Saturday 30 July 2016

FBI: Cứu Hillary Hay Hại Hillary? - Vũ Linh



...Quyết định của ông Comey là một quyết định bùa phép tiêu biểu...

Một lần nữa, gió bầu cử lại đổi chiều, nhanh hơn chong chóng. Ảnh hưởng của Brexit chưa ai kịp nhìn thấy gì thì một biến cố chấn động khác lại xẩy ra, có thể đảo ngược tình thế. Giám Đốc FBI, ông James Comey, sau cả năm trời dòng dã điều tra vụ bà Hillary Clinton sử dụng hệ thống email cá nhân, đã họp báo tuyên bố kết quả: bà Hillary vi phạm đủ thứ tội và hoàn toàn nói láo từ đầu đến đuôi, nhưng FBI quyết định không khuyến cáo truy tố bà Hillary. Ông nhấn mạnh theo đúng luật, ông chỉ có khả năng khuyến cáo thôi, còn quyết định truy tố hay không là do Bộ Tư Pháp. Cuộc họp báo 15 phút thật ra chỉ là đến để nghe thôi, các ký giả không được phép đặt câu hỏi.

Nôm na ra, ông Comey xác nhận bà Hillary phạm tội tầy trời, nhưng xin nhường cho bà Bộ Trưởng Tư Pháp Loretta Lynch quyết định truy tố hay không. Đúng một ngày sau, bà Bộ Trưởng tuyên bố kết thúc toàn bộ cuộc điều tra, chưa bao giờ một cơ quan chính quyền có quyết định nhanh như vậy. Chấm hết.


Quyết định này cũng chẳng phải là một ngạc nhiên. Hồi đầu tháng Tư, cột báo này đã viết: “...có nhiều triển vọng chính quyền Obama sẽ áp lực FBI nhận chìm vụ này vì hậu quả chính trị quá lớn, có thể khiến bà Hillary bị truy tố và phải rút lui khỏi cuộc tranh cử tổng thống”. Khi TT Obama công khai tuyên bố hậu thuẫn bà Hillary thì coi như ván đã đóng thuyền. Nếu FBI có ý định khuyến cáo truy tố bà, và Bộ Tư Pháp có ý định truy tố thì không đời nào TT Obama lại mang hết uy tín cá nhân của mình đi hậu thuẫn một tội phạm sắp sửa bị truy tố ra tòa. FBI trực thuộc Bộ Tư Pháp, và Bộ Tư Pháp nằm trong nội các Obama, và TT Obama hậu thuẫn bà Hillary. Có gì khó hiểu?

Thêm nữa, vài ngày trước khi FBI công bố kết quả. Cựu TT Clinton “tình cờ” gặp bà Lynch tại phi trường Phoenix, vào trong phi cơ riêng của bà, họp riêng chỉ có hai người trong 30 phút, không có một phụ tá hay một nhà báo nào được vào. Trả lời một câu hỏi của báo chí, bà Lynch cho biết hai người thăm hỏi xã giao, nói chuyện về con cháu, và đánh gôn. Ai tin xin giơ tay lên cho cao!

Chưa hết, một ngày sau cuộc họp kín đó, bà Hillary ca ngợi bà Lynch và cho biết nếu đắc cử bà sẽ lưu nhiệm bà Lynch. Bây giờ bà Hillary được cả FBI lẫn bà Lynch bạch hóa, ai ngạc nhiên xin giơ tay lên cho cao hơn nữa!

Vẫn chưa hết. Toà án liên bang đã xử Bộ Ngoại Giao phải công bố toàn bộ các điện thư mà bà Hillary đã giao nộp, ngoại trừ những điện thư có tính mật, trước ngày bầu cử. Bộ Ngoại Giao mới đây đã chính thức xin triển hạn tới... 27 tháng, tức là sau khi bà TT Hillary –nếu bà đắc cử- đã nhậm chức tới hai năm rồi! Vì lý do quá nhiều, phải nghiên cứu kỹ mức độ mật để quyết định cái nào công bố được. Một tờ báo tiết lộ Bộ Ngoại Giao vì lý do ngân sách eo hẹp chỉ trao trách nhiệm này cho có chừng hai chục chuyên viên làm việc bán thời mỗi ngày chỉ đọc được vài ba chục emails trong khi bà Hillary nạp tới 30.000 cái. Kẻ viết này đề nghị chỉ nên có ba chuyên viên bán thời và xin triển hạn tới … tám năm luôn, để bảo đảm bà tổng thống Hillary sẽ làm đầy đủ hai nhiệm kỳ. 

Trước khi bàn xa hơn về quyết định của FBI, xin phép được nhắc nhở lại câu chuyện, một cách ngắn gọn.

Theo luật lệ chính thức cũng như theo thông lệ, tất cả các viên chức cao cấp trong Bộ Ngoại Giao (cũng như tất cả các bộ khác) đều bị bắt buộc phải dùng hệ thống emails chính thức của bộ, vì lý do bảo mật cũng như vì nhu cầu lưu trữ tài liệu quốc gia. Các viên chức cũng đều bị bắt buộc phải sử dụng điện thoại di động và máy computer do Bộ chính thức cung cấp, và không được tự tiện xoá bất cứ dữ kiện nào. Ngoài ra, các viên chức, ngay sau khi rời nhiệm sở, đều bị bắt buộc phải bàn giao lại tất cả mọi giấy tờ, tài liệu, hồ sơ liên quan đến công việc. Cơ quan càng quan trọng như Toà Bạch Ốc, Bộ Quốc Phòng, Bộ Ngoại Giao, Bộ An Ninh Lãnh Thổ, FBI, CIA, … và viên chức càng cao thì nhu cầu tôn trọng những luật này càng cần thiết.

Bà ngoại trưởng Hillary Clinton vi phạm trọn vẹn tất cả những điều luật trên.
Bà cho thiết lập nguyên một hệ thống email riêng tại tư gia với đầy đủ dàn máy chủ -server-, và trao đổi tất cả emails dù riêng tư hay liên quan đến công việc qua hệ thống do một mình bà kiểm soát, không có một viên chức Bộ Ngoại Giao hay FBI hay bất cứ cơ quan nào khác được xen vào, kể cả Văn Phòng Thanh Tra Bộ Ngoại Giao cũng không được lại gần, cho dù tất cả chi phí máy móc, bảo quản tốn bạc triệu do Bộ Ngoại Giao chi trả và nhân viên điều hành là công chức của Bộ Ngoại Giao.

Sau khi từ nhiệm, bà đã không trao lại cho Bộ Ngoại Giao bất cứ hồ sơ gì cho đến cả năm sau, sau khi bị Bộ Ngoại Giao liên tục truy đòi. Bà in lại trên giấy 30.000 emails, rồi xóa hết trong dàn máy chủ. Có nghiã là nếu có một chuỗi emails liên hệ, nếu bà muốn thì bà sẽ in ra và nộp lại, nếu bà không muốn dấu vết thì bà không in ra và xóa đi, không ai có thể truy cập những emails liên hệ đó nữa.

Bà có công khai nhìn nhận là bà đã sai lầm trong việc sử dụng hệ thống email tư, nhưng khẳng định bà không làm gì phạm luật vì thứ nhất, các vị tiền nhiệm của bà cũng đều sử dụng hệ thống email cá nhân, và thứ nhì, những emails bà nhận và gửi không có bất cứ cái nào thuộc loại bí mật cả.

Chúng ta sẽ đi vào chi tiết qua bản phúc trình ngắn gọn của GĐ Comey, nhưng ngay đây, có thể nhận ra một điều không đúng sự thật. Các vị tiền nhiệm xa như các bà Albrights và Condolizza Rice đều có sử dụng emails cá nhân, nhưng thời gian đó email còn rất thô sơ, ít người dùng, chưa có luật rõ ràng và ít có nguy cơ gián điệp lén vào đọc. Đến ngoại trưởng Colin Powell thì ông sử dụng emails qua hệ thống thương mại thường nhiều hơn, nhưng chỉ là vài trăm cái thôi, và tất cả đều còn nguyên không bị xóa. Quan trọng nhất là không ai có nguyên hệ thống với dàn máy chủ gắn ngay trong nhà và không vị nào có độc quyền kiểm soát, lưu hay xóa tùy hỷ như trường hợp bà Hillary. Cũng chẳng ai gửi qua lại cả trăm ngàn emails hết.

Bây giờ ta đi vào đề: báo cáo của FBI.

Phần dưới đây là trích dẫn vài điểm chính do các báo nêu lên.

1. Được hỏi về vụ chuyển tin mật, bà Hillary khẳng định không bao giờ chuyển bất cứ tin mật nào qua hệ thống của bà. FBI xác nhận có 113 điện thư mang tính mật, trong đó có ít nhất 8 cái thuộc loại tối mật, 36 thuộc loại mật có ghi rõ ràng khi bà Hillary trao đổi. Hơn 2.000 cái bị Bộ Ngoại Giao xếp vào loại mật sau này. GĐ Comey cho biết vô số tin trao đổi qua email tuy không ghi là mật, nhưng bất cứ người nào đọc cũng phải hiểu đây là loại tin không thể phổ biến qua hệ thống email không có bảo mật, như tin thảo luận về việc dùng máy bay không người lái –drone- trên xứ Pakistan.

2. Bà Hillary khẳng định hệ thống email của bà do chuyên viên thượng thặng gắn, có mức bảo mật tuyệt đối. FBI cho biết đến giờ chưa thấy có bằng chứng nào hệ thống của bà đã bị xâm nhập, nhưng FBI cũng xác nhận như vậy không có nghiã là đã không bị xâm nhập. FBI cho biết bà Hillary gửi và nhận emails trong những chuyến công du của bà, ngay cả khi đang ở trong các xứ đối nghịch rất có khả năng xâm nhập và đọc được dễ dàng. Một ngày sau họp báo của GĐ Comey, Wikileak cho phổ biến ngay hơn 1.000 điện thư do họ xâm nhập và lấy ra từ hệ thống riêng của bà Hillary. Nếu mấy anh tài tử Wikileak có thể xâm nhập dễ dàng như vậy, thì mấy tay phản gián chuyên gia thượng thặng của Nga và TC đã làm được gì?

3. Được hỏi sao không sử dụng điện thoại của Bộ Ngoại Giao cấp, bà Hillary giải thích, “cho tiện vì bà không thể một lúc xài hai ba điện thoại, quá phiền phức”. FBI báo cáo chẳng những “bà Hillary sử dụng rất nhiều máy điện thoại di động khác nhau” (numerous mobile devices), mà bà còn sử dụng “nhiều giàn máy chủ khác nhau” (several different servers). Mỗi lần đổi giàn máy, bà chuyển hết điện thư qua máy mới rồi xoá hết trong máy cũ. Nhưng vì kỹ thuật xóa không tinh vi, nên FBI truy xét các giàn máy cũ, khám phá ra được hàng ngàn emails liên quan đến công việc mà bà Hillary không nộp cho Bộ Ngoại Giao.

4. Bà Hillary xác nhận tuyệt đối không hề vi phạm luật gì hết. FBI cho biết không có chứng cớ gì xác nhận bà Hillary cố tình vi phạm luật lệ, mà chỉ là bà đã vô cùng bất cẩn –extremely careless nhưng không cố ý vi phạm một tội hình sự nào –no criminal intent. Ở đây, có một nhà báo đã đặt câu hỏi “Trong luật pháp Mỹ, có một điều bị coi là tội, đó là “gross negligence”, có nghiã đại khái là hết sức sơ ý, không cần cố ý. Như vậy, gross negligence và extremely careless khác nhau chỗ nào? Tại sao gross negligence thì có tội còn extremely careless nghe nặng nề hơn lại là không có tội”. Câu hỏi này, xin để luật sư trả lời, kẻ viết này không đủ khả năng.

5. Bà Hillary cho biết đã xoá cỡ 30.000 điện thư có tính riêng tư không liên quan đến công việc. FBI cho biết không có cách gì biết được bà xoá những gì, vì chẳng những bà xoá khỏi hộp thư mà còn xóa luôn trong điã cứng –hard drive- của giàn máy chủ server. Nếu bà sử dụng hệ thống của Bộ Ngoại Giao hay ngay cả hệ thống thương mại bình thường như gmail hay yahoo thì những điện thư đó vẫn còn đó, bà không thể tự ý xoá được. Đó là lý do tại sao bà gắn nguyên cả hệ thống máy chủ tại nhà riêng của bà, do một mình bà kiểm soát, lưu hay xoá do một mình bà quyết định.

Ở đây có điểm rất quan trọng ta cần lưu ý. Năm xưa TT Nixon xoá 18 phút thâu băng một cuộc thảo luận về Watergate. Trên nguyên tắc không phạm tội gì vì băng thu là băng riêng của ông thu để làm tài liệu cá nhân không phổ biến, giống như hai TT Kennedy và Johnson cũng đã làm. Chỉ xóa không thôi đã là cái tội mà quốc hội đòi mang ông Nixon ra đàn hạch, không cần biết ông xoá những gì. Bây giờ bà Hillary xoá 30.000 điện thư mà theo luật bà không có quyền tự tiện xoá, nhưng FBI không cho là có tội vì không biết trong những bức thư bị xoá đó có gì, do đó không truy tố. Thế mới biết luật lệ gì thì cũng vẫn có những cách diễn giải thật là... tùy hỷ.
Có một chuyện tuyệt nhiên không thấy ông Comey đả động tới. Một nhân viên Bộ Ngoại Giao, tay chân thân tín của bà Hillary, được giao cho công tác gắn hệ thống email này cho bà. FBI chất vấn nhưng anh ta điều đình, đòi được miễn tố mọi tội mới chịu trả lời. FBI chấp nhận miễn tố nhưng có giới hạn. Chẳng ai rõ điều kiện hai bên điều đình như thế nào, chỉ biết anh này hợp tác, nhưng cũng đã từ chối trả lời gần 150 câu hỏi, dựa trên Tu Chính Án Thứ Năm –Fifth Amendment- cho phép một nghi can có quyền từ chối trả lời nếu câu trả lời đó có thể được dùng để kết tội nghi can đó. Anh sợ bị tội gì mà không chịu trả lời tới 150 câu hỏi? FBI sẽ công bố những câu hỏi đó hay không?

Để quý độc giả có một khái niệm rõ hơn về phản ứng của truyền thông dòng chính (không kể Fox News!), dưới đây là vài cái tựa lớn và nhận định:

- Tạp chí Time: FBI Cho Biết Những Gì Bà Clinton Nói Về Việc Emails Đều Không Đúng Sự Thật.

- New York Times: Những Tố Giác Của FBI Về Bà Hillary Clinton Là Những Quảng Cáo Làm Sẵn Để Đánh Bà.

- Associated Press: Những Giải Thích Của Bà Hillary Về Emails Rơi Rụng Dưới Sự Điều Tra Của FBI.

- The Daily Beast: Giám Đốc FBI Đè Dẹp Tất Cả Những Biện Giải Của Bà Hillary.

- Boston Globe: Những Nhận Định Nặng Nề của Ông Comey Về Việc Bà Hillary Sử Dụng Emails Đã Củng Cố Những Câu Hỏi Về Tính Đáng Tin Của Bà Hillary. Sẽ được sử dụng để reo nghi ngờ về những luận cứ của bà Hillary, tự cho mình là có khả năng và đủ phán đoán để là một ứng viên tổng thống xứng đáng nhất.

- Boston Blobe: Giống như trường hợp OJ Simpson, Ai Cũng Biết Bà Hillary Đã Phạm Tội.

- Washington Times: Bà Hillary Theo Luật Lệ Riêng Không Áp Dụng Cho Chúng Ta.

- Real Clear Politics: Xì-Căng-Đan Email Của Bà Hillary: Còn Lâu Mới Hết Chuyện.

- Washington Post: Ông Comey Phá Tan Toàn Bộ Biện Giải Của Bà Hillary.

Nhìn vào toàn bộ câu chuyện, nhiều người cho rằng bà Hillary chính là một Nixon tái sinh: sẵn sàng mánh mung, gian trá, làm đủ chuyện để đắc cử. Theo ý kiến cá nhân, TT Nixon có sống lại, sẽ phải tôn bà Hillary làm sư mẫu, đáng bực thầy của ông. Nixon gian trá bị mất chức tổng thống. Bà Hillary gian trá, sẽ được bầu làm tổng thống. Đó là khác biệt giữa sư mẫu và đệ tử.

Trong phần trình bày của GĐ Comey, có hai câu phải nói là kết tội không thể nào rõ ràng hơn:

- “Nói cho rõ, đây không có nghiã là tôi gợi ý trong hoàn cảnh tương tự, một người khác làm những chuyện như vậy sẽ không phải chịu hậu quả. Trái lại những người đó sẽ phải chịu hình phạt về an ninh và hành chánh” (“To be clear, this is not to suggest that, in similar circumstances, a person who engaged in this activity would face no consequences. To the contrary, those individuals are often subject to security or administrative sanctions).

- “Nếu nhân viên FBI làm những việc bà Clinton đã làm, họ sẽ phải trực diện hậu quả” (“If FBI Agents Did What Hillary Did They Would Face Consequences”)

Có nghiã là bà Hillary phạm tội mà tất cả mọi người khác sẽ bị trừng phạt, riêng bà thì không sao, nhưng chớ ai dám bắt chước, sẽ bị trừng phát thích đáng. Đúng như báo The Hill đã viết “Quyết Định Của FBI Về Bà Hillary Chứng Minh Luật Lệ Không Áp Dụng Cho Những Người Giàu Có Và Quyền Thế”.

Thật ra, theo ý kiến riêng của kẻ viết này, thông điệp của GĐ Comey rất rõ ràng: bà Hillary có tội, rất nhiều tội, và hoàn toàn nói láo từ đầu đến đuôi, bất cứ người nào khác làm như bà sẽ bị tù rục xương. Nhưng vì bà quá quan trọng, là ứng viên có triển vọng đắc cử tổng thống nên FBI quyết định trình bày những tội của bà thôi, còn quyền xử bà thì FBI xin nhường cho bồi thẩm đoàn đặc biệt lớn nhất lịch sử: đó là khối ba trăm triệu cử tri Mỹ. Họ sẽ quyết định tội trạng và hình phạt cho bà vào cuộc bầu Tháng Mười Một tới. Ông Comey hiển nhiên không muốn gánh vác trách nhiệm gạt bỏ bà Hillary ra khỏi cuộc tranh cử tổng thống, một trách nhiệm lịch sử quá lớn. Nếu bà Hillary không phải là ứng viên tổng thống mà chỉ là ngoại trưởng đã về hưu, có nhiều triển vọng FBI đã có quyết định khác.

Trước, đã có ba viên chức cao cấp bị trừng phạt vì tội liên quan đến các tài liệu mật: hai cựu giám đốc CIA, tướng David Petraeus và John Deutch, và cựu Cố Vấn An Ninh Quốc Gia của TT Clinton, Sandy Berger. Cả ba đều có tội bất cẩn nặng –gross negligence- mang vài tài liệu mật về nhà riêng hay lưu trữ trong máy điện toán riêng; ông Deutch được TT Clinton ân xá, hai ông kia bị phạt hai năm tù treo, và bị cấm không được hưởng quyền tham khảo tài liệu mật –security clearance.

Quyết định của ông Comey là một quyết định bùa phép tiêu biểu cho chính khách và quan chức Mỹ: thủ cẳng cả hai chiều: tố cáo bà Hillary vi phạm đủ thứ tội đáng đi tù mãn kiếp để thỏa mãn phần nào phe đối lập CH, cũng như trước những bằng chứng quá hiển nhiên, nhưng lại tránh né việc truy tố bà để tránh đụng chạm quá mạnh với người có nhiều hy vọng làm tổng thống năm tới. Cho dù đồng ý hay không đồng ý với ông GĐ Comey, thì cũng phải công nhận ông này đã ra một chiêu “Lăng Ba Vi Bộ” xứng đáng thuộc loại đệ tử chân truyền của Đoàn Dự. Thật ra ông Comey đã lấy một quyết định không thể nào tài tình hơn cho cá nhân ông. Mặc dù kẻ viết này không đồng ý, nhưng rất đáng phục. Ông Comey đúng là một Houdini về chính trị. [Houdini là một nhà ảo thuật chuyên môn biểu diễn trò tự trói mình trong khoá sắt, trong một cũi sắt dìm xuống nước, nhưng vẫn thoát ra được trước khi chết ngộp]

Nước Mỹ sẽ có dịp quyết định bầu hay không bầu cho một người mánh mung, tham nhũng, gian trá, “nói láo bẩm sinh”, tự cho mình đứng trên luật pháp vì biết mình quá quan trọng mà lại được hậu thuẫn mạnh của tổng thống, cũng như được hậu thuẫn vô điều kiện của cả một nửa nước, nhắm mắt ủng hộ bà bất chấp mọi chuyện. Với một tổng thống như vậy, nước Mỹ sẽ đi về đâu? Câu hỏi này để những người muốn bầu cho bà Hillary trả lời. (10-07-16)

Vũ Linh

Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com.