Saturday, 20 February 2016

Nguyễn Tuấn - Chuyện khủng bố

Thời đại ngày nay, đánh bom vào đám đông bất kể vì lí do gì được xem là khủng bố. Và, đúng như thế, vì ngay cả chính phủ Việt Nam vẫn thường hay lên án vụ khủng bố đám bom, kể cả vụ đánh bom ở khách sạn Marriott (Jakarta) gần đây. Ấy thế mà mới 2 hôm trước, báo Tuổi Trẻ có đi một bài ca tụng một vụ đánh bom vào khách sạn Caravelle trước đây (1)!
Vụ đánh bom này được thực hiện với một mục đích … lãng xẹt. Chỉ vì chính quyền VNCH lúc đó huênh hoang tuyên bố rằng “Sài Gòn sạch bóng Việt Cộng”, nên mấy người này chủ trương “phản biện” bằng 37 kg chất nổ TNT! Đúng là một cách phản biện nguy hiểm và có phần [xin lỗi các bạn] stupid. Bài báo cho biết hơn 50 năm trước, ngày 25/8/1964, ba người biệt động là Bảy Bê (Nguyễn Thanh Xuân), Minh Nguyệt (Trần Thị Minh Nguyệt) và Năm Bắc thực hiện vụ đánh bom vào khách sạn nổi tiếng Caravelle. Một trong 3 người từng là nhân viên của khách sạn. Họ đặt 37 kg TNT vào tầng 5 của khách sạn, làm cho "kiếng bể văng tung tóe ở vài ngã tư đông đúc của thành phố" (1). Thời đó, khách sạn Caravelle là nơi lui tới của các phóng viên quốc tế và những nhân vật quan trọng trong chính quyền. Nhưng vụ đánh bom chẳng gây cái chết cho ai, vì hôm đó mấy nhà báo bận đi công tác. Có thể nói là vụ khủng bố không thành công, nhưng cũng gây tác hại đáng kể cho khách sạn.
Những vụ đánh bom khủng bố như thế này đáng lẽ nên cho đi vào ... kỉ niệm. Thời đại ngày nay, ngay cả chính phủ Việt Nam còn lên án khủng bố đánh bom ở khách sạn Marriott bên Nam Dương (2), tức là đã hành xử văn minh hơn rồi. Ấy vậy mà cùng năm chính phủ Việt Nam lên án vụ đánh bom ở Jarkarta thì báo Pháp Luật Việt Nam đi có một bài về vụ đánh bom khách sạn Caravelle (3), với thông tin và câu chữ gần như y chang bài trên Tuổi Trẻ. Rõ ràng là có người tỏ ra rất tự hào về hành động khủng bố! Nhưng sự tự hào của họ, nói theo tiếng Anh, là rất ư "senseless", vì họ hình như không có cái thấu cảm [cho nỗi đau của nạn nhân của họ].
Những bài như thế này chỉ có hiệu quả nhắc người ta nhớ đến những vụ đánh bom khủng bố kinh hoàng khác. Như vụ đánh bom ở khách sạn Brinks trên đường Hai Bà Trưng (gần Nhà hát Lớn hiện nay) đúng vào ngày Noel 24/12/1964. Sáu tháng sau, ngày 25/6/1965, một vụ đánh bom đình đám khác tại nhà hàng nổi Mỹ Cảnh, và vụ này làm cho hơn 40 người thiệt mạng và 81 người bị thương. Sau đó là vụ đánh bom tòa nhà Tương trợ Đại học Quốc tế ở góc đường Hồng Thập Tự (tức Nguyễn Thị Minh Khai) vào ngày 3/5/1968. Vài năm sau (10/11/1971) một đặc công cộng sản ném lựu đạn vào xe của Bộ trưởng Bộ giáo dục lúc dó là Bác sĩ Lê Minh Trí làm cho ông và người tài xế chết. Nhưng vụ nổi tiếng nhất có lẽ là vụ đánh bom giết chết Giáo sư Nguyễn Văn Bông ngày 10/11/1971, chỉ vì ông này sắp đắc cử và tiến đến một thể chế dân chủ.
Còn những vụ đánh bom lẻ tẻ hay đặt bom chận xe đò ở các tỉnh lẻ thì nhiều vô kể mà danh sách dài phải chiếm một entry trong wikipedia (4), kéo dài từ đầu thập niên 1960 đến giữa thập niên 1970. Thật ra, có thể nói rằng ở Việt Nam khủng bố vẫn còn tiếp tục cho đến ngày nay, nhưng hình thức thì ít bạo động hơn và cũng phong phú hơn.
Cứ mỗi lần về Việt Nam, và đi lại trên những đường phố quen thuộc, tôi thỉnh thoảng cứ nghĩ mình đang đi trên những dấu ấn lịch sử. Biết bao nhiêu người đã bị ngã xuống trên những con đường đó. Mỗi lần đi ngang qua chỗ Hoà thượng Thích Quảng Đức tự thiêu, tôi hay có thói quen hỏi anh tài xế taxi, nhưng đa số đều không biết hoà thượng là ai và cái bức tượng đó có ý nghĩa gì. Còn hỏi về những cái chết của Gs Nguyễn Văn Bông thì hầu như chẳng ai biết, ngoại trừ những người xồn xồn gốc Sài Gòn. Ngày nay mà hỏi về vụ đánh bom nhà hàng Mỹ Cảnh thì chắc chẳng mấy ai còn nhớ. Nhưng những vụ đó là những chứng từ cho một cuộc chiến huynh đệ tương tàn, vì chỉ có người mình giết người mình.
Ở nước ta có một nghịch lí: những sự kiện đáng được bạch hóa (như chiến tranh với Tàu) nhưng lại không được; ngược lại có những sự kiện không cần bạch hóa (vì rất dễ làm đau lòng nhiều người) lại được nói đi nói lại như là một cách xưng tụng! Có những điều nên để cho đi vào quên lãng chứ không nên nhắc đi nhắc lại như là một kì tích. Khơi lại sự việc ám hại người chỉ làm đau lòng thân nhân của người kém may mắn. Người chết đã về bên kia thế giới, và kẻ chủ mưu giết người cũng chắc qua tuổi lục tuần và gần đất xa trời, và chắc họ cũng nhận ra họ chỉ là phương tiện cho những người dấu mặt đạt mục tiêu của họ. Một khi sát hại được dùng như là một phương tiện để đạt được mục tiêu, thì mục tiêu đó chẳng có gì là cao cả.
====