Thursday 30 June 2016

Phan : ly sữa ngoài vườn…

Cơn mưa sớm làm trời đất âm u như lòng tôi vậy, vì vừa từ chối người bạn trẻ với một đề nghị hợp tác làm ăn mà tôi chỉ ăn tô phở chứ không nhận việc làm. Trên đường trở về nhà, tay lái tôi bỗng ngoặt đi thăm ông bạn già cũng đã lâu không gặp. Ông là người bạn tôi rất thương nhưng cũng là người làm cho tôi băn khoăn nhất về tuổi tác trong bạn bè. Vì mới mấy năm trước, ông nhờ tôi xem giấy tờ, điền đơn cho ông xin tiền già vì ông đã tới tuổi. Nhưng sức khoẻ ông khi ấy tôi còn nhớ rõ là rất kiện khang, đi đứng nhanh nhẹn, đầu óc minh mẫn, làm việc không thua kém ai. Thế mà ăn tiền già mới mấy năm, nay đã thấy lưng khòm xuống, nói trước quên sau, ánh mắt hết lanh lợi, tay chân chậm chạp và đã yếu đi nhiều…
Nhưng rất cảm động khi thấy ông mừng tôi ghé thăm ông bất tử. Nhìn đồng hồ đã gần mười hai giờ trưa, tôi nói ông thay quần áo đi, tôi chở ông đi ăn trưa. Ông từ chối vì, “bà xã tao kho cá mè kho lạt. Ngon lắm. Để tao dọn ra cho mày ăn thử…”
Điều không già duy nhất trong ông có lẽ là máu lính, “Mày ghé bất tử làm tao mừng quá! Nhưng một giờ tao phải đi làm. Nên nghe mày gọi, hỏi có ở nhà không là tao lùi vô tủ đá liền bốn chai. Bây giờ mỗi thằng hai chai, để tao lấy trớn… đổi ý, ở nhà nhậu với mày chứ mấy khi có dịp.”
“Ủa, ông đi làm lại rồi hả?”
“Đâu có. Tao đi làm thế cho thằng T vài bữa thôi. Nó bận đi mời đám cưới cho con gái nó. Thôi mày cứ uống hết hai chai phần mày đi. Tao hết hai chai là vừa đủ để đổi ý…!”
“…”
Ông bạn già bầy ra bàn ăn món cá mè kho lạt với cà chua. Tôi ngồi nhìn ra vườn sau xanh um rau mùi, chậu ớt trắng bông… chắc là tháng sau sai trái lắm! Bỗng nhớ quê dào dạt trong lòng với những bữa mưa giầm không đi ruộng rẫy gì được, cánh đàn ông cũng tụ nhau lại ở nhà ai đó mà lai rai thời tiết với cây nhà lá vườn. Tôi nói với ông bạn, “Chúng ta đi mang theo quê hương chả phải là chùm khế ngọt, tiếng võng, lời ru của mẹ gì đâu ông ạ! Chúng ta đi mang theo quê hương là cái tật gặp nhau là nhậu, bất kể sớm tối…”
Ông ngụy biện mắc cười, “Tao đâu có cần tiền đâu. Với, đi làm thế đó mà. Làm vài bữa cũng đâu có bao nhiêu tiền. Mày thì bận rộn liên miên, lâu lâu mới ghé thăm tao được mà…”
Ông dồn tôi vô thế tiến thoái lưỡng nan khi tình cảm không xong thì dụ dỗ… “Tao có món độc, phải là mày, tao mới nói ra: Tao có khô trăn! Độc chưa? Bây giờ tao đổi ý được chưa?”
Tôi lại trả lời ông bạn bằng một câu hỏi khác, “Hình như ngoài vườn có ly sữa trắng thì phải. Ông quên hả. Đổ bỏ luôn đi nha vì nước mưa đã vô rồi, đừng uống nữa…”
Ông đi lục khô trăn. Đã già hay quên lại ưa giấu hàng độc nên lớ ngớ trong bếp thấy thương. Miệng oang oang vì ông có tật nói lớn tiếng dữ lắm, “Đâu có. Hồi sáng, tao rót cho bả ly sữa. Sáng nào bả cũng uống ly sữa rồi mới đi làm. Sáng nay bả mê cây nên quên uống rồi đó!”
Tôi nhất định không nhậu để ông bạn đi làm. Nhưng suốt đường về nhà, xe của thổ địa như tôi ở thành phố này dường như biết tự lái. Hết đầu hồn tôi ở ly sữa ngoài vườn. Ông ấy già rồi, nhưng sáng ra còn biết rót cho vợ ly sữa uống trước khi bà ấy đi làm. Còn ta?
Còn ta trong cõi ta bà này thì sao? Chưa bao giờ cô độc vì bạn bè giống ta đông vô số kể! Hầu hết những người tôi quen biết đều nghe họ kể chuyện được vợ chiều, rất hiếm khi nghe được ai đó nói câu dễ ẹt mà khó hơn lên trời là tại bà xã tôi muốn vậy nên tôi làm vậy! Chịu chưa. Hỏi hoài! Nhưng ông bạn già này khác, chuyện ngoài đường, chuyện đàn ông với nhau thì ông cũng trời gầm dữ lắm chứ đâu có hiền. Vậy mà sáng ra còn rót cho vợ được ly sữa trong thế thái ngập ngụa những ông chồng chỉ thích đi vắt sữa nhà bên…
Và tôi nhớ tới anh T ở hãng cũ, tôi với anh thường ngồi ăn trưa chung bàn với hai người phụ nữ Việt, một bà chị và một cô em của chúng tôi. Một hôm, cô em giỡ phần ăn trưa của mình ra, rồi hớt hải nói với bà chị,
“Thôi chết em rồi, em hư đốn quá!”
“Chuyện gì, con nhỏ này?” – Bà chị hỏi.
“Hồi sáng, em giỡ lunch cho chồng em là mì xào. Còn em là cơm, tính ăn cho hết hai cái cánh gà nướng bị cháy cháy, con em không ăn nên em ăn cho hết để bỏ uổng. Vậy mà bây giờ hũ nước nắm lại ở trong giỏ em. Chồng em làm sao ăn được mì xào mà không có nước mắm. Em hư quá…!”
Cô nói rất chân tình, vẻ bối rối, ân hận của cô càng làm ba người còn lại xúc động hơn khi cô te te rời khỏi phòng ăn để ra ngoài nói điện thoại cho dễ… Ai chả biết là gọi chồng xin lỗi.
Rồi chúng tôi ăn xong, bà chị dư biết chúng tôi ra ngoài hút thuốc nên nói với chúng tôi, “Hai ông kêu nó vô ăn cơm. Nó nói điện thoại tới hết giờ thì làm sao nó ăn…”
Anh T nói lại đúng lời bà chị dặn, nhưng cô em làm tôi ngỡ ngàng, “Em giận em quá! Em tự phạt em nhịn đói luôn. Chứ chồng em không có nước mắm thì làm sao ăn mì xào. Ảnh đói chắc!”
T nhìn tôi. Tôi nhìn T. Hai thằng bỏ đi cho người ta bớt ngại tâm tình…
“Đó mới là quê hương mà người di tản, người tỵ nạn đã mang theo…” – Tôi nói với anh T. Trong khi anh lại mang suy nghĩ khác, “Vợ chồng còn trẻ mà ông, chưa già làm sao sanh tật được?”
“Anh nói cái gì lạ vậy anh T?”
“Tôi không biết anh sao? Nhưng hồi tôi mới qua Mỹ cũng y chang như vợ chồng con nhỏ H bây giờ. Sáng nào tôi cũng pha hai ly cà phê vì tôi pha cà phê ngon hơn bà xã tôi. Vợ tôi thì giỡ cơm cho tôi xách đi làm. Thậm chí tới lúc mở ra ăn tôi mới biết là món gì. Nhưng không lâu sau, (là chuyện bây giờ tôi mới nghĩ ra). Khi đã lao được đầu vào cuộc sống mới là lúc chúng ta đi cày ngày, cày đêm vì chưa có cái gì hết thì phải cày thôi. Rồi nhà, xe mọc lên, con cái càng lớn càng đòi hỏi nhu cầu nhiều hơn, cũng là lúc áp lực công việc, áp lực cuộc sống, làm chúng ta thay đổi vì mệt mỏi, đuối sức. Tánh tình ai cũng nóng nảy hơn, cáu bẳn hơn. Thực sự là tôi không đủ giờ để ngủ nên nằm ráng tới chẳng thể nữa thì chạy tuốt vô hãng cho kịp giờ, rót ly cà phê Mỹ chán như nước dảo của cà phê Việt nam. Bưng vô chỗ làm, vừa làm vừa uống chẳng ngon lành gì, chỉ đỡ ghiền, đỡ buồn ngủ… Bây giờ nghĩ lại là tôi bỏ pha cà phê sáng cho bà xã tôi trước, nên bà ấy bỏ chuyện giỡ cơm cho đi làm là đương nhiên. Bây giờ nghĩ lại những hôm tôi xách cơm trưa đi làm thì chiều lại xách về. Thay vì vợ tôi hỏi, anh không khoẻ hả, sao không ăn trưa? Có lẽ tôi đã thật thà một cách hiền lành trả lời, trời nóng quá, anh ăn không nổi mấy món khô. Nhưng vợ tôi cũng đã hằn học vì cuộc sống thiếu ly cà phê sáng, chỉ có quay cuồng với cơm áo gạo tiền nên thấy tôi xách cơm đi rồi lại xách về thì xách mé tôi, hôm nay đi ngoài nữa rồi hả. Bữa nào đi ăn ngoài thì làm ơn nói… để khỏi mất công giỡ cơm.
Vậy là đời sống của tôi đã chấm dứt thời kỳ sáng nào cũng có giỏ cơm sẵn trên bàn bếp để tôi xách đi làm. Đã đến thời kỳ thấy có thì xách, thấy không cũng chẳng hỏi. Tôi bước qua nhịp cầu không bao giờ thấy giỏ lunch trên bàn bếp trước khi mình đi làm nữa một cách dửng dưng…
Thật là bây giờ rảnh rỗi tôi mới có thời giờ để suy nghĩ lại. Từ những rạn nứt nhỏ nhưng vợ chồng tôi cùng đã nghĩ sai là chuyện nhỏ, không đáng quan tâm. Chuyện lớn của chúng tôi lúc ấy là mạnh ai nấy lo đi cày để kiến tạo cơ ngơi, để tích lũy cho con cái…
Rồi bỗng dưng đến lúc con cái bắt đầu bay xa khỏi quỹ đạo gia đình thì nhìn lại chỉ còn khoảng cách cách biệt giữa hai người không hàn gắn ngay những rạn nứt nhỏ từ đầu nên chúng đã rách toạc ra những thói quen ăn uống không còn giống nhau, suy nghĩ khác lạ do ít nói chuyện với nhau thường như xưa, cả cái nhìn về tương lai cũng khác do sức khoẻ đã sút giảm, tuổi già ập tới với những bệnh tật có cái bắt đầu, cái đã thâm niên trong mỗi người. Điểm nguy hại nhất của tuổi già tới mà tôi nghĩ là cả nam lẫn nữ đều giống nhau là không la toáng lên những bất bình như hồi còn trẻ nữa mà lại cắn răng chịu đựng. Tôi bực tức tới phát điên cũng dằn lòng cho nhà cửa êm ấm, con cái yên tâm về cha mẹ. Ngược lại vợ tôi cũng như thế. Mà cả hai không biết là mỗi người đang tự chế tạo vũ khí hạt nhân để sát hại nhau, cũng là sát hại chính mình, là hủy diệt chính công trình của hai người cùng xây dựng, cùng mong muốn, mơ ước…
Tôi nghĩ lại hồi còn trẻ, tôi hắt ly cà phê sữa đá của vợ tôi ra vườn; hắt luôn cả cái ly vì tôi nói hoài rồi, uống nước đá thì cái ly phải có cái đĩa hứng phía dưới. Tôi ân hận sau đó là mình quá nóng nảy, quá đáng! Nếu chồng có phải đi lau cái dấu ly trên bàn do vợ quên thì cũng đâu phải là chuyện gì lớn. Tôi nói lời xin lỗi chân thành. Nên từ đó ly cà phê sữa đá của vợ tôi luôn có cái đĩa bên dưới. Hay ngược lại, tôi có tật hay bỏ giày dép lung tung, lại ngay cửa garage vào phòng giặt. Vợ tôi sắp xếp lại thì cũng chỉ được vài hôm. Đến hôm con gái tôi còn ngái ngủ mà phải đi vội cho kịp xe buýt học trò, nó vấp giày dép của tôi nên té ngã đến bầm mặt. Vậy là hết giày dép của tôi vô thùng rác! Nhưng chỉ sau lần đầu tiên đi làm về, tôi biết để đôi giày vừa cởi ra vào đúng chỗ của nó. Vợ tôi lại đi mua sắm cho tôi vài đôi giày mới… Khi còn trẻ, sóng gió dữ dội từ hai phía, nhưng trời quang mây tạnh thật sự sau bão tố. Đó mới là những chuyện nhỏ, còn những chuyện tôi tày trời hơn, vợ tôi ăn phải gan hùm hơn… cũng qua khỏi sau những trận nảy lửa tưởng chừng vô phương…
Bây giờ nhìn lại mới thấy những chuyện ngày xưa còn cứu vãn được do còn nói ra thì còn chữa lành lại được. Nhưng tuổi tác có mặt lợi là làm cho người ta bớt nóng nảy thì lại gây khó khăn ở mặt thích im lặng hơn nói ra. Nên không phải là một trận cãi vả tới tan cửa nát nhà với sức tàn phá của bom tự chế từ sự im lặng. Cái sức hủy diệt của bom tự chế do thiếu trao đổi, mất liên lạc giữa vợ chồng theo thời gian mà chúng ta cứ lầm tưởng là hiểu nhau đã mấy chục năm rồi! Thật ra chẳng hiểu gì hết, vì tất cả đã thay đổi hết, từ ngoại hình tới tánh nết sau mấy mươi năm đã thay đổi hoàn toàn mà chưa chắc gì tự bản thân mình nhìn ra mình thì một người không phải mình nhìn ra được bao nhiêu phần trăm – dù là vợ chồng. Chúng ta mặc áo bất tử cho chuyện hôn nhân của mình bằng tư duy trong khi hôn nhân không biết suy nghĩ. Nên nó trả áo nhẹ nhàng…
Một hôm nghỉ lễ cuối năm. Cả nhà thức khuya tiệc tùng vì con cái tụ về. Tôi dậy sớm theo thói quen, nhưng vợ tôi khác thường là cũng dậy sớm trong một ngày được nghỉ… để nói chuyện riêng với tôi ngay đầu ngày. Nhẹ nhàng lắm ông ơi! – Em nghĩ là nói gì cũng thừa. Nên em chỉ nói vắn tắt với anh: Em muốn sống một mình. Mong anh hiểu, và thông cảm cho em. Em xin lỗi anh.”
“Rồi anh phản ứng ra sao? Giận dữ hay xuôi tay, níu kéo hay buông bỏ?”
“Năm đó. Tôi đã đủ bình tĩnh với tuổi đời. Tôi nói với bà xã tôi: Em nói đúng. Phần anh cũng xin lỗi em là anh đã để mọi việc tới hết cách, tới khiến em phải nói ra với anh hôm nay…”
“Ông nói thật không vậy! Dễ dàng vậy sao?”
“Anh cứ nghĩ lại những gì tôi kể cho anh nghe nãy giờ xem. Dường như vợ chồng nào cũng như nhau thôi. Vấn đề là mức độ nặng hay nhẹ hơn nhau mà đi đến kết thúc khác nhau.”
“Thì ra…”
“Thì ra gì?”
“Tôi thấy anh có vẻ khác thường. Nhưng tôi chỉ nghĩ anh là người ít nói, có tính khí nghiêm túc nên ít giỡn…”
“Tôi đâu nghĩ có ngày trở lại làm hãng. Nhưng từ khi bà xã tôi sống riêng. Tôi bỏ hết những việc làm ăn, đi làm hãng cho ngày bớt dài thôi.”
“Có hy vọng gì không?”
“Tôi lại muốn duy trì hiện tại. Không biết có sai lầm thêm một lần nữa không? Nhưng hiện tại tôi có vợ tôi trong tôi, khác với khi còn sống chung mà không có nhau trong lòng thì… cũng như không!”
“Tôi công nhận điều đó, bằng chính bản thân tôi. Những buồn bực đã làm cho hai vợ chồng… còn tệ hơn hai người share phòng, sáng ra họ còn chào nhau trước khi đi làm. Trong khi vợ chồng lại không chào nhau được một cái trước khi đi làm; không một tiếng hỏi câu chào buổi sáng trước khi đường ai nấy đi. Tôi thường nhìn theo xe bà xã tôi tới khuất nơi góc đường. Huơ tay từ giã như ném nấm đất, cành hoa xuống huyệt hôn nhân của mình…”
“Như vậy là anh hiểu được những gì tôi nói. Tôi không thích trò chuyện nhiều với những người giàu tưởng tượng trong hãng. Đôi khi họ nói mà chẳng có suy nghĩ gì hết!”
“Thì, cõi ta bà mà. Ai thích cứ quăng lựu đạn. Ai khôn thì né, ai dại trúng miểng…”
“Được như anh thì dễ sống rồi! Tôi không được như thế! Tôi cứ ám ảnh tội lỗi về việc khi còn sống chung nhà, ngủ chung giường. Đêm, bà xã tôi ho xù xụ. Tôi có đi rót cho bà xã ly nước, vỗ lưng vài cái quan tâm, quan tâm thực tế hơn là: ngày mai em phải đi bác sĩ. -Sáng ra tôi lo hết vì tôi đâu có nói láo trong đêm. Nhưng tự thân vợ tôi nghĩ là tôi nói một đàng nhưng nghĩ một nẻo trong đêm… có thể vợ tôi nghĩ là tôi không nói ra thôi chứ tôi rất bực mình với tiếng ho của người nằm bên cạnh thì làm sao tôi ngủ. Vợ tôi tự nghĩ, rồi xách gối qua phòng bên. Qua đêm như thế thì sáng ra đâu còn thèm nhận lời tôi đưa đi bác sĩ nữa…
Vợ chồng càng già càng thiếu thông tin đúng về nhau và càng già lại càng dư suy đoán (lệch lạc) mới khổ. Chuyện đó là giọt nước tràn trong quan hệ vợ chồng tôi. Nhưng tại sao ngay lúc vợ tôi xách gối qua phòng bên, tôi nghĩ ngay đến một sự hiểu lầm. Nhưng lại không theo chân để giải thích; để mọi chuyện đi đến tồi tệ.”
“Còn bây giờ?”
“Tôi nghĩ là đôi bên đều thoải mái. Tôi thèm ăn món gì đó mà vợ tôi nấu là ngon nhất; hoặc tôi thèm món vợ tôi nấu dở nhất (đó là tín hiệu tôi không muốn ăn nhưng muốn gặp bà). Tôi gởi tin nhắn, Hôm nào em có làm món đó thì cho anh ăn với. Đã lâu anh không được ăn món đó! Thường thì cuối tuần tôi nhận được tin nhắn, Hôm nay, anh qua… (đây) ăn cơm chiều. Chắc chắn là có món ngon hoặc món dở. Cả hai cùng có một bữa ăn vui vẻ vì hôm tôi xin món ngon thì vợ tôi hiểu là tôi thèm ăn; hôm tôi xin món dở thì cũng dư hiểu là tôi thèm gặp. Tôi muốn về thì đừng uống quá để chừa đường lái xe. Muốn ngủ lại… thì không được uống giọt nào!”
“Khà khà… Tôi biết được bí mật của anh T rồi!”
“Thì vậy đó! Rất thoải mái. Nhờ thoải mái mà tôi nghĩ ra được những ngu ngốc trước đó! Thèm ăn không nói thì vợ nào biết làm cho đúng món mình muốn. Rồi không đúng món thì mặt nặng mày nhẹ, bỏ ra ngoài ăn. Vợ nào không giận.
Bây giờ tôi không phải cảnh già cậy con mà van con. Vài hôm tôi lại gởi ra tin nhắn cho con gái: Mẹ có chuyện gì nhớ cho cha hay liền. Khi nhận được tin nhắn của con tôi, Mẹ không khoẻ. Nhưng cuối tuần con mới về với mẹ được. Ba trông chừng mẹ dùm con. Tôi ưa cười thầm một mình khi nghĩ tới hạnh phúc của người này là khổ đau của người khác; bệnh hoạn của vợ là cơ may của chồng. Tôi mau mắn gởi ra tin nhắn, Em không khoẻ hả, anh sang liền…
Tôi sang nhà, bắc nồi cháo, xem qua mớ thuốc trên đầu giường là những thứ thuốc gì, có loại nào không thích hợp với vợ tôi không? Những quan tâm lý trí như không để vợ mình thua kém ai về tên tuổi, địa vị, tài sản… tình cảm không cần những thứ ấy mà tình cảm cần một tấm lòng; bà lão cần một ông lão nhướng cái kính lão, đưa lọ thuốc thiếu điều đã ra ngoài cửa sổ vẫn chưa đọc được chữ ghi trên đó vì nó nhỏ như con kiến. Bà lão đưa cái kính lúp lỏn lẻn như ngày xưa đưa cái áo mưa…”
Nghe chuyện anh T như xem kịch hài. Vở hài kịch của nhiều đôi vợ chồng… thực sự là thiếu thông tin chính xác về nhau khi tuổi già ập tới mà lại dư suy đoán (lệch lạc) mới khổ!
Phan