Monday 12 February 2018

QUÊ HƯƠNG LÀ CHÙM KHẾ NGỌT (NGUYỄN XUÂN NGHĨA)

“…Một đời tắm mát đeo hoa.
Một đời ỉa chịn cũng qua một đời.
Một ngày tựa mạn thuyền rồng.
Còn hơn trọn kiếp nằm trong thuyền chài...”
Quê hương: quá khứ và hiện tại
(Viết nhân chuyến về lại quê sau 10 năm bị cấm)
Không ai tự mình được chọn nơi sinh ra, nhưng bố, mẹ có thể chọn được cho con cái. Tại sao bố mẹ tôi không chọn một căn hộ nào đó trên đường Constitution gần cung điện Buckingham ở London hay trong khu Manhattan ở New York để sinh ra tôi thay vì ở xóm Yên Thịnh xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, Nghệ An? Câu trả lời khá đơn giản: bố mẹ tôi vừa nghèo vừa mụ mị, không biết London hoặc New York ở đâu để đến đấy mà sinh tôi, thêm nữa vào các năm cuối 1940 trở về sau quê tôi là vùng của Việt minh và người Việt Minh nói: đánh xong Pháp, Việt Minh sẽ xây dựng thị trấn Diễn Thành ( cạnh xã tôi) một thành phố có tên là Mạc -Tư-Khoa (Moscow). Thành phố này to và đẹp gấp 10 New York và London, Paris thời ấy...
Thế nên khi lớn lên, mỗi lần có việc khai báo với nhà nước và cơ quan an ninh nhà nước tôi đều phải khai tên họ thật, quê quán thật thay vì khai cái tên nửa ta nửa tây và các địa danh ở New York hoặc London như trong mơ ước. Vì là người Việt, như hàng triệu người Việt khác tôi phải sống với một đời sống thực và mang theo cái quá khứ đau buồn của nhiều thế hệ trước.
Ông bà tôi cũng không chọn được nơi nào khác để sinh ra bố tôi. Bố tôi được sinh ra vào một năm nào đó trong cuối thập niên 90 của 2 thế kỉ trước. Khi lấy mẹ tôi làm lẽ, ông đã có một người vợ. Bà vợ này sinh được bao nhiêu con tôi cũng không biết. Lớn lên tôi chỉ biết trên tôi ở phía bố tôi, tôi có hai anh. Hai anh tôi (cùng cha khác mẹ) đều lần lượt qua đời trước năm 1960. Hồng phúc là họ đều kịp lấy vợ, sinh con nối dõi tông đường. Cả xã làm nghề chài lưới nhưng gia đình tôi đến đời ông tôi thì bỏ nghề giã (đánh cá) để làm "chân trên" (đan lưới, buôn cá). Khi tôi lớn lên, ý thức được cái giá của nhân mạng cũng là lúc tôi lo chung cùng dân làng về những ngày biển động. Lần nào sau các cơn bão biển họ Nguyễn của bố tôi (bố tôi làm trưởng họ) và cả làng tôi cũng có nhiều người đàn ông chết mất xác ngoài biển; để lại những người đàn bà và trẻ nhỏ chít khăn tang; Giữa đêm thanh vắng, đây đó trong làng, xen lẫn tiếng sóng biển rì rầm là rỉ rả tiếng khóc và tiếng sịt mũi nghe thật thê lương. Cuộc sống bên nội tôi tương đối phẳng lặng. Cái đói cũng phẳng lặng. Đói triền miên, nhưng không có ai chết đói. Năm đói nhất 1945 cũng không có ai 'bị gậy tung hoành" tha phương cầu thực vì đói. Hơn nữa vào năm có Mặt trận bình dân tại Pháp, chính quyền thuộc địa nới lỏng cai trị, bố tôi trở thành đảng viên đảng cộng sản và khi có kháng chiến chống Pháp, anh cả tôi nhập ngũ, tham gia trận Điện Biên Phủ rồi thành đảng viên ĐCS. Đến thời "chống Mỹ cứu nước" con anh cả tôi (tức ông cháu tôi bây giờ) cũng trở thành đảng viên nốt. Dù chịu đói chung với cả xã, cả tổng nhưng về mảng xã hội gia thế nhà tôi tương đối vững trong vùng.

Ngược lại, bên ngoại tôi thì khổ trăm bề. Mẹ tôi được sinh ra tại xã Hải Bình, huyện Tĩnh gia, Thanh hóa. Thời trước tôi (và ngay cả thời tôi) đến những năm 1980 mẹ con tôi muốn về thăm quê ngoại (60km) thì tiền bạc, tàu xe, đường xá còn trắc trở hơn người ta bay sang Bắc Mỹ bây giờ. Tôi lớn khôn thì ông bà ngoại đã mất. Tôi cũng không biết ông bà ngoại sinh hạ được mấy bác, mấy chú, mấy cô, chỉ biết còn lại 4 người: Bác trai tôi đi trẩy nước mắm ra Bắc rồi từ khi kết thúc chiến tranh chống Pháp (1955) sống ở huyện Từ Liêm-Hà Nội. Khác hẳn các cán bộ nhà nước thoát ly lấy vợ, tạo dựng cuộc sống nơi họ công tác, bác tôi sống trong nghèo khó và mất năm 1984 cũng trong cảnh khốn khó, gần như cậu tôi và mẹ tôi ở lại quê hương.

Người xiêu bạt xa nhất là cậu út của mẹ tôi. Ông bỏ nhà ra đi khi chưa thành niên. 50 năm có lẻ, bố mẹ, anh chị không ai biết ông đi đâu, ở đâu, còn sống hay đã chết. Sau 1975, thống nhất đất nước, ông dò hỏi một anh việt cộng người Bắc tình cờ, được anh ta mô tả cho biết quê hương bản quán. Từ Đà Nẵng ông lần mò về quê và anh chị em mới nhận ra nhau trong nước mắt.

Người bám trụ "chùm khế ngọt" kiên cường nhất là cậu kế mẹ tôi. Ông sợ gió, sợ sóng không đi biển. Nhà không có ruộng để cày cấy nên ông không nuôi nổi vợ và lần lượt 12 đứa con cả trai lẫn gái. Thời ngang hàng với ông có anh và chị phải xiêu bạt; đến thời con ông có bốn người phải xiêu bạt. Cô con cả 35 tuổi vẫn không lấy được chồng sau đó cũng "mất tích"; đến 10 năm mới tìm về quê cùng một người chồng Trung Quốc. Một con gái nữa của ông cũng sang Trung Quốc lấy chồng. Trước đó người con trai khỏe mạnh nhất, có ý chí nhất đi bộ đội, đóng quân tại Căm pốt, ra quân không trở về. Gia đình, đơn vị cũ và làng xã đưa vào diện "mất tích' chỉ thiếu việc làm mộ giả để khói hương. Đâu như năm 1998, 1999 gì đó cậu mới trở về quê với 5kg sắn khô từ Đắc lắc làm quà cho anh chị em. Hỏi ra thì được biết cậu đã lấy vợ, sống trên Đắc lắc; nhà không máy bàn, người không máy di động lại túi không bao giờ có đủ số lượng tài chính để về quê và trở lại quê mới. Cậu tuyên bố từ lần ấy không về quê nữa.

Trong 4 anh chị em ruột của mẹ tôi còn sống sót qua nghèo đói và hai cuộc chiến tranh, được con cháu nhớ đến, nhắc đến thì mẹ tôi là người khổ nhất. Bà được sinh ra năm nào, bố mẹ, anh chị em cũng không nhớ. Năm 1945 nạn đói từ ngoài Bắc lan vào tỉnh Thanh. Đói phát sinh lục đục gia đình. Đói còn ăn thịt cả con sá gì đuổi vợ. Mẹ tôi bế anh tôi (cùng mẹ khác cha với tôi) lúc đó mới 4 tháng tuổi đi lên đường quốc lộ số 1. Có 2 hướng mẹ tôi chọn: đi ra hướng Bắc hoặc vào hướng Nam. Hướng Bắc đang đói; mẹ tôi chọn hướng Nam. Lúc ấy mẹ tôi chỉ khoảng 17, 18 tuổi và mù chữ. Áo bằng vải diềm bâu làm buồm rách dân chài thải ra; váy đụp cũng rách hở cả mông, ngực không sữa, con đỏ hỏn không quần áo, tã lót... cứ thế mẹ tôi đi bằng chân trần trên đường Một chưa được rải nhựa như ngày nay và làng mạc, xe cộ cũng còn thưa vắng... Mẹ tôi đi tìm đường sống cho hai mẹ con... Bà cứ đi, không đắn đo sác xuất giữa chết và sống. Mục tiêu của bà là một ngày hôm sau, từ một làng này đến một làng khác ở chân trời...

Bà kiệt sức và anh tôi sắp chết đói ở địa phận hết tỉnh Thanh đầu tỉnh Nghệ. Nó thuộc Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu. Mẹ tôi đang ôm con khóc ở vệ đường thì thật may mắn có một bà nông dân đi qua nhìn thấy. Bà cho mẹ tôi một nửa nắm cơm bà mang theo. Mẹ tôi vừa ăn vừa nhè ra mớm cho con. Bà xin đứa bé, đổi lại bà cho mẹ tôi mấy hào tiền Đông Dương thời đó...

Và mẹ tôi đi sâu nữa vào đất Nghệ. .. (Còn tiếp)
nguyenxuannghia02
Hình: Phần trước căn nhà thời thơ ấu của tôi
(ông cháu đích tôn của bố tôi được thừa kế, đã tu sửa)
*****
Và mẹ tôi đi sâu hơn vào đất Nghệ...
Tôi lớn lên, ngoan ngoãn, hiền lành và khỏe mạnh khiến mẹ tôi rất mãn nguyện. Không bao giờ bố tôi kể lại cho tôi nghe ông đã gặp bà, đưa bà về làm vợ lẽ như thế nào. Mẹ tôi có kể, nhưng bà bỏ qua chi tiết trước khi bố tôi đưa bà về, một người đàn ông khác trong làng đã đưa bà về làm vợ lẽ một số ngày. Có lẽ bà xấu hổ, bà mặc cảm với cuộc quá khứ "nàng Kiều" của bà. Với tôi, điều đó không quan trọng. Điều quan trọng là bà đã sinh ra tôi và tôi như ngày hôm nay.Tôi biết bố tôi cũng vậy.

Sau khi cho mất người con trai mới 4 tháng tuổi ở đầu địa giới xứ Nghệ, mẹ tôi đi tiếp về phương nam. Đến ngã ba Phủ Diễn, huyện Diễn Châu (tên gọi ngày đó của ngã ba Diễn Thành nơi có con đường ô tô bê bết bùn đỏ từ Lào chạy qua mấy huyện miền núi Nghệ An nối vào quốc lộ số 1 để vào Nam hay ra Bắc) bà dừng nghỉ. Phía đông con đường, cách vài cây số là những làng chài. Hương vị của biển, những mẹt cá của người miền biển quê tôi bày bán ở chợ thị trấn có thể đã giúp bà thấy gần với quê hương miền biển Thanh Hóa của bà, đem đến cho bà hy vọng được sống bằng lao động, không phải ăn xin...

Ngày nay, từ thị Trấn Cồng vào ngã ba Diễn Châu xe máy, ô tô chỉ chạy 1 giờ đồng hồ. Hai nơi cách nhau có 50 Km. Nhưng ngày ấy mẹ tôi phải đi bộ mất 4 ngày. Bà vừa đi vừa xin ăn cho bản thân và cho con. Khi đã cho mất con, bà vừa đi xin ăn vừa dò hỏi người thuê mướn để ngày hai bữa cháo rau. Đói lắm! Cái nạn năm 1945 ấy. Chẳng ai thuê bà làm một giờ, một ngày nào. Họ không đủ cháo cơm nuôi con cái họ, thuê bà làm gì để mất thêm bữa một lưng cơm.

Tuy nhiên cái hình dáng còn thiếu nữ có nước da trắng ngần dù đã xanh xao, tiều tụy của một người đàn bà ăn xin làm những người đàn ông trong thị trấn để ý. Vào một ngày, có người đàn ông đứng tuổi ở làng tôi làm nghề buôn cá từ mấy làng chài lên bán tại chợ thị trấn cho bà một con cá phèn ế và ướm hỏi bà có theo ông về làm vợ lẽ hay không. Bà ưng liền. Được ngày hai bữa cháo rau, được làm vợ là mơ ước của bà. Cuộc ôm con rời bỏ nhà chồng 10 ngày trước (dù bị đuổi) đối với bà là một kinh nghiệm về sự nhịn nhục. Càng hy vọng- càng thất vọng. Mẹ tôi sống với người đàn ông này được vài ngày, bị bà vợ cả đánh ghen và đuổi đi...

Lúc ấy bố tôi mới xuất hiện. Muộn mằn nhưng bền vững.

Như tôi đã kể, bố tôi đã có vợ. Tuy nhiên thời ấy đàn ông trong quê tôi lấy hai ba vợ là chuyện thường. May mắn cho mẹ tôi, người vợ cả của bố tôi có cường độ ghen tức thấp hơn bà vợ cả của ông kia. Cũng có vài lần mẹ tôi bị đánh, bị đuổi, phải chạy ra ngõ đứng giữa trời đêm rét đậm như những ngày rét đậm vừa qua, chờ bố tôi đi họp chi bộ về can thiệp, khuyên giải bà vợ cả. Bà không còn đường để ra đi như lần đầu ra khỏi quê bà ở Hải Bình, Tĩnh gia, Thanh Hóa...

Chỉ vài tháng sống với bố tôi, mẹ tôi trở lại thì con gái 18, 20 bà vốn có. Trẻ, nước da trắng hồng, tần tảo, quán xuyến mọi việc trong nhà. Từ buôn cá lên bán tại các chợ vùng quê đến làm nước mắm đều là nghề của bà từ những năm còn sống với ông chồng trước ở xứ Thanh. Vài năm sau, khi bà vợ cả của bố tôi qua đời vì bạo bệnh, mẹ tôi được làm chủ gia đình. Hai anh cùng cha khác mẹ với tôi không tốt đến mức coi bà là mẹ; nhưng dưới cái "ô" của bố tôi họ không làm gì được. Năm 1949, mẹ tôi sinh ra tôi. Đây là lần thứ hai cũng là cuối cùng bà được sinh nở. Tôi lớn lên nghe mẹ tôi nhiều lần xin phép bố tôi được cùng tôi đi tìm người anh cùng mẹ khác cha của tôi. Bố tôi hứa sẽ đi cùng mẹ tôi khi hết chiến tranh (chống Pháp, đường 1 hết bị phong tỏa). Bố tôi đã giữ lời hứa. Nhưng anh tôi không được số phận may mắn như tôi. Chính vì tìm được anh tôi mà anh tôi phải chết. Đó là một câu chuyện dài bi thảm (tôi sẽ kể sau). Còn bây giờ... khi đã có tôi, mỗi khi kể về cuộc hôn nhân vài năm với người chồng trước, bà đọc ca dao:

Một đời tắm mát đeo hoa.
Một đời ỉa chịn cũng qua một đời.
và cuộc hôn nhân với bố tôi, bà nói:
Một ngày tựa mạn thuyền rồng.
Còn hơn trọn kiếp nằm trong thuyền chài...
nga_nguyen
Hình: cảng cá quê tôi. — cùng với Nga Nguyễn.
Năm 1977 bố tôi qua đời tại nơi ông được sinh ra, hưởng thọ vào khoảng 85-88 năm. Lo xong việc cho bố, vợ chồng tôi đưa mẹ tôi ra Hải Phòng nuôi dưỡng. Cũng như hầu hết các gia đình công nhân viên chức thuần túy thời đó, chúng tôi nghèo, trong khi khoản hối lộ cho những người "vì nhân dân phục vụ" quá cao, chúng tôi không chuyển được hộ khẩu cho mẹ ra thành phố, mẹ không có sổ gạo. Các bữa ăn của chúng tôi thường xuyên không có cá biển-là thứ đồ ăn bà quen thuộc. Cuộc sống thành phố trong bốn bức tường của căn hộ tập thể, không bạn bè, không anh em, một lá trầu, quả cau cũng khó tìm, cộng thêm nhiều điều không thân quen khác khiến bà bí bức. Vợ chồng tôi lại bận bịu công việc, con cái... không có cách nào giải tỏa cuộc khủng hoảng âm thầm trong lòng bà.

Bà sống với vợ chồng tôi được 7 năm. Bà mất năm 1987, hưởng thọ 83 - 85 năm.

Khi Trịnh Công Sơn hát: Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt là ông hát cho những kiếp người đi tìm tiền tài, danh vọng. Ông không viết cho những con người như mẹ tôi. Mẹ tôi xiêu bạt đi tìm cuộc sống. Cuộc xiêu bạt để tìm cuộc sống, giữ gìn được cuộc sống của bà từ Thanh Hóa vào Nghệ An, lộn ngược ra Hải Phòng nuốt trọn một đời người.
nguyenxuannghia03
“…Chính quyền mới không biết con người xuất hiện, mất đi trong cõi nhân gian, kết hôn (lấy nhau), ly hôn (bỏ nhau) ... phải báo với chính quyền để chính quyền lưu vào sổ như thời hiện đại văn minh ngày nay…”

nguyenxuannghia04
Hình 1: Mộ tổ
nguyenxuannghia05
Hình 2: Mợ tôi (vợ của cậu) người cuối cùng thế hệ mẹ tôi.
*Tiếp theo hai mẩu trước.
Không hiểu mẹ tôi tìm ra anh tôi bằng cách nào. Anh tôi không có tên. Mẹ tôi nói "anh con' nhưng không biết giọi tên anh ấy là gì, xiêu dạt nơi nào, còn sống hay đã chết. Từ xửa từ xưa vùng xa xôi hẻo lánh Thanh -Nghệ- Tĩnh người chết là đem chôn, không có lệ làm giấy khai tử; đẻ con ra sống thì nuôi không có lệ làm giấy khai sinh. Các năm 1940 chính quyền thuộc địa Pháp rệu rã không quản lý nổi vùng đất nghịch Nghệ -Tĩnh. Khi Việt Minh cướp được chính quyền họ phải lo nhiều chuyện lớn lao, liên quan đến vận mệnh của họ. Chính quyền mới không biết con người xuất hiện, mất đi trong cõi nhân gian, kết hôn (lấy nhau), ly hôn (bỏ nhau) ... phải báo với chính quyền để chính quyền lưu vào sổ như thời hiện đại văn minh ngày nay.
Bố đẻ anh tôi họ Phạm, nhưng ông không đặt tên cho con trai để gọi trong nhà, ngoài làng. Cuộc hôn nhân của hai đứa trẻ con ngay từ đầu đã trẻ con, lại gặp thời kỳ đói kém, không kiếm nổi miếng ăn qua ngày và vì tình cảm hai vợ chồng trẻ con gãy đứt trước cả ngày anh tôi ra đời, khi sinh anh tôi, mẹ tôi phải bế anh tôi về nương nhờ bố mẹ đẻ nên ông ta không quan tâm đến mẹ tôi và đứa con của ông mẹ tôi mới sinh ra. Ông không biết chữ, mẹ tôi cũng không biết chữ. Mẹ tôi phận gái, không có quyền đặt tên con nên khi bế anh tôi bỏ nhà ra đi, anh tôi vẫn chưa có tên để gọi. Chôn vùi tuổi trẻ trong vùng quê hẻo lánh, man mọi lại gặp thời ba đào chính trị và xã hội, vùng đất miền Trung đang trong thời trời đất còn hỗn hỗn mang, nguyên thủy.
Ngoài việc không biết gọi tên con là gì để hỏi han tin tức, khuôn mặt đứa trẻ sơ sinh lúc 4 tháng tuổi hẳn khác xa cũng đứa trẻ đó khi nó đã 12, 13 tuổi. Lúc cho bỏ con để hy vọng cả hai mẹ con đều được sống sót, mẹ tôi không dám nghĩ đến ngày nào đó tìm lại, bởi vậy cũng không hỏi han tên, nơi ở của người nhận nuôi anh tôi...
Năm 1954, hiệp định Geneva được ký kết, hòa bình được vãn hồi trên miền Bắc.
Quốc lộ 1 đã không còn chiếc máy bay "bà già" của Pháp tuần vài lần bay lượn dọc đường, thỉnh thoảng nghiêng cánh, chúc đầu đe dọa nhả đạn "đum đum" xuống một điểm nghi ngờ có Việt Minh như trước. Dân quân, du kích việt minh ở các làng hai bên con đường đã được huy động lên đường san lấp các hầm hào 7, 8 năm trước bị họ đào xới để ngăn cơ giới Pháp chở quân đánh vào vùng kháng chiến. Đúng lúc mẹ tôi có thể đi tìm anh tôi thì cuộc cải cách ruộng đất "long trời lở đất" xảy ra. Mẹ tôi phải hoãn đi tìm anh tôi và về thăm quê đẻ sau 12 năm xiêu bạt, ở lại cùng bố tôi đấu tố địa chủ...
Sau cải cách ruộng đất là "sửa sai" với hình ông Hồ rút mùi xoa chùi nước mắt như ta biết. Mẹ tôi lại phải lùi chuyến đi lần nữa.
Tôi vẫn nhớ chuyến về quê ngoại đầu tiên kết hợp với việc đi tìm anh tôi của mẹ tôi là sau tết năm 1956 bước sang năm 1957. Tôi đòi đi theo nhưng mẹ tôi không cho. Tôi còn bé, không đi bộ được xa 60 cột số. Người dân quê tôi đến nay vẫn chỉ ăn ngày hai bữa dù cơm hay ngô khoai. Bữa thứ nhất vào lúc 9 giờ sáng. Bữa thứ hai lúc 4-5 giờ chiều. Bảy tám giờ tối đã thổi đèn dầu lạc, đập đập hai chân vào nhau lên giường ngủ. Tối hôm trước chuyến đi mẹ tôi nấu một nồi cơm trong nồi đất nung. Bà xới một bát (đọi) vào lá chuối, để nguội, rắc vào những hạt muối thô rồi lăn đi lăn lại cho thật nhuyễn và cứng. Phần còn lại bà để nguyên trong nồi, mở vung cho khỏi thiu, treo lên quang để phòng chuột hoặc mèo và dặn bố con tôi lấy xuống ăn vào bữa sáng hôm sau, khỏi nấu.
Khi tiếng gà đầu tiên trong chuồng gà nhà tôi gáy lên, mẹ tôi, bố tôi và tôi đều thức dậy. Mẹ tôi mặc chiếc mấn (váy) bằng vải diềm bâu nhuộm nhiều nước củ nâu (loại váy cổ " Hôm nay nghe chiếu vua ban. Cấm quần không đáy người ta hãi hùng. Không đi thì chợ không đông. Đi thì phải mượn quần chồng, quần con") và chiếc áo cùng loại vải nhưng nhuộm ít lượt nước củ nâu hơn. Bà thắt ngang lưng chiếc bao tượng màu ngà bằng vải lụa thô, trong có vài tờ bạc "cụ Hồ". Bà chít khăn mỏ quạ, đội chiếc nón cũ. Vẫn đôi chân trần dù ngày ấy đã có nhiều người đàn bà sắm được dép lốp cao su Bình-Trị-Thiên, bà vội vàng ra đi.
Năm 1957, bà về thăm quê đẻ đến 4 lần; lần nào cũng dừng lại ở Hoàng mai ( nơi bà cho mất anh tôi năm 1945) cả ngày để dò tìm tung tích anh tôi...
Cuối năm 1957, một buổi sáng trời chưa sáng như các lần mẹ tôi ra đi trước đây, tôi bị đánh thức dậy. Mẹ tôi, bố tôi và lần này có cả tôi, quần áo xênh xang, chỉnh tề hơn hẳn mọi ngày cùng ra đi sau khi bố tôi đã hạ tấm liếp neo bằng móc tre xuống cửa tre. Chúng tôi đi đón anh tôi về. Tôi đi được dăm cột số thì bố tôi phải cõng. Tôi đi thêm được khoảng ngần ấy cột cây số thì đến lượt mẹ tôi. Cứ thế mặt trời gần ngọ chúng tôi đến được Hoàng Mai. Chúng tôi đang ngồi nhờ, ăn cơm nắm bằng tay trong một quán lá bán kẹo cu-đơ, kẹo lạc, bánh chưng và nước chè xanh thì một người đàn ông, nói giọng Thanh từ phía bắc đi đến. Người này trạc tuổi mẹ tôi, tức kém bố tôi khoảng 20 tuổi. Người đó chính là bố đẻ của anh tôi. Thì ra khi tìm ra anh tôi, mẹ tôi đã báo cho ông ấy biết và hẹn gặp chúng tôi tại đó để đi đón anh tôi về...
Nguyễn Xuân Nghĩa
* Bài kỳ 1 và kỳ 2 xem ở đây : ethongluan.org/index.php/doc-bai-luu-tru/945
* Tiếp theo kỳ cuối: Tại sao anh tôi phải chết.