Thấy một thanh niên
trông quen quen, mặc quân phục Hải Quân, đi ngược chiều với mình, Thạch chậm
Vespa lại. Nhận ra người bạn thân hồi trước học trường Hưng Đạo rồi sau cùng
vào Đại Học Khoa Học với chàng, Thạch thắng Vespa, reo lên:
-Luân! Phải Luân
không?
Chàng Hải Quân ngạc
nhiên:
-Ủa, Thạch! Mày làm gì
mà mặc đồ Biệt Động Quân “ngon” vậy?
-Tao bị động viên vào
Trường Sĩ Quan Thủ Đức; ra trường, xin về Biệt Động Quân. Còn mày, đi Hải Quân
hồi nào? Tao nhớ hình như mày nhỏ tuổi hơn tao mà.
-Ừ, tao chưa bị động
viên; nhưng thấy bạn bè nay đứa này “lên đường”, mai đứa kia bị thương, mốt đứa
khác tử trận, tao chịu không được, tình nguyện vào Hải Quân.
-Hải Quân mà giờ này
lang thang ở đây?
-Chiến hạm vừa về nghỉ
bến, tao muốn ghé thăm bà Cô để nhờ nhỏ em chở giùm về nhà Bố Mẹ tao. Còn mày?
-Tao đi phép về thăm
gia đình. Mày đi đâu, tao chở mày đi?
Vừa “phóng” lên phía
sau Vespa Luân vừa nói:
-Cảm ơn mày. Cô tao ở
gần đây thôi.
-Có phải bà Cô mà hồi
trước tụi mình thường tới chơi rồi đàn hát “lung tung beng” hay không?
-Đúng rồi.
-Vậy thì tao nhớ rồi.
Thạch chợt nhớ Cô có
người con gái đàn và hát rất hay, nhưng chàng không nhớ tên; vì lúc đó cô bé
còn nhỏ, chưa gợi được sự chú ý của thanh niên.
Thạch dừng Vespa trước
nhà Cô. Luân bước xuống, chưa kịp cảm ơn Thạch thì Thủy Ngọc – con gái của Cô –
đi học vừa về. Thủy Ngọc vui mừng chào Luân và Thạch rồi đi vào nhà. Ánh mắt
của Thạch không rời Thủy Ngọc.
Thấy ánh mắt của
Thạch, Luân hơi phân vân; vì biết Chú của chàng không thích nhà binh – nhất là
sĩ quan thuộc các quân binh chủng “thứ dữ” – vì Ông ngại con gái của Ông
sẽ…Nhưng nếu, ngay bây giờ, Luân từ giả người bạn thân từng học chung, đi biểu
tình chung, từng “văn nghệ văn gừng” với nhau trên các sân trường đại học thì
Luân không đành!
May quá, nhờ Thủy Ngọc
cho biết có Luân và Thạch đến thăm, Cô bước ra cửa:
-Luân! Sao không đưa
bạn vô nhà chơi, con?
Luân chưa kịp đáp,
Thạch đã vội dựng Vespa, cúi chào:
-Dạ, kính chào Cô. Lâu
rồi mà Cô vẫn nhận ra cháu.
-Cháu bận đồ lính thấy
khác thật, nhưng Cô vẫn nhận ra. Vô chơi, cháu.
Từ hôm đó, mỗi ngày
Thạch đều đến Bến Bạch Đằng, lên chiến hạm HQ505, rủ Luân đi thăm Cô. Như dạo
còn đi học, mỗi khi đến nhà Cô, Thạch thường đệm Guitar, Luân đàn Piano,
Thủy Ngọc đàn Violon; đôi khi ba người thay đổi nhạc cụ hoặc cùng hát
bên nhau.
Sau đó, mỗi khi về
phép, Thạch đều đến nhà Cô để thăm Thủy Ngọc. Thời gian này Thủy Ngọc đã trở
thành một thiếu nữ cao, với những đường nét rất cân đối cùng gương mặt xinh
đẹp, nhân hậu và đôi mắt nâu thơ dại. Chính nét thơ dại trong đôi mắt nâu nồng
nàn và khuôn mặt phản phất vẻ đẹp Tây Phương cùng với tiếng đàn, tiếng hát của
Thủy Ngọc mà rất nhiều chàng trai say mê, theo đuổi nàng.
Thạch thầm tiếc là
thời gian trước đây, cùng Luân đến thăm Cô và biết Thủy Ngọc học cùng trường,
Thạch đã không hề để ý đến cô bé con, người còn “suôn đuột”, “chưa có ngực”.
Bây giờ, mỗi lần về phép là mỗi lần hồi hộp, vì Thạch không biết Thủy Ngọc đã
bị ai chinh phục hay chưa!
Riêng Thủy Ngọc, dù
biết Bố không thích nàng giao thiệp với nhà binh, nàng cũng vẫn bị cuốn hút vì
bộ quân phục thẳng nếp, mái tóc cắt ngắn, làn da sạm nắng, dáng đi hiên ngang,
đôi mắt nhìn thẳng và thái độ tự tin.
Tình yêu trong lòng Thủy
Ngọc và Thạch âm thầm nảy sinh cho nên chàng và nàng thường chọn những tình
khúc có lời ca ướt lệ để cùng đàn, hát bên nhau.
Những khi vắng Thạch,
Thủy Ngọc thường thẩn thơ một mình, nét mặt buồn buồn và đôi mắt xa xăm như
mong ngóng một điều gì! Khi Thạch về phép, ghé thăm, Thủy Ngọc tươi cười, líu
lo như chú chim non vừa sổ lồng.
Mỗi khi thấy sự thay đổi
thái độ nhanh chóng của Thủy Ngọc, Bố Mẹ của nàng tự hỏi, tại sao Thủy Ngọc
không vui tươi, hớn hở đối với những thanh niên khác, có bằng cấp và địa vị
cao, đang cố chinh phục nàng mà nàng lại chỉ vui tươi hớn hở với Thạch thôi?
Không những thế, khi
Thạch và Thủy Ngọc cùng đàn và hát bên nhau, Bố Mẹ của Thủy Ngọc để ý: Dư Âm là
tình khúc Thủy Ngọc và Thạch cùng đàn và hát nhiều nhất; kế đến là Love Me
Tender. Bố Mẹ của Thủy Ngọc không hiểu tiếng Anh, nhưng động từ “love” thì Bố
của Thủy Ngọc biết. Thế là Bố chỉ cần nhớ chữ “tender” rồi phiên âm ra tiếng
Việt, hỏi Luân. Luân vô tình và ngay thật cho Bố biết đó là tựa một tình khúc
của Elvis Presley. Bố bảo Luân dịch lời ca ra tiếng Việt.
Sau khi hiểu rõ lời ca,
Bố Mẹ trực tiếp cho Thạch hay rằng Ông Bà không cho phép Thủy Ngọc giao thiệp
với Thạch nữa!
******
Nơi hậu trường, cách
sân khấu bằng một tấm màn dày, thấy Thủy Ngọc đang trang điểm, thái độ rất vui
và tự tin, Thầy phụ trách văn nghệ hỏi:
-Thủy Ngọc! Sẵn sàng
cả rồi chứ?
-Dạ, thưa Thầy…
Vừa nói ngang đó, Thủy
Ngọc chợt dừng lại; vì giọng Tenor của ai nghe quen quen, vang lên từ
bên kia bức màn ngăn cách sân khấu và hậu trường: “Đêm qua mơ dáng em đang
ôm đàn dìu muôn tiếng tơ. Không gian trầm lắng như âu yếm ru ai trong giấc mơ…”
(1) Thủy Ngọc nhíu mày, đứng
lặng như pho tượng! Nhưng trong tiềm thức, tình yêu nàng âm thầm dành cho Thạch
bỗng cuồn cuộn trổi dậy như cuồn phong!
Riêng Thạch, sau khi bị
Bố Mẹ của Thủy Ngọc yêu cầu đừng liên lạc với Thủy Ngọc nữa, Thạch rất buồn và
thất vọng! Những lúc hành quân truy kích hoặc trực thăng vận nhảy ngay trên đầu
địch, Thạch quên mất nỗi buồn; nhưng khi rảnh rỗi hoặc nghe ai đàn, hát một
nhạc phẩm mà chàng và Thủy Ngọc thường đàn và hát bên nhau thì nỗi buồn và sự
thất vọng kéo về, đè nặng trong tim! Giờ đây, đang diễn đạt tất cả nỗi niềm của
tác giả và cũng là niềm đau của chàng, giọng Thạch trở nên tha thiết vô cùng: “…Yêu
ai anh nắn cung đàn đầy vơi đôi mắt xa vời….Anh như lầu vắng em như ánh trăng
reo muôn ý thơ…Tim anh băng giá đang nhại ngùng câu năm tháng mong chờ…” (2)
Mấy năm qua, những kỷ
niệm khi Thạch và nàng cùng đàn hát bên nhau tưởng đã chìm vào dĩ vãng; nhưng
bây giờ, tiếng hát cao vút của ai bên kia tấm màn lại làm cho trái tim của Thủy
Ngọc thổn thức âm thầm – nhưng rất dữ dội!
Thái độ của Thủy Ngọc
làm Thầy phụ trách văn nghệ thắc mắc:
-Thủy Ngọc! Chị bình an
chứ?
-Dạ…thưa Thầy, ai…ai…
đang hát ngoài đó, thưa Thầy?
-Nhận không ra giọng à?
Thạch đó. Thạch hồi trước cũng trong ban văn nghệ với Luân và Thủy Ngọc đó, nhớ
không?
-Dạ thưa Thầy, hôm tổng
dợt, sao con không thấy màn đơn ca của anh Thạch trong chương trình?
-Hôm qua Thạch ghé thăm
trường, biết trường có buổi văn nghệ đêm nay, Thạch xin hát một bài. Nhận thấy
Thạch là học trò cũ, năng khiếu văn nghệ cao, lại lên đường tòng quân, tôi cảm
phục và chấp thuận. Thôi, chị chuẩn bị đi, sắp đến phiên chị đó.
Nói xong, Thầy quay đi.
Thủy Ngọc thở dài vừa khi Thạch chấm dứt màn đơn ca trong tiếng vỗ tay vang
dội; rồi nhiều tiếng “bis…bis…” vang lên. Thạch nói vào micro:
-Xin
cảm ơn quý vị, quý Thầy Cô và các bạn. Tiếp theo, Thạch xin trình bày tình khúc
My Heart Will Go On của Celine Dion.
Lại
tiếng vỗ tay. Thạch dạo đàn rồi “bắt” vào: “Every
night in my dreams, I see you, I feel you that is how I know you go on. Far
across the distance and spaces between us you have come to show you go on…” Theo giọng hát buồn buồn của chính mình, Thạch nhớ những
buổi chiều im vắng, sau khi hành quân trở về, chàng thường ôm Guitar, vừa
đàn vừa hát vừa nhìn dòng suối cạn phía xa trong khi hoàng hôn lũ lược kéo về
phủ xuống núi rừng thâm u.
Nơi vùng núi rừng thâm
u đó, mỗi khi đoàn quân dừng chân, Thạch thường chạnh lòng nghĩ đến phận đời
của chàng và của những thanh niên cùng thế hệ với chàng – ở miền Nam – rời gia
đình, xa người thân và bạn hữu, phải hành quân liên miên để chống trả những đợt
tấn công ác liệt của Bắc quân xâm lược!
Suốt thời gian được
tăng phái, Thạch không thể nhớ được bao nhiêu lần đơn vị chiến lược này bị
“tiền pháo, hậu xung” và bị tấn công bằng chiến thuật “biển người”. Thạch chỉ
nhớ lần cuối cùng, để giải tỏa áp lực của Bắc quân quanh đơn vị chiến lược này,
đơn vị của chàng được lệnh tham dự cuộc hành quân hỗn hợp với một đơn vị Bộ
Binh, vào một ngày mưa to gió lớn, có thiết giáp yểm trợ để càn quét các đơn vị
Cộng Sản Việt Nam từ Bắc xâm nhập.
Chính trong cuộc hành
quân quy mô này Thạch bị Bắc quân dùng súng CKC bắn sẻ, khi Thạch đang khom
người điều quân qua ống liên hợp. Viên đạn trúng chân trái của Thạch. Thạch và
Tiểu Đoàn Trưởng Thiết Giáp xin trực thăng tải thương; nhưng thời tiết quá tệ
và cũng vì súng phòng không của địch bắn lên xối xả, trực thăng không thể “bốc”
thương binh!
Khi được đưa về quân y
viện, vết thương đã sưng to và làm độc!... Nhớ đến đây, giọng Thạch trở nên
nghẹn ngào, đầy u uất:“…And my heart will go on and on. Love can touch us
one time and last for a lifetime and never let go till we're gone…”
Trong khi nén xúc
động, cố kềm nước mắt để Thầy và bạn khỏi biết, Thủy Ngọc chợt nghe các nam
sinh “xầm xì”:
-Anh Thạch “hết sẩy”!
Ảnh “ngon” thiệt!
-Tội nghiệp ảnh quá!
Hai tiếng “tội nghiệp”
khiến Thủy Ngọc tò mò. Bước đến bên trái sân khấu, nhìn ra, Thủy Ngọc ôm ngực,
tưởng như trái tim của nàng đã thoát khỏi lồng ngực! Trước mắt nàng, Thạch –
trong quân phục Biệt Động Quân, mũ nâu vắt hờ vào cầu vai trái – đang ngồi trên
ghế, đôi nạn gỗ dựa vào ghế, hai tay của Thạch ôm Guitar. Thạch tựa
thùng Guitar lên bắp vế chân phải và đệm theo tiếng ca não nùng của
chàng. Như không tin vào mắt mình, Thủy Ngọc thay đổi vị thế vài lần nhưng nàng
cũng chỉ thấy một chiếc giày trận bên chân phải của Thạch thôi!
Trong khi Thủy Ngọc run rẩy,
nước mắt nhạt nhòa thì Thạch hát đến câu cuối: “…We'll stay forever this
way. You are safe in my heart. And my heart will go on and on.” Thạch cúi
chào. Cả hội trường vừa vỗ tay vừa đứng lên.
Thủy Ngọc hy vọng rằng
Thạch sẽ vào hậu trường bằng cánh trái để nàng có dịp trực diện với chàng;
nhưng, không hiểu vì vô tình hay cố ý, Thạch rời sân khấu bằng cánh phải. Thủy
Ngọc ôm mặt, khóc như mưa!
Vài cô bạn cho Thầy
phụ trách văn nghệ biết sự việc đang xảy ra cho Thủy Ngọc. Thầy đến, đưa Thủy
Ngọc ra sau tấm màn:
-Tại sao chị lại xúc
động quá độ như vậy?
Tự nhủ, sẽ không để
niềm đau thương của riêng mình ảnh hưởng đến buổi văn nghệ mà toàn trường đã
dày công tập luyện, Thủy Ngọc trở nên bình tĩnh một cách lạ thường:
-Thưa Thầy, con xin
lỗi. Như Thầy biết, anh Thạch là bạn cùng lớp với anh Luân của con. Anh thạch
thường đến nhà con hòa đàn với anh Luân và con. Bây giờ, bất ngờ thấy anh Thạch
như thế con chịu không được!
-Tôi hiểu. Chị nghĩ
chị có vững tinh thần để giữ tiết mục độc tấu Violon hay không?
-Dạ, thưa Thầy…
Bất ngờ một ý nghĩ
thoáng qua, Thủy Ngọc tiếp:
-Thầy cho con xin một
đặc ân, được không ạ?
-Vâng, chị cứ nói.
-Thưa Thầy, con xin
Thầy cho con được đổi mục độc tấu bằng mục đơn ca.
Đã từng nghe Thủy Ngọc
hát nhiều lần trong những buổi văn nghệ trước đây, Thầy gật đầu:
-Vâng. Chị cho người
giới thiệu chương trình biết sự thay đổi này và cho anh đàn Guitar biết
“tông” và nhịp điệu của bản nhạc, nhé!
-Dạ. Con xin cảm ơn
Thầy.
Sau khi nghe người
điều khiển chương trình giới thiệu Thủy Ngọc sẽ trình bày ca khúc Kỷ Vật Cho Em
của Phạm Duy, Thạch cảm thấy bồi hồi, xúc động! Nhìn dáng Thủy Ngọc thướt tha
bước ra, cúi chào, đến sau micro rồi kéo micro cao hơn, Thạch tự
hỏi, không biết tình cờ Thủy Ngọc chọn ca khúc này hay là…Thạch thở dài, lắc
đầu, không muốn nghĩ tiếp.
Dạo phân đoạn đầu
xong, người đàn Guitar “rải” một tràng hợp âm và Thủy Ngọc “bắt” vào: “Em hỏi anh. Em hỏi anh
bao giờ trở lại? Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về… Anh trở về anh trở về
trên đôi nạng gỗ. Anh trở về, anh trở về bại tướng cụt chân…” Nét mặt thống khổ,
hai hàng nước mắt tuôn dài cùng tiếng ca nức nỡ của Thủy Ngọc khiến tất cả khán
giả bàng hoàng đến sửng sờ!
Đến đoạn điệp khúc,
giọng Soprano của Thủy Ngọc vút cao: “…Anh trở về nhìn nhau xa lạ.
Anh trở về dang dở đời em. Ta nhìn nhau ánh mắt chưa quen. Cố quên đi một lần
gian dối, anh ơi!...”.
Một quân nhân mặc quân phục Biệt Động Quân, chống nạn, khập khểnh rời hội
trường; vì trái tim của quân nhân này không thể nhận thêm bất cứ sự đau đớn,
dày vò nào nữa!...
******
Thấy Luân cùng với Bố
Mẹ đến thăm, Ni Cô Diệu Thu rất ngạc nhiên; càng ngạc nhiên hơn nữa khi Ni Cô
thấy thái độ của Luân rất bối rối, bồn chồn và Bố Mẹ thì lo âu, buồn bả, chứ
không bình thản như những lần Bố Mẹ đến thăm nàng trước đây. Luân nhập đề ngay:
-Ni Cô có theo dõi
thời sự hay không?
-Dạ không. Nhưng em
nghe nhiều Phật tử bàn tán.
-Cô Chú muốn tôi đưa
lên đây để thuyết phục Ni Cô cùng di tản với gia đình.
-Thưa Bố Mẹ, thưa anh,
con đã an trú cửa Phật rồi thì đâu có gì mà phải di tản?
-Ni Cô chưa hiểu bản
chất của Cộng Sản đâu. Ni Cô nên nghe lời, về nhà cùng đi với gia đình; gia
đình không bao giờ ra đi mà để Ni Cô ở lại.
Quay sang Bố, Ni Cô
giải thích:
-Thưa Bố Mẹ, người đã
thành tâm xuất gia thì không bao giờ chọn sự sung sướng cho bản thân mà chỉ cầu
an vui cho tha nhân. Con chỉ muốn sớm tối nương tựa cửa Phật và phát huy đạo
pháp.
Giọng Bố rất buồn:
-Nếu Ni Cô muốn phát
huy đạo pháp thì Ni Cô nên đi với gia đình; dù gia đình cũng chưa biết sẽ đi
đâu và đến đâu. Nhưng gia đình – nhất là các em trai của Ni Cô – không thể nào
ở lại với Cộng Sản. Đến bất cứ đâu, Ni Cô cũng có thể rao truyền về Phật Giáo để
cảm hóa con người.
-Thưa Bố, nếu muốn cảm
hóa con người một cách thiết thực thì con nên ở lại Việt Nam để cảm hóa những
kẻ ác – những kẻ đã tạo ra không biết bao nhiêu đau thương cho dân tộc Việt
Nam!
Rất ngạc nhiên trước
sự suy luận rất hiện thực của Ni Cô, nhưng Bố vẫn thuyết phục:
- Ni Cô nên nhớ, ở
ngoại quốc rất ít người theo đạo Phật; Ni Cô nên ra đi để có cơ hội giúp người
ngoại quốc hiểu về Phật Giáo.
-Thưa Bố, con nghĩ,
trên thế giới, bất cứ người nước nào cũng có nhiều thiện tâm hơn người Việt mình;
thế thì người ngoại quốc không cần con phải đem đạo lý của Đức Phật ra giảng
cho họ.
-Lý do nào Ni Cô lại
nói như thế?
-Bố và anh Luân nghĩ
xem, trên thế giới có quân đội nào xua quân tàn sát gần như trọn vẹn dân chúng
của một thành phố lớn, như Huế, năm 1968? Có quân đội nào mỗi ngày pháo kích cả
ngàn quả đại pháo hoặc hỏa tiễn 120 ly vào các thành phố đông dân cư, như Bình
Long, An Lộc rồi pháo kích ngay vào trường học Cai Lậy và bệnh viện Long An? Có
quân đội nào pháo kích chính xác và điên cuồng vào đoàn dân chạy loạn từ Quảng
Trị vào Huế năm 1972 và từ Đà Nẵng sang Tiên Sa vào tháng cuối Ba năm 1975? Có
quân đội nào đưa ra chiến trường thanh niên 15, 16 tuổi rồi buộc những thanh
niên này phải thực hiện chiếc thuật biển người? Có quân đội nào, ngay sau khi
cưỡng chiếm được mục tiêu, đã xua đuổi tất cả thương binh ra khỏi những quân y
viện của “bên thua cuộc”? Câu giải đáp là: Chỉ có Quân Đội Cộng Sản Bắc Việt
mới vô nhân tính khi thực hiện những hành động tàn ác đó. Những hành động dã
man như thế không thể gọi là chiến đấu.
-Nếu Ni Cô hiểu được
như thế thì Ni Cô càng nên ra đi, xa lánh kẻ ác. Nơi môi trường mới Ni Cô cũng
vẫn có thể hoành dương đạo pháp.
-Thưa Bố, nếu cần phải
dùng tín ngưỡng để cảm hóa con người thì chúng ta nên dùng tín ngưỡng để cảm
hóa kẻ ác trước; và kẻ ác cần phải cảm hóa chính là những người Cộng Sản Việt
Nam; vì họ đã bị đầu độc, bị cổ xúy, rồi dùng vũ khí của Nga, Tàu và tất cả mọi
thủ đoạn để giết người miền Nam với chủ đích cướp đi phần đất mà chính những kẻ
ác đó đã đồng ý phân chia từ năm 1954!
Luân có vẻ sốt ruột:
-Chúng ta không có thì
giờ để tranh luận. Ni Cô nên nghe lời Cô Chú kẻo Cô Chú buồn.
-Thưa Bố Mẹ, con xin
lỗi Bố Mẹ. Bố Mẹ cho con ở lại để con được thực hiện hạnh nguyện của con.
Đến lúc này, không thể
kềm giữ tình cảm được nữa, Mẹ khóc ròng:
-Con ơi! Bố Mẹ chỉ có
con là con gái, không hiểu vì lý do gì con đi tu, Mẹ đã đau buồn nhiều lắm rồi!
Bây giờ con lại đành đoạn ở lại thì Mẹ sống sao nỗi, con ơi!
… Kể đến đây, Luân cảm
thấy đau lòng quá, vội nhìn xuống để Thạch không thấy đôi mắt ửng đỏ của Luân.
Cả hai im lặng rất lâu. Nhìn vùng biển lao xao phía xa của trại tỵ nạn Orote
Point, Guam, tâm trí của Thạch quay cuồng. Cảm giác hụt hẩng và trạng thái chối
bỏ quyện vào nhau khiến Thạch cảm thấy nhức đầu và gần như ngộp thở! Cảm giác
này cũng tương tự như buổi sáng năm nào, tại quân y viện Pleiku, Thach tỉnh
lại, nhận ra chân trái của chàng không còn nữa!
Luân hỏi:
-Thạch! Lần cuối cùng
mày thấy hoặc gặp Thủy Ngọc là lúc nào?
Thạch kể lại diễn tiến
buổi văn nghệ liên trường. Luân thở dài:
-Thế thì tao hiểu rồi.
Tội nghiệp em tao! Nó giữ kín niềm đau, gia đình không ai biết. Tại sao mày bị
thương mà mày cũng giấu tao?
-Vì mày biết thì Thủy
Ngọc biết.
-Nếu thế thì mày tham
dự văn nghệ liên trường để làm gì?
-Tình cờ ghé thăm
trường tao mới biết có buổi văn nghệ đó. Tao suy nghĩ và muốn đích thân tao
giải bày nỗi niềm của tao với Thủy Ngọc chứ tao không muốn người khác mách lại.
Bất ngờ nghe Luân vô
tình nói tên ngôi chùa mà Thủy Ngọc đang tu, tâm trạng của Thạch rối bời và trí
óc quay cuồng! Sau khi bằng lòng với quyết định của mình, Thạch bảo:
-Thôi, tao đi!
-Đang sắp hàng lấy
phần ăn, sắp tới phiên rồi, sao mày lại bỏ đi?
Thạch vẫy tay, khập
khểnh bước đi…
******
Nhờ số tiền những
người di tản biếu trước khi Thạch trở về trên thương thuyền Việt Nam Thương Tín
– khi Thạch bị giam tại Nha Trang, ban quản giáo tịch thu hơn một nửa – Thạch
đi xe đò về Saigon, đến ngay ngôi chùa mà Luân đã vô tình nói tên.
Sư Cô trù trì cho
Thạch biết, lý do Ni Cô Diệu Thu xin hoàn tục là vì Bố Mẹ của Ni Cô bị “cách
mạng” cho đi kinh tế mới. Ni Cô biết Bố Mẹ không quen lao động cực nhọc, Ni Cô
muốn nhận lãnh trách nhiệm của người con bất hiếu! Bao giờ Bố Mẹ quy tiên, Ni
Cô sẽ trở lại con đường tầm đạo!
Đến nhà Thủy Ngọc, chỉ
thấy những kẻ quê mùa, đen đúa, còi cọc và hầu như ai cũng có đôi má gồ, răng
vẩu, đầy cáu bẩn, đôi mắt láo liêng như rình rập ai, như sợ sệt điều gì và phát
ngôn the thé thứ tiếng Bắc rất lạ tai, Thạch than thầm: “Những kẻ này mà
thắng mình được sao, Trời!”
Đến nhà Bố Mẹ của
Luân, Thạch cũng chỉ thấy những người của “bên thắng cuộc”!
Thạch về nhà Cha Mẹ.
Một người đàn ông – cũng da xanh mét, răng hô, má gồ và đôi mắt láo liêng như
sợ sệt, như theo dõi ai – bước ra, hỏi:
-Anh cần gì?
-Cách nay không lâu,
tôi ngụ tại ngôi nhà này.
-Ô, thế anh “nà” con
của ông Trưởng Ty…
Thạch đáp nhanh, không
để ông này nói tiếp:
-Vâng. Tôi là con cả.
-Thế anh “nà” đại úy
Biệt Động Quân, đúng không?
-Vâng.
-Tôi được “nhà nước”
cấp cho ngôi nhà này, ngoài ra chúng tôi không biết gì cả.
Thạch thầm nghĩ “Chiến
thắng để được như thế này hèn chi ‘cha con nó’ mới thề ‘sinh Bắc tử Nam’!”
rồi hỏi:
-Thế ông biết Ba Má
tôi dời đi đâu không?
-Gia đình tôi mới dọn
vào nhà này khoảng vài tháng thôi nên tôi chả biết.
Thạch cảm ơn ông rồi
bùi ngùi quay đi.
Lang thang, đau khổ và
lạc lõng ngay trên Quê Hương mà chàng đã để lại một phần thân thể, Thạch bỗng
nghe tiếng hát nghẹn ngào của một thương binh “Ngụy” đang ngồi xin tiền:“.... Chạnh lòng tìm
người em gái cũ, em tôi đã đi phương nào? ... Giờ này tìm đâu hình bóng cũ, em
ơi! Em đi về đâu?... Để rồi một năm nơi biên cương dấn bước thân nơi sa trường.
Ngày thì tìm vui bên tiếng súng khi đêm anh vui với đàn…Dù mộng tàn phai
trong thương đau…” (3)
Tiếng ca ai oán của
anh thương binh như cơn nước lũ cuốn đi tất cả sự kiên nghị, bản tính can cường
và ý chí phấn đấu của Thạch! Thạch hơi cúi đầu, bậm môi thật chặt rồi kín đáo
đưa tay quẹt nước mắt!...
ĐIỆP MỸ LINH
1-2.- Dư Âm của Nguyễn Văn Tý
3.- Chiều Hành Quân của Lam Phương