Tôi có một người bạn thi sĩ. Mỗi năm, khi đến mùa xuân, bạn tôi lại gửi cho tôi mấy vần thơ, để đọc, và để quyên nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, và nhớ những ngày xa xưa, khi chúng tôi còn học chung một mái trường.
Tết, lẽ ra tôi phải về Sài Gòn, để tìm lại không khí nhộn nhịp, háo hức của những năm, những tháng xa xưa, khi tôi còn trẻ, khi vừa bước vào tuổi 20, đi dạo phố Bonard, hay chợ hoa Nguyễn Huệ, theo chân các cô Hoàng Thị, làm cái đuôi lẽo đẽo đi theo, nhiều khi tới tận….. chợ Bên Thành. Mỏi chân mà chẳng nên cơm cháo gì !
Tết, lẽ ra tôi phải trở về Miền Tây, tỉnh Cần Thơ, để nhớ tới mình, khi mặc đồ nhà binh, phải ăn Tết trong đơn vị, vì lệnh cấm trại, nhưng vẫn vui chơi với bạn bè sĩ quan độc than, nhiều khi cháy túi, ngày mùng một, chỉ còn có một trái dưa hấu, ăn trừ cơm.Về Việt Nam ăn Tết, nào có khó gì, Nơi đó tôi còn nhiều bạn bè, nhiều người thân, nhưng mà có những việc, không làm được là không làm được.
Cho nên, Tết tha hương nơi xứ người tôi ngồi đọc thơ Nguyễn Bính :
Người ơi buồn lắm mà không khóc.
Mà vẫn cười qua chén rượu đầy
Nguyễn Bính, khi làm bài thơ Hành Phương Nam, chỉ mới xa nhà chừng vài ngàn cây số, vậy mà cũng bầy đặt làm bài hành, giống như bị đi đầy .Còn tôi, xa quê hương nửa vòng trái đất, mấy chục năm nay, ăn Tết tại Montréal.
Tết ở Montréal thì ngoài cái không khí Quê Hương, không thiếu thứ gì, mà lòng mình sao vẫn buồn. Bạn tôi nằm mãi tận bên California, cũng chẳng hơn gì.
Hai phương trời, một cảnh ngộ. Cảnh ngộ của những kẻ còn cố giữ khí khái hão, nhất định không chịu áo gấm về làng. Không hiểu bên Ca Li có vạc hay không, nhưng chắc là bạn mất ngủ, phải uống rượu tiêu sầu :
Vạc kêu ngỡ tiếng cố hương.
Cay men mỹ tửu, canh trường ngẩn ngơ.
(Thơ Lan Đàm).
Hinh như các thi sĩ mỗi khi buồn, thường hay uống rượu. Hai ông thi sĩ tuy sống trong những thời đại khác nhau, nhưng gặp nhau qua những ly rượu, và nỗi sầu xa xứ, sầu ly hương :
Cội mai trắng lạnh vườn sau.
Ly nghiêng, rượu cạn, đong sầu ly hương (LĐ)
Tết, chính ra, ngoài cái việc chào đón mùa xuân, vui chơi, cái ý nghĩa chính của nó là xum họp gia đình và về nơi chôn nhau, cắt rốn. Chính vì thế mà nhưng chuyến tầu cuối năm tại những xứ Á Châu đầy nghẹt người. Dù phải ra thành phố kiếm ăn, vất vả quanh năm, nhưng những người dân quê Việt Nam hay Trung Hoa, đến ngày Tết, tìm mọi cách đề về quê ăn Tết với gia đình. Trên Internet, chúng ta đã được nhìn cảnh những người lao động đó, chồng chất lên nhau trong các chuyến tầu cuối năm. thấy rất thảm thương.
Tôi đến Montréal và cuối thập niên 70.
Những năm đầu tiên xa xứ, tôi còn tương đối trẻ, hai vợ chồng chỉ có đứa con đầu lòng sanh tại thành phố này. Khi ấy, cha mẹ tôi còn sống. Mỗi năm, vào dịp Tết, các anh chị em tôi về tụ họp nhau lại, theo đúng truyền thống của người Á Châu. Mẹ tôi cũng theo đúng truyền thống, những dịp đó, đều lì xì cho mỗi đứa cháu một phong bao.
Thời gian trôi qua như bóng câu qua cửa sổ, cha mẹ tôi lần lượt qua đời, và đám nhỏ lớn lên, mỗi đứa có một đời sống, một việc làm, một gia đình riêng. Ngày Tết, tại Mỹ và Canada, mọi công sở, xí nghiệp làm việc bình thường, nên muốn tụ tập nhau lại như ngày xưa , không phải dễ. Đành phải ăn lễ Giáng Sinh và Tết Dương Lịch như người bản xứ, thành ra, Tết mất dần ý nghĩa của nó, và chúng tôi, cũng như các bạn hữu, nay đã trở thành các ông bà già, ăn Tết với nhau. Và Tết chỉ là một dịp để cùng nhau nhắc lại những kỷ niệm xa xưa, để thương, để nhớ :
Bốn mươi năm vẫn lạc đường.
Ngược xuôi đất trích hồn vương quê nhà.
Thôi thì các bạn già chỉ còn biết vui với nhau, mỗi tháng, mỗi tuần tụ họp lại với nhau tại một nhà hàng nào đó, ăn uống, nói dóc, âu cũng là một cách để tìm vui nơi xứ người.
Cũng may , nơi này rượu không thiếu, và lại ngon nữa .
Ngồi đi, rượu cũng xôn xao.
Lênh đênh đất khách ánh đào vẫn xưa.
Rồi say, thêm chuyện gió mưa.
Hải hồ chi, mái tóc thừa tuyết sương (LĐ)
Đúng thế, Tết thường rơi vào những ngày lạnh nhất của mùa Đông, và ngoài trời, thường thấy tuyết rơi, lạnh ngoài trời, nhưng cũng lạnh trong lòng. Những lúc ấy, một ly rượu chát đỏ thật là hợp tình, hợp lý :
Một ly rượu đỏ đã say.
Dăm câu thơ cổ đủ ngày dài thêm.
Cội mai trắng nở bên thềm.
Ừ, quên mời bạn có mềm tương tư (LĐ)
Uống đi bạn. Uống rượu đỏ.
Nhìn tuyết trắng rơi.
Đọc thơ bạn, chợt thấy đời cũng cho ta nhiều an ủi.
Bạn tôi may mắn hơn tôi, định cư tại Bréa, một tỉnh nhỏ của California, và Cali, khác Montréal ở chỗ có nắng ấm, có nhiều loại cây trái, hơi giống Việt Nam :
Ở đây gió núi sương xa.
Hình như có chút quê nhà mù tăm.
Cũng xôn xao buổi đầu năm.
Thủy tiên quyện khói hương trầm lênh đênh
Hình như Tết bên Sài Gòn Nhỏ cũng xôm tụ lắm, nhưng tôi biết không thể nào giống được những ngày Tết của tuổi thơ chúng ta. Ngay như về Việt Nam đi nữa, thì những ngày vui, những kỷ niệm đẹp, cũng không sao tìm lại được. Sài Gòn đã thay đổi rồi.
Đất Sài Gòn đã thay đổi rồi.
Người Sài Gòn đã thay đổi rồi.
Chúng ta muôn đời vẫn là những Từ Thức. Dù đi khắp chân trời góc biển, không bao giờ chúng ta tìm được thành phố ngày xưa.
Trần Mộng Lâm
Trần Mộng Lâm