Saturday 30 July 2016

Đô đốc Võ Văn Dũng

Kính thưa quý thính giả, Theo chiều dài của lịch sử Việt Nam, có lẽ các danh tướng Tây Sơn là những người chịu nhiều thiệt thòi nhất. Cả đời xông pha trận mạc, anh dũng chiến đấu quên mình vì đại nghĩa cứu dân cứu nước, nhưng sử sách ghi chép về họ lại quá ít.

Trong tiết mục “Danh nhân nước Việt” tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Đô đốc Võ Văn Dũng” của Việt Thái qua giọng đọc của Tam Thanh để chấm dứt chương trình phát thanh tối hôm nay.


“Tướng quân chiến mã kim hà tại?
Dã thảo nhàn hoa mãn địa sầu”.

Nghĩa là:

Chiến mã của tướng quân giờ ở nơi đâu? 
Cỏ hoa đồng nội đất đai sầu.

Đó là hai câu thơ cảm vịnh về các danh tướng Tây Sơn của Nguyễn Trọng Trì, tác giả cuốn Tây Sơn Lương Tướng ngoại truyện.

Võ Văn Dũng thuở nhỏ tên Độ, người làng Phú Phong, huyện Tuy Viễn (nay thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Theo truyền thuyết thì ông là bạn đồng lứa tuổi với Nguyễn Nhạc.

Năm 1771, khi Nguyễn Nhạc cùng Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ phát động cuộc khởi nghĩa chống quân Mãn Thanh, Võ Văn Dũng là một trong số những người tham gia hưởng ứng đầu tiên. Vốn có võ nghệ cao cường và giàu mưu lược, Võ Văn Dũng nhanh chóng trở thành một trong những tướng lãnh cao cấp của nhà Tây Sơn.
Võ Văn Dũng được Nguyễn Nhạc tán thưởng tài nghệ xử dụng đao như sau:

Phá Trung sơn giặc dị,
Thắng Văn Dũng đao nan.

Nghĩa là:

Phá bọn cướp núi thì dễ,
Thắng cây đao của Văn Dũng mới khó.

Khi Nguyễn Huệ còn là Bắc Bình Vương, Võ Văn Dũng đã được phong làm Tư khấu và sau đó được thăng làm Đô đốc, tước Chiêu Viễn Hầu.

Năm 1788, khi Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ vạch kế hoạch cho trận quyết chiến với quân Mãn Thanh, ông được Bắc Bình Vương tin cậy, giao phó trọng trách cùng với các tướng lãnh khác như Đại Tư mã Ngô Văn Sở, Nội hầu Phan Văn Lân... chỉ huy đạo quân chủ lực của trận đánh lịch sử này. Và ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quan trọng, góp công lớn vào trận đại thắng Ngọc Hồi - Đống Đa vào mùa Xuân Kỷ Dậu, năm 1789.

Đô đốc Võ Văn Dũng được vua Quang Trung phong làm Đại Tư đồ, tước Võ Quốc công.

Ông được cử làm sứ giả sang Trung Hoa lần đầu vào ngày 18 tháng Giêng năm Kỷ Dậu, để giảng hòa sau khi vua Quang Trung đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược. Lần thứ nhì vào năm Tân Hợi 1791, ông  làm chánh sứ với nhiệm vụ đưa Phạm Công Trị đóng giả vua Quang Trung sang Yên Kinh, Trung Hoa để đòi lại hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây mà nhà Thanh đã chiếm của Đại Việt vào năm 1769. Nhưng trong lúc gần hoàn thành nhiệm vụ thì nhận được tin vua Quang Trung băng hà, ông phải trở về nước.

Nhưng kể từ khi vua Quang Trung mất, triều đình Tây Sơn chia rẽ nghiêm trọng. Bấy giờ, nhân vật lộng quyền bị lên án nhiều nhất là Thái sư Bùi Đắc Tuyên.
Năm 1795, theo lời bàn Trần Văn Kỷ, Đại Tư đồ Võ Văn Dũng đưa quân vây bắt và giết chết Bùi Đắc Tuyên. Triều đình của vua Quang Toản nhờ đó mà tạm thời được củng cố.

Trong cuộc chiến đấu cam go chống Nguyễn Ánh, Võ Văn Dũng là một trong những tướng lãnh có nhiều công lao nhất. Từ giữa năm 1799 đến đầu năm 1802, ông cùng tướng Trần Quang Diệu đã chỉ huy nhiều trận đánh lớn với quân của Nguyễn Ánh tại vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định.

Chiến thắng của trận vây hãm thành Quy Nhơn liên tục trong 14 tháng, khiến cho tướng trấn thủ thành của Nguyễn Ánh là Võ Tánh tự thiêu và hiệp trấn Ngô Tùng Châu uống thuốc độc tự tử. Chiến thắng này làm cho tên tuổi của Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng càng thêm nổi bật.

Tháng 3 năm 1802, nghe tin vua Cảnh Thịnh và Bùi Thị Xuân đã bại trận, tình hình quân Tây Sơn ở vùng Trấn Ninh (phía Tây Nghệ An và Thanh Hóa ngày nay) ngày một nguy cấp bởi những trận tấn công ào ạt của quân Nguyễn Ánh, Võ Văn Dũng đã cùng với Trần Quang Diệu bỏ thành, đem tượng binh đi vòng qua Lào ra Nghệ An tiếp cứu. Nhưng khi đến châu Quỳ Hợp, Hương Sơn thì nghe tin thành Nghệ An thất thủ. Ông và Trần Quang Diệu rút quân về huyện Thanh Chương, nhưng giữa đường bị phục binh ông và Trần Quang Diệu bị quân của Nguyễn Ánh bắt và xử tử.

Sau này, hài cốt của ông được đưa về thôn Phú Mỹ, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, Bình Định cải táng. Hàng năm, đến ngày mùng 8 tháng 2 âm lịch, con cháu nhà họ Võ đều tập trung về từ đường thờ ông, để hành lễ dâng hương tưởng nhớ đến một vị tướng phò tá nhà Tây Sơn phá tan các đạo quân xâm lược.

***
Trong Tây Sơn Thất Hổ Tướng, Đô đốc Võ Văn Dũng được xếp hạng đầu tiên, kế đó là Trần Quang Diệu, Võ Đình Tú, Nguyễn Văn Tuyết, Lê Văn Hưng, Lý Văn Bưu, Nguyễn Văn Lộc.

Mặc dù nhà Tây Sơn chỉ tồn tại hơn 30 năm, nhưng được xem là một thời kỳ có nhiều anh hùng nghĩa sĩ tài giỏi, đánh tan đạo quân Thanh 29 vạn quân ở phương Bắc, dẹp tan nhiều vạn quân Chiêm ở phương Nam. Hầu hết nhưng anh hùng hào kiệt thời này đều xuất thân từ dân giả, không phải là vương tôn hay quan lại, họ tập hợp dưới ngọn cờ Tây Sơn được trui rèn và qua nghệ thuật dùng người của Quang Trung – Nguyễn Huệ để trở thành những vị tướng tài đánh Nam dẹp Bắc, lưu danh trong sử Việt.

Tên tuổi và sự nghiệp của Đô đốc Võ Văn Dũng đã gắn liền với giai đoạn vinh quang của triều Tây Sơn, tài năng của ông góp phần lớn vào sự tồn tại của nước nhà. Nhưng điều đáng nói nhất là, thay vì noi gương anh dũng của các danh tướng như Võ Văn Dũng, Trần Quang Diệu… để chống xâm lăng thì hiện tại các tướng lãnh CSVN lại “im hơi lặng tiếng” khi lãnh thổ và lãnh hải đã và đang mất dần về tay giặc phương Bắc. Thậm chí một đại tướng, bộ trưởng bộ quốc phòng lại rụt rè sợ hãi, làm nhục thêm nhuệ khí của quân đội, khi lên tiếng khẳng định 16 chữ vàng, trong lần tiếp kiến đại sứ Hoa lục Tôn Thất Tường: “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”.

Phùng Quang Thanh đã bôi bẩn thanh danh của các bậc tiền nhân. Đây là điều ô nhục của đảng CSVN và điều này chắc chắn sẽ bị lịch sử khắc ghi đến ngàn đời sau!