Tuesday, 14 November 2017

Mời Dự Chiều Nhạc Ngàn Khơi ‘Đàn Chim Tha Hương’

Bài BĂNG HUYỀN
Vài năm gần đây cứ đều đặn hàng năm chương trình Chiều Nhạc Ngàn Khơi do Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi tổ chức đã trở thành một trong những sự kiện âm nhạc rất được mong đợi và thích thú với các khán giả yêu nhạc tại quận Cam.


Inline image 1

Sau một năm gián đoạn, Chiều Nhạc Ngàn Khơi 2017 với chủ đề “Đàn Chim Tha Hương” sẽ trở lại với khán giả vào lúc 4 giờ chiều ngày 19 tháng 11 năm 2017 tại Saigon Performing Arts Center với nhiều nét mới lạ và đặc sắc, hứa hẹn sẽ lôi cuốn khán giả trọn vẹn vào không gian âm nhạc tuyệt vời với những tác phẩm có giá trị nghệ thuật, được trình diễn bởi những giọng hát đơn ca đã tạo được dấu ấn đẹp trong lòng khán giả mộ điệu gần xa như Trần Thái Hòa, Bích Vân, Phạm Hà, Thương Linh, Mộng Thủy, Bích Liên. Phần hợp xướng sẽ do các ca viên của Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi thể hiện, cùng những nhóm ca của Ngàn Khơi gồm Hợp Ca Nam, Ban Cát Trắng, Ban Sóng Xanh. Phần hát hợp xướng sẽ được ca trưởngNguyễn Hoàng Hương và ca trưởng Bùi Quỳnh Giao điều khiển. Dẫn dắt các tiết mục trong chương trình do hai MC Lê Đình Y Sa và luật sư Nguyễn Hoàng Dũng. Phần nhạc đệm không chỉ có ban nhạc Quốc Vũ, với pianist - keyboardist Quốc Vũ và Bạch Đằng, bass Vũ Anh Tuấn và tay trống Gary Wing, chương trình còn có phần trình tấu của nghệ sĩ dương cầm Nguyễn Hải Hoàng và dàn nhạc thính phòng Chamber Orchestra do nhạc sĩ vĩ cầm Nguyễn Bảo Thi lĩnh tấu cùng các nhạc sĩ Mỹ với các nhạc cụ đàn giây violin, viola, cello, và bass, sáo.

                         Inline image 2

Đàn Chim Tha Hương và Nhạc Sĩ Hồ Đăng Tín
Inline image 3“Đàn Chim Tha Hương” là tên một ca khúc của nhạc sĩ Hồ Đăng Tín. Chiều Nhạc Ngàn Khơi năm nay sẽ gửi đến khán giả phần lớn những tác phẩm của nhạc sĩ Hồ Đăng Tín sáng tác hoặc viết hòa âm, như một lời cảm ơn của ban tổ chức gửi đến nhạc sĩ Hồ Đăng Tín, cảm ơn những âm thầm đóng góp của ông cho Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi nói riêng và nền âm nhạc Việt Nam nói chung.

Tài liệu do ban tổ chức cung cấp cho biết, “Nhạc sĩ Hồ Đăng Tín sinh ngày 1.10.1935 tại Huế. Thuở nhỏ ông theo học trường LaSan Taberd ở Saigon, sau đó về Huế học tiểu học Thượng Tứ và trung học tại Quốc Học Huế.

Ông bắt đầu sáng tác năm 12 tuổi. Năm 14 tuổi đoạt giải thưởng sáng tác với ca khúc "Thanh Niên Chính Khí Ca" (thất truyền) của bộ Thông Tin Văn Hóa thời bấy giờ. Ông học hàm thụ Sáng Tác tại Ecole Universelle par correspondance de Paris.

Năm 16 tuổi, rời Huế vào Saigon sau khi đậu bằng Thành Chung. Năm 18 tuổi trở về Huế học tiếp tại Quốc Học Huế. Tốt nghiệp Đại Học Luật Khoa Saigon năm 1960. Tốt nghiệp Hòa Âm va Đối Âm 1961 tại Trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ SaiGon và cũng là sinh viên độc nhất lớp Sáng Tác thời bấy giờ.
Tu Năm 1968 ông làm Nhạc Trưởng tại Đài Voice Of Freedom cho đến 1975.
Giải thưởng Quốc Gia Văn Học Nghệ Thuật về khí nhạc 1971 với tác phẩm "Concerto for Violin and Orchestra". Giải thưởng VHNT về sáng tác ca khúc 1971 với tác phẩm "Đi Cấy Đi Cày" dưới tên Phí Ích Bành.
Ông di tù cải tạo 1975 cho đến hết năm 1980. Năm 1981 ông lập gia đình và hiện nay đang sống tại Việt Nam.

Những tiết mục đặc sắc trong chương trình

Trong Chiều Nhạc Ngàn Khơi “Đàn Chim Tha Hương” vào chiều Chủ Nhật, 19 tháng 11 sắp tới, phần 1 chương trình sẽ giới thiệu tác phẩm khí nhạc được nhạc sĩ Hồ Đăng Tín sáng tác dành cho độc tấu piano dựa trên cảm hứng từ những âm hưởng trong âm nhạc dân gian Việt Nam, đó là hai bài “Lý Quạ Kêu và Lý Qua Đèo” qua tiếng đàn tuyệt diệu của Nguyễn Hải Hoàng. Tiếp theo sẽ là tác phẩm Concerto in D for Violin và Piano qua tiếng đàn điêu luyện của Nguyễn Bảo Thi (violin) cùng Nguyễn Hải Hoàng (piano), chắc chắn sẽ phô diễn được những cung bậc cảm xúc đa dạng của tác phẩm gửi đến người nghe.

Trước năm 1975, nhạc sĩ Hồ Đăng Tín có viết hòa âm và sáng tác nhiều ca khúc, nhưng không có tác phẩm nào về tôn giáo. Trong thời gian ông ở tù cải tạo tại Lạng Sơn, trại tù ông ở đang lan tràn bệnh dịch hạch. Một sáng ông ngủ dậy, thấy trong người nổi hạch và nghĩ là mình đã nhiễm bệnh. Ông có lên trạm xá nhà tù, nơi đây chỉ có thuốc đỏ với xuyên tâm liên, nên ông nghĩ là mình sẽ chịu chết trong tù. Trước khi vào tù cộng sản, ông đã tập thiền, nên khi về lại trại tù, ông ngồi thiền. Trong lúc thiền thì ông thấy hình ảnh Đức Mẹ hiện ra, từ hai tay Đức Mẹ tỏa sáng nguồn hào quang phủ lên ông, đây là điều rất đặc biệt vì ông là người theo Phật giáo. Sau khi ngưng thiền, ông sờ lên chỗ nổi hạch, thấy nó lặn mất. Vì vậy ông có viết bài nhạc “Hoa Hồng Của Mẹ” ngay trong tù, viết cho hợp xướng. Đây là bài đầu tiên ông đã đưa cho Ban Hợp Xướng Trùng Dương tại Sài Gòn để hát ngay sau khi ông ra tù cải tạo.

Trường Ca Mẹ La Vang và những ca khúc thiền ca, tình ca

Sau khi ra tù cải tạo, ông bắt đầu viết những tác phẩm hướng về tôn giáo nhiều hơn, đặc biệt là những tác phẩm về Công Giáo, dù ông không cải đạo, mà vẫn giữ đạo gốc Phật giáo của mình.

Các tác phẩm của ông chủ yếu là về hòa âm, giai điệu, còn lời ca, do ông không phải người đạo Công giáo, nên phần lớn ông dựa trên thơ của người bên Công giáo hoặc trên Kinh thánh. Một trong những nhà thơ rất hợp với nhạc của Hồ Đăng Tín khi ông viết những bài nhạc Công giáo là nhà thơ Lê Đình Bảng. Sự kết hợp này đã tạo nên những tác phẩm rất hay. Một trong những tác phẩm ấy sẽ được trình diễn trong Chiều Nhạc Ngàn Khơi: hai tiểu khúc “Nguyện Cầu” và “Về Nhà Mẹ” trích từ trường ca “Mẹ La Vang” (nhạc Hồ Đăng Tín, từ bài thơ “La Vang, Một Ngày Một Đời” của Lê Đình Bảng,) do Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi hát.

Trường ca này có tất cả 7 tiểu khúc, 7 tiểu khúc này được ông dựa hoàn toàn trên nền nhạc dân tộc Việt Nam. Hai tiểu khúc gồm tiểu khúc đầu và kết thúc được ông dựa trên bài Lý Con Sáo. Tiểu khúc mang tên “Nguyện Cầu” dựa trên điệu Ru Con của Dân Ca Nam Bộ với âm điệu nhẹ nhàng ngân nga đầy tình cảm, còn tiểu khúc “Về Nhà Mẹ” được ông viết dựa trên nền nhạc Tây Nguyên rộn ràng mạnh mẽ của người dân tộc Ja raivới với những đảo phách theo nhịp 5/ 4 kết hợp sự thay đổi màu sắc của hòa âm, rất độc đáo.

Chính những lần đi cùng với Ban Hợp Xướng Trùng Dương đến dự Đại Hội Đức Mẹ La Vang hát trong các thánh lễ, đã tạo nên cảm hứng linh thiêng giúp nhạc sĩ Hồ Đăng Tín hoàn thành Trường Ca La Vang. Trường Ca La Vang đã được Ban Hợp Xướng Trùng Dương hát lần đầu tiên vào năm 2002, do ca trưởng Nguyễn Hoàng Hương điều khiển (lúc đó ông còn sống tại Việt Nam) rất thành công và lưu lại tiếng vang tốt.

Ngoài 2 tiểu khúc của Trường Ca Mẹ La Vang, Chiều Nhạc Ngàn Khơi “Đàn Chim Tha Hương” còn giới thiệu đến khán giả một số bài Thiền Ca của nhạc sĩ Hồ Đăng Tín sáng tác hoặc viết hòa âm, như “Mây Trắng Non Xanh” (viết dựa trên bài thơ của Xuyên Thiền Sư) và “Đóa Hoa Dâng Mẹ”, bài hát dâng lên mẹ hiền đóa hoa và trái tim nhân ái, qua tiếng hát trong vắt, du dương của Bích Vân. “Ru Tôi Mùa Vu Lan” được giọng nam ấm mềm Trần Thái Hòa thể hiện. “Hoa Bướm – Hồ Đăng Tín” & “Chàng Dũng Sĩ Và Con Ngựa Vàng từ Mười Bài Đạo Ca – Phạm Duy” qua giọng nữ cao thanh thoát, nhẹ nhàng của Bích Liên. Những tiếng hát qua các ca khúc này hy vọng sẽ giúp người nghe khai ngộ tâm tư tĩnh lặng, thanh khiết.

      Inline image 10
  Ca sĩ Thương Linh 

Ca sĩ Thương Linh với chất giọng Alto khàn đẹp cùng lối hát bay bổng biến ảo khôn lường, đi từ nhẹ nhàng ngọt ngào tới bùng nổ cảm xúc cùng sở trường hát nhạc jazz của mình, được ban tổ chức tin tưởng chọn để cô thể hiện hai bài nhạc theo thể điệu jazz của nhạc sĩ Hồ Đăng Tín “Tuổi Hồng Hoang” và “Tiếng Hát Ru Người”.

Tình Khúc

Trong gia tài sáng tác của nhạc sĩ Hồ Đăng Tín còn có những bài hòa âm hoặc sáng tác tình ca rất độc đáo. “Chú Cuội” là một bài tình ca của nhạc sĩ Phạm Duy viết tặng cho hiền thê của mình, được nhạc sĩ Hồ Đăng Tín viết hoà âm cho ban Cát Trắng trình diễn. Trong khi đó bài “Thương Yêu” được nhạc sĩ Hồ Đăng Tín viết tặng cho bạn đời của ông (cô Nga). Bài hát mở đầu bằng câu “Xưa từ biệt nhau lên đường” tức lúc bà chỉ mới là người yêu của ông đã tiễn ông lên đường đi tù cải tạo. Ca khúc này sẽ được giọng hát “rất tình” của Trần Thái Hòa gửi đến người nghe kể lại câu chuyện tình thủy chung của tác giả và bạn đời của mình. Ngoài ra Trần Thái Hòa cũng sẽ tăng thêm niềm thích thú cho người nghe khi ru họ vào cõi thơ nhạc tuyệt diệu qua ca khúc “Nguyệt Cầm” (Nhạc Cung Tiến, thơ Xuân Diệu). Tiếng hát đầy kỹ thuật, nhưng cũng thật tình cảm của Mộng Thủy sẽ diễn tả ca khúc “Cửa Mùa Xuân” lời thơ Nhã Ca, nhạc Hồ Đăng Tín. Giọng ca giàu tình cảm của Phạm Hà sẽ đem lại những bâng khuâng khó tả cho người nghe qua ca khúc “Một Lần Yêu”, anh cũng sẽ lĩnh xướng để hát cùng Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi các ca khúc “Hòn Vọng Phu 3” và “Đàn Chim Tha Hương”.

Vẻ đẹp tinh tế của lời ca và giai điệu ca khúc Hương Xưa (Cung Tiến) vốn quen thuộc với người nghe qua các tiếng hát đơn ca, nhưng từ năm 2012 đã được nhạc sĩ Hồ Đăng Tín viết hòa âm cho hợp xướng, người nghe đến với chương trình lần này sẽ chiêm ngưỡng một vẻ đẹp khác của tác phẩm thêm phần mới lạ độc đáo qua phần trình diễn của Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi.
Hùng ca - Quê Hương - Thân phận

Và người nghe cũng sẽ được lắc lư, đôi chân nhún nhảy theo nhịp điệu vui tươi của ca khúc Đoàn Lữ Nhạc qua phần hòa âm của nhạc sĩ Hồ Đăng Tín viết cho Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi hát.

Mở đầu phần 2 chương trình là ca khúc “Hòn Vọng Phu 3” (Lê Thương) và “Nhớ Người Thương Binh” (Phạm Duy) đều do nhạc sĩ Hồ Đăng Tín viết hòa âm cho hợp xướng, như muốn nhắc đến dấu vết chiến tranh trong số phận của quê hương Việt Nam. Hòn Vọng Phu nói về số phận của người đàn bà chờ chồng đi chinh chiến đến hóa đá. Người nữ trong Hòn Vọng Phu không chỉ là người nữ cụ thể nữa, mà đó còn là thân phận của những người đàn bà Việt Nam đã trải dài hàng ngàn năm chiến tranh.

“Nhớ Người Thương Binh” thì nói đến số phận của người đàn ông đã theo tiếng gọi của non sông để gìn giữ đất nước, nhưng không may đã phải để lại một phần thân thể nơi chiến trường, bài này được nhạc sĩ Hồ Đăng Tín viết hòa âm để hát Acapela không nhạc đệm, sẽ được Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi trình diễn. Ban Ngàn Khơi hát ca khúc này như một món quà của người hậu phương tri ân người thương binh.

Hai bài hát kết thúc chương trình sẽ là “Chiến Sĩ Biệt Kích” và“Đàn Chim Tha Hương”.“Chiến Sĩ Biệt Kích” được nhạc sĩ Hồ Đăng Tín viết vào khoảng sau Mậu Thân 1969 để tặng cho chiến sĩ biệt kích dù, một bài hùng ca được viết cho ba bè do Hợp Ca Nam Ngàn Khơi trình diễn.

Inline image 4
Từ những hào hùng của người chiến sĩ giữ nước, chuyển sang thân phận đau khổ, cay đắng buộc phải tha hương, mất nước qua bài Đàn Chim Tha Hương. Mở đầu bài hát này là phần solo, thê lương, buồn thảm, nhưng về sau sáng dần lên với phần bè hợp xướng và kết thúc với mong chờ một ngày mai đất nước huy hoàng. Cuối cùng sẽ là “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” của Nguyễn Đức Quang, là bài hát truyền thống của Ngàn Khơi chọn để kết thúc chương trình từ những năm qua. Từ ca viên đến khán giả sẽ cùng hát vang bài hát này, để khi ra về, mọi người đều có niềm tự hào về một Việt Nam ngạo nghễ. Đây không còn là tác phẩm trình diễn nữa, mà ban tổ chức mời các khán giả cùng hát với các ca viên của Ngàn Khơi để những trái tim Việt Nam ly hương cùng hát vang và:

“Cười ngạo nghễ đi trong đau nhức không nguôi, Chúng ta thành một đoàn người hiên ngang, trên bàn chông hát cười đùa vang vang. Còn Việt Nam triệu con tim này còn triệu khối kiêu hùng…”

Cũng như bao năm qua, những khán giả đã đến thưởng thức buổi diễn của Chiều Nhạc Ngàn Khơi đã ở lại đến phút cuối và ra về đều hài lòng với những dư âm đẹp mà buổi nhạc để lại, vì vậy Chiều Nhạc Ngàn Khơi “Đàn Chim Tha Hương” vào 4 giờ chiều Chủ Nhật ngày 19 tháng 11 năm 2017 sẽ tiếp tục đem đến nhiều thú vị cho người xem, xin quý vị đừng bỏ lỡ buổi nhạc giá trị này.

Vé có các loại 35, 45, 55, 75, 100 Mỹ kim và vé VIP. Vé hiện đã có bán tại Nhà sách Tú Quỳnh(714) 531- 4284, Bolsa tickets (714) 418 - 2499, Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi tại số 14265 đường Brookhurst, Garden Grove CA 92843 (714-531-2773), text: 714-675-8761 và tại tòa báo VIỄN ĐÔNG  (714) 379-2851.
(B.H)

Các hình ảnh tập dượt mới nhất vào chủ nhật vừa qua

Buổi tập dượt với dàn nhạc Chamber Orchestra do Nguyễn Thi điều khiển

Inline image 5

 Inline image 6
Nguyễn Thi và Nguyễn Hải Hoàng trong tiết mục “Concerto in D” do nhạc sĩ Hồ Đăng Tín sáng tác
Inline image 11

Buổi tập dượt với Ban nhạc Quốc Vũ, Vũ Anh Tuấn, Gary Wing va Nguyễn Nam.

Inline image 7