Sunday, 24 December 2017

Xin đừng gọi tên nhau - Phan Hạnh

Inline image
Name calling? Gọi tên? Gọi tên gì? Gọi tên ai? 
 Giống như trường hợp chữ “Cat calling” trước đây đã làm cho lão già lẩm cẩm chân yếu tôi phân vân, chữ “Name calling” lần này cũng làm cho tôi hoang mang nên phải đi tìm hiểu cho ra lẽ.
 Theo từ điển Cambridge, “name calling” là hành vi sỉ nhục một người nào đó khi gọi họ bằng những danh từ thô tục. Từ điển Merriam-Webster định nghĩa hơi tỉ mỉ hơn chút xíu, bảo “name calling” có nghĩa là “việc dùng những cái tên gọi có tính cách phỉ báng nhằm công kích đối thủ trong cuộc tranh cãi mà không có sự suy xét khách quan xem tên gọi đó có đúng sự thật hay không”.
 Theo ông quân sư “Quý Kỳ” (Wikipedia) thông thái của chúng ta, “name calling” là một sự lạm dụng bằng lời nói, sự dùng ngôn từ có tính cách lăng mạ hoặc xúc phạm để gọi một người hoặc một nhóm người. À thì ra vậy: “name calling” là sự kêu tên xấu, sự bêu xấu tên tuổi, là mắng mỏ, là chửi rủa, đương nhiên là dành cho người khác, đối thủ, địch thủ, kẻ thù. Đáng lẽ phải có chữ “bad” thành “bad name calling” mới đủ nghĩa, nhưng ngôn ngữ vốn chứa đựng muôn điều vô lý thú vị. Ví dụ “Don’t drink and drive” không hề có chữ rượu nhưng lại có nghĩa là “Đừng uống rượu lái xe”. Gặp câu này, một người tập tễnh học lớp dạy tiếng Anh ESL dành cho người mới nhập cư chắc không khỏi hoang mang và hiểu nhầm là “Đang lái xe không nên uống nước.”
 Một ví dụ khác về sự lý thú của ngôn ngữ là trong tiếng Việt ta có nhiều chữ khác nhau để diễn đạt sự gọi tên. Gọi tên với nghĩa tích cực trang trọng là xướng danh; gọi tên với nghĩa tiêu cực khinh thị là réo tên, như réo tên ra mà chửi, là name calling. Réo tên đứa nào ăn cắp gà ra mà chửi trong truyện ngắn Bước Đường Cùng của nhà văn Nguyễn Công Hoan có được xem là một trường hợp name calling không nhỉ? Một người nào đó đã sắp xếp đoạn văn chửi mất gà thành vần như sau:
Tổ cha mày cái đứa đen lòng xanh cật
Mặt sấp mo nang rình ngang rình ngửa bắt gà của bà
Ở nhà bà nó là gà xương gà thịt
Về nhà mày nó là thần nanh xanh mỏ đỏ nó mổ mắt mày
Ở nhà bà nó là gà gấm gà hoa
Sang nhà mày nó là ác cầm ác thú
Là cú là cáo là báo là hổ
Vồ cả nhà mày, dày cả nhà mày.

 Bêu xấu tên tuổi là một hiện tượng đã được nhiều chuyên ngành học nghiên cứu, từ nhân chủng học, tâm lý học, đến chính trị học. Nó cũng được các nhà hùng biện học và một loạt các lãnh vực chuyên môn khác nghiên cứu các kỹ thuật tuyên truyền cùng các nguyên nhân và hiệu quả của nó.
 Một trong những điều dễ gây xích mích nhất giữa con người là sự gọi tên xấu, mắng chửi. Đây là hành vi lạm dụng bằng ngôn từ (verbal abuse) vì nó xúc phạm, gây thương tổn về tâm lý đối với đối tượng. Người Việt chúng ta thường gọi tên xấu với chữ “đồ”: đồ làm biếng, đồ ở dơ, đồ ăn gian nói dối, đồ đểu, đồ đê tiện, đồ hèn hạ, đồ ngu, đồ điên, đồ khốn nạn, đồ khốn kiếp, đồ cà chớn, đồ chó, đồ chó đẻ, đồ quỉ, đồ con nít ranh, đồ già dịch... Dán hay gán cho một cái nhãn xấu với mục đích đùa giỡn trêu chọc giữa người thân bạn bè với nhau thì có thể chấp nhận được, nhưng cũng nên có chừng mực thôi. Cũng cùng tên gọi xấu đó khi đem dùng với người lạ thì sẽ trở thành lời xúc phạm thô lỗ dễ dẫn đến xung đột bạo lực. 
 Nếu những kẻ lạm dụng bằng lời (verbal abusers) là các bậc cha mẹ hoặc người lớn có thẩm quyền (thầy cô giáo, cấp trên, cấp chỉ huy) hành động như thể không có chuyện gì xảy vì họ thiếu ý thức và kém tế nhị thì mức độ tác hại sẽ sâu xa và ảnh hưởng lâu dài đến tâm lý của nạn nhân bị lạm dụng. Một đứa trẻ bị mắng chửi liên tục sẽ dễ bị mặc cảm thấp kém và xấu hổ để rồi trở nên nhút nhát kém tự tin.
 Trường hợp mắng yêu là khác vì nó xảy ra trong không gian riêng tư và trong bối cảnh của yêu thương khi giữa hai người đã có sự đồng cảm. Ở đây không có vấn đề sợ bị mất mặt, mất thể diện.
 Chuyên gia tâm lý khuyên tốt hơn hết là đừng gọi tên xấu làm tổn thương người khác dù đó là con cái, anh chị em, người thân trong gia đình. Dù sau đó có xin lỗi, có bào chữa cho đó chỉ là đùa giỡn thôi cũng không nên. Đối với người có tâm hồn nhạy cảm, sự tổn thương khó phai mờ. Đừng gọi tên xấu để giải quyết mâu thuẫn. Mọi sự gọi tên xấu, nói xấu, bêu rếu tên tuổi đều đáng trách.
 Theo chuyên gia tâm lý, người hay mắng mỏ gọi người khác tên xấu chứng tỏ họ không đủ khả năng tranh luận một cách hợp lý lẽ. Cãi không lại nên mới chửi; chửi là nhỏ mọn, là hèn.

Inline image
Kỹ thuật tuyên truyền, bôi nhọ, bêu xấu tên tuổi được sử dụng nhiều nhất giữa hai nước có chiến tranh. Ví dụ trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, phe  Cộng Sản Bắc Việt (CSBV) gọi phe Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) là tay sai của đế quốc Mỹ, gọi người lính VNCH là lính đánh thuê, là Mỹ ngụy. Sau ngày 30-4-1975 khi CSBV đã cưỡng chiếm được miền Nam, người dân vì không muốn sống chung với Cộng Sản nên phải rời xa quê hương trong đau xót thì bị người Cộng Sản gọi là “thành phần ma cô đĩ điếm chạy theo bám chân đế quốc để ăn cơm thừa cá cặn”. Ai xấu ai tốt, sự thật ra sao, ngày nay chắc đã được phơi bày và làm sáng tỏ để mọi người tự suy nghĩ và nhận định.

 Hiện nay, Bắc Hàn đang tiếp tục thử phóng hỏa tiễn liên lục địa mang đầu đạn nguyên tử và đe dọa sẽ tấn công lãnh thổ Hoa Kỳ. Hoa Kỳ cũng dọa lại là sẽ tiêu diệt và xóa sổ Bắc Hàn. Chưa biết chiến tranh bằng vũ khí sẽ có xảy ra hay không, nhưng hai vị nguyên thủ quốc gia này đang khẩu chiến, bêu xấu tên tuổi nhau đáo để. Tại buổi họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày Thứ Ba 19//9/2017, Tổng thống Donald Trump gọi Chủ tịch Kim Jong-un (Kim Chính Ân) của Bắc Hàn là “Little Rocket Man”. Trước đó ông đã từng gọi Kim Jong-un là “sick puppy”, con chó con bệnh hoạn. Kim gọi lại Trump là “old man lunatic”, là “dotard”, ông già điên, kẻ lú lẫn. Trump trả đũa, gọi Kim Jong-un là “short and fat”, mập và lùn.
 “Dotard” là một danh từ tiếng Anh khá xưa mà ngày nay ít ai dùng. Chính vì lẽ đó cho nên sau khi Kim Jong-un dùng từ này để gọi Donald Trump, thiên hạ ùn ùn đi tra tự điển xem nó là nghĩa gì. Già tôi cũng tra cứu xem chơi cho biết.
 Từ điển Merriam-Webster lưu ý rằng "dotard" xuất phát từ "dotage", một từ có nghĩa là "một trạng thái hoặc thời kỳ lão hóa với dấu hiệu tinh thần kém tỉnh táo và cân bằng." Chữ này khi đọc lên nghe na ná như chữ “goatherd”, người chăn dê.
 Ít ai biết tới chữ “dotard” vì báo chí hiếm dùng nó lắm. Từ năm 1980 cho tới bây giờ, chữ “dotard” chỉ xuất hiện trên báo The New York Times chỉ có mười lần và luôn nằm trong phần tin về sinh hoạt nghệ thuật. Shakespeare cũng chỉ dùng tới chữ đó vài lần trong các vở kịch của ông ta.
 Vậy tại sao Kim Jong-un biết chữ “dotard” mà dùng? Trình độ Anh ngữ của Kim Jong-un có khá không? Chắc cũng khá. Theo quân sư Quý Kỳ (Wikipedia) cho biết, Jong-un học Trường Quốc tế giảng dạy bằng Anh ngữ ở Thụy sĩ từ năm 7 tuổi cho đến 16 tuổi tức từ năm 1991 đến năm 2000. Nếu Kim Jong-un không biết chữ “dotard” thì có thể ông ta tra tự điển. Theo tiếng Triều Tiên, chữ dùng để chỉ một người già lú lẫn khùng khùng là “neukdari”; tự điển Hàn-Anh (Korean-English) cũ xì dịch “neukdari” ra “dotard”.
 Có người dùng Twitter cho rằng dù sao cũng nhờ vụ “name calling” giữa Trump và Kim nên họ mới học được một chữ mới là “dotard” và cảm ơn Kim. Có người còn đi xa hơn, khen rằng Kim Jong-un biết chơi chữ và suy diễn chữ “dotard” có thể ngầm để thay cho “donald retard” hay “donald bastard”.

Inline imageKim Jong-un và bộ máy tuyên truyền cộng sản Bắc Hàn từ lâu đã xúc phạm các chính trị gia nước ngoài, đôi khi sử dụng ngôn ngữ kỳ thị và phân biệt chủng tộc xấu xí. Trước đây, họ đã từng gọi Tổng thống Barack Obama là "con khỉ" và cựu nữ Tổng thống Park Geun-hye của Đại Hàn là một "con điếm, một con rắn đáng phải đối mặt với cái chết như một con chó." Buồn cười là cựu Tổng thống George W. Bush cũng từng bị Bắc Hàn gọi là “một con gà mắc mưa” (a chicken soaked in the rain) khi ông tránh né chiếc giày của một kẻ phản đối ném ông trong một cuộc họp báo năm 2008 ở Baghdad, Iraq.

 “Vỏ quít dày, móng tay nhọn”, hai vị lãnh tụ Trump và Kim đều không vừa, ông nào cũng ái kỷ và vĩ cuồng cả, không nhiều thì ít, không ai ngán ai và không ai nhường ai. Vĩ cuồng (megalomania) và ái kỷ (narcissism) là những chứng tật về cá tính của con người. Người có chứng tật này thường cao ngạo phô trương về sự quan trọng của bản thân họ như tài năng, quyền lực, thành quả (phóng đại hoặc tưởng tượng) của họ; luôn tin rằng họ “đặc biệt” hơn người khác; đòi hỏi sự ngưỡng mộ quá mức; kỳ vọng phi lý vào sự đối xử đặc biệt của người khác phải dành cho họ; lợi dụng người khác để đạt được mục đích riêng; ganh tị với người khác và nghĩ rằng người khác cũng ganh tị mình.
 Sau khi bị gọi tên xấu là “dotard”, sáng sớm ngày Thứ Sáu 22/9/2017 Trump “tweet” rằng “Kim hiển nhiên mới là một tên điên không ngại bỏ đói hoặc giết dân của hắn”.
 Ngay sau đó, Kim Jong-un tuyên bố trên Đài Phát Thanh Bắc Hàn rằng "Tôi hiện đang suy nghĩ rất nhiều về những phản ứng mà ông ta (Trump) có thể mong đợi khi ông ta đã thốt ra những ngôn từ lập dị như vậy. Tôi chắc chắn và nhất định sẽ khuất phục được lão già lú lẫn điên khùng đó của Hoa Kỳ bằng lửa." Chưa hết, Cơ quan Thông tấn xã nhà nước Bắc Hàn cộng sản độc tài toàn trị còn giận dữ vì lãnh tụ muôn vàn kính yêu của họ bị gọi tên xấu nên họ gán cho Donald Trump bản án tử hình khiếm diện.
 Vì vậy, khi chính thức viếng thăm Đại Hàn ngày 7/11/2017 với tư cách một vị quốc khách, Donald Trump không tới khu Phi quân sự (DMZ) để phóng tầm mắt nhìn qua bên kia biên giới. Cẩn tắc vô ưu, như vậy Trump khỏi lo bị lính của Jong-un bắn lén.
 Ngược lại, tại Hoa Kỳ tự do dân chủ, quần chúng và truyền thông tha hồ bình luận về vị tổng thống của nước mình. Có người bình luận rằng “Kim Jong-un gọi Donald Trump là một người có vấn đề tâm thần, như vậy cũng đúng thôi”.
 Inline image
Cuộc khẩu chiến gọi tên xấu giữa Donald Trump và Kim Jung-un có lẽ sẽ còn tiếp diễn dài dài chẳng khác nào một cuộc gây gỗ giữa hai cậu học trò kình nghịch. Hai cậu học trò cãi lộn thì không sao chứ hai lãnh tụ của hai nước thù nghịch đem nhau ra bôi bẩn tên tuổi nguy hiểm lắm; có thể dẫn đến hậu quả vô cùng tàn khốc ảnh hưởng cả bao nhiêu sinh mạng.
 Thật ra mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên chưa bao giờ thân thiện với nhau cả, nhưng các tổng thống Hoa Kỳ trước đây thường chấp nhận các chuẩn mực ngoại giao để tránh những cuộc tấn công cá nhân, ngay cả khi hai nước đang có mối đe dọa rõ ràng căng thẳng. Những lời phỉ báng cá nhân mà các tổng thống Mỹ nhắm vào các nhà lãnh đạo Triều Tiên dường như rất kỳ quặc.
 Tờ báo New York Times kể có lần Tổng thống George W Bush tại Thượng nghị viện đã gọi Kim Jong-Il (Kim Chính Nhật), người tiền nhiệm và cũng là cha của Kim Jong-un (Kim Chính Ân) là một “pygmy” (người thuộc giòng giống người lùn thời xưa) có hành động như một đứa trẻ hư hỏng được nuông chiều nơi bữa ăn. Nhưng đó là nói riêng trong nội bộ nước Mỹ. Tổng thống Barack Obama thì chọn thái độ phớt lờ hai cha con ông Kim cho yên chuyện, hát bài “Xin đừng gọi tên nhau”.
 Qua Thông điệp Liên bang năm 2002, Tổng thống George W Bush xếp Bắc Hàn chung với Iraq và Iran dưới nhãn hiệu “Axis of Evil” (trục ma quỷ):
 Bắc Triều Tiên là một chế độ đang sở hữu tên lửa và vũ khí hủy diệt hàng loạt, trong khi bỏ đói công dân của mình. Iran tích cực theo đuổi các loại vũ khí và bán cho khủng bố, trong khi chính phủ phi dân bầu bóp nghẹt hy vọng tự do của người dân. Iraq tiếp tục bày tỏ thái độ thù địch đối với nước Mỹ và tài trợ cho khủng bố.
Những chính quyền như vậy, và những đồng minh khủng bố của chúng, đang tạo thành một Trục ma quỷ, đang gây chiến và đe dọa đến nền hòa bình thế giới.”
 Bây giờ tôi đã hiểu “name calling” trong tiếng Anh có nghĩa là gọi tên xấu chớ không phải chỉ là gọi tên khơi khơi “Tí ơi”, “Tèo ơi”, “Đàng ấy ơi”, “Mình ơi”... theo cách hiểu thông thường của phe Mít ta. Nhạc sĩ Trường Sa sáng tác bản “Xin Còn Gọi Tên Nhau” với những câu kết “Để lỡ ngày sau khi ta cần nhau... Còn đôi chút em vui ngày đầu... Cho mình mãi gọi thầm tên nhau...” nghe êm ái quá, nhất là qua tiếng hát của Lệ Thu.
 Còn nếu hiểu “name calling” theo kiểu tiếng Anh thì “Hãy thôi gọi tên nhau nữa...  Khi nước mắt đã cạn khô... Xa rồi bao kỷ niệm xưa.... Tình yêu ơi! xin hãy buông tha...” (các câu cuối của bản nhạc “Đừng Gọi Tên Nhau” của nhạc sĩ Phạm Anh Dũng).

PH-HCA