Hồi đó đi học lại, học kỳ 1 chúng
tôi học trong rạp Quốc Tế, nên trong giờ giải lao, các lớp thay phiên nhau lên
sân khấu phụ trách sinh hoạt giúp vui văn nghệ mỗi ngày. Từ học kỳ 2 trở đi
chúng tôi về trường học dự lớp, nên phải ra sân sắp hàng theo từng tổ, các lớp
chen chúc khắp khoảnh sân nhẩy chim bay cò bay 10 phút mỗi khi nghỉ giải lao giữa
giờ, gọi là tập thể dục đồng diễn.
Thời buổi bao cấp, tiêu chuẩn vô bụng
mỗi ngày được chừng vài ba chục hột gạo cõng vài
trăm hột bo bo độn sắn khoai, đứa nào đứa nấy đói meo mặt. Nhẩy vài cái đã đổ
đom đóm mắt, cố gắng nhắm mắt nhẩy cho xong nào
đã được đâu, còn phải nắm tay đấm lên trời 3 lần, miệng hô “Khỏe! Khỏe! Khỏe!” Chẳng
biết khỏe chỗ nào mà mặt mày đứa nào đứa nấy tái mét, chân tay run lẩy bẩy, đã
vậy còn phải hô thật lớn à nha, hô chưa đủ lớn là cán bộ lớp bắt hô lại, hô lớn
lên!
Tổ Phó tổ 4 là Lê Văn Phụng, Phụng
là con thứ tư trong gia đình, hễ Phụng đụng chuyện gì đều bể toang hoang chuyện
đó nên có biệt danh là Tư Bể. Nếu nói Phụng có cái bàn nạo ác liệt nhất nước
thì quả có quá đáng, bởi bàn nạo của mấy ông bà Bắc kỳ 75 còn ác liệt hơn nhiều,
nhưng so với toàn trường thì quả thật không ai sánh nổi Phụng. Một hôm cả lớp tập
thể dục xong hô yếu xìu bị chị Linh la: "Hô lại! Hô lớn lên!" Thì Đức
nhẩy ra chỉ miệng Phụng đứng đầu hàng Tổ 4, hỏi chị Linh rằng: "Bộ hô vầy
chưa đủ sao chị?" Ôi chao, cả lớp nhao nháo rũ rượi cười náo động cả một khoảnh sân, khiến các lớp khác chú ý nhìn sang, thấy
mặt Phụng xanh như tàu chuối, gầm mặt liếm môi lẩm bẩm chửi thề, nên thắc mắc
không biết lớp KT11 tập thể dục kiểu gì mà cười khỏe dữ?
Suy diễn từ chuyện tập thể dục đồng
diễn mà tôi cắc cớ phát biểu trong một buổi thảo luận là "Việt Nam ta dân
nghèo nước mạnh!" Mới nghe qua, bạn bè trong lớp nghĩ tôi nói lộn nên sửa
lưng, đến chừng tôi quả quyết rằng "dân ta tuy nghèo nhưng nước ta mạnh,
có mạnh mới đánh thắng cả 3 tên đế quốc đầu sỏ", thì chúng tiu ngỉu không
dám phản đối dữ dội nữa. Hồi ấy thông tin bị bưng bít kỹ lưỡng, chứ có Internet
như bây giờ mà mang Bắc Hàn ra dẫn chứng thì ngon ơ, tuy nhiên tôi cũng biện bạch
được rằng: "Dân nghèo đói ăn thiếu mặc, bệnh hoạn không có thuốc men, mấy
thằng hơi yếu yếu chết hết trơn hết trọi, còn toàn mấy đứa mạnh sống nên ra tới
ngõ là gặp anh hùng!" Bấy giờ tụi bạn mới vỡ lẽ và phá lên cười, khiến tôi
tốn thì giờ làm tờ tự kiểm vì tội phát biểu linh tinh.
Ngày 12/11 vừa rồi, Việt Nam trúng
cử vào Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, khiến ông Trần
Văn Hằng, Chủ Nhiệm Ủy Ban Đối Ngoại của Quốc Hội
tự hào rằng: “Trong thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo
chúng ta đã thực hiện rất thành công và được Liên hiệp quốc đánh giá là một
trong những quốc gia đạt thành tựu rất khá, đáp ứng các mục tiêu phát triển
thiên niên kỷ. Công tác xóa đói giảm nghèo này cũng là một trong những cái bảo
đảm quyền con người.”
Thành tích “xóa đói giảm nghèo" đã được ông Phan Kiến
Quốc đánh giá qua bài "Đánh tan nỗi sợ
hãi...", đăng trên mạng Liên Minh Việt Nam Tự Do, ngày 20 tháng 10 năm
2005 (Trích):
"Đề cập đến thành tích xóa nghèo mà theo
nhà nước thì đó là một "mẫu mực cho cả thế giới". Chỉ trong vòng 2
năm (đầu 2001) đã giảm từ 23% hộ nghèo xuống còn 17% (cuối 2002), tổng cộng là
115 ngàn hộ thoát nghèo. Nhưng định nghĩa thế nào là nghèo lại là một vấn đề phức
tạp. Theo chuẩn mới nhất của năm 2005: được gọi là nghèo khi thu nhập dưới 4.6
triệu/năm/hộ hay 380 ngàn/tháng/hộ hay 13 ngàn/ngày/hộ. Thú thật tôi không thể
hiểu được làm thế nào một gia đình (cứ cho trung bình 4 người) có thể sống được
với 13 ngàn/ngày trong khi một đĩa cơm bình dân cũng đã 5,000 đồng. Mức nghèo
này quả thực quá thấp. Một em bé bán vé số có thể bán được 100 vé lời được 20
ngàn/ngày đã không được xếp vào hàng nghèo (trên 13,000). Thậm chí nếu 4 người
trong gia đình cùng đi bán thì một tháng cũng kiếm xấp xỉ 3 triệu, và có thể được
xếp vào loại trung lưu không chừng ?! Vậy thì Việt Nam ít người nghèo là quá
đúng, và thành tích xóa nghèo là quá "đạt" ?!” (Ngưng trích)
Nhìn
vào "Chiếc ghế nhân quyền LHQ", với con số cao ngất ngưởng 96% mà thế
giới đã bỏ phiếu cho Việt Nam, Người Buôn Gió bi quan nhận xét (Trích):
“Với thực tế sự đói nghèo ở VN là
có thật, quốc tế khó lòng mà đòi hỏi được hơn trước lý lẽ của Việt Nam. Vì thế
họ dồn sự giúp đỡ, hỗ trợ để VN thoát khỏi cảnh có nhiều hộ đói nghèo. Chiếc ghế
nhân quyền hôm nay với VN tương tự như chiếc bằng chứng nhận đã tốt nghiệp xong
lớp học khiêu vũ cổ điển. Chúng ta đều biết tham gia khiêu vũ cổ điển thường là
những người khá giả, có trí thức, văn hóa cao. Chứng nhận tốt nghiệp khiêu vũ cổ
điển cũng như một sự đánh giá về đẳng cấp xã hội. Nếu ở một sàn khiêu vũ, anh vừa
khoe anh tốt nghiệp khóa học khiêu vũ và anh vừa kể lể anh đói nghèo, chạy ăn từng
bữa để xin xỏ, vay tiền thì quả là một điều lố bịch. Phải ăn no rồi mới rửng mỡ
chứ.
Giờ thì VN sẽ không còn nỏ mồm
chuyện nhân quyền mỗi nước một khác với quốc tế. Cũng không nỏ mồm kể lể hoàn cảnh
để vay mượn xin xỏ. Chiếc ghế nhân quyền như tấm bằng khiêu vũ hay chiếc nhẫn
vàng trang sức đeo trên tay không bán đi, không mài ra mà gặm được. Nhưng quan
chức cao cấp VN thấu hiểu cái giá phải trả cho chiếc ghế này là gì, nên họ
không hào hứng đứng ra nói. Chỉ có cỡ quan chức vô danh, chức tước cũng hữu
danh vô thực như ông Hằng chủ nhiệm ủy ban đối ngoại quốc hội đăng đàn trả lời
báo chí để ca ngợi về vấn đề này. Tuy nhiên ông cũng ý thức được cái khoản tiền
mất đi trước mắt của quốc tế về xóa đói giảm nghèo cho Việt Nam, ông tự an ủi rằng
khi được vị trí này rồi, quốc tế sẽ không áp lực nhân quyền mỗi khi bàn chuyện
làm ăn với Việt Nam nữa, qua đó việc hợp tác làm ăn với quốc tế sẽ tốt hơn.
Đã thoát đói nghèo, đã có những vị
thế khiến quốc tế kính nể. Vậy từ nay làm ăn sòng phẳng với nhau không nhân nhượng,
ưu đãi gì hết. Cái mà ông Hằng hình dung ra chỉ là tưởng bở, vì làm ăn sòng phẳng
phải có đi có lại công bằng. Một cơ sở hạ tầng như VN, đội ngũ nhân lực có tri
thức, kỹ thuật, tinh thần công việc, thói làm việc... như ở VN... sẽ hợp tác được
gì với quốc tế? Có đi làm thuê và bán sức lao động giá rẻ để nó mua cho là còn
may. Nhìn các khu công nghiệp hàng loạt nhà đầu tư rút đi thì thấy rõ”
(Ngưng Trích).
Thế giới Tự
Do cũng suy nghĩ một cách đơn thuần như Người Buôn Gió, rằng bầu cho Việt Nam
vào Hội Đồng Nhân Quyền, tức là ràng buộc Việt Nam tuân thủ với điều lệ của cuộc
chơi sòng phẳng.
Tất cả đều lầm! Cái lầm chí tử của con người khi
cho rằng cộng sản còn chút liêm sỉ. Nếu biết tôn trọng luật chơi thì đã không
còn cộng sản nữa, cho nên, cộng sản Việt Nam vừa nhận tiền của thế giới để xóa
đói giảm nghèo, lại vừa đẻ ra tình trạng "tái nghèo" để duy trì cơ hội
ăn mày thế giới. Cái tỷ lệ "tái nghèo" theo ông Phan Kiến Quốc là 70%,
nghĩa là cứ xóa được 10 người nghèo thì lại có thêm 7 người nghèo khác xuất hiện,
ông Phan Kiến Quốc cho biết: "Tôi không biết trên thế giới có nước nào tặc
lưỡi khen các thành tích (xóa nghèo) này không chứ tôi thấy khó có thể hãnh diện
được, nhất là khi tỷ lệ tái nghèo được tính bình quân vào khoảng 70% !"
Để tìm hiểu thêm về những con số... nghèo, tôi xin trích
dữ liệu từ bài “Thực hư thị trường bất động sản Việt Nam”, của tác giả Nguyễn Ngọc
Già:
“Theo một khảo sát quốc tế
trong năm 2011, người lao động thu nhập thấp (dưới 2 đôla/ngày) chiếm 18,2% dân
số (16,1 triệu người), người lao động thu nhập 5 đôla/ngày chiếm đến 70,4% dân
số (63,1 triệu người). Tổng số khoảng 79,2 triệu người so với khoảng 89,2 triệu
dân tại Việt Nam.
Dù khảo sát trên dự đoán năm 2012, tỉ lệ người thu nhập 5 đô/ngày sẽ giảm dần xuống 67,1%, nhưng thực tế dường như diễn ra ngược lại và ngày càng có xu hướng cho thấy 2 thành phần thu nhập nói trên, không những không giảm mà còn có dấu hiệu tăng lên, bởi các chuyên gia nói "tỉ lệ thất nghiệp thực tế phải gấp đến mười lần" so với số báo cáo chỉ 1,99% (năm 2012).
Năm 2013, dân số Việt Nam vừa chào đón công dân thứ 90 triệu. Ước số người thu nhập thấp (theo tỉ lệ như trên), chí ít vào khoảng trên dưới 80 - 81 triệu người. Số người thu nhập như thế, thì ăn còn chật vật, nói gì đến ở, dù là "nhà ở xã hội", sản phẩm mà chế độ cộng sản đang hướng dư luận tập trung vào, vẻ như lo cho người nghèo, chẳng qua để xoa dịu lòng dân đang chất ngất phẫn nộ, khi thu nhập của họ ngày càng kiệt quệ cùng tình trạng "nghèo hóa" ngày một gia tăng.” (Ngưng trích)
Dù khảo sát trên dự đoán năm 2012, tỉ lệ người thu nhập 5 đô/ngày sẽ giảm dần xuống 67,1%, nhưng thực tế dường như diễn ra ngược lại và ngày càng có xu hướng cho thấy 2 thành phần thu nhập nói trên, không những không giảm mà còn có dấu hiệu tăng lên, bởi các chuyên gia nói "tỉ lệ thất nghiệp thực tế phải gấp đến mười lần" so với số báo cáo chỉ 1,99% (năm 2012).
Năm 2013, dân số Việt Nam vừa chào đón công dân thứ 90 triệu. Ước số người thu nhập thấp (theo tỉ lệ như trên), chí ít vào khoảng trên dưới 80 - 81 triệu người. Số người thu nhập như thế, thì ăn còn chật vật, nói gì đến ở, dù là "nhà ở xã hội", sản phẩm mà chế độ cộng sản đang hướng dư luận tập trung vào, vẻ như lo cho người nghèo, chẳng qua để xoa dịu lòng dân đang chất ngất phẫn nộ, khi thu nhập của họ ngày càng kiệt quệ cùng tình trạng "nghèo hóa" ngày một gia tăng.” (Ngưng trích)
Như thế, từ tỷ lệ nghèo 23% hồi đầu năm 2001 giảm xuống còn 17%
vào cuối năm 2002, giờ lại tăng lên thành 18.2% (16.1 triệu người) vào năm
2011. Trong khi tỷ lệ người có thu nhập thấp là 88.8% (79.2 triệu người/89.2
triệu người) của năm 2011, tăng lên đến 88.8%-90% (80-81 triệu người/90 triệu
người) vào năm 2013: Số người có thu nhập thấp tăng dần!
Một quốc gia gồm 90% dân số có thu nhập thấp với 20% trong đó
(18.2%x100/90) cực nghèo, mà tỷ lệ thất nghiệp chỉ có 1.99%, có lẽ bán vé số cũng
được tính là một nghề cơ bản không chừng?! Liệu chừng còn tính luôn cả nghề
"ăn xin" nữa?! Nhìn vào những con số như thế, chẳng cần phải là một
nhà lý luận, ai cũng có thể khẳng định rằng nghèo đói và lạc hậu là bản chất của
chế độ cộng sản, hay nói một cách rõ ràng, thì cộng sản dùng sự nghèo đói và lạc
hậu để củng cố và duy trì chế độ độc tài vô nhân tính. Chuyện chỉ có thể xảy ra
ở Việt Nam, là đảng cộng sản tìm đủ mọi cách để "bần cùng hóa" người
dân hòng tiếp tục cầm quyền và ăn mày thế giới. Giống như những người "ăn xin"
vô nhân đạo, họ nhẫn tâm bẻ gẫy tay chân con cái nhằm đánh động lòng trắc ẩn của
tha nhân mà tiếp tục hành nghề ăn mày, đảng cộng sản Việt Nam chọn cách xả lũ,
một biện pháp đơn giản, đỡ tốn kém nhưng hiệu quả nhất, để duy trì tình trạng
nghèo hầu tiếp tục ăn mày thế giới và bảo vệ chế độ độc tài. Trong nỗi đau "Lũ
lụt tàn phá Miền Trung, thiên tai và nhân tai?!", nhà báo
Hữu Quả cho biết (Trích):
“Mấy ngày nay, qua hệ thống
truyền thông, tôi được biết; đợt lũ quái ác này, đã tàn phá Miền Trung, một
vùng đất nghèo, nặng nề và khốc liệt đến như thế nào; làm ai cũng phải nao
lòng, đồng cảm với bà con “khúc ruột” này! Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, về
thiệt hại ban đầu; đã có 41 người chết, 6 người mất tích và một số bị thương; về
tài sản, đã có hàng chục vạn ngôi nhà bị ngập sâu, bị sập, bị cuốn trôi; hàng
chục nghìn tấn thóc giống và lương thực dự trữ, bị trôi, bị hư hỏng; hàng chục
vạn gia súc, gia cầm bị chết; hàng trăm tuyến đường giao thông dọc ngang, bị ngập
ngâm lâu trong nước, bị sạt lở nặng; hàng chục cầu bị cuốn trôi; về mùa màng,
cây cối, ngoài hàng nghìn hec-ta lúa và hoa màu, bị tàn phá nặng nề; phần lớn số
giống đã mất, do bị nước cuốn trôi, gây khó khăn cho việc khôi phục lại sản xuất
sau lũ; diện tích bị ngập quá rộng, sẽ ảnh hưởng khó khăn đến môi trường và dịch
bệnh, sau khi lũ rút, rất đáng lo ngại. Nếu tính giá trị thiệt hại, chỉ tính
riêng tỉnh Bình Định, cũng đã 1.800 tỉ đồng.
Đối với Miền Trung, đây thực sự
cũng là trận lũ lịch sử; không chỉ về qui mô, mức độ bị tàn phá, bị thiệt hại
to lớn trước mắt và lâu dài; mà tính lịch sử của nó lần này, làm dư luận quan
tâm mạnh mẽ là; cùng với thiên tai, đó còn là có yếu tố nhân tai, do con người
gây nên, chứ không chỉ tại Ông Trời; rước thêm họa vào cho hàng triệu người dân
Miền Trung phải gánh chịu; đẩy số phận của bao con người ở đây, vào một hoàn cảnh
sống thật quá ư khó khăn và mong manh. Vì sao nói đợt lũ này có yếu tố nhân
tai? Bởi so sánh lượng mưa đo được của đợt lũ năm nay, chỉ từ 200 đến 400 ly.
Trong khi đó, lượng mưa đo được của đợt lũ lịch sử năm 1999, là từ 600 đến 900
ly. Như vậy rõ ràng sự vô lý là, mưa không lớn, lại bị lụt to, và thiệt hại
nghiêm trọng hơn. Đợt lũ này không phải ông trời làm hung, mà do chính con người
ích kỷ và vô trách nhiệm gây ra, nên gọi nhân tai là chính xác. Nói về nhân
tai, tức nói về yếu tố trực tiếp hay gián tiếp, do con người gây ra, đối với đợt
lũ lịch sử này ở Miền Trung, thì có nhiều, chưa có điều kiện phân tích đầy đủ.
Ví như nạn tàn phá rừng, nhất là rừng đầu nguồn, nghiêm trọng; rồi công tác quy
hoạch phát triển thủy lợi, nhất là các công trình thủy điện, bừa bãi, tùy tiện,
thiếu kiểm soát; và mỗi sai phạm trên những lĩnh vực này, không chỉ là thiếu kiến
thức, thiếu hiểu biết; mà còn có cả bóng dáng lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, gây
thiệt hại không chỉ trông thấy cụ thể trước mắt, mà còn cả tương lai lâu dài của
vùng này.
Sau đây, tôi chỉ xin đề cập
riêng một loại nhân tai trực tiếp, là việc xả lũ của các công trình hồ đập thủy
điện, trong khu vực có lũ, mà dư luận đang bức xúc, là tác nhân, là thủ phạm,
là nhân tai , đã góp phần không nhỏ gây nên đợt lũ quái ác này; làm cho hàng vạn
gia đình, hàng chục vạn con người Miền Trung, phải chịu khổ sở, điêu đứng;
trong này có người đã sớm bị thiệt mạng một cách oan ức, bất ngờ, ngay từ những
giờ đầu, khi mới có mưa to, lũ về. Bởi vì, trong khi lũ nguồn đang về, thì các
hồ đập thủy điện trong khu vực này đồng loạt xả lũ, tạo nên cơn lũ kép khủng
khiếp; làm cho đông đảo người dân trong vùng không kịp trở tay; buộc họ phải lựa
chọn bỏ của chạy lấy người, chịu mất sạch tài sản mà cả đời chắt chiu gầy dựng
nên. Thật là đau xót! Có những người nhiều tuổi, từng dày dạn trải nghiệm, mà
cũng phải kinh ngạc, hoảng hốt, vì chưa bao giờ họ gặp lũ về nhanh đến thế,
trong cuộc đời. Nhưng khi nghe biết rõ việc xả lũ bất ngờ của các công trình thủy
điện, đã tạo nên lũ chồng lũ, thì họ vô cùng phẫn nộ. Lãnh đạo các địa phương,
cũng tỏ ra bất bình cách làm vô trách nhiệm của các ông chủ quản lý vận hành
các công trình thủy điện, vì lợi ích cục bộ, mà coi nhẹ tính mạng và tài sản của
hàng vạn người dân trong khu vực, mà mình vốn được cưu mang. Theo báo Tuổi Trẻ
Online, ra ngày 18/11, thì cụm từ “xả lũ”, đối với nhân dân Miền Trung, từ nay,
đã trở thành nỗi ám ảnh. Còn báo Đà Nẵng, cũng số ra cùng ngày, thì cho rằng, đợt
lũ lụt này, không hoàn toàn do thiên tai, mà được “tiếp sức” của cả con người.
Như vậy đã rõ ràng, đợt lũ Miền Trung, có yếu tố nhân tai, đó chính là do việc
xả lũ thiếu có sự tính toán, chỉ đạo chặt chẽ; hay nói một cách khác là, vô
trách nhiệm đối với sinh mạng và đời sống của nhân dân trong khu vực.
Bây giờ, tôi xin dẫn chứng thêm
vài số liệu cụ thể, của cơ quan đáng tin cậy, là Ban chống bão lụt Trung Ương;
đến sáng ngày 17/11, có 13 hồ đập thủy điện cỡ lớn và vừa; ở khu vực, đã xả lũ,
với lưu lượng như sau: Công trình Sông Tranh 2 xả: 2046m3/s; Đắk My
4A: 491m3/s; Sông Ba Hạ: 3400m3/s; Yaly: 740m3/s;
Sê San3: 680m3/s; Sê San4: 912m3/s; Sê San4A xả: 1724m3/s…Trong
khi trời đang có mưa rất to, thì hàng loạt hồ đập thủy điện lớn và vừa, đồng loạt
xả lũ, làm cho tình hình ngập úng thêm nghiêm trọng, là đã rõ ràng. Điều đáng
chê trách là, trong khi tính toán việc xả lũ không đúng, đang đe dọa nghiêm trọng
vùng lũ nặng; tiếng kêu thét của các nạn nhân từ trong vùng lũ; đến các ý kiến
phát biểu gay gắt, làm nóng lên ngay tại diễn đàn Quốc hội đang họp; thế mà Bộ
Công thương và các ông chủ giám đốc các công trình thủy điện, vẫn cãi bay cãi
biến, cho rằng, việc vận hành xả lũ làm đúng quy trình?! Tuy nhiên, cần phải
làm rõ thêm về chọn thời điểm xả lũ từng hồ đập; về sự phối hợp với địa phương,
thông báo cho nhân dân kịp chuẩn bị; không thể để việc xả lũ kiểu “đánh úp” như
vừa qua; và quy trách nhiệm, có hình thức sử lý sai phạm; kể cả việc truy tố nếu
xét thấy có cơ sở pháp lý, theo như ý kiến của các đại biểu Quốc hội đề nghị.
Qua đợt lũ lụt tàn phá nặng nề,
gây tổn thất nghiêm trọng ở Miền Trung lần này; đã bộc lộ nhiều sai lầm, khuyết
điểm, không chỉ ở cấp chỉ đạo điều hành cụ thể; mà có thể khẳng định rằng, nó
còn liên quan đến cả cấp hoạch định chủ trương chính sách và lãnh đạo ở tầm nấc
vĩ mô. Chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy, nghe thấy trong các văn kiện, đường lối,
nghị quyết; trong các chủ trương chính sách, trong các hội nghị hội thảo, cụm từ
“phát triển bền vững”. Cụm từ này thật hay, thật đẹp, bởi nó là yêu cầu số một
cho xu hướng phát triển của thời đại; dân tộc nào, đất nước nào không tôn trọng,
không tuân thủ, chỉ coi ký các cam kết quốc tế là xong; có khi còn sính đem cụm
từ này đi diễn thuyết, như là “mốt”; nhưng tư duy lại trống rỗng; nói mà không
làm, hoặc nói một đằng làm một nẻo; chỉ quen với lối tư duy cũ kỹ ăn sổi ở thì,
“sống khóa”; chỉ biết lợi ích trước mắt, cục bộ, ích kỷ; mà không nghĩ đến hậu
quả lâu dài, do không lấy việc “phát triển bền vững”, làm trọng; thì đất nước ấy,
dân tộc ấy, sẽ luôn gặp khó khăn trong sự phát triển; bị tụt hậu, và sẽ không
có tương lai tốt đẹp; là điều chắc chắn, không còn phải nghi ngờ gì nữa.”
(Ngưng trích)
Được hỏi: "Có thông tin cho rằng, việc xả lũ vừa qua có vấn
đề bất thường nên mới gây ra ngập nặng?" Phó Thủ Tướng Hoàng Trung Hải trả
lời: "Khi kiểm tra, tôi thấy các địa phương cũng như Bộ Công thương, Bộ
Nông nghiệp và PTNT đều nắm vững về lượng xả lũ và điều hành của các hồ chứa.
Theo tôi biết, đến nay chưa có báo cáo nào nói rằng có hồ nào đó xả lũ sai quy
trình và các địa phương có hồ chứa đều khẳng định như vậy."
Người cộng sản luôn cao ngạo: “Thằng trời đứng xuống một bên, để
đảng xả lũ làm dân đói nghèo!” Việc xả lũ đơn giản là một trong những biện
pháp hữu hiệu tạo ra tình trạng "tái nghèo" thích hợp, hỗ trợ cho chủ
trương lưu manh của đảng là "dân nghèo đảng mạnh", là một quy trình
khả tín của đảng và nhà cầm quyền Việt Cộng nhằm duy trì quyền lực. Hiến Pháp mới
(sửa đổi) đã được tuyệt đại đa số Đại Biểu Quốc Hội (486/488=99.6%) thông qua
ngày 28/11/2013, và được báo đảng hết sức ca ngợi: "Hiến pháp được thông
qua với đồng thuận cao là tất yếu dân chủ, là kết quả của chân lý ý Đảng lòng
dân", thì cho dù Việt Nam có là thành viên Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp
Quốc đi nữa, thì đối với trên 90% dân số, Nhân Quyền vẫn còn là giấc mộng ngàn
đời!
Phạm Khắc Trung