Tuesday 5 January 2016

Vật về cố Chủ - Nguyên Giao

Từ nhỏ, lúc được đi học, tôi đã được nghe câu "Châu về Hợp Phố", và cũng được hiểu loáng thoáng là "vật quí đã bị mất, nay trở về với chủ cũ", nhưng chẳng biết rõ những chi tiết.

Bốn chuyện ngắn có thật dưới đây sẽ là những minh chứng cụ thể cho thấy vật về cố chủ, dù hi hữu, vẫn đã có xảy ra. Và sau đó, ta hãy thử nhìn rộng hơn, trong cuộc đời, con người và báu vật còn có ý nghĩa gì khác?

Chiếc xe hơi ở Nữu Ước

Mùa đông năm 1968 ở Nữu Ước. Thanh niên Alan Poster, 26 tuổi đang trải qua những thay đổi gập ghềnh của đời mình: Làm nghề bán Tây ban cầm, ông mới ly dị, và dọn từ khu Queens đến một căn phòng nhỏ ở phố Manhattan, trung tâm thành phố Nữu Ước. Mê xe hơi, Alan gồng mình mua một chiếc xe thể thao hiệu Corvette mấu xanh da trời mới tinh, láng coóng.

Alan mới chỉ lái chiếc xe được chưa tới 3 tháng thì xe bị mất cắp khi đậu ở một nhà chứa xe. Hôm đó là ngày 22 tháng giêng, năm 1969.


Năm tháng trôi qua, dù được làm chủ lái nhiều chiếc xe khác, Alan chẳng bao giờ quên được chiếc Corvette 1968. "Có lẽ đó là chiếc xe hơi độc nhất tôi thật sự yêu thích!" Ông Poster, bây giờ đã 63 tuổi, nói trong một cuộc phỏng vấn, "Chiếc xe đó, và cuộc đời mới của tôi đã bắt đầu cùng một lúc!"

Cuộc đời mới đưa Alan qua tiểu bang California, không thể biết/ngờ/nghó rằng chiếc xe Corvette rồi sẽ theo ông, vượt qua 3 ngàn dặm!

Gần 37 năm sau khi chiếc Corvette bị mất cắp, ông Poster nhận được một cú điện thoại cho biết chiếc xe đã được tìm thấy, vài ngày trước khi nó sẽ được dự tính cho lên tầu thủy chở qua Thụy Ðiển đến người chủ mới, đã trả tiền mua lại.

Nhân viên quan thuế Hoa Kỳ, khi kiểm lại mã số in trên sườn xe, thấy các dấu cạo sửa khả nghi, đã thông báo với nha cảnh sát của thành phố Nữu Ước. Hai thám tử thuộc phòng điều tra xe mất cắp, đã lần ra tên của người chủ đầu tiên của chiếc xe.

"Có thể đây là một phép lạ!" ông Poster nói, "Trong lúc đứng tắm, tôi cứ lẩm bẩm: ‘Làm sao một chuyện hi hữu như thế này lại có thể xảy đến cho mình nhỉ?’"

Chiếc Corvette đã được trao trả lại cho ông Poster một ngày tháng 3 năm 2006. "Thật như một giấc mơ; Kiểu xe này thật đẹp!" Alan nói, trong khi các nhân viên quan thuế tháo gỡ tấm bạt bao che để tránh bụi cho chiếc xe. Ông cho biết ông dự tính sẽ không lái chiếc xe nhiều. "Tôi sẽ giữ chiếc xe như một món đồ sưu tập!"

Ngày 7 tháng 12 năm 2005, nhân viên quan thuế Hoa Kỳ đã khám xét 3 chiếc xe hơi do một người sưu tập ở Long Beach, California bán ra. Một trong ba chiếc xe đã bị nghi là xe mất cắp ở Nữu Ước ngày 22 tháng giêng, năm 1969. Ngoài ra chẳng có chi tiết nào khác: 
Không có tên, hay địa chỉ người chủ bị mất cắp; Không cả tên bót cảnh sát nào đã làm biên bản vụ mất cắp.

Cuộc điều tra được giao cho hai thám tử cảnh sát - Cliff Bieder, 44 tuổi, và William Heiser, 41 tuổi. Hai thám tử đã phải đến văn phòng trung ương cục cảnh sát ở Manhattan, vào tận phòng số 300, nơi lưu trữ dữ kiện trên vi-phim. Nếu họ không tìm ra chi tiết nào mới lạ trước ngày mùng 1 tháng giêng, năm 2006, chiếc Corvette đã sẽ được cho lên tầu, chở qua Thụy Ðiển.

"Cuộc điều tra này chẳng khác gì như ‘Tìm kim đáy biển’", thám tử Heiser nói. "Một anh bạn đồng nghiệp có đánh cá một bữa ăn tối rằng chúng tôi sẽ chẳng tìm ra!"

Kiếm ra ông Poster là chuyện dễ dàng hơn. Cảnh sát đã liên lạc được với người chủ mới, đã mua căn nhà sau cùng ở Nữu Ước mà ông Poster đã ở, và được cho biết ông đã dọn qua California. Ông Poster cho biết, thám tử Bieder đã gọi điện thoại hỏi, "Này, có phải ông đã có một chiếc xe hơi hiệu Corvette, bị mất cắp năm 1969, có đúng không? Ông có thể cho tôi biết xe mầu gì không?" Ông Poster kể, "Tôi trả lời, ‘Mầu xanh da trời!" Thám tử Bieder nói, "Chúng tôi hiện đang có giữ chiếc xe của ông!"  

Chiếc áo dài ở Sài Gòn

Sài Gòn, năm 1970. Sau cả một, hai tuần được đặt may, cái áo dài mới được thợ may xong, giao, được gài trên yên sau chiếc xe Honda hai bánh, bị mất cắp khi người anh tôi lái từ tiệm may về nhà.

Mẹ tôi tiếc công may chiếc áo, vì đã chọn được vải vừa ý, chờ may, đã được thử, nhưng chưa được diện, mặc thật, mà lại bị "phỗng tay trên" thật ngon xơi, trong nháy mắt.
Rồi không biết vì do linh tính, hay chẳng muốn ngồi ở nhà nghó đến chiếc áo, mẹ tôi kêu xe ra chợ trời – có tên (hình như là) Chợ Cũ – thử xem biết đâu có thể tìm được chiếc áo của mình.

Sau khoảng nửa tiếng rảo qua, đi lại, bất ngờ bà nhìn và nhận ra ngay chiếc áo dài mới may xong của mình, được treo bầy bán ở một quầy trong khu chợ trời!

Cố kềm xúc động, mẹ tôi bình thản ra dấu, và hỏi người chủ quầy, cho xem chiếc áo:

-        "Áo này bán bao nhiêu đây?"
-        "Ba ngàn đồng!"

Sau khi kiểm chứng rõ những dấu hiệu trên áo là của mình, mẹ tôi nói với người chủ quầy:

-        "Này, chị đã mua đồ ăn cắp! Tôi mới bị mất cắp chiếc áo này sáng hôm nay. Ðây này, nhìn thấy không, tên tôi vẫn còn được (người thợ may) đính trên cổ áo! … Tôi sẽ trả lại cho chị 500 đồng, để lấy lại áo của tôi. Nếu chị không đồng ý, tôi sẽ kêu cảnh sát đến làm biên bản!"
-        "Vâng, thôi; Xin bà cứ lấy áo ạ!"

Cái ví da ở Paris

Năm 1985, cậu em vợ của tôi từ New Zealand qua thăm thân nhân ở Paris. Một hôm đi dạo phố phường Kinh Ðô Ánh Sáng, chú ghé xem ciné. Lúc về đến nhà người thân mới biết cái ví da đựng giấy tờ tùy thân, và tiền giấy Pháp trị giá khoảng 500 Mỹ kim không còn trong túi quần!

Bỗng nhiên bị mất một số tiền không nhỏ tất nhiên là tiếc, nhưng chẳng thể so sánh với các giấy tờ như thông hành, bằng lái xe, v.v. không dễ có thể xin lại được trong một chuyến đi trên xứ lạ như thế.

Mẹ tôi hỏi cậu em tôi nhớ lần lại những nơi đã ghé qua trong ngày hôm đó, và phối kiểm xem lần cuối vẫn còn có ví là ở đâu và lúc nào? Cuối cùng chú em cho rằng có lẽ ví đã bị mất ở rạp ciné.

Mẹ tôi cấp tốc đưa cậu em trở lại rạp ciné, và xin gặp vị giám đốc điều hành.

"Con tôi là du khách từ ngoại quốc ghé thăm tôi, đã bị mất ví lúc xem phim ở đây hôm nay! ... Xin ông cho hỏi nhân viên xem có ai nhặt hay nhìn thấy một cái ví đàn ông, bằng da mầu nâu không? … Chúng tôi không cần lấy lại tiền có trong ví, nhưng cần có lại các giấy tờ tùy thân như thông hành, bằng lái xe chỉ có giá trị cho con tôi mà thôi! … Nếu không tìm ra, chắc phải khai báo với cảnh sát, bộ ngoại giao, và tòa đại sứ, … Chắc sẽ phiền toái và tốn nhiều thì giờ của nhiều người lắm!"

Vị giám đốc rạp hát đi vào trong, có lẽ để tìm gặp hỏi nhân viên. Chỉ khoảng mươi phút sau, ông ta trở lại với cái ví của cậu em tôi trong tay. Khi kiểm soát lại các ngăn ví, tiền mặt đã biến mất, nhưng các giấy tờ khác vẫn còn đầy đủ.

Chiếc nhẫn cưới ở miền Ðông Bắc nước Mỹ

Cuối năm 2005, tại tỉnh Branford, tiểu bang Connecticutt ở miền Đông Bắc nước Mỹ, một ông cụ 82 tuổi, trong một chuyến bắt sò ở vịnh Long Island Sound, đã đánh được một mẻ sò tuyệt hảo: Chiếc nhẫn cưới cụ đã mất ở đó hai năm trước.

Cụ Steward Petrie cho biết chiếc nhẫn cưới của cụ đã được tìm thấy trong số mấy con sò cụ quơ bắt được ở cùng bãi biển, nơi hồi tháng 7, năm 2003, đã tuột khỏi ngón tay của cụ, rơi xuống nước biển.

Sau khi cụ bà - Mary - chà rửa sạch chiếc nhẫn, hàng chữ "MPS to SJP 9-10-67" khắc trong lòng nhẫn hiện ra rõ ràng. Dòng chữ khiến cụ ông không ngăn được nước mắt trào ra …
Vợ chồng cụ Petrie cho biết họ sẽ mang chiếc nhẫn này đến một tiệm kim hoàn để cho làm mới lại. Trong thời gian chờ đợi, chiếc nhẫn sẽ không rời ngón tay của cụ ông.

"Châu về Hợp Phố" là gì?

Thời vua Tề (Xuân Thu Chiến Quốc – Thế kỷ 5, 6 trước Tây lịch), sử sách có ghi một ông tướng tên là Mạnh Thường Quân được vua phái đến cai quản địa danh Hợp Phố thuộc tỉnh Quảng Đông. Hợp Phố là nơi có nhiều ngọc trai. Thời đó, ngọc trai là một thứ báu vật cũng như ngà voi, và đá quí (châu ngọc). Quan lại tham nhũng thường cưỡng bách dân làng địa phương tìm ngọc trai về nộp cho mình; Cho đến khi tướng Mạnh Thường Quân đến chủ trì …
Mạnh Thường Quân nổi tiếng là người vừa hiếu khách, vừa thương dân. Trong nhà ông có lúc có đến ba ngàn khách "ăn dầm nằm dề", tá túc qua đêm. Từ khi ông cai quản Hợp Phố, dân địa phương thôi không phải đi mò trai, canh tác sinh sống thoải mái hơn, ai cũng biết ơn, và nể vì ông. Trong khi số lượng trai (có ngọc) - vì không bị lấy đi - sinh sôi, tích tụ ở Hợp Phố …

Ðó chính là: Châu (ngọc trai - đã) về (đầy lại ở) Hợp Phố.

Một thời gian sau, Mạnh Thường Quân không may bị vướng mắc vào một trọng tội, bị lính của triều đình bắt giải giam trong một cửa ải. Cửa chỉ được tự động mở ra khi có tiếng gà gáy sáng. Cùng bị giam giữ với ông là một người khách đã có lần tá túc ở nhà ông, tên Mao Toại, có biệt tài giả được tiếng gà gáy sáng. Nhờ tiếng gáy (giả) của Mao Toại, cửa ải được mở trước khi trời sáng, và tướng Mạnh Thường Quân được đi thoát, lúc lính canh chưa thức giậy.

Chuyện muốn ám chỉ: "Ở hiền thì sẽ gặp lành!"

Làm sao vật có thể về với chủ cũ?

Có nhiều người trong đời đã đánh mất nhiều vật quí, như: Nhà cửa, tiền bạc, châu báu, đồ sưu tập, v.v. Khi một báu vật bị thất lạc, phải là hi hữu lắm mới có trường hợp lại được hoàn về cố chủ. Người chủ có thể làm gì giúp chuyện hi hữu xảy ra?

Chuyện tìm lại được chiếc xe Corvette cho thấy hoàn toàn là nhờ những đưa đẩy tình cờ, mang lại may mắn bất ngờ cho chủ cũ. Cố chủ đã chẳng phải suy tính, hay làm gì trong tiến trình giúp báu vật trở về.

Tìm lại được chiếc áo dài, và cái ví da đã chỉ xảy ra khi người bị mất, hoặc do linh tính, hoặc nhờ có suy tính, lý luận, rồi phải tự mình lặn lội đi tìm, mới có kết quả.

Riêng chuyện chiếc nhẫn rơi vào giữa hai trường hợp vừa kể: Cố chủ tuy đã - tình cờ, hay có duyên đưa đẩy - trở lại nơi chiếc nhẫn bị tuột rơi mất, nhưng nào ai biết một con sò (làm sao lại ngậm phải/được chiếc nhẫn rơi xuống biển?) có thể - hay đã - di chuyển đến nơi đâu dưới đáy biển, trong suốt 2 năm trời?

* * *
Ðời người trời cho được khoảng 100 năm. Báu vật được có trong thời gian ấy có thể bị mất đi, lại có khi - dù rất hi hữu - trở về với mình. Nhưng cái quí vô giá, hơn tất cả những báu vật đối với bất cứ ai, lại là những người khác - những người mà mình yêu thương, và quí mến đã làm cuộc đời mình có ý nghĩa hơn.

Khác bất cứ báu vật nào trên đời này, trời chỉ cho mỗi người có một đời sống. Nếu chẳng may trong cuộc đời mình, có người mình yêu quí qua đời, không có may mắn, suy tính, hành động, hoặc đưa đẩy nào của người, hay của trời, có thể mang trở lại người mình đã mất.

Khi người đã mất người, Châu sẽ chẳng bao giờ Về Hợp Phố; Cho đến lúc đến lượt mình nằm xuống,người còn sống chỉ còn có thể ngẩn ngơ:

Có người đã gặp trong đời
                   Để lại dấu chân trong trái tim ta
                                  Khiến ta đã chẳng còn như trước

Nguyên Giao