Monday 18 July 2016

Bàn tay che chắn mặt trời

Bàn tay che chắn mặt trời
Ngón tay bịt được nguồn ngòi bao lâu?

0o0

Thằng lú lý luận lung tung
Đem công an trấn mọi vùng dọc ngang
Tưởng tài hóa đá ra vàng
Nào ngờ bạo lực lại mang ra dùng

0o0

Dân chúng như trúc như tre
Đè xuống càng mạnh bật về càng kinh

0o0

Bao năm học Marx học Lê
Đến nguy lại thói gà què cối xay
Bao năm biện chứng tưởng hay
Nào ngờ lúc nóng lấy tay che trời

0o0

Trị bằng bạo lực mà thành
Con người đã biến chiến tranh ra tiền
Công an mà giữ nổi quyền
Liên Xô đã ngự tuốt trên đỉnh trời

0o0

Chó vàng chó vện chó xanh
Sao mày dẵm luật đạp dân thế này?
Không không thằng lú nó bầy
Bắc Kinh chúng muốn đổi ngày thành đêm.

0o0

Cái giá "giải phóng miền Nam"
Là đem gông ách mà quàng cổ dân
Chiến công đảng tặng lớn dần
Trở thành ngục lớn công an trùng trùng

0o0

Cái thằng lú nó có ngu
Cũng đâu đến nỗi như mù thế kia
Không đâu, vì nó u mê
Tưởng người dân vẫn còn phê thuốc hèn
Cái đói mà nó mạnh lên
Có hèn cũng đập cái quyền phải văng 

0o0

Việt Nam khác với Bắc Hàn
Vì hèn, tham nhũng tràn lan hơn nhiều
Thằng lú chờ mỗi một điều
Chiến xa nghiến nát thân nghèo Việt Nam

Đinh Thế Dũng

Hà Nội ngăn chặn biểu tình ủng hộ phán quyết Biển Đông

Gia Minh, PGĐ Ban Việt Ngữ RFA
2016-07-17

176691487867719394_n.jpg
Tại Hà Nội sáng ngày 17/7/2016, các ngả đường vào Bờ Hồ đã bị chặn.

Nhóm xã hội dân sự chống ‘đường lưỡi bò’ của Trung Quốc tại Biển Đông, No-U FC, hôm nay 17 tháng 7 có kế hoạch tiến hành cuộc biểu tình tại Hà Nội để hoan nghênh phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế - PCA công bố 5 ngày trước.
Tuy nhiên cuộc biểu tình ở thủ đô bị nhà cầm quyền Hà Nội ngăn chặn.
Thực tế ra sao và nhận định của người trong cuộc thế nào?

Chặn biểu tình

Anh Lê Dũng, một nhà hoạt động tại Hà Nội, cho biết từ sáng sớm đã có mặt tại trung tâm Hà Nội nơi dự định diễn ra cuộc biểu tình, tuần hành theo lời kêu gọi mà No-U FC đưa ra hồi trong tuần.
Chính quyền huy động lực lượng rất đông. Tại số 1 Ngô Thì Nhậm gần 100 lực lượng đeo băng đỏ. Các nhà trọ quanh đó bị phong tỏa.

- Anh Trịnh Bá Phương, Anh tường thuật lại tình hình tại đó như sau:
“Tôi ra từ 6 giờ sáng chỗ Tượng Đài để quan sát, đến lúc 8 giờ kém 10 họ mang quân đến rất đông: các loại lực lượng, đeo băng đỏ, xe phá sóng. Các ngã đường vào đều bị chặn. Loa từ các xe kêu gọi du khách ở Khu Bờ Hồ giải tán.
Một số anh em mặc áo No-U và một số anh em khác ra đó thì bị bắt giữ đưa lên xe. Có xe bảy chỗ, có xe buýt bắt người đưa đi.
Lực lượng công an đông lắm.”
Thanh niên Trịnh Bá Phương, người hưởng ứng kêu gọi của No-U FC, hôm nay cũng muốn tham gia cuộc biểu tình thế nhưng bị chặn trước khi đến được khu vực dự kiến. Anh cho biết:
“Nhiều chốt được lập ra chặn tất cả các lối vào Bờ Hồ rồi. Một số người như Trịnh Bá Tư em trai của tôi, cô Đặng Bích Phượng, chú Trương Văn Dũng, cô Nguyễn Thúy Hạnh, chú Huỳnh Ngọc Chênh… bị bắt rồi.”
Nhà hoạt động nữ Đặng Bích Phượng bị khi có mặt cùng một số người khác tại Vườn hoa Lý Thái Tổ. Bà bị đưa về công an phường Cửa Nam. Vào lúc 8:55 phút sáng khi đang bị giữ tại công an Cửa Nam cho biết:
“Sáng nay tôi dắt xe đạp điện ra khỏi nhà thì các chú công an đi theo tôi; tôi dắt xe vào để đi xe buýt, họ cũng theo tôi. Khi ra đến Vườn hoa Lý Thái Tổ tôi đang đứng với một số người thì họ bắt đưa tôi lên xe về đồn công an Cửa Nam. Tôi hỏi thì họ nói đang có công an phường tôi cư trú đến đưa về!”

Nhận định

Sau khi Tòa Trọng tài Thường trực PCA ở La Haye công bố phán quyết đối với vụ Philippines kiện Trung Quốc về đường đứt khúc 9 đoạn, thường được gọi là đường lưỡi bò, nhằm tuyên bố chủ quyền gần trọn Biển Đông, phát ngôn nhân Lê Hải Bình của Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng hoan nghênh phán quyết đó.

no-u.jpg
Chính quyền Hà Nội bắt giữ những người biểu tình ngày 17/7/2016 lên xe bus. Youtube screenshot

Nhiều người Việt Nam cho rằng việc hoan nghênh như thế là đúng đắn và họ cũng muốn được bày tỏ chính kiến như thế. Tuy nhiên biện pháp chính quyền ngăn chặn đối với hoạt động biểu tình, tuần hành ủng hộ phán quyết của PCA về đường lưỡi bò khiến họ đi đến một số nhận định như của bà Đặng Bích Phượng sau đây:

“Với những động thái như thế này thì tôi thấy được lý do tại sao họ không kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế. Có rất nhiều biểu hiện để chứng minh cho việc họ bảo vệ ý kiến của họ.

Họ nói Việt Nam hoan nghênh phán quyết đó, nhưng họ ‘độc quyền’, chỉ có họ được hoan nghênh thôi chứ không cho người dân hoan nghênh.

Trong thâm tâm họ rất hiểu họ có những khuất tất nên rất sợ người dân lên tiếng.”

Và nhận định của anh Lê Dũng:

“Ai ở Việt Nam đều biết họ có những phát ngôn bên ngoài, nhưng những việc làm bên trong của họ chẳng giống ai cả. Họ làm những việc vi phạm quyền của người dân. Gì với quốc tế họ cũng cam kết hết, họ vào nhân quyền quốc tế nhưng họ bắt bất cứ ai ở Bờ Hồ, không cần lý do, không cần lệnh của tòa án.

Trên truyền thông loan Bộ Ngoại giao ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng Tài, nhưng người dân muốn có hành vi ủng hộ tuyên bố đó bằng việc in khẩu hiệu, mặc áo No-U… thì nhà nước không cho làm.
Đây là điều đặc biệt, nhà nước VN khác với những quốc gia khác. Họ không muốn người ta làm những điều mà họ không muốn. Họ không đứng trên khuôn khổ luật pháp hay quyền con người gì hết!”

Anh Trịnh Bá Phương cũng nhắc lại:

“Trước phán quyết của Tòa án Quốc tế bác bỏ đường lưỡi bò của Trung Quốc thì hôm nay người dân muốn hoan nghênh phán quyết đó. Và mang một số biểu ngữ để chúc mừng người dân Philippines.
Gì với quốc tế họ cũng cam kết hết, họ vào nhân quyền quốc tế nhưng họ bắt bất cứ ai ở Bờ Hồ, không cần lý do, không cần lệnh của tòa án.

- Anh Lê Dũng

Nội dung chính là mong muốn chính quyền Việt Nam ra tòa án quốc tế vì cả biển đảo Hoàng Sa và Trường Sa bị Trung Quốc chiếm giữ, cướp đoạt của Việt Nam, trong khi chính phủ Việt Nam chỉ có những phản ứng mang tính chất hời hợt: đưa lên phản đối mà không có hành động gì. Trong khi đó việc chiếm đóng biển đảo của Việt Nam mà Trung Quốc thực hiện ngày càng gia tăng, rồi tấn công ngư dân Việt Nam.

Ngày hôm nay người dân muốn được bày tỏ chính kiến của mình; thế nhưng chính quyền huy động lực lượng rất đông. Tại số 1 Ngô Thì Nhậm gần 100 lực lượng đeo băng đỏ. Các nhà trọ quanh đó bị phong tỏa.

Còn tại Dương Nội, ông chủ tịch Lã Quang Thức và các ban ngành đến nhà người dân để chặn.”
Theo những người quan tâm đến tình hình đất nước như anh Lê Dũng, bà Đặng Bích Phượng thì hành xử của nhà cầm quyền trong việc ngăn chặn, thậm chí bắt bớ, những người dân lên tiếng bày tỏ chính kiến đối với những vấn đề quan trọng của đất nước như chủ quyền biển đảo, thảm họa môi trường do Formosa gây nên… sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường.

Hệ lụy đầu tiên theo những người này là dân chúng mất niềm tin vào chính phủ. Một bộ phận người dân sẽ trở nên thờ ơ trước những vấn đề lớn của đất nước.

Họ cũng cho rằng hành xử bất nhất của nhà cầm quyền cũng làm mất uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.


Chúng tôi đang có mặt

Phạm Đình Trọng


Nhận lời ông bạn lính hẹn sáng chủ nhật 17.7.2016 sẽ mang đến trả tôi quyển sách và cùng tôi đến thăm ông bạn lính của chúng tôi đang nằm bệnh viện. Nhưng khi vào mạng xã hội thấy những người bạn ngoài Hà Nội thông báo kêu gọi người dân cũng sáng chủ nhật 17.7.2016 xuống đường biểu tình đòi nhà nước cộng sản kiện Tàu Cộng ra Tòa Trọng tài quốc tế về đường lưỡi bò và đòi nhà nước cộng sản phải truy tố hình sự Formosa đầu độc biển nước ta thì tôi biết cuộc hẹn của tôi với ông bạn lính đổ bể rồi.

Tàu Cộng đang vây hãm chúng ta bốn phía, đang bức hại chúng ta đủ đường. Formosa danh nghĩa Taiwan nhưng hồn cốt cũng là China mà thôi. Và không khí chống Tàu Cộng xâm lược đang sôi sục khắp nước thì chủ nhật 17.7.2016 an ninh cộng sản lại kéo đến giăng quân chốt chặn kín mọi ngả đường trước nhà tôi, làm sao tôi có thể ra khỏi nhà đi thăm ông bạn lính đột quị đang nằm bệnh viện được!

Ông ơi, đừng đến tôi nữa nha. Tôi không ra khỏi nhà được đâu! Sáng Chủ nhật, xuống mảnh sân trước nhà lung linh những vệt nắng sớm, tận mắt nhìn rõ những tên công cụ bạo lực của nhà nước cộng sản đứng ngồi lố nhố cả một đám, tôi liền phôn cho ông bạn như vậy. Sao? Ông lại bị họ cầm tù tại nhà rồi à? Quái gở quá! Chúng ta đã ném cả tuổi trẻ vào bom đạn sốt rét để dựng lên cái nhà nước quái gở này à? Lúc này tôi càng phải đến với ông. Thôi khỏi. Mai mốt tôi được tự do, ông hãy đến tôi và tôi sẽ đi với ông.

Dứt cuộc trò chuyện trên điện thoại với ông bạn lính, tôi lại vào bàn làm việc với chiếc laptop. Làm việc mệt không động não được nữa tôi liền vào mạng xã hội thư giãn. Ôi, Sài Gòn của tôi đây. Không thông báo biểu tình nhưng Sài Gòn không im lặng, không thờ ơ trước vận nước đang chung chiêng, nghiêng ngả, đang nguy nan, khốn khó do những người cộng sản gây ra. Những người trẻ Sài Gòn đã có những hình thức rất sáng tạo, rất độc đáo, rất trẻ trung, rất Sài Gòn bộc lộ thái độ chính trị, bộc lộ trách nhiệm công dân. Một cô gái trẻ trung, xinh đẹp dong cổ thần chết Formosa đi diễu phố cho người dân Việt Nam nhận thức được rằng Formosa đã mang chết chóc, mang diệt chủng đến đất nước chúng ta.

Ở ngả đường khác của Sài Gòn. Từng cặp, từng cặp, hai người trên một xe máy. Người ngồi trước hai tay cầm lái. Người ngồi sau hai tay giơ cao khẩu hiệu viết trên vải trắng. Đoàn xe máy với những khẩu hiệu phấp phới như bay lượn giữa dòng xe cuồn cuộn tuôn chảy: Yêu nước phải kiện China! Việt Nam xấu hổ với Philippines! Đường 9 đoạn của Trung Quốc vô giá trị!...

Những người già như tôi, như nhà thơ Phan Đắc Lữ, nhà báo Kha Lương Ngãi, nhà nghiên cứu Hạ Đình Nguyên, ... sức lực đã để lại ở những ngả đường chiến tranh rồi, đâu còn đủ sức ngồi trên xe máy giơ cao khẩu hiệu “Yêu nước phải kiện China” chạy bon bon giữa phố đông. An ninh mật vụ nhà nước cộng sản có thể giam cầm được vài chục người già đó tại nhà của họ nhưng làm sao có thể giam cầm được hàng triệu, hàng triệu những người trẻ trung đã ý thức được vận nước đang trong tay họ.

Nghĩ rằng những người đã hết thời như chúng tôi, dù ngồi nhà nhưng mỗi người cũng giữ chân được năm, mười tên công cụ bạo lực của nhà nước cộng sản và ngoài đường kia sẽ giảm bớt bóng công cụ bạo lực đi để những người trẻ cứ giương cao khẩu hiệu “Yêu nước phải kiện China” bon bon trên xe máy thức tỉnh nhân dân về vận nước, tôi lại thấy như chúng tôi đang có mặt bên những người trẻ kia trên đường phố Sài Gòn đang lung linh nắng đẹp.

P. Đ. T.
Tác giả gửi BVN.


18/07/2016


Việt Nam bắt giữ các nhà hoạt động sau phán quyết về 
Biển Đông
Hoàng Dũng dịch

Trong buổi sáng khoảng 30 nhà hoạt động bị lực lượng an ninh nhanh chóng đẩy lên những chiếc xe buýt và xe hơi chờ sẵn sau khi họ tụ tập để tổ chức một cuộc biểu tình.

clip_image002
Một cảnh sát cố ngăn chặn những người chống Trung Quốc cầm biểu ngữ trong một cuộc biểu tình trước tòa Đại sứ Philippines tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 17, tháng Bảy, 2016. (Nguồn: Reuters/Kham)

Hàng chục các nhà hoạt động đã bị bắt giữ tại thủ đô của Việt Nam vào ngày Chủ Nhật khi họ tụ tập để phản đối Trung Quốc sau khi nước này chống lại phán quyết quốc tế vừa qua bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với phần lớn Biển Đông.

Tình cảm chống Trung Quốc đang dấy lên mạnh mẽ ở nước Việt Nam cộng sản, nhưng nhà cầm quyền của nước này nhanh chóng trấn áp những biểu hiện giận dữ công khai, sợ rằng cho phép cuộc biểu tình như vậy có thể khuyến khích những lời chỉ trích sự cai trị của họ.


Các nhà hoạt động đã sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để kêu gọi biểu tình tại Hà Nội vào ngày Chủ nhật sau khi Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague đưa ra phán quyết rằng tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với những vùng rộng lớn trên Biển Đông là không có cơ sở pháp lý.

Vụ kiện là do Philippines đệ đơn nhưng phán quyết có lợi cho các quốc gia khác trong khu vực như Việt Nam, là nước cũng có tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển chiến lược này.

Các nhà chức trách ở thủ đô Hà Nội đã chuẩn bị đối phó với các cuộc biểu tình vào ngày Chủ nhật.

Một phóng viên AFP có mặt tại hiện trường cho biết lực lượng an ninh mặc thường phục xuất hiện dày đặc, phủ kín phần lớn khu trung tâm thành phố và canh chừng cẩn thận bất kỳ đám đông nào có thể tập hợp lại.

Trong buổi sáng khoảng 30 nhà hoạt động bị lực lượng an ninh nhanh chóng đẩy lên những chiếc xe buýt và xe hơi chờ sẵn sau khi họ tụ tập để tổ chức một cuộc biểu tình gần hồ Hoàn Kiếm nổi tiếng, một địa điểm thường xảy ra các cuộc biểu tình.

Một số người hô: “Đả đảo Trung Quốc xâm lược!” khi bị dẫn đi giam giữ.

Sau đó một nhóm chín nhà hoạt động đã tổ chức một cuộc tuần hành ngắn ngủi bên ngoài đại sứ quán Philippines. Một người giương cao biểu ngữ có dòng chữ: “Cảm ơn Philippines. Các bạn có một chính phủ dũng cảm”.

Họ giải tán bằng xe máy trước khi lực lượng an ninh đến.

Trên các phương tiện truyền thông xã hội, các nhà hoạt động đưa hình ảnh những cuộc biểu tình tương tự theo kiểu du kích ở thành phố Hồ Chí Minh, chụp những người biểu tình cầm biểu ngữ chỉ trích Trung Quốc đi vòng quanh thành phố trên xe máy.

Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với hầu như toàn bộ Biển Đông, đặt nó vào tình trạng xung đột với các nước láng giềng Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan, là những quốc gia cũng có tuyên bố chủ quyền một phần Biển Đông.

Trung Quốc tẩy chay phiên tòa PCA, nói rằng tòa án không có thẩm quyền, và đã phản ứng giận dữ, tuyên bố sẽ bỏ qua các phán quyết và cho phán quyết hiểu sai luật pháp quốc tế.

Việt Nam và Trung Quốc thường xuyên có những trao đổi ngoại giao gay gắt về chuỗi đảo Hoàng Sa và vùng biển ở Biển Đông đang tranh chấp.

Dịch giả gửi BVN.