Monday, 8 August 2016

Lịch sử đã không quên tội ác của Mao - FB Mạnh Kim


Ảnh trên bìa tạp chí Life
Dân TQ chết đói bên đường. Ảnh trên bìa tạp chí Life
Dù đã biết khủng khiếp và đáng kinh tởm như một vết nhơ mà Mao Trạch Đông đã chấm mực trên những trang sử Trung Quốc nhưng đọc lại cuộc thảm sát lên chính đồng bào mình của Mao vẫn không thể không bàng hoàng và ghê sợ.
Trên History Today (Volume 66, Issue 8 August 2016), sử gia Frank Dikötter, tác giả quyển Mao’s Great Famine: The History of China’s Most Devastating Catastrophe, 2010), cho biết, dựa vào kho tàng thư mật trong đó có những báo cáo của an ninh và mật vụ, biên bản các cuộc họp đảng, lời thú nhận của các viên chức địa phương…, có thể kết luận rằng Mao có trách nhiệm trong việc gây ra cái chết của ít nhất 45 triệu người chỉ trong gần 5 năm, từ 1958-1962.
Có từ 2 đến 3 triệu nạn nhân bị tra trấn đến chết. Sự giết chóc không từ nan đối với thậm chí trẻ em. Một cậu bé trộm một nắm gạo tại Hồ Nam đã bị tên bí thư địa phương buộc bố cậu phải chôn sống cậu. Vài ngày sau, không thể sống nổi với sự ân hận xé thấu tim gan, bố cậu cũng chết.
Từ năm 2005-2009, sử gia Frank Dikötter đã nghiên cứu hàng trăm tài liệu khắp Trung Quốc. Ông đi khắp nơi, từ Quảng Đông đến Giang Tô gần Nội Mông. Và ông đã ghi lại nhiều câu chuyện ngoài sức tưởng tượng. Một nạn nhân tên Wang Ziyou đã bị cắt tai, chân trói bằng dây kẽm gai và lưng bị đè bởi một tảng đá 10kg. Ông còn bị “đóng dấu” bằng một công cụ sắt nung đỏ. Tội của ông: đào một củ khoai tây!
Trong một cuộc họp mật tại Thượng Hải ngày 25-3-1959, Mao yêu cầu phải thu gom 1/3 số gạo. Mao nói: “Khi không đủ ăn, người ta sẽ chết đói. Chẳng thà để nửa số dân chết đói mà nửa số người còn lại có cái bỏ bụng”. Nạn đói thời điểm đó vô cùng khủng khiếp. Tại những ngôi làng hẻo lánh, thỉnh thoảng người ta được cho phép cắt thịt người chết để ăn. “Đảng” thậm chí còn đặt ra “quota” giết người cho đủ số qui định. Một văn thư từ kho văn khố Hà Bắc ghi: “Khi việc giết người xảy ra, vài người bị chôn sống; vài người khác bị hành hình, vài người bị chặt từng khúc; và trong số những người thắt cổ, có người đã treo mình lên cây hoặc cửa”.
“Nạn đói” là từ được sử dụng để giải thích những cái chết gây ra chủ yếu bởi các chương trình kinh tế thất bại. Tuy nhiên, tàng thư và tài liệu mà sử gia Frank Dikötter (người vừa phát hành tiếp một quyển với chủ đề tương tự: The Cultural Revolution: A People’s History, 1962-1976; NXB Bloomsbury, 2016) cho rằng, sự trấn áp, gây khủng bố và bạo lực cuồng nộ mới là “nền tảng” của cái gọi là “Cách mạng Đại nhảy vọt”. Giai đoạn khủng khiếp nhất lịch sử đương đại Trung Quốc này, đến nay, vẫn bị Bắc Kinh bưng bít. Người ta thừa nhận Mao “có sai” nhưng người ta chưa bao giờ đưa Mao vào danh sách những kẻ đồ tể của nhân loại. Thật trớ trêu, Tập Cận Bình, có bố (Tập Trọng Huân) từng bị Mao ngược đãi và lưu đày, lại đang cổ vũ sự trở lại của “văn hóa và tư tưởng Mao”.
Dù thế nào, câu chuyện Mao và những tiết lộ liên quan Mao sẽ không bao giờ được lịch sử bỏ quên. Tội ác luôn được ghi nhận. Tội ác không bao giờ được tha thứ.