Phán quyết của Tòa án trọng tài quốc tế ngày 12/7 phủ nhận bản đồ 9 đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông là một thắng lợi lịch sử không chỉ đối với nguyên đơn là Philippines mà với cả các nước nhỏ khác có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông bao gồm Việt Nam lâu nay bị lưỡi bò của nước lớn Bắc Kinh chèn ép, lấn lướt.
Tuy nhiên, quyết định được trông đợi lại không có tính cách cưỡng hành buộc Bắc Kinh phải hủy hoặc ngưng các động thái chủ quyền hóa Biển Đông hiện nay. Vậy tác dụng thực tế của phán quyết này là gì? Những gì sẽ xảy ra sau phán quyết ấy?
- Luật sư Vi Trần, một trong những sáng lập viên Tạp chí Luật Khoa, một tờ báo mạng độc lập chuyên đề về luật do các nhà hoạt động trong và ngoài nước khởi xướng. Luật sư Vi có nhiều bài viết về vấn đề Biển Đông đăng trên Tạp chí này và cũng có nhiều mối quan hệ với chính trị gia và các tổ chức xã hội dân sự tại Philippines vận động chống lại đường lưỡi bò Trung Quốc.
- Luật sư Vũ Đức Khanh kiêm Giáo sư luật tại Đại học Ottawa (Canada) chuyên nghiên cứu về chính trị Việt Nam, quan hệ quốc tế, và luật pháp quốc tế. Từ năm 2009, ông bắt đầu nghiên cứu vấn đề Biển Đông với nhiều bài đóng góp bằng Anh ngữ, Việt ngữ đăng trên nhiều tờ báo tiếng Anh, tiếng Việt về đề tài Biển Đông. Năm 2011, ông từng đưa ra sáng kiến đề nghị giải pháp cho Biển Đông và gửi kiến nghị thư cho Chủ tịch Trung Quốc lúc bấy giờ là ông Hồ Cẩm Đào.
- Luật sư Lê Công Định, học giả từng nhận học bổng danh giá Fulbright của Mỹ tại Trường Luật của Đại học Tulane, chuyên nghiên cứu công pháp quốc tế. Từ năm 2008, ông tham gia Quỹ Nghiên cứu Biển Đông do các trí thức trong và ngoài nước thành lập chuyên phân tích về tranh chấp Biển Đông dựa trên cơ sở khoa học, pháp lý, và học thuật.
Bấm vào nghe toàn bộ phần 1 cuộc trao đổi
LS Vi: Đây là một ví dụ cho Việt Nam và các nước trong khu vực thấy có thể dùng pháp lý và luật quốc tế để giải quyết một số mâu thuẫn, tranh chấp trên Biển Đông.
LS Định: Người Việt Nam hoan nghênh phán quyết này vì đơn giản họ nghĩ Trung Quốc bị đánh thua trên trận chiến pháp lý trước một nước tương tự Việt Nam là Philippines. Tôi thấy đây là phán quyết rất quan trọng, đánh dấu mốc lớn trong tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước tại Trường Sa. Phán quyết này bác bỏ pháp lý cái gọi là đường 9 đoạn của Trung Quốc.
LS Khanh: Sau khi phán quyết đưa ra tại tòa ở Hà Lan, chính phủ Việt Nam ra thông cáo khẳng định lại lập trường và hoan nghênh phán quyết, nhưng không biết trong thời gian tới họ có làm gì cụ thể hay chỉ đánh võ mồm, lên tiếng chiếu lệ.
Trà Mi: Phán quyết được mong chờ, ủng hộ nhưng lại không có ý nghĩa cưỡng hành buộc Trung Quốc phải hủy hoặc ngưng các hoạt động chủ quyền hóa Biển Đông như hiện nay. Vậy phán quyết có cũng như không hay sao?
LS Định: Về công pháp quốc tế, có một nguyên tắc rằng các phán quyết đều có giá trị pháp lý và giá trị ràng buộc nghiêm túc. Tuy nhiên, vấn đề chế tài đối với một phán quyết của tòa án quốc tế là không thể khả thi vì chủ thể pháp lý của công pháp quốc tế là những quốc gia, mà cộng đồng quốc tế đòi hỏi từng quốc gia một phải có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế trong mối quan hệ với các nước khác hơn là dùng biện pháp chế tài. Nói như vậy không có nghĩa là vô nghĩa khi đưa ra phán quyết để rồi cuối cùng không thi hành được. Trung Quốc, thành viên của Công ước quốc tế về Luật Biển mà lại bác thẩm quyền của tòa trọng tài được ấn định bởi Công ước, rồi sau đó lại tiếp tục bác hiệu lực pháp lý của phán quyết đó. Điều này thể hiện một Trung Quốc kém văn minh và vô trách nhiệm. Cho nên, chỉ bấy nhiêu thôi đã đủ để Trung Quốc phải từ từ thay đổi chính sách về Biển Đông.
Trà Mi: Không còn kênh pháp lý nào khác có giá trị cưỡng hành dứt khoát hơn trong vấn đề Biển Đông?
LS Định: Hoàn toàn không có một phương tiện chế tài nào đối với một phán quyết quốc tế như vậy.
Trà Mi: Bàn cờ quốc tế đòi hỏi thái độ văn minh-trách nhiệm, nhưng thời gian đã chứng minh rằng Trung Quốc bất chấp tất cả. Vậy có biện pháp nào đối với Bắc Kinh?
LS Định: Hệ quả tất yếu của phán quyết này là quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông. Đây là một phương tiện rất tốt cho Việt Nam trong tương lai. Chúng ta hoàn toàn có thể đặt vấn đề tranh chấp chủ quyền trên bình diện quốc tế, mời tất cả các nước liên quan cùng ngồi vào bàn đàm phán, không để cho Trung Quốc một mình một ngựa ‘múa gậy vườn hoang’ và bắt mọi người làm theo, không để cho Trung Quốc gây áp lực đàm phán song phương. Chúng ta phải đặt Trung Quốc vào một cộng đồng chung giữa những nước đang tranh chấp. Vấn đề quốc tế hóa rất quan trọng vì lúc đó các nước sẽ cùng ngồi lại với nhau trên bàn thương lượng chung.
LS Vi: Trước khi phán quyết được đưa ra 2-3 ngày, đại sứ quán Trung Quốc đã mời Tổng thống Philippines đến để nói về Biển Đông, chứng tỏ Bắc Kinh rất quan tâm đến phán quyết của tòa trọng tài thường trực. Các nước có tranh chấp ở Biển Đông nhất thiết phải đoàn kết một khối liên hoàn để đàm phán đa phương với Trung Quốc. Phán quyết của tòa giúp các nước có thêm nhiều thứ để đàm phán với Trung Quốc tốt hơn, không phải Trung Quốc bác bỏ là phán quyết trở nên vô giá trị.
Trà Mi: Sự đoàn kết giữa các nước hiện giờ còn thiếu những gì? Cần cơ chế, định chế nào có thể dẫn dắt tới một sự thống nhất mạnh mẽ hơn nữa?
LS Khanh: Sớm muộn gì Trung Quốc cũng phải tuân thủ phán quyết của tòa trọng tài. Thời gian sắp tới, các bên sẽ tiếp tục đàm phán với nhau để tìm phương hướng. Một điểm quan trọng cần lưu ý là sau phán quyết này, tàu đánh cá Việt vào vùng biển Trường Sa phản ứng của Trung Quốc thế nào. Chúng ta cần quan sát xem Trung Quốc có thực thi hay không.
Trà Mi: Luật sư Khanh nói ‘sớm muộn gì Trung Quốc cũng phải tuân thủ’, nhưng chắc là mọi người không thể chờ đợi lâu hơn nữa vì Trung Quốc vẫn không ngừng các hoạt động lấn chiếm, xây đảo để khẳng định chủ quyền. Vậy làm thế nào để ngăn được bước tiến của Trung Quốc ở Biển Đông?
LS Khanh: Tôi nghĩ Trung Quốc sẽ không dám đối đầu với tương quan lực lượng hiện tại từ chính trị đến ngoại giao, họ không thể đi ngược lại các định chế mà cộng đồng quốc tế đã thiết lập. Họ phải có động thái để thương lượng. Phán quyết vừa đưa ra đã nói lên rằng không một nước nào đang tranh chấp ở đó có được chủ quyền ngoài 12 hải lý. Như vậy, muốn khai thác bất cứ gì ở dưới biển phải có một cơ chế của quốc tế. Cho nên, tôi nghĩ trong tương lai thế nào Liên hiệp quốc cũng phải vào cuộc, như sáng kiến tôi từng đưa ra năm 2011: cùng nhau hợp tác với sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc.
Trà Mi: Luật sư Khanh tin là thế nào Trung Quốc cũng sẽ phải chùn chân trong các diễn tiến tranh chấp ở Biển Đông, nhưng mới hôm 18/7, Tư lệnh hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi tuyên bố với người đồng cấp Mỹ rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục xây dựng trên các đảo có tranh chấp ở Biển Đông dù có sức ép lớn như thế nào đi chăng nữa.
LS Khanh: Đừng quên là nội bộ Trung Quốc đang có rất nhiều vấn đề để giải quyết cho nên họ phải tuyên bố như thế, nhưng tôi chỉ xin nói là ai khai chiến ở Biển Đông tức là tự sát.
Trà Mi: Ý kiến luật sư Định thế nào? Liệu Trung Quốc có lùi bước sau phán quyết này?
LS Định: Tôi tương đối đồng ý với luật sư Khanh rằng Trung Quốc tuy hung hăng bác bỏ phán quyết của tòa, nhưng họ sẽ tìm cách điều chỉnh chính sách. Về pháp lý, họ sẽ không đặt ra vấn đề đường 9 đoạn hay quyền lịch sử như họ từng rêu rao bấy lâu. Tuy nhiên, không vì vậy mà họ bớt hung hăng về mặt quân sự và chính trị. Họ sẽ tiếp tục tôn tảo các đảo, nhưng vấn đề ở chỗ họ có sử dụng các đảo, các căn cứ nhân tạo đó để cản trở tự do hàng hải Biển Đông hay không. Thứ hai, họ có ngăn cản quyền đánh bắt của các nước khác ven biển hay không. Tuy nhiên, đối với Mỹ hay các đồng minh của Mỹ chẳng hạn, về mặt quân sự, Trung Quốc có thể sẽ kiêng dè phần nào vì dựa trên phán quyết này, Mỹ càng đẩy mạnh hoạt động trên Biển Đông để khẳng định quyền tự do hàng hải.
Trà Mi: Trong lúc Trung Quốc ‘tự điều chỉnh’ để theo bàn cờ chung của quốc tế, các nước cần đương đầu hữu hiệu hơn để áp lực Bắc Kinh phải giảm bớt sự lấn lướt. Như vậy, yếu tố không thể thiếu là đoàn kết. Trở lại câu hỏi lúc nãy, làm thế nào củng cố sự đoàn kết ấy đủ mạnh, đủ kiên quyết?
LS Vi: Khối ASEAN không phải là một liên minh vững chắc về quân sự, chính trị hay kinh tế như EU. Các nước ASEAN đề cao quyền tự chủ của mỗi nước. Cho nên, việc đoàn kết trong ASEAN lâu nay rất khó. Tuy nhiên, sức ép từ phía Trung Quốc sẽ buộc các nước có liên quan trực tiếp đến Biển như Việt Nam, Philippines..v..v.. phải tìm cách để đến với nhau vì sự sống còn, để cùng gây sức ép với Trung Quốc vì từng nước một không đủ sức đối đầu, đối kháng với Bắc Kinh. Khối xã hội dân sự và một số chính trị gia ở Philippines rất ủng hộ Việt Nam. Giới luật sư, thẩm phán Philippines cũng sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam nếu Việt Nam quyết định khởi kiện Trung Quốc. Đã có những lời đề nghị từ khối xã hội dân sự và các luật sư có liên quan đến vụ kiện vừa qua gợi ý thông qua các tổ chức của mình rằng họ sẵn sàng giúp đỡ, rằng họ rất muốn thấy sự liên kết giữa người Việt và người Philippines trong vấn đề Biển Đông. Trong hai năm qua, trong các công việc em làm với các tổ chức xã hội dân sự ở Philippines, sự liên kết đó thể hiện rất rõ ràng. Mình nên bắt đầu từ 1, 2 nước và dần dà gầy dựng sự liên kết rộng hơn giữa các nước quan tâm. Giữa các chính phủ có thể có lý do này, lý do khác để không ngồi lại với nhau. Nhưng giữa người dân, giữa các tổ chức xã hội dân sự của các nước có thể ngồi lại cùng đưa ra các kiến nghị lên các chính phủ. Đây có thể là cách bắt đầu.
Trà Mi: Trước đây, khi Philippines đệ đơn kiện Trung Quốc, có ý kiến cho rằng Việt Nam nên chờ phán quyết chung cuộc để học hỏi, rút tỉa kinh nghiệm từ đó có thể quyết định con đường đi của mình. Bây giờ, sau phán quyết của tòa, Việt Nam nên làm gì? Mời các bạn đón theo dõi phần hội luận tiếp theo trên Tạp chí Thanh Niên VOA tuần sau.