Wednesday 8 November 2017

CÁC NƯỚC NHƯỢC TIỂU VỠ MẶT VÌ "GIẤC MỘNG TRUNG HOA"

Đại-Dương
Sáng kiến Một Vành Đai, Một Con Đường (OBOR) của Trung Quốc được Chủ tịch Tập Cận Bình vẽ ra "Giấc Mộng Trung Hoa" sau khi nắm ba vị trí then chốt: Chủ tịch Đảng, Nhà Nước, Quân uỷ Trung ương từ năm 2013.
“Giấc Mộng Trung Hoa” đã bẻ cong lịch sử chỉ xảy ra trong khi ngủ.
Con Đường Tơ lụa trên bộ và dưới biển không do Trung Hoa lập ra mà từ nhu cầu của nhân loại liên quan đến bốn lĩnh vực: du hành, giao thương và tình báo, truyền bá tôn giáo, di dân Trung Hoa.

Tướng Trương Khiên của thời Hán Vũ Đế (141 TCN-87 TCN) chỉ đi tới Tây Vực (Tân Cương ngày nay) để kêu gọi chống Hung Nô. Thương nhân của các quốc gia Hồi giáo và Châu Âu mở nhiều con đường khác nhau để buôn bán với Đông Phương.
Con đường Tơ lụa Trên biển chỉ mở ra vào thời Đế quốc Mông Cổ và Nhà Nguyên (1206-1368) khi Đô đốc Trịnh Hoà, gốc Hồi giáo, sử dụng kiến thức và công nghệ hàng hải của các dân tộc Đạo Hồi để theo những hải trình đã có.

Năm 1405, Trịnh Hoà đã chỉ huy một Hạm đội gồm 62 tàu chiến và gần 28,000 binh sĩ đến Quy Nhơn (còn thuộc Vương quốc Champa), Xiêm La (Thái Lan), Malacca, Java, vượt Ấn Độ Dương tới Sri Lanka và giáp Mozambique suốt 28 năm qua 7 chuyến đi.
Các chuyến hải hành của Trịnh Hoà mang tính chất bành trướng, bá quyền trong tinh thần đế quốc hơn thiết lập quan hệ thương mại.
Nhằm chống lại phong trào di dân tới Đông Nam Á mà Nhà Minh (1368-1644) ra lệnh tiêu huỷ các tàu viễn dương và buộc dân chúng lùi sâu vào bên trong bờ biển mà chỉ đánh cá bằng ghe thuyền nhỏ.

Britannica viết: "Các chuyến đi của Trịnh Hòa có chủ đích chính trị … mang về các phẩm vật triều cống … không giống các chuyến hải hành của người châu Âu nhằm thiết lập những đế chế thương mại … tạo ra làn sóng thực-dân-hoá ở Đông Nam Á".
Chuyến đi của Trương Khiên và Trịnh Hoà không làm cho “Giấc Mộng Trung Hoa” thành hiện thực mà còn bị Tây Phương chèn ép, bao vây, cô lập trên mọi phương diện quân sự, kinh tế, ngoại giao, văn hoá, chính trị suốt 100 năm.

Nhiều nước nhược tiểu đã không thuộc bài học lịch sử thành rồng, thành hổ của Nhật Bản, Đại Hàn, Đài Loan, Tân Gia Ba, Hồng Kông mà chỉ thích "đi tắt, đón đầu" nên dễ rơi vào chiếc bẫy OBOR và Hợp tác Cùng thắng lợi của Tập Cận Bình.
Huyền thoại Châu Á xảy ra do các dân tộc Nhật-Hàn-Đài-Tân-Hồng biết học hỏi kinh nghiệm Tây Phương để canh tân đất nước và hợp tác với Tây Phương trong khi khai thác thị trường 1.3 tỉ dân ở Hoa Lục. Họ không vay vốn hoặc theo mô hình kinh tế, chính trị của Trung Quốc nên tránh được chiếc bẫy đầu tư của Bắc Kinh.
Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á (AIIB) do Tập Cận Bình sáng lập có 57 quốc gia thành viên với số vốn dự trù 1,000 tỉ USD mà mới góp có 100 tỉ. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Gia Nã Đại không tham gia. Ấn Độ tham gia, nhưng, chống Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan vì đi qua lãnh thổ Kashmir do Pakistan chiếm đóng mà Ấn Độ yêu sách chủ quyền.

Bất cứ nơi nào mà OBOR đến thì các nhà cho vay, kể cả Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, Ngân hàng Xuất Nhập cảng Trung Quốc, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát  triển Á Châu, Ngân hàng Phát triển Liên-Mỹ cũng theo bén gót AIIB.
Họ cho các nước đang phát triển vay rất nhiều tiền dưới hình thức viện trợ và cho vay một thời gian với các điều kiện nặng nề và lãi suất leo dốc làm cho các quốc gia đi vay bị nợ công tăng vùn vụt.

Các ngân hàng Trung Quốc đã cho Pakistan vay 22 tỉ USD với điều kiện chỉ định thầu, mua máy móc vật liệu và sử dụng nhân công Trung Quốc.
Bắc Kinh khống chế nền kinh tế Pakistan mà có ít cơ hội dành cho dân bản địa,với khuôn mẫu  xây dựng nhiều "tiểu Trung Quốc" như nhận định của tờ Asia Sentinel ngày 30-09-2017.
Thủ đoạn của "đế quốc mềm Trung Quốc" thể hiện rõ nhất tại đảo quốc Sri Lanka sau khi chấm dứt nội chiến vào năm 2009 khi tổng số nợ công lên tới 65 tỉ USD chiếm 95% tổng thu nhập ngân sách.
Sri Lanka vay của Bắc Kinh 8 tỉ USD để Công ty Trung Quốc xây hải cảng Hambantota nằm trên hải trình dầu hoả. Nhưng, hiện thời rất hoang vắng vì thiếu các cơ sở công nghiệp gần kề, thị trấn tiêu thụ sầm uất trong khi chi phí điều hành khoảng 1 tỉ USD/năm.
Vì thế, đảo quốc này phải đồng ý cho một công ty của Trung Quốc chiếm 80% cổ phần được thuê 1,500 mẫu đất trong 99 năm để xây dựng khu kinh tế lớn trị giá 1.4 tỉ USD mà năm ngoái, Tân Chính phủ đã hoãn.

Tương lai, Trung Quốc có thể xây một khu kinh tế mới thành một tiểu Trung Quốc và một quân cảng cho Hải quân ở Ấn Độ Dương.
Tờ Nikkei ngày 6 tháng 10 của Nhật Bản nhận định về dự án xây đường cao tốc trị giá 6 tỉ USD, dài 3,000 km nối liền Trung Quốc và Tân Gia Ba thông qua Lào, Thái Lan, Mã Lai Á mà quyền lợi của dân Lào bị bỏ rơi.
Dự án xuyên qua Lào cần đào hàng chục đường hầm và xây 170 cây cầu tốn gần gấp đôi ngân sách hàng năm 3,6 tỉ USD.
Chính phủ Lào chịu trách nhiệm 40% chi phí và phải vay Trung Quốc 65% nên món nợ càng khó thanh toán. Và dự án có cần thiết hay không khi dân số Lào chỉ có 6.9 triệu người?

Lào thiếu các kỹ nghệ quan trọng nên dù cam kết sử dụng nhiều lao động bản địa thì hàng đám người Trung Quốc cứ tràn vào Lào.
Trong vài năm qua, Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư số 1 tại Lào với việc xây các khu mua sắm đồ sộ ở Thủ đô Vạn Tượng (Vientiane), chung cư sang trọng.
Con đường Đông Nam Á lệ thuộc vào túi tiền của Bắc Kinh với các nguy cơ có thể thấy trước mà sao họ không tránh?
Thứ nhất, ngoại trừ Tân Gia Ba, các nước ASEAN đều tham nhũng nặng nề nên giới lãnh đạo dễ dàng chấp thuận điều kiện do Bắc Kinh áp đặt.
Thứ hai, dân chúng ASEAN chẳng có tiếng nói mạnh mẽ trong việc điều hành đất nước nên phó mặc cho nhà cầm quyền.
Thứ ba, với túi tiền rũng rĩnh, họ sẵn sàng chạy ra nước ngoài hoặc dâng đất cho Trung Quốc để giữ mạng sống.
Khẩu hiệu "hy sinh đời bố, củng cố đời con" được giới lãnh đạo ASEAN áp dụng triệt để.
                                  
Đại-Dương

Tài liệu tham khảo:

Pakistan's Costly Plunge into China Debt (Asia Sentinel)
How China's first 'silk road' came to life - on the seas (Asia Times)
US backs India's opposition to China's One Belt, One Road initiative (Industan Times)
Laos merely a bystander as China pushes Belt and Road ambitions (Nikkei)