Wednesday, 8 November 2017

Một của lạ bằng tạ của quen! - Du Uyên

Vỉa hè Sài Gòn buổi sáng - từ kenh14Vỉa hè Sài Gòn buổi sáng – từ kenh14

Hổm tôi coi được câu trên trong bài báo “5 câu nói “cửa miệng” của đàn ông khi bị phát hiện ngoại tình”. Cái tôi ngồi ngẫm thấy nó cũng… đúng, cái gì lạ thì ai chả thích. Bản thân tôi cũng vậy, bài viết này cũng nói về mấy cái… của lạ. Nhưng mà của lạ của tôi thì chắc chắn không phải cái của lạ mà bạn đang nghĩ, chắc nó không gây… ngoại tình và chắc chắn không phải ai cũng thích!
“Sài Gòn sớm nắng chiều mưa. Sài Gòn giữa trưa chỗ mưa chỗ nắng”. Thời tiết Sài Gòn xưa toàn được miêu tả kiểu vậy để bày tỏ sự bất thường của nó. Ai ở Sài Gòn lâu chắc cũng ghiền sự bất thường này. Cho nên tôi bỗng thấy thương mấy người mới dọn đến sống ở Sài Gòn mà trúng ngay năm nay, chắc họ buồn lắm. Không hiểu sao khi không Sài Gòn tháo bỏ lớp áo “đỏng đảnh của một cô gái mới lớn” mà người ta luôn khoác cho nàng mà đi vận vô bộ cánh bi lụy đau thương úa màu sầu nữ. Từ đầu năm tới giờ nàng ta cứ mưa gió tơi bời, hủy diệt khắp nơi từ cây cỏ đến con người. ‘Nhờ’ vậy mà những “bản sắc”, thói quen của thị dân cũng bị ảnh hưởng khá nhiều.

Bánh mì SG - ảnh Andy tran Bánh mì SG – ảnh Andy tran

Dân Sài Gòn thích ngồi quán vỉa hè. Người sài Gòn ít ai giàu sụ, mà lỡ không may đã quá giàu rồi, thì vẫn không bỏ được thói quen này. Với thị dân, những hàng quán vỉa hè vốn đã là nét đặc trưng của Sài Gòn xưa đến nay. Dù ở thời gian nào đi chăng nữa, những gánh hàng rong bán các loại quà bánh cũng là cái nôi đã nuôi lớn không ít những con người thành đạt ở Sài Gòn. Nếu vỉa hè Sài Gòn không còn hàng quán thì chất Sài Gòn chắc cũng “bay đi ít nhiều”. Những du khách, những người ở xa về Sài Gòn chắc cũng chẳng còn chi để thăm thú ngắm nghía, ỉ ôi trả giá. Những người nghèo không một tấc đất lận lưng, cũng sẽ không còn chỗ để nuôi sống bản thân và gia đình qua ngày. Không còn sinh hoạt vỉa hè chắc cũng không còn nhiều người bỏ quê chạy đến miền đất này lập nghiệp, kiếm kế sinh nhai, đổi đời. Sài Gòn được coi là giàu nhất Việt Nam nhưng đối với tôi đây là mảnh đất thấy nhiều cảnh nghèo nhất nước. Sáng sáng bạn cứ thử đi một vòng kênh Nhiêu Lộc hay bất cứ con đường sầm uất, hào nhoáng nào về đêm thì vẫn sẽ thấy rất nhiều người phải ngủ ghế đá, các bác tài ngủ luôn trên xe gắn máy, nhiều cụ già cầm vé số lang thang, nhiều em nhỏ không được học hành phụ mẹ bưng thức ăn cho khách. Trong xóm tôi có rất nhiều sanh viên nghèo phải ăn bánh mì, mì gõ sống qua ngày chứ tiền đâu vô quán lớn. Vỉa hè Sài Gòn cũng là nơi duy nhất chứa những bình trà đá, nước sâm, bánh mì miễn phí cho người qua đường trong cái nắng gay gắt như đổ lửa. Ðó là lý do vì sao các chiến dịch dẹp vỉa hè luôn có người phản đối nhiều hơn số người ủng hộ. Và đó cũng là lý do mà tôi đổ thừa cho mưa gió làm ảnh hưởng thói quen cuộc sống, bản sắc của dân Sài Gòn. Vì mưa vầy thì ai mà dám bán ngoài vỉa hè với tấm bạt che tạm bợ? Dẫu có bán cũng không ai dám ngồi trên ghế nhựa lùn xủn giữa đường sá đa số ngập, lầy lội… bùn sình văng tá lả! Thôi đi tiệm ăn cho nhanh và không lo ướt. Còn người bán thì chỉ biết ngồi nhà nhìn màn mưa trách móc ông trời!
Hủ tiếu gõ SG - ảnh Andy tranHủ tiếu gõ SG – ảnh Andy tran

Như tôi, nếu là một ngày đẹp trời bình thường. Sáng dậy tôi sẽ lội bộ một vòng xóm tìm… đồ ăn, mà cái xóm của tôi là một vòng… kênh Nhiêu Lộc. Bữa sáng của tôi thì cũng đơn giản như bao sanh viên nghèo học không giỏi khác, khi thì tô bún riêu, lúc lại dĩa cơm tấm hoặc ổ bánh mì, ăn xong cái… no, no thì làm biếng thế là không muốn đi bộ về nữa (không biết các sanh viên khác có sanh tật giống tôi không). Ðành ghé quán, cũng ở bên một vỉa hè với vài ba cái bàn cái ghế nhưng đông nghẹt người. Những quán cà phê rang xay nguyên chất chứ không pha trộn như mấy quán “cà phê hộp” lớn mọc lên đầy rẫy. Tranh thủ thời gian “làm” một ly cà phê hoặc ly sữa đậu nành trong lúc chờ xe ôm đến chở về chuẩn bị cho một ngày mới đi học, đi làm. Hoặc ngày cuối tuần thì tôi thường dành cả buổi sáng chạy ra trung tâm quận 1 uống cafe bệt. Chẳng cần ghế bàn sang chảnh, chẳng cần thực đơn với những loại cafe có cái tên kiêu kỳ, chỉ một ly đen đá, cà phê sữa đá, một bịch bánh tráng trộn… ngồi bệt trên đất có lót giấy báo được người bán cung cấp. Thế là đủ cho một buổi sáng thảnh thơi ngắm ông đi qua bà đi lại. Dĩ nhiên, hầu như 90% các hàng quán tôi ăn buổi sáng đều ở lề đường hoặc lề hẻm, vỉa hè. Trừ những lúc hẹn hò khách hàng, bạn bè ở đâu về hoặc ai đó đặc biệt, chớ đối với bạn thân, người quen thì tôi cũng rủ họ “nhập gia tùy tục”. Không biết người ta sao chứ tôi thấy ăn dĩa cơm tấm, tô bún riêu ở cái quán nhỏ che bạt ở lề đường luôn vừa miệng đậm đà hơn ở tiệm lớn. Ổ bánh mì 10k-15k với patê tự làm của chị bán bánh mì 15 năm ở bên đường vẫn ngon hơn ổ bánh mì Như Lan sang chảnh nổi tiếng. Ly cà phê bệt muỗi cắn vẫn vui hơn ngồi trong chiếc hộp sang trọng không dám cười to. Cộng thêm cảm giác xô bồ, ồn ồn, vừa ăn uống vừa ngó ra thấy xe chạy qua người chạy lại nó vui vui thế nào. Không chỉ buổi sáng mà có khi cả ngày tôi cơm hàng cháo chợ với những món đặc sản vỉa hè. Dĩ nhiên khi mua thì cũng phải sáng suốt chọn lựa những nơi làm ăn uy tín sạch sẽ. Sài Gòn vẫn còn nhiều người dễ thương lắm, không tin hãy… nhìn tôi đi.
Trời mưa mà rảnh việc thì làm gì? Giải pháp chung của người Sài Gòn thường ngày sẽ là đi uống cà phê hoặc đi nhậu. Người Sài Gòn thường được xem là rảnh vì hầu như thời điểm nào trong ngày bạn cũng có thể thấy quán nhậu hoặc quán cà phê có người ngồi. Cả công việc lẫn giao tiếp thường nhật đều được người Sài Gòn giải quyết trên bàn cà phê hoặc bàn nhậu. Bản thân tôi thì thích cà phê hơn, tôi hay đi khám phá những quán cà phê mới lạ. Cà phê Sài Gòn như một bức tranh đa sắc đầy đủ kiểu dáng, hình thái, màu sắc được điểm tô trên đó. Chi tiết đến độ mỗi nhu cầu thưởng thức, mỗi đối tượng lại có những hình thức cà phê phù hợp. Chính vì vậy nên ngày càng nhiều các quán cà phê mọc lên khắp nơi như mạng nhện phủ kín Sài Gòn. Thị dân tuy dễ dụ nhưng nhanh chán. Các vị chủ quán phải nghĩ ra mọi chiêu trò để thu hút và lôi kéo khách. Nơi thì biến quán cà phê của mình thành một không gian “vintage” để “hoài niệm về một Sài Gòn đã cũ”. Nơi lại tạo nên những khung cảnh hiện đại, sang chảnh cho giới trẻ tha hồ chụp ảnh “sống ảo” với bạn bè. Có nơi thì tạo nên các quán cà phê tương tác với thú cưng như vẹt, chó, mèo, chim chóc. Nơi thì tuyển thật nhiều các cô gái xinh đẹp mặc đồ bốc lửa để “dụ dỗ” những vị khách ham vui. Cũng có nơi thế mạnh của họ là… không có gì ngoài một vị chủ quán nổi tiếng và biết cách PR bản thân hoặc các thương hiệu lớn từ nước ngoài cũng rất thu hút khách bởi sự nổi tiếng của nó. Nơi lại tạo ra những không gian học tập, làm việc nhóm hoặc đọc sách phù hợp với dân văn phòng hoặc sinh viên, mọt sách. Bởi vì sự đa dạng đó mà các quán “sanh sau đẻ muộn” càng phải cố gắng hết mình để tạo ra cho quán của mình những dấu ấn riêng, trở thành “của lạ” trong mắt khách hàng mới mong “sống” lâu dài ở cái thị trường cạnh tranh này. Ðó là lý do giữa Sài Gòn nóng nảy, dẫu mưa to gió lớn vẫn đứng yên ở 26 độ “xê” lại “trồi” ra hai quán cà phê “của lạ” chỉ có nhiệt độ từ -5 độ và -10 độ với cái bảng quảng cáo “khắp mọi mặt trận”: bao lạnh!
Một trong hai quán cà phê băng duy nhất SG Một trong hai quán cà phê băng duy nhất SGQuán cà phê băngQuán cà phê băng

Quán cà phê kiểu này đều được tạo nên bằng những thùng hàng của xe container để kín kẽ cách nhiệt bên trong và bên ngoài. Gồm ba không gian. Phòng lễ tân khi bạn bước vào với nhiệt độ máy lạnh bình thường, tiếp đến là phòng đệm có nhiệt độ 5 độ, là nơi tiếp xúc giao nhau giữa phòng lễ tân (nhiệt độ thường) và bên trong khu vực cà phê (-5 độ hoặc -10 độ). Ðể khi các bạn cảm thấy lạnh quá khi ngồi trong khu vực cà phê thì có thể ra phòng đệm ngồi cho tới khi bớt lạnh thì vào lại để tiếp tục cuộc chơi hoặc ra về. Tất cả bên trong khu vực cà phê (ngoài các tấm thảm lót bàn và chỗ ngồi) thì bàn ghế, quầy bar, ly uống nước và các bức tượng theo từng chủ đề cũng được điêu khắc bằng băng hết. Khách hàng của các quán này rất đa dạng. Ða phần mọi người đến vì tò mò là chính nên có đủ loại người từ con nít, học sinh, tới những thanh niên, người lớn tuổi đều có thể là khách hàng tiềm năng. Lần đầu tiên bước vào tôi có cảm giác rất thích vì không gian… âm u, ánh đèn xanh và cách trang trí của cả hai quán. Ấn tượng đầu tiên của tôi là nhân viên ở các quán này rất chu đáo, luôn nở nụ cười với khách chứ không lạnh lùng như nhiệt độ ở đây. Khi bạn mua vé vào thì sẽ được họ đưa một bộ trang phục mà bạn không bao giờ có nhu cầu sắm sửa nếu chỉ ở Sài Gòn. Họ sẽ giúp bạn mặc vào người từ áo lạnh, nón len, bao tay, giày và một tấm khăn choàng đều rất dày và đẹp để bảo đảm cho sức khỏe, “chất lượng hình ảnh” của bạn khi vào thử cảm giác “Châu Âu”. Ấn tượng tiếp theo là quán khá vắng, đa số là các cặp tình nhân, cũng có thể do tôi đi buổi trưa. Ấn tượng tiếp là không gian quán được trang trí khá tỉ mỉ, không cẩu thả và… Việt Nam như tôi nghĩ. Các bức tượng từng phòng được điêu khắc theo chủ đề riêng và nghe nhân viên quán nói thì  quán thường thay đổi trang trí sau mỗi 3 tháng, nên đây cũng là một cách thu hút khách đến quán lần sau. Tha hồ chụp hình mà không lo bị “đụng hàng”. Tôi kêu cho mình một ly chocolate nóng và món súp bí đỏ được nhân viên gợi ý là đặc sản của quán. Chocolate thì uống được, như bao quán khác, nhưng phải uống nhanh chớ cứ lo ngó tới ngó lui là nó sẽ nhanh đông đá lạnh ngắt, không còn ngon nữa. Nhưng đặc biệt món súp bí đỏ rất ngon và nhiều tôm tươi. Súp được đựng trong nguyên trái bí nhỏ đã được hấp chín moi ruột nên trông rất xinh xắn. Ðây là ấn tượng tiếp theo của tôi. Về giá thì khi cảm nhận hết không gian ở bên trong thì mới thấy giá cả khá hợp lý. Như đã nói từ đầu, không giống như những quán cafe khác, bạn phải mua vé vào cổng để cảm nhận không gian băng giá, giá vé 120k nhưng lại được tặng kèm một phần nước tự chọn. Cộng thêm giá súp bí đỏ là 75k nếu bạn muốn ăn, tôi thấy món này rất đáng tiền. Nếu ở nhà hàng, có thể giá từ 300k. Giá nước cộng thức ăn ở đây cộng lại cũng chỉ bằng một ly cà phê nơi sang trọng một chút ở trung tâm thành phố. Nói chung đây là nơi hẹn hò lý tưởng cho người thích cảm giác lạnh mà chưa có điều kiện đi xa.
Ấn tượng cuối cùng của tôi với hai quán này là… lạnh quá!
mot-cua-la-01
Trang trí trong quánTrang trí trong quán
mot-cua-la-09
Khách được “trang bị” kỹ từ đầu tới chân Khách được “trang bị” kỹ từ đầu tới chân
DU