người dân biết… Đó là trọng tội khó mà dung thứ.

Ngày nay, chính quyền Hà Nội tiếp tục mắc tội với Đất Nước, làm buồn vong linh các chiến sỹ hy sinh giữ đảo, bằng những hành vi hèn hạ và phản động, như ngăn cản người dân đến viếng, thắp hương tưởng nhớ vong linh các anh hùng liệt sỹ ngã xuống trên biển cả. Họ cho nhân viên an ninh mặc thường phục, sắc phục đến gây sức ép.
Họ đã sử dụng cả những kế đê hèn, cho bọn côn đồ quấy phá, giật cướp vòng hoa, gây hấn với những người dân đến dự lễ.

Nhiều năm họ tiến hành những hành động mạt hạng này. Năm ngoái họ cũng xua quân đi phá rối Lễ tưởng niệm các chiến sỹ Hoàng Sa. Nhưng trò hề rất phản cảm và phản động đó của họ đã bị quần chúng nhân dân lên án mạnh mẽ.
Đứng trước búa rìu dư luận, người đứng đầu lực lượng công an HN, ông tướng Nguyễn Đức Chung đã chối, không nhận đó là người của mình, và hứa điều tra hành tung bọn người này.
Dư luận quá biết đó là “kiểu hứa mang thương hiệu cộng sản”. Quả nhiên đến nay, sau một năm, ông tướng này cũng chẳng công bố kết quả điều tra sự kiện đó như thế nào.

Dư luận nhân dân cũng không ép ông này (nay đã được đảng cho lên chức) hoàn trả món nợ mà ông đã hứa. Chỉ mong rằng ông đừng giở bài cũ, đừng làm tủi hổ vong linh những người đã ngã xuống giữ gìn bờ cõi giang san.
Nếu ông điều quân tới giữ gìn an ninh cho những người đến dự Lễ tưởng niệm, mới đúng với trách nhiệm của ông. Bằng không, xin đừng điều quân tới phá đám.

Tổ chức Lễ tưởng niệm các chiến sỹ VNCH đã hy sinh để bảo vệ Hoàng Sa, không chỉ là thể hiện sự tri ân, thể hiện đạo lý “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, mà còn là sự thể hiện quyết tâm của Nhân Dân VN khẳng định chủ quyền của VN với quần đảo Hoàng Sa, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi mà TC đang ráo riết đẩy mạnh bành trướng ra Biển Đông.

Mất Hoàng Sa, người Việt không chỉ mất đảo, song còn mất ngư trường truyền thống giàu có, mất đi chủ quyền trên nhiều tài nguyên quý giá, như dầu mỏ và đặc biệt an ninh hàng hải bị đe dọa.

Vì thế, mọi hành động cản trở Lễ tưởng niệm các chiến sỹ Hoàng Sa, phải được xem như những hành vi tiếp tay cho giặc, chống phá công cuộc thiết lập chủ quyền của VN trên Hoàng Sa.

Xây Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa



Phối cảnh Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa
Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa vừa được khởi công xây dựng trên đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, trùng dịp kỷ niệm hải chiến Hoàng Sa.
Khu tưởng niệm sẽ dành để vinh danh tất cả những người Việt Nam đã ngã xuống vì Hoàng Sa, theo báo trong nước.
Sau trận hải chiến ngày 19/1/1974 làm 74 chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa thiệt mạng, quân đội Trung Quốc chiếm hoàn toàn quần đảo này.
Tuy nhiên cho tới nay, Việt Nam vẫn khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa, về mặt hành chính là huyện đảo thuộc TP Đà Nẵng.
Truyền thông trong nước cho hay sáng Chủ nhật 17/1, lễ đặt viên đá khởi công xây dựng Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa được tổ chức tại đảo Lý Sơn.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư công trình khu tưởng niệm với số vốn 70 tỷ đồng.
Khu tưởng niệm nằm trên diện tích khoảng 2ha, trên đỉnh núi Thới Lới, đông bắc đảo.
Lý Sơn, cách Hoàng Sa chừng 200 hải lý, là nơi có hải đội Hoàng Sa thời nhà Nguyễn.
Nơi đây cũng có nhiều ngư dân xưa nay vẫn coi vùng biển quanh Hoàng Sa là ngư trường truyền thống của mình, cho dù những năm gần đây bị Trung Quốc xua đuổi, thậm chí bắt giữ và đánh đập.
Buổi lễ đặt viên đá khởi công sáng 17/1 có sự tham gia của thân nhân các tử sĩ quân đội Việt Nam Cộng hòa trong trận hải chiến Hoàng Sa cũng như hơn 150 người dân Lý Sơn, theo báo Tuổi Trẻ.
Trung tâm của khu này là tượng đài Người mẹ thắp lửa cao 16m của kiến trúc sư Trần Văn Dũng, mô tả người phụ nữ Việt Nam đứng trên bờ biển thắp đèn ngóng vọng chồng con trở về.
Bao quanh tượng đài là một "bức tường lịch sử" chạy từ chân đồi lên đỉnh đồi, dự định ghi lại lịch sử Hoàng Sa.
Toàn thể Khu tưởng niệm có hình dáng như một con tàu hướng mũi về Hoàng Sa.