ĐIỆP MỸ LINH
Dù được sinh ra
và lớn lên tại Hoa Kỳ, trong một gia đình đổ vỡ, Kate Nguyễn cũng vẫn giữ được
sự liên hệ tốt đẹp giữa Ba, Mẹ và Bà Nội; nhưng không thể nào Kate chinh phục
được tình cảm của Thắm – Mẹ kế của nàng – nhất là sau khi Thắm sinh David. Mỗi
lần ghé thăm Ba, Kate thường thấy Thắm nguýt, háy và nói:
-Ối giời! Con “giai”
mới nối dòng nối dõi chứ thứ con gái “đái không qua ngọn cỏ” sinh ra làm đếch
gì mà sinh cho lắm vào!
Không thể nào
Kate hiểu được, nhưng thấy nét mặt của Ba không vui – vì Ba cũng chỉ hiểu “lỏm
bỏm” chứ không hiễu rõ nghĩa – và thái độ khó ưa của Thắm, Kate nghĩ rằng câu
nói ấy chắc chắn phải có một ý nghĩa nào đó. Nghe Thắm cứ lập đi lập lại câu
nói đó mỗi khi thấy chị em của Kate, Kate bực mình, bảo:
Thắm nói tiếng
Anh kiểu “Hà Lội”:
-You not know
Vietnamese why you know what I say?
-Âm thanh trầm bổng
trong câu nói của Bà không thay đổi cho nên tôi hiểu Bà chỉ lập đi lập lại một
câu đó thôi.
-Ok. If you want
me speak English, then listen. Have boy better have girl; because boy continue
your father and grandfather; girl urinate not over grass…
Thắm nói chưa dứt
câu, Kate ôm đầu:
-Dừng lại! Làm
ơn dừng lại! Tôi không hiểu Bà nói gì cả.
Kate không hiểu
trọn câu tiếng Anh của Thắm; nhưng Kate lại nhớ: “…Have boy better have
girl…Girl urinate not over grass…” và Kate hỏi Bà Nội; vì Mẹ của Kate cũng
không thông suốt tiếng Việt. Dù không thông suốt tiếng Việt, Ba Mẹ của Kate
cũng vẫn phát âm được danh từ Bà Nội; riêng ba chị em Kate thì không thể phát
âm đúng mà phải nói là “Ba Noi”.
Khi nghe Kate lập
lại hai câu tiếng Anh đứt quảng mà Thắm đã nói, “Ba Noi” hiểu ngay. “Ba Noi” cười,
giải thích:
-Câu nói đó xưa
lắm rồi, vào thời đại của Bà Cố trở về trước. Ý niệm trọng nam khinh nữ không
phải bắt đầu từ Việt-Nam mà khởi nguồn từ thời quân Tàu đô hộ Viêt-Nam. Con thấy,
ngay như đầu thế kỷ 21 này mà quân Tàu cũng vẫn duy trì ý tưởng lạc hậu đó. Bằng
cớ là nhiều gia đình người Tàu – theo chính sách hạn chế sinh đẻ của chính phủ
Tàu – khi sinh con gái đầu lòng thì vất đi hoặc tìm cách giết chết đứa bé gái để
lần tới may ra sinh con trai.
Kate rùng mình,
ôm mặt, vẻ sợ hãi. “Ba Noi” tiếp:
- Bà Nội đọc tin
đó trên báo Time chứ không phải Bà Nội ghét quân Tàu rồi Bà Nội “bịa” đâu.
- Con tin “Ba
Noi” mà.
- Trong một xã hội
mà con người có thể giết con và giết Cha Mẹ thì xã hội đó sẽ tạo ra những người
thiếu nhân tính, thiếu đạo đức. Và rồi xã hội đó sẽ trở thành nhiểu nhương và
dân tộc đó sẽ trở nên ác độc, tàn bạo và vô cảm.
-Xã hội nào mà
con lại giết Cha Mẹ, “Ba Noi”?
- Xã hội Tàu Cộng
và xã hội Cộng Sản Việt-Nam. Đầu thập niên 50 của thế kỷ 20, Cộng Sản Việt-Nam
bắt chước Tàu Cộng thực hiện chính sách đấu tố, mang danh là Cải Cách Ruộng Đất
để con tố Cha Mẹ, vợ tố chồng, người làm tố điền chủ. Nhưng, Kate à! Bà khuyên
con, con chỉ cần biết và thương Ba của con và David là hai người liên hệ ruột
thịt với con; con không cần để ý đến Thắm.
Kate im lặng,
nghĩ đến lần đầu tiên Thắm gặp gia đình, nghe “Ba Noi” gọi Ba, Thắm và các cô
chú bằng tên hoặc bằng “con” và xưng bằng Mẹ, chứ không gọi ai bằng “mày” xưng
“tao”, Thắm rất ngạc nhiên, hết nhìn người này rồi nhìn người kia. Nhưng buồn
cười nhất là lần đầu tiên Kate thấy “Ba Noi” và Thắm cãi nhau. “Ba Noi” gọi Thắm
bằng “cô”, xưng “tôi”, Thắm giật mình, kinh ngạc nhìn “Ba Noi”; vì Thắm chỉ
quen nghe Cha Mẹ của Thắm – cũng như hầu hết người Bắc “không di cư” – gọi Thắm
và anh chị em của Thắm bằng “mày” hoặc “con kia, thằng phải gió” và xưng “tao”!
Dù “Ba Noi” và
Thắm thường bất hòa, Kate không hiểu tại sao chưa bao giờ “Ba Noi” than phiền với
Kate hoặc với Mẹ về Thắm. Kate nghĩ, có lẽ “Ba Noi” hiền, cho nên, sau khi ly dị
Ba, Mẹ vẫn tới lui thăm viếng “Ba Noi”.
Vừa nghĩ đến Mẹ,
Kate chợt nhớ lúc sáng Mẹ dặn, chiều nay, sau khi rời trường, Kate ghé đón “Ba
Noi” để tối “Ba Noi” sẽ đi ăn sinh nhật với Mẹ và hai em Julie, Debbie.
Vừa vội vàng rời
bãi đậu xe được một khoảng ngắn, Kate nghe tiếng gọi: “Kate!” Quay lui,
Kate thấy Jay Trần vừa đi vừa chạy về phía nàng. Kate cười:
-Em tưởng em trễ
rồi mà anh còn trễ hơn nữa. Sẽ gặp anh sau.Bây giờ em phải vào cho kịp thi.
-Hôm nay anh
cũng phải thi. Anh sẽ đón em chỗ mình thường hẹn rồi cùng đến cafeteria.
Cả hai đi nhanh
về hai lối khác nhau; vì Jay học Dự Bị Y Khoa, năm cuối, trong khi Kate học năm
thứ hai ngành Tâm Lý Học.
Sau khi thi
xong, Jay vừa đi cạnh Kate vừa kể – cũng bằng tiếng Anh, vì Jay biết Kate
không hiểu tiếng Việt – cho Kate nghe về lần thực tập đầu tiên, ngày hôm qua.
Jay nhờ bác sĩ Ross cho Jay theo Ông đến bệnh viện để chứng nghiệm những cuộc
giải phẫu. Thấy máu Jay chịu không được! Tối hôm qua Jay mất ngủ. Jay chưa biết
nên tiếp tục theo đuổi ngành Y Khoa hay nên đổi phân khoa. Kate bảo:
- Đây là cuộc đời
của anh.Anh nên học ngành nào anh thích; vì chính anh là người phải sống và chấp
nhận những cái hay cái dỡ của ngành nghề đó chứ không ai khác.
- Bố Mẹ của anh
thì mong anh trở thành bác sĩ Y Khoa.Bố Mẹ bảo MD không bao giờ bị thất nghiệp;
MD làm nhiều tiền.
- Nếu anh có nhiều
tiền mà mỗi ngày anh phải thực hiện những điều anh không thích thì cuộc đời có
còn ý nghĩa gì đối với anh hay không? Anh cũng có thể trở thành bác sĩ mà không
phải “nhúng tay vào máu”.
-Kate! Không ngờ
em nhỏ tuổi hơn anh mà sự suy nghĩ của em chín chắn hơn cả một người từng trải.
Hai người vào
câu lạc bộ. Trong khi Jay tìm bàn, Kate bảo nàng cần phải đi rửa tay. Sau khi cả
hai lấy thức ăn đem đến bàn, Kate nũng nịu:
- Anh biết gì
hôn?
- Biết gì, em?
- “My Ba Noi”
luôn luôn bắt chị em của em phải rửa tay trước khi ăn.
- Thật vậy sao,
ngay như bây giờ em đã là một nữ sinh viên đại học?
- Vâng. Dù không
sống với “Ba Noi”, đến bữa ăn em cũng tưởng như em nghe “Ba Noi” nhắc rửa tay.
- Nghe có vẻ như
em rất gần gủi và thân thiết với “your Ba Noi”.
- Dĩ nhiên. Vì
em có thể nói với “Ba Noi” bất cứ điều gì em thích cũng như chị em của em có thể
ca hát, nhảy múa, chơi nhạc trên deck, nơi sân sau, hằng giờ, “Ba Noi” vẫn
ngồi nghe một cách thích thú.
- Tại sao em
không gọi “your Ba Noi” là Bà (Grandma) cho dễ mà lại gọi là “Ba Noi”?
- “My Ba Noi”
thích được gọi như vậy; vì danh từ “Ba Noi” chỉ có trong tiếng Việt để phân biệt
giữa người Mẹ của Cha và người Mẹ của Mẹ chứ không thể dịch sang ngôn ngữ khác.
Jay gật gù. Kate
nhắc:
-Anh ăn đi kẻo
nguội.
Vừa cầm miếng
hamburger lên, Jay vội vàng để xuống:
-Anh phải đi rửa
tay.
Cả hai cùng cười.
Khi trở lại bàn, Jay bảo :
-Anh phải tập rửa
tay cho quen, nhỡ anh đi ăn với gia đình em, có “your Ba Noi” mà anh quên rửa
tay thì kẹt lắm.
- Nếu anh muốn,
anh có thể gặp “my Ba Noi” chiều nay.
- Thật không? Bằng
cách nào?
- Chờ em một
phút. Em điện thoại cho Mẹ em.
Jay rời bàn, giả
vờ đi lấy khăn giấy để Kate khỏi e dè khi nói chuyện với Mẹ. Thấy Kate cất điện
thoại, Jay trở lại. Kate tươi cười:
- Hôm nay là
sinh nhật của “my Ba Noi”. Tối nay Mẹ và ba chị em của em sẽ đi ăn với “Ba
Noi”. Anh muốn cùng đi không?
- Dĩ nhiên là
anh muốn tham dự với gia đình em. Nhưng, khoan, để anh nghĩ xem anh nên tìm món
quà gì để tặng “your Ba Noi”.
- Thôi, Mẹ và chị
em của em có quà tặng “Ba Noi” rồi.
- Chắc món quà
đó đặc biệt lắm, phải không?
- Mẹ và em đã nhờ
người đem hoa đến tặng “Ba Noi” rồi. Debbie và Julie tự làm quà cho “Ba Noi”.
- Wow! Em có thể
cho anh biết qua về hai món quà đặc biệt đó không?
- Bé Debbie vẽ
hình chiếc xe hơi, bên trong là ba cô bé và bà lái xe đeo kính cận, rồi Debbie
viết: “Happy Birthday to Ba Noi”
- Ý nghĩa vô
cùng. Còn món quà Julie làm cho “your Ba Noi” như thế nào?
- Julie mua một
dĩa trắng bằng sứ và viết chung quanh dĩa như thế này: “My Ba Noi always says
wash your hands before you eat!”
- Tuyệt quá!
- Em là cháu nội
đầu tiên của “my Ba Noi” cho nên em được “Ba Noi” cưng lắm.
Jay muốn nói “Em
cũng là thiếu nữ đầu tiên làm tim anh xao xuyến. Anh cũng cưng em lắm” nhưng
không dám nói, vì chưa thuận tiện.
*******
Sau khi “Ba Noi”
cài giây an toàn, Kate cho biết nàng phải ghé nhà Ba lấy iPad Debbie bỏ
quên. “Ba Noi” đáp “Okay”, nhưng vì biết rằng sẽ thấy mặt Thắm, bao
nhiêu buồn tủi trong lòng “Ba Noi” bỗng dâng trào!
Niềm buồn tủi của
“Ba Noi” có lẽ do sự hối hận âm ỉ trong lòng “Ba Noi”; vì “Ba Noi” cứ cố thuyết
phục Ba nên thành hôn với phụ nữ Việt-Nam. Sau cuộc hôn nhân đổ vỡ giữa Mẹ và
Ba, “Ba Noi” cũng vẫn không chấp nhận được mối tình của Ba với cô gái Mỹ, tóc
vàng, mắt xanh.
Khi Ba quen với
Thắm, thấy Thắm xấu quá: Trán vồ, răng hô, miệng vẩu, chân đi hai hàng – nhưng
khi có mặt người khác Thắm lại bắt chước cách đi của người mẫu “liệng cái mông”
bên này, “hất cái mông” bên kia theo mỗi bước chân – “Ba Noi” hơi buồn; vì Ba
cao lớn, tốt nghiệp đại học trong khi Thắm so ra không bằng những người giúp việc
cho gia đình của “Ba Noi” ở Saigon ngày xưa! Nhưng “Ba Noi” lại nghĩ, biết đâu
bề ngoài của Thắm xấu nhưng tâm hồn của Thắm trong sáng, biết yêu thương chăm
sóc cho Ba.Thêm nữa, Thắm khoe với “Ba Noi” là Thắm đã tốt nghiệp đại học bên
Việt-Nam cho nên “Ba Noi” nghĩ, một người có trình độ đại học thì ít ra tư cách
cũng không đến nỗi nào.
“Ba Noi” – cũng
như đa số người Việt di tản – không ngờ rằng, cho đến bây giờ, nhiều gia đình
nghèo, có chồng, con hoặc thân nhân đã “sinh Bắc tử Nam” vẫn còn ôm trong lòng
mối căm thù người miền Nam. Lý do những người này còn nuôi lòng căm thù là vì:
Sau khi “giải phóng miền Nam”, họ thấy từng đoàn xe chở những vật dụng rất “hiện
đại” của người miền Nam về Hà Nội rồi những nhân vật có quyền thế trong Đảng
chia chát nhau chứ người nghèo không được hưởng. Không được chia xẻ của cải,
nhưng, thấy những đồ vật “hiện đại” của người miền Nam, người nghèo miền Bắc biết
người miền Nam giàu có hơn họ. Rồi, sau đó một thời gian, người nghèo miền Bắc
lại thấy người du lịch từ “nước ngoài” về Hà-Nội, ăn diện bảnh bao. Và cả nước
Việt-Nam đều hay tin sự thành công ngoài sức tưởng tượng của con cháu “Ngụy
quân, Ngụy quyền” tại ngoại quốc.
Một lý do khác nữa
là vấn đề văn hóa. Những người Mẹ, người chị ít học và nghèo đói, khi họ ru
con, ru em, họ không biết những câu ca dao, đồng dao Việt-Nam đậm tình người mà
họ chỉ biết bài quốc ca của Cộng Sản Việt Nam nặng mùi sắc máu “thề phân
thây uống máu quân thù” và những câu thơ của Tố Hữu: “Giết, giết nữa,
bàn tay không phút nghỉ, Cho ruộng đồng mau tốt, thuế mau xong; Cho đảng bền
lâu, cùng rập bước chung lòng. Thờ Mao chủ tịch, thờ Stalin…bất diệt”
Hoặc khi nói chuyện với con, với em, họ chỉ chỏ những người Việt từ ngoại quốc
về du lịch và bảo cho con em biết: “Đấy, mấy mươi năm chiến tranh, Bố mày,
chú bác mày và con cháu của gia đình mình chết trên Trường Sơn hoặc trong những
cuộc đụng độ với quân miền Nam, mình ở ngoài này nghèo đói, bị tầu bay B-52 rải
bom; còn chúng nó ở trong Nam ‘ngồi mát ăn bát vàng!’Bây giờ, chồng, Cha, con
cháu mình chết cả để thống nhất đất nước thì chúng nó chạy sang Mỹ, con cái của
chúng ăn học thành tài, nay chúng trở về, cũng vẫn quần là áo lượt. Mình trông
như ‘osin’ của chúng!” Chính hình ảnh và lời nói do Mẹ hoặc chị của đứa bé
so sánh đã hun đúc lòng thù hận trong lòng thế hệ trẻ ở Bắc Việt! Lòng thù hận
người miền Nam cộng với sự tranh giành quyết liệt để tồn tại trong một xã hội
nghèo đói, cơ hàn của Cộng Sản Việt-Nam khiến thế hệ trẻ không hề nghĩ đến đạo
đức!
Thù hận cứ giữ
trong lòng, nhưng khi gặp người miền Nam thì người Bắc vẫn luôn luôn tỏ ra tử tế
“anh em cả”; giống y luận điệu của “Bộ Đội Cụ Hồ” khi họ lừa mấy ông Thủy Quân
Lục Chiến tại bờ Sông Thạch Hãn vào hôm ngưng chiến, ngày 27 tháng 01 năm 1973,
để mấy ông Thủy Quân Lục Chiến cho họ thuốc hút và thức ăn. Sau khi ăn, hút
xong, bất thình lình mấy ông “Bộ Đội Cụ Hồ” dùng dao đâm mấy ông Thủy Quân Lục Chiến
chết! Và Cộng Sản Việt-Nam, sau tháng Tư 75, lừa Quân, Cán, Chính miền Nam: Chỉ
đem theo tiền ăn cho mười ngày, rồi Cộng Sản Việt-Nam nhốt tất cả vào trại tù
suốt bao nhiêu năm dài!
Bản chất lừa dối,
gian xảo, hỗn hào, láo khoét và lòng âm thầm thù hận của những người trẻ lớn
lên trong xã hội Cộng Sản Việt-Nam chỉ càng ngày càng tệ chứ không thể thay đổi
được! Khi người Bắc vào thăm hay sinh sống tại miền Nam hoặc thành hôn với người
Việt ở ngoại quốc, họ cũng mang theo bản chất phi nhân nghĩa của họ. Vì vậy,
khi Thắm theo Ba thì “Ba Noi” đã về hưu. “Ba Noi” lại ít nói, không khoe
khoang. Thấy “Ba Noi” già, không trang điểm, chỉ biết lo việc nhà và làm vườn,
Thắm xem thường sự hiểu biết của “Ba Noi”, cho nên, hễ có cơ hội là Thắm khoe một
cách “vô tội vạ”. “Ba Noi” chỉ im lặng, cười cười.
Hôm Thắm sang
thăm, “Ba Noi” đang đo may màn cửa. “Ba Noi” nhờ Thắm vẽ hộ lên vải một góc 45
độ trong khi “Ba Noi” lên lầu lấy kính cận.Thắm lúng túng mãi, cuối cùng Thắm
đành phải hỏi “Ba Noi”, góc 45 độ là góc như thế nào?Một người tốt nghiệp đại học
mà không biết góc 45 độ?“Ba Noi” hỏi, lúc học lớp 12 Thắm có học Toán không?Thắm
điềm nhiên đáp Thắm toàn đứng hạng nhất về môn Toán.Bà Nội hỏi tiếp, Thắm
có học Đạo Hàm và Hình Học Không Gian hay không? Thắm bảo học Toán chứ có phải
học làm răng đâu mà học về hàm về lợi (nướu răng), cũng đâu phải “bay lên giời”
đâu mà học về không gian? “Ba Noi” cười khẩy, lắc đầu, bỏ đi chỗ khác.
Thắm hiểu ý
nghĩa nụ cười khẩy của “Ba Noi” cho nên, một lần khác, Thắm cố tình muốn “Ba
Noi” phải tin rằng Thắm đã tốt nghiệp đại học Bách Khoa Hà-Nội. Thắm bảo Bố của
thằng “Đay-vịt” (David – lúc nào Thắm cũng bỏ dấu nặng hoặc dấu huyền khi phải
nói vài tiếng Anh) chỉ có bằng com-pú-tờ xái-ần (Computer Science); mà bằng
com-pú-tờ xái-ân thì ai mà chả lấy được! Còn bằng của Thắm thì cả nước Mỹ chỉ
có vài người có thôi.Thắm còn nói Thắm đã ghi danh học tiến sĩ nhưng ông chồng
trước của Thắm không cho. “Ba Noi” hỏi lý do? Thắm bảo vì ông chồng trước của
Thắm sợ Thắm đi học thì mấy ông giáo sư đại học sẽ “dê” Thắm, dụ Thắm bỏ chồng
bỏ con! “Ba Noi” cười “nửa miệng”, hỏi Thắm bằng cấp như vậy tại sao không đi
làm mà cứ ở nhà? Thắm bảo rằng ông chồng trước của Thắm chết để tiền lại mẹ con
của Thắm tiêu không hết mà tội gì đi làm!
Người chồng trước
của Thắm là Việt kiều già, sau khi nghỉ hưu chỉ biết cờ bạc, bị vợ ly dị.Để trả
thù vợ, ông Việt kiều về Việt-Nam tìm vợ trẻ.Nhưng cỡ tuổi của ông không thể kiếm
được cô nào vừa trẻ vừa đẹp hoặc dễ coi cho nên khi được giới thiệu với Thắm –
chỉ bằng tuổi người con út của ông – ông chịu liền. Riêng Thắm, tuy xấu nhưng
trước đó Thắm và Hiến, người cùng làng và cùng làm hãng dệt với Thắm, yêu nhau.
Thắm hy vọng Thắm sẽ cùng Hiến xây dựng gia đình.Nhưng, Thắm tự nhủ, nếu Thắm gặp
được tên Việt kiều nào ít già một tý thì Thắm cũng sẽ “đá đít” Hiến để lấy Việt
kiều cho sướng tấm thân.Bất ngờ Thắm thấy “tắt kinh”.Thắm cho Hiến biết “tin buồn”.Hiến
bảo đừng lo, nhưng từ hôm đó Hiến trốn mất. Vì lý do mang “bầu tâm sự” không có
chủ, khi được giới thiệu với ông Việt kiều già, Thắm đành nhận lời và Thắm đã
“cho” ông Việt kiều già ngay hôm đầu tiên khi hai người đi chơi với nhau.
Khi hay tin Thắm
có thai, ông Việt kiều già rất hãnh diện, gặp bà con, bạn hữu ông đều khoe là
“súng” của ông còn tốt, “bắn” đâu trúng đó! Và, như hầu hết mấy cô gái bên Việt-Nam
lấy chồng Việt kiều, Thắm buộc ông Việt kiều già mua bảo hiểm nhân thọ! Sau một
thời gian, nhận ra Thắm không những xấu người mà còn hỗn, lười, nói láo, ở dơ,
tham vặt, không chịu đi làm, không chịu nấu ăn và thường nguyền rủa ông mỗi khi
bất hòa, ông Việt kiều già xin bà vợ cho ông trở về. Bà vợ không đồng ý. Ông Việt
kiều già triền miên sống trong buồn phiền, sinh ra nghiện rượu. Cuối cùng ông
chết trong một tai nạn vì lái xe khi say rượu! Thắm lãnh tiền bảo hiểm nhân thọ,
một trăm ngàn Mỹ kim; nhưng không bao giờ Thắm chịu chi ra bất cứ khoảng tiền
nào trong những chi phí giữa Ba, Thắm, David và đứa con riêng của Thắm.
Vì thương David,
thỉnh thoảng “Ba Noi” ghé thăm David hoặc bảo Thắm đem David sang thăm “Ba Noi”.
Những lần Thắm đưa hai đứa bé sang nhà “Ba Noi” chơi, chờ những lúc “Ba Noi” bận
điện thoại trên lầu hoặc “Ba Noi” ra sân tắt nước hoặc vào nhà tắm là Thắm lấy
cắp ngay những vật Thắm thích rồi cho vào xắc đựng tả của David. Nhà “Ba Noi”
trưng bày rất nhiều kỷ vật, khó nhận biết ngay vật nào còn vật nào mất.Tuy vậy,
đôi khi “Ba Noi” cũng phát hiện mấy kỷ vật bị mất mà “Ba Noi” tìm không ra.
Một hôm “Ba Noi”
ghé thăm David mà không điện thoại trước.Bất ngờ “Ba Noi” thấy tại nhà Ba một kỷ
vật “Ba Noi” mua từ Ai-Cập. “Bà Noi” cật vấn.Thắm bảo Thắm không biết, chỉ thấy
Ba đem về. “Ba Noi” xác quyết: Các con của “Ba Noi” – ngay từ bé – không bao giờ
lấy bất cứ vật gì của ai mà không xin phép. Kẹt quá, Thắm giải thích rằng ông
chồng trước của Thắm đưa Thắm đi chơi khắp thế giới chứ kể gì Ai-Cập. “Ba Noi”
giận quá, hỏi, Thắm đi Ai-Cập vậy thì máy bay đáp xuống phi trường nào, thành
phố nào của Ai-Cập?Thắm biết bị lộ, vội dùng thủ đoạn hạ cấp, lớn tiếng bảo,
nhà này là của vợ chồng Thắm, Thắm đã tử tế để cho “Ba Noi” thăm cháu mà “Ba
Noi” còn không biết điều! Người ăn ở như thế sẽ bị Chúa trừng phạt! Từ nay muốn
đến nhà Thắm, “Ba Noi” phải điện thoại trước.
Đó là lý do khi
Kate dừng chiếc SUV, bước xuống, “Ba Noi” vẫn ngồi yên trên xe, dáng ngần ngại.
Kate dục:
-Đi vô, “Ba
Noi”.
-Thôi, con vô
đi, giờ này Ba con chưa về .
Ý “Ba Noi” muốn
nói rằng nếu có Ba ở nhà, “Ba Noi” sẽ vào; vì “Ba Noi” biết có sự hiện diện của
Ba thì Thắm sẽ không dám nguyền rủa “Ba Noi”. Kate nhắc:
-“Ba Noi” nhớ
“Ba Noi” nói với con như thế nào không?
-Bà Nội nói sao,
con?
-“Ba Noi” bảo chỉ
nghĩ đến Ba và bé David thôi; đừng thèm để ý đến Thắm. “Ba Noi” nhớ không? Thêm
nữa, con đã điện thoại cho Ba con biết rằng con sẽ ghé lấy iPad.
“Ba Noi” mở cửa
xe, từ từ bước xuống.
Một tay mở cửa,
một tay ôm điện thoại, Thắm vừa nói vừa cười hô hố như đàn ông:
-Ừ, tớ vẫn sống
cuộc đời chán phèo chứ có khác gì đâu. Hồi còn ở Việt-Nam có mấy thằng du học
Nga hoặc Trung quốc về, theo đuổi tớ quá trời mà tớ cứ khất để lo cho Mẹ già;
vì Bố của tớ chết trong thời kỳ “đánh Mỹ kíu nước”. Không ngờ gặp thằng cha Việt
kiều hắn đeo tớ như đĩa, tớ mà không lấy hắn, hắn nhảy xuống sông Hồng tự tử.Sau
này gặp bố của thằng Đay-vịt này cũng thế.Tớ thấy hắn đeo đuổi tớ hoài, tội
nghiệp, tớ chấp nhận làm bạn thôi, đừng để có con. Thế mà hắn muốn có con để cột
tớ. Kẹt thằng Đay-vịt chứ không có thằng Đay-vịt là tớ bỏ hắn từ đời nào rồi. Tớ
mà thoát ra thì khối thằng quỳ dưới chân tớ đấy…ha…ha…
“Ba Noi” giận
run người, muốn bế David để dằn cơn giận nhưng David không cho, khóc ré lên! Thắm
phải cắt ngang cuộc điện đàm. “Ba Noi” hỏi
- Cô nói con tôi
không ra gì hết, vậy thì cô sống với con tôi để làm gì? Cô nhìn lại bản thân cô
xem cô xứng với lời láo khoét của cô được bao nhiêu phần trăm? Làm ơn bỏ con
trai của tôi đi. Tôi van xin cô đó.
-Tôi bỏ con bà mấy
lần dzồi mà lần nào hắn cũng năn nỉ tôi đừng đi. Tôi chỉ vì thằng Đay-vịt chứ
bà tưởng tôi cần con bà lắm hay sao?
Sự thật thì Ba,
sau khi nhận thức được sự nhầm lẫn của mình và bản chất hung dữ, láo khoét, tham
vặt, hỗn hào, keo kiệt, ở dơ, lười biếng của Thắm, đã bỏ Thắm nhiều lần; lần
nào Thắm cũng năn nỉ xin ở lại. Khi nào năn nỉ Ba không được Thắm giả vờ đập đầu
vào tường tự tử. Lần mới đây Thắm dọa sẽ ôm David nhảy cầu xa lộ!
-Tôi biết cô
hay, cô giỏi, cô không cần con tôi; vậy thì cô hãy đi đi.
-Bà có quyền gì
mà đuổi tôi? Ôi giời! Người như thế thì Chúa vặn họng, Phật bẻ cổ, Trời tru đất
diệt chứ để sống làm gì!
-Tôi làm gì mà
cô nguyền rủa tôi?
-Bà là Mẹ chồng
mà tôi sinh đẻ bà có giúp, có nuôi tôi lần nào, ngày nào không? Tôi sinh cho Bà
thằng cháu nối dòng nối dõi, bà có tắm cho nó lần nào không mà bây giờ bà đuổi
mẹ con tôi? Ác vừa thôi nhá! Người ác thế mà Trời cao đất dầy còn để cho sống! Ối
giời ôi là giời!
-Trên xứ Mỹ này
cả triệu triệu phụ nữ sinh con chứ không phải một mình cô. Họ sinh tại nhà
thương rồi về nhà tự lo lấy, vài tuần rồi gửi con cho “daycare” để đi làm. Cô
không đi làm, cô không nấu ăn, cô chỉ thích ăn tiệm, vậy cô bảo tôi giúp cô cái
gì? Con tôi sinh ra tôi không phải tắm cho con tôi, bây giờ cô ăn ở không rồi
cô bảo tôi tắm cho con của cô à? Cô bảo tôi không giúp cô, vậy những khi cô qua
nhà tôi chơi, thấy tôi quét nhà hoặc đem rác ra, có bao giờ cô ngõ lời giúp tôi
chưa?
- Đấy! Đấy! Mẹ
mà không tắm cho con thì đúng là thứ “ngồi mát ăn bát vàng”. Hồi xưa bà như thế
mà bây giờ đến phiên tôi không đi làm thì bà hạch xách.
- Tôi không hạch
xách cô. Tôi chỉ cho cô biết là trước khi cô muốn người ta giúp cô thì cô hãy
giúp người ta trước.
-Tôi không phải
là “osin” của bà.
-À há! Cô không
phải là “osin” của tôi; cô nghĩ tôi là “osin” của cô, hả? Ha…ha…ha…
Tính “Ba Noi” vẫn
vậy! Khi nỗi đau quá to lớn “Ba Noi” trở nên khôi hài một cách đắng cay và “Ba
Noi” phát ngôn bằng tiếng Anh!
-You said you
are not an osin? But…(“Ba Noi” lắc lắc đôi vai rồi hát theo nhịp điệu và âm hưởng
của ca khúc You’re The Devil in Disguise do Elvis Presley trình bày) “You
look like an osin, talk like an osin, act like an osin. But I got wise. You’re the
devil in disguise…”(1)
Giữa khi Thắm
chưa biết phản ứng như thế nào thì Kate vội đưa “Ba Noi” ra cửa.
*******
Nhìn nét mặt buồn
rười rượi của “Ba Noi”, Kate nói:
-Con xin lỗi “Ba
Noi”. Đáng ra con nên nghe lời Bà để Bà chờ trong xe thì đã không có chuyện
đáng tiếc.
-Không phải lỗi
của con.
“Ba Noi” gượng
cười cho Kate yên lòng.
Trong khi Kate
lái xe, “Ba Noi” tự hỏi làm thế nào mà Ba có thể quen với một người như Thắm để
đưa đến một cuộc tình? “Ba Noi” không biết được rằng Ba, cũng như những người
Việt miền Nam và người Mỹ chính gốc, đều có lòng thương người, tin người và
thương trẻ em. Vì hiểu như vậy, vào một chiều Đông, xe hư, Thắm cố tình bế đứa
con đứng cạnh xe để mong người ta thấy trẻ con thì người ta giúp đỡ nhanh hơn.
Ba dừng lại giúp. Vậy là Thắm không bao giờ bỏ lỡ cơ hội để đưa đứa bé ra gợi
lòng thương hại của Ba.
Xe vào bãi đậu của
nhà hàng Olive Garden. Điện thoại cầm tay “rung”, Kate nhìn vào thấy mấy dòng Mẹ
nhắn. Tắt điện thoại, Kate vừa cho xe vào chỗ đậu vừa nói:
-Mẹ và hai em của
con đang lấy bàn trong nhà hàng.
Kate vừa mở cửa
xe bước ra thì thấy xe của Jay vừa đậu sát xe nàng. Cả hai cùng cười, chào
nhau, trước ánh mắt tò mò của “Ba Noi”.Jay bước đến chào “Ba Noi”. Kate giới
thiệu:
-“Ba Noi”! Đây
là Jay, bạn của con và đây là “my Ba Noi”.
-Con rất hân hạnh
được gặp Bà. Mừng Sinh Nhật Bà.
“Ba Noi” cảm ơn
Jay rồi kín đáo nhìn Kate. Hiểu ý nghĩa ánh mắt của “Ba Noi”, Kate vội bảo Jay:
-Jay vào đi. Mẹ
và hai em của em đang trong đó.Em phải giúp “my Ba Noi” một tý.
Jay đi rồi, Kate
nhìn “Ba Noi”, cười cười:
-Bạn trai của
con đó, “Ba Noi”.
-Cái gì? Con có
bạn trai?
- “Ba Noi”! Có
phải “Ba Noi’ thường bảo rằng con là đứa cháu xinh đẹp và học giỏi của “Ba Noi”
hay không?
- Dĩ nhiên! Vì
đó là sự thật.
Kate trề môi như
làm nũng:
-Một cô gái xinh
đẹp, học giỏi như con mà không thể có được người bạn trai sao, “Ba Noi”?
Xúc động dạc dào
trước câu nói đầy thông minh của cô cháu cưng, “Ba Noi” cười như mếu “Oh!”
Kate dang đôi tay tỏ ý muốn hug “Ba Noi”. “Ba Noi” cũng dang tay. Kate từ
từ ôm vai “Ba Noi” rồi nói:
-I love you, “Ba
Noi”.
-I love you too!
Kate nghịch, vừa
cười vừa nói vừa bước lui vừa lắc vai:
-Ha…ha…ha…I love
you three…I love you four…I love you five…
Biết Kate muốn
nghịch như những lúc Bà cháu vui đùa khi Kate còn bé, “Ba Noi” giả vờ bậm môi,
dậm chân, “rượt” theo:
-I’m going to
get you!
ĐIỆP MỸ LINH
www.diepmylinh.com
(1) Nguyên tác lời
ca của Elvis Presley: “You look like an angel, walk like an angel, talk like an
angel. But I got wise. You’re the devil in disguise…”