Cuốn
phim Vietnam War do hai đạo diễn Ken Burns và Lynn Novick thực hiện đã được
trình chiếu trong tháng 9 năm 2017 trên đài truyền hình PBS và phát hình đi
trên toàn nước Mỹ. Phim dài 18 tiếng chia ra thành 10 tập, được sự bảo trợ của
ngân hàng Bank of America, và theo quảng cáo kinh phí lên đến $30 triệu USD và
mất tổng cộng 10 năm. Vietnam War đã được in ra DVD với giá bán ban đầu là
$99.99, rồi hạ xuống còn $59.99. Cuốn sách Vietnam War với tên người viết kịch
bản Geoffrey C. Ward và đạo diễn Ken Burns in ngoài bìa cũng đã được tung ra thị
trường, sách bìa cứng, in ấn đẹp và công phu, dầy 600 trang với 500 hình ảnh
xen kẽ và bán với giá $34.99 tại các tiệm sách. Mục đích của nhà sản xuất và đạo
diễn là quảng bá cuốn phim về cuộc chiến tranh một thập niên mà lính Mỹ tham
chiến tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Đạo diễn Ken Burns và Lynn Novick
cho rằng đây là cuốn phim với trên 100 nhân chứng được phỏng vấn, và những câu
chuyện chưa hề được kể lại về một cuộc chiến đã làm chia rẽ nước Mỹ.
Cuốn phim
Vietnam War mang tính cách thiên cộng vì ngay trong tập đầu đã thấy hình ảnh của
Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng cùng các cán bộ cao cấp của đảng Cộng Sản trên một
khán đài, và những lời hết sức ca tụng ông Hồ là người ái quốc, hy sinh cho dân
tộc, v.v... y hệt những tuyên truyền mà người dân Việt hai miền đã phải nghe
trong bao thập niên; và phỏng vấn các Việt Cộng hay đặc công đã đánh phá các cơ
sở tại Sài Gòn trước kia như tòa Đại Sứ Mỹ cũ, Chung cư Brinks, và nhà hàng nổi
Mỹ Cảnh. Trong con mắt của nhà làm phim Vietnam War thì Bắc Việt xâm lăng là
chính nghĩa, và lính Mỹ tham chiến tại miền Nam là vô nghĩa nên phong trào phản
chiến bùng nổ ra đòi hỏi phải rút quân Mỹ về nước ngay là chính đáng. Vai trò của
Việt Nam Cộng Hòa, người đứng lên chiến đấu để bảo vệ tự do cho miền Nam và
gánh vác công cuộc chống ngoại xâm từ phương bắc xuống trở nên mờ nhạt trong
bàn tay đạo diễn. Một sai lầm nghiêm trọng của cuốn phim khi đặt tên cuộc chiến
Quốc-Cộng (1954-1975) là cuộc nội chiến. Dùng danh từ nội chiến để chỉ cuộc chiến
Nam Bắc tại Hoa Kỳ vào thế kỷ 19 là đúng, nhưng hoàn toàn sai lạc với Việt Nam
War vì đây là cuộc chiến ý thức hệ, cuộc chiến mà lính Mỹ và Đồng Minh đã phải chiến
đấu tại miền Nam, để sát cánh với Việt Nam Cộng Hòa chống lại làn sóng đỏ của cộng
sản quốc tế muốn nhuộm đỏ Đông Dương qua
bàn tay của Bắc Việt.
Cũng
ngay tập đầu là hình ảnh mang tính phản chiến của toán lính Mỹ phóng hỏa đốt
các mái nhà tranh của dân làng, là hình ảnh của cụ già đứng vái lính Mỹ, là
hình ảnh các phụ nữ trẻ em ôm nhau khóc. Trong khi bao nhiêu hình ảnh đẹp của
quân đội Đồng Minh và Việt Nam Cộng Hòa xây dựng trường học, đường xá cầu cống
cho dân, hoặc che chở người dân trong vùng lửa đạn thì thiếu vắng. Ngoài ra, chủ
đích của nhà sản xuất và đạo diễn được thấy rõ nét trong thước phim trailer
dùng để giới thiệu trước mỗi tập. Giữa những tấm phim negative hình lính Mỹ
trên chiến trường là hai tấm ảnh Tướng Loan bắn tay VC Bẩy Lốp, và ảnh của bé
gái Kim Phúc chạy trần truồng la khóc vì bom napalm. Thước phim với hai hình ảnh
này được chiếu đi chiếu lại trước mỗi tập với mục đích gây cảm xúc và đập vào mắt
khán giả. Một cựu chiến binh Hoa Kỳ là cựu Trung Tá Thủy Quân Lục chiến Jack
Wells đã phải lên tiếng rằng, trước hết cuốn phim là một tác phẩm, nhưng ông thấy
nhiều thiếu sót và che dấu về các hình ảnh trong thước phim giới thiệu ấy. Như
tấm phim negative về cô Kim Phúc, có nói đến cô sau này qua Canada, nhưng che dấu
đi sự thực là khi qua Canada, cô Kim Phúc đã xin tỵ nạn chính trị, muốn lánh xa
cái chế độ cộng sản đã sử dụng cô như một công cụ tuyên truyền cho họ mà thôi. Cũng
như Eddi Adams người chụp tấm ảnh Tướng Loan bắn tên Việt Cộng, sau này đã xin
lỗi Tướng Loan vì tấm ảnh đó đã hủy hoại binh nghiệp của Tướng Loan và ảnh hưởng
đến cả cuộc chiến đấu vì chính nghĩa của miền Nam, và Eddie đã khóc khi nghe
tin Tướng Loan qua đời. Cuốn phim cũng không nói đến trước đó chính tên Bây Lốp
này đã tàn sát dã man toàn bộ một gia đình người bạn của Tướng Loan là gia đình
Trung Tá Tuấn trong cuộc tổng tấn công của Việt Cộng trong tổng công kích Tết Mậu Thân tại Sài
Gòn-Chợ Lớn. Đó là những che dấu mà ông Jack Wells muốn nêu lên để tôn trọng sự
thực.
Về cuộc
tổng công kích Tết Mậu Thân năm 1968, hai bên Việt Nam Cộng Hòa và Việt Cộng đã
cam kết hưu chiến để ăn Tết, nhưng phía Việt Cộng đã bội ước xé hưu chiến và bất
ngờ mở cuộc tổng tấn công. Riêng tại Huế trong những ngày họ chiếm đóng, Việt Cộng
đã thảm sát khoảng 6 ngàn thường dân một cách tàn bạo bằng bắn giết và chôn sống.
Cuốn phim chỉ nói sơ sài về thiệt hại nhân mạng, nhưng cuốn sách Vietnam War
ghi chú, bên cạnh hình ảnh các gia đình tại Huế đeo khăn sô, một cách trắng trợn
là chỉ có vài người bị giết thôi. Như đã trình bầy, cuốn sách này in rất đẹp và
công trình với hai tấm ảnh trên bìa trước và bìa sau về các lính Mỹ trên chiến
trường miền Nam, nhưng ngay bên trong của bìa sau là một trang ảnh phóng lớn
hình các lính Việt Cộng với mũ tai bèo.
Đạo diễn
Ken Burns đã chống chế trước những phê bình về cuốn phim có nhiều thiếu sót và
thiếu trung thực rằng vì chỉ có 18 tiếng cho nên không thể bao quát hết mọi
khía cạnh. Đạo diễn Lynn Novick bao che cho tội ác diệt chủng của Việt Cộng và
Bắc Việt trong trận Tết Mậu Thân, bà nói rằng Việt Cộng khi vào tới Sài gòn-Chợ
Lớn thì họ phải ám sát và thanh toán ngay các cấp chỉ huy Việt Nam Cộng Hòa vì
họ nghĩ họ sắp chiếm được miền Nam, nhưng sau đó họ cũng bị ám sát trở lại.
Cách dùng từ ám sát của bà không chuẩn xác vì sau đó quân đội Sài Gòn đã đánh bật
Việt Cộng ra khỏi các thành phố, chứ không ám sát.
Dù cuốn
phim đã được trình chiếu hai tháng nay tại Bắc Mỹ, tuy một số giới trẻ chưa từng
biết đến cuộc chiến Quốc-Cộng thì tin theo các lời dẫn giải của cuốn phim,
nhưng nhiều cộng đồng Việt-Mỹ, nhất là các cựu chiến binh Hoa Kỳ vẫn phản đối
và đang vận động chống lại những xuyên tạc sự thực về họ trong cuốn phim này, về
sự hy sinh cho chính nghĩa tự do của hơn 58 ngàn binh sỹ Hoa Kỳ trong Vietnam
War. Một cuốn phim hay một cuốn sách trình bầy về một trận đánh hay một cuộc
chiến mà không trung thực, che dấu sự thực, hay xuyên tạc sự thực thì hoàn toàn
không có giá trị.
Phạm Gia
Đại