Saturday, 20 August 2016

THẾ LỰC KHÁCH TRÚ VÀ VẤN ĐỀ DI DÂN VÀO NAM KỲ

 
Cuốn khảo cứu có cái nhan đề khá khô khan, nhưng nó đã cuốn mình không rời mắt trong vòng 3 buổi sáng ngồi cafe cóc gần nhà. Mảng sách văn chương, báo chí của giới trí thức Việt Nam đầu thế kỷ bị thất lạc và mai một rất nhiều. Mình nhớ có lần đã nói, Việt Nam mình không phải là không có di sản, nhưng khả năng lưu trữ quá kém. Gần đây bắt tay vô làm cuốn 101 phim Việt, cũng là một dạng khảo cứu, tìm hình ảnh tư liệu đúng là vỡ mặt. Và không riêng gì phim ảnh, hầu hết những di sản Việt Nam không được lưu trữ và giữ gìn một cách xứng đáng. 

Quay trở lại cuốn Thế lực Khách trú... của Đào Trinh Nhất. Đây là một cuốn khảo cứu lịch sử xã hội được viết một cách công phu với những phân tích nghiên cứu rất thấu đáo và được tác giả hoàn thành lúc ông mới 24 tuổi, tuổi mà nhiều bạn trẻ chúng ta đang cắm mắt vào điện thoại để bắt Pokemon ở công viên Tao Đàn.

Đào Trinh Nhất là một cái tên hoàn toàn xa lạ với mình, cho đến gần đây mới đọc cuốn tiểu thuyết Cô Tư Hồng và giờ là cuốn khảo cứu Thế lực khách trú. Ông thuộc dòng dõi trí thức và rất quan tâm đến mảng sách về chủ đề quốc kế dân sinh, chấn hưng dân tộc và ý thức tự cường của một quốc gia trước cái nạn "Thế lực khách trú", tức là người Tàu tràn vào Việt Nam và nắm giữ nhiều vị trí trọng yếu, thâu tóm hết mối lợi và làm quốc gia suy kiệt từ hồi đầu thế kỷ. 

Cuốn sách này ngay từ khi mới ra đời, đã trở thành một cuốn "best-seller" lộn kèo (theo lời phi lộ của ông Nguyễn Mạnh Tiến), vì các thương gia Tàu ra hiệu sách mua hết thảy rồi mang về đốt, vì nó phân tích quá chi tiết những trò mánh mung xảo quyệt khôn ngoan của người Tàu khi vào Việt Nam. Dân Việt hồi đó cũng đã bài Tàu dữ dội, cũng tổ chức chiến dịch tẩy chay hàng Tàu, nhưng Đào Trinh Nhất chỉ ra rằng, đấy chỉ là mấy trò trẻ con. Vì "muốn dẹp thế lực kinh tế Hoa kiều thì một trong nhiều biện pháp mà người Việt cần phải làm để gây lấy cho quốc gia một nền kinh tế vững mạnh". 

Dù có ý thức chấn hưng dân tộc rất mạnh, Đào Trinh Nhất giữ vị trí trung lập của một nhà nghiên cứu, khảo cứu. Ông có rất nhiều phân tích thấu đáo về ưu điểm của người Hoa trong công cuộc làm ăn của họ. "Dân Tầu ở châu Á không khác gì dân Do Thái ở châu Âu, hễ gầm trời này, chỗ nào có thể kiếm ăn được, là thấy gót chân của họ", hay "Hoa kiều rải rác ra các địa vực, rộng bằng người Anh, sức giàu có bằng người Do Thái, chịu khó như người Ấn Độ, nhanh nhẹn như người Nhật Bản, đến như cái số kiều dân của họ ở đâu cũng đông, thì không kiều dân nước nào bì kịp được". 

Việt Nam từ hồi đầu thế kỷ đã nổi tiếng về xuất khẩu lúa gạo chứ không phải đến bây giờ. Theo cuốn sách này ở thời điểm đầu thập niên 20 của thế kỷ 20 thì Việt Nam xuất khẩu lúa gạo hạng nhì thế giới, chỉ sau Diến Điện (tức Miến Điện aka Myanmar. Cuốn này đọc có nhiều từ Việt xưa đọc rất vui mắt). Ông viết: "Mỗi năm Việt Nam xuất cảng 2 triệu tấn, ấy là chưa nói đến 2 triệu mẫu đất bỏ hoang chưa vỡ, không thì còn nhiều thóc gạo nữa." Nhưng, "trong hai triệu tấn gạo xuất cảng đó, chia làm 100 thành, thì Hoa kiều đã chiếm đến 60 thành", bởi các nhà máy xay xát lúa gạo ở trong Nam phần lớn đều nằm trong tay Hoa kiều hết. 

Điều gì làm nên sức mạnh của Hoa kiều dù họ chỉ là "Khách trú"? Ông phân tích: "Trong sự độc quyền của họ, còn có cái nghĩa đùm bọc lấy nhau nữa. Họ cũng cạnh tranh với nhau, nhưng cạnh tranh là để khuyến khích nhau, chớ không phải để giết nhau. Chẳng những không cạnh tranh độc ác với nhau, mà lại còn khéo nhường nhịn nhau nữa, nghĩa là hiệu to vẫn che chở cho tiệm nhỏ, khi nào thấy tiệm nhỏ bán ế hàng, thì hiệu to hay dìm hàng ít hôm, cho các hiệu nhỏ bán đi đã". 

Còn người Việt ta? "Nam kỳ người đông thật, mà không phải vì nhân công, của nhiều thật, mà không phải vì tư bản. Là vì người đông, nhưng trừ những người làm ruộng, và làm "việc nhà nước" ra - số này cho róc cũng không bao nhiêu người, - còn lại thì đều ham cái chủ nghĩa phóng túng, có thiết gì đến sinh nghiệp; của nhiều nhưng có thể nói được toàn của của mấy ông điền chủ, ngoài sự ruộng sâu trâu nái, lúa đụn thóc kho ra, tưởng không còn bụng dạ nào để tâm đến việc khác..."

Ông chỉ ra:"Người Tầu được có một cái tài, tội ác gì làm cũng nổi" nhưng đồng thời ông cũng phân tích, "tính nhẫn nại là tính chất riêng của người Tầu, người thế giới đều đã chịu phục. Muốn làm công việc gì mặc lòng, họ đều lấy nhẫn nại làm bản lĩnh, cho nên tổ quốc họ chẳng hề có khuyến khích cái chính sách thực dân, mà ngay họ cũng chẳng có cái tư tưởng thực dân, thế mà miếng đất nào trong gầm giời này, họ cũng đều đặt chân vào mà sinh cơ lập nghiệp được, ấy là nhờ có cái tính quen nhẫn nại rồi". Nên ngay từ hồi đầu thế kỷ, họ đã phủ khắp "trên bến dưới thuyền", hai thành phố lúc ấy là Sài Gòn và Chợ Lớn, cũng tràn ngập người Tầu, từ buôn bán to đến buôn bán nhỏ, họ đều qua mặt người Việt. Đi đâu bọn họ cũng có tư tưởng "thôn lạc", nên rất bảo thủ về văn hóa, không bị đồng hóa với người địa phương. 

Trước cái vấn nạn "khách trú" như vậy, Đào Trinh Nhật chỉ ra rằng ba cái trò tẩy chay hàng hóa của bọn Chà (người Tầu), bọn Chẹt (người Ấn) không làm nên cơm nên cháo gì cả đâu. Cái quan trọng nhất là lo đến quốc kế dân sinh, xây dựng kinh tế vững mạnh, dân tình hăng say lao động, đừng ngồi chơi xơi nước, nghèo mà dậm dật phóng túng coi trời bằng vung. Và quan trọng hơn cả là vấn đề di dân từ Bắc và Trung vào Nam Kỳ để lập thế cân bằng rồi ép người Tầu vào một góc (chớ đuổi thì không đuổi họ được rồi).

Cuốn khảo cứu chia bố cục hai phần rất rõ ràng, phần đầu ông phân tích cái thế lực khách trú đầy nguy hại. Và phần sau là sự khẩn thiết cần phải di dân vào Nam kỳ, như một giải pháp vừa mau chóng hiệu quả, vừa đủ sức để đối chọi với cái quốc nạn "khách trú".

Nhưng trong vấn đề Di dân, tác giả cũng chỉ ra cái tính xấu của người Bắc kỳ nói riêng và người Việt nói chung. Ông viết, "Hiện nay, trong đảng người Bắc buôn bán ở trong Nam, ta có thể chia làm hai phái: một là phái dọn cửa hàng, hai là phái bán hàng xách, mà hình như phái nào cũng có chỗ tự rước cái cơ thất bại vào mình cả, là bởi quá sinh lòng tham. Thật thế, nhiều người Nam phải kêu rằng: hàng Bắc xấu quá, hàng Bắc đắt quá; xấu là tại vì một vài người bán hàng điêu trác, đắt là tại một vài người bán hàng tham lam, chứ thật ra bản chất và nguyên giá của hàng Bắc thật ra không đến nỗi quá xấu và quá đắt vậy".

Cuốn khảo cứu công phu và đầy tâm huyết của một trí thức người Việt trẻ đầu thế kỷ trước, viết năm 24 tuổi, kết lại thật đau đáu mà cả thế kỷ sau, ngẫm lại vẫn chưa cũ: "Trong đất Việt Nam, đâu cũng là lãnh thổ của cha ông ta ngày xưa, mà con cháu bây giờ đi lại với nhau có nhiều chỗ ngăn trở; trong lúc ta đã có chính phủ Pháp bảo hộ cho, thế mà quyền lợi gì của ta, người Tầu cũng lũng đoạn được hết, và mỗi ngày họ một tràn lan cả ta; trong lúc hoàn cầu muốn chém giết nhau chỉ vì một cái quyền lợi kinh tế, như Nhật và Mỹ vì 30 vạn dân bị đuổi ở Californie về, như dân Georgie cách mạnh chính phủ Nga, chỉ vì muốn gỡ cái vạ lao nông, nói tóm lại một việc gì xảy ra ở thế giới bây giờ, mà sau này có đánh nhau, trong cũng chỉ tại tranh nhau một cái mối hàng, một mỏ dầu hỏa, hay là một vài miếng đất mà thôi; ấy việc đời càng gần càng kíp như vậy, thế mà người mình chỉ mơ màng về văn chương, về danh vị, về cái lối "thù phụng cho khéo", để người ngoại quốc như người Tầu móc cơm lột áo mình ra lúc nào mà không biết... Ôi! Đói, rét, hèn, yếu là bốn cái bệnh nặng ở đời, sinh ra tại giời, tại cái hoàn cảnh, hay tại cảnh ngộ? CHỈ LÀ TẠI NGƯỜI?

Ông Đào Trinh Nhất ơi ông sống khôn thác thiêng, ông hiện hồn ra công viên Tao Đàn ông bóp cổ hay hù ma mấy đứa già nhức nách vẫn ngày đêm đi mò Pokemon ngoài đó giúp con.