Công
tác xây cất trường tiểu học Sao Mai tại làng Hà Bằng được thành công nhanh
chóng là nhờ sự hiện diện của đoàn quân tăng cường cho đồn Ty Hạ. Sở dĩ nhiều
người khẳng định như vậy là vì trước khi đơn vị tăng cường cho đồn Ty Hạ được chuyển
đến đây – tuy có đồn Nghĩa Quân nơi đèo Quảng Cau – mọi công trình kiến tạo của
chính phủ V.N.C.H. đều bị Việt Cộng phá hoại.
Trước
lễ khánh thành trường Sao Mai, hội đồng xã tận dụng được một số nhân công tình
nguyện để trang hoàng khuôn viên ngôi trường. Nhóm người này ghép gỗ thành một
khán đài “dã chiến”. Nhóm người kia chặt lá dừa, xén lại cho gọn, bọc chung
quanh mấy trụ gỗ cho có vẻ tươi mát. Nhóm người nọ treo cờ, giăng giây điện để
cắm micro. Nhóm người khác đem băng
ngồi của học trò sắp ngay ngắn trước khán đài để hôm khánh thành quan khách và
phu huynh học sinh ngồi.
Sáng
sớm của ngày khánh thành trường Sao Mai, nơi mái hiên, các cô giáo duyên dáng
trong những chiếc áo dài tha thướt. Các thầy giáo mặc quần đậm màu, áo dài tay,
gài nút ở cổ tay và thắt cà-vạt. Vài thầy hướng dẫn toán học sinh vào giàn
chào, dọc theo lối vào từ cổng trường. Vài thầy lăng xăng dợt lại bài Quốc Ca
cho toán học sinh phụ trách hành lễ, ngay cột cờ, giữa sân.
Khoảng
chín giờ, dân chúng trong làng đều quần áo chỉnh tề, cùng nhau đến trường Sao
Mai dự buổi lễ quan trọng. Một số nông dân vẫn ra đồng, ra rẫy, làm công việc
thường lệ. Riêng Thêm và đứa em trai – viện lý do là ngày giỗ – không tham dự lễ
khánh thành.
Nhân
ngày giỗ, Thêm mời người yêu, tên Duệ – hiệu thính viên của đại úy Phong, chỉ
huy trưởng đoàn quân tăng phái cho đồn Ty Hạ – đến nhà ăn giỗ. Duệ từ chối, vì
biết ngày đó Phong bận đón phái đoàn của ông Quận Trưởng đến dự lễ. Thêm năn nỉ
rồi giận hờn làm cho Duệ khó xử. Duệ đành xin phép Phong.
Nhận
thấy buổi lễ dự trù kéo dài khoảng một tiếng đồng hồ, không có gì quan trọng phải
cần đến hiệu thính viên; nếu trường hợp khẩn cấp Phong có thể dùng máy truyền
tin của ông Quận Trưởng, Phong cho phép Duệ vào làng dự đám giỗ.
Khi
Duệ vừa qua khỏi hàng rào bông bụp thì nghe tiếng em trai út của Thêm hát: “…Các anh đi, đến bao giờ trở lại…Các anh về,
tưng bừng trước ngõ. Lớp lớp đàn em hớn hở theo sau. Mẹ già bịn rịn áo nâu. Vui
đàn con ở rừng sâu mới về…”(1)
Dù là một người không chơi nhạc, Duệ
cũng thoáng giật mình vì câu “…đàn con ở
rừng sâu mới về!” Duệ tự hỏi “Đàn con nào mà ở rừng sâu? Chỉ có đàn con Việt
Cộng mới ở rừng sâu!” Hơi khó chịu trong lòng, Duệ chưa kịp đến hỏi đứa bé thì
Thêm xuất hiện, niềm nở chào hỏi và mời Duệ vào nhà. Duệ hỏi “hai bác” đâu?
Thêm đáp Ba Má của Thêm phải đi xuống đầm Ô-Loan mua lác về dệt chiếu gấp. Duệ
chẳng để ý, miễn được gặp và ăn cơm cùng người yêu là Duệ vui trong lòng.
Trong
khi Duệ chia xẻ những giây phút ấm cúng với Thêm thì trước sân trường Sao Mai,
dân làng tề tựu rất đông. Các bô lão mặc áo dài đen, đội khăn đóng, được mời ngồi
nơi hàng ghế đầu tiên.
Chiếc
Jeep “lùn” và một chiếc Dodge chở lính hộ tống dừng lại bên lề quốc lộ. Toán
lính hộ tống từ chiếc Dodge nhảy xuống. Ông Quận Trưởng và Phong – được ông Quận
Trưởng ưu ái ghé đồn Ty Hạ đón, đưa đến nơi hành lễ – từ chiếc xe Jeep bước xuống trong khi quý vị trong ban tổ chức từ trong
trường đi nhanh ra cổng, đón tiếp hai vị thượng khách.
Khi
ông Quận Trưởng, Phong cùng toán binh sĩ theo đại diện của ban tổ chức vào nơi
hành lễ thì mọi đôi mắt chăm chú nhìn theo. Trong lòng mỗi người dân hiện diện
tại buổi lễ đều nảy sinh mỗi ý nghĩ khác nhau. Người thì thở dài, thầm ước: Phải
chi con trai của họ đi “lính Cộng Hòa” thì sẽ được sống tự do, ăn mặc tươm tất,
oai phong chứ không phải sống chui rúc, rách rưới nơi xó xỉnh, hầm cống nào đó;
thỉnh thoảng mới lẻn về xin gạo, xin tiền! Kẻ thì thầm tiếc, phải chi đơn vị của
Phong về đây sớm hơn, chắc chắn đồn Nghĩa Quân đã không bị Việt Cộng dùng chiến
thuật biển người “đánh úp” để con của họ phải chết! Có người lại buồn; vì từ
ngày đồn Ty Hạ được thành lập – và nhất là từ ngày đơn vị của Phong tăng phái cho
đồn Ty Hạ – thằng con của họ cứ trốn miết trong rừng, không dám về!
Sau
phần nghi lễ thông thường, ông Hiệu Trưởng trường Sao Mai, đại diện ban tổ chức
cảm tạ sự hiện diện của quan khách và đồng bào. Tiếp theo, ông Quận Trưởng – đại
diện chính quyền – ngõ lời cùng đồng bào. Sau khi một vị bô lão nói lên cảm tưởng
của dân làng đối với sự lưu tâm của chính phủ V.N.C.H. dành cho con em của làng
Hà Bằng, một đại diện học sinh cũng lên khán đài bày tỏ lòng biết ơn và niềm
tin tưởng tốt đẹp của các em vào chính thể Quốc Gia.
Người
cuối cùng được ban tổ chức mời lên khán đài là đại úy Phong. Phong được giới
thiệu như là một người đã đem yên bình cho thôn làng; người được cảm tình của hầu
hết dân làng và – quan trọng hơn cả – chính Phong chủ xướng và đề nghị lên Quận
về công tác thiết yếu để xây trường Sao Mai. Ngoài ra, Phong còn liên lạc với đại
úy cố vấn cũ – Gary Card, hiện là cố vấn cho ông Quận Trưởng – để xin xi-măng,
tôn và các vật dụng xây cất.
Đây
không phải là lần đầu tiên Phong xuất hiện trước đám đông, cũng không phải là lần
đầu tiên chàng ban huấn từ; nhưng tại sao lần này Phong cảm thấy xúc động lạ
thường!
Nhìn
quanh, Phong thấy như gốc chuối này, bờ tre nọ, khóm sậy đong đưa, bụi cam đường
oằn trái, khóm lan leo tím nhạt bên bờ rào thưa, v.v… vẫn còn vương vấn bóng
dáng thằng bé “đầu cá trê”! Danh từ “đầu cá trê” được dân làng dùng cho những đứa
bé – vì gia đình đơn chiếc và nghèo quá – suốt ngày Mẹ phải bỏ đứa bé nằm trong
một cái thúng, gánh theo để đi mót lúa, mót khoai hoặc bán dạo những thứ vặt vảnh
như kẹo thèo lèo, đậu phọng rang, ổi, cốc, v.v… vì vậy, đầu của đứa bé bị dẹp ở
phía sau, trông giống “đầu cá trê”.
Người
dân làng Hà Bằng không thể nào tìm thấy vết tích của thằng bé “đầu cá trê” năm
xưa qua nhân dáng vạm vỡ, đạo mạo và thái độ lịch lãm của Phong. Nhưng, quanh
đây, nhìn đâu Phong cũng tưởng như thấy lại cu Phong với những trưa lang thang
dưới gốc vong đồng, rình bắn mấy con chim sẻ với chiếc ná bằng giây thun; những
buổi chiều chơi “u mọi” dưới bóng cây đa già; những buổi sáng – với đôi bàn
chân cáu bẩn, đầy ghẻ – bước nhè nhẹ, rón rén trên khóm đá cuội im lìm bên con
suối cạn để bắt mấy con chuồn chuồn kim…
Không
ai có thể tìm lại để sống với quá khứ của mình. Nhưng, tại Hà Bằng, Phong đã
tìm lại được chàng. Từ lúc tìm lại được chính mình, Phong cảm thấy thương yêu mảnh
đất này như thương yêu tuổi thơ đã mất. Và Phong thầm nguyện sẽ bảo vệ an ninh
tuyệt đối cho ngôi làng này!
Ý
tưởng của Phong vừa đến đây và bước chân của Phong còn cách micro một khoảng ngắn thì nhiều và rất
nhiều trái đạn pháo kích của Việt Cộng rơi ngay địa điểm khánh thành trường tiểu
học Sao Mai!
Phong
quỵ xuống. Trong cảnh hỗn loạn của đạn rơi, của tiếng nổ, của tiếng la khóc, của
bụi đất và mảnh đạn bay mịt mờ, Phong không hiểu tại sao chàng không thể gượng
dậy được! Trước khi chìm vào hôn mê, Phong tưởng như chàng thấy rõ hình ảnh cu
Phong đứng chàng hãng, giăng hai tay ngang cửa, không cho cán bộ Lục vào nhà…
Trong
số những cán bộ cao cấp cùng đơn vị với ông Thưởng – Bố của cu Phong – đến nhà
học Pháp văn do ông Thưởng dạy, cu Phong không hề thấy Lục. Nhưng mỗi khi ông
Thưởng đi công tác thì Lục lại đến thăm bà Thưởng! Lần nào cũng vậy, Lục mặc
quân phục màu “cứt ngựa”, bên hông đeo “súng lục”, chân mang dép Bình Trị Thiên
và cởi ngựa – chứ không đi xe đạp hoặc đi bộ như ông Thưởng và các “đồng chí”
cùng đơn vị với ông Thưởng. Sau khi vào sân nhà bà Thưởng, Lục xuống ngựa, cột
giây cương vào gốc tre trước nhà rồi thong thả đi vào.
Thấy cu Phong vẫn trong tư thế đứng
chàng hãng ngang cửa chứ không né tránh, Lục gọi: “Chị Thưởng ơi!” Bà Thưởng từ bếp chạy ra: “Dạ, chào cán bộ. Ông nhà tôi không có ở nhà.” Lục cười: “Biết rồi. Chị khỏe chứ? Tôi muốn ghé thăm
chị.” Trước khi bà Thưởng kịp đáp lời Lục, cu Phong nhìn thẳng cán bộ, hỏi:
“Ba tui hỏng có ở nhà mà sao bác cứ tới thăm
Má tui ‘wài’ dậy?” Đã bị cu Phong cản trở nhiều lần, lần này, Lục chuẩn bị
trước, lấy từ túi quần viên đường thẻ màu nâu đậm, gói trong lá chuối, trao cho
cu Phong: “Hôm nay bác có cái này, ngon lắm,
cháu cầm đi.” Cu phong nghênh mặt: “Hỏng
thèm!” Mẹ xoa tóc cu Phong: “Con phải
trả lời bác một cách lễ độ.” Cu Phong uất quá, òa lên khóc! Bà Thưởng khom
xuống, ôm con, hôn con như thầm cảm ơn con trong khi Lục hơi chần chừ một chốc
rồi quay gót, đến bên con ngựa.
Con
ngựa đưa Lục đi xa nhưng hệ lụy do Lục để lại thì không thể nào ông bà Thưởng –
và cả cu Phong – có thể ngờ được!
Ông
Thưởng bị thuyên chuyển lên Chùa Lầu, một vùng núi thâm u, chỉ dành riêng cho
những nhân vật thiếu tinh thần giác ngộ! Vì Chùa Lầu là nơi “chó ăn đá, gà ăn
muối” cho nên chỉ có ngôi chùa cổ cạnh con suối cạn. Sư trù trì là ni sư Mẫu
Đơn. Ni sư Mẫu Đơn phải “tình nguyện ủng hộ” chánh điện để bộ đội cư ngụ và phục
vụ cho Đảng và bác Hồ; còn ni sư Mẫu Đơn và các ni cô khác phải dọn dẹp hậu
liêu rồi thỉnh tượng Phật xuống thờ nơi hậu liêu!
Vì
điều kiện sinh sống ở vùng núi quá khó khăn, “đồng chí” nào đem theo vợ con thì
tự tìm cây rừng và tranh để dựng lên những túp lều trống trước hở sau. Trong thời
gian chờ dựng lều tranh, gia đình cu Phong được ni sư Mẫu Đơn cho tá túc dưới
mái hậu liêu. Cu Phong theo ông Thưởng chặt cây rừng, gặt tranh để dựng lều.
Lều
chưa dựng xong, ông Thưởng phải đi công tác xa. Bà Thưởng trông em gái của cu
Phong. Cu Phong lén bà Thưởng âm thầm đi gặt tranh.
Đến
tối vẫn không thấy cu Phong về, bà Thưởng bế em bé đi quanh chùa, vừa khóc vừa
gọi tên Phong.
Đến
khuya, vẫn nghe tiếng gọi đã khàn của người Mẹ mất con, các đồng chí từ chánh
điện quát: “Có im đi để người ta ngủ hay
không?” Bà Thưởng vẫn gào khóc: “Các
đồng chí làm ơn tìm giùm con tôi.” Một giọng vang lên: “Ai đồng chí với chị? Toàn dân vùng lên chống thực dân Pháp mà vợ chồng
chị cứ dạy con học tiếng Tây; thế mà đòi là đồng chí với chúng tôi à!” Chợt
nhớ, từ khi tản cư đến Hà Bằng, bà Thưởng đã nghe đồn Chùa Lầu và đèo Quảng Cau
là hai nơi cọp nhiều nhất, bà Thưởng van lơn: “Các ông tìm giúp con tôi chứ ở đây cọp nhiều lắm!” Không nghe trả
lời, bà Thưởng thất vọng, trở về hậu liêu khi tiếng niệm kinh của các ni cô
cũng vừa dứt.
Ni
sư Mẫu Đơn bước ra sân, thấy bà Thưởng đang khóc ngất trong khi đứa bé gái ngủ
say trong lòng Mẹ. Ni sư Mẫu Đơn hỏi nguyên nhân.
Sau
khi biết nguyên nhân, ni sư Mẫu Đơn đưa Mẹ con bà Thưởng vào hậu liêu và dặn bà
Thưởng không được ra ngoài. Ni sư Mẫu Đơn cùng các ni cô thắp bốn ngọn đèn lồng,
cầm theo giây dừa, gậy gộc và một “phèng la”.
Ni
sư Mẫu Đơn cùng các ni cô vừa rời hậu liêu một tý, bà Thưởng nghe tiếng “phèng
la” vang lên cùng tiếng la hét của những người con của Phật đã quen chống chọi
với thiên nhiên để tồn tại. Lúc này bà Thưởng mới nghĩ – có lẽ – tiếng “phèng
la” và tiếng la hét là để dọa cho cọp sợ.
Đi
dọc con suối cạn, không thấy dấu vết gì lạ, ni sư Mẫu Đơn chợt nhớ giếng lạng –
giếng cạn, không xây thành – gần vườn xoài. Ni sư Mẫu Đơn vội ra dấu cho nhóm
ni cô theo ni sư rẻ phải, đi lên vườn xoài.
Đến
vườn xoài, ni sư Mẫu Đơn ra dấu im lặng. Đang vạch cỏ và tranh để bước đi, cả
nhóm người cùng nghe tiếng kêu khóc văng vẳng. Ni sư Mẫu Đơn ra dấu cho nhóm ni
cô tiến về giếng lạng – đã bị tranh phủ đầy. Càng đến gần giếng lạng, tiếng
khóc la nghe đã khàn hẳn.
Sau
khi ra dấu cho các ni cô cẩn thận và đứng xa bờ giếng, ni sư Mẫu Đơn một tay
vin vào cành xoài, một tay thòng đèn lồng khỏi bờ giếng, hỏi lớn: “Có ai dưới đó không?” Tiếng cu Phong
khóc òa: “Dạ, con! Cứu giùm con!”
Được
ni sư Mẫu Đơn và nhóm ni cô thòng giây dừa, kéo lên khỏi miệng giếng, người cu
Phong tái ngắt và run lặp cặp…
Nhớ
ơn cứu tử ngày xưa và cũng vì tình hình quân sự tại Chùa Lầu rất căng thẳng,
sau khi đem đơn vị đến tăng cường cho đồn Ty Hạ, Phong tổ chức cuộc hành quân
truy lùng toàn vùng Hà Bằng và Chùa Lầu.
Đến
Chùa Lầu, Phong gặp lạ ni sư Mẫu Đơn. Ni sư Mẫu Đơn vẫn nhớ từng chi tiết.
Chính lúc đó ni sư Mẫu Đơn mới cho Phong biết rằng: Ông bà Thưởng đã khuyên ni sư
Mẫu Đơn nên cùng gia đình ông bà Thưởng trốn về Thành; nhưng ni sư không thuận.
Đã không thuận mà ni sư cũng không hề tiết lộ cho bất cứ ai về việc gia đình
Phong trốn về lại “vùng tạm chiếm”.
Trong
khi tâm trí của Phong cứ miên man chìm
vào quá khứ thì Duệ chạy “như bay” khi được tin Việt Cộng pháo kích ngay vào buổi
lễ khánh thành trường Sao Mai. Chiếc xe Lam chạy cùng chiều với Duệ dừng lại. Bác
Sáu Nhỏ – chủ và lái xe Lam – chồm ra, hỏi:
-
Tụi nó pháo kích ở đâu dẩy?
Nhận
ra người dân làng tốt bụng, Duệ thở gấp:
-Tụi
nó pháo vô chỗ khánh thành trường Sao Mai. Bác cho tôi “quá giang” tới đó giùm.
Vì
vội vàng – và cũng vì biết bác Sáu Nhỏ lúc nào cũng cho “lính Cộng Hòa” “quá
giang” mà không nhận tiền – đến nơi, Duệ không kịp cảm ơn bác Sáu Nhỏ, vội chạy
vào tìm Phong.
Nhìn
hiện trường la liệt xác thường dân và trẻ em, Duệ uất đến lặng người! Trong đời
lính, thấy biết bao xác người, bạn có, thù có, nhưng toàn là những người có
liên hệ trực tiếp đến cuộc chiến cho nên trong lòng Duệ chỉ thương tiếc, ngậm
ngùi, ngao ngán chứ không có cái ghê tởm, uất nghẹn như bây giờ! Đang phụ khiêng
xác chết của một bé trai gom chung một chỗ với những xác chết khác, Duệ bị thiếu
úy Cảnh – người vừa đem quân từ đồn Ty Hạ đến – vỗ vai:
-Ổng
đâu, mày?
-Ý,
chết tui! Bị thấy con nít chết nhiều quá, tui nổi “xùng”, tui rối trí, quên ổng
luôn!
Cảnh
và Duệ đi nhanh đến chỗ đông người và thấy ông Quận Trưởng bị thương nhẹ, đang
tựa vào gốc cây bàng để được chăm sóc; Phong nằm im trên đất với đôi chân bê bết
máu và được kẹp bằng hai thanh tre nhỏ. Duệ và Cảnh cùng khom xuống, sờ vào ngực
Phong, thấy nhịp tim vẫn đập – nhưng yếu. Thấy Phong hé mắt, Duệ hỏi:
-Ông
thầy! Ông thầy biết em là ai không”
-Biết.
Duệ.
-Dạ.
Ông thầy làm em “teo” wá! Em cứ sợ dại…
Nghe
tiếng trực thăng văng vẳng xa xa, Cảnh và Duệ đều thầm mừng, vì nghĩ rằng văn
phòng Quận đã biết tin và gọi trực thăng tải thương.
******
Sau
khi thăm viếng, vấn an, đại úy cố vấn Gary Card bắt tay kiếu từ ông Quận Trưởng.
Gary vừa xoay lưng, ông Quận Trưởng chợt nhớ, vội gọi:
-Gary!
Gary
quay lại “Vâng”. Ông Quận Trưởng tiếp:
-Anh
nhớ đại úy Phong mà cách nay vài tháng đã xin dụng cụ xây cất để xây trường Sao
Mai không?
-Vâng.
Hồi trước Phong cùng trong Lực Lượng Đặc Biệt với tôi.
-Đúng
rồi! Phong cũng bị thương cùng lần với tôi.
-Vậy
sao? Hiện tại Phong như thế nào? Đang điều trị tại đâu?
-Cũng
điều trị tại bệnh viện này, cách phòng tôi khoảng vài phòng; tiếc rằng tôi
không nhớ số phòng.
-Tôi
sẽ tìm Phong. Cảm ơn. Giữ gìn sức khỏe.
Gary
vừa đi chầm chậm vừa nhìn vào từng phòng. Đến phòng số 9 Gary nhận ra Phong
ngay. Hai người xúc động, nắm tay nhau thật lâu. Phong cười, mai mỉa:
-Gary
thấy không? Tôi đúng là “đi
sông đi biển không chết, về nhà sụp lỗ chân trâu”!
Vừa nhìn đôi chân của Phong được băng bột,
trở nên to, cứng và sậm màu, Gary – tay phải vẫn nắm tay Phong – đưa tay trái vỗ
vỗ lên tay Phong:
-Bạn là con hổ dũng mãnh! Đừng lo.
Phong cười, chưa kịp nói gì thì Phong chợt
cảm thấy như đang bị say sóng, nghe tiếng “u u” bên tai và hơi nóng hừng hực
nơi cổ.
Thái độ của Phong và hơi nóng hâm hấp từ
cơ thể của Phong lan qua bàn tay của Gary khiến Gary lo ngại, nói với Cảnh và
Duệ:
-Nắm tay Phong, tôi biết Phong đang bị sốt.
Nhiệt độ cao, có thể vết thương đã nhiễm trùng. Hai bạn nghĩ mình có nên đưa
Phong ra tàu bệnh viện của Đệ Thất Hạm Đội để chữa trị hay không?
Duệ nhìn Cảnh vì Duệ chẳng hiểu gì. Cảnh
đáp lời Gary:
-Sorry, tôi không dám có ý kiến trong việc
này; vì việc này thuộc pham vi chuyên môn của các bác sĩ thuộc quân y viện này.
-Thôi được, tôi sẽ hỏi ý kiến Phong. Nếu
Phong đồng ý, tôi sẽ can thiệp bằng mọi cách.
Gary khom xuống gần tai Phong, gọi nhỏ:
-Phong! Tỉnh dậy đi, Phong! Tỉnh dậy đi,
Phong!
Nghe gọi, Phong cố mở mắt. Rất trầm tỉnh,
Gary hỏi từng tiến:
-Phong! Anh tỉnh chưa? Anh nghe tôi rõ
không? Tôi có một việc hệ trọng, muốn hỏi anh. Anh tỉnh chưa?
Phong nhìn Gary, môi cười méo xệch:
-Có gì quan trọng quá vậy, Gary?
-Tôi muốn đưa anh ra tàu bệnh viện của Đệ
Thất Hạm Đội nhờ chữa trị. Anh nghĩ thế nào?
Phong giật mình, tỉnh hẳn, không ngờ Gary
dành cho chàng nhiều ưu ái đến như vậy! Trong khi mọi người đang chờ sự quyết định
của chàng thì Phong nhớ lại – trong lần đầu tiên đưa quân càng quét vùng Hà Bằng,
Chùa Lầu và biết mắt của ni sư Mẫu Đơn bị lòa – Phong đã thầm nguyện sẽ gặp lại
ni sư Mẫu Đơn và sẽ tìm phương tiện giúp ni sư chữa bệnh mắt. Bây giờ, nghe những
lời chân thành của Gary, Phong biết điều khấn nguyện của chàng đang trở thành
hiện thực. Phong đáp lời Gary với giọng đầy xúc động:
-Không ngờ Gary tốt với tôi đến như vậy!
Tôi xin ghi ơn bạn suốt đời. Có điều, tôi xin Gary hãy giúp đỡ một người thiếu
phương tiện hơn tôi. Người ấy rất xứng đáng nhận đặc ân của bạn. Xin bạn hãy
giúp người ấy.
Gary ngạc nhiên, nhìn Phong:
-Phong! Anh thật là lạ! Anh bị thương nặng,
vết thương đang làm độc. Tôi ngại bác sĩ ở đây không đủ dụng cụ, thuốc men, rồi
anh sẽ mất đôi chân; vậy mà anh lại từ chối để nhường cho người khác. Tại sao?
Phong nhìn vào mắt Gary; trong ánh nhìn
đó Gary đọc được tất cả sự khẩn khoảng của Phong:
-Nếu Gary có lòng giúp tôi thì xin Gary
giúp người ấy. Tôi ở đây có bác sĩ; vả lại, bạn nhớ rằng tôi sẽ không chết vì “lổ
chân trâu” đâu!
-Người ấy là ai? Cha Mẹ, vợ con của bạn,
phải không?
-Không. Người này không họ hàng gì với
tôi.
-Anh nói gì? Không họ hàng với anh mà tại
sao anh lo cho người đó hơn là lo cho anh?
-Người ấy cũng như Mẹ tôi; vì người ấy đã
cứu tôi thoát chết khi tôi còn bé. Người ấy là một ni sư.
Gary lập lại nho nhỏ:
-Một ni sư!
Giọng của Phong trở nên khẩn thiết vô
cùng:
-Gary! Làm ơn cứu ni sư. Tôi thề sẽ làm tất
cả những gì Gary muốn để Gary giúp ni sư thấy được ánh sáng mặt trời.
-Bà ấy bị mù à?
-Chưa mù hẳn; nhưng nếu Gary không giúp
thì bà sẽ…
Gary nhíu mày, ra vẻ khó nghĩ vừa khi bác
Sáu Nhỏ đến thăm Phong. Thấy nét mặt mọi người quanh Phong đều có vẻ nghiêm trọng,
bác Sáu Nhỏ lặng lẽ đến bên Duệ.
Phong tiếp:
-Kỹ thuật giải phẫu mắt tại Việt Nam còn
phôi thai lắm, Gary ạ! Hơn nữa, cuộc đời của một ni sư thì làm thế nào bà ấy có
tài chánh để trang trải cho cuộc giải phẫu tốn kém như vậy. Please, Gary!
-Phong đưa tên họ và địa chỉ của ni sư
cho tôi. Tôi không dám hứa gì cả. Tôi sẽ cố gắng trong khả năng của tôi.
Gary cười, vỗ vỗ vào vai Phong. Phong bảo
Cảnh viết vào mảnh giấy nhỏ: Ni sư Mẫu Đơn, Chùa Lầu, Hà Bằng. Nhìn mảnh giấy,
Gary ngạc nhiên:
-Sao không thấy tên đường và số nhà?
Cảnh lên tiếng:
-Trời ơi! Chùa Lầu là “ổ” Việt Cộng mà ai
dám một mình lên đem ni sư đi, đại úy?
Bây giờ Phong mới thấy sự hiện diện của
bác Sáu Nhỏ, vội vẩy mấy ngón tay:
-Chào bác Sáu. Cảm ơn bác đã đến thăm
tôi.
-Chu cha! Nhiều người muốn đi thăm đại úy
lắm mà tui hỏng dám cho đi. Tui hỏng biết mình tui có thăm đại úy được hay
không mà chở “cả đám”, rủi “nẫu” hỏng cho dô thăm thì làm sao!
Quay sang Gary, Phong trở lại đề tài lúc
nãy:
-Gary! Nếu có người đưa ni sư ra Qui
Nhơn, bạn nghĩ bạn có thể giúp ni sư được không?
-Tôi sẽ cố gắng. Tôi sẽ liên lạc trực tiếp
với anh về việc này.
-Xin đa tạ lòng nhân đạo của anh. Khi nào
anh lo xong thủ tục, giấy tờ, xin cho tôi biết. Tôi sẽ nhờ người đưa ni sư đến
Qui Nhơn, nghỉ tạm tại nhà bà con của tôi rồi tôi sẽ liên lạc với anh, cho anh
địa chỉ của ni sư – tại Qui Nhơn.
-Tốt! Bạn có thể tin tưởng rằng ước nguyện
cao cả của bạn sẽ được Đức Chúa trợ giúp. Bây giờ tôi cần tên họ, ngày, tháng,
năm sinh của ni sư. Khi nào có những chi tiết cần thiết này, bạn liên lạc với
tôi.
Sau khi Gary từ giã, Phong nhìn bác Sáu
Nhỏ:
-Bác Sáu! Có lẽ bác đã biết bệnh tình của
ni sư Mẫu Đơn rồi, phải không, bác?
-Dạ, biết.
-Nhờ bác lên Chùa Lầu thưa với ni sư Mẫu
Đơn là tôi cần biết ngày, tháng, năm và nơi sinh của ni sư.
-Dạ, dễ mà. Tui dân dả đi lên Chùa Lầu hỏng
sao đâu. Để tui lo.
-Cảm ơn bác. Sau này, bác có thể giúp đưa
ni sư Mẫu Đơn từ Chùa Lầu xuống Hà Bằng; rồi bác đưa ni sư đến Qui Nhơn, gửi ni
sư ngụ tại nhà người bà con của tôi, mọi phí khoảng tôi sẽ ứng trước hoặc hoàn
lại cho bác, được không, bác Sáu?
-Cái gì chớ cái đó có gì khó khăn đâu! Đại
úy cứ tịnh dưỡng cho mau lành. Bất cứ lúc nào đại úy cần, cứ nói chú Duệ cho
tui hay thì mọi việc đều xong. Tiền nong mình tính sau, nhen, đại úy!
-Cảm ơn bác Sáu nhiều lắm! Tôi sẽ không để
bác Sáu thiệt thòi đâu. Thôi, chiều rồi Bác Sáu, Cảnh và Duệ về đi.
******
Trên đường đến chỗ xe Lam đậu, bác Sáu Nhỏ
chợt nhớ một chi tiết lạ, vội hỏi Duệ:
-Nè, chú Duệ! Chú là “đệ tử” của Ổng, tại
sao hôm Ổng bị thương chú không ở bên Ổng mà chú lại chạy ngơ ngơ ngoài đường dậy?
-Tại bữa đó cô Thêm mời tôi ăn giỗ.
-Con Thêm bà con với chú hả?
-Không phải. Thêm là “bồ” của tôi.
-Chú “bồ” với con Thêm hả? Chết cha! Coi
chừng nghe, chú!
-Dạ. Sao, bác Sáu?
-Bữa đó nhà con Thêm giỗ ai?
-Dường như tôi nghe Thêm nói giỗ bà Ngoại
thì phải.
Bác Sáu Nhỏ dừng bước, nhìn Duệ:
-Bà Ngoại của con Thêm còn sống sờ sờ đó
mà ai nói với chú là giỗ bà Ngoại của nó? Chú cẩn thận, đừng để ông đại úy bị
liên lụy, nhen, chú!
Duệ hoang man, nhớ lại câu hát của thằng
bé “…Vui đàn con ở rừng sâu mới về…” Và,
hôm đó, Duệ thấy một cụ bà lưng còng, ngồi trên phản, lặng lẽ têm trầu chứ
không ăn cơm; mà bữa cơm cũng chẳng có gì ra vẻ là bữa giỗ! Lại cũng chẳng thấy
nhan, đèn, vàng bạc gì cả! Mà bữa giỗ thì tại sao Ba Má của Thêm lại đi mua lác
dệt chiếu? Duệ lại nhớ, mỗi lần “hai đứa” hẹn nhau bên bụi dù dẻ hoặc bên gò mối,
Thêm cứ hỏi dò Duệ: “Cái máy gì mà anh cứ
đeo trên lưng rồi ‘nẫu’ nói ra, anh nói dô trong đó dậy?” Duệ tìm cách
không đáp lời Thêm.
Bây giờ, nhận ra được nguyên nhân của sự
việc, Duệ – dù rất thương Thêm – cũng cảm thấy uất trong lòng vì chàng đã bị lợi
dụng và lừa dối! Duệ chửi thề:
-Mẹ nó!
Cảnh hỏi:
-Cái gì vậy, Duệ?
-Dạ, không có gì, thiếu úy.
Đáp lời Cảnh như vậy, nhưng trong lòng,
Duệ đã quyết định dứt tình với Thêm. Duệ thầm nhủ, sau khi Phong xuất viện, Duệ
sẽ trình bày mọi việc và xin Phong cho chàng được thuyên chuyển đến đơn vị khác!
ĐIỆP MỸ LINH