Tuesday 23 January 2018

Vài từ nói chuyện của dân miền Nam

Bài viết ngăn ngắn nầy nhắc lại một vài tiếng nói quen thuộc miền Nam. Tiếng mình nói khi còn thơ ấu đến lúc trưởng thành, nó tiềm tàng trong cốt não, khi có dịp dở lại trang sách cũ hay vào trang mạng ngày nay, tiếng nói đó nó gợi lại đời sống kỷ niệm năm nào, khơi dậy cái đạo lý, tập tục dính liền với lời nói hàng ngày đó. Qua nhiều năm sống trên đất lạ quê người mấy ai mà đôi khi không cảm thấy mình lạc loài, bơ vơ hơn Hạ Tri Chương trong “Hồi Hương Ngẫu Thư”: “cười rằng ông đó mình ên. Quê ông đâu hả? lênh đênh xứ nầy!”. Nhắc lại lời nói năm xưa, vơi nỗi nhớ, hương tình dĩ vãng.

Bán nước, mua nước.

Mãi đến thập niên 1950 ở Saìgòn vùng Bào Sen, Chợ Quán vẫn chưa có nước máy dẫn tới nhà. Người ta xài nước giếng để tắm gội, giăt rửa hàng ngày. Còn cơm nước thì dùng nước mưa chứa trong lu, khạp, hay thùng phi để xài quanh năm. Những năm mùa khô kéo dài, mưa trễ, giếng nước trong xóm cạn vét thì dân gánh nước phong tên (fontaine) ở đường Trần Bình Trọng, trước nhà thờ Chợ Quán, mang về xài.

Lúc đó nước phong-tên nhiều phèn phải khuấy với phèn chua để lắng trong mới xài được. Khi nấu sôi, châm trà, nước pha trà mà có màu đen thì nước phèn dù có lắng trong cũng không dùng trong cơm nước được. Bà con trong xóm hàng tuần mang thùng 20 lít ra đầu xóm, sắp hàng chờ xe nước ngọt đến để đổi nước. Một đôi nước, 2 thùng 20 lít, thì đổi lấy hai đồng. Có lần mùa hè, khi chơi đầu xóm, tôi thấy xe nước quẹo từ đường Nguyễn Trãi vô ngỏ, tôi hớt hải chạy về nhà “Má ơi xe nước tới rồi, lấy thùng đi mua nước… má…” Má tui cười khì “con ơi mình đi đổi nước ngọt mà uống chớ không ai bán nước đâu con…” Trong Nam người ta ý tứ không nói, mua nước, bán nước mà chỉ nói lấy tiền đổi nước. Sau nầy lớn lên tôi mới biết người miền Nam kiêng cử lời nói không lành như... bán nước. Chỉ dùng tiếng “bán nước” khi đề cập đến bọn mãi quốc để vinh thân phì gia.

Cái ý tứ trong tiếng nói miền Nam còn thấy thể hiện qua xưng gọi người làm, người giúp việc trong nhà. Người miền Nam tránh gọi người giúp việc trong nhà là người làm, hay đứa ở đợ, con đầy tớ mà gọi là “bạn”, người ăn, người ở, hay bầy trẻ (thời Xuân Thu Chiến Quốc bên Tàu, có Bình Nguyên Quân (nước Triệu), Mạnh Thường Quân (nước Tề) trong nhà bao giờ cũng có mấy ngàn thực khách, đó là người ăn, người ở). Thành ngữ miền Nam “ăn ở cho có đức có nhơn”, nói lên đời sống đạo lý miền Nam, tránh lời nói việc làm tổn đức.

Gẫy gánh, chắp nối.


Miền Nam khi xưa vợ chồng là trăm năm, vì vậy ai mà chết vợ, chết chồng, thì người ta nói gẫy gánh giữa đường, đường đời vợ chồng chưa đi chung hết mà đã gẫy gánh. Đòn gánh một khi đã gẫy thì làm sao mà gánh đi hết cuộc đời. Vì vậy có từ chấp nối. Người vá chồng kẻ vá vợ tìm nhau, chấp nối cái gánh mình đã gẫy để đi hết cuộc đời còn lại. Nhắc đến đàn bà vá tôi nhớ câu chuyện đời má tui có kể là hồi xưa có ông đồ về già ông mới cưới vợ, ông cưới con gái (ý nói là vợ ông còn con gái khi cưới, khác với đàn bà đã biết mùi đàn ông). Bạn bè cắc cớ hỏi tại sao ông không kiếm đàn bà vá, xồn xồn, để người ta lo cho ông miếng cơm, chén thuốc lúc tuổi già, lo việc chợ búa, trước sau trong nhà? Ông nghiêm nghị trả lời gọn hơ là ông không làm chuyện ngược đạo lý đó được, phải để cho người ta thủ tiết. Kể xong má tui cười khì, “mấy ông già xưa, cay hơn gừng già, lời nói chơn giả, thiệt hư mấy phần có trời mà biết”. Sau nầy tôi có biết là cuộc đời ông Trần Phong Sắc cũng có giai thoại như vậy. Không biết đây là câu chuyện của hai người khác nhau hay là cùng một người mà ra?

Khi ly dị vợ thì nói để vợ. Để vợ lại không dắt đi trọn cuộc đời nầy (tiếng nầy từ khi lớn lên cho tới tuổi sồn sồn, tui không nghe ai nói đến nữa, mà thay vào đó tiếng “bỏ vợ”, không biết ở đồng quê miền Nam, ông già bà cả có còn nói không?). Sinh lý tự nhiên trong con người khi mắc ỉa, mắc đái hay mắc nghẹn, mắc cười…, người ta phải tìm chỗ nào đó mà giải quyết ngay, đi cầu đi kì hay uống nước, chớ không nín, không để lâu được. Cũng vậy đạo lý miền Nam là khi thiếu nợ ai thì nói tui mắc nợ. Mắc nợ như mắc ỉa mắc đái. Mắc cái nợ thì phải trả chớ để nó ứ đó thì người ta thấy nó anh ách trong người, khó chịu, khó ở đời. Trong Nam người đàng hoàng rất sợ thiếu nợ, mắc nợ thì phải trả vì không muốn để nợ đó mà trả kiếp sau. Thành ngữ trong Nam có câu, “Kiếp nầy không trả, trả kiếp sau”. Nhất là mắc nhau cái nợ tình yêu, thề non hẹn biển không thành thì “xin hẹn lại kiếp lai sinh” mà trả nhau cái nợ tình đó.

Nhà thương

Dân Sài Gòn chắc hẳn còn nhớ các tên nhà thương như nhà thương Chợ Rẫy, nhà thương Chợ Quán, Bình Dân, Nguyễn Văn Học, Từ Dũ, Hùng Vương hay nhà thương Hồng Bàng… Dân miền Nam ít khi gọi nhà thương là bệnh viện. Ở Sàigòn đôi lúc tôi có nghe người ta gọi nhà thương là bệnh viện, như bệnh viện Chợ Rẫy…những người đó không phải là dân gốc cố cựu miền Nam, thường là dân di cư năm 54. Đó là những nhà thương công, (mấy danh từ tương tự còn có trường công, công viên, công chức làm việc cho nhà nước, chánh phủ, trào ông Diệm còn gọi Thiên Chúa giáo là Công giáo, đạo của nhà nước chăng?) mà bệnh nhân đi khám bịnh, điều trị thì miễn phí, không tốn đồng xu nào. Vì vậy nó còn được gọi là nhà thương thí (bố thí) cho người nghèo.

Ở Sài Gòn lúc trước người có tiền thì người ta đi nhà thương Đồn Đất, hay mấy nhà thương của bang hội người Hoa như Triều Châu, Quảng Đông, Phúc Kiến, Sùng Chính… Đương nhiên nhà thương công thì chật chội, không thoải mái tiện nghi, nhưng bù lại các ca bệnh nặng ngặt nghèo thì phải vô nhà thương công (chớ không vô nhà thương tư ngoại trừ nhà thương Đồn Đất), sanh con so thì phải vô Từ Dũ hay Hùng Vương, vì đó là mấy nhà thương thực tập của trường y Sài Gòn, tập trung các thầy, các cô, giáo sư, bác sĩ ưu tú của miền Nam. Thỉnh thoảng có người thân bịnh nhân la bài hải lên “đây là nhà thương chớ đâu phải nhà ghét” khi họ thấy y tá hằn hằn học nặng tay. Có lẽ tiếng nhà thương bắt nguồn từ chữ nhà chữa trị cho người thương tật bịnh hoạn.

Nhưng dân miền Nam gắn liền nhà thương với tình thương. Và chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa đã giúp vun bồi ý nghĩa, niềm tin đó. Ngày nay ở miền Nam tiếng nhà thương không còn thích hợp nữa. Vì đây là chỗ làm tiền, không còn tình thương, không có tình người, không phải là nhà thương công như xưa hồi còn Cộng Hòa.

Nhà cầu, cầu tiêu, đi cầu.

Khi xưa ở thôn quê miền Nam, người ta cất nhà cầu dọc mé sông, dẫn tới nhà cầu là cây cầu nhỏ, thường là cầu khỉ hay cầu ván. Vì vậy người ta gọi chổ ỉa đái, cái chòi nho nhỏ đó là nhà cầu. Đi ỉa đi đái nói là đi cầu. Ở đồng ruộng thì người ta nói đi đồng. Tới khoảng những năm 1950 tôi còn thấy dọc theo mé sông cầu Rạch Ông, cầu Nhị Thiên Đường và cầu Ba Li Cao trong Chợ Lớn còn có nhà cầu công cộng cất đưa ra sông. Ai có nhà cất sát mé sông thì có nhà cầu riêng. Ở Bàu Sen, Chợ Quán lúc tôi còn nhỏ, hai xóm sau nhà ba má tui có cái bàu. Ở đó cũng có một nhà cầu công cộng. Lúc đó vài gia đình có nhà cất dọc theo cái bàu đó, còn nghèo không có cầu tiêu tự hoại. Sau nầy khoảng năm 1960 thì cái bàu đó được lấp đi. Mấy nhà ở ven cái bàu mới làm cầu tiêu trong nhà. Cầu tiêu là cầu tự hoại. Căn bản cầu tự hoại thì đơn giản thôi. Nó gồm một bàn ngồi có lỗ cầu gắn liền với con thỏ, đó là một ống nước hình chữ S nằm, một miệng thì thông với lỗ cầu, miệng còn lại thì thông với hầm cầu. Tác dụng của con thỏ là giữ mực nước trong ống. Khi dội nước, cục phân từ lỗ cầu, đầu con thỏ đi theo chiều nước, xuống đuôi con thỏ rồi lọt xuống hầm cầu. Có lẽ vì vậy người ta gọi đó là cầu tiêu. Đi cầu xong, dội nước là mất tiêu cục phân. Đi tiêu, đi tiểu cũng đó mà ra chăng.

Nói đến cầu tiêu là tôi nhớ đến hố xí hai ngăn, một phát minh hay sáng kiến của anh hùng lao động cộng sản miền Bắc, BS Phạm Ngọc Thạch. Sau ngày sập trời 30-4-1975, cán bộ miền Bắc vào tiếp thu trường Đại Học Y khoa Sài Gòn. Đảng Đoàn chỉ thị sinh viên Y khoa Sài Gòn đi xuống vùng ven đô Sài Gòn, Chợ Lớn tuyên truyền xây làm hố xí hai ngăn, để phòng chống bịnh dịch, để có phân Bắc. Họ không biết gì hết về miền Nam. Trong Nam từ Sài Gòn đến các thị trấn thôn quê, người ta nhà nào cũng đều có cầu tiêu tự hoại. Vùng ven sông, xa xôi thì có nhà cầu hay cầu cá vồ cá tra…

Miền Nam, thiên nhiên ưu đãi, đất nước phì nhiêu, không biết xài phân Bắc, không cần hố xí một ngăn hay hai ngăn, hồi nào tới giờ không biết “cầu tiêu thùng” như dân Hà Nội, ở ngoài đó. Người cán bộ miền Bắc huênh hoang cái lạc hậu của xã hội Cộng sản ngoài Bắc để “khai hóa” cái văn minh tiến bộ của dân Nam hiền lành mất nước. Sinh viên lúc đó mới thấy tận mắt cái kỹ thuật tân tiến của một siêu cường Sô Viết, không một óng stetho (stethoscope), không một quyển sách. Thấy viễn ảnh một nước Việt Nam thanh bình, thống nhất với một màu đỏ u ám, huyễn hoặc, dối trá. Đi công tác, mà nửa khóc nửa cười. Cười cho cái kiến thức của cán bô y khoa Cộng sản, “tầm cỡ hố xí hai ngăn”. Khóc cho cái ăn cái học của mình. Người có đầu óc thì khóc cho ách nước tai nhà. Tới nhà dân nhiều đứa không biết ăn nói làm sao đây. Nói ra thì dân nó cười “học trò y khoa gì mà ngu như heo”. Chắc cũng có người “thông cảm”… tội mấy thằng thiên lôi đó vô tội vạ, trời sai đâu đánh đó. Không vô nhà, không nói thì lấy gì mà báo cáo… lúc đó có ai mà dám cãi, phải nói dóc để sống, lớ quớ bị kết cái tội phản động là có nước “hui nhị tì”, “sortie latérale” là cái chắc. Muốn làm lại cuộc đời thì phải đi Thanh Niên Xung Phong, học tập, cải tạo qua lao động vinh quang. Thôi thì giả dại, nhắm mắt qua ải mà sống.

Năm 1995 tôi về Việt Nam có nghe nhiều người trong phòng bàn tán về “mì chính”. Nghe qua tôi không biết họ nói trời đất gì. Bèn hỏi anh bạn ngồi kế bên, anh nầy đã về VN nhiều lần, anh kề tai tôi nói nhỏ, bột ngọt mình hồi xưa đó. Nghe nói tôi mới vỡ lẽ. Ở Sài Gòn mấy chục năm về trước đã có hãng bột ngọt Vị Phong, sản xuất bột ngọt tại Viêt Nam. Tra ra thì “mì chính” là phiên âm tiếng nói Quảng Đông của chữ “vị tinh” 味精. “Người ở ngoải” sao mà lạc hậu quá! Mãi tới những năm 90 mới biết xài bột ngọt. Lại còn quá lệ thuộc Tàu, thiếu óc sáng tạo. Bợ nguyên xi tiếng nói người ta mà phiên âm ra tiếng mình. Ở Sài Gòn, dân sanh đẻ trong miền Nam thì nói là bột ngọt, còn người Bắc di cư 54 thì nói là bột nêm. Bột ngọt nghe mộc mạc nhưng chính xác, chất màu trắng như bột khi nêm vào canh, đồ ăn thì nước canh sẽ ngọt như canh thịt. Hành tiêu tỏi ớt cái gì mà cho vào thức ăn đều gọi là nêm. Ở đây bột nêm, nêm bột gì đây? bôt gạo hay bột mì! Đất nước, xã hội tự do, ai quen tai quen miệng nói sao thì nói. Cũng vậy ở Sàgòn khi xưa, con nít nói coi hát bóng (mấy tiếng tương tự như coi hát cải lương, hát bội, hát Tiều…). Còn con nít người Bắc thì nói xem chiếu bóng. Hát bóng vừa coi bóng vừa nghe hát nghe nói. Chiếu bóng, chỉ xem cái bóng chớp chớp.

Nên nhớ hát bóng, điện ảnh, nghệ thuật thứ bảy, phát triển từ Nam ra Bắc. Trong Nam đã từng coi phim câm trước miền Bắc. Sau nầy con nít miền Bắc nói xem cinê. Có thể là bắt chước con nít miền Nam, thay vì nói coi cinê, nói là xem cinê. Dân miền Nam rất giỏi cái việc Việt hóa tiếng Tây như xe lô-ca-xông (lacation), sốp phơ (chauffeur), cà tô-mát (tomate), cinê (cinema), mông-xừ (monsieur) v.v...

Nhắc tới cái danh từ kỳ cục “mì chính”, tiện đây tôi xin nêu lên cái nghề mới ở Việt Nam không kém phần dị hợm như nghề “Nhà Làm Văn Hóa”. Thỉnh thoảng tôi thấy dưới tên ông giáo sư, ông tiến sĩ ở Việt Nam ngày nay, có thêm hàng chữ: Nhà Làm Văn Hóa, hay Nhà Văn Hóa. Miền Nam trước năm 1975 không bao giờ tôi thấy có ai làm cái nghề đó. Mấy ông làm văn hóa ơi. Mấy ông có biết không? Văn hóa của một dân tộc, một quốc gia phải trải qua trăm năm, ngàn năm, phải kinh qua nhiều thế hệ, xã hội, nhiều đời nhiều người mới hình thành. Chớ có ai mà tự mình làm ra văn hóa! Tra ra thì mấy “ông kẹ” Cộng sản Việt Nam bắt chước ông Cộng sản Tàu như đúc. Ở Tàu có người đề là Văn Hóa Gia dưới tên mình, phải dịch đó là nhà (người) nghiên cứu văn hóa, chớ không phải là Nhà Làm Văn Hóa, hay Nhà Văn Hóa. Văn Hóa Gia không phải là học vị, bằng cấp như bác sĩ, tiến sĩ, kỹ sư… mà dịch nguyên chữ.

Rượu đế, rượu trắng, rượu nếp…

Khi Pháp chiếm toàn cõi miền Nam, đưa ra luật cấm dân nấu cất rượu trong nhà... Chỉ có công xi rượu của Tây mới có quyền chưng cất rượu. Cái mửng nầy là nghề ruột của thực dân lúc bấy giờ, đó là phương tiện độc quyền làm tiền. Nó phổ biến ở khắp nơi, ở Việt Nam có rươu đế ở Mỹ có Moonshine, nguồn gốc Moonshine là do dân Mỹ cất rượu lậu trong rừng, thường là cất nấu ban đêm dưới ánh trăng, vì vậy mà có tên Moonshine. Cũng vậy ở đồng quê miền Nam, dân cất rượu lậu trong nhà, khi Tây đi bố đi ráp, thì rầm rầm rộ rộ, thiên hạ bà con biết, nên đem nồi cất rượu dấu trong bãi sậy, đám cỏ tranh, hay lùm đế xa nhà… có lẽ vì đế có nghĩa là vua, mà rượu cống vua hay rượu vua ban cho, ngự tửu, thì quý lắm, ngon lắm bởi vậy dân mới gọi rượu lậu là rượu đế chăng? Ca dao như “mấy thằng uống rượu là con vua Ngọc Hoàng” từ rượu đế mà ra chăng?

Uống rượu lên chữ, đủ chữ.


Công xi rượu Tây cất rượu theo thể thức khoa học, cất xong phải đo phải thử coi có đúng nồng độ tiêu chuẩn không. Dân quê làm trong công xi rượu thường là dốt nát, thấy Tây nó đo nó thử như học trò học chữ. Về nhà học lại với vợ con, bà con, bạn bè trong xóm, là thì Tây nó cất rượu phải “đủ chữ” mới cho ra lò. Dần dần trên mâm rượu, thằng nào ngà ngà đến độ say, thì người ta nói nó “lên chữ”, “đủ chữ” rồi, mấy câu như “chưa vô mấy hớp lên chữ” hay “thôi nghen, vậy là đủ chữ rồi đó, tui dề (về) a!”.

Nói chữ, xổ Nho, người miền Nam có trọng tuổi ở hải ngoại ngày nay chắc không quên mấy tiếng đó. Nói chữ, xổ nho khi người ta nói đến đạo lý, cái khôn ở đời, hay xử thế, xử sự mà dùng tiếng Hán Việt như “Kiến ngãi bất vi vô dõng dã”, “Tào khang chi thê bất khả hạn đường”, “chuyện Qua Lý phải tường” v.v… Người bình dân rất trọng người có học, ai mà nói chữ nói nghĩa thì được người đời gán cho “một bụng chữ nghĩa” hay ông đó mở miệng ra là “Câu câu văn tự”. Anh nông dân xổ nho thì có lúc trắng trợn rõ ràng như “Ngồi vô trường án, vỗ ván cái rầm”…, có khi thì cao siêu mơ hồ như “U minh Rạch Giá thị quá sơn trường, dưới sông cá lội, trên rừng cọp tha”.

Nhưng ngày nay nếu ai đó có xổ Nho mà chêm câu “Phu thê như y phục, huynh đệ như thủ túc”. câu nói nầy có lẽ không có trong sách vở đạo Nho. Vốn nó từ Tam Quốc Chí mà ra. Trương Phi vì mê uống rượu, ghét Lã Bố mà đánh vạ Tào Báo, ba vợ Bố. Báo oán hận mở cửa thành Từ Châu cho quân Bố vào. Mất thành, Trương Phi chạy gặp Lưu Bị khóc lóc đòi tự tử vì làm mất thành Từ Châu, không bảo vệ hai chị dâu. Lưu Bị mới nói “Phu thê như y phục, huynh đệ như thủ túc”. Câu nói nầy thiếu đạo lý, chỉ là đầu môi của bọn gian hùng tranh bá đồ vương như Lưu Bị. Thì tui xin thưa rằng đó là sai mà phải đổi lại “Huynh đệ như thủ túc, phu thê như tâm phúc”…; hay câu “Bần cư náo thị vô nhơn vấn, phú tại thâm sơn hữu khách tầm” thì tui xin chỉnh một chút “Bần cư cận xứ vô nhơn đáo, phú tại viễn phương hữu khách cầu”. Nó thích hợp với đời sống, xã hội thời đại hơn. Đó cũng là nho chùm mỹ tửu như ai…

Nhắc đến chữ nghĩa học hành thì có Bùi Kiệm, một nhân vật trong Lục Vân Tiên. Hồi tôi còn nhỏ con cái nhà ai mà được bà con cô bác khen học hành “giỏi” như Bùi Kiệm là ba má nó buồn buồn, không vui, nói vã lã qua chuyện khác. Riêng thằng nhỏ thì cái mũi hinh hỉnh, khoái trá lắm. Một vài hôm sau khi ba má rầy rà “mầy học hành dở như Bùi Kiệm, sau nầy hốt rác mà ăn!”. Tội thằng nhỏ, chưng hửng, tại sao kết nó với Bùi Kiệm, lúc khen giỏi lúc chê dở. Nhân vật Bùi Kiệm thì rất quen thuộc với sân khấu, cải lương, hài kịch. Danh hề Vân Chung đã nhiều lần đóng vai Bùi Kiệm, lại còn cải tên đổi hiệu là Bùi Ái Hoa. Kịp khi thằng nhỏ biết nghe hài kich, mê hát cải lương (lúc đó chưa có TV) thì nó ghét cay ghét đắng người nào kết nó với Bùi Kiệm một khi nó biết Bùi Kiệm học hành thì tư chất không được thông minh, bản tánh thì mê gái, dê xồm. Nhân vật quen thuộc trong Kim Vân Kiều (Đoạn Trường Tân Thanh, truyện Kiều) được quần chúng hóa ra danh từ, tiếng nói được nhắc nhở hàng ngày trong xã hội miền Nam, báo chí Sài Gòn như “mụ tú bà, thằng sở khanh, nàng kiều, xóm bình khang”.

Nhân vật trong truyện Tàu.

Được người dân miền Nam ví von như: Nóng (nảy) như Trương Phi, gian (hùng) như Táo Tháo, giỏi như Khổng Minh, Tài như Lã Vọng, Quản Trọng, thần thông như ông Tề, đen như Uất Trì Cung, lùn như Yến Anh, đa nghi như Tào Tháo, phước tướng như Triệu Vân, xấu như Chung Vô Diệm, đẹp tựa Tây Thi, ác như Đắc Kỷ, độc như Lã Hậu, phản phúc như Lã Bố, đê tiện như Cao Cầu, giết người như Bạch Khởi, tham lam như Tần Cối, ngu (trung) như Tống Giang, mạnh như Võ Tòng, ngay thẳng như Lỗ Trí Thâm. Mấy câu quen thuộc như: găp chùa thì tu, gặp giặc thì đánh, cái gan Tỷ Can, cái mật Khương Duy, cái lưởi Tô Tần, cái miệng Trương Nghi, uốn ba tấc lưỡi, thằng ba búa (giỏi lắm thì như Trình Giảo Kim chỉ đánh được ba búa), một (nhà) Mạnh Thường Quân, vòng vo Tam Quốc, quân sư quạt mo, nói chuyện ông Tề, nói chuyên Phong Thần, con dế Tôn Tẩn, y thuật (cao minh) như Hoa Đà, nhân mưu thiên định, xa xôi như Sở Tề, (buồn như) tiếng sáo Trương Lương, Hàn Tín còn lòn trôn giữa chợ (ý nói lúc nhịn thì phải nhịn), chén cơm Phiếu Mẫu, nhất tiếu thiên kim, tiếng cười khuynh thành đổ nước, tam bộ nhất bái (mới có vợ)…

Ông nội.


Con nít chơi trong xóm, rồi tranh giành cãi lộn nhau, đùng một cái có thằng đứng dậy tức tối, la đổng lên, “bộ mầy là ông nội tao hả?”. Câu hỏi ngây ngô khi đứa nhỏ cảm thấy nó bị thằng khác “chơi cha”, chơi ép, bất công cho nó quá, nó la lên cảnh cáo thằng kia là phải chơi công bằng, không được chơi chèn. Lời nói ngây thơ đó nói lên xã hội đời sống dân Nam ở Sài Gòn bấy giờ. Ở nhà có ông nội, ông nội là trên hết, lời nói của ông nội là quyết định. Ông bà ở với ba má, có món ngon thì dâng lên ông bà, ba má không dám cãi lời, biết sợ ông bà, đó là cái gương hiếu thảo cho con cháu sau nầy. Có lần tôi đến thăm cậu tôi, vừa vô nhà là thấy không khí nó nằng nặng. Con nít đứa nào đứa nấy mặt mầy lấm la lấm lét, ngồi đâu ngồi đó, không chọc quậy phá phấy gì hết. Chị Hai kề tai tui nói nhỏ: “Ông nội vừa mới lên gác chắc ngủ rồi, hôm nay ông nội la rầy hung lắm; bị rầy chú Tám quởn quá dông mất rồi. Ba tụi nhỏ nín khe còn ngồi trong bếp đó, còn con tui, tụi nó không dám léng phéng, ho hen gì hết, nãy giờ không đứa nào dám bước ra khỏi cửa nửa bước. Đỡ quá không thôi tụi nó đi chơi luôn tuồng. Dữ ác hôn! lâu quá chú qua chơi. Ở lại tới chiều, ăn cơm luôn ở đây, chắc ông nội mừng lắm. Thôi vô trỏng nói chuyện với anh Hai.”

Tiếng nói, tiếng Việt.

Có năm tôi về Sài gòn, có dịp đến thăm cụ Vương Hồng Sển, được Cụ tiếp tại nhà. Cụ có tặng tôi quyển sách “Tự Vị Tiếng Nói Miền Nam”. Trước khi viết lời tặng, ký tên vào quyển sách, Cụ Sển gạch ngang chữ “Việt” trong tựa của quyển sách, mà sửa lại là “Nói”. Cụ có nói “Cán bộ tài khôn, sửa mà không hỏi ý kiến tác giả”. Dân miền Nam nói anh “tài khôn” không có nghĩa là nói anh “tài cán, khôn ngoan” mà hoàn toàn có ý ngược lại. Tiếng Việt thì miền nào cũng là tiếng Việt. Còn tiếng nói thì mỗi miền mỗi khác. Đơn giản vậy thôi. Nhưng có viết sai thì mới thấy “sai một li, đi một dặm”.

Nôm na tiền bạc là ”trật con tán, bán con trâu”.


Tiện đây tôi xin chân thành nhắn nhủ quí tác giả một khi có trích dẫn quyển “Tự Vị Tiếng Nói Miền Nam” thì xin để ý đừng viết là “Tự Vị Tiếng Việt Miền Nam” như nhà xuất bản ấn hành, vì nó sai, vì đó không phải ngươn ý, nguyên tác của cụ Sển, mà xin viết là “Tự Vị Tiếng Nói Miền Nam” cám ơn.

Nghề nghiệp.

Người miền Nam thường không định nghĩa chữ “nghiệp” trong nghề nghiệp như chữ “nghiệp” trong chức nghiệp. Mà định nghĩa chữ nghiệp trong nghề nghiệp như chữ nghiệp trong nghiệp chướng, nghiệp căn, nghiệp báo. Nghề đi liền với nghiệp. Anh làm nghề đồ tể thì anh tạo cái nghiệp ác. Anh làm nghề thuốc, nghề y thì anh gieo cái nghiệp thiện. Hành nghề y nhưng anh coi trọng đồng tiền hơn sanh mạng, sức khoẻ con người, thì anh tự tạo cái ác nghiệp cho mình sau nầy. Làm quan nhưng không thanh liêm, không công chánh, tham ô, bóc lột, hà hiếp dân, không làm đúng chức trách, không làm tròn chức nghiệp của mình, thì anh tự tạo cho mình cái nghiệp ác vậy. Tư tưởng đó có là do người miền Nam chuộng đạo lý, thờ trời phật, tin luật trả vay, luân hồi, “tích thiện phùng thiện, tích ác phùng ác”, “thiện ác đáo đầu chung hữu báo”. Hồi trước trên báo chí, truyền thông, tin tức thường bắt đầu với mấy chữ như sau: “nhà chức trách điều tra… giải quyết… tìm hiểu…” Ngày nay tôi không thấy báo chí, truyền thông ở Việt Nam dùng tiếng nhà chức trách khi đề cập đến chánh quyền của đảng Cộng sản. Thay vào đó mấy tiếng như, thủ tướng, chủ tịch, hay ủy ban nhân dân tỉnh, huyện, thành phố…, bí thư, thủ trưởng, đống chí…nếu là thượng cấp thì dung chữ thật khó nghe là trên. Ngôn ngữ, chữ viết phản ánh đời sống chánh trị, văn hóa của xã hội. Quá rõ ràng, ngôn ngữ ngày nay ở Việt Nam đã cho ta thấy trong xã hội cộng sản Việt Nam, chánh quyền không có chức trách, người có chức trọng, quyền cao trong chánh phủ không có trách nhiệm.

Ngôn ngữ (tiếng nói), chữ viết là kho tàng của văn hóa. Tiếc thay văn học miền Nam đã không được đánh giá đúng mức. Đóng góp của văn học miền Nam đã không đươc trân trọng. Hai trào Cộng Hòa ở miền Nam là chứng cớ lịch sử cho nhận định trên.

Trong học trình trung học phổ thông đến khi tôi đậu xong tú tài hai, đã không có giảng dạy, đề cập đến các tác phẩm của nhà văn tiền phong ở miền Nam như Hồ Biểu Chánh. Học trình trung học đệ nhị cấp ở miền Nam có giảng dạy tác phẩm trong Tự Lực Văn Đoàn như Đoạn Tuyệt, Anh Phải Sống, Nửa Chừng Xuân…và mấy bài viết của Phan Kế Bính, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh (Nam Phong Tạp Chí). Nhưng không hề giới thiệu các tác phẩm đậm đà tình nghĩa con người và xã hội, phong tục, đạo lý đặc sệt miền Nam như “Ngọn Cỏ Gió Đùa”, “Số Phận Linh Đinh”, “Con Nhà Nghèo” “Cay Đắng Mùi Đời” v.v... của nhà văn tiền phong miền Nam Hồ Biểu Chánh. Văn hóa, đời sống, phong tục miền Nam gói ghém trong giọng văn môc mạc, nhưng chính xác, và bác học của Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký, Hồ Biểu Chánh và bao nhiêu nhà văn, nhà báo khác đã không được giảng dạy cho học trò miền Nam ở bậc trung học. Chánh quyền miền Nam mà phủ nhận văn hóa, lịch sử ** miền Nam đủ nói lên cái bản chất nhơn sự trong nguồn máy chánh quyền đó. Họ không sinh ra và lớn lên trong miền Nam. Họ xa lạ với tiếng nói, con người và xã hội miền Nam.

Oái oăm thay! Cái nôi của chữ Quốc Ngữ là ở miền Nam. Chữ quốc ngữ, báo chí, tiểu thuyết, dịch thuật khởi đầu, trưởng thành và phát triển ở miền Nam rồi mới bành trướng ra Bắc. Một vài thí dụ như: Chuyện Đời Xưa (1886), Chuyện Khôi Hài (1882) của Petrus Trương Vĩnh Ký, Chuyện Giải Buồn, của Paulus Huỳnh Tịnh Của (1896). Truyện Thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản (1887), Tiết Phụ Gian Truân (1910) của Trương Duy Toản, Ai Làm Được (1912) của Hồ Biểu Chánh… Gia Định báo, tờ báo quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam (1865).

Dịch thuật bắt đầu ở miền Nam.

Một ít thí dụ như dịch từ sách Tàu thì có Trung dung (1875), Đại học (1877) v.v... Dịch từ chữ Nôm ra quốc ngữ, (người miền Nam còn nói là chép lại quốc ngữ, chữ Nôm, “đồ” của mình, chớ không phải của Tàu, của Tây, nên chép lại), thì có “Lục Vân Tiên” (1889), Kim Vân Kiều (1878), Phan Trần (1889), v.v… Trương Vĩnh Ký dịch.

Dịch từ truyên Tàu thì có Tây Hớn Chí, Tam Quốc Chí (1901)… được quần chúng miền Nam hưởng ứng nồng nhiệt, phát triển lên thành phong trào dịch (trên 50 bộ truyện), đọc và kể truyện Tàu. Nguyễn Chánh Sắt, Trần Phong Sắc, Nguyễn An Khương… là dịch giả tiền phong trong phong trào dịch truyện Tàu. Từ đó phong trào dịch thuật rồi mới phát triển ra Bắc (Phan Kế Bính dịch Tam Quốc Chí năm 1921).

Trong cuốn sách “Văn hóa đại cương và cơ sở văn hóa Việt Nam”, nxb Đại học quốc gia Hà Nội – đã giải thích: “Nước rong: nước cạn. Nước ròng: nước lớn” (*) (đề cập lên đây với sự dè dặt về chính xác, vì tài liệu internet). Nếu dẫn trích trên là xác thực thì nó nói lên kiến thức, và trình độ của người nghiên cứu, giảng dạy, viết sách về văn học, ngôn ngữ miền Nam.

Đây là di hại của cái tệ trạng không đánh giá đứng mức, không trân trọng tiếng nói, văn học miền Nam mà thế hệ trước ở miền Nam – hai trào Cộng Hòa – đã phạm phải trong giáo trình bậc trung học.

Hồi Hương Ngẫu Thư
Hạ Tri Chương

Thiếu tiểu li gia, lão đại hồi,
Hương âm vô cải, mấn mao tồi.
Nhi đồng tương kiến, bất tương thức,
Tiếu vấn: Khách tòng hà xứ lai?
Ly biệt gia hương tuế nguyệt đa,
Cận lai nhân sự thiếu tiêu ma.
Duy hữu môn tiền Kính hồ thuỷ,
Xuân phong bất cải cựu thời ba.

Xa nhà từ lúc thanh sơ
Già đầu râu tóc lơ thơ mới về.
Nói cười không đổi giọng quê
Trẻ con nhìn ngó không hề biết quen
Cười rằng ông đó mình ên,
Quê ông đâu hả, lênh đênh xứ nầy?
Lìa quê đã lắm thu chầy,
Gần đây làng bạn hao gầy xác xơ
Hồ Gương trước cửa còn trơ,
Gió xuân nào có đổi dời sóng xưa.

(Nam Mai Trinh Quốc Thuận diễn thơ)

Sent from my iPad
Jacqueline Mã Phương Liễu
Jacquelinelieu@yahoo.com