Tuesday 19 December 2017

Con chó trong Thư Gửi Bạn Ta - Phan Hạnh

Image result for thư gửi bạn ta bùi bảo trúc

Thuở còn sống, vào mỗi dịp Tết âm lịch ký mục gia Bùi Bảo Trúc (BBTthường hay viết về con vật năm tuổi. Tiếc thay, ông mất ngày 16-12-2016, năm Bính Thân, năm tuổi của ông, thọ 72 tuổi. Từđó, những người thích đọc các bài viết sâu sắc vàthú vị của ông hụt dịp nghe ông kể chuyện con gà năm Đinh Dậu 2017, con chó năm Mậu Tuất 2018, và những con giáp kế tiếp.

Là một độc giả trung thành của ông, tôi nhớ trong hàng ngàn bài Thư Gửi Bạn Ta (TGBT) mà ông viết khá đều đặn qua thời gian hai thập niên, ông thường đề cập đến con chó. Trước ngưỡng cửa năm Mậu Tuất 2018, tôi tìm đọc lại xem ông đã từng viết những gì, từng nói những gì về con vật được cho làgần gũi nhất với con người này.Tuy không thích chó như lời ông thú nhận, BBT viết về con vật này khá nhiều. Ông có thể tả các món thịt chó rành rẽ nhưng BBT cho biết rằng ông chỉ ăn thịt chó có một lần duy nhất trong đời mà thôi:

“Từ bé đến lớn, đến già thì đúng hơn, và mặc dù bị dụ dỗ không biết bao nhiêu lần, với vài ba lần suýt nữa xiêu lòng, tôi vẫn giữ được một điều đó là không cho vào người một miếng thịt chó thứ hai nào.Có một lần duy nhất, hồi năm hay sáu tuổi gì đó, một trong mấy ông chú gắp cho một miếng, vỡ lòng cho chuyện ăn thịt chó của tôi, nhưng không thành công, và từ đó trở đi thì không bao giờ có miếng thịt chó thứ hai vào miệng nữa.

Tôi nghĩ chuyện không cho một miếng thịt chó thứ hai vào miệng cũng giống trường hợp mà Sigmund Freud kể về kinh nghiệm phân tâm của ông. Nữ bệnh nhân của ông không thể đưa ly nước lên uống mặc dù cô rất khát vì cô nhìn thấy trong căn nhà điếm mà cha cô chết một cái ly nước mà con chó của mấy cô điếm đang uống nước từ cái ly ấy.Trông thấy con chó nhà bên cạnh vừa dọn sạch một bãi ở ngoài ngõ thì làm sao dám bỏ một miếng thịt (cũng của chó) vào miệng được. Vì thế, tôi không bao giờ ăn thịt chó là vậy. Mặc dù bạn bè, không một ai là không ăn thịt chó.

Một quen biết (bạn gái) mấy năm trước rồi cũng phải chia tay vì nàng cứ ôm chó suốt ngày, đem cả chó lên giường thì ai mà chịu thấu. Ăn (chó) còn không ăn huống chi nằm cạnh nó.Ðã hơn mười lần lên năm rồi thì làm sao nằm với chó được. Thế nên có là "hương nhục", giắt vào kẽ răng vài ngày sau móc ra ngửi vẫn còn thơm thì cũng chịu. Rựa mận, chả chìa cũng không.Có bị hăm là sống "trên đời ăn miếng giồi chó, chết xuống âm phủ biết có hay không" thì cũng đành chịu. Mấy chục năm không ăn miếng thịt chó nào mà vẫn không sao thì tại sao phải ăn một miếng cho bụng có thêm miếng thứ hai?Cứ nghĩ tới ông bạn ghiền thịt chó, nhìn chàng rồi tưởng tượng một nửa cái thân hình bệ vệ ấy làm toàn bằng thịt chó là lại sợ. (TGBT Ngày 30 tháng 6 năm 2008).

BBT thú nhận rằng ông không ưa chó:

“Hồi còn ở Toronto, thỉnh thoảng cuối tuần tôi hay ra đầu đường mua báo, và cứ mỗi lần đi qua căn nhà gần góc đường, tôi lại bị chặn lại trao đổi vài câu với một công dân cao niên người "bản xứ". Cụ bà ở một mình nên cứ chờ người đàn ông (trẻ tuổi, lúc ấy) Á châu đi ngang là túm lấy hỏi chuyện. Và cứ mỗi lần như thế, con doberman pinscher dữ như một con ác quỉ của cụ lại xộc ra căm hờn ngó tôi, tưởng như tôi đã tán xong cụ, thuyết phục cụ để cụ đồng ý quăng nó vào nồi rựa mận không bằng. Ghét không thể nói hết được.”(TGBT Ngày 16 tháng 7 năm 2002 về tấm bảng Never mind the dog. Beware of the owner).

Nhưng khi tôi tránh không để cho những con chó nhẩy lên người, thở vào mặt, liếm tay, liếm mặt... thì chủ của những con chó đó nổi giận, nghĩ là tôi ghét, ghê tởm những con chó yêu quí của họ. Họ không hề biết rằng tôi chỉ né, tránh, đứng xa, không cho những con chó này liếm vào mặt, thả trung tiện cho ngửi miễn phí chỉ là vì tôi yêu thương chúng, không muốn chúng bị lây vi trùng của người mà khốn khổ thân đời. Trường hợp duy nhất mà tôi để cho chó đụng đến môi miệng của mình, là khi chó được biến thành những miếng thịt luộc, những miếng chả chìa và nồi rựa mận.” (TGBT Ngày 17 tháng 1 năm 2002 viết về vấn đề lây bệnh giữa chó và người).

Những người quen biết BBT đều nhìn nhận tính ông cương trực, không ngại ngùng dùng ngòi bút sắc bén, đôi khi rất cay độc, viết ra thật điều ông nghĩ. Ông không tránh né, không bẻ cong ngòi bút, không sợđụng chạm. Những gìông viết xuống trong TGBT là sự thật. Nhà báo Huy Phương nhận xét rằng Bùi Bảo Trúc giao tiếp không nhiều vì ông có một cá tính đặc biệt, kiêng nể ai thì thấy rõ, nhưng ghét bỏ ai thì cũng ra mặt:

Đối với Bùi Bảo Trúc, không có chữ “xuề xòa,” không phải ai cũng là người ông vui vẻ bắt tay xã giao, kiểu “quảng giao” cho xong chuyện, “chín bỏ làm mười,” mà “thương ai thì nói rằng thương, ghét ai thì nói rằng ghét,” dù đó là một kẻ thù chính trị khác ranh giới hay cả một người ông vẫn thường gặp ngoài đường, hay trong sở làm.Bùi Bảo Trúc là vậy!Đó là xấu tốt phân minh, thiện ác rõ ràng, qua lối viết của ông. Khi ghét ông dùng chữ rất thậm tệ, khi thương kính ông không tiếc lời trang trọng. Bùi Bảo Trúc thường công nhận lối viết của ông không “hiền,” là rạch ròi, nếu cần dùng chữ nghĩa để diễn đạt ý nghĩ và tâm tính của ông.(Thương tiếc Bùi Bảo Trúc - Tạp ghi Huy Phương, December 18, 2016)

Đúng vậy, BBT chẳng những không thích chó mà còn ghét chó; ghét thìông nói thẳng làông ghét:
Tôi rất sợ và ghét chó nên sau năm lên năm (lên năm nằm với chó), tôi không bao giờ nằm với chó nữa.” TGBT ngày 10 tháng 5 năm 2000).

“Có một thời gian tôi đã phải share nhà với một con chó, một con mini schnauzer, trông tựa như loại griffon nhưng nhỏ hơn. Là người rất ghét chó, nhưng tôi cũng cố gắng để sống chung hòa bình với nó. Người hung hãn như ông Nikita Khrushchev còn làm được việc đó với phe tư bản trong những năm 60 thì tại sao tôi không làm nổi với con mini schnauzer này. Trông nó lúc nào cũng như một ông già khó tính, cặp lông mày xù ra che gần hết mắt, và một bộ râu xồm nhiều lúc tôi không biết nó giống Albert Schweizer hay Mark Twain khi hai ông già này nổi quạu lên nữa.

Nhưng nó rất sợ tôi. Vài hôm sau khi hai bên gặp nhau, nhìn trước nhìn sau không thấy chủ nó, tôi rít qua kẽ răng: "Mentha! Mentha!" Nó bỏ chạy ngay xuống bếp, không luẩn quẩn cạ vào chân tôi nữa. Nó là chó Mỹ, chủ nó nói với nó toàn bằng tiếng Mỹ, vậy mà nghe câu thần chú "Mentha! Mentha!" nó cũng biết sợ. Câu này thỉnh thoảng lại được tôi lôi ra nói cho nó khỏi quên. Và như con chó của Pavlov, cứ nghe câu thần chú là nó đi trốn xuống bếp như một thứ phản xạ có điều kiện cho chừa cái tật lén trèo lên giường của tôi mà tôi bắt được mấy lần khi mới dọn tới.

Chủ nó thắc mắc về câu thần chú nhưng không hề được giải thích để biết rằng trong một câu truyện cổ Việt Nam, một nhà sư đang đi trong làng thì bị một con chó đuổi, nhà sư ngó trước ngó sau rồi hét lớn "Lá húng! Lá húng!", con chó lập tức cụp đuôi chạy mất. Mentha là tên La Tinh của húng. Con chó không hiểu tiếng Việt, tôi dùng đại tiếng La Tinh mà nó cũng sợ. Nó quả là có thông minh như chủ nó vẫn khoe. Chủ nó không bao giờ được giải thích ngọn ngành về cách dùng những chiếc lá húng. Chủ nó thì cho rằng tôi không hợp với chó. Tôi thì cho là nó sợ lá húng.” (TGBT ngày 8 tháng 4 năm 1999).

Sự không ưa chó, ghét chó của BBT còn thể hiện trong TGBT ngày 8 tháng 3 năm 2000. Ông kể chuyện côSara McBurnett trên đường ra phi trường San Jose đón người nhà thì chiếc station wagon cô lái đụng phải một chiếc SUV mầu đen bảng số lưu hành của Virginia. Người đàn ông lái chiếc SUV mở cửa xe tiến lại phía xe của Sara. Sara xuống kính xe định xin lỗi thì con bichon frisé nhẩy lên lòng cô sủa ầm ỹ. Người đàn ông lái chiếc SUV chửi thề như hét vào mặt cô và thình lình thò tay vào trong xe, túm lấy con chó, ném ra đường đang đông xe chạy. Sara mở cửa xe chạy ra định cứu con chó thì vừa vặn đúng lúc đó, con bichon frisé bị một chiếc xe hơi khác cán phải. Sara ôm con chó lên, chạy tới thú y sĩ nhưng quá muộn. Con bichon frisé chết. Người đàn ông lái chiếc SUV lợi dụng lúc bối rối, lên xe lái đi luôn.Tiền thưởng dành cho ai giúp tìm ra thủ phạm đó đã lên tới bốn chục ngàn Mỹ kim.

BBT đổ tội cho con chó và bào chữa cho người đã ném nó chết như sau:

“Nhưng sự thực có thể không hoàn toàn giống như những chi tiết của bản tin. Biết đâu người đàn ông chỉ định nói chuyện phải quấy với người lái chiếc xe station wagon. Phải nhớ là ông ta đang rất bực bội vì chiếc SUV của ông bị đụng. Tưởng tượng vừa định nói với Sara, người lái chiếc station wagon, đôi câu, thì tiếng nói của ông bị át đi vì tiếng sủa nhặng xị của con chó hỗn láo đó.Lúc ấy, việc thò tay vào, túm lấy nó, quăng ra đường là điều khó có thể tránh được. Nếu tôi phải lựa chọn thứ để ném ra đường, Sara hay con chó, thì tôi cũng ném con chó. Cũng như người đàn ông nọ, tôi không ném Sara McBurnett. Sự lựa chọn của ông, theo tôi, là một sự lựa chọn hợp lý.Nhưng vì sự lựa chọn hợp lý đó, ông đang bị truy nã, lùng kiếm, và hội bảo vệ thú vật treo giải thưởng bốn chục ngàn Mỹ kim cho người giúp bắt được ông ta. Chỉ vì ông ta không ném Sara McBurnett ra đường mà lại ném con chó.Ném con chó ra đường là để giải tỏa một bất mãn nào đó. Người đàn ông bực bội vì xe bị đụng, đang định nói phải quấy đôi lời với người gây ra tai nạn thì bị con chó mất dậy át giọng. Ném nó ra đường là phải.” (TGBT ngày 8 tháng 3 năm 2000).

“Ðồ chó… đồ chó đẻ… Thế nào cũng có bữa ông kiếm mớ lá thúi địt về ông ướp mày… Ông ghét mày nên ông không thèm gọi là lá mơ hiểu không… Ông còn mua riềng nữa cho mày khỏi phải khóc đứng khóc ngồi: bà ơi đi chợ mua tôi đồng riềng nữa. Ông còn một vườn trồng húng sau nhà ông chờ mày nghe con… Ðồ chó đẻ… you son of a bitch you know… Ông chưa đớp được mày thì ông sang Ðại Hàn ông đớp đồng loại mày cho bõ ghét… Sủa đi chó… Nhưng như thế thì đã sao? Nhục mạ - defamation - ở chỗ nào? Bộ chó cảnh sát không phải là chó sao? Bộ má nó không phải là chó sao? Chứ sao lại gọi là… chó má? Con của chó má thì là chó đẻ chứ còn sai nỗi gì nữa đây?” (TGBT Ngày 1 tháng 5 năm 2003 viết về vụ một người bị cảnh sát buộc tội chọc ghẹo chó công vụ).

BBT hay dùng nhất hai nhóm chữ “con đĩ chó” và “đồ chó đẻ”, có thể được xem tương đương với “bitch” và “son of a bitch” trong Anh ngữ, ngôn ngữmàông thông thạo. Ông có sở trường dùng chữ “con đĩ chó” trong những câu thoại rất sinh động đượm nét khôi hài màông tự nghĩ ra và gán cho một người vợ ghen tuông:

"Anh không lý gì đến tui hết. Sống với nhau bằng ấy năm, bao nhiêu lần... mà anh vẫn không biết tui mặc số mấy, "cup" gì thì anh có thương yêu tui bao giờ đâu... Có hỏi anh rằng tui mặc của hãng nào chắc anh cũng không biết thôi... Ừ thế của tôi là Playtex, Olga, Warner's, Bali, Vanity Fair, Delicates, Victoria's Secret, Cacique, hay Lou... nào? Anh không biết à? Vậy thì anh coi tui là gì của anh chứ? Là sex object của anh chắc...Sao anh rành mấy cái khóa thế? Khóa trước, khóa sau anh mở cái một, không chờ tui... mở hộ cho nó tình tứ gì hết... Nhưng hỏi số mấy thì không biết... Sao mà tui khổ thế này hở Giời cao, đất dầy ơi! Cái gì, anh nói 36 D hả... thôi chết rồi, tui đâu có... thô tục như thế bao giờ? Hay là của con đĩ chó nào, của con mèo mả gà đồng nào? Anh với nó... bao nhiêu lâu rồi mà tui không biết? Phải rồi, tự nhiên sao Victoria's Secret lại cứ gửi catalogue về nhà cho anh? Anh mua cho con đĩ chó bao nhiêu cái 36 D rồi?”(TGBT ngày 13 tháng 4 năm 2000).

"Tôi muốn hỏi anh một số điều, nhưng trước hết tôi đọc cho anh nghe Miranda Rights đã. Anh được quyền giữ im lặng. Anh được quyền có luật sư đại diện. Tất cả những điều anh nói sẽ được dùng để buộc cho anh tội giao du với con đĩ chó đó. Anh không có tiền thuê luật sư thì tôi ... cãi thí cho anh. Anh nghe rõ chưa? Tại sao anh có cái số điện thoại lạ này trong túi? Ðiện thoại của ai? Ðừng nói là điện thoại của America On Line. Tôi gọi thử rồi anh biết không? Tôi biết là anh gian lắm. Cùng hung cực ác mới đúng là anh. Anh đi chơi với nó hồi hôm phải không? Sao anh không trả lời tôi? Anh khinh tôi vừa chứ. Tôi không xứng đáng để anh trả lời hay sao? Anh để dành hơi sức nói chuyện với nó à? Anh có trả lời tôi không thì bảo? Anh lì vừa chứ. Nói chuyện với tôi chứ có làm chính trị đâu mà chơi trò lì? Tôi nói cho anh hay, anh không được khinh tôi như vậy. Anh có nghe tôi nói gì không... Anh có khai thật ra không? Anh với con này là từ bao giờ rồi? Anh toan tính với nó những gì? Ối giời cao đất dầy ơi... Sao tôi khổ thế này hở giời? Tôi biết con người tệ bạc của anh quá mà. Sao anh không cầm dao giết tôi đi cho rồi? Anh giết tôi đi... Anh bắn tôi đi... Anh đi đâu... Anh kiếm cái gì? Anh kiếm luật sư làm gì? À anh muốn luật sư à? Này nói cho mà biết, đừng có bắt nạt con này nghe chửa... Anh đi kiếm luật sư thật à?..." (TGBT ngày 9 tháng 11 năm 1999 viết về Miranda Rights, quyền giữ im lặng khi bị cảnh sát bắt giữ).

“Tại sao anh lại gọi tôi là cục kim cương của anh? Tôi không là cục gì của anh hết... thôi thì có muốn tôi là những cục khác thì tôi cũng có thể chịu được, chứ tôi không muốn làm cục kim cương của anh. Bộ anh tính giết tôi rồi đem thiêu và nhờ thằng cha chủ Life-Gem biến tôi thành cục kim cương cho anh hay sao? Này đừng có mà chơi trò ác đức như thế nhá. Muốn tặng con đĩ chó nào cục hột soàn thì cứ ra tiệm mua mà cho nó. Tại sao anh định cho nó cục kim cương làm bằng cái cơ thể hết sức ngon lành và sexy, giải phẫu bao nhiêu lần, cho vào lấy ra hết silicon, lại nước biển, lại gel, lại ba lần lyposuction hút cả thùng mỡ gầu... của tôi? Không được đâu à nhen! Ðừng có mà trố mắt lên nhìn tôi như thế nữa! Toan tính cái gì đây? Ðừng nhìn em nữa anh ơi, hương... quê đã phai rồi... Ðừng nhìn em nữa anh ơi... Sao anh làm em sợ quá hà...” (TGBT ngày 21 tháng 8 năm 2002).

“Nhờ kéo cái thùng rác ra cửa thì than với lại thở như sắp chết không bằng... Thế mà hôm ở vũ trường thì ôi sao mà hết tung lại quăng, rồi ném, rồi quật, hết tango lại bebop rồi tới Macarena suốt cả buổi thì được... Sao lúc ấy thì không đau lưng cho tôi nhờ một tí đi... Thấy mà ghét... Vừa nhẩy vừa ngỏn ngoẻn với con đĩ chó, ôm thì cho nó ôm sát sàn sạt, nửa con vi trùng len qua cũng không được... Bây giờ đau nằm một xó cho đáng kiếp...” (TGBT ngày 4 tháng 11 năm 2002viết vềsự có mặt của người phối ngẫu bên giường bệnh có thể khiến cho bệnh nhân bực bội thêm).

“Nhẹ thì cũng phải lầu bầu đồ mèo tha quạ mổ, con đĩ rạc đĩ dài, con quỉ béo, con cả vú to hông (cho không chẳng màng), con ngựa trời, con đĩ chó, con mỡ gầu, con thần đanh đỏ mỏ, con trôi sông lạc chợ, con mèo mả gà đồng, con ma trơi, con điếm thối, con mặt dầy, con béo trục béo tròn, con ăn vụng như chớp (đánh con cả ngày,) con dê cái, con bò sữa, con ngựa trời, con ma mút (mammoth?), con ma cà rồng hút máu, con no cơm béo mỡ, rửng mề, con cái ghẻ, con ma mập, con đười ươi móng đỏ, con chằn ăn, trăn quấn, con khủng long cụt đuôi, con thằn lằn rắn mối, con cắc ké kỳ nhông, con chấy, con rận, con rệp, con vi trùng, con ba chỉ nạ dòng, con năm cha ba mẹ, con chết đâm chết chém, con đầu đường xó chợ, con cù đinh thiên pháo, con ngựa bà... làm khổ tao, sao không giặt cái áo oan nghiệt đó đi cho tao nhờ còn giữ làm mắm hay sao? Sao không xóa mấy cái cassette để bây giờ làm khổ tao... Trời ơi là trời, sao mà ngu quá như thế? Sao mà béo lấp mỡ lấp mề vầy nè... Tao mà tum được thì tao bóp... cổ chết đứ đừ…” (TGBT ngày 4 tháng 8 năm 1998 viết về việc Monica Lewinsky điều đình với công tố viên Kenneth Starr để được miễn tố).

“Go out vừa có nghĩa là tắt, vừa có nghĩa là đi chơi -- date -- với mấy con đĩ chó. Nghĩa là nếu người đàn bà không để ý tới chúng, không chịu coi chừng chúng, thì mấy người chồng sẽ tắt, và ngọn lửa trong lò sưởi thì sẽ rủ rê, hẹn hò đi chơi với mấy con đĩ chó thích... đùa với lửa.”(TGBT ngày 10 tháng 5 năm 2000).

“Phải biết tháng bẩy là tháng các cậu các mợ lên cơn rượn, đi tìm nhau mà thả các cậu và các mợ ra đầu đường cho các cậu các mợ rửng mỡ datenhau, rủ nhau đi bới thùng rác ăn nhậu no nê và làm tình với nhau...Các cậu các mợ xong việc đi về, không được hạch hỏi đi với con đĩ chó nào, hay thằng đĩ chó nào. Phải cho các cậu ăn steak cho khỏe, hôm sau đi rượn tiếp.” (TGBT ngày 17 tháng 2 năm 2000).

“Cũng có thể người dưới mộ muốn nhờ ban quản đốc nghĩa trang nhắc thân nhân trên trần đừng cắm hoa lầm ở địa chỉ một con đĩ chó khác cách đó mấy căn chẳng hạn. Hay chủ đất cũng có thể nhờ đục bỏ vài ba chữ trên tấm bia sau khi kẻ lập bia đã ôm cầm thuyền khác khiến những chữ "In Memory of My Dearest Husband” trở thành vô nghĩa cho người sống và mang đầy nét lăng mạ người quá cố. Làm sao còn có thể nói là... "Ðể Nhớ Người Chồng Yêu Quí Nhất Ðời Của Em...” trong khi "em” đang đi xe lăn bên cạnh một thằng cha già lạ hoắc nào đó ở một cái viện dưỡng lão trong vùng vịnh và cả mấy năm nay nơi chàng ở đã hương tàn, khói lạnh, không một bông hoa, dẫu là hoa nylon, cho đỡ tủi.” (TGBT ngày 15 tháng 8 năm 1999).

“Tôi cũng có thể đi kiếm mấy con pitbull, thuê một vài hộp dog food, loại gourmet, hay trả tiền cho chúng đi kiếm mấy con đĩ chó cho chúng vui chơi chiều cuối tuần, thì con chó du côn ở nhà bên cạnh đừng có trách...Tôi sẽ viết một bức thư như thế nếu Master Dog bên cạnh nhà quả thực biết đọc chứ không mù chữ như mấy con chó thất học khác...Hay là kèm theo tấm thiệp Giáng Sinh cho cậu chó thích quá, cuống quít mở ra đọc cho nhanh?”(TGBT ngày 23 tháng 12 năm 1999 viết về thiệp chúc Giáng Sinh dành cho chó).

“Companion chỉ ngoắc đuôi năn nỉ mở cửa cho ra vườn thăm mấy cái gốc cây và mở cho một hộp dog food là cùng. Không bao giờ to tiếng, nhục mạ thậm từ …Companion mũi rất thính, một thoáng nước hoa lạ cũng biết liền, nhưng không bao giờ hạch hỏi người bạn là đi chơi với con đĩ chó nào bao giờ. Không lẽ lại lăng mạ, gọi phía bên kia là “đĩ chó”như thế. Nhiều lắm là hít vài cái, khen mùi Diva là thơm hơn mùi Opium chẳng hạn.” (TGBT ngày 13 tháng 2 năm 2003 viết vềtiểu bang Colorado thảo luận dự luật chính thức cho chó và mèo là bạn của người).

“Không biết Jeremy Gilchrist nói gì với chó mà chó lại nổi điên lên như thế. Gọi nó là đồ chó má? Ðồ ăn mày chó? Ðồ con đĩ chó? Hay nói nó là đồ chó đẻ … Hey you, son of a bitch!” (TGBT ngày 4 tháng 4 năm 2003 viết về việc bị phạt do tội chọc chó cảnh sát ởOhio).

“Ðây nhé, người đàn ông, bố cháu, được trình bày là một người không thẳng thắn, có một ngàn thứ để dấu mẹ cháu ở nhà. Không cái địa chỉ của vài ba con đĩ chó, thì cũng mấy cái điện thoại của dăm má mặt rỗ. Hay những cái biên lai credit card khả nghi vân vân.Trong khi người đàn bà, mẹ cháu thì được tô vẽ thành một mụ phù thuỷ độc ác, lúc nào cũng chỉ tính chuyện làm phiền bố cháu, moi móc, lục lọi, kiểm soát, cật vấn, tra khảo, lấy cung, coi bố cháu như tù cải tạo ngồi trước bản tự khai, và sau khi đã thành thật khai báo, vẫn bị mẹ cháu... cắt mạng, không khoan hồng chút nào.Vậy là cái quảng cáo bất công với cả hai bên. Bên nào cũng xấu xa hết.” (TGBT ngày 15 tháng 8 năm 2002 vềquảng cáo “What's In Your Pants?” cho những chiếc quần kaki mới của Dockers).

“Hay là ở Mỹ có ba loại đàn ông tất cả, theo Jackie Collins?Không phải tất cả, nhưng đa số, gần hết là chó. Một số thì không phải là chó mà là giống khác.Trong số những con chó đó, thì có một số chó tốt, một số chó khốn nạn. Số còn lại, là những con chó không tốt, không xấu, nhàng nhàng chạy đầy đường.Trong số những con chó ngoan thì chủ là một số phụ nữ. Những con này trung thành, chịu khó vẫy đuôi mỗi khi thấy chủ. Chủ có lỡ làm gì sai quấy, thí dụ thả cái trung tiện, thì thí mạng cùi nhận hộ như người Mỹ vẫn nói, đổi lại thì chủ cho ăn uống tử tế, cho đi tắm, cắt lông, đi đằng sau mỗi sáng chờ ị xong thì chủ cúi xuống hốt.Những con chó mất dậy thì tối ngày chạy theo mấy con đĩ chó khác, bạ đâu ị đó, chủ có lỡ ra thì không nhận hộ, nhẩy quắng lên chỉ mặt chủ lêu lêu vân vân.” (TGBT ngày 27 tháng 4 năm 2004 viết về sự giống nhau giữa đàn ông với chó).

“Loài vật cũng có những hiểu biết về tình dục chứ không phải là không.Cách đây mấy năm, một nữ độc giả viết thư cho mục Dear Abby kể rằng nhà có nuôi một con chó cái khoảng bẩy tuổi. Con chó này có những hành động hết sức kỳ lạ. Ðó là mỗi khi chồng bà thay quần áo, là nó như hóa dại, cứ nhẩy cỡn lên ra điều thích thú lắm, cứ như Hồ Chí Minh trông thấy Minh Khai đi một mình không có Lê Hồng Phong đi cạnh. Và mỗi khi bà và chồng có cử chỉ âu yếm là nó không vui, cứ sủa nhắng lên nên bà tin rằng con đĩ chó ghen với bà. Bà tin chắc nó mê chồng bà.” (TGBT ngày 13 tháng 6 năm 2007về việc chó ghen với người).

“Những phân tử pheromones mà Falling In Love phát ra và cho lượn lờ bay chung quanh, sẽ đi theo, quấn sát lấy người xức Falling In Love như một con chó con bám chủ ngay. Pheromones, những phân tử không mùi vị giống như một hóa chất do cơ thể con người phát ra. là chất mà theo các khoa học gia, làm cho người này hấp dẫn người khác. Nó là thủ phạm gây ra đủ mọi chuyện vui và rắc rối trong đời sống này.Em không yêu anh nữa, anh không yêu em nữa, chúng ta không yêu nhau nữa vì mấy cái hóa chất trong người chúng ta nó không còn nữa vậy thôi. Không có con đĩ chó nào đứng giữa hai chúng ta hết.” (TGBT ngày 14 tháng 4 năm 2010 về đề tài nước hoa Falling In Love của công ty Philosophy Cosmetics có tác dụng như một thứ bùa yêu).


“Nhưng còn khoản tôn trọng những nhu cầu sinh lý của cậu chó thì làm sao đây?Khó chứ không đùa đâu.Thứ nhất là không được lôi chúng đi cắt đốt cột để không cho chúng được sống đời những cậu chó bình thường và khỏe mạnh. Cắt bỏ đi rồi thế chỗ bằng hai viên bi nhỏ (neuticles) như nhiều người đã làm là không được.Phải biết tháng bẩy là tháng các cậu các mợ lên cơn rượn, đi tìm nhau mà thả các cậu và các mợ ra đầu đường cho các cậu các mợ rửng mỡ date nhau, rủ nhau đi bới thùng rác ăn nhậu no nê và làm tình với nhau...Các cậu các mợ xong việc đi về, không được hạch hỏi đi với con đĩ chó nào, hay thằng đĩ chó nào. Phải cho các cậu ăn steak cho khỏe, hôm sau đi rượn tiếp.” (TGBT ngày 24 tháng 4 năm 2009 vềluật thành phố Recanati ở Ý bắt buộc chủ phải đối xử ưu đãi với chó).

Qua hàng ngàn bài viết dưới hình thức Thư Gửi Bạn Ta(TGBT) trong khoảng hai thập niên, ký mục gia Bùi Bảo Trúc (BBT) đề cập rất nhiều lần đến con chó. Nếu ông còn sống, theo thông lệ vào mỗi dịp Tết, chắc ông sẽ viết Sớ Táo Quân và bài viết tản mạn về con chó Mậu Tuất 2018.
Tìm đọc lại một sốđoạn văn liên quan đến đề tài con chó trong TGBT và trích dẫn ra đây, tôi xem đó như là cách để bày tỏ lòng mến mộ dành cho BBT, một người viết tài hoa đã ra đi ngày 16-12-2016.
Tin tức lạ liên quan đến con chóthường xuất hiện khá nhiều trên báo chí và các phương tiện truyền thông. Tài khéo của BBT làông có thểđọc các tin đó, dùng kiến thức uyên báccủa ông liên kết tin đó với một vài chuyện nào khác rồi tường thuật lại bằng lối viết dí dỏm,mỉa mai,châm chọc một cáchý nhị.

Qua các TGBT của BBT, người đọc nhận ra rõ một điều làông chẳng mấy cảm tình với con chó và nhiều lần ông đã xác nhận như vậy.

Trong TGBT ngày 31 tháng 8 năm 2007, BBT cho thấy quan niệm của ông về con chó. Theo ông, chó phục vụ con người chứ con người không phục vụ chó:

“Chủ nó là Leona Helmsley, một chị nhà giầu có hàng tỉ bạc trong tay vừa qua đời hồi tháng trước để lại cho nó 12 triệu đô la và chỉ định người em trai săn sóc cho nó và trả cho người này một số tiền đáng kể: 12 triệu đô la. Nhưng theo tờ New York Post, Alvin Rosenthal, 80 tuổi, cho biết ông ta không muốn làm công việc chăm sóc cho con chó mất dậy tên là Trouble của Leona Helmsley.

Thế là phải. Tuổi tác như vậy mà cứ mỗi ngày mỗi phải dắt con chó ra đường cho nó thăm hỏi mấy cái cột đèn, mấy cái gốc cây, một tay lăm lăm cầm cái xẻng nhỏ, tay kia cầm sẵn một cái bao plastic để nếu con chó mất dậy để lại chút kỷ niệm nóng hổi thì túm lấy đem bỏ vào thùng rác.

 Có người nào làm cho người khác những chuyện nhục nhã như thế không? Có ai chịu đi tọc tọc theo một người, chờ cho chàng hay nàng ngồi xuống để lại một bãi là cúi xuống hốt lên cho… nóng không? Ngoại trừ trường hợp mấy ông thái giám như trong phim The Last Emperor mỗi sáng phải ngửi phân của vua nhãi con Phổ Nghi xem long thể có bình thường không.

 Nhân phẩm và nhân vị của con người không cho phép một người đàn ông 80 tuổi làm công việc hốt cứt chó và dẫn chó đi ỉa, đi đái như vậy. Từ chối là phải. Mặc xác nó. Hơi đâu mà lọm khọm rượt theo nó mỗi sáng lo chuyện cứt đái cho nó, lại phải sống chung một nhà với nó, ngửi trung tiện của nó, cho nó leo lên giường chùi đít vào chăn vào gối của mình.

 Mười hai triệu thì cũng kệ. Danh dự của một người đàn ông bình thường và khỏe mạnh không thể để cho người ta làm những công việc như thế. Ở Việt Nam, chó làm chuyện khác, ngược hẳn lại. Những đứa bé xong việc thì tặc lưỡi vài tiếng, là chó chạy tới thu dọn sạch ngay. Người Việt không làm việc dọn dẹp cho chó. Chó phải làm việc đó cho người.”(TGBT ngày 31 tháng 8 năm 2007).

BBT nói thẳng làông ghét chó. Đọc báo thấy có người đồng quan điểm, ông dẫn chứng:

Tôi tưởng ở nước Mỹ chỉ có một mình tôi ghét chó. Mãi đến khi đọc bài của Joel Stein viết trong tờ TIME số tuần trước (5 tháng 4, trang 24) tôi mới biết còn có người ghét chó hơn là tôi ghét chó. Joel Stein không bao giờ share nhà với chó. Tôi thì có.

Bài báo là một tập hợp những câu nhục mạ thậm từ nhắm vào những con chó. Tôi chưa bao giờ thấy mình đồng ý hơn với một tác giả nào như với Joel Stein. Người ta cứ nói rằng chó rất yêu chủ của nó, không điều kiện, không bao giờ đòi yêu lại. Nói mãi, nghe mãi đến lúc tôi cũng bắt đầu nghĩ như thế.
Nhưng Joel Stein cho thấy loài chó chỉ là một giống động vật dơ dáy cả đời phải sống dựa vào người, sẵn sàng đổi cái tình yêu không điều kiện ấy để lấy mấy bữa dog food một ngày, mà theo Joel, mấy món đó cũng chẳng ngon lành gì, hơi mặn là đằng khác.

Joel - và đây chính là Joel Stein - viết trong tờ TIME rằng làm sao người ta có thể yêu một cái gì trên đời đến độ sẵn sàng đi theo đằng sau nó và dùng tay bốc cứt của nó mỗi ngày - how can people love something so much that they are willing to walk behind it and retrieve its feces with their own hands everyday? I have yet to meet a woman for whom I would do that...” (TGBT ngày 8 tháng 4 năm 1999).

Với BBT, săn sóc một người cũng đã là một điều ông không hề làm, nuôi một con chó ông càng không bao giờ nghĩ tới. Ông viết:

“Bạn ta,

Tưởng tượng bị một cơ thể nặng hơn hai chục ki lô đè lên người, rồi lại nhe răng cắn cho một cái, hay bắt mỗi ngày tay bao ny lông, tay xẻng đi hốt những đống cứt rải quanh nhà thì đó có phải là nhũng cách đối xử tử tế dành cho nhau không? Tôi nghĩ chắc là không. Phải bấm ngay số 911 gọi cảnh sát đến còng tay lôi về bót, kiếm luật sư xin ngay một cái lệnh restraining order cấm không cho đến gần, đưa ra toà nhờ luật sư đánh cho nát đời ra là ít chứ không đời nào có chuyện vẫn còn thương, vẫn còn yêu, và tha thứ cho hết được. Thế mà đã có những người làm đúng như vậy.

Sáng sáng, mùa đông thì áo lạnh, mũ len đội đầu, mùa hạ thì sundress cho mát, chạy cong đít đằng sau cậu chó cho cậu giãn xương giãn cốt, cậu thích gác chân lên cái cột đèn thì kiên nhẫn đứng đợi, cậu cong người thở lè lưỡi ra, cậu vừa xong việc đã vội cúi ngay xuống cái bao ny lông bọc trong tay, túm ngay lấy bãi cứt nóng hổi của cậu, lộn ngược cái bao ra, túm miệng bao lại, cầm mang về nhà hay đến một thùng rác nào bỏ vào rồi mới yên lòng về nhà được. Trong khi đó thì có nhặt hộ cái áo trên sàn nhà, đôi bít tất, cái nằm trên ghế, cái dưới sàn nhà thì đã nói cho móc mắt ra. Nào là "tôi không phải là con sen của anh đâu nhá... sao mà bừa bộn quá như thế này... tôi có phải là mẹ anh đâu mà anh cứ bầy ra như thế này hở... bỏ tờ báo xuống nghe tôi nói đây..."

Mà hầu hạ con chó mất dậy ấy thì được cái gì. Cả ngày chỉ lo cho nó hết ăn rồi lại uống, lại ỉa đái thì được. Trong khi người đàn ông hiền lành, tử tế, lịch sự, lỡ bầy ra một chút thì trì chiết, mỉa mai, cay độc như vậy.” (TGBTngày 21 tháng 5 năm 2007).

Vốn không thích chó vàkhinh ghét cộng sản, BBT thường dùng hình ảnh tiêu cực của con chó để ám chỉ cộng sản còn tệ hơn chó:

“Tôi không thích chó. Tôi không thích, không chịu được chó. Bạn biết điều đó. Tôi không thể sống trong cùng một căn nhà, đi chung cầu thang máy hay ngủ chung giường với chó. Ngon lành đến đâu thì không biết chứ cho một miếng chó vào miệng thì nhất định tôi không thể làm được.Chỉ cần nghĩ đến những chuyện như thế là tôi có thể điên người lên lập tức.Nhưng tôi không bất công với chúng. Lại càng không khinh bỉ chúng. Nên tôi phải lên tiếng vì chúng, nhất là sau khi nghe lời phát biểu của một nhà văn trong nước khi trả lời cuộc phỏng vấn của một đài phát thanh ở đây.

Nhà văn Dương Thu Hương nói rằng những người cán bộ nhà nước Hà Nội là những người mang những trái tim của loài chó chứ không phải là những trái tim của người trí thức.Có hai điều sai lầm trong nhận định của Dương Thu Hương.

Thứ nhất, tim chó thì chưa bao giờ được đem ghép cho người. Và cũng không hề có dự tính làm công việc đó. Vì thế, nói các cán bộ nhà nước mang tim chó là sai hoàn toàn. Chưa có một ai trên thế giới này mang trong người trái tim chó. Nói rằng cán bộ nhà nước có tim chó là nói sai.

Ðiều sai lầm thứ hai của Dương Thu Hương khi nói rằng các cán bộ nhà nước mang tim chó trong người là bà muốn gợi ý những người này là bọn đểu cáng, mất dậy, vô giáo dục, vô luân, khốn nạn.Dương Thu Hương gián tiếp nói những con chó là nhửng con vật đểu cáng, mất dậy, vô giáo dục, vô luân, khốn nạn.Và đó là sai lầm thứ hai của Dương Thu Hương.

Tôi ghét chó nhưng không sai lầm và bất công như Dương Thu Hương.Chó là giống vật có nghĩa, trung thành, là sinh vật tình cảm, thân thiết với con người từ mấy chục ngàn năm nay, từ khi con người ăn lông ở lỗ dẫn được con chó đầu tiên vào trong hang núi sống chung làm bạn.

Người Anh gọi chó là bạn thân thiết nhất của con người, man's best friend. Các dân tộc khác tuy không yêu quí chó như thế nhưng cũng rất yêu loài vật này.Yêu chúng vì cái tính của chúng. Loài vật này yêu chủ vô điều kiện, hết lòng trung thành với chủ cho đến chết. Chúng không bao giờ cắn bàn tay cho chúng ăn, không theo chủ nghĩa Cộng sản, không thờ cúng Lê Nin, không hủ hóa bẩn thỉu, không hại người vô tội, không bè đảng lưu manh táng tận lương tâm, ăn cháo đái bát, hết lòng trong tình yêu (em như cục cứt trôi sông / anh như con chó đứng trông trên bờ)...Trong khi những cán bộ nhà nước thì đứa nào được như thế? Hết đứa thì lấy vợ của đồng chí, đứa thì hiếp rồi giết nhân tình của đồng chí, đâm chém nhau loạn xạ, ăn bẩn không chừa bất cứ một thứ gì... Những thứ như thế thì làm sao sánh được với chó.”(TGBT ngày 19 tháng 12 năm 2001)

BBT viết rất thâm thúy, đọc kỹ mới nhận ra. Ông cho rằng đặt cán bộ nhà nước ngang hàng với chó là xúc phạm danh dự và tiếng tốt của loài chó. Đối với chó, BBT chỉ ghét một; còn đối với người cộng sản, ông ghét mười, ghét cay ghét đắng.

 Về điểm này, nhà báo Nguyễn Xuân Nghĩa viết trong bài Bùi Bảo Trúc và Cuộc Tình Đã Chết:

“Bùi Bảo Trúc dành cho thủ phạm, bọn cầm quyền tại Hà Nội, hai chữ khinh miệt và thịnh nộ, nhưng ít nói về nhiều việc ông dành cho nạn nhân. Ồn ào mạt sát bạo quyền chừng nào ông kín đáo chừng đó khi tìm cách cứu giúp nạn nhân. Con người thô bạo ấy lại là người đầy từ tâm. Nghịch lý ấy của Bùi Bảo Trúc toát ra từ những bài tùy bút hàng ngày dưới tiêu đề Thư Gửi Bạn Ta.”

Chính vì khinh miệt người cộng sản nên mỗi khi có dịp làông dành cho họnhững từngữmắng chửi nặng nề nhất như “đồ chóđẻ”, “bọn chóđẻ”, “chó má”.

Trong TGBT ngày 1 tháng 3 năm 1999, BBT kể về bức ảnh chụp cảnh chiếc trực thăng của Air America đậu trên nóc một cao ốc ở đường Gia Long để đón những người di tản trong buổi xế trưa ngày 29 tháng 4 năm 1975. Bức ảnh này mới đây lại được thấy trên tờ L.A. Times số đề ngày 23 tháng 2 dưới hình thức một bức biếm họa. Để diễn đạt vụ Trần Trường, cây bút biếm họa Michael Ramirez vẽ lại bức ảnh thời sự của Hugh Van Es. Ramirez vẽ người đứng ở bậc cao nhất của chiếc thang là Trần Trường vừa muốn được kéo lên trực thăng vừa nói câu "Mind if I put a Communist flag in the window?" (Ông có phiền, có phản đối, có bực bội nếu tôi treo lá cờ Cộng sản lên cửa kính trực thăng không...?) BBT viết:

“Dĩ nhiên cảnh đó không có thật. Người đàn ông đang làm trò điên ở Little Saigon không ở trong đám người chờ di tản trên nóc cao ốc đường Gia Long. Ông ta mãi mấy năm sau mới dùng thuyền trốn khỏi Việt Nam. Mà nếu ông ta có đứng trong đám người chờ được di tản bằng chiếc trực thăng Huey mầu trắng ấy, ông ta cũng không dại gì mà đòi treo cái cờ ấy trên cửa kính trực thăng bao giờ.
Thứ nhất là vì không có bà chánh án Tam Monoto Shumann đứng ở nóc nhà để ra cái phán quyết cho phép ông ta treo cờ lên cửa trực thăng. Thứ hai là không có cảnh sát lái xe hộ vệ đưa ông ta lên trực thăng treo cờ như ở quận Cam.Thứ ba là vừa nói xong câu đó, chắc chắn không chỉ T.D. Latz, người đàn ông đứng trên nóc cao ốc, mà còn cả mấy chục người chờ được giúp leo lên trực thăng sẽ hét vào mặt ông ta rằng "Yes! We do mind it very much indeed, you bastard son of a bitch! Get out of the way now!" (Có chứ, chúng tao phiền lắm, bực lắm, đồ con hoang, đồ chó đẻ! Tránh ra ngay!)”

Trong TGBT ngày 26 tháng 4 năm 2007, BBT viết về sự việc xảy ra ở thành Hồ khi hai người đàn ông Hàn quốc được mời tới một căn nhà có khoảng hơn sáu chục phụ nữ Việt Nam thoát y để các ông lựa chọn lấy làm vợ. Một người Việt Nam với lòng tựái dân tộc trung bình, đọc một cái tin như vậy cũng đủ làm cho nóng mặt. Với BBT, một cây viết trực tính với tinh thần quốc gia tuyệt đối, tin đó là một nỗi sỉ nhục vàđáng nguyền rủa bằng từ ngữ nặng nề nhất:

Tưởng tượng chuyện như thế xẩy ra tại Ấn độ thì không biết hai công dân Hàn quốc có toàn thây để về nước hay không.Người dân Ấn nhất định phải đem cả hai ra đốt thật chứ không có chuyện đốt hình nộm như trong vụ Richard Gere hôn Shilpa Shetty. Chính phủ New Delhi chắc chắn sẽ cấm cửa những công dân Hàn quốc tới Ấn độ với toan tính xem hàng như thế, đồng thời phạt nặng những thứ Tú Bà và ma cô, ma cạo tổ chức những trò ra mắt phụ nữ như vậy. Nhưng ở Việt Nam, những chuyện như vậy đã diễn ra không biết bao nhiêu lần cho những người đàn ông Ðài Loan, Hàn quốc, Trung quốc. Vài ba người tổ chức những trò mất dậy khốn nạn đó bị bắt và chỉ bị phạt vi cảnh nhẹ.

Nhà nước bỏ qua những chuyện như thế, những chuyện mà nhân phẩm và danh dự của người Việt Nam bị xúc phạm, chà đạp tàn bạo vì có thể nhà nước không quan tâm, mà cũng có thể là không đủ người để có biện pháp với những chuyện đó. Bởi vì bọn chó đẻ còn phải cho bọn côn quan đi bắt luật sư Lê thị Công Nhân và nhà văn Trần Khải Thanh Thuỷ và lo canh gác trước tư dinh đại sứ Mỹ để không cho các bà Vũ Thuý Hà và Bùi Thị Kim Ngân, hai người đàn bà chồng đang tù tội, khách mời của sứ quán vào gặp đại sứ Mỹ.Chó má không thể tưởng tượng được.”

TGBT ngày 1 tháng 1 năm 2010, viết về tục lệ người Mỹ hay đưa ra nghị quyết đầu năm không có tính cách bó buộc (non-binding resolutions), BBT móc giò lái đá những người cộng sản:

Thôi không nói ra sự thèm khát tình dục đối với má của bác Hồ, của các cậu Triết, Dũng, Mạnh miếc vân vân. Thôi không nghĩ bọn mất dạy ở Hà Nội là đồ chó đẻ nữa sau khi nghe bọn chó gâu gâu phản đối, quyết lòng không nhận là mẹ của chúng. Tiếp tục thù ghét những cái nón cối. Vẫn vững tin rằng những giải thích của chính phủ về vụ bô xít chỉ là bullshit.Nhưng đọc lại thì lại thấy đây là một nghị quyết rất nguy hiểm. Vì nếu không tuân thủ những điều viết xuống để rồi thèm khát những má của bác, của Triết, Mạnh, Dũng diếc thì bẩn người ra hay sao.Vậy nên lại không viết resolution nữa cũng là điều hay.”

“Cứ như thế này... "Thưa các đồng chí. Các đồng chí có dịp đi tham quan ở Matxơcơva đều đã thấy là đường phố thủ đô Liên Xô không sạch sẽ gì. Có những chỗ toàn cứt chó với cứt mấy đồng chí nghiện rượu. Vết chân của Lê-Nin sau mấy chục năm làm sao mà còn được ở những con đường ấy sau mấy chục năm tuyết giá, mưa nắng đổ lên mặt đường. Nguyên em có con bạn làm cán bộ gái dễ ghét không thể tả được. Con này lập trường lại có hơi chao đảo, theo phe xét lại của Khơ Rút Xốp nên em ghét nó mà không cách nào trả thù được nó vì nó dữ khiếp đảm. Nhân nó đi Matxơcơva, nói là đi học, chứ cái mặt nó mà học cái con gì, nên em lừa nó, em xúi nó kiếm cái công trường, đại khái cái nào cũng được, vì cái nào cũng nhiều cứt chó với cứt người cả, rồi cúi xuống hôn lia lịa như bác Hồ hôn các cháu nhi đồng gái cho cứt chó dính đầy mặt nó là em vui rồi. Thưa đấy, thơ của em là chỉ để cho cứt chó lên mặt nó cho bõ ghét chứ em uu ái quái gì cái thằng Lê-Nin ấy... Hồi ấy mà em đã ghét Lê-Nin rồi ấy chứ. Ghét lắm đấy ạ, thưa các đồng chí. Ghét như đào đất đổ đi ấy cơ!" (TGBT ngày 5 tháng 7 năm 2000). 

BBT rất lấy làm gai mắt trước những trò người cộng sản làm thơ tôn thờ lãnh tụ quáđáng. TGBT ngày 22 tháng 3 năm 1999 của ông viết rất dài về trò bốc thơm “bác Hồ” của Hữu Đạt qua bài thơÐi Giữa Paris Nhớ Bác. BBT chứng minh cho thấy trò làm thơ bốc thơm lãnh tụ của người cộng sản chỉ là trò bốc thối qua hình ảnh cứt chóở Mạc Tư Khoa vàở Paris.

Bài thơ Ði Giữa Paris Nhớ Bác của Hữu Đạt có những câu:

Chiều xuân lang thang giữa thành phố Paris
Lại thương Bác một thời đi bán báo…

Thành phố vàng son cao ngất những nhà lầu
Không làm mất dấu chân Người thuở trước
Những đường phố còn đây từng viên đá lát
Như in bóng Bác về trong mỗi chuyến xe đêm

BBT phê phán:

“Tác giả Hữu Ðạt là một cái tên ít được nghe thấy, nhưng nhờ bài thơ này, ông ta có thể sẽ được nhắc đến như là một trong những con cóc của nền thơ phú ngợi ca lãnh tụ, thứ thơ thẩn ngớ ngẩn người ta nghĩ là đã phải bị dẹp bỏ từ lâu.”

“Bài thơ của Hữu Ðạt là một bài thơ dở. Ðến được Paris mà chỉ làm được có một bài thơ như vậy thôi sao?”

“Ông Hữu Ðạt cũng đi Paris. Chuyến đi của ông có thể là một chuyến tưởng thưởng cho ông như kiểu đi tham quan của các cán bộ nhà nước. Ông biết ông phải trả nợ. Ông viết bài thơ nói rằng ông nhớ "Bác" khi ông đi Paris.Bài thơ có nhắc lại thời gian ông Hồ ở Paris, làm thợ rửa hình, làm bồi, làm cho tờ báo của đảng Cộng Sản Pháp... để cho ông Hữu Ðạt tiện nhớ "Bác" khi đi lang thang ở Paris.

Ông nhà thơ này chỉ nói phét. Nhất định ông không nhớ "Bác" cái quái gì hết. Ông được ghé Paris vài ba ngày, ông cầm theo cái giấy của vợ dặn mua một ít hàng "ngoại" mang về bán kiếm ít tiền bồi dưỡng cho ngân sách gia đình thì có. Ông phải đi lùng kiếm cho được những món hàng "ngoại" ấy chứ để đó mà lang thang đi "nhớ Bác". Về nhà mà không có quà cho xếp, không có mấy món vợ dặn mua thì tha hồ mà ốm đòn.

Không cách gì ông có thể "Chiều xuân lang thang giữa thành phố Paris..." được hết. Ông phải lom lom đi kiếm mấy cái chợ trời, vài ba cái cửa hàng bách hóa rẻ tiền để làm công tác vợ giao phó. Tưởng tượng ông đi Paris về, vợ ông hỏi ông hàng họ mua được những gì, ông xòe ra bài thơ, ông nói ông "nhớ Bác" chịu không nổi, ông cứ đi lang thang ông nhìn trời, nhìn đất, ông thấy đâu cũng có "Bác", ông quên mất cái list dặn mua hàng của mẹ cháu, ông nghĩ tới "Bác" là mắt ông đẫm lệ, nhớ cảnh "Bác" của ông đứng bán báo, những đêm khuya "Bác" đi xe về nhà trọ mà ông thương "Bác" đến phát điên, phát khùng lên ở giữa Paris thì còn thì giờ quái đâu mà đi mua sắm cho mẹ cháu nữa... Thôi mẹ cháu đọc bài thơ cho bõ những ngày cơ cực nhé... Nhớ "Bác" quá hà...

Cứ tưởng tượng ra bằng ấy chuyện là thấy thương cho ông nhà thơ vô cùng. Nhưng bài thơ của ông là một bài thơ dốt. Ông gài trong những câu ông viết xuống vài cái địa danh cho nó có vẻ là ông cũng có đi Tây không kém ai, nhưng càng cố gắng, ông càng lộ ra cái dốt khủng khiếp của ông.
Tên của thủ đô Pháp, ông viết đúng. Cái này thì dễ. Tới Paris, ở phi trường là ông có thể hí hoáy giấy bút chép xuống cái tên mà trước đó, ông chỉ biết qua cái lối phiên âm thất học của nước ta là "Pa-ri". Ông viết liền lại, thêm chữ "ét-xì" ở cuối là tên của thủ đô ánh sáng.

Nhưng khi nhắc đến tên con sông chạy qua thủ đô Paris, thì ông quay trở lại với lối phiên âm thất học: ông viết là "sông Sen". Con sông chẩy dưới cầu Mirabeau của thơ Apollinaire (Sous le pont Mirabeau coule la Seine / Et nos amours / Faut-il qu'il m'en souvienne...) con sông mà Prévert nói là may mắn ... La Seine a de la chance... được Việt hóa đi cho dễ nhớ. Nhưng tại sao ở trên thì lại vẫn Paris mà không là Pa-ri hay Ba Lê cho nhất quán?

Tuy thế, gọi sông Seine là "sông Sen" thì cũng tạm tha cho ông. Ðọc lên, thì người thông minh một chút cũng biết ông định nói gì.

Nhưng ngay câu dưới, ông viết: "Nhà thờ Nor-Dam dẫu ngàn năm trầm mặc / Vẫn thấy bóng dáng Người tranh đấu giữ Tự do..."

Ông bắt cái nhà thờ ở thủ đô nước Pháp phải ghi lấy hình bóng của "Bác". Ông lại nói phét, mà lại nói phét thiếu kinh điển, thiếu hiểu biết một cách hết sức dốt nát.

Nhà thờ "Nor-Dam" là nhà thờ nào đây? Chắc ông muốn nói tới nhà thờ Ðức Bà của thủ đô Pháp. Nghe lõm bõm, tiếng Tây bẻ đôi không biết một chữ, ông nghe loáng thoáng cái tên của nhà thờ nói bằng giọng Parisien, ông viết đại xuống thành "Nor-Dam". Ông không bao giờ biết cách viết chính xác của ngôi thánh đường mà Victor Hugo viết thành tiểu thuyết lồng trong khung cảnh nước Pháp dưới triều vua Louis XI. Notre-Dame de Paris. Không bao giờ là "Nor-Dam" hết. Không lẽ ông mơ đi "sốp" ở Nordstrom rồi viết sai bét như vậy? Không. Paris không có Nordstrom, mà nếu có, chắc gì ông viết sai mà còn được như thế?

Ông cho thấy ông dốt đại hạng. Ông viết ngôi thánh đường này "ngàn năm trầm mặc" là ông chẳng biết gì về nhà thờ Notre-Dame de Paris hết trơn. Notre-Dame de Paris xây theo kiến trúc Gô Tích khởi công năm 1163 và hoàn tất năm 1245. Như thế, ngôi nhà thờ này mới chỉ đứng ở Paris được 754 năm. Ông lấy đâu ra "ngàn năm trầm mặc" để cho nó "thấy bóng dáng" "Bác" của ông?Ðúng là ông vừa nói phét vừa ngu.

Ông viết rằng thành phố ấy vẫn còn giữ dấu chân của "Bác" trên từng viên đá lát. Ông lại nói tầm bậy. Không tầm bậy thì dấu chân của "Bác" là cứt chó hay sao? Ai mà không biết chó Paris hay ể bậy mỗi ngày cả tấn cứt. Nay lại thêm chân "Bác" lưu dấu lại thì Paris sống sao nổi?

Mà sao cái thứ thơ này giống nhau thế. Trước đây đã có một cậu thi sĩ dặn dò người yêu làm cho vài chuyện thối khắm ở Mạc Tư Khoa "... Hôn hộ anh nền đá lát công trường / Nơi yêu dấu Lê Nin từng dạo bước..." Bây giờ cũng lại "Những đường phố còn đây từng viên đá lát..." Làm như thể hễ cứ thấy đá lát là chúng tôi phải hôn cái đã rồi tính sau ấy. Rõ khổ. Chỉ thiếu lăn xuống đất hôn những viên đá lát đó là không thua gì nhà thơ đi trước.

Nhưng hôn những viên đá lát ở Paris là giúp không công cho việc làm sạch cứt chó ở Paris hay sao?Dại thế?”(TGBT ngày 22 tháng 3 năm 1999).

Để chế nhạo Tố Hữu đã từng có những bài thơ bốc thơm ca tụng các lãnh tụ cộng sản, BBT mai mỉa:

“Chắc chắn các khoa học gia sẽ không dừng ở đó. Hợp chất acid fumaric sẽ được dùng để trộn vào thực phẩm của chó và mèo để những chủ chó và chủ mèo dù cho vẫn phải hít thở trung tiện của những con chó và những con mèo trong khi ở nhà, đóng cửa lại sẽ không làm những người giầu tưởng tượng (một chút) ghê khiếp nữa. Mà nếu trung tiện không còn thối nữa thì những thứ suốt ngày chạy theo rượt bắt, vồ lấy những cái rắm của lãnh tụ (fart catcher trong tiếng Mỹ) để xây dựng sự nghiệp làm sao còn kiếm ăn được? Cũng may mà ông Tố Hũu chết rồi, khi ông chết, rắm lãnh tụ vẫn còn thối khủng khiếp chứ chờ đến khi các thứ rắm trên đời đều thơm cả thì sự nghiệp văn chương của ông làm sao có được để sống một đời vinh hiển như thế.” (TGBT Ngày 8 tháng 12 năm 2005).

Trong những ngày xuân vào dịp đầu năm Âm lịch Mậu Tuất 2018, tôi tìm đọc lại những bài viết cũ của BBT đểtưởng niệm một ngườiđã nặng tình với văn chương chữ nghĩa.

Phan Hạnh.