Tuesday, 29 March 2016

BỒ CÂU VÀ THÂN THUỘC - PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I


Đại biểu tộc Bồ Câu là một chị Bồ Câu trắng ở Geneva, Thụy Sĩ. Chị bay thẳng vào hội trường khi các nữ ca sĩ Thiên Nga đồng ca:

Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng
Nếu là hoa, tôi sẽ là một đóa hướng dương
Nếu là mây, tôi sẽ là một vầng mây ấm
Nếu là người, tôi sẽ chết cho quê hương. (1)

Cả hội trường vỗ tay vang dội khi bài ca vừa dứt. Không biết các đại biểu vỗ tay hoan nghinh sắc đẹp của các chị Thiên Nga, nghệ thuật trình diễn của các chị và ban nhạc Cygne hay tán thưởng âm điệu dễ thương và lời nhạc đầy tính quí phái cao thượng và tình yêu nước của ban nhạc?

Đại biểu tộc Bồ Câu được mời lên diễn đàn đọc bài tham luận của tộc mình. Tất cả các đại biểu trong hội trường đều rung động trước sắc đẹp quí phái và hiền thục của chị Bồ Câu trắng Geneva.

 
****
 
Tộc Bồ Câu chúng tôi gồm trên 350 chi tộc sống khắp nơi trên thế giới từ vùng ôn đới, nhiệt đới, bán nhiệt đới đến vùng khí hậu hàn đới. Chúng tôi có mặt khắp các lục địa Âu, Á, Phi, Mỹ và Đại Dương Châu. Quê hương gốc của tổ tiên chúng tôi là Âu Châu, Bắc Phi và Đông Nam Á. Người Việt Nam gọi chúng tôi là Bồ Câu. Theo Hán Việt thì Bồ Câu chúng tôi được gọi là Cáp Tử. Người Anh và Pháp gọi chúng tôi là Pigeon. Người Anh còn gọi Bồ Câu là Dovevà Pháp gọi là Colombe. Người ta cho rằng Pigeon là Bồ Câu lớn hơn Dove. Chung qui chúng tôi thuộc Điểu tộc sống rải rác khắp miền duyên hải và hải đảo trong vùng Địa Trung Hải. Đa số chúng tôi sống đông đảo ở các thành phố lớn trên thế giới như Paris, London, Rome v. v. Chúng tôi cũng sống trong các chuồng cây do loài người làm ra để nuôi chúng tôi. Ở Phần Lan có những trại nuôi Bồ Câu từ 20,000 đến 40,000 cặp.
 
 
Loài người đặt tên Bồ Câu bằng tiếng La Tinh là Columba livia domestica thuộc gia đình Columbidae. Người ta cho rằng tổ tiên của Bồ Câu được thuần hoá là Thạch Cáp Tử (Rock pigeon) tức Bồ Câu núi. Tên gọi thông thường của Bồ Câu nhà là Rock dove, Rock pigeon hay Feral pigeon (Bồ Câu hoang dã). Những tên gọi này như gợi lại nguồn gốc tổ tiên của chúng tôi hơn là tình trạng sống hiện tại của Bồ Câu nhà chúng tôi.

Tên gọi thông thường:
AnhPhápTây Ban NhaTrung Hoa
PigeonPigeonPaloma domesticaGe zi (Cap Tu)
DoveColombe  
Feral dovePigeon biset  
Rock pigeon   

Ở Úc Đại Lợi và New Guinea có nhiều Bồ Câu hoang. Họ sống bằng trái cây. Bồ Câu hoang đẹp nhất là Bồ CâuMegaloprepia magnifica và Bồ Câu Ducala aenea.
 
 
Màu quần áo của Bồ Câu có hai màu: màu trắng và màu hỗn hợp gồm xanh dương, xanh lá cây, màu đen, màu xám pha trộn lẫn nhau rất đẹp. Mỏ chúng tôi màu đen hay màu hồng. Chân màu hồng rất đẹp. Mắt tròn màu hồng rất dễ thương nên người Việt Nam thường khen nữ phái có cặp mắt Bồ Câu.
 
Lý lịch tướng mạo Bồ Câu khá đơn giản:
Chiều dài kể cả đuôiCánhTrọng lượngMàu mắt
30 - 35 cm60 - 70 cm300 - 400 gHồng; xám

Các lão niên Bồ Câu có mắt hồng. Thanh niên Bồ Câu có mắt xám hay hung đỏ.
Với đôi cánh nhỏ Bồ Câu chúng tôi có thể bay cao 1, 800 m với tốc độ 130 km giờ! Chúng tôi có khả năng bay từ 1, 000 km đến 1, 200 km mỗi ngày.
Về thức ăn Bồ Câu ăn hột, trái cây, côn trùng và loài bò sát nhỏ.
Tuổi thọ trung bình của Bồ Câu xê dịch từ 02 đến 05 tuổi. Tuổi thọ nhất là 15. 

Bồ Câu 06 tháng tuổi được xem như trưởng thành. Tộc Bồ Câu chúng tôi theo chế độ độc thê. Sau khi giao tình với người yêu và mãi mãi là chồng, các chị Bồ Câu sinh trung bình mỗi lần 02 trứng. Vợ chồng Bồ Câu luân phiên nhau ấp trứng. Chồng ấp trứng ban ngày. Vợ ấp trứng ban đêm. Sau 17 ngày đến 19 ngày trứng nở. Bồ Câu con có lông mịn lưa thưa. Đó là lúc hai vợ chồng Bồ Câu phải vất vả đi tìm thức ăn về cho con.
 
Trong trạng thái hoang dã tất cả các động vật ăn thịt sống, loài bò sát như Rắn, các loài Chim dữ, Chồn Cáo đều là kẻ thù của Bồ Câu. Ở thành phố hay trong các chuồng mà loài người làm để nuôi Bồ Câu thì Mèo, Chuột là kẻ thù của dòng tộc chúng tôi. Loài người nuôi chúng tôi để lấy thịt. Họ làm lồng nhiều màu sắc rất đẹp và sạch sẽ cho chúng tôi ở. Chỗ ở đầy màu sắc này nhằm mục đích tạo sự tự hào của Bồ Câu cư ngụ để họ rủ Bồ Câu ở những nơi khác không có lồng sặc sỡ và sự sống phú túc về chuồng lớn rộng rãi và đẹp đẽ. Loài người cho chúng tôi ăn các loại hột, có chút chất vôi. Đó là vỏ nghêu, sò, ốc, hến xay nhuyễn trộn với hột hay hột xay thành bột có chút muối. Chính chất mặn này làm cho chúng tôi không rời bỏ chuồng đi nơi khác. Vì đến nơi khác chưa chắc đã có thức ăn có hương vị như vậy. Trong quá khứ người ta nuôi Bồ Câu chúng tôi để lấy phân và thịt. Phân Bồ Câu còn quan trọng và đắt tiền hơn thịt Bồ Câu vì có salpetre NO 3 K (potassium nitrate, sodium nirate) dùng để làm thuốc súng.
 
 

Tôi xin dành vài phút để nói về thân thuộc gần của chúng tôi là Chim Cu dòng Zenaida. Gọi là Cu vì tiếng gù mái và tiếng kêu của nam phái dòng Zenaida có âm thanh Coo. Nhưng đừng nhầm Chim Cu với chim cuckoo Guira guirathuộc gia đình Cuculidae, Tiếng kêu của chim Cuckoo trở thành âm thanh của đồng hồ.
 
Chim Cu là thân thuộc gần với chúng tôi. Tên La Tinh và Hy Lạp của Chim Cu là Zenaida macroura (Macroura: đuôi rộng- Hy Lạp ngữ) thuộc gia đình Cuculidae. Vì tiếng gáy và gù não nùng nên các anh ấy được gọi là Mourning dove( Bồ Câu tang chế hay vũ cáp tử rain dove). Tộc Zeinada rất đông. Họ sống trong sa mạc, trong rừng, ở những cánh đồng hẻo lánh khắp thế giới. Có lối 20 triệu Chim Cu trên lục địa Mỹ Châu kể cả Hoa Kỳ.

Về tướng mạo Chim Cu giống như Bồ câu nhưng áo quần của các anh chị ấy không đẹp bằng áo quần của các anh chị Bồ Câu. Anh chị Chim Cu mặc áo màu tím nhạt hơi xám pha lẫn chút màu trắng và đen. Các anh chị ấy sống ở nông thôn, sa mạc, rừng núi chớ không sống ở thành thị như Bồ Câu chúng tôi.

Về tánh tình Bồ Câu hiếu hoà. Chim Cu hiếu chiến. Vì vậy các anh ấy dễ bị mắc bẫy của loài người đi gác Cu bằng cách chọn một con Cu Mồi có tiếng gáy dễ ghét để chọc giận các anh Chim Cu hiếu chiến nhảy vô lồng đấm đá với Cu Mồi và bị bắt vì bẫy sập xuống,  Chim Cu hiếu chiến bị bắt cầm tù.

Người Việt Nam có vẻ gần gũi và thân thiện với Chim Cu hơn là Bồ Câu chúng tôi. Họ có một số từ ngữ dành cho dòng họ này như:
- Cu Ra Ràn tức là Cu con mới nở vừa mọc lông. Cu Ra Ràn mập, thịt mềm như Bồ Câu Ra Ràn được quay bán ở các nhà hàng lớn ở Việt Nam.
- Cu Ngói là Cu có lông đỏ nhạt.
- Cu Mồi là Cu dùng để khiêu chiến các Chim Cu ngoài đồng để bẫy bắt họ khi họ vào lồng để đánh nhau với Cu mồi.
- Cu Cườm là loài Chim Cu có áo quần lốm đốm tựa như hột cườm. Theo kinh nghiệm những người nuôi Chim Cu và cho Chim Cu đấu đá nhau thì Cu Cườm là loại Cu hiếu chiến nhất. Thế mới biết nhìn màu áo ( lông) mà biết máu và, qua máu biết tánh tình.

Ở Nam Bộ người ta nói nhiều về Chim Cu qua những câu ca dao và các văn thơ địa phương như sau:

Trên đời có bốn thằng ngu, 
Thứ nhất: lãnh nợ,
Thứ nhì: làm mai,
Thứ ba: gác Cu,
Thứ tư: cầm chầu.


Ngó lên Trời thấy cặp cu đang đá,
Ngó ra biển thấy cặp cá đang đua.


Vũ trụ lúc nào cũng động. Lúc nào cũng có đấu tranh: đấu tranh giành ngôi thứ; đấu tranh để giành danh, lợi và quyền hành; đấu tranh để sinh tồn v. v.

Ca dao địa phương về món ngon của Cu Ra Ràn như sau:

Đố ai biết món chi ngon,
Gà lộn trái vải, Cu Con Ra Ràn.

 
****
 
Thưa quí vị, loài người cho rằng chúng tôi là Điểu tộc thông minh có thể huấn luyện được, biết nhận 26 mẫu tự của loài người, biết phân biệt hình dáng v. v. Chúng tôi xuất hiện 10,000 năm trong lịch sử loài người khi họ còn ở trong thời kỳ ăn lông ở lổ, chưa có văn tự chi cả. Chúng tôi có mặt trong lịch sử Mesopotomia ( Lưỡng Hà Châu) và Ai Cập lối 3000 năm trước Tây Lịch tức trên 5000 năm. Khi trùng tu đền thờ nữ Thần Ninhursang, Nữ Thần Thiên Địa ở Al Ubaid, Sumeria, năm 3000 trước Tây Lịch người ta thấy hình Bồ Câu. Xương Bồ Câu được tìm thấy trong các mộ cổ ở Ai Cập. Lịch sử chép rằng Vua Ramses III tế 57,000 Bồ Câu cho Thần Ammon ở Thebes. Bồ Câu tượng trưng cho tình mẫu tử và nữ tính. Người ta thấy tượng nữ Thần Ishtar của Sumeria ôm Bồ Câu. Người Phoenicians chở Bồ Câu trên thuyền khi buôn bán trong vùng Địa Trung Hải. Họ dùng Bồ Câu để lấy tin tức. Nữ thần Astarte của họ là Thần tình yêu và sinh sản có liên hệ đến Bồ Câu.
 
Nữ thần Aphrodite của Hy Lạp và nữ Thần Venus của La Mã được tượng trưng bằng Bồ Câu.

Trong truyện vua Shibi Jataka nói về tiền căn của Đức Phật ta thấy vua Shibi Jataka là người nổi tiếng nhân hậu và hay giúp đỡ người. Thần Indra và Agni muốn thử lòng nhân hậu của nhà vua như thế nào bằng cách hoá ra con Chim Ưng và Bồ Câu. Bồ Câu rớt vào lòng nhà vua. Chim Ưng yêu cầu nhà vua trao Bồ Câu cho Chim Ưng ăn thịt. Nhà vua cương quyết bảo vệ sự sống của Bồ Câu. Chim Ưng nói với nhà vua rằng nếu ông muốn cứu Bồ Câu thì ông hiến phần thịt của ông bằng trọng lượng của Bồ Câu. Nhà vua đồng ý. Nhưng phần thịt nhà vua hiến quá nhỏ so với trọng lượng của Bồ Câu. Chim Ưng yêu cầu vua hiến hết thân nhà vua thì mới cân bằng trọng lượng của Bồ Câu. Nhà vua tươi cười nhận lời. Nhưng khi lên bàn cân trọng lượng của nhà vua vẫn nhẹ hơn trọng lượng của con chim. Hai vị Thần Indra và Agni công nhận Shibi Jataka thực sự là vị vua nhân hậu và xả thân vì người.

Người Trung Hoa xem Bồ Câu là biểu tượng của trường thọ và sự thuỷ chung.

Trong Genesis ( Sáng Thế Kỷ) 8: 8 - 12 có câu chuyện Noah phái Bồ Câu quan sát Đại Hồng Thuỷ. Bồ Câu ngậm nhành ô- liu về thuyền của ông Noah như thông báo tin lành. Bồ Câu ngậm nhành ô- liu trở thành dấu hiệu Hoà Bình trên hành tinh chúng ta đang sống. Trong Tân Ước Kinh phần Matthew 3: 16 viết: Vừa khi chịu phép bap- tem Đức Chúa Jesus rời khỏi nước; bỗng chốc các từng trời mở ra, Ngài thấy Thánh Linh của Đức Chúa Trời ngự xuống như chim Bồ Câu đậu trên Ngài. Hằng năm Đức Giáo Hoàng thả Bồ Câu từ Toà Thánh Vatican vào ngày lễ Phục Sinh.
Dove là Thánh Thần trong ba ngôi (Cha, Con, Thánh Thần).

Hồi Giáo cũng có đề cập đến giáo chủ Mohammed (570 - 632) nhận thông điệp thiêng từ một Bồ Câu đậu trên vai Ngài. Ở Mecca và lăng mộ giáo chủ Mohammed có rất nhiều Bồ Câu.

Bồ Câu cũng được nói đến trong kinh Rig Veda (1500 - 1200 trước Tây Lịch) của Ấn Giáo (Hinduism). Ở Benares người ta làm nhiều chỗ ở cho Bồ Câu.

Từ ngàn năm trước Bồ Câu chúng tôi được xem là nhân viên Bưu Điện ngay khi cơ sở này chưa được loài người thành lập. Các danh tướng như Hannibal (247 - 183 tr. Tây Lịch), Genghis Khan (Thành Cát Tư Hãn- 1167? - 1227) đều dùng Bồ Câu chúng tôi trong việc liên lạc tin tức.

Nghe nói hoàng đế Julius Caesar có nuôi 5,000 anh chị Bồ câu.

Tiền nhân chúng tôi đem tin thắng trận Waterloo năm 1815 về Anh Quốc trước người của Quận Công Wellington 03 ngày. Người nhận tin này trước tiên là nhà lý tài gốc Do Thái Nathan Rothschild khét tiếng ở Âu Châu vào thế kỷ XIX. Ông là người tài trợ cho Anh đánh Napoleon I. Cũng có tin đồn ông bí mật tài trợ cho Napoleon I nữa!

Trong chiến tranh Pháp- Phổ ( Prussia) năm 1870 và Công Xã Paris 1871 Bồ Câu chúng tôi đóng vai trò liên lạc thơ từ tích cực và hữu hiệu khi Paris trong cơn nguy khốn.
 

Trong Đệ Nhất Thế Chiến Bồ Câu Cher Ami được toàn thế giới biết đến. Nhờ tin tức của Cher Ami mà 200 binh sĩ Hoa Kỳ được cứu trong lúc giao tranh với quân Đức. Cher Ami chết và được ướp xác cho khách thăm viếng Smithsonian Institute ở Washington D. C. xem.

Trong Đệ Nhị Thế Chiến hai chiến sĩ Bồ Câu GI Joe và Iris Paddy được tuyên dương công trạng. Bồ Câu chúng tôi có đóng góp công sức trong việc mang tin tức trong Chiến Tranh Độc Lập Do Thái năm 1948.
 
Trong thực vật học có:
- hoa Bồ Câu Aquilegia vulgaris. Theo tiếng La Tinh Aquila có nghĩa là chim đại bàng. Có lẽ chữ đại bàng có vẻ gây hấn và thiếu khiêm tốn đồng thời gọi lên sự chinh chiến nên người ta gọi loài hoa này là Columbine (Bồ Câu) cho có vẻ hoà bình.
- phong lan Bồ Câu (dove orchid) mang tên khoa học Peristeria elata.

Trong Thiên Văn Học có sao Columba hay Noah' s Dove (Bồ Câu Noah) nằm về phía nam chòm sao Caelum (Sao Dùi Đục) và Canis Major ( Đại Khuyển Tinh).

Năm 1967 một liên danh dân sự tranh cử tổng thống ở Miền Nam Việt Nam lấy dấu hiệu Bồ Câu Trắng. Trong chiến tranh Việt Nam lần thứ hai báo chí thường nói đến phe Diều Hâu và phe Bồ Câu. Phe Bồ Câu chủ trương chấm dứt chiến tranh. Họ bị phe Diều Hâu cho rằng họ là phe chủ bại.

Ở Việt Nam có bài ca Con Chim Hoà Bình của Lê Thương.
 
Ở Hoa Kỳ có No Pigeons (1999). Hoa Kỳ sản xuất một loại xà bông nổi tiếng lấy tên là xà bông Dove.
 
****

Bồ Câu chúng tôi được các tôn giáo của loài người dành cho một vị trí quan trọng. Bồ Câu là biểu tượng của hoà bình. Bồ câu ngậm nhành ô- liu là dấu hiệu của hoà bình và tin vui. Bồ Câu là biểu tượng của lòng chung thuỷ, xã hội độc thê. Mắt bồ câu được xem là mắt đẹp. Bồ Câu được dùng như những liên lạc viên thơ từ. Có nơi người ta tỏ ra yêu mến dòng tộc chúng tôi. Ở các thành phố lớn chúng tôi đi đứng tự do và được loài người mua bắp, ruột bánh mì cho ăn.

Loài người gán cho Bồ Câu chúng tôi lắm biểu tượng tốt đẹp nhưng nhà hàng của loài người không ngừng giết chóc con cái chúng tôi bằng cách rô ti Bồ Câu Ra Ràn, Bồ Câu Chiên, Bồ Câu nấu rượu chát. Họ ăn dòng họ chúng tôi rồi lại dặn dò nhau rằng: Đừng ăn thịt Bồ Câu ngoài đường tức Bồ Câu sống ngoài thành thị. Bồ Câu và Gà Tây thường bị bịnh Bồ Câu (pigeon disease) được biết dưới tên y học histomoniasis vì do vi trùng Histomonas meleagridis gây ra.

Trong ngôn từ loài người không tiếc lời chê bai và khinh khi Bồ Câu chúng tôi. Trong chánh trị phe Bồ Câu bị xem là phe chủ bại.
 
Chữ pigeon còn ám chỉ người ngây thơ dễ bị gạt. Nếu pigeon dùng cho phái nữ thì có nghĩa là người hấp dẫn nam phái. Hình dung từ pigeon- hearted có nghĩa là nhút nhát.

Đa số người Việt Nam là nông dân. Họ có cái nhìn tiêu cực đối với tộc Bồ Câu của chúng tôi qua các câu:

Muốn làm giàu thì nuôi Trâu nái.
Muốn phá sản thì nuôi Bồ Câu.


Lúa thóc đâu thì Bồ Câu đến đó.

Tôi xin mượn lời người Việt Nam để kết luận bài tham luận hôm nay. Kính chúc toàn thể quí vị một ngày vui và hạnh phúc.

Dưới hội trường có tiếng vỗ tay. Nam ca sĩ của ban nhạc Renard ca vang lên:

Con chim hoà bình đang đau nặng,
Ngày và đêm càng thêm lo lắng.
Đang lo chùi mài dao gươm đặng,
Chờ đợi ngày gặp chinh chiến chăng? (2)


Đại diện tộc Bồ Câu,
Nữ Bạch Cáp Tử Geneva

_______

(1) Tự Nguyện, nhạc Trương Quốc Khánh
(2) Hòa Bình 48, nhạc Lê Thương