Mặc dù thời gian vui xuân đón Tết Âm lịch Bính Thân của người Việt đã trôi qua nhanh chóng trong sự hân hoan, hy vọng cho một năm mới an lành nhưng tại Việt Nam dư âm không khí vui chơi ngày lễ diễn ra dài hơn vì vừa hết Tết thì lại đến ngày Valentine-14 tháng 2; đó là ngày người ta bày tỏ tình thương yêu đối với người thân của mình.
Những email đầu tiên trong mục “Trao đổi Thư tín” sau Tết Bính Thân mà Hòa Ái nhận được hầu hết xoay quanh câu hỏi rằng “Đài RFA có ghi nhận gì về không khí đón Tết ở VN năm nay như thế nào?” Và còn có câu hỏi “Tết Bính Thân này có tưng bừng với khẩu hiệu ‘Mừng Đảng Mừng Xuân’ sau Đại hội Đảng CSVN lần thứ 12 thành công tốt đẹp hay không?”. Hòa Ái xin được thưa cùng quývị, có lẽ các câu hỏi vừa nêu là của những quý vị không đón Tết truyền thống tại VN như chính Hòa Ái đây nhưng tấm lòng hướng về quê nhà cũng như quan tâm đến tình hình đất nước VN trong năm mới ra sao.
Qua theo dõi các kênh truyền thông chính thống trong nước, thông tin nổi bật được ghi nhận trong 9 ngày nghỉ Tết có 300 người chết và gần 400 người bị thương. Đặc biệt trong dịp Tết Bính Thân này có đến hơn 5000 người phải nhập viện vì đánh nhau.
Sau đây Hòa Ái gửi đến quý thính giả tin nhắn ngắn gọn qua Facebook của một thính giả từ Thụy Điển:
“Xã hội VN ngày nay thật lạ lùng! Dịp Tết là dịp để người ta bỏ qua những hiềm khích, tha thứ những lỗi lầm cho nhau. Vậy mà số người xô xát, đánh nhau lên đến hàng ngàn người. Trong đó lại có hơn chục người bị thiệt mạng. Tôi còn đọc được thông tin của Văn phòng Chính phủ VN cho biết trong dịp Tết có 20 trường hợp tự tử do uống thuốc diệt chuột, diệt cỏ mà người trẻ nhất mới 19 tuổi. Năm mới nghe những thông tin này thật là xót xa!”
Trong tuần qua, Hòa Ái còn nhận được chia sẻ của một thính giả không nêu tên với nội dung viết rằng:
“Năm mới thông tin người Việt đánh người Việt phải nhập viện thì tràn lan trên mặt báo trong nước nhưng lại không thấy bản tin nào nói về tưởng niệm ngày 17 tháng 2 năm 1979; ngày quân đội Trung Quốc khai hỏa tấn công đánh người Việt ở 6 tỉnh biên giới phía Bắc VN”.
Thưa quý vị, chia sẻ vừa rồi nhắc đến cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung cách nay gần tròn 4 thập niên. Tiếp theo trong chương trình, mời quý vị cùng nghe chia sẻ của những thính giả là nhân chứng lịch sử của cuộc chiến tranh bi hùng này:
Thính giả Thái Lai kể lại:
“Ngày ấy chúng tôi những người lính sẵn sàng chết khi bảo vệ tổ quốc. Quân Trung Quốc đánh sang VN. Chúng phá nhà cửa, cầu cống. Chúng đốt, chúng cướp của và hãm hiếp phụ nữ nhất là chị em nông trường. Thật kinh hoàng khi nhớ về những ngày tháng đó”.
Thính giả lấy tên Phanvinhhbd Phan tâm tình:
“Buồn quá, tôi là một chiến binh thời đó. Mỏ than Na Dương, mặt trận Lạng Sơn, một thời sinh tử nhưng chưa bao giờ được ai nhớ tới. Đảng và Nhà nước không tổ chức mà dân tự làm thì cũng chẳng khác nào tự mình tưởng nhớ cho mình. Nếu vậy thì năm nào tôi cũng làm rồi. Vào ngày 25 tháng 2, ngày đáng nhớ nhất của đời tôi và các đồng đội của tôi, nhưng không ai biết. Nhà nước đã lãng quên rồi!”
Thính giả Bùi Thắng hồi tưởng:
“Vào những ngày đầu năm 1979 bọn chúng tôi đóng quân ở Làng đại học Thủ Đức, cứ mỗi sáng mỗi chiều khi nghe bài hát ‘Tiếng súng đã vang trên bầu trời Biên giới’ là lại hát theo mà lòng thì sôi sục ý chí muốn được ra trận chia lửa với đồng bào đồng chí”.
Thính giả Hải Nguyễn bày tỏ:
“Lớp trẻ bây giờ họ ít quan tâm đến vấn đề xã hội. E741 của chúng tôi đã có nhiều đồng đội hy sinh, nhiều đồng đội đã để lại một phần cơ thể nơi chiến trường biên giới Phong Thổ-Lai Châu. Tôi cũng bị đổ máu nơi chiến trường này”.
Chiến tranh biên giới Việt - Trung
Liên quan đến cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung dù đã 37 năm trôi qua nhưng đối với nhiều người hình ảnh tang thương, kinh hoàng của cuộc chiến tranh này mãi không bao giờ phai mờ. Nhiều khán thính giả và độc giả đài ACTD đặt ra những câu hỏi như “Tại sao người ta lại được phép quên đi một giai đoạn lịch sử dù ngắn ngủi chỉ vỏn vẹn 30 ngày nhưng thấm đẫm máu đào của con dân đất Việt?”hay “Tại sao giới trẻ không biết về cuộc chiến tranh này? Nếu có một cuộc chiến tương tự sẽ ra sao? Ai sẽ là người ra trận?”.
Sau đây, Hòa Ái gửi đến 2 chia sẻ của thanh niên ở VN nhân ngày tưởng niệm 37 năm cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung:
Thính giả Nguyễn Minh cho biết:
“Mình sinh ra ngày 17 tháng 2 năm 1979 thì cậu mình đã hy sinh ngay thời điểm đầu của chiến tranh biên giới. Hơn 30 năm sau, mình mới biết cuộc chiến tranh này do ‘người bạn láng giềng’ Trung Quốc gây ra”.
Thính giả Thanh Bùi viết trên trang Facebook RFA:
“Đúng là không lên mạng xã hội thì mình cũng chẳng biết ngày 17 tháng 2 là ngày gì. Đúng là có nghe người lớn kể lại năm 1979 phải tham gia bộ đội để đánh Trung Quốc rồi đánh Khmer Đỏ. Nhưng trong sách giáo khoa thì chẳng thấy đá động gì tới cả”.
Thưa quý vị, Hòa Ái ghi nhận qua các chia sẻ của thanh niên VN về cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung như của 2 bạn trẻ vừa rồi nhận được sự đồng cảm của công luận vì họ cho rằng “Lớp trẻ ngày nay không có gì đáng trách vì Đảng và Nhà nước VN cũng như lãnh đạo Quân đội còn không quan tâm, huống chi là các cháu”.
Thính giả Nguyễn Văn Adam thì lại giải bày:
“Không phải lớp trẻ không quan tâm mà là do sử sách ghi lại những ngày tháng bi thương và đầy oai hùng đó còn mong manh quá...Đừng vội trách lớp trẻ mà hãy trách những người có chức quyền đã cố tình quên đi, không cho lớp trẻ được biết tường tận những ngày tháng đó máu của đồng bào đồng chí đã phải đổ xuống suốt chiều dài 1450 km nơi biên cương phía Bắc để giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng của tổ quốc”.
Còn thính giả Khanh Nguyen kêu gọi các bạn trẻ VN nên tìm hiểu thông tin cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 qua kênh Youtube để biết nhiều hơn về tinh thần chống giặc ngoại xâm phương Bắc kiên cường của dân tộc Việt.
Trong khi đó, thính giả Phúc Trần nói lên suy nghĩ phẫn nộ của mình đối với chính phủ VN:
“Ngày 17 tháng 2 tưởng niệm cuộc chiến tranh biên giới Việt Nam-Trung Quốc, nghe mà xót xa vô cùng. So sánh với câu nói của ông Nguyễn Tấn Dũng đọc trong buổi lễ ngày 30 tháng 4 thì ông kể tội Mỹ, Ngụy ‘đánh cho Mỹ cút, Ngụy nhào đã gây biết bao đau thương cho đồng bào ta’. Nhưng ngược lại, CSVN bao che những gì Trung Quốc giết hại, tàn sát đồng bào của mình. Đảng CSVN đúng là nhu nhược!”
Hòa Ái xin được khép lại nội dung trao đổi thư tín xoay quanh ngày tưởng niệm 37 năm cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung qua chia sẻ của thính giả Thanh Phamdanh:
“Hôm nay ngày lễ dâng hương/Người đổ xuống đường tưởng nhớ các anh/Đây anh hùng hiên ngang giữ nước/Nối tiếp bước dòng máu của tổ tiên/Biết vùng lên khi đè nén/Biết hổ thẹn khi thấy lũ xâm lăng/Biết tự trọng khi tổn thương/Biết tự hào đánh đuổi quân xâm lược/Thế hệ sau khắc ghi lòng/Tưởng nhớ tự hào cha anh một thủa/Mai đây bầu trời sáng sủa/Sẽ xua tan đi bóng tối u minh/Để chúng ta đây cùng đoàn kết lại/Bắc-Nam một nhà giữ vững non sông”.
Mình sinh ra ngày 17 tháng 2 năm 1979 thì cậu mình đã hy sinh ngay thời điểm đầu của chiến tranh biên giới. Hơn 30 năm sau, mình mới biết cuộc chiến tranh này do ‘người bạn láng giềng’ Trung Quốc gây ra.
- Thính giả Nguyễn Minh
Thưa thính giả, trở lại với đời sống xã hội thực tại ở VN, người dân trong nước đón Tết Bính Thân với hy vọng ban nhân sự lãnh đạo mới của quốc gia sau kỳ đại Đại hội Đảng 12 sẽ gần gũi và lắng nghe ý nguyện của người dân nhiều hơn. Tuy nhiên ngay sau những ngày nghỉ Tết, người dân trong nước bị buộc phải chấp hành luật định mới theo Thông tư số 01 của Bộ Công An ban hành mà theo giới luật sư trong nước cho rằng thông tư này trái với pháp luật hiện hành. Theo đó, cảnh sát giao thông có quyền trưng dụng tài sản cá nhân của người dân như các loại phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc...
“Tôi là thính giả nghe đài ACTD. Tôi có nghe tin CSVN ra luật công an, cảnh sát giao thông có quyền trưng dụng tất cả tài sản riêng tư của công dân thì tôi nhìn ra một bức tranh rất đen tối và u ám. Nếu công an có quyền trưng dụng những đồ đạc cá nhân của công dân thì xã hội VN sẽ hỗn loạn. Bây giờ cướp giật đã đầy dẫy rồi mà thêm phần cảnh sát giao thông ‘cướp giật’ của dân nữa. Hai băng đó nhập lại thì không biết nhân dân có chịu nỗi không?”
Trong tuần qua, số đông thính giả trong nước liên lạc với Hòa Ái cho biết dân chúng lo sợ sắp tới Nhà nước sẽ đưa ra nhiều thứ luật khác nữa để gây khó dễ cho người dân. Họ nói rằng “Thật là kinh hoàng, tương lai người dân Việt sẽ ra sao đây? Buồn ơi là buồn!”.
Quý vị có thể liên lạc qua email tại địa chỉ vietweb@rfa.org hoặc hoaai@rfa.org, hoặc qua hộp thư thoại tại số 202-530-7775.