Ca sĩ Kim Phượng với Hải Quân VNCH
Trúc Giang MN
1* Mở bài
Cuốn kỷ yếu của gia đình Quân Y Hải Quân ghi lại những sinh hoạt của ngành nầy, nhưng có sơ sót là thiếu phần đóng góp của Ban Văn Nghệ Bịnh Viện Hải Quân VNCH.
Trúc Giang viết bài nầy hy vọng kịp đưa vào kỷ yếu sẽ được phát hành vào cuộc Hội Ngộ gia đình Quân Y Hải Quân năm 2016, sẽ được tổ chức vào ngày 9-10-2016 tại Westminster, California.
Đồng thời gởi đến Việt Báo Online.
Theo lời của Thiếu tá Quân Y Hải Quân Nguyễn Văn Sáu, sĩ quan quản lý Bịnh Viện Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa, thì trước năm 1975 ca sĩ Kim Phượng đã từng là ca sĩ nồng cốt của Ban Văn Nghệ Bịnh Viện Hải Quân. Ngoài ra Kim Phượng cũng đã phục vụ trong Tiểu đoàn 30 Chiến Tranh Chánh Trị của Quân Đoàn 3.
Mỗi Quân đoàn có một tiểu đoàn Chiến Tranh Chánh Trị đặt tên theo số 10, 20, 30, 40 và Tiểu đoàn 50 CTCT thuộc Biệt Khu Thủ Đô.
Ngành Chiến Tranh Chính Trị thực hiện cuộc chiến tranh tâm lý, tuyên truyền nội dung binh vận, dân vận, đồng minh vận, địch vận và chiêu hồi... dưới nhiều hình thức: truyền hình, truyền thanh, báo chí, văn nghệ, âm nhạc…
Kim Phượng đã tham dự vào vận hội lớn nầy. Từ đó, Trúc Giang mới biết được quá trình phục vụ một cách xuất sắc của chị trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Ca sĩ Kim Phượng hiện định cư ở thành phố Houston, Texas. Đối với cộng đồng người Việt tỵ nạn Cộng Sản ở Texas, Kim Phượng là một khuôn mặt thân thương luôn luôn tham dự vào các sinh hoạt của đồng hương ở Houston, vừa là một ca sĩ vừa là một MC trong những Hội thoại (Talk Show) của các đài truyền hình địa phương.
Nhất là gắn bó với các hội đoàn cựu quân nhân của các binh chủng VNCH ở Texas.
Trúc Giang tỏ lòng mến phục và vinh danh tinh thần đấu tranh không mệt mõi, không ngừng nghỉ của chị và các thân hữu của chị từ trước 1975 ở Việt Nam cho đến hiện tại Hoa Kỳ.
2* Kim Phượng
2.1. Ca sĩ nồng cốt của Ban Văn nghệ Quân Y Hải Quân VNCH
Kim Phượng là ca sĩ nồng cốt của Ban Văn Nghệ HQ * Thiếu tá Nguyễn Văn Sáu
Thiếu tá Quân Y Hải Quân Nguyễn Văn Sáu cho biết, đầu năm 1970 ban văn nghệ được thành lập, chủ yếu là để phục vụ cho thương bịnh binh Hải Quân dưới hình thức là “văn nghệ đầu giường”. Về sau vì số thương bịnh binh và thân nhân gia tăng nên phải xử dụng câu lạc bộ của bịnh viện làm sân khấu thường trực.
Các ca sĩ đã từng cộng tác với Ban Văn Nghệ Quân Y Hải Quân (QY/HQ) như Giao Linh, Kim Phượng, Diễm Chi, Nguyễn Chánh Tín, Mai Lan, Mai Ly, Ái Phương-Ái Minh…đặc biệt là ảo thuật gia quốc tế Lê Văn Quý.
Tiếng tốt đồn xa. Các bịnh viện mời Ban Văn Nghệ QY/HQ đến trình diễn phục vụ thương bịnh binh như: Tổng Y Viện Cộng Hòa, Bịnh Viện Trần Ngọc Minh, trường Quân Y và cả những tiền đồn địa phương như quận Cái Bè và Sư đoàn 4 Không Quân Cần Thơ…
Nhạc sĩ của ban văn nghệ là những y tá của Bịnh Viện Hải Quân.
Sau 1975 rả gánh tan hàng. Khi ra hải ngoại tình cờ gặp lại ca sĩ Kim Phượng hiện đang ở Houston, Texas. Gặp lại guitar bass Hữu ở Washington State, Chấm, tay trống ở San Jose, CA. Viễn, tức nhạc sĩ Viễn Phương hiện cộng tác với đài truyền hình Apple, ABTV 55.4 (Apple Broadcasting Television=ABTV), Houston, TX.
Ông bầu ban nhạc của bịnh viện Hải Quân trước kia là Thiếu tá Nguyễn Văn Sáu, quản lý BV/HQ, không biết đàn, không biết ca hát và nhảy đầm, mà chỉ biết cấp cứu hồi sinh, gây mê…cho nên mọi việc lớn nhỏ trong ban nhạc đều do Trưởng phòng thí nghiệm bịnh viện là nhạc sĩ Viễn Phương lo liệu.
Kim Phượng còn là người điều hợp chương trình của đài Apple TV 55.4 ở Houston, TX.
2.2. Kim Phượng tham gia các sinh hoạt cộng đồng ở Houston, Texas
Đồng hương Việt Nam ở Houston, đa số đều biết ca sĩ Kim Phượng vì chị luôn luôn góp phần vào những công tác thiện nguyện của hầu hết những sinh hoạt của cộng đồng. Xuất hiện trên truyền hình và báo chí. Chị đem khả năng thiên phú góp phần làm đẹp cho đời, cho văn nghệ của thành phố có đông người Việt nầy.
Giọng ca điêu luyện, trình diễn duyên dáng chị chuyên hát tình ca của Ngô Thụy Miên, Lam Phương, Từ Công Phụng, Nguyễn Ánh 9, nhạc lính, nhạc đấu tranh…
Ca sĩ Kim Phượng tham dự những sinh hoạt của cộng đồng như tiệc mừng xuân của các hội đoàn như: Hội Bình Thuận, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Sa Đéc, Bạc Liêu…Các hội đoàn quân đội như: Thiếu Sinh Quân, Võ Bị Quốc Gia, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân…
Ca sĩ Kim Phượng gắn bó với các sinh hoạt của đồng hương cho nên khi nói đến Kim Phượng thì không thể quên được những tổ chức của người Việt ở Houston, Texas.
3* Ca sĩ Kim Phượng với Trung Tâm Nhật Trường Entertainment ở Houston.
Ca sĩ Kim Phượng đã có một quá trình phục vụ trong các quân binh chủng của Quân Lực VNCH. Chị rất thích giọng ca trầm ấm của ca sĩ Nhật Trường và thích hát nhạc lính của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh.
Khi xem video Đám Tang Nhật Trường và CD Trần Thiện Thanh do trung tâm ASIA phát hành, Kim Phượng khóc rất nhiều, thương tiếc cho thần tượng của mình không còn nữa.
Khi con trai của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh là ca sĩ Thanh Toàn đến Houston thành lập Trung Tâm Nhật Trường Entertainment, và thực hiện show diễn 40 Năm Mùa Hè Đỏ Lửa tại nhà hàng Ocean Palace vào ngày 5-8-2012, thì Kim Phượng được mời tham dự.
Kim Phượng và Thanh Toàn đã từng song ca với nhau khi còn ở Việt Nam.
Thanh Toàn cho biết, Houston có nhiều giọng ca rất hay nên mời vào cộng tác với trung tâm. Và rất vui khi họ được gọi với cái tên là ca sĩ của Trung Tâm Nhật Trường chớ không phải thường gọi là ca sĩ địa phương.
Show diễn 40 Năm Mùa Hè Đỏ Lửa có sự tham dự của những danh ca như: Lâm Thúy Vân, Phương Hồng Quế, Kim Phượng, Y Phương, Ngọc Thúy, Giang Tử, Nguyễn Đức Đạt, Khúc My, Mai Hoa và nhiều ca sĩ trẻ.
4* Ca sĩ Kim Phượng tham gia các hội đoàn của đồng hương Houston, Texas
4.1. Lễ tưởng niệm 30 tháng 4 năm 2011 tại Houston.
Bài Vành Khăn Tang Cho Người Nô Lệ, Kim Phượng hát vào ngày 30 tháng 4
Ngày thứ bảy, 30-4-2011, lễ tưởng niệm những anh hùng quân dân cán chính VNCH đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ tổ quốc và dân tộc, được tổ chức tại khu Tượng Đài Việt-Mỹ với trên một ngàn đồng hương tham dự.
Buổi lễ do các hội đoàn Quân Đội, Cảnh Sát Quốc Gia và “Hội Trại Gia Binh” tổ chức.
Cùng nhau thắp nén hương lòng tưởng nhớ 5 vị tướng lãnh đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ tự do, dân chủ cho đồng bào Miền Nam Việt Nam.
Sau lễ truy điệu theo nghi thức quân đội, là phần văn nghệ đấu tranh do Kim Phượng và các nam nữ ca sĩ ở Houston như Vy Loan, Kim Khánh, Hồng Hà, Thế Minh, Tô Văn, Ngô Tiến Lập, Trần Trí Hoàng, bé Jenifer góp phần trình diễn. Nữ danh ca Trúc Mai từ Cali đến, và nồng cốt của tiết mục văn nghệ do Biệt Đoàn Văn Nghệ Lam Sơn với 15 thành viên từ Bắc Cali đến.
4.2. Ca sĩ Kim Phượng tham dự lễ chào cờ đầu năm 2011
1). Kim Phượng tham dự văn nghệ vui xuân trong lễ chào cờ đầu năm
Các hội đoàn quân đội ở Houston, Texas tổ chức lễ chào cờ đầu năm 2011. Sau phần nghi lễ và các nội dung sinh hoạt, có phần ẩm thực phong phú do nội tướng của các cựu quân nhân VNCH như các phu nhân của cựu Đại tá Phạm Bá Hoa, Đai tá Lê Hữu Tự và đông đảo các cựu quân nhân như các bà Trần Kim Vy, bà Kim Anh, bà Trịnh Thị Cúc, Đặng Kim Xuyến, bà Lệ Thanh, bà Loan…Và người trẻ nhất là cô Bích Trang, con gái của cựu đại tá Thủy Quân Lục Chiến.
Một chương trình văn nghệ vui xuân gồm nhạc xuân, nhạc tình, nhạc lính do các nghệ sĩ địa phương phụ trách như ca sĩ Kim Phượng và các ca sĩ Vy Loan, Cindy, Lệ Ngọc và các anh Trần Thanh Tùng, Hoàng Tường, Anh Khoa, Anh Quý…
Trong buổi lễ chào cờ đầu năm nầy, một hội đoàn bổng dưng ngẫu hứng thành hình. Đó là “Hội Trại Gia Binh” do chủ nhiệm báo Xây Dựng, bà Hoàng Minh Thúy, thành lập.
2). Sơ lược về hội “Trại Gia Binh”.
Chủ tịch Hoàng Minh Thúy (Trả lời phỏng vấn)* Tổng Thư ký Trần Kim Vy
Hồi tháng 4 năm 2012, do sáng kiến độc đáo của bà Hoàng Minh Thúy, chủ báo Xây Dựng, hội Trại Gia Binh được thành lập. Thành viên gồm có vợ, con và em của lính, hoạt động trên tinh thần phục vụ. Tổ chức của hội rất ngăn nắp, gọn gàng.
Đồng phục của “Trại Gia Binh” là áo dài xanh lá rừng, quần áo lính, mũ bê rê có cờ vàng ba sọc đỏ trên logo của hội. Hội cũng có bài hát Trại Gia Binh Hành Khúc do ca sĩ Kim Phượng hướng dẫn.
Trước kia, chồng lo việc lính, việc binh, vợ lo việc nhà, nuôi dưỡng và giáo dục con cái để chồng an tâm phục vụ tổ quốc. Phụ nữ trại gia binh có một tâm trạng giống nhau là trông ngóng chồng về với nhiều nổi lo âu, khắc khoải. Cầu nguyện cho đơn vị trở về trong chiến thắng và đầy đủ sau những cuộc hành quân. Nhưng không phải lúc nào quân số cũng hoàn toàn đầy đủ. Nhiều người về thẳng bịnh viện với cơ thể không trọn vẹn như lúc lên đường.
Chủ tịch hội Trại Gia Binh là bà Hoàng Minh Thúy, chủ báo Xây Dựng. Tổng Thư ký là bà Trần Kim Vy, chủ nhiệm báo Đẹp.
Hội Trại Gia Binh gây quỹ tài chánh gởi về yểm trợ gia đình thương phế binh ở quê nhà.
4.3. Ngày Quân Lực 19 tháng 6 được tổ chức tưng bừng ở Houston, Texas
Ðại Tá Trương Như Phùng, Tướng Mạch văn Trường, Tướng Trang Sĩ Tấn, Ðại Tá Nguyễn văn Nam, đang dâng hương * Kim Phượng và Dân biểu Hubert Võ
Các hội đoàn quân đội tại Houston đã tổ chức kỷ niệm ngày 19 tháng 6 năm 2011 rất trọng thể và tưng bừng. Các hội đoàn tham dự gồm có: Hải Quân, Không Quân, Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Sinh Viên Sĩ Quan Võ Khoa Thủ Đức, Võ Bị Quốc Gia, Quân Cảnh…
Chuẩn tướng Mạch Văn Trường chủ tọa buổi lễ. Sự hiện diện còn có Chuẩn tướng Trang Sĩ Tấn, các Đại tá Trương Như Phùng, Nguyễn Văn Nam…Cuộc diễn hành của các quân binh chủng được đồng bào tham dự hoan hô nhiệt liệt.
Chỗ nào có văn nghệ thì có mặt ca sĩ Kim Phượng.
4.4. Kim Phượng tham dự lễ kỷ niệm 52 năm thành lập Biệt Động Quâ
Kim Phượng trong hoạt cảnh Anh Là Ai của Việt Khang
Ngày 15-7-2012, Hội Biệt Động Quân Houston và vùng phụ cận tổ chức lễ kỷ niệm 52 năm ngày thành lập binh chủng Biệt Động Quân. Cựu Thiếu tá Giang Văn Xẻn là trưởng ban tổ chức. Sau những phần nghi lễ và sinh hoạt, chấm dứt tiệc liên hoan là phần văn nghệ rất phong phú do nhiều nam nữ ca sĩ địa phương thực hiện. Trần Thanh Tùng, Kim Phượng, Minh Xuân, Quốc Dũng, Đặng Vy. Các danh ca từ Bắc Cali đến như Thái Trang, Phương Hồng Ngọc, Giang Tử…Một hoạt cảnh Anh Là Ai của nhạc sĩ Việt Khang cũng có phần của Kim Phượng đóng góp.
4.5. Tham dự lễ kỷ niệm 61 năm thành lập binh chủng Thủy Quân Lục Chiến
Thủy Quân Lục Chiến dựng cờ ở Cổ Thành Quảng Trị
Ngày 5-7-2015, tại nhà hàng Phoenix Seafood, hội ái hữu Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) Houston đã tổ chức 61 năm thành lập Sư đoàn TQLC và kỷ niệm 43 năm chiến thắng Cổ Thành Quảng Trị.(5-9-1972)
Buổi lễ có sự tham dự của cựu Đại tá Nguyễn Thành Trí, Tư lịnh phó Sư đoàn và các cấp chỉ huy tiểu đoàn trưởng như Trần Ngọc Toàn, Nguyễn Văn Phán…
Về phía hội đoàn quân đội gồm có cựu Chuẩn tướng Trang Sĩ Tấn, cựu Đại tá Trương như Phùng, ông Nguyễn Anh Dũng (PGHH). Viên chức địa phương gồm có hai vị dân cử gốc Việt là Dân biểu Hubert Võ, Nghị viên Richard Nguyễn.
Về phần văn nghệ, ngoài các ca sĩ nổi tiếng địa phương như ca sĩ Kim Phượng, Đặng Vy, Diễm Thúy, Khánh Linh, còn được tăng cường bởi những danh ca như Thế Sơn, Diễm Liên, Ngọc Đan Thanh, Hồng Diễm.
Tham dự lễ kỷ niệm và tiệc gây quỹ có khoảng 900 người.
Chỗ nào có sinh hoạt hội đoàn Houston thì không thể thiếu ca sĩ Kim Phượng.
4.6. Kim Phượng tham gia lễ khánh thành bảng tên đường tiếng Việt
Phóng viên báo Xây Dựng thường thuật như sau.
Ngày 2-11-2015, lễ khánh thành dựng bảng tên đường tiếng Việt ở Houston được tổ chức bởi hai vị trưởng ban là cụ Trương Túc, khóa 10 Võ Bị Quốc Gia và Nha sĩ Nguyễn Văn Diệu. Các ca sĩ thành phố đều tham dự, con chim sơn ca Kim Phượng, Thanh Thanh và BĐQ Trần Thanh Tùng là những ca sĩ nổi tiếng của cộng đồng, đã tạo bầu không khí nồng ấm cho buổi lễ.
Họ đội mưa. Áo lính, áo dài lướt thướt hâm nóng lại không gian ẩm ướt của ngày đầu thu ở Houston.
Trong 12 tên đoạn đường Việt Nam được gắn, có 8 đoạn đường mang tên 8 sĩ quan quân đội, cảnh sát cấp tướng, tá của VNCH đã vị quốc vong thân hoặc tuẫn tiết vào ngày 30/4/1975, đó là: Lê Nguyên Vỹ, Hồ Ngọc Cẩn, Lê Văn Hưng, Nguyễn Khoa Nam, Trần Văn Hai, Ngụy Văn Thà…
5* MC Kim Phượng
Hội Thoại Trại Gia Binh Houston với Kim Phượng Đài Global TV 51-5.* Kim Phượng bìa mặt
Ngoài tài ca hát, Kim Phượng còn nổi bật trong vai trò MC, hướng dẫn các cuộc hội thoại (Talk Show) trên những chương trình truyền hình.
Một MC sinh động, tự nhiên, lưu loát và rất duyên dáng dễ thương. Bạn bè gọi chị là “TiVi chi bảo”.
Kỳ Duyên là một MC khá nổi tiếng nhưng Kim Phượng vượt trội hơn, đó là do những trải nghiệm về cuộc đời, về nghệ thuật âm nhạc, về tâm tình của lính, về chiến tranh và đấu tranh cho chính nghĩa quốc gia…
6* Kết luận
Kim Phượng đã tham gia ban văn nghệ Hải Quân, Tiểu đoàn 30 CTCT trước 1975. Khi ra hải ngoại định cư ở Houston, Texas, một bang có nhiều đồng hương người Việt ở Mỹ, đã gắn bó chặt chẽ với sinh hoạt của những hội đoàn người Việt tỵ nạn Cộng Sản địa phương.
Kim Phượng nhiệt tình, thiện nguyện góp phần vào những tổ chức gây quỹ hỗ trợ cho gia đình các thương phế binh VNCH ở quê nhà.
Tích cực góp tiếng hát vào những sự kiện đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền và tự do của những nhà hoạt động trong nước.
Những sinh hoạt của các hội đoàn QLVNCH như TQLC, BĐQ và các quân binh chủng khác đều không thiếu vắng gương mặt khả ái và “giọng ca khói sương” của Kim Phượng.
Tinh thần phục vụ bền bĩ, không mệt mõi của người ca sĩ nầy là một thành tích đóng góp rất vinh quang, đáng được trân trọng.
Về âm nhạc, Kim Phượng ước mơ được đón nhận sự yêu thương của khán giả hải ngoại để tiếp tục con đường nghệ thuật đã thấm sâu vào máu tim của mình. Chị tâm sự: “Nếu còn một ngày để sống thì xin được sống mãi trong trái tim mọi người bằng lời ca”.
“Em thấy vui và hãnh diện mình là con cháu 2 Bà Trưng, hãnh diện là con gái của một sĩ quan cảnh sát như Ba em, hãnh diện là con của dưỡng phụ em là thiếu tá Quân y nhảy dù”
Tóm lại, có thể mạnh dạn kết luận: “Ca sĩ Kim Phượng: một tiếng hát gắn liền với cuộc đấu tranh của dân quân Việt Nam Cộng Hòa”
Trúc Giang
Minnesota ngày 15-7-2016