Tháng qua đến thăm ông bạn già Nguyễn Văn Trần, nhìn thấy trên bàn có cuốn sách tựa đề Lược Sử Việt Nam Chống Trung Hoa Xâm Lăng của Ông Huỳnh Thanh Nhơn bèn xin mượn đọc.
Sau khi đã đọc kỹ, chẳng những chúng tôi có ý kiến, mà chúng tôi xin có đôi giòng cảm tạ tác giả Huỳnh Thanh Nhơn !
Sách khá dầy, 443 trang, soạn thảo rất công phu. Nhưng vốn là một nhà nghiên cứu sử khá lão luyện, nên đã lôi cuốn người đọc vào giòng sử Việt Nam ngay.
Cũng như tác giả đã cẩn thận mở lòng mình trong những lời Trần Tình, ông Huỳnh Thanh Nhơn nhấn mạnh rằng:
“Ai ai mỗi người Việt chúng ta đều ít nhiều gì thuộc sử nước nhà. Ai ai mỗi người Việt chúng ta đều biết “chọn cho mình những vị anh hùng, liệt nữ dân tộc đã xả thân cứu nước cứu dân. Ai ai mỗi chúng ta đều biết lên án và tránh xa những kẻ buôn dân bán nước, dứt tình ruột thịt, quên nghĩa đồng bào. Nhưng mỗi người vẫn có thể nhận định khác nhau về một sự kiện lịch sử nước nhà, dù rằng bản chất nguyên thủy của sự kiện vẫn đồng nhứt không thay đổi.”
Và tác gỉả kết luận rằng “chính cái nhìn và đánh giá không giống nhau đó đã xác định vị trí của họ trong lịch sử”.
Nói như vậy, quan niệm cho rằng đã là một người viết sử, phải có một cái nhìn khách quan là một quan niệm sai.Người viết sử, tác giả, nói rõ, và nói rất rõ ràng là người viết (tức là tác giả) có ý định “truyền bá sự suy nghĩ của mình” (sic) đến người đọc.
Chúng tôi nghĩ rằng sau khi đọc cuốn sách của tác giả Huỳnh Thanh Nhơn, chúng ta chia sẻ được một phần lớn tâm trạng lo âu của tác giả là phải nhận rõ ràng là người láng giềng phương Bắc của chúng ta, lúc nào trong suốt quá trình lịch sử của chúng ta là một tên Đại Xâm Lược.
1/ Trung Hoa luôn luôn là một Đại Xâm Lược
Chúng tôi xin viết hoa để không bao giờ quên, và lịch sử Việt Nam là một xâu chuổi dài họp bởi những mắc xích: hết thời kỳ đất nước bị phương Bắc xâm lăng, rồi đến thời kỳ chống xâm lăng.
Dỉ nhiên, lịch sử quốc gia nào cũng gồm có những giai đoạn chống xâm lăng để giữ nước, cũng có những giai đoạn bành trướng sang những quốc gia, những dân tộc yếu hơn để mở mang bờ cỏi. Mạnh được yếu thua là chuyện thường tình. Cá lớn nuốt cá bé là luật trời đất. Một dân tộc muốn sanh tồn phải vận dụng mưu trí, thông minh chánh trị, khả năng quân sự để chống cự, be bờ, để không bị lấn áp, đàn áp, bành trướng để mở mang bờ cỏi, không gian sanh tồn. Lịch sử Việt Nam cũng vậy. Vì họa phương Bắc, nên gần như bắt buộc, dân tộc ta phải bành trướng về phía Nam. Mũi Cà Mau là tận cùng phía Nam của vùng đất, hết đường bành trướng xuôi Nam. Dải Trường Sơn hiểm trở, làm hàng rào, chận đường tiến về phía Tây. Chỉ còn đường lên Miên, thế nhưng, chính thế lực Pháp đã cứu đất nước Cao Mên khỏi sức chinh phục của dân tộc Việt. Nhưng nhìn chung, mặc dù nếu chỉ thuần túy quân sự, dân tộc Việt đánh nhau thật sự với quân Tàu chỉ có trên dưới chưa đầy mươi lần. Nhưng với một ngàn năm đô hộ, với một chương trình Hán hóa có hệ thống, từ văn hóa, xóa bỏ chữ viết, xóa bỏ tập tục, phong tục, lễ nghi…, mà dân tộc Việt ta vẫn giữ được Việt tánh, dân tộc tánh, là một sự kiện hiếm có trên lịch sử thế giới, đáng ca ngợi!
Thật vậy, trước những đòn tấn công của những chiến dịch hán hóa ta từ tập tục, lễ nghĩa đến nền văn hóa Tàu, điển hình với những Tích Quang –Xi Guang, Thái thú Giao Chỉ từ năm 1 SDL đến 25 chẳng hạn, đã có đường lối chánh trị là hán hóa dân Lạc Việt ta bằng cách khuyến khích đem dân từ bên Tàu qua : cho dân Tàu di dân bằng động viên dân tàu đi kiếm đất canh tác, đi buôn bán, chấp nhận cả dân phản loạn qua đất Việt trốn luật pháp tra lùng; chấp nhận cả dânTàu bị đi đày, chấp nhận cả những tỵ nạn chánh trị hoặc kinh tế để dần dần hán hóa đất Lạc Việt. Riêng phần đối với các quan chức Lạc Việt, thuần hóa, sử dụng, mua chuộc. Chỉ có một tướng Lạc là Tây Vũ dám nổi dậy, nên đã bị giết chết. Tích Quang, vì không nhìn nhận Vương Mảng - Wang Mang đã cướp ngôi nhà Hán, để trở thành vì Hoàng Đế đầu tiên dùng Khổng Giáo đề cai trị (9-23 SDL) nên Tích Quang đã mở cửa Giao Châu tiếp đón các quan chức và các văn hào, nhơn sĩ nhà Hán không phục Wang Mang tỵ nạn, mang văn hóa Tàu sang đất Việt. Tích Quang và sau đó Nhâm Diên –Ren Yan (29-33) cùng nhau Hán hóa đất Giao Châu, từ phong tục, lễ lạc buộc dân Việt làm lễ cưới theo phong tục Tàu) cho đến canh tác cấy cày*
( * Theo H. Maspero et E. Malas Histoires et institutions dev la Chine ancienne Paris P.U.F 1967 page 68 ; H. Maspero « L’expédition de Ma Yuan » BEFEO XVIII n°3 page 11 ; Revue « Annam » VII 1a, Sainson p316, Cương Mục tiên biên II, 9a).
Dỉ nhiên, giữa những cuộc chiến chống xâm lăng vẫn có những giai đoạn xây dựng và gìn giữ đất nước, vẫn có những giai đoạn “nghỉ ngơi giữa hai cuộc xâm lăng” của láng giềng phương Bắc. Nhưng trong những thời gian nghỉ ngơi xây dựng ấy, các Triều đình Đại Việt vẫn luôn luôn cảnh giác, tuy chung sống hòa bình, nhưng vẫn “giữ kẻ” với phương Bắc, tuy thắng trận, nhưng vẫn thực tế biết mình yếu. Các triều đại tổ tiên ta, không điên rồ như triều đại Cộng sản Việt Nam, nướng dân, tàn phá đất đai, quê hương để thực hiện cho được mộng nhuộm đỏ Việt Nam theo chỉ thị của Vương Triều Cộng sản Quốc Tế Kremlin, nói láo là chống Mỹ cứu Nước nướng trên 1 triệu đồng bào, phần lớn là tuổi trẻ, thanh xuân trai tráng, sẳn sàng dìm đất nước miền Bắc trong tăm tối lạc hầu, trong suốt 20 năm từ 1954 đến 1975, bắt dân ăn cơm độn khoai, dùng phân người làm phân bón, dùng sức người thế máy cày và trâu bò (sức người sỏi đá cũng thành cơm )!
2/ Não trạng cùng Văn hóa thần phục Tàu :
Các Vua Đại Việt, tổ tiên ta, lúc nào cũng cho mình là khéo léo, cũng cho mình là biết ngoại giao, nhịn nhục, đi hàng dưới, triều cống, thần phục Bắc triều. Nhưng khốn nổi, vì lúc nào cũng triều cống, vì lúc nào cũng « nói » thần phục, vì “nhịn voi chẳng xấu mặt nào”, nên Bắc phương không nể mặt, hể có dịp, là Bắc phương tìm cách ăn hiếp. Triều đình Tàu nào, thời đại nào, cũng có một anh Vua Tàu kiếm chuyện đánh Việt Nam, đòi chinh phục Việt Nam. Nhưng, phần lớn cũng do cái não trạng chung chung của Việt Nam, não trạng « rất đồ Nho » lúc nào cũng Khổng, cũng Mạnh, mở miệng ra, là nói toàn chuyện điển tích bên Tàu. Những đại văn hào Việt Nam, những án văn bất hủ của Việt Nam nổi tiếng từ Kim Vân Kiều, qua đến Chinh Phụ Ngâm, hay Cung Oán Ngâm Khúc, Nhị Độ Mai, hoặc Phan Trần đều được dịch hay lấy từ truyện Tàu. Các Cụ Nguyễn Du, Đặng Trần Côn đều không có sáng kiến tự nghĩ ra một câu chuyện đặc biệt Đại Việt với những điển tích, những địa danh địa lý thuần túy đất Việt ta. Làm sao người Tàu không nghĩ rằng người Việt Nam ta là một người anh em gốc Tàu đi lạc được ? Và nay phải đem về lại quê cha đất tổ ?
Chỉ trừ một thời gian rất ngắn, thời gian vừa lấy lại nền Độc lập sau 1000 năm tăm tối nô lệ, từ Nhà Đinh, Nhà Lý, đến nhà Nhà Trần là lấy Phật Giáo làm nền tảng quản trị dân. Tất cả những thời đại sau, vẫn vướng víu đến Nho Giáo. Kể cả nhà Lê, quân Minh đô hộ ta trên 10 năm, tàn ác như thế, diệt dân ta như thế, và khốn nạn hơn, diệt văn hóa ta bằng đốt sách Việt Nam ta, lấy kho tàng văn hóa sách vỡ Việt ta để đem về Tàu, thế mà khi Vua Lê thành công lên cầm quyền, vẫn dùng Nho giáo và Hán Văn để quản trị đất nước ! Đau đớn quá ! Những sai lầm ấy chúng ta đang trả ngày nay. Một đất nước mà Nhà cầm quyền, Triều đình, quan chức viết chữ, nói người dân không hiểu. Tuy là âm Việt đấy nhưng người dân vẫn không hiểu. Nước Việt Nam ta phát triển sanh hoạt với hai ngôn ngữ khác nhau : tiếng Việt quan chức, tiếng Việt học hành, trí thức –Hán Việt và tiếng Việt dân gian. Do đó,
Thiển ý chúng tôi cho đấy là cái phần hèn kém nhứt của nền Văn hóa Việt Nam. Các Cụ tổ tiên chúng ta có thể mượn ý Tàu nhưng ít ra cũng phải biết biến qua những tiếng nói, chữ viết Đại Việt. Đáng khen thay những cố gắng độc lập qua chữ Nôm, nhưng chữ Nôm cũng do các ông đồ Nho nghĩ ra và vẫn không thoát khỏi các mô hình độc tài của Nho Giáo (chữ Thánh Hiền ? Mà Thánh Hiền là ai , toàn là người Tàu cả !) Thử so sánh quá trình phát triển văn hóa Việt qua chữ Nôm của Việt ngữ ta với Nhựt ngữ, và Hàn ngữ. Văn Hóa Nhựt, Văn Hóa Hàn cũng bị Khổng Mạnh ảnh hưởng, nhưng tại sao văn hóa người Nhựt tìm được sự Độc lập đối với chữ Hán, tại sao tinh thần người Nhựt đầy sự cương quyết, quật khởi, hùng cường, đầy sức sống đầy dân tộc tính ? Người Đại Hàn cũng vậy !
Chữ Nôm chỉ được hai triều đại - Nhà Hồ và Vua Quang Trung có quyết chí sử dụng nhưng vẫn bị các đồ Nho vẫn phá bỉnh. Lịch sử Văn Hóa Việt Nam cũng như lịch sử Việt Nam là một chuổi dài của cuộc xâm lược phương Bắc Tàu.
Thiển ý chúng tôi không sợ Họa Xâm lược Tàu bằng chiến tranh hay kinh tế. Chúng tôi sợ xâm lược Tàu bằng Văn Hóa. Ngày nay, nếu thật sự mà nói, nền văn hóa Việt Nam còn được bao nhiêu chất dân tộc Việt ?
3/ Cám ơn những phong trào văn hóa thời tiền thế chiến thứ 2 :
Tiện dây xin vinh danh các nhóm Tự Lực Văn Đoàn, các nhà báo miền Nam và tất cả những Phong trào Văn hóa thời tiền chiến. May quá, các Văn Nghệ Sĩ thời tiền chiến đã để những dấu ấn đáng ghi nhớ từ Văn, với nhóm Tự Lực Văn Đoàn, với các cụ Pétrus Ký, Paulus Của, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, các nhà báo miền Nam qua đến Hôi Họa của nhóm xuất thân từ Trường Mỹ thuật Hà Nội với các họa sĩ Cát Tường–Lemur, Gia Trí, Lê Phổ…. hay Nhạc với những nhạc sĩ sáng tác và phổ biến với những solfège mới những nhạc cụ mới như violon, piano, accordéon… với những điệu nhạc tây học như boléro, tango, valse … mà những bài hát ngày nay vẫn còn vương vấn trong ký ức chúng ta. Ngay cả trong cổ nhạc, thời tiền chiến đã cho chúng ta những bài ca rất Việt nam thuần túy với bài Vọng Cổ Hoài Lang.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt có một ngọn gió Văn hóa hoàn toàn Việt Nam, không bị lai căng, ảnh hưởng Tàu.
3/ Hán Ngụy :
Thái độ, não trạng lụy Tàu, sẳn sàng làm Hán Ngụy, cũng phải kể đến những thái độ hèn kém của những người Việt chúng ta khi thua cuộc, trong những tranh chấp nội chiến, đi cầu cạnh Vua Tàu, sẳn sàng « dắt voi về dày xéo mả tổ » sẳn sàng làm Hán ngụy, đời nào cũng có. Con cháu nhà Trần dưới đời nhà Hồ, đến Mạc đến Lê, nhiều khi không cầu cạnh Vua Tàu, vì Bắc Kinh quá xa, mà chỉ cầu cạnh tên Tổng đốc Lưởng Quảng.
Ngay đến cả thời cận đại, những nhà đấu tranh chống Pháp, từ không Cộng sản đến Cộng sản đều chạy qua Tàu. Hết nhờ Tưởng, rồi nhờ Mao. Ngày nay, nếu các tay cầm quyền trong nước hèn và sợ Tàu như vậy, âu đó phải chăng cũng là do cái truyền thống ấy ? May mà một phần đoạn cuối của lịch sử chúng ta “bị” Tây thực dân, “bị” Mỹ đế quốc, nên mới có dịp tỵ nạn ở Tây ở Mỹ. Nếu không ngày nay tụi mình ở Tàu hết, may lắm thì Hong Kong, Ma Cao, không thì Bắc Kinh Trùng Khánh, Shanghai…
Tội nghiệp thay cho Việt Nam ! Lược sử của anh Huỳnh Thanh Nhơn cũng cho chúng ta thấy cái bề trái của dân tộc ta.Anh hùng nhưng vẫn ham sống.
4/ Dân tộc sanh tồn:
Dân tộc sanh tồn của Việt Nam? Trước là “né Tàu”. Né không được mới đánh, thường đánh những trận ngắn, đánh thắng xong, giảng hòa, triều cống…Và tiếp tục Nam tiến để tìm đất sống. Đất Lưởng Quảng, Hợp Phố, Phiên Ngung, mặc dù của tổ tiên đấy nhưng vẫn lơ không dám đòi. Đảo Hải Nam cũng là đất của của dân Việt, cũng không dám đòi.
Trong các Triều đại Việt Nam chỉ có Vua Quang Trung là có ý định đòi lại Lưởng Quảng thôi. Trong các trận đánh chống xâm lược, đều đánh nhau trên đất Đại Việt để tự vệ.
Chỉ có dưới đời Nhà Lý, kiện tướng anh hùng Lý thường Kiệt dám xuất quân vượt biên giới Việt –Hoa phạt Tống (cuối năm 1075), hạ được thành Ung Châu, chém Đô Giám Quảng Tây. Nhưng rất tiếc sau đó, các Triều đình về sau chỉ biết giữ nước, be bờ với Tàu thôi!
Lịch sử Trung Hoa cũng lắm lần thay ngựa giữa giòng, thay vua đổi chủ, nhưng bất cứ những tay lãnh đạo nào, bất cứ một ông Vua Tàu nào, khi lên ngôi, trong chương trình, cũng không sớm muộn gì, cũng đòi xâm chiếm Việt Nam ta. Đến cả những lãnh chúa các dân tộc ngoại xâm gốc cực Bắc nước Tàu, không phải gốc Hán tộc như Mông cổ, hay Mãn Thanh khi chinh phục được ngai vàng Bắc kinh cũng lâm le xâm chiếm Việt Nam !
Đến cả ngày nay, Trung Cộng/ Việt Cộng thề thốt với nhau, “môi hở răng lạnh, núi liền núi, sông liền sông” thế mà, hể có dịp là cũng xâm chiếm Việt Nam.
5/ Hán hóa là một dĩ nhiên:
Mà cũng phải, Việt Nam lúc nào cũng cho mình là Văn Hóa Khổng Mạnh. Lăng miếu, Chùa chiền, đều chữ Tàu cả, dân Việt đi viếng không đọc được. dân Tàu thường dân đi du lịch đọc được, vì vậy họ tưởng nhầm là Đất Việt là đất Tàu. May các Cha Cố Đạo đến Việt Nam, la- tinh hóa tiếng nói Viêt Nam để thành chữ Quốc ngữ, quốc hồn quốc túy Việt Nam.
Ngày nay, Tàu nó ăn hiếp như vậy mà trong nước, Cộng quyền vẫn nín im re, im rinh rít. Né, tránh, nhịn…thôi cũng được nhưng tại sao không để dân biểu tình, dân phản đối Tàu. Dân chủ mà ! Chớ có quên những nỗi nhục ngàn xưa:
Nếu chúng ta chấp nhận bị hành xác, lên núi xẻ gỗ, xuống biển mò trai, triều cống Tàu, chúng ta PHẢI nhứt định không chấp nhận, viết văn tự hoàn toàn bằng chữ Hán, chúng ta không chấp nhận tái lại cảnh “ Cột đồng chết, Giao chỉ diệt”,chúng ta không chấp nhận bím tóc. Vua Quang Trung đã nói chúng ta phải đánh “để có quyền nhuộm răng đen !”, chúng ta không chấp nhận lễ lạc theo Tàu, …
Mong các nhà viết sử, nghiên cứu để phân loại ra những tập tục nào thật sự Việt, những tập tục nào do Tàu … Còn đâu hình ảnh con Nghiêu trên những sân đình, những nóc đình ? Còn đâu những tượng Phật khổ hạnh, gầy ốm của Phật giáo Việt Nam, ngày nay chỉ thấy toàn những ông Phật Di Lạc mập mạp của Tàu ?
6/ Phải tìm lại Văn hóa và Con đường Độc Lập và Tự Do của Đại Việt:
Mong toàn dân trong nước như ngoài nước cùng nhau đi tìm lại nguồn gốc Văn Hóa Việt: Đạo Việt của Đại Việt với Thờ Cúng Cha mẹ, với Thờ cúng Trời đất, Tổ tiên, Đất Nước, Đồng Bào…với Bà Thờ Ông Thiên, với Ơn Trời Đất, với Nghĩa Đồng Bào.
Hãy về Miền Tây đất Nam Kỳ chúng ta (tôi nói Nam Kỳ, chứ không nói Nam Bộ - vì Nam Kỳ do Nam Triều tức là Nhà Nguyễn ta gọi chứ không phải của Tây thuộc địa đặt tên đâu ! Tây thuộc địa nó gọi là Cochinchine. Tây không có chia đất nước ra làm ba miền như thiên hạ tưởng. Chính Nam Triều đã chia ra ba miền. Nam Kỳ Lục tỉnh đã có sẳn trong hành chánh Triều Nguyễn rồi.
Bằng chứng, Cụ Phan Thanh Giản, bị Nhà Nguyễn đổ thừa là làm mất ba tỉnh cuối cùng của Nam Kỳ!)
Hãy về miền Tây Nam kỳ của chúng ta, hãy tiếp xúc với các tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo để nhìn thấy người Hòa Hảo cúng kiến thờ phượng. Họ nhớ Ơn Tam Bảo Nhà Phật đã đành, nhưng họ cũng nhớ Ơn Tổ Tiên, ơn Cha mẹ, ơn Đồng bào, ơn Đất Nước gọi là Tứ Ơn. Kinh giảng sấm giảng bằng tiếng Việt dễ dàng cho mọi người dân Việt hiểu. Chữ Thánh Hiền Việt Nam phải là chữ Việt chứ không chữ Hán. Văn Hóa Đại Việt lễ nghi Đại Việt có đầy đủ Thánh Hiền không cứ chi mà phải mượn Khổng Tử, Mạnh Tử của Tàu.
Chừng nào chúng ta còn ca tụng Văn Hóa Khổng Mạnh, chừng nào chúng ta còn truyền tụng, kinh điển, đọc những Tam Quốc Chí, những Thủy Hử, chừng nào chúng ta còn diễn, còn giải, còn lấy những tích Tàu làm bài học thì dù có bao nhiêu lần đánh đuổi bọn xâm lược Tàu, chúng ta không dứt điểm được suy nghĩ, ý chí và giấc mộng của người Tàu là luôn luôn xâm chiếm nước ta, vì nước ta là đất Tàu đó thôi !
Để Kết luận:
Chúng ta phải có ý chí dứt bỏ thằng Tàu trong con người Việt của chúng ta, thì thằng Tàu mới không đòi chiếm đất Việt.
Lần nữa cám ơn anh Huỳnh Thanh Nhơn đã cho những giây phút tự hào qua những chiến thắng chống Tàu và chống bọn Hán ngụy “cỏng rắn chống gà nhà, rước Tàu vào nhà xâm chiếm quê hương”.
Trân trọng,
Viết năm xưa, hiệu đính năm nay.
Phan Văn Song