Wednesday 29 November 2017

Người Tù Và Soạn Giả Bách Khoa Tự Điển


Image result for Mark Stevens and Robin Woods

Robin Woods & Mark Stevens

Một Ngày Vào Giữa Năm 2016, ông Robin Woods lái xe bẩy giờ đồng hồ từ nhà ở Maryland  để đi gặp một người đàn ông tên là Mark Stevens ở Amherst, tiểu bang Massachussetts. Trong nhiều năm qua, hai người thường trao đổi thư từ, liên lạc với nhau, họ từng nói chuyện qua điện thoại hàng chục lần. Nhưng họ chưa bao giờ gặp mặt nhau. Ông Woods, với chiếc đầu sói, và đôi vai to lớn, ngừng xe lại, đậu xe bên lề đường, và đi bộ một khúc đường dài, có hàng cây hai bên đường để đến nhà ông Stevens. Ông cảm  thấy hồi hộp, và hơi bối rối khi ông gõ cửa căn nhà. Một người đàn ông dáng vẻ thận trọng, với mái tóc bạc, và đeo kính trắng bước ra mở cửa. 
Vài phút sau, ông Woods, 54 tuổi, và ông Stevens, 66 tuổi ngồi cạnh nhau trong phòng khách, cùng thảo luận về nhiều cuốn sách được in ra. Hai người có vẻ tương đắc, và họ không ngờ lại có thể xảy ra cuộc gặp gỡ ngày hôm nay. Lần đầu tiên, vào năm 2004, khi ông Woods nhận được thơ của ông Stevens, ông đang ở trong tù, thụ án 16 năm tại nhà tù Jessup, Maryland về tội ăn trộm tư gia. 
           Vậy mà, chính vì một cuốn sách khiến họ tìm gặp nhau. 
Khi còn trong nhà tù Jessup, ông Woods vừa mới mua được cuốn Bách Khoa Tự Điển Merriam-Webster, nặng hơn hai kí lô. Ông đọc thật kỹ từ vần A, với tin tức về thành phố Aarchen ở Đức, đến vần cuối cùng là vần Z, bằng chữ Zymogen, một thành tố tạo thành chất men. Ông muốn giết thời gian ở trong tù bằng cách đọc thât kỹ hơn 25,000 đoạn ghi chú - entry- trong cuốn Bách Khoa Tự Điển. Một hôm, ông cảm thấy bối rối, thắc mắc khi đọc dòng chữ sau: Nhà cai trị Toghril Beg ở thế kỷ thứ 11 đã tiến vào Baghdad vào năm 1955. Ông đoán ra là sách đã in lầm, lẽ ra phải ghi là 1055. Ông kể lại: “Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần, và suy nghĩ về điều hoài nghi của mình có đúng không.” Cuối cùng ông lật trang bìa của cuốn sách, ghi tên chủ bút, người soạn giả của Bộ Bách Khoa Tự Điển này là ông Mark A. Stevens 
Ông Woods quyết định viết thư gửi cho chủ bút Stevens: “Thưa ông Stevens, Tôi viết lá thư này để góp ý với ông về lỗi in sai trong cuốn Bách Khoa tự điển RẤT HAY của ông.” Ông Woods viết chi tiết về lỗi ấn loát trong cuốn sách, sau đó ông ngỏ lời cảm ơn nhà xuất bản Merriam-Webster đã in những cuốn sách tham khảo rất giá trị. Ông viết lời kết trong lá thư một cách cảm động, và chân thành: “Quả thực tôi học hỏi được rất nhiều từ cuốn sách của ông. Nếu không có nó, chắc tôi sẽ mù tịt chẳng hiểu gì.” 
Viết xong lá thư, gửi đi, nhưng ông Woods không hy vọng sẽ được thư trả lời. 
Nhưng điều mà ông Woods không đề cập trong lá thư ông gởi cho ông Stevens là cuốn Bách Khoa Tự Điển qủa thực là một công trình biên soạn cực kỳ hữu ích cho những ai muốn tự học. Ông Woods lớn lên trong khung cảnh con nhà nghèo, sống trong khu nhà  của chính phủ gọi là ‘housing project” ở tỉnh Cumberland, tiểu bang Maryland. Cumberland là một trung tâm kỹ nghệ trong đó có những khu xóm đô thị thuộc loại nghèo nhất nước Mỹ. Lần đầu tiên Robin Woods bị đi tù khi cậu ta mới 23 tuổi vì đã dùng khẩu súng trường của ông ngoại để bắn vỡ cửa kính của nhà hàng xóm trong một vụ cãi vã vì buôn bán ma túy. Cậu ta là một thanh niên còn trẻ tuối, hận đời và mù chữ, thất học. Cậu thú nhận: “Tôi chưa hề biết đọc một cuốn sách nào trong đời “. 
december-01-FEA_PrisonerEncyclopedia_US171205 
Woods nhớ lại lần đầu tiên cắp sách đi học lớp Một, cậu khoái đi học lắm, nhưng sau đó vì nước da mầu nhạt, cà phê sữa của cậu, nên cậu bị bọn học sinh Da Đen trong trường ăn hiếp, gọi cậu là thằng “con lai”. Cậu sống không có cha, được mẹ cậu nuôi nấng. Mẹ cậu là người Da Đen, nhưng cha cậu là người pha nhiều dòng máu.Lên đến lớp Hai, cậu thường có thái độ hằn học, chống đối thầy cô giáo trong lớp. Chính vì vậy, cậu hay bị cô giáo bắt ngồi yên một mình trong kẹt tủ của lớp học, mỗi khi cậu có thái độ quậy phá. Cuối cùng nhà trường chuyển cậu đến một trường khác để theo chương trình giáo dục đặc biệt dành cho những đứa trẻ ngỗ nghịch. Tại trường này, cậu được lên lớp đều đều, nhưng thay vì được học đọc, học viết, cậu chỉ làm việc lặt vặt trong trường, chẳng hạn như chạy loong toong phụ giấy tờ văn phòng, xuống cafeteria nhà trường xếp những lon sữa giấy vào tủ lạnh. Những việc vớ vẩn này dễ dàng giúp cho cậu đạt điểm A‘s hay B’s. Cậu kể lại như sau: “Dĩ nhiên trong suốt thời gian đó, tôi chẳng học được chữ nào cả. Người ta bảo phải cần một cộng đồng để dạy dỗ một đứa trẻ. Nhưng theo tôi cộng đổng kiều này chỉ làm tiêu tan tương lai của đứa trẻ.”. Cuối cùng thì Woods bỏ học, không đến trường nữa. 
Trong lần đi tù đầu tiên, Woods có ý muốn bắt đầu việc theo học của mình. Cậu ta bị đưa vào một nhà tù nổi tiếng là khắc nghiệt ở Hagerstown, Maryland. Cậu nổi giận, chống lại cai tù, và cậu bị tống vào khu biệt giam. Mỗi lần bị biệt giam, cậu phải ngồi trong một căn phòng chật hẹp, giống như cái chuồng thú, suốt 23 giờ một ngày, không TV, hay radio, và không có ai để trò chuyện. Một hôm, có người đẩy một xe chất đầy sách thư viện đi ngang qua phòng. Ông ta hô lớn: “Có sách thư viện đây! Ai muốn mượn sách để đọc không?.” Woods chẳng mấy để ý gì đến sách thư viện. Nhưng ngồi một mình chán quá, chịu không nổi, cậu ta quyết định mượn hai cuốn sách: “Tự truyện về cuộc đời của Malcom X” và cuốn “Băng Đảng gốc Sicilian” của tác giả Mario Puzo. 
Cậu Woods nhận xét về hai cuốn sách đầu tiên cậu đọc như sau: Cuốn tự truyện hầu như “quá phức tạp”, còn cuốn Băng Đảng gốc Sicilian thì chỉ dễ hơn một chút. Cả hai cuốn theo Woods thì “có quá nhiều chữ khó, chẳng hiểu gì cả, tôi cứ phải đọc lướt cho qua.”. Woods phải bỏ ra ít nhất năm phút mới đọc hết một trang sách, nhưng nó đem lại cho cậu cảm giác khoái chí vì đã làm được một việc thành công. Mãi một tuần sau, cậu ta mới đọc hết hai cuốn sách. Cậu Woods nhà ta bật khóc, chẳng phải vì cậu thích cuốn sách, mà vì cậu cảm động không ngờ “mình biết đọc sách”. 
Ít lâu sau, Woods bỏ tiền ra mua cuốn tự điển đầu tiên ở Cửa Hàng Tạp Hóa của nhà tù, và bắt đầu tra cứu từng chữ mà mình không hiểu, nhiều khi anh ta còn ghi chép, và phát âm lớn chữ mới vừa học được. Anh thích đọc sách, đọc thâu đêm suốt sáng. Anh Woods tự nhủ: “Tuy thân xác của tôi bị nhốt trong tù, nhưng đầu óc tôi được tự do thảnh thơi vượt thoát đi ra ngoài.”. 
Trong một khoảng thời gian không lâu, chính anh Woods cũng được trả tự do, ra ngoài đời sống với xã hội. Năm 1987, anh ở tù đủ thời gian qui định, và anh trở về Cumberland để sống. Tại đây, anh tạm trú trong một căn lều, và thỉnh thoảng được người bạn gọi đi làm. Anh phụ người bạn làm việc chùi dọn văn phòng. Nhờ đọc sách nhiều, trí óc anh mở mang, nhưng anh vẫn còn giữ những thói tật xấu cũ, để rồi lại đưa anh vào tù. Anh Woods kể lại rằng một buổi tối, anh lái xe đến văn phòng anh phải chùi dọn, anh đập vỡ cửa sổ văn phòng này, và ăn cắp một số dụng cụ trị giá vài ngàn đô la. 
Qua ngày hôm sau, anh đến một câu lạc bộ địa phương, với ý định đem bán những dụng cụ anh vừa ắn cắp cho khu chơi cờ bạc. Đúng lúc đó, một toán cảnh sát tiểu bang ập vào bắt anh. Anh đầu hàng, không kháng cự. Anh vừa được ra khỏi tù chưa đầy hai năm, vì thế Woods lại bị tống vào nhà tù Hagerstown. Nơi đây anh đã từng phản đối sự khắc nghiệt khủng khiếp của nó. Vì hồ sơ quá xấu, nên anh Woods bị lãnh bản án rất nặng: 16 năm tù vì hai tội đột nhập văn phòng, và xâm phạm tài sản. Năm 1991, anh Woods lại bị bắt trong nhóm tù nhân nổi loạn, vì vậy bản án tù của anh bị cộng thêm bảy năm nữa.

Có nhiều cách để đưa sách vào trong nhà tù.  Sách được bán ở Cửa Hàng Tạp Hóa của nhà tù, hay do thư viện cho mượn. Một số tổ chức phi lợi nhuận cũng mang sách đến tặng cho tù nhân. Dĩ nhiên tiểu bang và liên bang cũng đặt ra những qui luật kiểm duyệt sách đem vào nhà tù. Sở Quản Lý Tù Nhân Hoa Kỳ cấm các loại sách cổ vũ bạo hành, nổi loạn, bất tuân kỷ luật. Một số sách bìa cứng chỉ được giao cho tù nhân nếu do chính nhà xuất bản, tiệm sách, hay hội yêu sách gửi đến. Một số nhà tù còn đặt ra những qui luật riêng của họ để kiểm soát sách đưa vào nhà tù. 
Mặc dù khó khăn như vậy, song Robin Woods vẫn có thể gom góp thành một thư viện nhỏ, riêng của mình. Anh tâm sự: “Có anh tù nhân thích sưu tầm giầy hiệu Nike, để coi xem mình có bao nhiêu đôi giầy. Riêng tôi đi giầy tennis hiệu gì là điều không cần thiết, tôi chỉ thích sưu tầm được một số sách trị giá khoảng tám, chín trăm đô la.”. Woods đặt mua cuốn Bách Khoa Tự Điển bằng thư sau khi duyệt qua những tờ thư mục quảng cáo. Khi cuốn sách được gửi đến, anh xem xét rất kỹ để phòng ngừa sách giả.

Vào cuối tháng 11 năm 2004, khi ông Mark Stevens nhận được lá thư đầu tiên của Robin Woods, ông đã cẩn thận viết thư trả lời bằng loại giấy có in sẵn mẫu thư của công ty Merriam-Webster. Ông viết như sau: “Tôi nghĩ ông là người đầu tiên phát giác lầm lẫn trong đoạn văn viết về Toghril Beg. Tính đến năm 1955 thì Toghril đã không còn trị vì từ lâu rồi. Xin ông tiếp tục tìm tòi, phát hiện những sai lầm khác, để chúng tôi sửa chữa.”. Ông Robin Woods cảm thấy hết sức phấn khởi khi nhận được lá thư hồi âm của Mark Stevens, và ông ta tiếp tục tìm tòi thêm vài sai lầm khác của cuốn Bách Khoa Tự Điển. Ví dụ trong hai đoạn về Edward the Confessor và “Uthman ibn Affan. Song Robin Woods viết rất lễ phép: “Xin ông đừng nghĩ đây là lời phê bình, chỉ trích việc làm của ông, nhưng là một sự góp ý thân hữu. Cá nhân tôi vẫn tin rằng cuốn Bách Khoa Tự Điển  của Merriam-Webster vẫn là một công trình tuyệt bích. Tôi chỉ muốn qúi ông tránh được vài sơ suất nhỏ mà thôi.”. 
Trong suốt hai năm, ông Mark Stevens viết tất cả 18 lá thư cho Robin Woods, và Woods gửi lại cho Stevens khoảng hơn hai chục lá thư. Họ thảo luận với nhau về cuộc đời của nữ hoàng diễm lệ Cleopatra, và cách tự học của tay lãnh tụ Malcom X. Nhưng tuyệt đối không bao giờ Woods nói về những tội phạm mình làm, và Mark Stevens cũng tế nhị không đề cập đến vấn đề này. Ông Stevens nói: “hai đứa chúng tôi hết sức giữ ý khi viết thư, và viết với văn phong lễ độ, lịch sự với nhau.” Và điều này khiến cho ông Stevens phải ngạc nhiên. Thậm chí, trong một lá thư, ông Robin Woods đã khách sáo viết:”Tôi lấy làm vinh hạnh được làm kẻ phục vụ ngài.” 
Nhưng rồi vào năm 2005, mọi việc bị thay đổi hẳn. Ông Woods được biết mình sẽ bị thuyên chuyển đến một nhà tù kiểm soát gắt gao ở Baltimore. Lý do vì sao bị thuyên chuyển, ông không giải thích. Quan chức coi tù cho ông ta biết rằng ông không được phép mang theo sách đến nơi mới. 
Ông Woods cực lực phản đối lệnh cấm mang sách theo. Chỉ vài ngày sau, ngay khi nhận phòng giam mới, ông tuyên bố tuyệt thực để phản đối. Ông kể lại với Mark Stevens: “Tôi muốn phát điên lên, vì họ cấm không cho tôi giữ sách của mình.”. Vài tuần sau, một lá thư khác được gửi đến Stevens: “Tôi như cái xác không hồn. Nhưng tôi không chiu thua đâu. Tôi sẽ chống đến cùng.”. Bị biệt giam, Woods sụt đi mất 70 pounds. 
Thế rồi cho đến một ngày, theo lời kể lại của Robin Woods, anh ta trông thấy cái bóng của một người hiện ra trên bức tường phòng giam của anh. Người đó chính là Ủy Viên coi nhà tù của tiểu bang Maryland. Ông đến hỏi thăm về tình hình sức khỏe của anh. Robin Woods nhớ kỹ: “Ông ta quan sát nét mặt của Woods với sự tò mò xét đoán rất kỹ.”. Cuối cùng ông ta hất hàm hỏi Woods:”Ai là Mark Stevens vậy?” 
Robin Woods suy nghĩ một hồi lâu. Làm sao mà ông này lại biết về Mark Stevens? Thì ra chính Mark Stevens đã viết thư cho hai cai tù, để rồi cuối cùng lời năn nỉ của Stevens cho Woods được giữ sách đã đến tai ông Ủy Viên. Ông Ủy viên gọi điện thoại nói chuyện với Stevens. Họ nói chuyện với nhau về cuốn Bách Khoa Tự Điển, và tù nhân tên là Woods. Ít lâu sau ông Ủy Viên mặc cả với Woods. Nếu Woods đồng ý chấm dứt tuyệt thực, và tuân theo kỷ luật nhà tù trong một năm, ông sẽ cắt giảm án tù , và cho Woods  về nhà sớm. Cùng lúc đó, Woods được quyền giữ sách của mình để đọc. 
Hồi cuối năm 2006, Woods viết thư cho Stevens: “Tôi mừng như một đứa trẻ vừa tốt nghiệp trung học. Cả thế giới bên ngoài đang đón chờ tôi ra.”. 
Tháng Giêng năm 2007, sau 18 năm ngồi tù, Robin Woods được thả tự do, trở về nguyên quán, trước hạn kỳ 5 năm. Trước khi ra về, anh được nhà tù cho anh $50 đô la để có tiền tiêu dùng. 
Một lần nữa Woods lại quanh trở về Cumberland. Tại đây, anh được một mục sư ở địa phương dành cho một nơi để ở. Cứ vài tháng một lần Robin Woods lại điện thoại cho Mark Stevens để nói chuyện về sách vở, tin tức. Hai người tiếp tục điện thoại với nhau trong mười năm, trước ngày họ có dịp gặp mặt nhau. 
Khi Robin Woods lái xe đi thăm Stevens tại nhà riêng của ông này ở Amherst hồi tháng Sáu năm 2016, họ coi nhau như hai người bạn cố tri. Woods nói với Stevens: “Tôi chưa bao giờ được gặp ông bạn, nhưng tôi yêu qúi bạn lắm. Bạn là một người tốt.”. Hai người rủ nhau đi bách bộ trong rừng, đi chơi chung với nhau, và đi thăm căn nhà của Thi sĩ Emily Dickinson, nơi có một tấm plaque ghi lại câu nói của nhà thơ như sau: 
Không có con Tàu nào có sức lôi cuốn như một Cuốn sách. Nó đưa chúng ta đi viễn du thật là xa, khỏi Vùng Đất chúng ta sống.”.Đến hôm Chủ Nhật, sau cái ôm nhau thật chặt để từ biệt, ông Woods lái xe trở về nhà trên đoạn đường thật dài. 
Hiện nay ông Woods ít còn đọc sách lắm. Một phần vì ông sống khá chật vật, lo kiếm tiền để trả cho những giấy nợ hàng tháng, một phần khác, ông ráng giữ gìn không để gặp rắc rối với luật pháp nữa. Ông vẫn tiếp tục giữ cuốn Bách Khoa Tự Điển Merriam-Webster ở bên cạnh. 
Trước đây, có lần Woods đã viết thư cho Stevens như sau: “Trong lúc hình hài của tôi còn bị giam hãm trong nhà tù, song trí óc tôi đang được chu du, quan sát cả thế giới. Có những nơi tôi ước mơ được đi đến đó để xem, và tôi đã được đọc về nơi đó ở nhiều cuốn sách khác nhau.”. Ông Stvens trả lời của Robin Woods bằng cách trích dẫn một câu nói trong tác phẩm The Once and Future King của tác giả T.H White. Nhân vật Merlyn nói trong cuốn truyện này như sau: “Điều hay nhất khi chúng ta có tâm sự buồn là học hỏi một cái gì đó. Đó là điều không bao giờ làm cho chúng ta thất vọng.”.

Nguyễn Minh Tâm dịch theo Reader’s Digest tháng 12/2017