Hồng Kông thắp nến tưởng niệm nạn nhân vụ thảm sát Thiên An Môn. Ảnh ngày 04/06/2016.REUTERS
Gần 30 năm sau vụ thảm sát đẫm máu Thiên An Môn tháng 6/1989, công chúng vẫn tiếp tục đặt câu hỏi : Có bao nhiêu người là nạn nhân của quân đội Trung Quốc? Một thông tin vừa được cơ quan Lưu Trữ Quốc Gia Anh tiết lộ cho biết khoảng 10.000 thường dân thiệt mạng trong biến cố kinh hoàng này.
AFP hôm nay, 23/12/2017, thông báo đã tiếp cận được bức điện mật gửi về nước của đại sứ Anh tại Bắc Kinh vào thời điểm đó, trong đó ông khẳng định « ước tính tối thiểu có 10.000 nạn nhân ». Con số nói trên cao gấp nhiều lần các ước tính được đưa ra năm 1989.
Chính quyền Trung Quốc đã kiểm duyệt nghiêm ngặt thông tin, chỉ đưa ra con số khoảng 200 người chết về phía dân thường, và « vài chục » về phía quân đội. Con số mới được công bố cũng cao hơn nhiều so với số liệu mà Hội Hồng Thập Tự Trung Quốc và các ủy hội sinh viên hồi đó cung cấp (2.700 người chết).
Theo đại sứ Anh, các sinh viên đã hoàn toàn bất ngờ trước cuộc tấn công tàn khốc. Khi quân đội đến quảng trường Thiên An Môn, họ « đã tin là có một giờ để sơ tán, thế nhưng chỉ 5 phút sau đó, quân đội đã nổ súng ».
« Xe thiết giáp của Quân đoàn 27 xả súng vào đám đông », những người còn sống sót bị binh sĩ hạ sát ở cự ly gần. Điện thư của đại sứ Anh kể rõ xe thiết giáp « đã cán đi, cán lại nhiều lần » khiến các thi thể bị « nghiền nát hoàn toàn ».
Điện mật của đại sứ Anh cho biết lực lượng tấn công sinh viên của Quân đoàn 27 bao gồm các binh sĩ đến từ tỉnh Sơn Tây (Shanxi), trong số họ « 60% mù chữ ».
AFP khẳng đinh nhà Hán học Pháp Jean-Pierre Cabestan cũng cho rằng số lượng thường dân thiệt mạng nói trên là « đáng tin cậy », khi so sánh với các tài liệu giải mật những năm gần đây của Hoa Kỳ.
Jean-Pierre Cabestan cho biết thêm chế độ cộng sản vào lúc đó « đã mất kiểm soát Bắc Kinh ». Lực lượng phản kháng đã lập nhiều chốt chặn trên khắp thành phố. « Người dân Bắc Kinh đã kháng cự và chắc chắn đã xảy ra nhiều trận đánh hơn là mọi người vẫn nghĩ ».
Về tình hình chung, theo đại sứ Anh, cuộc đàn áp tàn khốc gây căng thẳng cao độ trong nội bộ quân đội Trung Quốc. Tư lệnh vùng Bắc Kinh lúc đó đã từ chối cấp thực phẩm và nơi ở cho các đơn vị đàn áp sinh viên. Một số thành viên chính phủ Trung Quốc còn dự đoán « nội chiến có thể bùng phát ».