Thưa quí thính giả,
Qua hội nghị giữa TT Barack Obama và lãnh đạo của 10 nước thuộc Hiệp Hội Các Quốc Gia ĐNA ở Sunnylands Hoa Kỳ trong 2 ngày 15-16 tháng 2, đã kết thúc bằng một bản tuyên bố chung 17 điểm. Tuy hội nghị không có những cam kết mang tính cưỡng hành, nhưng nội dung bản tuyên bố chung đã đề cập đến hầu hết những điểm quan trọng gắn liền với đời sống của khoản 800 triệu dân trong vùng, từ kinh tế, chính trị, xã hội, đến an ninh, phát triển, luật pháp, nhân quyền, môi sinh, giới trẻ, và tranh chấp Biển Đông. Bản tuyên bố chung được xem như một lược đồ hướng dẫn hoạt động của Hoa Kỳ và các quốc gia ĐNA hiện tại và trong tương lai; việc thực thi những điều nêu ra là cả một tiến trình rất dài và phức tạp, đòi hỏi thiện chí của tất cả các bên liên hệ. Chưa kể đến việc TC đã thành công lôi kéo được Cambochia và Lào nghiêng hẳn về phía mình.
Dầu nhìn từ góc đô nào đi nữa thì hội nghị cũng là một dấu mốc đáng ghi nhớ trong mối quan hệ Hoa Kỳ-ĐNA. Điểm tích cực ở đây là HK muốn chứng tỏ cho các nước ĐNA rằng HK coi trọng những quốc gia trong vùng, dầu nước lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu, theo thể chế chinh trị nào đi nữa. Đồng thời HK chứng minh rằng vẫn giữ đúng những lời cam kết mà nước này đã nêu lên trong những hội nghị trong khu vực, như ASEAN 2011, ASEAN 2013, nhất là ASEAN 2015, tại đây, HK và ASEAN đã nâng mối bang giao lên tầm đối tác chiến lược; và hai bên đã thỏa thuận một kế hoạch hoạt động chung để thi hành những cam kết cho giai đoạn năm năm tới 2016-2020.
Một điểm không ai trong các nhà lãnh tham dự hội nghị muốn nói đến, ngoại trừ đông đảo người Mỹ gốc Á Châu bằng việc bày tỏ thái độ qua những cuộc biểu tình bên ngoài nơi hội họp; điều mà tờ LA Times đã chạy tựa mang tính châm biếm là "Một đám đông những nhà độc tài đang đến Nam California - A crowd of dictators is coming to Southern California". Có đến 7 người được nhắc tên là: là Hun Sen của Cambodia, Prayuth Chan-ocha của Thái Lan, Najib Razak của Malaysia, Hassanal Bolkiah của Brunei, Choummaly Sayasone của Lào, Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam và Thein Sein của Myanmar, mặc dầu ông này không đến dự, người đi thay là phó tổng thống Nyan Htun.
Quả thật vậy, những người Mỹ gốc Á Châu biểu tình để chống độc tài, và đòi hỏi tự do, dân chủ, và nhân quyền cho người dân tại đất nước của họ. Đặc biệt người Mỹ gốc Việt thì còn lo sợ quê nhà đang bị Trung Cộng thôn tính. Ngay trong lúc chuẩn bị hội nghị thượng đỉnh này, thì Trung Cộng cũng đang ráo riết bồi đắp thêm đảo nhân tạo, xây thêm phi trường, âm thầm bố trí hỏa tiễn phòng không ngay trên Hoàng Sa. Rõ ràng TC bất chấp dư luận và coi thường luật pháp quốc tế, đang biến các đảo thành căn sứ quân sự. Động thái này chẳng những đe dọa trực tiếp đến an ninh của Việt Nam, mà còn tạo bất ổn trong cả khu vực ĐNA nữa.
Người cầm đầu phái đoàn Việt Nam là thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ở cương vị lãnh đạo chính phủ suốt trong 10 năm, chắc chắn phải biết rõ những gì đang diễn ra ở Biển Đông, và phải biết rất rõ tầm quan trọng về vị trí chiến lược của Việt Nam trong khu vực. Ông cũng thừa biết rằng Hoa Kỳ đã tốn bao nhiêu công sức để tạo điều kiện giúp VN, một quốc gia với trên 90 triệu dân, đóng đúng vai trò của mình trong khu vực và trên trường quốc tế. Nhưng điều quan trọng hơn cả là ông Dũng phải biết người dân trong nước đang nghĩ gì và muốn ông nói gì trước cộng đồng thế giới; thế mà trong một diễn đàn hết sức thuận lợi, ông chỉ nêu ra những điểm chung chung ai cũng đã biết, ai cũng có thể nói được, không dám chạm đến cái tên TC là kẻ xâm lược, từ việc dùng vũ lực đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974, Trường Sa 1988, rồi xua quân qua biên giới tàn sát mấy vạn người Việt đúng ngày này 37 năm về truớc. Ông đề nghị các quốc gia ASEAN và Mỹ có tiếng nói mạnh mẽ hơn để tiếp tục thúc đẩy các bên giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Đó là thái độ né tranh sự thật, né tránh trách nhiệm của một chính phủ chỉ vì đảng, mà chẳng vì dân cho dân chút nào.
Sự lu mờ của VN trong hội nghị Sunnylands, đã được báo trước khi các nguồn tin cho biết ông Dũng sẽ không tham dự, đúng hơn là không được phép của Bộ Chính Trị đảng CSVN; nên đến ngày cuối, vì chút thể diện của người lãnh đạo chính phủ đương nhiệm nhưng không còn quyền được cử đi, nên ông Dũng chỉ nói đúng những gì ông được phép nói, nói cho qua chuyện, thế thôi. Dầu có sáng kiến, có điều kiện làm lợi cho dân cho nước, mà bất lợi cho đảng, thì sáng kiến ấy cũng phải vứt bỏ. Rõ rang VN đã bỏ lỡ quá nhiều cơ hội để đưa đất nước thoát khỏi nanh vuốt thâm hiểm của TC.
Tóm lại, lãnh đạo đảng CSVN mù lòa, nên họ cũng muốn đảng viên và quần chúng phải mùa lòa như họ. Đó là một bất hạnh to lớn cho VN hôm nay.
Cám ơn quí thính giả đã theo dõi bài qaun điểm của chúng tôi.
LLCQ