Thursday, 28 September 2017

Tin Tức

TT Donald Trump hứa "giải quyết" khủng hoảng Bắc Triều Tiên

Thanh Phương

media
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) họp báo chung với Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy tại Vườn Hồng Nhà Trắng,Washington ngày 26/09/2017.REUTERS/Jonathan Ernst

Hoa Kỳ gia tăng áp lực lên Bắc Triều Tiên với việc ban hành những biện pháp trừng phạt mới và đưa ra những lời cáo buộc mới, tuy Washington khẳng định vẫn muốn tìm một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng hạt nhân.

Hôm qua, 26/07/2017, trong cuộc họp báo chung với thủ tướng Tây Ban Nha tại Nhà Trắng, tổng thống Donald Trump một lần nữa tuyên bố là Hoa Kỳ “hoàn toàn sẵn sàng”cho việc sử dụng “phương án quân sự”, cho dù “đây không phải là phương án ưu tiên của chúng tôi”.
Tổng thống Hoa Kỳ chỉ trích những người tiền nhiệm của ông đã không giải quyết khủng hoảng này cách đây vài năm, khi còn “rất dễ”. Ông Trump hứa : “ Nhưng tôi sẽ giải quyết chuyện đó”. Về phần mình, Ngoại trưởng Rex Tillerson tuyên bố là Washington sẽ tiếp tục các nỗ lực ngoại giao và hy vọng con đường này sẽ giúp chấm dứt khủng hoảng.


Tuy nhiên, hôm qua (26/09), trên mạng Twitter, tổng thống Trump lại cáo buộc chế độ Bình Nhưỡng đã “tra tấn tàn bạo quá sức tưởng tượng” sinh viên Mỹ Otto Warmbier. Bị bắt giam ở Bắc Triều Tiên từ tháng 01/2016, sinh viên 22 tuổi này đã qua đời tháng 6 vừa qua, một tuần sau khi được trả về Mỹ trong tình trạng hôn mê.

Bên cạnh đó, bộ Tài Chính Mỹ hôm qua loan báo những biện pháp trừng phạt mới nhắm vào 8 ngân hàng Bắc Triều Tiên và 26 công dân Bắc Triều Tiên, bị xem là tham gia vào việc tài trợ cho chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Đó là những ngân hàng và cá nhân hoạt động ở Trung Quốc, Nga, Libya và Liên hiệp các tiểu vương quốc Ả Rập.

Những biện pháp nói trên được ban hành trong khuôn khổ sắc lệnh mà tổng thống Trump ký vào tuần trước tại New York vào lúc đang diễn ra kỳ họp thường niên của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc.

Trong khi đó, trước một ủy ban Thượng Viện Mỹ hôm qua, tướng Joseph Dunford, tổng tham mưu trưởng quân đội Hoa Kỳ, cho rằng chẳng bao lâu nữa, Bắc Triều Tiên sẽ có tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân có thể bắn tới lãnh thổ Hoa Kỳ.

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng như vậy, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ đến Bắc Kinh vào cuối tuần này để chủ yếu thảo luận về khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên. Sau khi cáo buộc Trung Quốc đã không gây đủ áp lực lên đồng minh Bình Nhưỡng, hôm qua, tổng thống Trump đã khen ngợi Bắc Kinh về việc đã cắt đứt mọi quan hệ về ngân hàng với Bắc Triều Tiên, một điều “không ai dám nghĩ tới” chỉ cách đây hai tháng.

Thái Lan kết án cựu thủ tướng Yingluck 5 năm tù

Trọng Thành
media
Cựu thủ tướng Thái lan Yingluck Shinawatra, ngày 01/08/2017 tại Tòa Án Tối Cao Bangkok.REUTERS/Athit Perawongmetha/File photo

Hôm nay 27/09/2017, Tòa Án Tối Cao Thái Lan công bố bản án 5 năm tù giam đối với cựu thủ tướng Yingluck, hiện đã trốn khỏi nước này. Cựu thủ tướng Yingluck bị tập đoàn quân sự khép tội đã bất cẩn trong chính sách trợ giá gạo, gây thiệt hại lớn.

Theo AFP, phán quyết của tòa án Thái Lan ghi rõ cựu thủ tướng Yingluck « đáng lẽ đã phải thiết lập các cơ chế điều chỉnh hiệu quả cho phép ngăn ngừa các thiệt hại ». Bị cáo đã « gây thiệt hại lớn cho các nhà nông, cho ngân sách Nhà nước, bộ Tài Chính, đất nước và nhân dân », do không đưa ra được những biện pháp như vậy. Cộng sự của cựu thủ tướng Thái Lan, bộ trưởng Thương Mại Boonsong Teriyapirom thì bị phạt đến 42 năm tù giam.
Bản án tù 5 năm nói trên khiến cựu thủ tướng Yingluck khó trở về Thái Lan trong những năm tới, chừng nào tập đoàn quân sự còn tại vị. Hiện tại chưa có dấu hiệu gì cho thấy giới quân sự sẽ nhường quyền cho một chính quyền dân sự.

Trong dư luận lan truyền nhiều thông tin về việc chính quyền quân sự đã dàn xếp để cựu thủ tướng Yingluck bỏ trốn, nhằm độc quyền điều khiển đời sống chính trị trong nước. Theo một chuyên gia về chính trị Thái Lan, ông Paul Chamers, nếu bỏ tù bà Yingluck, chính quyền quân sự sẽ biến bà thành một « vị thánh tử đạo ».

Hôm qua, thủ tướng chính quyền quân sự, tướng Chan-O-Cha, bảo đảm biết bà Yingluck đang ở đâu, và hứa hẹn công bố thông tin sau phán quyết của tòa án.

Hôm nay, hàng trăm người ủng hộ cựu thủ tướng Yingluck tập hợp trước trụ sở tòa án ở thủ đô Bangkok để bày tỏ sự ủng hộ. Họ hô vang : « Chúng tôi yêu Yingluck », « Dubai ! ».
Dubai là nơi anh trai của bà Yingluck, cựu thủ tướng Thaksin đang sống lưu vong và thông tin là bà Yingluck cũng đang có mặt ở đây. Chính phủ của hai anh em nhà Shinawatra đều được bầu lên qua bầu cử dân chủ, nhưng cả hai đều đã bị giới tướng lãnh lật đổ.

Vụ Trịnh Xuân Thanh: Đức nhất quyết đòi Việt Nam đáp ứng các yêu cầu

Thanh Phương
media
Ảnh chụp ông Trịnh Xuân Thanh trên đài truyền hình Việt Nam VTV nói ông đã tự ra đầu thú ở Hà Nội ngày 03/08/2017.REUTERS/Kham

Chính phủ Đức hiện vẫn còn rất bực tức về vụ một cựu quan chức Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc tại Berlin để đưa về Việt Nam. Phía Đức dứt khoát đòi Việt Nam phải đáp ứng những yêu cầu của họ về vụ này, trong khi Hà Nội thì đang cố xoa dịu.

Bên lề Hội nghị về phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, diễn ra tại Cần Thơ, hôm qua, 26/09/2017, đã có một sự kiện đáng chú ý đó là phó thủ tướng Việt Nam Vương Đình Huệ đã tiếp Bí thư thứ nhất của sứ quán Đức tại Việt Nam. Tham gia tiếp bà Luisa Bergfeld, đặc trách hợp tác kinh tế và phát triển của sứ quán Đức, có cả bộ trưởng bộ Kế Hoạch và Đầu Tư Nguyễn Chí Dũng.

Cuộc tiếp xúc giữa hai nhân vật cao cấp trong chính phủ Việt Nam với một nhà ngoại giao Đức diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước trở nên khá căng thẳng kể từ sau vụ ông Trịnh Xuân Thanh, cựu chủ tịch Tổng công ty xây lắp dầu khí, bị bắt cóc ở Berlin vào cuối tháng 7 vừa qua. Cho tới nay, Hà Nội vẫn không thừa nhận ông Thanh đã bị mật vụ Việt Nam bắt cóc, mà vẫn khẳng định cựu quan chức bị cáo buộc tham nhũng này đã tự nguyện trở về nước để ra đầu thú nhà chức trách.

Khi tiếp Bí thư thứ nhất sứ quán Đức hôm qua, phó tướng Vương Đình Huệ đã tuyên bố là chính phủ Việt Nam “coi trọng việc gìn giữ và phát triển mối quan hệ hợp tác chiến lược với chính phủ Đức”. Về phần mình, theo tường thuật của báo chí chính thức của Việt Nam, bà Lucia Bergfeld đáp lại rằng chính phủ Đức “sẽ hợp tác chặt chẽ” với chính phủ Việt Nam về các lĩnh vực tài chính và kỹ thuật.

Thông tin về cuộc tiếp xúc giữa đại diện chính phủ Việt Nam với đại diện ngoại giao Đức được đăng tải rộng rãi trên báo chí chính thức nhằm chứng tỏ là quan hệ Đức-Việt Nam vẫn tốt đẹp. Nhưng trên thực tế, vụ Trịnh Xuân Thanh đang gây tác hại nặng nề cho quan hệ giữa hai nước.

Trả đủa về vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, chính phủ Đức hôm 22/09 vừa qua đã thông báo tạm dừng mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, đồng thời thông báo trục xuất thêm một nhân viên ngoại giao của sứ quán Việt Nam ở Berlin (sau khi đã trục xuất tùy viên an ninh của sứ quán Việt Nam vào đầu tháng 8).

Trên mạng cũng đã có nhưng thông tin rằng phía Đức đã ngưng cấp thi thực nhập cảnh cho các đoàn doanh nghiệp, các đoàn chính phủ và sinh viên Việt Nam. Nhưng sứ quán ở Việt Nam vừa bác bỏ thông tin đó, khẳng định là việc tạm dừng mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước không ảnh hưởng gì đến việc cấp visa.

Trong tuyên bố ngày 22/09 (theo bản tiếng Việt đăng trên trang web của các cơ quan đại diện ngoại giao của CHLB Đức tại Việt Nam), phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Đức đã tái khẳng định : “Vụ bắt cóc đã vi phạm trắng trợn luật pháp Đức và luật pháp quốc tế, điều mà chúng tôi không bao giờ dung thứ”.

Phát ngôn viên này cho biết là cho tới nay, chính phủ Việt Nam vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của phía Đức là Việt Nam xin lỗi và cam kết không vi phạm pháp luật tương tự trong tương lai. Phía Việt Nam cũng không khẳng định rõ là sẽ xử lý những người có trách nhiệm trong vụ việc.

Việt Nam lại càng khó mà đáp ứng yêu cầu của Berlin là đưa ông Trịnh Xuân Thanh trở lại Đức để họ cứu xét đơn xin tị nạn của ông. Lý do là vì ông Trịnh Xuân Thanh là nhân vật trung tâm của vụ án tham nhũng trong ngành dầu khí, một vụ án vừa được mở rộng thêm với việc công an Việt Nam cách đây hai ngày quyết định khởi tố và bắt tạm giam kế toán trưởng của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Chưa biết là việc Đức tạm dừng quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam sẽ có tác động ra sao đến bang giao giữa hai nước, nhưng rõ ràng là Berlin đang nâng dần mức độ trả đủa tùy theo thái độ của Hà Nội trong vụ Trịnh Xuân Thanh.