Ngày 19 tháng 1 năm 2016 vừa qua, người dân Việt Nam ở Sài Gòn, Vũng Tàu và Hà Nội cùng tổ chức buổi tưởng niệm 42 năm cuộc hải chiến Hoàng Sa, ghi nhớ công ơn của 75 Tử sĩ đã vĩnh viễn nằm lại vùng biển đảo. Rất nhiều khó khăn đã xảy ra trong buổi lễ ở Sài Gòn, cũng như chuyến đi tưởng niệm ở Vũng Tàu của 1 số tổ chức xã hội dân sự. Ngược lại, tại tượng đài Tượng Đài Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm Hà Nội, buổi lễ đã diễn ra thành công, không gặp sự ngăn cản từ chính quyền.
Không bị ngăn chặn ở Hà Nội
Sáng ngày 19 tháng Giêng năm 2016, dưới chân Tượng Đài Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm Hà Nội, tiếng ca ai oán của bài Chiêu Hồn Tử Sĩ vang lên, buổi tưởng niệm 75 tử sĩ Hoàng Sa diễn ra trong không khí trang nghiêm với gần 200 người. Đặc biệt, không có sự quấy rối, ngăn cản của chính quyền địa phương như đã xảy ra ở Sài Gòn:
Riêng lần này, rất ngạc nhiên là buổi lễ đã được công bố công khai trên các phương tiện truyền thông của người dân, mạng xã hội. Và những người được cho là quan trọng, có tác động đến phong trào thì không được ngăn chặn, được tự do đến buổi lễ này.
-Huỳnh Ngọc Chênh
“Đây là một trong những bước tiến lớn trong chuyện trân trọng lòng thành của người dân đối với các chiến sĩ bảo vệ vùng đảo trong chuyện đụng chạm với Trung Cộng.”
Đó là ghi nhận của Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, người từ Sài Gòn bay ra Hà Nội để tham dự buổi lễ. Ông cho biết một hình ảnh rất khác biệt với buổi tưởng niệm ở Sài Gòn sáng hôm đó, là không có sự quậy phá của dư luận viên và những người giả danh côn đồ như những năm trước:
“Trước đó nhiều năm, những người dân ở Hà Nội đã tổ chức lễ này, và lễ này đã bị quậy phá bằg cách sử dụng côn đồ, dư luận viên, bọn giả danh công nhân, giựt vòng hoa, biểu ngữ…Riêng lần này, rất ngạc nhiên là buổi lễ đã được công bố công khai trên các phương tiện truyền thông của người dân, mạng xã hội. Và những người được cho là quan trọng, có tác động đến phong trào thì không được ngăn chặn, được tự do đến buổi lễ này. Ban đầu thì có khoảng 100 người, sau đó gần đến 200 người tham dự một buổi lễ trang nghiêm, đầy tình cảm.”
Điều đặc biệt được ông Huỳnh Ngọc Chênh nhấn mạnh, đó là trong buổi lễ này, các nhân viên an ninh xuất hiện không nhiều, và tất cả những người họ đều tỏ ra thành khẩn khi buổi tưởng niệm diễn ra.
Khi đề cập đến những khó khăn của buổi tưởng niệm đã diễn ra ở Sài Gòn, ông Hùynh Ngọc Chênh cho biết “tình hình đã diễn biến theo chiều hướng hơi khó hiểu.”
Theo lời kể lại của ông:
“Những năm trước, tôi có tham gia một số những lần tưởng niệm ngày 19 tháng 1, ngày 17 tháng 2 và những ngày liên quan đến chiến sĩ Việt Nam chiến đấu chống lại bọn ngoại xâm Trung Cộng. Chính quyền Sài Gòn, TP Hồ Chí Minh đã không ngăn chặn, để cho chúng tôi tổ chức đàng hoàng, không quấy phá như những gì diễn ra ở Hà Nội những năm trước. Trước đó, một số người dân ở Sài Gòn và Vũng tàu đã tổ chức 1 buổi tưởng niệm và cũng bị ngăn chặn, quậy phá. Không hiểu vì sao tình hình diễn biến hơi khó hiểu.”
Tuy nhiên, ông cũng có những nhận định của riêng mình về “diễn biến khó hiểu” này:
“Có lẽ là do ông chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung mới lên, ông ấy muốn ghi dấu ấn gì đó? Hoặc cũng có thể là do chuẩn bị bước vào Đại hội Đảng, người ta muốn ghi ấn tượng gì đó nên người ta chỉ đạo phải tôn trọng tình cảm của người dân với các tử sĩ Hoàng Sa. Và cái đó cũng phù hợp với tình hình là càng ngày Ban Tuyên huấn của Trung ương Đảng cũng chỉ đạo báo chí mở rộng và tự do nói về cuộc chiến. Chứ trước đây vài năm thì Ban Tuyên huấn đó cũng chỉ đạo không được nói gì đến Trường Sa Hoàng Sa, không được viết bài. Bây giờ thì có những cái cởi mở chung. Nhưng rất khó hiểu là khi Hà Nội đã cởi mở như vậy thì Sài Gòn làm ngược lại, bóp chặt lại, đàn áp, ngăn chặn những tri thức, những thân hào dân sĩ. Có những diễn biến ngược lại ở hai đầu đất nước mà không biết cái chỉ đạo là như thế nào.”
Ông Huỳnh Ngọc Chênh còn nói thêm về những ý kiến khác từ dư luận, đó là có thể có “hai phe”, một là chỉ đạo cởi mở, và một kia là chỉ đạo thắt chặt, cấm đoán, được đưa ra và áp dụng cho hai đầu đất nước.
Nhưng rất khó khăn ở Sài Gòn...
Ngược lại, cùng ngày, ở Sài Gòn, CLB Lê Hiếu Đằng và 1 số tổ chức xã hội dân sự tổ chức tưởng niệm tử sĩ Hoàng Sa 9 giờ sáng ngày 19 tháng Giêng, 2016 tại tượng đài Trần Hưng Đạo, Q1. Từ sớm, con đường Hàm Nghi, Nguyễn Huệ, Tôn Đức Thắng đã có rất nhiều lực lượng cảnh sát 113 và cảnh sát giao thông canh giữ. Rất nhiều nhà đấu tranh dân chủ bị canh giữ và không đến được buổi lễ. Một trong những người đó là ông Trần Bang, thuộc CLB Lê Hiếu Đằng. Ông cho biết:
“Rất nhiều người bị canh giữ từ tối 18 và sáng 19. Tôi cũng bị canh giữ.
Những người bị canh giữ trong CLB Lê Hiếu Đằng, gồm ông Phạm Đắc Lữ, Hạ Đình Nguyên, nhà báo Sương Quỳnh, tôi là Trần Văn Bang cũng bị canh. Một số người nữa chưa nắm được thông tin. Những người khác như Việt Quân, Minh Hạnh thì bị canh suốt từ ngày 26 đến nay. Hoàng Vy cũng bị canh. Tóm lại là rất nhiều người bị canh giữ không đến được buổi tưởng niệm tử sĩ VNCH từ trần trong trận chiến Hoàng Sa chống lại cuộc xâm lăng của Trung Quốc.”
Buổi lể tưởng niệm vào lúc 9 giờ sáng tại Sài Gòn cũng được diễn ra. Tuy nhiên, khi những người có thể “vượt rào” để đến được tượng đài Trần Hưng Đạo để tổ chức buổi lễ thì bị bắt ngay, như nhà đấu tranh Hoàng Dũng (Con đường Việt Nam) và Đinh Nhật Uy đến từ Long An và Huỳnh Trần Phát, 17 tuổi.
Tại thời điểm trả lời phỏng vấn của Đài Á Châu Tự Do thì Đinh Nhật Uy bị chuyển từ Bến Nghé về Long An. Hoàng Dũng và Huỳnh Trần Phát đã được thả về sau khi bị đánh.
Và cũng theo lời ông Trần Bang cho biết, tổ chức xã hội dân sự No-U Sài Gòn và Vũng Tàu cùng nhiều nhà tri thức, nhà đấu tranh dân chủ khác đã dự kiến trước sẽ bị canh giữ trong ngày kỷ niệm 42 năm trận chiến Hoàng Sa ở Sài Gòn nên đã tổ chức chuyến đi Vũng Tàu vào ngày Chủ Nhật, 17 tháng Giêng. Tuy nhiên, chuyến đi cũng gặp nhiều khó khăn. Ông nói:
“Tưởng niệm Vũng Tàu cũng không phải là dễ dàng. Khi qua cầu Cỏ May thì có xe công an ép vào và chặn ngay đầu xe. Họ kiểm soát và chụp hình danh sách người đi trên xe. Sau đó, họ đeo bám từ đấy. Khi chúng tôi đến vòng xoay Tổ quốc ghi công, công an dừng xe, lập biên bản, và bắt giữ xe. Rất khó khăn, không đi được nên chúng tôi phải tổ chức và dâng hoa ngay tại đấy. Sau đó, khi chúng tôi xuống thì dân phòng, những người mặc áo thường dân lên giật vòng hoa, nhưng vì số lượng chúng tôi đông nên chúng tôi bảo vệ được vòng hoa và tiếp tục làm lễ thắp nhang. Nhưng khi chúng tôi ra khỏi đấy thì người ta cũng cướp mất vòng hoa.”
Rồi sẽ có 43 năm, 44 năm… và nhiều nữa về cuộc Hải chiến Hoàng Sa ngày 19 tháng Giêng năm 1974 năm đó. Khúc hát Chiêu hồn Tử sĩ sẽ tiếp tục vang lên, vì theo lời của những người tham gia trong buổi lễ tưởng niệm đã cho biết, họ sẽ không để cho lịch sử và các thế hệ ngày sau quên đi công ơn và nghĩa tử của những người đã nằm xuống vì biển đảo của Tổ Quốc.