Tuesday, 5 January 2016

Chuyện những nữ sinh không nghỉ tết - Hạ Vũ, thông tín viên RFA

024_114167-630.jpg
Nữ sinh Việt Nam (minh họa)
 AFP Photo
Mặc dù kì nghỉ Tết dương lịch năm nay kéo dài đến 4 ngày, một cơ hội tốt cho các bạn sinh viên tỉnh lẻ về quê ăn tết, nhưng vì rất nhiều lí do, không ít bạn đã chọn cách ở lại Hà Nội kiếm thêm chút tiền.
Công việc những ngày lễ Tết chủ yếu là những công việc mùa vụ, làm theo ngày như bán hàng Tết, làm PG, làm thêm tại các sự kiện cưới hỏi, làm bảo vệ, làm công việc quét dọn nhà cửa, phục vụ bàn,... Tiền công làm trong những ngày này luôn gấp 3 - 4 lần ngày thường. Đây là cơ hội cho những sinh viên nghèo muốn kiếm thêm tiền trang trải cho kỳ học tiếp theo. Thế nên nhiều bạn quyết định không về quê ăn tết.
Trong buổi liên hoan cuối năm cùng đồng nghiệp, Hạ Vũ có dịp trò chuyện với một nhóm sinh viên nữ làm công việc phục vụ trong nhà hàng. Tất cả các cô đều là sinh viên năm thứ 3 ở một trường đại học lân cận, cùng nhau làm thêm ở nhà hàng này.
Hạnh Nguyên thay mặt nhóm bạn chia sẻ:
“Cũng là vì em cũng muốn kiếm tiền nữa ạ. Xong là rồi muốn trải nghiệm về kinh nghiệm, về cuộc sống. Ít nhất là bọn em cũng cần phải có một ít kinh nghiệm và kỹ năng mềm của cuộc sống nữa. Mà công việc ở đây thì cũng nhẹ nhàng nên bọn em cũng muốn làm ở đây”
Hương Ly cho biết thêm:
“Ở đây thì có nhiều khách, cả nước ngoài lẫn Việt Nam. Ở đây thì học được nhiều ví dụ như là tìm cách để đối nhân xử thế, với những người khách khó tính với cả là khách dễ tính. Và ở đây em thấy thời gian hợp lý, em thích làm ở đây. Buổi tối thì bọn em làm từ 5h đến 10h tối là hết ca.”
Đặc trưng của những công việc lao động phổ thông là làm bán thời gian, môi trường làm việc đơn giản, thu nhập ổn định và có tiền mặt hàng tháng, không đòi hỏi nhiều kỹ năng... sẽ đáp ứng được nhu cầu trước mắt cho sinh viên. Ngoài phục vụ bàn, thì công việc bán hàng tại các shop quần áo, quán cà phê được rất nhiều sinh viên lựa chọn. Những công việc này thường ít phải vận động, chỉ làm 5 – 8 tiếng/ngày và mức lương được trả từ 2 - 2,5 triệu đồng/tháng, đủ cho việc chi tiêu vặt của sinh viên.
Tuy nhiên, những công việc này lại không đáp ứng được nhu cầu rèn luyện các kỹ năng sẽ phục vụ cho công việc sau khi các em tốt nghiệp. Hơn nữa, sự mệt mỏi, nhàm chán do tính đơn giản của công việc mang lại, cũng đồng thời khiến các em mất đi sự tò mò, đam mê tìm tòi, khám phá trong khoa học. Khi được hỏi về vấn đề này, tất cả các cô đều cười ngượng ngịu và cho rằng, việc học đầu tiên trong đời người chính là “học ăn, học nói”. Hạnh Nguyên cho biết:
“Cái lý do này thì…. Bọn em cũng muốn lắm. Nhưng mà, tại vì ở đây là gần trường, gần chỗ em ở nữa. Với lại thời gian của những công việc đấy thì nó cũng không phù hợp nữa với lại nó cũng đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn cho nên bọn em cũng phải lựa chọn công việc. Với lại công việc này bọn em cũng học được nhiều thứ lắm, về giao tiếp này rồi thì nhiều kinh nghiệm nữa… bọn em phải học nhiều thứ lắm, tốt nhất là bọn em nên học từ cái đơn giản nhất là ở đây ạ!”
Các bạn cô cũng đồng ý với cô. Hương Ly giải thích thêm:
Kinh nghiệm thì em cũng chưa có nhiều chị ạ. Mà trước hết, bản thân em đi học ấy, thì phải học cách đối nhân xử thế với mọi người trước rồi sau đó thì mình mới có thể làm được những công việc lớn hơn. Vì vậy em lựa chọn đi làm thêm ở những cái quán để học kỹ năng giao tiếp với tất cả mọi người trước, rồi sau đó, khi mình có kinh nghiệm nhiều hơn thì mình mới bắt đầu đi xin vào những cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp để làm về công việc chuyên môn của mình ạ!”
Tuy nhiên, kinh nghiệm, đặc biệt là những kinh nghiệm giao tiếp thông thường, không phải chỉ có va đập bên ngoài cuộc sống mới tạo nên, mà ngay khi trên ghế nhà trường các bạn đã được học rất nhiều kinh nghiệm từ những chuyến đi kiến tập, thực tập và thực hành trên lớp và việc giao tiếp, kết bạn với những bạn bè từ nhiều tỉnh thành khác nhau tới trọ học.
Đối với các nước Châu Âu và Châu Mỹ việc đi làm thêm được phụ huynh cũng như nhà trường rất quan tâm chú trọng, họ có những chế tài và quy định rõ rãng cụ thể. Các trường có hướng dẫn, quy định về việc làm thêm trong hay ngoài nhà trường. Những thông tin về việc làm, các đăng ký, các phương pháp rèn luyện đảm bảo sự cân bằng giữa học và làm thêm,... được hướng dẫn đầy đủ thông quan website, bản tin hàng tuần, cửa hàng công việc (Jobshop),... giúp sinh viên không chỉ dễ dàng tiếp cận với các công việc làm thêm phù hợp mà còn được bảo vệ khỏi những cạm bẫy bên ngoài và sự mất cân bằng giữa việc học và việc làm. Vì vậy sinh viên có thể thoả sức làm thêm mà vẫn học tập và rút được ra nhiều kỹ năng và kinh nghiệm. Việc làm thêm, không chỉ vì mục đích kiếm thêm tiền tiêu vặt, mà thường để trau dồi kinh nghiệm, xây dựng các mối quan hệ cũng như có thêm trải nghiệm để lựa chọn công việc yêu thích và phù hợp nhất cho mỗi sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Trong khi đó, sinh viên Việt Nam đi làm thêm, chủ yếu là các bạn sinh viên ngoại tỉnh, do thiếu thốn về vật chất. Ngoài thời gian đi học, đi làm những công việc không liên quan đến chuyên ngành học, tham vọng học tập của các em thường chỉ dừng lại ở những khái niệm rất mơ hồ về “kinh nghiệm”, “kỹ năng mềm”,...
Hạnh Nguyên cho biết:
“Ngoại ngữ của em thì không khá một chút nào. Em cũng đang cần đi học đây ạ. Nhưng hầu như là làm hết cả tuần. Chỉ làm buổi tối thôi nhưng làm hết cả tuần. Thời gian rảnh thì ngủ hoặc ôn bài. Có khi còn đi chơi nữa cơ.  Làm ở đây thì cũng là một phần của cuộc sống thôi.  Thứ nhất là bọn em gặp được kiểu người như thế nào này. Với lại bọn em gặp được người nước ngoài thì bọn em có thể giao tiếp một số ngôn ngữ, nói chung thì cũng đơn giản thôi nhưng em thấy cũng tốt. Ít nhất là bọn em cũng biết một chút tiếng anh để giao tiếp với họ.”
Không những không có các hướng dẫn từ phía nhà trường, thiếu tự tin vào năng lực và kiến thức của bản thân, thiếu hướng dẫn, họ còn không được bảo vệ khỏi những cạm bẫy từ các trung tâm môi giới việc làm.
Dạo quanh một số con đường, các trụ điện hoặc trên các bảng thông báo,... dễ dàng bắt gặp những tờ thông báo tuyển dụng hấp dẫn vào dịp Tết. Tại các bến xe, các đường ĐH, CĐ, những nơi đông đúc người qua lại đều có rất nhiều người phát tờ rơi, và những quảng cáo tìm kiếm trên google, với những lời mời chào cực kỳ hấp dẫn: “Việc nhẹ lương cao, nhận việc ngay, lương trả đúng hẹn sau khi làm xong việc, làm ngày 2-3 tiếng, uy tín, đảm bảo không mất tiền phí” …
Thấy công việc có vẻ tốt nên nhiều SV chủ động liên lạc, đến nơi nhiều bạn tá hỏa khi biết nếu muốn nhận việc ngay thì phải nộp một số tiền. Chấp nhận tốn phí để có được công việc hậu hĩnh kia, nhưng sau khi nộp tiền thì một số trung tâm hẹn ngày khác tới để đưa địa chỉ, hoặc bảo rằng trong 1, 2 ngày sau sẽ liên hệ lại. Và những lần gặp thứ 2, thứ 3 nhiều bạn SV bị yêu cầu phải nộp thêm 1 số khoản. Đến nước này nhiều bạn đã biết mình đã bị lừa nhưng đành cắn răng chịu đựng.
Đối với những bạn phải quyết định làm thêm trong dịp lễ tết, những nỗi vất vả đó thường tăng lên gấp bội. Hải Nguyên thay mặt cả nhóm chia sẻ:
“Ngày tết không được nghỉ thì buồn lắm ạ! Vì không được về với gia đình rồi lại không được đi chơi với người yêu nữa, thường thì người ta đi chơi với người yêu mà!”
Thiếu hỗ trợ, định hướng, thiếu sự khuyến khích, động viên nhằm tăng sự tự tin, tham vọng tìm tòi, khám phá cuộc sống, các cô gái Việt mặc dù đã dấn thân, dám trải nghiệm, dám hy sinh để học hỏi, để trưởng thành cũng không dám ước mơ nhiều hơn các thế hệ bà, mẹ đi trước.
Hạnh Nguyên chia sẻ:
Thì em cũng muốn có một công việc ổn định, tiền lương kha khá, đủ trang trải cho cuộc sống sau này”
Hương Ly cũng có cùng quan điểm:
“Ước mơ của em sau này là có một công việc ổn định, có tiền lương để đủ trang trải cuộc sống và sau đó thì tiến tới lập gia đình – nếu mà có ai lấy”
Đối với mỗi người Việt Nam, thời sinh viên là thời gian đáng kể nhất trong cuộc đời, khi họ được “ra khỏi lũy tre làng” và tiếp xúc với thế giới bên ngoài một cách hoàn toàn tự do, không có sự kiểm soát của bố mẹ cũng như bà con, làng xóm. Tuy nhiên, những người phụ nữ sẽ là chủ nhân tương lai của đất nước. Những người trẻ tuổi, sẽ làm mẹ - và chịu trách nhiệm về việc giáo dục thế hệ trẻ kế tiếp đang được chăm sóc một cách sơ sài như vậy.
Với những kiến thức nặng nề về chủ nghĩa Max Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trách nhiệm xây dựng tổ quốc xã hội chủ nghĩa,... mà các em bắt buộc phải học trong những năm đầu đại học; và những kiến thức chuyên ngành lỗi thời trong những năm tiếp theo; với vốn kinh nghiệm ít ỏi mà các em tích lũy được trong những giờ làm thêm vất vả, khó trách các em thiếu bản sắc, lập trường, và sẽ dễ dàng bị uốn theo môi trường làm việc mà các em sẽ “được lựa chọn” sau khi tốt nghiệp. Cũng như dễ dàng tuân theo các sắp đặt khác trong cuộc sống.
Mọi ý kiến đóng góp cho chuyên mục xin gửi về địa chỉ email: havu082008@gmail.com.