Sunday 28 January 2018

Joseph Stalin (1879 - 1953) Con Người Thép Của Liên Xô - Phạm Văn Tuấn


1/ Leon Trotsky.
Léon Trotsky
Buổi chiều ngày 20 tháng 8 năm 1940, Léon Trotsky tiếp một người trẻ mà ông đã quen biết từ lâu, tên là Frank Jackson, tại căn nhà của ông ở gần thành phố Mexico. Trời mùa hè tại xứ Mễ Tây Cơ rất nóng nực nhưng Jackson vẫn mặc một áo choàng dài. Sau một câu chuyện ngắn lúc 5 giờ 30 chiều, khi Trotsky quay người đi, chăm chú lục tìm vài giấy tờ thì Jackson rút từ trong áo choàng ra một chiếc búa sắc, bổ thẳng vào sau óc nhà Đại Cách Mạng Cộng Sản người Nga Trotsky. Nghe thấy tiếng la thất thanh, các cận vệ của Trotsky vội nhào tới, tóm chặt được kẻ sát nhân. Trong lúc gần bất tỉnh, Trotsky còn cố gắng bảo cận vệ: “Đừng giết nó. Hãy bắt nó khai”.


Léon Trotsky được chở ngay tới bệnh viện cấp cứu. Trong lúc hấp hối, ông đã thều thào lời cuối cùng: “Tôi sắp chết vì cú đánh của một kẻ sát nhân chính trị…  Hãy nói lại với bạn bè của chúng ta... Tôi tin chắc ở vinh quang... Hãy tiến lên...”.

Tin Léon Trotsky bị giết đã bay tới Joseph Stalin ở cách xa vài ngàn dậm. Kẻ sát nhân là một điệp viên của Liên Xô, theo lệnh của Stalin, đã lần theo dấu vết của Trotsky, đạt được sự tin cẩn và đã ám hại một kẻ dám thách đố quyền lực, đối đầu với nhà độc tài Nga tại Điện Kremlin, nhà lãnh đạo phong trào Cộng Sản Quốc Tế.

Léon Trotsky tham gia đảng Cộng Sản Bolshevik hơi trễ, vào tháng 6 năm 1917, nhưng là một con người thông minh, tháo vát và có tài, nên chẳng bao lâu đã trở nên một nhân vật thân cận với Lenin. Do biệt tài về quân sự, Trotsky đã tổ chức thành công đạo Hồng Quân, quét sạch các lực lượng phản cách mạng Bạch Vệ trong cuộc Nội Chiến Nga, đẩy lui các thế lực ngoại quốc gồm các nước Anh, Pháp, Nhật, Hoa Kỳ và Tiệp Khắc. Léon Trotsky đã từng nắm giữ chức Ủy Viên Ngoại Vụ và Ủy Viên Chiến Tranh. Ông là biểu tượng của tinh thần Cách Mạng Cộng Sản Nga, là lý tưởng của giới trẻ, đầy nhiệt huyết. Trotsky cũng tự hào về sự xuất sắc của mình, về lòng tận tụy đối với chế độ Cộng Sản, nhưng ông là một người thiếu niềm nở, thiếu lòng trắc ẩn đối với kẻ khác. Ông thường chỉ trích các kẻ kém thông minh, kém tận tụy hơn mình.


Vladimir Ilyich Lenin
Ngày 21 tháng 01 năm 1924, Vladimir Ilyich Lenin qua đời. Các đồng chí thân cận nhất của Lenin tụ họp tại Điện Kremlin để từ biệt lần cuối người Cha của cuộc Cách Mạng Cộng Sản Nga. Trong số các nhân vật của Bộ Chính Trị hay cơ quan điều hành Đảng Cộng Sản Nga, người ta thấy có mặt: Grigori Zinoviev, bí thư đảng của thành phố Petrograd, nơi mà sau này đổi thành Leningrad; Lev Kamenev, bí thư đảng của thành phố Moscow; Alexei Rykov, nguyên chủ tịch Hội Đồng Kinh Tế Tối Cao, Nikolai Bukharin, lý thuyết gia của Đảng kiêm Tổng biên tập (Editor-in-Chief) của tờ Sự Thật (Pravda) - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Liên Xô, và Joseph Stalin, Tổng Bí Thư Đảng. Một nhân vật sáng chói, rất quan trọng, lại không có mặt vào lúc quan trọng này: Léon Trotsky. Các bác sĩ điều trị trước đó đã yêu cầu Trotsky nghỉ ngơi tại tỉnh điều dưỡng Sukhumi, bên bờ biển Hắc Hải.

Léon Trotsky bị các đồng chí Bộ Chính Trị không ưa do cá tính và cũng do đường lối chính trị của ông. Hai năm về trước, nước Nga đã thực hiện được một phần công cuộc ổn định kinh tế bằng cách chấp nhận vài thay đổi nhỏ trong lý thuyết Cộng Sản, cho phép người dân dùng một hình thức tư bản ở tầm cỡ thấp. Đây là một số chính sách ôn hòa, được áp dụng sau cuộc Nội Chiến tàn phá, sau khi xã hội bị rối loạn. Các nhà lãnh đạo Bộ Chính Trị e sợ rằng Trotsky với bản tính cứng rắn, đầy lý tưởng, sẽ không chấp nhận bất cứ sự nhân nhượng nào về hình thức kinh tế tư bản, mà lại muốn thực hiện thật nhanh việc tập thể hóa nông nghiệp và quốc hữu hóa mọi kỹ nghệ quốc gia. Các nhân vật lãnh đạo chính quyền Nga kể trên muốn cùng nhau tước bỏ quyền hành của Trotsky trước khi ông này ra tay.

Để chứng tỏ Léon Trotsky thiếu quan tâm tới Đảng và Đất Nước, vắng mặt trong ngày lễ an táng Lenin trọng đại, Stalin đã gửi một điện văn cho vị Bộ Trưởng Chiến Tranh Trotsky trong đó có đại ý như sau: “Vì tình trạng sức khỏe của đồng chí, toàn thể Bộ Chính Trị nghĩ rằng đồng chí nên tiếp tục tĩnh dưỡng tại Sukhumi...  Vì lễ an táng nhằm ngày 26-1, đồng chí chắc sẽ không trở về kịp”. Thực ra, buổi lễ an táng đó được trù liệu vào ngày 27.

Léon Trotsky sinh năm 1879 tại Ukraine, có cha mẹ dòng dõi Do Thái với họ là Bronstein. Năm 1900, ông đã bị đi đầy tại Siberia vì các hoạt động cách mạng nhưng sau đó, ông đã vượt thoát ra khỏi nước Nga nhờ làm một thông hành giả mang tên Trotsky. Năm 1905, Trotsky tìm cách trở lại nước Nga nhưng rồi cũng phải bỏ chạy ra nước ngoài. Đầu năm 1917, Trotsky tới thành phố New York, Hoa Kỳ, làm chủ nhiệm tờ báo có tính xã hội tên là Novy Mir (Thế Giới Mới). Khi cuộc Cách Mạng Cộng Sản Nga bùng nổ, Trotsky trở về nước Nga, phục vụ Lenin, đã nắm giữ các chức vụ quan trọng như ủy viên ngoại giao, ủy viên chiến tranh, lãnh đạo Hồng Quân Liên Xô. Rồi khi Lenin qua đời, một cuộc tranh giành quyền lực đã xẩy ra giữa Trotsky và Stalin.

Năm 1929, Trotsky bị thua trước Stalin, phải bỏ nước Liên Xô, đi sống lưu vong và cuối cùng tới cư ngụ tại Mễ Tây Cơ. Trotsky đã viết ra nhiều cuốn sách, lên án chế độ cai trị của Stalin. Một số sách của Trotsky đã được dịch qua tiếng Anh như cuốn “Cuộc Cách Mạng bị phản bội” (The Revolutioln Betrayed-1937). Các cuốn sách khác gồm: “Bào chữa cho đường lối khủng bố” (Defense of Terrorism-1921), “Lenin” (1925), “Cuộc đời của tôi” (My Life-1930) và “Lịch sử Cuộc Cách Mạng Nga” (The History of the Russian Revolution-1932).

2/ Joseph Stalin.

Joseph Stalin
Stalin ra đời vào ngày 21 tháng 12 (theo lịch cũ) năm 1879 tại Gori, một thị trấn gần thành phố Tbilisi thuộc tiểu bang Georgia là một miền núi ở phía tây nam của nước Nga. Tên thật của Stalin là Iosif Vissarionovich Jughashvili. Ít người được biết về tuổi trẻ của Stalin. Cha của Stalin là ông Vissarion Ivanovich Jughashvili, một người thợ giầy, được lối xóm biết đến là một gã hay say rượu, thường đánh đập vợ con. Mẹ của Stalin là bà Ekaterina Ghedadze Jughashvili, một nông dân thất học, sùng đạo, làm nghề giặt quần áo để phụ giúp gia đình. Gia đình Jughashvili sống trong một căn nhà cũ, chật hẹp. Ba người con đầu đã chết sau khi sinh, nên Stalin là con duy nhất còn sống sót. Khi Stalin còn trẻ, người cha bỏ gia đình, tới ngoại ô thành phố Tbilisi, làm việc trong một xưởng đóng giầy rồi chết vào năm 1891. Cậu Iosif khi lên 6 hay 7 tuổi, đã bị bệnh đậu mùa khiến cho trên mặt có các đốm rỗ.

Do sự cố gắng của bà mẹ, năm 1888, Stalin được gửi theo học trong 5 năm tại một trường học nhỏ, thuộc nhà thờ tỉnh Gori. Stalin tỏ ra là một học sinh xuất sắc nên sau đó được học bổng, theo học một chủng viện tại thành phố Tbilisi vào tuổi 14. Tại nơi học mới này, Stalin giỏi về đọc sách, tranh luận và chăm chỉ, nhưng cũng được các bạn cùng lớp nhớ lại sau này là một con người ganh ghét, ít khi tha thứ cho kẻ nào chống đối lại mình.

Stalin đã theo học tại Chủng Viện của Nhà Thờ Chính Thống Giáo xứ Georgia và trong thời gian này, đã lén lút đọc các sách bị cấm đoán, nói về cuộc Cách Mạng Pháp, đã tìm hiểu nhiều truyện của Victor Hugo, mô tả các tình trạng xã hội của nước Pháp và đã đọc cả các tài liệu của Karl Marx, một nhà triết học xã hội cấp tiến người Đức. Vào thời kỳ này, có ít người biết tới lý thuyết cách mạng của Karl Marx nhưng các tập sách mỏng viết về Mácxít đã được các người lưu vong từ Moscow và St. Petersburg mang đến Tbilisi và các tỉnh nhỏ.

Nicholas II
Năm 1894, Sa Hoàng Alexander III qua đời, kế nghiệp là Sa Hoàng Nicholas II (trị vì 1894-1917), là người muốn tiếp tục các chính sách đàn áp bao gồm việc nghiêm ngặt kiểm duyệt báo chí, lùng bắt và hành hạ các nhà hoạt động chính trị, tước bớt quyền hành của chính quyền điạ phương, ngược đãi các sắc dân và tôn giáo thiểu số. Mặc dù nước Nga thời đó đã tiến bộ một phần nào về kinh tế và kỹ thuật nhưng không thể giải quyết được các vấn đề xã hội. Hàng triệu người thiếu ăn, nông dân đòi hỏi có thêm đất đai, giới công nhân tại thành thị bất mãn vì lương bổng thấp với giờ làm việc dài.

Năm 1898, Stalin tham gia vào nhóm cách mạng Mácxít bí mật trong tu viện và vào thời gian này, các tài liệu cộng sản được lén lút trao đổi tại nhiều loại trường học thuộc thành phố Tbilisi. Tháng 5 năm 1899, Stalin bị đuổi khỏi trường vì đã phổ biến các tư tưởng cách mạng. Sau khi rời khỏi Chủng Viện, Stalin xin được một chân thư ký tại đài Nghiên Cứu Vật Lý Địa Chất và trong vòng một năm, Stalin đã giúp công rất nhiều vào việc tổ chức cuộc biểu tình Tháng 5 gần Tbilisi để phản đối các tình trạng làm việc của công nhân. Tháng 3 năm 1901, mật vụ của Sa Hoàng đã lùng bắt một số người theo đảng xã hội tại Tbilisi và Stalin đã thoát khỏi cuộc bố ráp. Stalin đành từ bỏ việc làm, tham gia vào phong trào cách mạng Mácxít và để tránh bị bắt giữ, ông đổi tên là Koba, tên một vị anh hùng trong truyền thuyết của xứ Georgia.

Tháng 9 năm 1901, Stalin được đọc các bài cách mạng do Lenin viết ra nên cũng bắt chước, viết ra các bài báo có cùng quan điểm với Lenin cho tờ báo Mácxít của xứ Georgia có tên là Brdzola (Tranh Đấu). Tháng 11 năm 1901, Stalin được bầu vào Ủy Ban của Đảng Công Nhân Dân Chủ Xã Hội Nga (the Russian Social Democratic Workers Party). Stalin đã thực hiện nhiều hoạt động cách mạng bí mật tại miền núi Caucasus, dưới nhiều tên giả: David, Soso, Chiijikov, Nijeradze, Ivanovich. Ông ta cũng tổ chức được nhiều cuộc đình công của giới công nhân tại vùng mỏ dầu Batum, giúp công vào việc thiết lập một nhà in nhỏ tại nơi này và thành lập nhóm dân chủ xã hội.

Stalin bị bắt và bị tống giam vào năm 1902 vì các hoạt động cách mạng. Tháng 3 năm 1903, nhiều nhóm dân chủ xã hội của miền Caucasus đã hội họp lại để lập nên Liên Đoàn Xứ Caucasus (All-Caucasian Federation) và mặc dù Stalin vắng mặt, Liên Đoàn vẫn bầu Stalin vào ủy ban điều hành. Tháng 11 năm 1903, Stalin bị tống đi đầy tại Siberia và cũng vào năm 1903 này, Đảng Lao Động Dân Chủ Xã Hội Nga, nơi bao gồm nhiều tổ chức dân chủ xã hội, đã bị phân chia làm 2 nhóm chính: Lenin đứng đầu nhóm Bolshevik (có nghĩa là đa số), chủ trương kỷ luật chặt chẽ, rút ngắn giai đoạn tư sản, có ủy ban trung ương chỉ huy và ấn định các đường lối cùng kiểm soát mọi tầng lớp đảng viên, trái ngược với nhóm Menshevik (có nghĩa là thiểu số) do Martov điều khiển, cho rằng các nhà xã hội nên cộng tác với giới tư sản và mở rộng cửa đón nhận tất cả các cảm tình viên cũng như các người cấp tiến và dân chủ tư sản khác.

Tháng 1 năm 1904, Stalin vượt ngục từ Siberia, trở lại miền Tbilisi và tham gia vào nhóm Bolshevik. Trong thời gian từ 1904 tới 1905, Stalin đã tổ chức nhiều vụ đánh cướp ngân hàng hay các xe chở tiền và hành động này được Lenin coi là quan trọng, cần thiết cho các nhu cầu của Đảng mặc dù một số người Mácxít khác lại coi đó là các hành vi ăn cướp, không xứng đáng với nhà cách mạng xã hội. Stalin đã tham dự vào các đại hội của Đảng Dân Chủ Xã Hội Nga họp tại Tampere, London và Stockholm trong các năm từ 1905 và 1906, và chính tại Phần Lan, Stalin đã gặp gỡ Lenin.

Cũng vào thời gian này, Stalin kết hôn với Ekaterina Svanidze, người chị của một bạn học khi trước nơi Chủng Viện, và bà vợ này đã chết vì bệnh lao phổi vào năm 1907. Họ có một con trai tên là Jacob, sau này bị quân Đức bắt làm tù binh và chết trong thời kỳ Thế Chiến II. Trong khoảng từ 1906 tới 1913, ngoài các chuyến du hành ra nước ngoài ngắn hạn, Stalin dành phần lớn thời giờ cho phong trào cách mạng, cho việc tổ chức đảng tại tỉnh Baku. Ông cũng bị bắt nhiều lần, vượt ngục nhiều lần và đã ở tù 7 năm trong khoảng từ 1907 tới 1917.

Năm 1912, Stalin tới Crakow làm việc với Lenin và bà vợ của ông ta trong vài tháng rồi đến thành phố Vienna, theo một khóa học Mácxít liên quan tới vấn đề quốc gia. Kết quả của cuộc du khảo này của Stalin là cuốn sách nhan đề “Thuyết Mácxít và vấn đề quốc gia” (Marxism and the National Question). Cũng vào năm này, Stalin được chọn vào Ủy Ban Trung Ương của Nhóm Boshevik.
Sau khi từ Vienna trở về Nga, Stalin lại bị mật vụ của Sa Hoàng bắt được và bị đầy tới làng Turukhansk, thuộc Siberia, ở phía trên Cực Khuyên (the Arctic Circle). Stalin đã bị giam chặt tại nơi này cho tới cuộc cách mạng của Alexander Kerensky vào tháng 3 năm 1917, khi mọi tù nhân chính trị đều được trả tự do, Stalin trở về St. Petersburg. Cũng chính vào thời gian lưu đầy tại Siberia, ông lấy biệt hiệu là Stalin, hay Con Người Thép.

3/ Các năm đầu của chính quyền Xô Viết.
Năm 1917, bùng nổ Cuộc Cách Mạng Cộng Sản Nga. Stalin cùng với Lev Kamenev trở về thành phố St. Petersburg. Stalin là một đảng viên Bolshevik thâm niên. Vai trò của Stalin trong cuộc Cách Mạng Tháng 8 Nga không có gì đặc sắc so với Lenin và Trotsky nhưng sau chiến thắng, Stalin đã được cử làm Ủy Viên các Sắc Tộc (commissar of Nationalities). Chính trong chức vụ này, Stalin đã đàn áp thẳng tay các phong trào quốc gia của những dân thiểu số, kể cả sắc dân quê hương Georgia của ông ta, vì thế người dân nước Nga đã gọi Stalin là “tên đồ tể”.

Cuộc nội chiến tại nước Nga kéo dài từ 1918 tới 1921, là thời gian Stalin làm Ủy Viên Quân Sự (military commissar) tại mặt trận Tsaritsyn (Stalingrad) chống lại đạo quân Bạch Vệ, tại các mặt trận Ba Lan và tại nhiều trận tuyến khác, và Stalin đã tỏ ra là một nhà chiến lược và chiến thuật có khả năng đặc biệt.

Cũng vào năm 1918 hay 1919, Stalin cưới cô Nadezhda (Nadya) Alliluyeva, một thiếu nữ còn nhỏ tuổi, đã làm thư ký cho ông ta. Năm 1932, Nadya do thiếu thận trọng, đã cãi cọ với Stalin để bênh vực cho một phụ nữ bị tống xuất tới trại cải tạo dành cho các tù nhân chính trị, rồi sau đó, Nadya còn không tuân lệnh Stalin, đã trao đổi thư từ với một người bạn. Tất cả những người dính líu đến vụ liên lạc thư tín này đều bị hành quyết. Nadya tự sát vào ngày 7-11-1932. Với người vợ thứ hai, Stalin có một con trai và một con gái: con trai Vasily trở nên một tướng không quân, bị chết vì một tai nạn xe hơi sau khi Stalin đã qua đời. Người con gái tên là Svetlana, một cô giáo kiêm thông dịch viên tiếng Anh. Svetlana đã sang Hoa Kỳ năm 1967, dọn qua nước Anh năm 1982, trở lại Liên Xô năm 1984 và rồi lại quay về sống tại Hoa Kỳ năm 1986.

Năm 1919, Stalin đã đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng trong chính quyền và được chỉ định làm Ủy Viên Thanh Tra các Công Nhân và Nông Dân (commissar of the Workers and Peasants Inspectorate). Trong cơ chế đảng, Stalin đã leo dần lên các cấp bậc cao hơn, trở thành 1 trong 5 thành viên của Bộ Chính Trị và Ủy Ban Tổ Chức Đảng. Cũng chính trong thời gian của cuộc nội chiến, Đảng Lao Động Dân Chủ Xã Hội Nga được đổi tên thành Đảng Cộng Sản Nga (the Russian Communist Party). Năm 1922, Ủy Ban Trung Ương Đảng Cộng Sản đã bầu Stalin làm Tổng Bí Thư. Vào thời bấy giờ, chức vụ Tổng Bí Thư Đảng đã bị các đảng viên cao cấp và lão thành Nga coi thường, cho là chỉ xứng đáng với một viên chủ sự, giữ hồ sơ. Nhưng Stalin đã cố gắng giành lấy vai trò tầm thường đó vào lúc ban đầu, vì ông ta đã nhận ra được tiềm năng vô giới hạn về quyền lực của vai trò đó. Stalin bắt đầu xếp đặt các người tin cẩn vào các chức vụ then chốt trong đảng và chính quyền và những người này chỉ biết trung thành với Stalin.

Trong nhiều năm, Lenin đã đánh giá cao Stalin vì tài tổ chức, vì khả năng cắt giảm các thủ tục hành chính và phối hợp các cộng sự viên. Stalin còn được coi là một chính trị gia chuyên giải quyết các rắc rối, một tay “búa rìu” quen chặt bỏ những kẻ chống đối. Thế rồi, địa vị và vai trò của Stalin trong chính quyền và trong tổ chức đảng đã cho phép ông ta toàn quyền thao túng về hành chính, huấn luyện, thăng thưởng, bổ nhiệm chức vụ cũng như dùng các biện pháp kỷ luật. Cho nên mặc dù còn là một nhân vật chưa được nhiều người ngoài biết tới và ngay cả trong hàng ngũ đảng viên, nhưng Stalin đã có quyền hành tuyệt đối, chỉ sau Lenin.

Từ năm 1922, đảng Bolshevik đã thắng cuộc nội chiến và bắt đầu xây dựng lại đất nước Nga đã bị tàn phá. Các nhà lãnh đạo Cộng Sản Nga vào năm này đã lập nên một quốc gia mới, gọi là Liên Hiệp Các Nước Cộng Hòa Xã Hội Xô Viết (the Union of Soviet Socialist Republics) hay gọi tắt là Liên Xô (the Soviet Union). Tới tháng 5 năm 1922, Lenin bị tai biến mạch máu não khiến cho ông gặp khó khăn khi di chuyển, thì ảnh hưởng quyền lực của Stalin cũng lớn mạnh lên.

Trong khi sức khỏe của Lenin suy kém dần, thì chính quyền Xô Viết do tam đầu chế là Grigori Zinoviev, Lev Kamenev và Joseph Stalin điều hành. Vào lúc này, Lenin đã thấy rõ sự bất lực của tam đầu chế và tiềm năng quyền lực của Văn Phòng Tổng Bí Thư Đảng đang tăng dần. Tháng 12 năm 1922, Lenin đã viết ra một tài liệu, được coi là di chúc cuối cùng, gồm có đoạn sau: “Đồng chí Stalin đang trở thành Tổng Bí Thư Đảng đã tập trung vào trong tay quá nhiều quyền lực và tôi không tin chắc rằng đồng chí đó luôn luôn biết cách dùng quyền lực với đầy đủ thận trọng“. Tháng sau, Lenin thêm vào tài liệu kể trên câu viết: “Stalin thì quá tàn nhẫn... Tôi đề nghị các đồng chí tìm cách đưa Stalin ra khỏi chức vụ và chỉ định... một người khác... kiên nhẫn hơn, trung thành hơn, lễ độ hơn...”. Sau khi Lenin qua đời, lời dặn dò đó đã bị các nhân vật như Kamenev và Zinoviev cất giấu đi vì họ đang cần Stalin trong việc gạt bỏ Trotsky.

4/ Thanh toán các đối thủ.

Đài tưởng niệm nạn nhân của KGB tại Vilnius, Lithuania
Từ năm 1917, các người Bolshevik đã thành lập nên một tổ chức mật vụ được gọi tên là Cheka với cơ sở là nhà tù Lubyanka, với mục tiêu được công bố rõ ràng là dẹp tan tất cả các thành phần chống đối cách mạng trong xã hội Xô Viết. Rập theo khuôn mẫu của lực lượng mật vụ Okhrana của các Sa Hoàng, thường bắt giữ các nhà cách mạng rồi tống đi đầy mà không hề xét xử, tổ chức mật vụ Cheka trong 18 tháng đầu đã bắt giam hơn 90,000 người và hành quyết hơn 11,000 nạn nhân. Đây là một công cụ của chế độ đã được Stalin sử dụng một cách tàn nhẫn, khủng khiếp, cho các tham vọng cá nhân và để thỏa mãn căn bệnh hoang tưởng (paranoia) trước những kẻ chống đối. Tổ chức mật vụ của Liên Xô về sau còn mang các danh xưng là GPU, OGPU, NKVD, NKGB và KGB, và trong thời kỳ thanh trừng 1934-39, 15 triệu người bị bắt giữ, hơn 3 triệu dân Liên Xô đã chết trước các đội hành quyết, chết vì bị tra tấn không thương tiếc hay trong các trại tù cải tạo nằm rải rác nhiều nơi trên đất nước.

Trong hai năm 1922-24, Lenin, nhà lãnh đạo Cộng Sản Nga 54 tuổi, đã bị tai biến mạch máu não, nên đảng Cộng Sản và chính quyền Xô Viết do tam đầu chế Zinoviev, Kamenev và Stalin điều hành. Ngày 21 tháng 1 năm 1924, Vladimir Ilyich Lenin qua đời tại Gorki, gần thành phố Moscow. Trong đám tang của Lenin và với sự vắng mặt của Trotsky, Stalin đã cố gắng phô trương sự trung thành với Người Cha của Cách Mạng Cộng Sản Nga, đã tuyên bố trước báo chí Liên Xô: “Đồng chí Lenin, chúng tôi xin thề với đồng chí rằng chúng tôi sẽ không tiếc gì thân sống trong việc củng cố và bành trướng sự đoàn kết của những người lao động trên Thế Giới”. Sau đó, Stalin cùng với các người đồng minh tạm, tìm cách cô lập và loại Trotsky khỏi chính quyền.

Vào dịp Đại Hội Đảng kỳ thứ 13 tổ chức vào tháng 5 năm 1924, đã có các lời đồn về di chúc của Lenin, nhưng tam đầu chế, trong đó Stalin đã kiểm soát được Đảng, Quốc Gia và lấn át được Bộ Chính Trị, đã giữ kín bản di chúc kể trên, ngoại trừ một số ủy viên trung ương đảng có biết. Và khi đề cập tới lời nhận xét của Lenin trước Ủy Ban Trung Ương Đảng, Zinoviev đã nói rằng: “chúng tôi sung sướng mà nói rằng một điểm mà đồng chí Lenin e ngại, đã tỏ ra không có căn cứ. Tôi muốn nói điều nhận xét về đồng chí Tổng Bí Thư của chúng ta. Trong mấy năm qua, các bạn đã chứng kiến chúng tôi làm các công việc cùng với nhau, và giống như tôi, các bạn cũng vui lòng khi xác nhận rằng nỗi e ngại của đồng chí Lenin không thành sự thật”. Trong khi đó, Léon Trotsky đã không phản kháng việc che giấu di chúc của Lenin vì ông ta tin chắc rằng tam đầu chế do các đồng chí “loại hai” sẽ sớm bị sụp đổ.

Sau đó, Stalin, Kamenev và Zinoviev cùng đoàn kết lại, mở một mặt trận tuyên truyền chống Trotsky. Họ công bố các tài liệu trước Cách Mạng của Trotsky phản đối các chương trình Bolshevik của Lenin, coi đó là các bằng chứng chống lại Lenin. Chương trình phát triển nhanh kinh tế của Trotsky bị coi là “một cuộc phiêu lưu cánh tả”, sẽ sớm dẫn tới các thảm họa kinh tế. Tháng 1 năm 1925, Trotsky bị bắt buộc phải từ chức Bộ Trưởng Chiến Tranh.

Khi đã cô lập được Trotsky về chính trị, Stalin tìm cách gạt bỏ các đồng minh tạm, để một mình nắm giữ quyền lực. Các xung đột này một phần vì sự xung khắc cá tính, một phần vì sự tranh giành quyền lực và cũng vì các bất đồng chính trị tức là việc tranh luận giữa các cánh tả và cánh hữu của chủ nghĩa Bôn Xê Vích (Boshevism). Trong cuộc tranh cãi vào thời bấy giờ, Stalin đại diện cho cánh hữu của Đảng và cùng với lý thuyết gia Nikolai Bukharin, họ đã cảnh cáo các kẻ cách mạng phiêu lưu, đồng thời biện hộ cho các chính sách thận trọng hơn và kiên nhẫn hơn của Lenin, tức là chính sách kinh tế mới NEP (New Economic Policy).

Từ cuộc Cách Mạng Tháng 8 của Liên Xô, theo một kinh điển của giáo điều Cộng Sản thì sự thành công của chương trình Lênin-nít tùy thuộc vào cuộc cách mạng trên toàn thế giới, nhờ đó, các nền kinh tế tiến bộ hơn của các nước Tây Phương sẽ giúp công cho chế độ Xô Viết. Để theo đuổi mục đích này, Phong Trào Đệ Tam Quốc Tế hay Comintern được thành lập năm 1918, có mục đích đoàn kết lại các đảng cộng sản trên thế giới và hun đúc các cuộc cách mạng ngoại quốc. Những người tin tưởng nhiệt thành vào công cuộc cách mạng thế giới là Trotsky, Kamenev và Zinoviev, lúc đó đang là lãnh tụ của Phong Trào Đệ Tam Quốc Tế. Nhưng sau cuộc Thế Chiến Thứ Nhất, các cuộc nổi dậy Cộng Sản đã không xẩy ra thành công như dự liệu mà còn bị dập tắt như tại các nước Đức, Hungari và Trung Hoa. Năm 1925, Stalin từ bỏ hy vọng đặt vào các cuộc cách mạng cộng sản thế giới mà lại đề nghị chương trình “xã hội chủ nghĩa trong một quốc gia” (Socialism in One Country), một điều trái ngược với các ý kiến của Kamenev và Zinoviev.

Để lôi kéo các thành phần bảo thủ hơn trong Bộ Chính Trị, Stalin đã có được sự ủng hộ của các nhân vật: Mikhail Tomsky, lãnh tụ nghiệp đoàn; Nikolai Bukharin, lý thuyết gia của Đảng và Alexei Rykov, chủ tịch của Hội Đồng Các Ủy Viên Nhân Dân (the Council of People’s Commissars). Chủ trương của Stalin cũng hấp dẫn được quần chúng vì cho rằng chỉ một mình Liên Xô, cô đơn và không được trợ giúp, cũng có thể xây dựng nên một xã hội mới, dùng làm ngọn hải đăng cho thế giới. Kamenev và Zinoviev đã chống lại chủ trương cô lập này nhưng rồi vào cuối năm 1925, họ đã bị bất lực trước tập đoàn các nhà lãnh đạo mới gồm Stalin, Rykov, Bukharin và Tomsky. Tới lúc này Zinoviev và Kamenev mới thấy rõ con người của Stalin, bèn tìm cách hợp tác với Trotsky để giành quyền lãnh đạo, nhưng đã quá muộn. Cả 3 nhân vật chống đối đã bị loại ra khỏi Đảng. Trotsky phải bỏ xứ, đi sống lưu vong vào tháng 1-1929 còn Kamenev và Zinoviev về sau, được phép hối lỗi và được chấp thuận tạm thời trở lại Đảng.

Sau khi đã đẩy được Trotsky ra khỏi nước và khiến cho hai đối thủ kia phải im hơi lặng tiếng, Stalin mới quay trở lại tấn công Bukharin, Rykov và Tomsky. Trước kia, Stalin thường chế giễu và chỉ trích các chương trình kỹ nghệ hóa và tập thể hóa nông nghiệp của Trotsky, thì vào năm 1928, Stalin lại nhận các chương trình đó là do mình sáng tạo ra. Bukharin, Rykov và Tomsky bèn đả phá Stalin trong Bộ Chính Trị, cảnh cáo rằng tập trung nền kinh tế vào kỹ nghệ nặng sẽ làm tổn hại tới việc sản xuất ra các sản phẩm tiêu dùng, sẽ gây chống đối trong giới công nhân, và việc tập thể hóa nông nghiệp sẽ làm cho nông dân đói ăn và nổi loạn.

Thế rồi trong các cuộc bỏ phiếu, các người trung thành với Stalin đã loại ba nhân vật kể trên ra khỏi các chức vụ then chốt. Tới lúc này, Stalin đã hoàn toàn loại được tất cả các kẻ chống đối ra khỏi Đảng. Stalin đã trở nên một nhà độc tài, kiểm soát tất cả Đảng, Quốc Gia và toàn thể khối Cộng Sản Quốc Tế. Stalin đã cai trị một cách tuyệt đối đất nước Liên Xô gồm 160 triệu dân, các kẻ không theo đúng đường lối của Đảng đều bị bắt, bị đưa đi lưu đầy trong các trại lao động cải tạo, đồng thời các cơ quan thông tin tuyên truyền cộng sản cũng không ngừng mô tả Stalin là “Lenin của ngày nay”, “một thiên tài, một vị cứu rỗi, một vị thánh sống”.

Vào ngày 21 tháng 12 năm 1940, ngày sinh thứ 60 của Stalin, 450 nhà văn gồm các nhà trí thức, các nhà báo, các sinh viên… đã tề tựu tại nơi sinh của Stalin, “một căn nhà nhỏ tại Gori”, để tìm hiểu, làm thơ phú và viết bài ca tụng Stalin. Cơ quan điện ảnh Tiflis cũng khởi đầu quay một cuốn phim nói về cuộc đời của vị Lãnh Tụ để trình chiếu tại mọi nẻo đường của đất nước Liên Xô.

Cũng tại Liên Xô, đã phát hành 1 triệu cuốn sách kể lại tiểu sử của Stalin do Chủ Tịch Mikhail Kalinin viết. Ngoài ra còn đang in loại sách vẽ nhà Lãnh Tụ bởi Ủy Viên Quốc Phòng Kliment E. Voroshilov và Ủy Viên Nội Vụ Laurentius Pavlovich Beria. Trong số báo “Sự Thật” (Pravda) 12 trang do cơ quan thông tin của Đảng Cộng Sản Moscow phổ biến, chỉ có một cột không đề cập tới Stalin. Bài tham luận của số báo này, với tiêu đề “Stalin của chúng ta” (Our Own Stalin), đã viết: “Các công nhân kim khí tại Detroit, các người thợ đóng tầu của Sydney, các nữ nhân viên thuộc các nhà máy dệt Thượng Hải, các thủy thủ trên bến cảng Marseille, các nữ nông dân Ai Cập, các nhà nông Ấn Độ bên bờ sông Ganges - tất cả đều nói đến Stalin với lòng yêu mến. Stalin là niềm hy vọng về tương lai của các công nhân và nông dân trên toàn Thế Giới”. Và các người Cộng Sản thường khoe khoang rằng Liên Xô từ nay là một nước dân chủ nhất trên địa cầu.

Vì danh dự của Stalin, Hội Đồng các Ủy Viên Nhân Dân đã lập ra 29 giải thưởng hạng nhất hàng năm, trị giá mỗi giải 100,000 đồng Rúp (20,000 mỹ kim) để tặng cho các thành quả phát minh về Khoa học, Y khoa, Luật pháp, Kịch nghệ, Khoa học Quân sự… đồng thời 4,150 Học Bổng Stalin cũng được công bố. Cũng vào lúc này, Chủ Tịch Đoàn của Xô Viết Tối Cao đồng thanh trao tặng “Đồng Chí Stalin” Huy Chương Lenin với danh hiệu “Anh Hùng Lao Động Xã Hội Chủ Nghĩa” (Hero of Socialist Labor).

Các lời tuyên truyền, đề cao của Liên Xô mô tả Stalin là một con người to lớn, oai vệ, nhưng thực ra, ông ta là một người có tầm vóc thấp lùn (short stature), mang các nét nhân chủng của giống người Transcaucasian: tóc đen, mắt đen, sọ ngắn, mũi lớn. Cá tính của Stalin khác thường: ông ta là một con người thô lỗ, tàn ác và trong một số trường hợp, mang tính hoang dã (primitive). Sự đa nghi, giảo quyệt và hay trả thù một cách tàn bạo của ông lên tới cao độ của bệnh hoang tưởng (paranoia).

Ngay từ thời mới hoạt động cách mạng, các đồng chí của Stalin đã nghi ngờ người bạn của mình giao nạp tên tuổi các đồng chí cho Mật Vụ của Sa Hoàng để đổi lấy sự giải thoát. Là một con người thích khoa trương và không có duyên, các lời phát biểu và bài diễn văn của Stalin đọc lên nghe giống như các sách dạy giáo lý, thiếu sức mạnh và lý luận của Lenin, nhưng trong cách tranh luận của Stalin lại chứa đựng tính phản kháng một cách khủng khiếp. Stalin là một nhân vật có năng lực rất lớn và một khả năng ghi nhớ từng chi tiết. Bằng quyền lực và khủng bố, Stalin đã tạo nên một hệ thống chính trị mới mà xưa nay chưa từng thấy với các đặc tính: kiểm soát bằng công an, tập trung quyền hành vào trung ương và độc tài cá nhân. Các sử gia cho rằng chế độ Stalin là một trong các dẫn chứng xấu xa nhất của thể chế độc tài.

5/ Kế hoạch 5 năm và thời kỳ thanh trừng.
Chính sách của Stalin đã được Đại Hội Đảng kỳ thứ 14 chấp nhận năm 1925, tới năm sau, Stalin đã hoàn toàn kiểm soát được chính quyền, rồi từ năm 1928, Stalin đã bắt đầu kế hoạch 5 năm nhằm phát triển kinh tế. Stalin tuyên bố: “Chúng ta ở sau các nước tiên tiến từ 50 tới 100 năm. Chúng ta phải đốt khoảng cách này trong 10 năm”. Chính quyền bắt đầu loại bỏ các cơ sở tư doanh, phá vỡ hệ thống gia đình, con cái được dạy dỗ phải tố cáo cha mẹ với công an và mỗi người dân phải rình rập những người lối xóm. Công an chìm được cài vào mọi cơ sở kỹ nghệ, nông nghiệp, hành chính, giáo dục … Kỹ nghệ chú trọng vào việc chế tạo các máy móc nông nghiệp và công nghiệp, trong khi việc sản xuất thực phẩm, quần áo và các đồ gia dụng bị coi nhẹ.

Kế hoạch 5 năm của Stalin được tập trung vào kỹ nghệ nặng, đặc biệt là than, thép, điện khí hóa và kỹ thuật hóa. Các trung tâm kỹ nghệ lớn được thiết lập tại miền núi Urals và miền Siberia. Ngoài các thành phố mới thành lập nổi tiếng như Magnitogorsk của miền Urals, Kuznetsk thuộc miền Siberia, còn có các khu kỹ nghệ khác như Krivoy-Rog, Kurk và Gornaia-Shorii chuyên về mỏ sắt, Krasnoiarsk, Irkutsk và Novosibirsk chuyên về thép và kỹ nghệ nặng, Frunze, Pavlodar và Omsk sản xuất máy nông nghiệp… Các đập nước lớn cũng được xây dựng như đập thủy điện Dnieprostroy trên sông Dnieper.

Hàng triệu công nhân bị chuyển tới các khu xây dựng này, kể cả các tù nhân cải tạo thường xuyên bị canh gác bởi công an, họ phải làm các đường lộ, đường xe lửa, đào kênh, xây nhà máy... Hoàn cảnh làm việc của công nhân và nông dân không đủ ăn, không đủ mặc, rất gian khổ, chẳng hạn các công nhân tại miền thảo nguyên Siberia phải thức dậy lúc 6 giờ sáng, làm việc trong thời tiết lạnh 45 độ âm. Các chỉ tiêu được đặt ra cho mọi ban ngành và khi không đạt được các mức ấn định đó thì giới công nhân không có ăn và giới quản lý bị hạ tầng công tác hoặc bị tù đầy, còn các nơi vượt chỉ tiêu chỉ được đền bù bằng các lời khen thưởng miệng, hoặc các mảnh giấy chứng nhận.

Sau khi Stalin ra lệnh tập thể hóa nông nghiệp năm 1925, 25 triệu nông trại tư bị chấm dứt hoạt động; nông cụ, gia súc… đều bị tập trung vào các nông trường tập thể, mỗi nông trường đều có chỉ tiêu sản xuất và nông dân chỉ được hưởng những gì bên ngoài chỉ tiêu đó. Khi đó, các nông gia giàu có, tên gọi là Kulaks, đã chống lệnh và phản kháng nhà nước, đã phá hủy vào khoảng một nửa hoa màu và giết hại gia súc, gây nên nạn đói cho 5 triệu nông dân tại nhiều nơi. Để trừng phạt, Stalin đã tống khoảng một triệu gia đình đi lưu đầy tại các vùng đất hoang vu hay trong các trại cải tạo lao động. Nền kinh tế Liên Xô tiến bộ bằng sự trả giá của hàng triệu mạng sống.

Tới năm 1930, Stalin đã dùng chính sách “Nga hóa” (Russification). 174 sắc dân trên đất nước Liên Xô đều bị chính quyền Cộng Sản kiểm soát chặt chẽ. Năm 1939, Liên Xô chiếm đóng một phần lớn nước Ba Lan. Năm 1940, quân đội Xô Viết tràn qua xâm lăng các nước vùng biển Baltic: Estonia, Latvia và Lithuania, thiết lập lên các chính quyền cộng sản tại các nước này, tiêu diệt giới trung lưu và sáp nhập họ vào Liên Bang Xô Viết, khiến cho khởi đầu từ 4 nước cộng hòa, sau Thế Chiến II, Liên Xô đã bao gồm 15 tiểu bang.

Do sự hy sinh của hàng triệu nhân mạng, Liên Xô dưới thời Stalin đã được kỹ nghệ hóa, thành thị hóa với tốc độ khá cao và vào năm 1935, trở thành quốc gia kỹ nghệ đứng hàng thứ hai trên thế giới. Về mặt ưu điểm, các chương trình kinh tế chỉ huy của Liên Xô đã mang lại công việc làm ăn cho mọi người, các sản phẩm công nghiệp gia tăng, nạn mù chữ bị thanh toán, việc giáo dục phổ thông và đại học được cung cấp miễn phí, các chương trình bảo hiểm được tiến hành, phụ nữ được phần nào bình đẳng với nam giới. Các ngành Khoa học, Y khoa, Văn hóa… có phát triển nhưng các văn sĩ, nhạc sĩ, nghệ sĩ, học giả... chỉ được quyền ca ngợi Đảng Cộng Sản, ca ngợi các anh hùng của nước Nga quá khứ và như vậy, họ bị chỉ đạo sáng tác theo nhu cầu của Đảng.

Stalin cũng làm thay đổi ý thức hệ Cộng Sản, biến thành một thứ giáo điều cứng ngắc trong tu từ khoa trương Mácxít-Lêninnít. Stalin đã đổi các tư tưởng cách mạng thành lý thuyết thuần quốc gia, độc đoán và bảo thủ, giảng dạy kỷ luật tuyệt đối, sự vâng lời và lòng tôn sùng quá khứ của nước Nga cổ. Tuy bằng các lời nói thường xuyên ca tụng mục tiêu cách mạng của Karl Marx và Lenin, Stalin vẫn tìm cách liên lạc với các quốc gia tư bản trong khi đó, các vấn đề quốc tế đã làm cho hệ thống cai trị Stalin trở nên cô lập.

Từ năm 1934, cuộc thanh trừng nội bộ của Stalin bắt đầu với vụ ám sát một đồng chí thân cận là Sergei Kirov, bí thư đảng của thành phố Leningrad, một nhân vật có thể thay thế Stalin. Kirov là người đã từng gọi Stalin là “Vị Lãnh Tụ lớn lao nhất của mọi thời đại và mọi quốc gia” (the greatest leader of all times and all nations). Tội lỗi của vụ ám hại này được đổ cho Trotsky, một kẻ bị lưu đầy, chủ mưu, và cũng kể từ lúc này, các kẻ thù của Stalin, bất kể các định hướng chính trị, đều được gắn nhãn hiệu Trốt-kít (Trotskyites). Stalin cho viết lại lịch sử về cuộc Cách Mạng Cộng Sản Nga, đề cao các đóng góp của Stalin và bôi tên Trotsky khỏi các sách giáo khoa. Bằng các chứng cớ giả, Stalin tố cáo Trotsky, một người tận tụy với lý tưởng Cộng Sản, là đã thông đồng với nhà độc tài Quốc Xã Adolf Hitler và bọn quân phiệt Nhật để làm hại Liên Xô. Nhiều đối thủ của Stalin, kể cả Kamenev, Zinoviev, Rykov, Bukharin... và những kẻ chỉ bị nghi ngờ, đều bị bắt giam và hỏi cung bởi cơ quan mật vụ NKVD rồi sau đó, bị xét xử và với sự kinh ngạc của thế giới, những người này đều thú nhận đã tham gia vào các âm mưu Quốc Xã - Trotsky để lật đổ chế độ cộng sản tại Liên xô. Năm 1936, Zinoviev và Kamenev bị kết tội phản bội và đều bị xử bắn. Tomsky cũng bị ra tòa và phải tự sát. Năm 1938 tới lượt Rykov và Bukharin chết trước đội hành quyết. Nhiều cựu đồng chí của Lenin đã được ân sủng bằng một phát đạn vào sau óc.

Cuộc thanh trừng của Stalin không chừa một thành phần nào trong xã hội Liên Xô, và Hồng Quân cũng chịu chung số phận. Từ ngày 31 tháng 5 năm 1937, các thanh trừng bắt đầu: chưa đầy 2 tuần lễ, 8 vị tướng lãnh cao cấp, kể cả Tổng Tham Mưu Trưởng, Nguyên Soái Tukachevsky, đã bị kết tội và bị xử bắn. Rồi phần lớn nhân viên Hội Đồng Chiến Tranh Xô Viết (the Soviet War Council) cùng với 30,000 sĩ quan đã bị bắt, bị sa thải, vô số quân nhân bị thanh toán.

Trong số 1,966 đại biểu của Đại Hội Đảng lần thứ 14 năm 1934, 1,108 người đã bị tống giam, một số bị giết. Ủy Ban Trung Ương Đảng năm 1934 gồm 139 nhân vật, 98 người cũng bị bắt và bị bắn bỏ. Hơn một triệu rưỡi đảng viên bị loại ra khỏi Đảng và có lẽ, có tới 5 phần trăm dân số Liên Xô đã từng bị bắt giữ, hơn 8 triệu dân bị đưa đi các trại cải tạo lao động. Sau tiếng gõ cửa vào ban đêm, toán công an thường dẫn đi mất tích nhiều người thân trong gia đình. Không ai cảm thấy an toàn, dù cho quá khứ có thành tích cách mạng hay có tư tưởng trong trắng. Nhà soạn nhạc lừng danh người Nga tên là Sergei Prokofieff đã phải nói rằng: “Ngày hôm nay, mọi người phải làm việc. Chỉ có việc làm, một thứ cứu rỗi” (Today one must work. Work’s the only thing, the only salvation).

Stalin đã là hiện thân của các bạo chúa trong lịch sử nước Nga, là một “Ivan kinh khủng mới” (a new Ivan, the Terrible). Khi thăm viếng căn phòng trong điện Kremlin mà trước kia Sa Hoàng Ivan IV ngồi coi các kẻ thù bị hành quyết, Stalin đã phải nói rằng: “Ivan khủng khiếp có lý. Bạn không thể cai trị nước Nga mà không dùng tới Mật Vụ”.

Trong xã hội cộng sản Liên Xô, ngành Mật Vụ (the secret police) rất được ưu đãi vì là một công cụ cần thiết và đắc lực của chính quyền nhưng trong 5 tên trùm mật vụ trong khoảng các năm từ 1917 tới 1956, 4 tên cũng bị Stalin giết, chỉ có Felex Dzenzhinsky được chết một cách tự nhiên. Có người cho rằng Stalin là một sản phẩm không thể tránh khỏi của chế độ Cộng Sản Bôn-Xê-Vích, do sự chuyên chế của giai cấp vô sản, với các hành động tàn bạo giống như của “con lợn” được mô tả trong cuốn truyện “Trại Súc Vật” (the Animal Farm) của George Orwell.

6/ Stalin và Thế Chiến II.
Vào cuối thập niên 1930, Hitler đã sẵn sàng chinh phục châu Âu. Các nhà lãnh đạo Liên Xô bèn tìm cách ký kết các hiệp ước quân sự với người Anh và người Pháp để chống lại quân đội Đức nhưng sự việc đã không thành. Tới ngày 23-8-1939, Đức và Liên Xô bỗng nhiên ký một hiệp ước bất tương xâm và với một phần của hiệp ước được giấu kín, Hitler và Stalin đồng ý chia đôi nước Ba Lan. Ngày 1 tháng 9 năm 1939, quân Đức tiến vào Ba Lan. Ngày 3-9, hai nước Anh và Pháp tuyên chiến với nước Đức. Nước Ba Lan sụp đổ, phần phía tây rơi vào tay quân Đức còn Liên Xô chiếm phần phía đông. Ngày 28-9, Liên Xô và Đức ký một thỏa ước phân định ranh giới trong việc chia cắt nước Ba Lan rồi tới ngày 30-11-39, Liên Xô đưa quân qua chiếm Phần Lan.

Tháng 12 năm 1940, Hitler dự trù tấn công Liên Xô. Thủ Tướng Anh, ông Winston Churchill, và Tổng Thống Hoa Kỳ Franklin D. Roosevelt đã báo cho Stalin rõ các dự tính xâm lăng kể trên nhưng Stalin vẫn không tin các lời báo động, dù cho cũng có các tin tình báo của chính Liên Xô.

Từ giữa thập niên 1930, Stalin đã đích thân điều hành mọi hệ thống chính quyền, kể cả chính trị và kinh tế cho tới tháng 5-1941, ông mới chính thức là Thủ Tướng, nắm giữ Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng. Tháng 6 năm đó, quân đội Đức Quốc Xã xâm lăng Liên Xô. Mặc dù Liên Xô đã có hai năm để chuẩn bị chiến tranh, nhưng quốc gia này vẫn chưa sẵn sàng chiến đấu. Liên Xô thiếu hẳn các sĩ quan có kinh nghiệm vì cuộc thanh trừng trong giới quân đội của Stalin và Hồng Quân cũng thiếu thốn võ khí, quân trang...

Tháng 10 năm 1941, quân đội Đức tiến tới gần thành phố Moscow. Nhiều văn phòng chính phủ phải di tản tới Kuybyshev (ngày nay là Samara) nhưng Stalin vẫn ở lại thành phố Moscow để làm tăng tinh thần chiến đấu của binh sĩ. Cuối cùng, vào mùa đông năm 1941-42, quân đội Liên Xô đã đánh bại quân đội Đức và danh tiếng của Stalin vang lừng.

Stalin - Roosevelt - Churchill
Tháng 3 năm 1943, Stalin điều khiển cả quân đội và mang danh hiệu Thống Chế (Marshal). Cuối năm đó, 3 nhân vật lãnh đạo 3 nước Hoa Kỳ, Anh và Liên Xô họp tại Teheran là Tổng Thống Hoa Kỳ Franklin F. Roosevelt, Thủ Tướng Anh Winston Churchill và Thống Chế Stalin. Rồi về sau năm 1945, lại họp tại Yalta trong vùng Biển Crimea để thảo luận về cách chiếm đóng nước Đức, phân chia chiến lợi phẩm và sáp nhập vào vùng ảnh hưởng các phần đất đai ở giữa các dòng sông Oder và Neisse.

Tới khi quân Đức bị quân Đồng Minh đánh bại, Stalin tìm cách cắt bớt mọi liên lạc giữa Liên Xô và Thế giới Tự do, và đưa quân chiếm các nước thuộc phía đông của châu Âu: Bungari, Tiệp Khắc, Hungari, Rumani và phần phía đông của nước Đức. Cũng từ nay bắt đầu cuộc Chiến Tranh Lạnh.

Năm 1948, Stalin trục xuất nước Nam Tư ra khỏi khối Cộng Sản Cominform (the Communist Information Bureau) và phong tỏa thành phố Berlin. Trong 11 tháng, các nước tây phương đã phải dùng cầu không vận, tiếp tế lương thực cho dân chúng thành phố này. Rồi cuộc chiến tranh Triều Tiên xẩy ra năm 1950, kéo dài trong 3 năm. Quân đội Bắc Triều Tiên đã được Liên Xô yểm trợ.

Joseph Stalin qua đời ngày 5 tháng 3 năm 1953 vì tai biến mạch máu não. Xác của nhà độc tài đỏ được ướp và đặt nơi Công Trường Đỏ. Sau đó, tại Liên Xô đã có các cuộc tranh luận về công và tội của Stalin. Trong kỳ Đại Hội Đảng lần thứ 20 vào tháng 2 năm 1956, Thủ Tướng Liên Xô là Nikita Khrushchev đã nói trước Đại Hội Đảng trong ba giờ, lên án Stalin, coi Stalin là “kẻ thù của nhân dân”, tố cáo Stalin là một bạo chúa, ưa thích đề cao cá nhân, ngụy tạo lịch sử, dùng mọi cách khủng bố vì luôn luôn nghi ngờ các đồng chí của mình: “ở mọi nơi, ông ta đã nhìn thấy mọi người là các kẻ thù, các kẻ hai mặt và các gián điệp“.

Nhưng việc đả phá hình ảnh của Stalin đã bị ngưng lại khi các phương pháp đàn áp của Stalin lại được Liên Xô dùng để dẹp tan cuộc nổi dậy của người dân Hungari vào năm 1957. Năm 1961, tại Đại Hội Đảng Cộng Sản Xô Viết lần thứ 22, công việc lên án Stalin lại được tiếp tục. Người Nga đã mang xác của Stalin ra khỏi Công Trường Đỏ và gạch tên Stalin khỏi các đường phố, các nhà máy, các công viên... Thành phố Stalingrad cũng được đổi thành Volgograd.

Mặc dù Stalin đã qua đời và bị lên án nặng nề ngay tại Liên Xô từ năm 1956, đường lối cai trị cứng rắn, tàn bạo và quỷ quyệt của Stalin, được gọi là Stalinnít, vẫn còn được các quốc gia cộng sản sử dụng, như tại Cuba, Trung Cộng, Bắc Triều Tiên và Việt Nam.


Phạm Văn Tuấn