Monday 12 February 2018

Vô Giá - Bạch Liên

vogia

Thuyền con trốn chạy đêm lặng lẽ
Sông Nhà Bè quạnh quẽ đầy đưa
Đêm khuya rời bến hàng dừa
Lập lờ ra biển cũng vừa hừng đông
*
Ghe xình xịch trên dòng nước mặn
Lướt thật nhanh leo ngọn sóng buồn
Cần Giờ từ giã cội nguồn
Biển ơi xin chớ rẫy ruồng ghe con
*
Đêm hai tám người còn nô nức
Chợ rộn ràng bánh mứt ngày xuân
Cúc, mai, dưa hấu, múa lân
Ngoài khơi lá gỗ đang oằn oại đau
*
Tết trên sóng thét gào tang tóc
Giữa biển Đông tiếng khóc kêu trời
Ngừng tay, đừng bắn…máu rơi
Chung dòng huyết thống là người Việt Nam

  
Hình ảnh chiếc ghe bé nhỏ lênh đênh trên làn nước mịt mù chân mây, gợi nhớ trong tôi một kỷ niệm đời, đã khắc sâu trong tiềm thức mà tôi thiết nghĩ, suốt kiếp nhân sinh còn tồn tại trên quả địa cầu, tôi sẽ không bao giờ quên.
Tiết trời lành lạnh đang phô dáng nàng Đông tuyết trắng nhưng trong lòng người Việt Nam chúng ta đang rộn ràng chào đón Tết Nguyên Đán.  Ba ngày tưng bừng nhất trong một năm cho mọi người nghỉ ngơi ở nhà, tận hưởng bao niềm vui mà lẩn quẩn một năm dài, ít ai có thời giờ rảnh rỗi để rong chơi, thăm viếng bà con dòng họ và bạn bè thân thiết.
Nếu là người miền Nam thì không ai mà không tưởng nhớ làn sóng vượt biển Đông vào khúc quanh giao thời năm xưa nóng sốt ra sao khi mà người dân miền Nam hiền lành bắt đầu nếm mùi vị đau khổ tuyệt vọng.  Trăm ngàn ghe cây bé nhỏ lần lượt ra khơi.  Anh chị chủ ghe hàng xóm thân tình của tôi thông báo cùng bà con có cùng ước nguyện, cùng ôm mộng viễn du, hãy chuẩn bị mọi thứ vì ngày rời bến sẽ bất ngờ. 
Năm ấy tôi không sửa soạn gì cho Tết nhất.  Tất cả mọi thứ đều thấp thỏm tập trung vào chuyến vượt biển cận kề.  Chợ Lớn đông nghẹt người mua bán các mặt hàng Tết.  Dưa hấu đổ thành nhiều đống chất cao hình quả núi nằm êm ấm dưới mái lều được dựng tạm bợ chống nắng che mưa.  Chợ dưa hấu với nhiều mái lều đơn sơ được giàn dựng nằm dài san sát nhau, chạy dọc theo vỉa hè trước cửa chánh của nhà hàng Á Đông.  Đường xá thì chật ních và rất ồn ào với xe xích lô đạp, xích lô máy ì xèo, ba bánh….Ôi thôi, quá là náo nhiệt đông vui…!!!
Khi còn là bé con láu táu, tôi rất thích đi lòng vòng chợ khuya khoảng một tuần từ ngày đưa Ông Táo về trời.  Chợ đêm kéo dài cho đến trưa ngày ba mươi Tết thì rã hàng.  Ai nấy đều vội vã dọn dẹp sạch sẽ để trả con đường êm ả lại cho góc phố bình an, chuẩn bị đón đêm giao thừa.  Tôi ríu rít theo mẹ chọn lựa dưa hấu, chở bằng xe xích lô đạp hay xe ba bánh về nhà.  Cái thú ngồi chèo queo lắt lẻo trên xe ba bánh, một năm mới được vui chơi một lần khi đi chợ Tết.  Mẹ mua nhiều dưa hấu lắm nên không thể khiêng bằng tay để mang về nhà được. Vậy mà cái tết sau cùng trước khi rời xa Sài Gòn, tôi đành ngoảnh mặt làm ngơ với bao tiếng loa quảng cáo bánh mứt, lời rao mời mọc mua dưa hấu.  Ôi, còn biết bao thức ăn khác quá là bắt mắt mà tôi đành hững hờ bỏ lại sau lưng. 
Chiếc lá gỗ bé tí âm thầm rời bến trong đêm hai mươi Tám Tết.  Mùa xuân năm ấy ba mẹ tôi cũng thấp thỏm đứng ngồi không yên, chờ tin bay về nên cũng không ăn tết.  Có thể là tin vui mà cũng có thể là tin buồn… Nào ai biết được, biển Đông dậy sóng có ban phước lành cho chiếc lá gỗ tội nghiệp, mồ côi đi biển một mình này không?
"Lòng buồn cảnh vật có vui bao giờ."
Những ngày tôi lênh đênh trên biển là thời gian lo lắng dài nhất của hai đấng sinh thành.  Ba mẹ tôi thao thức, trông đứng trông ngồi từng giây từng phút.  Ông bà nằm toòng teng trên chiếc võng kẽo kẹt đêm và ngày, tầm mắt luôn hướng trực chỉ, nhìn thẳng ra cửa sắt, hoài mong bóng dáng chú phát thư trờ tới.  Không phải chú này đẹp trai bảnh tỏn, mang nhiều kẹo, bánh, mứt chi cả.  Cái mà ba mẹ tôi cần ở chú là tờ giấy mỏng mảnh nhẹ te, bên trong chỉ vỏn vẹn vài chữ lưa thưa nhưng rất nặng kí lô vì dung chứa một ánh hào quang rực sáng của một trái tim vừa tìm được tương lai và sức sống ở bến bờ tự do.  Đó là tờ điện tín vô giá:
 "Con đến Pulau Bidong ngày mồng ba Tết rồi mẹ ạ."
Bạch Liên
Kỷ niệm ngày 28 tết