Thursday, 1 March 2018

HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG, HOÀNG PHỦ NGỌC PHAN: Hồ sơ diệt chủng & Kẻ đã làm ô nhiễm dòng sông!

TƯỜNG LAM (Chút quà cho Huế Tết Mậu Tuất 2018)

Tôi được sanh ra bên này bờ Bắc An Hóa, chiếc phà nhỏ nối liền con sông dẫn về quận Bình Đại, vận hành bằng cách lần theo sợi dây "cáp" căng thẳng nối liền hai bờ.
Ba tôi, công nhân hãng dây luột, thứ dây làm đỏi cho ghe, tàu, kết bằng những sợi tơi của vỏ trái dừa khô của Tỉnh Bến Tre, với những khu vườn dừa bạt ngàn phủ xanh cả hai cù lao Bảo, Minh quanh năm phù sa bồi đắp, một vùng trù phú, nước ngọt cho hoa trái sum suê.

Năm 1945, tôi được hai tuổi. Nhật đảo chánh Tây, với sự cai trị của phát xít Đại Đông Á, phá ruộng lúa trồng đay, đã làm hơn hai triệu đồng bào miền Bắc chết đói năm Ất Dậu. Họ chết với đất đầy miệng, hơn nữa thế kỷ qua đi, món nợ này dù chánh quyền Quốc Gia hay Cộng sản chẳng ai lên tiếng thường bồi, tôi xem đó là một khiếp nhược của dân tộc.
Dân sinh đói khổ cơ hàn, dùng bao bố tơi để may quần áo. Người ta dùng ve chai lăn đi , lăn lại nhiều lần để giết rận, rệp bám quanh áo quần bằng bố để hút máu dân cùng đinh  mạt vận.

Một buổi chiều, ông Tây già mang đến cho mẹ tôi một quần Ka ki dài ống đã rách hai đầu gối, nhờ mẹ tôi cắt, lên lai làm quần "sọt", phần ống quần còn lại trả công. Mẹ tôi ngừng không ngủ, sáng ra với tài tháo vát, móc nách nối tay, mẹ may cho tôi một bộ đồ bằng Ka ki Pháp dù đã bạc màu. Không biết có phải định mệnh đầu đời ăn mặc như thế, bây giờ trong mấy tủ to đầy ắp, quần Ka ki Mỹ  màu nhạt chiếm đa số trong phần trang phục của tôi ! Thứ vải chắc, bền mặc càng lâu càng đẹp, không kém phần sang trọng.

Tết đến gia đình xuống ghe, ba tôi chèo, mẹ con tôi trong mui, xuôi theo con kênh An Hóa trổ ra bờ kinh Chẹt Sậy nửa cây số. Ngoại tôi thuộc gia đình khá giả, nhiều vườn đất và trên chục cổ xe ngựa chở mướn mỗi ngày lúa gạo, hàng bông, trái cây và hành khách ra chợ Bến Tre, hai chuyến đi về, ngày Tết xe chạy không nghỉ. Dân làng gọi ông ngoại tôi là ông Cai Giác, vì một thời ông ngoại tôi có làm việc ở Tòa Bố Tỉnh.

Tôi được sanh ra cạnh bờ sông, chuyến đi xa nhất đầu đời cùng cha mẹ về nhà ngoại ăn Tết cũng đi trên dòng sông.. Lớn lên cắp sách đến trường Tỉnh học môn Địa lý, tôi thấy đa số đô thị, tỉnh thành, quận lỵ đều xây cất bên bờ sông thuận đường giao lưu thủy bộ. Tỉnh lỵ Bến Tre nằm bên bờ sông Trúc Giang, từ sáng tinh mơ ghe, tàu, xuồng đò máy... xôn xao ở Bến Lở, người Pháp xây bằng bê tông dốc thoai thoải để chiều chiều lính mang đoàn ngựa đến tắm, bến mang hai tên : Bến Lở hay Bến Tắm Ngựa.

Theo sách"Địa Lý Học Tổng Quát" của Nguyễn Văn Vĩnh, từ Bến Lở có hang của con cá bống mú rất lớn ăn luồn vào đất liền. Người ta tìm dấu bằng những cặp dừa khô nẹo vào nhau cho vào trong hang, thời gian ngắn sau người ta gặp những cặp dừa khô trôi ra bờ kinh Chẹt Sậy, lộ trình dài gần 4 cây số. Một đêm kia dãy phố nằm trên miệng hang lở sập kéo theo dãy phố chìm xuống sông, nhiều người chết lúc nữa khuya đang ngon giấc ! Bến Lở được đặt tên kể từ đó.

Học Lịch sử, Việt Minh nổi lên khủng bố, dòng sông Trúc Giang đoạn Ba Lai, Mỹ Lòng, Giồng Trôm, Hàm Luông, Mõ Cày, Thạch Phú... vô số xác người bị trói thúc ké, đâm chết thả trôi sông, ám ngữ cho đi "mò tôm".... trôi trên sông cùng những đám lục bình. Xác đàn ông nằm sấp , xác đàn bà nằm ngửa... đều được gọi chung là thằng chổng. Bà cô của ông bạn tôi sau khi ba bị Việt Minh bắt bên xã Nhơn Thạnh ngày nào bà cũng bơi ghe ra tìm mỗi khi thấy thằng chổng trôi ngang..... Kiên nhẫn, sau cùng bà cũng tìm được xác cha mình sình chương, nổi hêu trên mặt nước, trên cổ đeo bảng "Việt gian".

Cộng Sản chủ trương lấy nông thôn bao vây thành thị, từ Vàm Nước Trong, với chiếc Tam Bản hai chèo, ba tôi "nhảy dù" chở gà, vịt, trứng, dừa khô sang chợ Bến Tre bán. Nhiều lần rời bến Cây Xoài ba tôi phải dùng sào đẩy một số thằng chổng trôi sang bên, mới đưa ghe ra sông được. Nếu Chánh quyền kháng chiến biết được ba tôi "nhảy dù", sau khi bị ghép tội Việt gian, ba tôi cũng sẽ trở thành thằng chổng thôi.

Bây giờ vào đầu tháng mười  hai, cái se lạnh trở về trên sông Thạch Hãn (Quảng Trị)  dù vô thần người Cộng sản lập đàn tràng trên sông cầu cho vong, linh người cán binh siêu thoát vì cứ mỗi đêm, một đại đội vỗ mặt tấn công cổ thành Quảng Trị do Lê Duẫn vạch ra, sáng ra chỉ còn năm, bảy người sống sót bơi về phía bờ Bắc.. Ròng rã chín chục ngày đêm vỗ mặt tấn công Cổ Thành, bộ đội chủ lực chết trên một vạn người (gần một sư đoàn). Số đèn thả trên sông trong ngày lễ lập đàn tràng cầu cho vạn oan hồn bộ đội siêu thoát không bằng số bóng đèn đủ màu của mấy khách sạn năm sao của con trai Lê Duẫn.

Tuần rồi, trong số giấy gói quà của mấy chú em trai từ Việt Nam gửi sang, vuốt thẳng mấy trang giấy bèo nhèo, tôi thấy hình cầu Tràng Tiền của Huế mờ trong sương, và ngay bên dưới tựa, trích đoạn một bài bút ký với chữ to :"Ai đã đặt tên cho dòng sông nữa. Tôi ngồi vào bàn, vuốt mấy lần nữa cho trang báo thẳng thớm, tôi say mê:

Trong những dòng sông đẹp ở các nước mà tôi thường nghe nói đến, hình như chỉ có sông Hương là thuộc về một thành phố duy nhất. Trước khi về đến vùng châu thổ êm đềm, nó đã là một bản trường ca của rừng già, rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như con lốc vào những đáy vực bí ẩn, và cũng có lúc nó trở nên dịu dàng, say đắm giữa những dậm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng.

Giữa lòng Trường Sơn, sông Hương đã sống một nữa cuộc đời của mình như một  cô gái Digan phóng khoáng và man dại. Rừng già đã hun đúc cho nó một bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn tự do và trong sáng. Nhưng chính rừng già nơi đây, với cấu trúc đặc biệt có thể lý giải được về khoa học, đã chế ngự sức mạnh bản năng ở người con gái của mình để khi ra khỏi rừng, sông Hương nhanh chóng, mang một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ, trở thành người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở. Nếu chỉ mải mê nhìn ngắm khuôn mặt kinh thành của nó, tôi nghĩ rằng người ta sẽ không hiểu một cách đầy đủ bản chất của sông Hương với cuộc hành trình gian truân mà nó đã vượt qua, không hiểu thấu phần tâm hồn sâu thẳm của nó mà dòng sông hình như không muốn bộc lộ, đã đóng kín lại ở cửa rừng và ném chìa khóa trong những hang đá dưới chân núi Kim Phụng.

Phải nhiều thế kỷ qua, người tình mong đợi mới đánh thức người con gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoang dại.

Nhưng ngay từ đầu vừa ra khỏi vùng rừng núi, sông Hương đã chuyển dòng một cách liên tục, vòng những khúc quanh một cách đột ngột, uốn mình theo những đường cong thật mềm như một cuộc tìm kiếm có ý thức để đi tới gặp thành phố tương lai của nó.

Từ Ngã Ba Tuần, sông Hương theo hướng Nam Bắc qua điện Hòn Chén, Vấp Ngọc Trản, nó chuyển hướng sang Tây Bắc vòng qua thềm đất bãi Nguyệt Biều, Lương Quán rồi đột ngột vẽ một hình cung thật tròn về phía Đông Bắc ôm lấy chân đồi Thiên Mụ, xuôi dần về Huế. Từ Tuần về đây, sông Hương vẫn đi trong dư vang của Trường Sơn, vượt qua một lòng vực sâu dưới chân núi Ngọc Trản, để sắc nước trở nên xanh thẳm và từ đó trôi đi giữa hai dãy núi đồi sừng sững như thành quách, với những điểm cao đột khởi như Vọng cảnh, Tam Thai, Lưu Bảo mang từ đó, người ta luôn luôn nhìn thấy dòng sông mềm như tấm lụa  với những chiếc thuyền xuôi ngược chỉ bé vừa bằng con thoi. Những ngọn đồi này tạo nên những mãng phản quang nhiều màu sắc trên nền trời Tây Nam thành phố, "sớm xanh, trưa vàng, chiều tím" như người Huế thường miêu tả.

Giữa đám quần sơn lô xô ấy là giấc ngủ nghìn năm của những vua chúa được phong kín trong lòng những rừng thông u tịch và niềm kiêu hãnh âm u của những lăng tẩm đồ sộ tỏa lan khắp cả một vùng thượng lưu "bốn bề núi phủ mây phong - mãnh trăng thiên cổ bóng tùng vạn niên". Đó là vẻ đẹp trầm mặc nhất của sông Hương như triết lý, như cổ thụ, kéo dài mãi đến lúc như mặt nước phẳng lặng của nó gặp tiếng chuông chùa Thiên Mụ ngân nga tận bờ bên kia, giữa những xóm làng trung du bát ngát tiếng gà.

Từ đấy, như tìm đúng đường về, sông Hương vui tươi hẳn lên giữa những biển bãi xanh biếc của vùng ngoại ô Kim Long, kéo một nét thẳng thực yên tâm theo hướng Tây Nam - Đông Bắc phía đó, nơi cuối đường, nó đã nhìn thấy chiếc cầu trăng của thành phố in ngần trên nền trời, nhỏ nhắn như những vành trăng non.

Giáp mặt thành phố ở Cồn Giả Viên, sông Hương uốn một nhánh cung rất nhẹ nhàng đến Cồn Hến, đường cong ấy làm cho dòng sông mềm hẳn đi, như một tiếng"vâng" không nói ra của tình yêu. Và như vậy giống như sông Seine của Paris, sông Danuble của Budapest, sông hương nằm ngay giữa lòng thành phố yêu quí của mình; Huế trong tổng thể vẫn nguyên dạng một đô thị cổ, trãi dọc hai bờ sông. Đầu và cuối ngõ thành phố, những nhánh sông đào mang nước sông Hương tỏa đi khắp phố phường với những cây da, cây dừa cổ thụ tỏa vầng lá u sầu xuống xóm thuyền xúm xít, từ những nơi ấy, vẫn lập lòe trong đêm sương những ánh lửa thuyền chài của một linh hồn mô tê xưa cũ mà không một thành phố hiện đại nào còn nhìn thấy được. . Những chi lưu ấy cùng với hai hòn đảo nhỏ trên sông đã làm cho giảm hẳn lưu tốc của dòng nước, khiến cho sông Hương đi qua thành phố đã trôi đi chậm, thật chậm, cơ hồ chỉ còn là một mặt hồ yên tĩnh. Tôi đã đến Leningrad có lúc đứng nhìn sông Neva cuốn trôi những đám băng lô xô nhấp nháy trăm màu dưới ánh sáng của mặt trời mùa xuân; mỗi phiến băng chở một con hải âu nghịch ngợm đứng co lên một chân, thích thú với chiếc thuyền xinh đẹp của chúng và đoàn tàu tốc hành lạ lùng ấy với những hành khách tí hon của nó băng băng lướt qua trước cung điện Petersburg cũ để đi ra bể Bantic. Tôi vừa từ trong khói lửa miền nam đến đây, lâu năm xa Huế và chính Leningrad đã đánh thức trong tâm hồn tôi giấc mơ lộng lẫy của tuổi dại. Ôi! Tôi muốn hóa thành con chim nhỏ đứng co một chân trên con tàu thủy tinh để đi ra biển. Tôi cuống quýt vẫy tay, nhưng con sông Neva đã chảy nhanh quá không kịp cho lũ hải âu nói một điều gì với bạn của chúng đang ngẩn ngơ trông theo.

Hai nghìn năm trước có một người Hy Lạp tên là Heracolit đã khóc suốt đời vì những dòng sông trôi đi quá nhanh, thế vậy ! Lúc ấy tôi nhớ lại con sông Hương của tôi; chợt thấy điệu chảy lặng lờ của nó đi ngang qua thành phố... Đấy là điệu Slow tình cảm dành riêng cho Huế có thể cảm nhận được bằng thị giác qua trăm nghìn ánh hoa đăng bồng bềnh vào những đêm hội rằm tháng Bảy từ Điện Hon Chép trôi về, qua Huế bỗng ngập ngừng như muốn đi muốn ở chao nhẹ trên mặt nước như những vấn vương của một nỗi lòng.
Hình như trong khoảnh khắc chùn lại của  sông nước ấy, sông Hương đã trở thành một tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya. Đã nhiều lần tôi thất vọng khi nghe nhạc Huế giữa ban ngày hay trên sân khấu nhà hát. Quả đúng như vậy, toàn bộ nền âm nhạc cổ điển Huế đã được sinh thành trên mặt nước của dòng sông này, trong một khoang thuyền nào đó, giữa tiếng nước rơi bán âm của tiếng chèo khuya.

Nguyễn Du đã bao năm lênh đênh trên quãng sông này, với một phiến trăng sầu và từ đó những bản đàn đã đi suốt đời Kiều. Tôi đã chứng kiến một nghệ nhân già, chơi đàn hết nữa thế kỷ, một buổi tối ngồi nghe con gái ngồi đọc Kiều. "Trong như tiếng hạc bay qua - đục như tiếng suối mới sa nữa vời"... Đến câu ấy người nghệ nhân chợt nhỏm dậy vỗ đùi chỉ vào trang sách Nguyễn Du mà thốt lên: "Đó chính là tứ đại cảnh".

Rời khỏi kinh thành, sông Hương chếch về hướng chính Bắc, ôm lấy đảo Cồn Hến quanh năm mơ màng trong sương khói, đang xa dần thành phố để lưu luyến ra đi, ra đi giữa màu xanh biếc của tre trúc và của những vườn cau vùng ngoại ô Vỹ Dạ. Và rồi, như sực nhớ lại một điều gì chưa kịp nói, nó đột ngột đổi dòng, rẽ ngoặt sang hướng Đông Tây để gặp lại thành phố cuối cùng ở góc thị trấn Bảo Vinh xưa cổ. Đối với Huế nới đây chính là chỗ chia tay dõi xa ngoài mười dặm trường đình. Riêng đối với sông Hương, vốn đang xuôi ngược chảy giữa cánh đồng phù sa êm ái của nó. Khúc quanh này thật bất ngờ biết bao. Có một cái gì rất lạ với tự nhiên và rất giống con người ở đây; và để nhân cách hóa nó lên, tôi gọi đấy là nỗi vương vấn, cả một chút lẳng lơ kín đáo của tình yêu. Và giống như nàng Kiều trong đêm tình trẻ, ở ngã rẽ sông này, sông Hương đã chí tình trở lại tìm Kim Trọng của nó, để nói một lời thề trước khi về biển cả "Còn non...còn nước....còn dài. Còn về... còn nhớ". Lời thề ấy vang vọng khắp lưu vực sông Hương thành giọng hò dân gian; ấy là tấm lòng người dân nơi Châu Hóa xưa mãi mãi chung tình với quê hương xứ sở.

Dòng sông và những đầm phá của nó, những dòng kênh uốn lượn qua thành phố cùng với tư thái của những ngôi nhà nằm giữa những khu vườn xanh tươi tất cả mang lại cho Huế một vẻ trong sáng đầy thư thái dành riêng cho cảm hứng nghệ thuật và trí thức.

Huế đã là và vẫn còn là một trung tâm của nền văn hóa Việt Nam... Vẻ đẹp của Huế và lịch sử mà nó làm chứng đã ban cho Thành phố Huế mang một sưc hấp dẫn về văn hóa và du lịch có tầm thước quốc gia và quốc tế.

 Không phải là một đoạn văn kiện chính xác của Liên Hiệp Quốc do ban thư ký của Unesco soạn, đăng trên Tạp chí "Di Sản Văn Hóa" số mới đây. Tuy nhiên, tôi đã đọc nó với sự rung động thẩm mỹ của tâm hồn : qua đây, tôi thấy hiện bóng khuôn mặt tươi trẻ và quyến rủ của dòng sông thành phố giữa lòng thế giới hiện đại. Người ta đã nhìn khắp trái đất và đã không quên được nó, dòng sông Việt Nam nhỏ nhắn chỉ dài gần một trăm kí lô mét từ nguồn đến biển.

Hiển nhiên sông Hương đã sống những thế kỷ quang vinh với nhiệm vụ lịch sử của nó, từ thuở nó còn là một dòng sông biên thùy xa xôi của Nguyễn Trãi có mang tên là Linh Giang, dòng sông Viễn Châu đã chiến đấu oanh liệt bảo vệ biên giới phía Nam của Tổ Quốc Đại Việt qua những thế kỷ trung đại. Thế kỷ 18, nó vẻ vang soi bóng kinh thành Phú Xuân của người anh hùng Nguyễn Huệ; nó sống hết lịch sử bi tráng của thế kỷ 19 với máu của những cuộc khởi nghĩa.

Sông Hương là vậy, dòng sông của thời gian ngân vang, của sử viết của màu cỏ lá xanh biếc. Khi nghe lời gọi, nó biết cách tự biến đổi mình làm một chiến công, để rồi nó trở về với cuộc sống bình thường, làm một người con gái dịu dàng của đất nước. Thỉnh thoảng, tôi vẫn còn gặp trong những ngày đem áo ra phơi, một sắc áo cưới của Huế ngày xưa , rất xưa, màu áo lục điều với loại vải vân thưa màu xanh tràm lồng lên một màu đỏ ở bên trong, tạo thành một màu tím ẩn hiện, thấp thoáng theo bóng người, thuở ấy các cô dâu trẻ vẫn mặc sau tiết sương giáng. Đấy cũng chính là màu của sương khói trên sông Hương, giống như tấm voan huyền ảo của tự nhiên, sau đó ẩn dấu khuôn mặt thực của dòng sông.
Có một dòng thi ca về sông Hương, và tôi hy vọng đã nhận xét một cách công bằng về nó khi nói rằng dòng sông ấy không bao giờ tự lập lại mình trong cảm hứng của các nghệ sĩ.

Mỗi nhà thơ đều có một khám phá riêng về nó : từ xanh biếc thường ngày, nó bỗng thay màu thực bất ngờ "Dòng sông trắng, lá cây xanh" trong cái nhìn tinh tế của Tản Đà, từ tha thiết mơ màng nó thoắt nhiên hùng tráng lên" Như kiếm dựng trời xanh" trong khí phách của Cao Bá Quát; từ nỗi quan hoài vẫn còn với bóng chiều bảng lảng trong hồn thơ Bà Huyện Thanh Quan, nó đột khởi thành một loại hình đặc biệt (CS) của tên ác đảng thi nô Tố Hữu. Và ở đây một lần nữa, sông Hương quả thực là Kiều và rất Kiều trong cái nhìn thắm thiết tình người.

Có một nhà thơ từ Hà Nội đến đây, tóc bạc trắng lặng ngắm dòng sông, ném mẫu thuốc lá dưới chân cầu, hỏi với trời, với đất một câu thật bâng khuâng : Ai đã đặt tên cho dòng sông?... Tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường!!!

Bút ký trên đã được viết ra trong mười ngày sau bốn mươi năm tác giả sống ở Huế, hơn nữa cuộc đời. Bút ký này đã được Bộ Giáo Dục Cộng Sản đưa vào chương trình giảng dạy môn văn lớp mười hai.

Một buổi chiều mùa thu năm 1984 ở vườn An Hiên - nơi Hoàng Phủ Ngọc Tường ngồi ngắm sông Hương với quyển sách trong tay.

Qua ô cửa ngôi nhà xưa, dòng sông hiện ra với vẻ đẹp bảng lảng với một ít buồn, một chút se lạnh và vài cơn giáo đìu hiu. Như Vương Bột đời nhà Đường bên Trung Quốc, đứng dưới mái hiên nhìn ngắm dòng sông trôi đi lững lờ trong bài phú "Đằng Vương Các". Trong giây phút cảm xúc trào dâng giao hòa của đất trời trao cho ông niềm cảm xúc mãnh liệt viết nên bút ký " Ai đã đặt tên cho dòng sông?".

Trên nữa thế kỷ qua đi với chủ nghĩa ngoại lai nhân danh những điều không tưởng, lạ nhau, ân oán hận thù đã làm cho người Việt Nam chia cắt vì ngôn từ thống nhất, giải phóng đã bị phản bội.

Nhân đọc bút ký của ông tôi muốn đối thoại với tác giả với hai tư thế : Nhà văn và chánh án một đêm.

Mỗi nhà văn đều chắp cho mình đôi cánh để bay vào chân trời chân thiện mỹ, nơi đầy ắp bông hoa, nụ cười và tình người.

Tôi đọc bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường ba lần, tôi men theo dòng chảy của sông Hương, dòng sông chỉ dành riêng cho Huế, dòng sông trở nên diễm ảo tuyệt vời qua lối hành văn uyên bác, nhân cách hóa để non sông trở nên cẩm tú. Một dòng sông" thơm" lững lờ tình tứ, một bản trường ca của rừng già, rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như một con lốc vào những đáy vực bí ẩn và cúng có lúc trở nên dịu dàng và mê đắm giữa những dậm dài chói lọi màu đỏ thẳm của hoa đỗ quyên làm duyên cho những cánh rừng thưa lả ngọn. Công bằng mà nói văn của ông đã làm lòng tôi xao xuyến, tương tư dòng sông "thơm" đẹp như công chúa ngủ trong rừng. Tôi ganh tị với người dân Huế vì có riêng cho mình một dòng sông êm đềm, trầm mặc, chảy qua"bốn bề núi phủ mây phong-mảnh trăng thiên cổ, bóng tùng vạn niên" hòa cùng hồi chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương".

Tiểu sử văn nghiệp của ông thật lẫy lừng. Căn cứ vào năm sanh ông lớn hơn tôi nữa con giáp, ông sống và lớn lên dưới chế độ miền Nam, chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Nông dân một đời cuối mặt xuống bùn, mặt trời thiêu đốt trên lưng, làm ra hạt gạo nuôi ông lớn. Chế độ miền Nam rước cả giáo sư danh tiếng nước ngoài về dạy cho anh em ông nên người trí thức, người lính chúng tôi xả thân chiến đấu , nhiều đêm ôm súng, trắng mắt gác giặc nơi tiền đồn heo hút, nhiêu trăm ngàn người lính đã ngã xuống.... để cho ông yên bình cầm phấn đứng trên bục giảng của trường Quốc Học danh tiếng. Đất nước chiến tranh anh em ông không phải ra mặt trận : chế độ miền Nam ưu đãi anh em ông quá chừng.

Năm 1968 đến, Tết Mậu Thân cổ truyền về với dân tộc, hai bên đồng ý hưu chiến ba ngày để toàn dân bình yên vui hưởng Tết. Phía bên kia gian manh, bội ước, xua quân tấn công tất cả tỉnh thành Miền Nam.

Mậu Thân đã làm cho Huế điêu tàn, máu hòa trong nước mắt. Bến Tre xứ dừa quê tôi, ...cũng đau thương điêu tàn, đứng thứ hạng sau Huế! Các ông giải phóng đấy.

Đêm Giao thừa, tiến súng AK thay tiếng pháo, tiếng chỉnh âm thanh giòn tan của loại vũ khí giết người này đã đánh thức bản năng thú tính, đam mê quyền lực của Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan , hai tên trí thức gộc nằm vùng, loại người ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản.

Tôi không tài nào tưởng tượng nổi, một người viết nên nhiều áng văn trác tuyệt, được chọn làm giáo khoa cho cấp Tú tài. Giáo sư, trí thức mang họ Hoàng, dòng họ của vua chúa, tự biến mình thành chánh án một đêm thôi ở Khe Đá Mài! Một chánh án cùng hung cực ác, tuyên án tử hình 204 người cùng một lúc. Bản án được thi hành ngay, tập thể tử tội bị trói thúc ké, xâu chùm nhum vào nhau đứng trước khe đá, hố chôn tập thể đã được đào sẵn vội vàng.

Hung khí thi hành án : cán cuốc, dao, báng súng, mã tấu, lưỡi lê... Xác các nạn nhân sau này được khai quật, tìm thấy mới rõ, vỡ sọ, đạn xuyên vào gáy, bị bắn, đâm từ phía  sau lưng... Lịch sử dã man thời trung cổ, các bộ lạc ăn thịt người ở Phi Châu không tìm thấy cảnh giết người nào dã man, mọi rợ... như thế bao giờ.Với vốn sách báo hầu như đọc suốt cả đời, thỉnh thoảng tôi bắt gặp một vài tên tuổi lớn chánh án, luật sư..trở thành những nhà văn danh tiếng nhưng chưa gặp một nhà văn nào thành danh tầm cỡ nào trở thành chánh án... nhất là chánh án một đêm thôi đã biến địa danh Khe Đá Mài thành biểu tượng Thiên An Môn cho Huế.

Tử tội thuộc thành phần công chức, quân nhân, cảnh sát địa phương hoặc ở xa về quê ăn Tết... Chánh án Hoàng Phủ Ngọc Tường phân loại họ vào thành phần ác ôn, có nợ máu với cách mạng.

Các cô nhi quả phụ đi làm lao công, bồi phòng , giặt ủi,,, cho lính Mỹ cũng được xếp vào loại CIA được đế quốc Mỹ trả lương.

Những thành phần phản động kể trên phải được chánh quyền cách mạng Thừa Thiên, Huế trừng trị thích đáng : Tử hình. Các khu Gia Hội, Khe Đá Mài, Bãi Dâu... được chọn làm địa điểm thi hành án.

Chúng ta hãy nghe mẫu đối thoại của học trò thầy Tường nói với vợ trước khi bị đập đầu :
Em đừng lo, người ngồi xử là thầy cũ của anh ! Thầy Tường dạy anh ở Quốc Học .
Hoàng Phủ Ngọc Tường giết cả học trò mình.. Hầm chôn bốn vị Giáo sư Y Khoa :

-Bác sĩ Slois Alterkoster
-Bác sĩ Raimund
-Bác sĩ Hort Gunther Kranit và phu nhân
ngoài khuôn viên chùa Tường Vân do chính tay Hoàng Phủ Ngọc Phan, em ông bắn vào đầu.

Hoàng Phủ Ngọc Phan giết cả thầy mình. Sau này hai anh em dòng họ Hoàng Phủ chết đi xuống địa ngục sẽ được sự bái phục của Tần Thủy Hoàng vì bạo chúa này chỉ có chôn sống học trò và đốt sách mà thôi ! Chưa dám giết thầy.

Trước năm 1975 tôi có dịp cùng tỉnh trưởng Vĩnh Bình dự nhiều phiên tòa xử nhiều trọng án. Tôi còn nhớ vị chánh án tỏ ra nghiêm khắc cứng rắn xử thật nặng những tội phạm hung hăng, sát khí, không gớm tay khi gây án, nhất là những vụ giết người hung thủ không bao giờ được giảm khinh. Khi vị chánh án gằn giọng đọc lớn lời nhận xét của nhân viên tư pháp ghi :

"Khi chúng tôi đến khống chế can phạm có thái độ hung hăng chống đối, không tỏ vẻ ăn năn hối hận về hành động gây án của mình".

Hôm nay, dù không phải là nhân viên tư pháp, tôi là người tị nạn chính trị, sống ở nước Mỹ hai mươi năm rồi. Để giúp cho chánh án xử  Hoàng Phủ Ngọc Tường có đầy đủ hồ sơ về tội phạm của anh em ông Hoàng Phủ Ngọc Tường và Ngọc Phan và chắc chắn hai anh em dòng họ Hoàng Phủ sẽ ra trước vành móng ngựa của tòa án quốc tế về tội ác của mình gây thảm họa cho người dân Huế hồi Tết Mậu Thân; tôi tự nguyện làm công việc này (lập một hồ sơ cho HPNT & HPNP).

Hồ sơ này sẽ in thành sách để tặng riêng cho người dân Huế thế hệ mai sau, để họ biết rằng ở Huế dòng họ Hoàng Phủ có hai người là tội phạm bị truy tố ra tòa án quốc tế về tội ác diệt chủng.

Sau đây là lời trần tình của một nữ cán sự điều dưỡng Huế, mà cả gia đình bị thảm sát bởi Hoàng Phủ Ngọc Phan :

Tôi xin tường thuật chi tiết của những cái chết đau thương của ông nội tôi, ba người anh,cùng một người bạn của họ, như là một nhân chứng còn sống sót sau Tết Mậu Thân, như là tiếng kêu oan cho gia đình tôi, cho linh hồn của những người thân trong gia dình, gia tộc nói riêng và cho những người dân Huế nói chung. Thay cho tất cả những ai bị sát hại trong Tết Mậu Thân 1968 bây giờ còn kẹt lại Việt Nam không có cơ hội nói lên những oan khiên mà họ phải gánh chịu bởi Đảng Cộng Sản Việt Nam và bè lũ tay sai khát máu giết hại dân lành vô tội như anh em Hoàng Phủ Ngọc Phan và Nguyễn Thị Đoan Trinh v.v....

Năm 1968, tôi là sinh viên năm thứ nhất trường Cán Sự Điều dưỡng Huế. Ngoài những giờ học lý thuyết chung tại trường, bọn sinh viên chúng tôi được chia thành toán. Mỗi toán từ 8 đến 10 người luân phiên thực tập ở các trại bệnh trong bệnh viên trung ương Huế. Có những trại bệnh sinh viên thực tập theo giờ hành chính. Có một vài nơi như phòng cấp cứu, phòng bệnh nội thương...thì giờ thực tập chia làm ba ca : Sáng, chiều và đêm...

Ca sáng từ 7 giờ sáng đến 2 giờ chiều, ca chiều từ 2giờ đến 9 giờ tối và ca đêm từ 9 giờ tối đến 7 giờ sáng hôm sau. Mỗi nơi chúng tôi được thực tập từ hai đến ba tuần lễ.

Hai tuần trước Tết, toán của tôi được chia phiên thực tập ở phòng cấp cứu. Ngày mồng hai, tôi và hai anh bạn vào ca đêm.

Tết năm nay ba tôi bận đi hành quân xa không kịp về ăn Tết.

Thường thì mấy anh em tôi năm nào cũng vậy, đều phải về nhà ông bà nội từ trước ngày 30 tết, ở luôn cho hết ngày mồng một, rồi sau đó mới được tự do đi chơi, thăm viếng bạn bè.

Sau bữa cơm tối mồng một Tết, khoảng 8 giờ 30, anh Hai lấy xe Honda của anh đưa tôi đến Bệnh viện và nói sáng mai anh sẽ đến đón.

Tối mồng một Tết hơi vắng. Chúng tôi, mấy anh em sinh viên Y Khoa và hai nhân viên phòng cấp cứu nói đùa với nhau rằng hôm nay tụi mình ...hên.  chúng tôi mang một ít bánh ra vừa ăn vừa nói chuyện, vừa thay nhau thăm chừng những bệnh nhân mới nhập viện từ đêm qua chưa được chuyển trại.

Nhưng qua nữa đêm bắt đầu nghe có tiếng súng. Tiếng súng lớn, nhỏ từ xa rồi mỗi lúc một gần. Chúng tôi giật mình, băn khoăn nhìn nhau, hoang mang lo sợ. Bầu không khí bắt đầu căng thẳng. Mấy anh sinh viên Y Khoa nghe ngóng bàn tán, thắc mắc không biết tiếng súng từ đâu vọng lại,..

Lúc đầu chúng tôi tưởng là thành phố Huế bị pháo kích nhưng không ngờ chừng 3,4 giờ sáng, bất thần không biết từ ngõ ngách nào có chừng mấy mươi người tràn vào phòng cấp cứu, họ xưng "Chúng tôi là quân giải phóng". Đa số mặc áo quần đen, súng mang vai, bị rết ngang hông. Họ bắt tất cả chúng tôi băng bó cho một số người bị thương, đồng thời hò hét , chia nhau lục soát, vơ vét và lấy đi một số thuốc men, bông băng, dụng cụ y khoa v.v.... Họ lấy sạch không chừa một món nào, kể cả bánh mứt để trong phòng trực.

Trong lúc bọn họ đang tranh nhau lục lọi thì ầm một cái, một tiếng nổ rớt rất gần đâu đó trong bệnh viện. Rồi tiếng thứ hai, thứ ba, rớt ngay con đường phía trước cổng chính bệnh viện kề phòng cấp cứu. Điện trong phòng cấp cứu vụt tắt. Thừa lúc bọn chúng nhôn nhao kéo nhau đi, chúng tôi mạnh ai nấy tìm đường chạy thoát thân.

Ra khỏi phòng cấp cứu tôi cắm đầu chạy, tôi không định hướng là mình chạy đi đâu.
Súng nổ tứ bề nên ai ở đâu thì cứ ở đó. Sau khi đám người xưng là "Quân Giải Phóng" ở phòng cấp cứu kéo nhau đi, chúng tôi không gặp, không thấy bọn Việt Cộng nào nữa, hay chúng đang lẫn trốn trong những trại bệnh khác thì tôi không biết.

Tới ngày thứ năm, ruột gan như lửa đốt, không biết ông bà nội, mạ và mấy anh em tôi trên đường Hàm Nghi ra sao. Tôi nói với cha Trung : Cha ơi ! Con muốn về nhà. Cha bảo : Không được, súng đạn tứ bề, nguy hiểm lắm.. Cứ ở đây với cha và mấy sơ đi đã, khi mô lính mình xuất hiện thì mới đi được. Tôi hỏi : Khi mô thì lính mình mới tới. Cha nói không sớm thì muộn họ cũng sẽ phản công thôi, cha nói như để trấn an tôi và mọi người thôi, chứ trên mặt cha thì đầy vẻ lo âu.

Không biết nghe tin từ đầu mà một người trong nhóm nói người ta chạy vô ở trong nhà thờ Phú Cam đông lắm. Tôi nghe càng nóng lòng muốn chạy về nhà. Muốn đi một phần vì sốt ruột muốn gặp mạ và mấy anh em tôi, phần vì đói. Đã mấy ngày không có gì ăn ngoài mấy ổ bánh mì cứùng còng của Caritas còn sót lại ở nhà nguyện, chúng tôi chia nhau gặm cầm hơi.

Tôi quyết định chạy về nhà tìm gia đình. Tôi liều! Trên người tôi chỉ có bộ đồng phục dính đầy máu, tôi chạy ra sau cổng bệnh viện tìm đường về nhà.

Vừa chạy vừa lo, ngó tới ngó lui không một bóng người nhưng tiếng súng thì nghe rất gần. Không biết mấy lần vấp, tôi té xuống. Té rồi lòm còm bò dậy và bước lại vấp té. Tôi lạnh run hai hàm răng đánh bò cạp. Nhìn cảnh tượng xác người nằm đây đó , máu me đóng vũng. Không biết họ bị thương đâu đó ở bên ngoài chạy vào gục chết ở đây.

Quá sợ hải, tôi định chạy trở lại nhà nguyện thì bất thần anh Văn hớt ha hớt hãi từ cổng sau bệnh viện chạy vô.

Văn là bạn của anh Hải, anh kế tôi, hai người cùng học ở Văn khoa. Nhà Văn ở miệt trên gần dòng Thiên An. Mặt mày Văn xanh xao, hai mắt thất thần . Gặp tôi Văn lắp bắp nói không ra hơi. Ti ơi ! Thằng Hải bị bắn chết rồi, hắn bị bắn ở bên Văn khoa. Toàn thân run rẩy tôi khuỵu xuống. Văn đỡ tôi đứng lên.

Lại có tiềng nổ rất gần, Văn hốt hoảng kéo tôi chạy lại ngồi xuống bên trong bức tường sát cánh cổng sau bệnh viện. Hai đứa tôi run rẩy ngồi sát vào nhau. Lát sau tiếng được tiếng mất, anh lắp bắp kể. Văn nói mấy đêm rồi Văn ở với mấy người anh của tôi trốn  đâu trong nhà thờ Chánh Tòa (nhà thờ Phú Cam), nhưng rồi đêm qua có mấy sinh viên của mình dắt một toán Việt Cộng vô nhà thờ đọc một lô danh sách, họ lùa người đi đông lắm, không biết họ đưa đi đâu. Văn kể một hơi mấy tên"sinh viên của mình" nhưng bây giờ tôi không còn nhớ nổi.

Khi đám người bị lùa đi, thân nhân của họ khóc la thảm thiết.

Sau đó Văn, anh Hải cùng mấy người bạn rủ nhau trốn ra khỏi nhà thờ và mạnh ai nấy tìm đường trốn.

Ra khỏi nhà thờ, không biết trốn chui trốn nhủi, chạy quanh chạy co làm sao mà anh Hải lại tới được trường Y Khoa. Anh Lộc, anh Kính đi lạc hướng nào không biết. Hai anh hè nhau chui vô phòng thí nghiệm trốn thì thấy có vài người bị bắn chết tự bao giờ mà những vũng máu đọng dưới họ còn tươi lắm. Văn, anh Hải hoảng hồn chạy trở ra. Chưa ra khỏi cửa thì gặp Hoàng Phủ Ngọc Phan và Nguyễn Thị Đoan Trinh cùng mấy sinh viên khác nữa mà Văn không biết tên, chỉ biết họ đồng bọn với Hoàng Phủ Ngọc Phan. Văn biết mặt Phan vì Văn có người anh học Y Khoa cùng lớp với Phan..

Gặp Văn , Phan nạt nộ, tui mi chạy trốn nơi mô? Khôn hồn thì chạy qua Văn Khoa tập trung ở đó để đi tải thương! Hải và Văn biết thể nào cũng không thoát khỏi sự kiểm soát của bọn Hoàng Phủ Ngọc Phan nên vội vàng chạy bộ xuống Văn Khoa, hy vọng bị bắt đi tải thương chứ không bị giết.

Bọn Trinh, Phan chạy xe Honda nên họ tới trước và cũng đã bắn trước một sô người khác rồi. Hải, Văn không biết nên lúc thúc chạy đến. Một đoạn đường từ sau bệnh viện tới sân trường Văn Khoa mà không biết bao nhiêu là xác người, áo quần vung vãi khắp nơi.

Chúng tôi chạy mới tới trường Trung học Jeane d' Arc thì gặp bọn Hoàng Phủ Ngọc Phan lấp ló trước cổng trường với một nhóm bộ đội Bắc Việt. Người nào mặt mày cũng đằng đằng sát khí. Gặp lại Phan, Văn run rẩy, Phan chưa kịp nói thì Văn đã lắp bắp phân trần, em qua bệnh viện kiếm con Ti chớ em không có trốn mô và xin xỏ, anh cho em với con Ti đem xác thằng Hải về nhà rồi em trở lại đi tải thương!

Phan không trả lời tôi, hắn nhìn tôi ác độc, mi về nhà kêu thằng Lộc, thằng Kính xuống đây mà đem thằng Hải về. Tôi líu lưỡi, em không biết hai anh em ở mô mà kêu.

 Trước đây tôi không hề biết măt Hoàng Phủ Ngọc Phan, mà cũng chưa hề nghe nói tên người này vì trước năm 1968 tôi còn là học sinh trung học. Có thể các người anh của tôi thì biết, vì họ là những lớp sinh viên đàn anh, đã từng qua những khó khăn đối đầu với đám sinh viên theo phe "tranh đấu, lên đường, xuống đường" của những năm trước.

Hoàng Phủ Ngọc Phan to nhỏ gì với những người đồng bọn rồi quay lại ra lệnh cho tôi với anh Văn đem xác anh Hải về nhà. Chưa biết nghĩ cách nào để đem xác anh Hải về thì Văn thấy một chiếc xe xích lô của ai bị bể bánh xe sau, nằm chơ vơ cạnh vách tường trường Jeane d' Arc.

Văn gọi tôi theo anh. Chúng tôi đẩy chiếc xe xích lô sứt gọng gãy càng về phía Văn Khoa. Có chừng mười xác người trong đó, tôi không dám nhìn lâu. Chúng tôi hè hụi khiêng Hải bỏ lên xích lô. Xác anh đã cứng, đùm ruột lòi ra ngoài trông rất khủng khiếp, hai mắt vẫn còn mở trừng, miệng vẫn còn há ra.

Hoàng Phủ Ngọc Phan vừa đánh anh Văn bằng báng súng vừa chửi, chuyến ni mi trốn nữa mi gặp ta là mi chết.!

Văn run rẩy lắp bắp , dạ lạy anh em không dám nữa mô. Rồi chúng tôi hè hụi đẩy chiếc xích lô mang xác người anh xấu số của tôi nhắm hướng Cầu Kho Rèn đi lên. Nhà tôi ở trên đường Hàm Nghi, qua khỏi cầu một chút.

Suốt quãng đường từ đó về đến nhà, có rất nhiều đám lính bộ đội Bắc Việt đứng tụm năm tụm ba. Chúng tôi không bị bắt giữ lại vì có Hoàng Phủ Ngọc Phan chạy đi trước ra dấu cho họ để cho chúng tôi đi.

Khúc đường ngang trường Thiên Hựu cũng có rất nhiều xác người nằm rải rác, nhiều vũng máu cũng như xác người bị ruồi bu đen.

Đã mấy ngày không có gì trong bụng, tôi vừa đi vừa ói khan. Văn cũng vậy. Chúng tôi ráng sức đẩy chếc xích lô trong lúc Hoàng Phủ Ngọc Phan cùng hai người đàn bà cứ chạy xe chạy đảo tới đảo lui bảo chúng tôi mau lên. Tôi nghe chúng nó hỏi nhau. Bên Lý thường Kiệt, Nguyễn Huệ còn ai không? Có mấy chiếc xe Honda chở gạo, bánh tét đã tịch thu của nhà ai đó chạy thẳng vô trường Thiên Hựu.

Lúc đó bỗng dưng có mấy chiếc trực thăng xuất hiện trên trời nhả đạn xuống. Văn nói như reo bên tai tôi, Tí ơi ! máy bay của mình. Mừng chưa kịp no thì trời ơi từ những cửa sổ trên lầu  của trường Thiên Hựu những họng súng lớn nhả đạn, nhắm hai chiếc trực thăng mà bắn. Lúc đó chúng tôi mới biết là Việt Cộng đang ở trong trường Thiên Hựu quá nhiều. Hoảng hồn tôi, Văn chạy lại ngồi sụp xuống bên tường rào của trường tránh đạn. Phan và đồng bọn biến đâu mất. Tụi nó như ma, khi ẩn khi hiện. Nhưng chỉ được một lát hai chiếc trực thăng bay đâu mất. Chúng tôi thất vọng khi thấy Phan với đồng bọn xuất hiện hối chúng tôi đi.

Lên tới Cầu Kho Rèn, thấy một đám người đàn ông, đàn bà, con nít bị bắt trói chung với nhau ngồi trên đầu cầu. Họ ngồi gục đầu xuống hai đầu gối, tiếng con nít khóc, tiếng mấy bà mẹ dỗ con nín đi con ơi. Đi ngang qua nhà họ mà chúng tôi không dám nhìn. Có tiếng người trong đám gọi Tí ơi! Quay lại tôi nhận ra chị giúp việc của mẹ tôi và vợ của một chú cùng đơn vị với ba tôi ở Tiểu Đoàn 12 Pháo Binh, Phú Bài. Tôi đoán họ là những người từ trên Phú Cam, chung quanh cầu Kho Rèn, Hàm Nghi và những con đường chung quanh đó chạy xuống tìm đường trốn lên Phú Lương thì bị bắt giữ.

Tôi định dừng lại hỏi thăm thì Hoàng Phủ Ngọc Phan trờ xe tới nạt nộ "Đi mau! Ngó chi!". Trên đường từ Văn Khoa ngang qua trường Thiên Hựu, cầu Kho Rèn, lên tới nhà nội chúng tôi thấy nhiều người bị trói dính chùm với nhau đi trước mấy người mặc đồ đen, đi dép râu mang súng.

Súng nổ tứ bề mà không thấy bóng dáng lính mình ở đâu cả, chỉ thấy lính Bộ đội Bắc Việt khắp nơi.

Trên đường Hàm Nghi, Nguyễn Thị Đoan Trinh chạy ngang nhà nào mà y thị gật đầu là y như rằng trong nhà có người bị bắt đem ra, người thì bị bắn trước nhà, kẻ thì bị dắt đi. Mấy ông bà cụ trong nhà chạy theo nằm lăn ra đường khóc la thảm thiết. Bọn lính Bắc Kỳ thì cứ chửi thề luôn miệng, đéo mẹ câm mồm, ông bắn bỏ mẹ bây giờ.

Hai chúng tôi cứ nghiến răng cúi mặt lầm lũi đẩy chiếc xích lô mang xác Hải đi tới.

Khi gần tới nhà tôi ở số 24 Hàm Nghi thì Hoàng Phủ Ngọc Phan và con hồ ly Trinh rà xe lại gần bảo tôi, không được đẩy vô nhà mi. Đẩy lên trên tê.

Đẩy lên trên tê, tôi hiểu là đẩy lên nhà ông nội ở trên dốc hướng đi lên Phú Cam. Nhà ba mẹ tôi thì ở gần Cầu Kho Rèn.

Tôi cũng không hề biết mặt Nguyễn Thị Đoan Trinh trước đó, trong hoàn cảnh này tôi mới biết mặt y thị là nhờ anh Văn nói.

Tội nghiệp anh Văn cứ tưởng khi Hoàng Phủ Ngọc Phan biểu chúng tôi đẩy xác anh Hải về là được tha chết.

Anh Văn và tôi cũng không ngờ rằng đoạn đường từ Văn Khoa lên tới nhà nội trên đường Hàm Nghi là đoạn đường sau cùng chúng tôi đi chung với nhau trong cuộc đời này.

Lên tới nhà nội, chúng tôi đẩy Hải vô bên trong hàng rào chè tàu, bỏ Hải ngoài sân tôi với Văn chạy vào nhà, nhà vắng ngắt. Đi từ trước ra sau bếp gọi ông ơi, mệ ơi! Nghe tiếng ông nội yếu ớt từ trong buồng vọng ra, ai đó, đứa mô đó? Con đây, ông nội. Nghe tiếng tôi, ông tôi hấp tấp chạy ra, bước chân xiêu xiêu, ông tôi chạy lại ôm tôi. Ông khóc, ông nói lạy Chúa, lạy Mẹ, cháu tôi còn sống.

Tôi không khóc được, tôi run rẩy trong tay ông nội. Ông tưởng tôi sợ nên an ủi, con còn sống mà về được đây là phúc lắm rồi, ở đây với ông nội không can chi mô. Nghe nói mạ mi đưa ba thằng em mi chạy lên Phú Lương rồi, không biết đi tới mô rồi, có thoát được không? Lạy chúa, lạy mẹ phù hộ.

Tôi không nói vì quá mệt, kéo tay ông nội ra ngoài.  Nhìn thấy xác Hải ông khuỵu xuống, miệng thì kêu trời ơi, trời ơi! Răng mà ra nông nỗi ni...

Chúng tôi đem Hải vào nhà, đặt anh trên divan. Ông nội lấy mền đắp lên xác Hải.. Hai người anh tôi đang trốn trên trần nhà đòi xuống nhìn mặt Hải. Ông nội không cho. Anh Lộc dở nắp trần nhà sát góc tường thò đầu vừa khóc vừa nói. Ti đẩy cái ghế đẩu qua cho anh. Tôi nghe lời ra đàng sau bếp lấy cái ghế đẩu mang lên để ngay góc phòng, cho anh Lộc nhảy xuống. Ông nội ngó lên huơ huơ hai tay với giọng lạc đi, đừng xuống ông nội lạy con, đừng xuống ở trên đó đi mà!... Anh Kính đang ở trên đó cũng đang khóc.

Lộc chưa kịp nhảy xuống thì nghe tiếng chân người ngoài sân. Anh vội vàng đóng miếng ván lại thì bọn Hoàng Phủ Ngọc Phan cũng vừa vào đến.

Thấy Phan bước vô mặt Văn biến sắc. Anh lắp bắp nói với ông nội, anh Phan cho tụi con đem xác về đó ông nội ơi. Ông nội đứng im không nói. Hai mắt cú vọ của nó ngó ông nội hỏi, thằng Lộc, thằng Kính ở mô. Tụi hắn năm mô cũng về ăn Tết ở đây mà ông không biết răng được? ông nội nói ba ngày tư ngày Tết, ăn xong thì tụi hắn đi chơi, đi thăm bà con họ hàng chứ chẳng lẽ ở nhà hoài răng? chừ thì tôi biết tụi hắn ở nhà mô mà chỉ?

Mắt Phan láo liên khắp nơi, chợt thấy cái ghế đẩu ngay góc phòng nó cười khan một tiếng!
Tôi đứng núp sau lưng ông  nội, Hoàng Phủ Ngọc Phan hung hăng bước tới xô ông nôi qua một bên, nó nắm lấy tóc tôi ra về phía hắn, ngó lên trần nhà la lớn, Lộc, Kính, Hiệp tụi mày không xuống tao bắn con Ti. Nó vừa nói vừa xoáy mái tóc dài của tôi trong tay đẩy tới đẩy lui. Tôi đau điếng, tôi sợ run lẩy bẩy nước mắt ứa ra nhưng chẳng dám la thành tiếng. Ông nội tôi chắp tay lạy nó như tế sao, tui lạy anh tha cháu tôi, con gái con lứa biết chi mô.
Thằng Phan càng la lớn, tao biết tụi mi trên đó có xuống không thì nói, không tao bắn con Ti. Phan xô tôi té xuống lấy chân đạp lên lưng, chĩa mũi súng lên đầu tôi hô một,hai,ba... Lập tức anh Lộc mở  nắp trần nhà thò đầu xuống la to, đừng, đừng bắn em tao để tao xuống!

Ông nội chạy lại giữ cái ghế cho anh bước xuống, Hai chân ông run, ông té sấp  đang lúc anh Lộc tìm cách tuột xuống; thò hai chân xuống trước, hai tay còn vịn trần nhà. Khi đôi chân vừa chạm chiếc ghế đẩu thì Hoàng Phủ Ngọc Phan đã nổ súng, đạn trúng ngay giữa cổ máu phọt ra, Lộc lăn xuống sàn nhà, toàn thân giãy giụa mấy cái rồi nằm yên.

Mặc ông nội la hét thất thanh, Phan chĩa súng bắn lên trần nhà. Nghe tiếng anh Kính lăn tới đâu nó bắn tới đó, bắn nát trần nhà, hết đạn nó giành lấy cây súng của thằng khác bắn tiếp cho đên khi anh Kính tôi rơi xuống theo mấy miếng ván.

Anh Văn ngồi bệt xuống đất, nhắm mắt bịt tai run lẩy bẩy, ngồi kề bên anh người tôi tê cóng đái ỉa ra cả quần. Ông nội tôi nhảy tới ôm anh Kính, hai mắt trợn trừng đang thều thào những lời sau cùng. Ông khóc, ông chửi rủa thằng Phan. Nó say máu bắn luôn ông nội tôi, ông tôi đổ xuống bên cạnh anh Kính.

Bắn ông tôi xong chúng kéo nhau đi, bắt anh Văn theo. Còn lại một mình, tôi bò lại ôm ông nội, tôi khóc không ra tiếng, thở không ra hơi. Hai bàn tay tôi ướt đẫm máu của ông nội tôi. Tôi bò sang anh Lộc, bò sang anh Kính, tôi lay, tôi gọi, tôi gào. Không ai nghe tôi hết, anh tôi không trả lời tôi, hai con mắt, bốn con mắt, sáu con mắt đều mở trừng trừng. Ông nội tôi nằm im, máu trong ngực ông vẫn tuôn ra từng giọt, tôi gục đầu xuống xác ông lịm đi, không biết bao lâu thì tôi mới tỉnh lại nhưng không ngồi dậy nổi, cứ nằm ôm lấy xác ông tôi, tóc tôi bết đầy máu, toàn thân tôi máu, phân và nước tiểu đẫm ướt, tôi không còn sức để ngồi lên.

Không biết tôi nằm bên cạnh xác ông tôi với ba người anh như vậy là bao lâu. Khi tỉnh dậy thì thấy hai vợ chồng bác Hậu, vài người lối xóm nữa của ông tôi dang ở trong nhà. Họ dọn dẹp khiêng bộ ngựa trong nhà bếp ra trước phòng khách, đặt xác ông nội cùng với ba người anh nằm chung với nhau. Hai bác gái đem tôi vào phòng tắm phụ nhau tắm rửa cho tôi như một đứa con nít. Bác Hậu lấy áo quần của Bác mặc cho tôi. Tâm trí tôi hoàn toàn tê liệt, tôi không còn khóc được, không còn mở miệng nói được câu nào.

Ngày cũng như đêm ngồi rũ rượi bên cạnh xác của ông và các anh tôi. Tôi không còn sợ chết nhưng sao tụi nó không giết luôn tôi, trời hỡi trời ơi!

Nhìn thấùy tôi tiều tụy, mỗi ngày bác Hậu gái khuấy cho tôi vài muỗng bích chi ép tôi uống. Thật ra nhà nội chẳng còn chi, gạo cơm, bánh mứt thì tụi nó cướp đi hết rồi, bác Hậu còn giấu được ít gạo, ít than nấu cháo uống cầm hơi với nhau.

Ngày hôm sau thằng Phan trở lại. Bác Hậu xin được phép chôn ông tôi và mấy người anh sau vườn nhà nhưng nó không cho, nói cứ để đó.

Đã hơn bảy ngày, xác đã sình lên và nặng mùi mà Phan không trở lại. Một buổi tối tụi bộ đội Bắc Việt đến lục lọi kiếm gạo. Bác Hậu xin chúng nó cho đào huyệt sau nhà để chôn ông nội và ba người anh. Chúng nó bảo, ừ thối quá rồi thì chôn đi, nhưng chỉ được đào một lỗ huyệt.

Vợ chồng bác Hậu khóc lóc năn nỉ, mấy anh ơi, người chết rồi biết chi, mấy anh cho tụi tôi đào bốn huyệt. Chúng vẫn không cho. Chúng nó phụ bác Hậu đào huyệt, bảo đem bốn người bỏ xuống chung một lỗ, lấp lẹ đi thối quá. Bác Hậu với mấy người trong nhà không ai muốn làm, ngó nhau mà khóc.

Chiều tối hôm đó Văn trở lại với Phan và mấy thằng bộ đội. Chúng nó bắt Văn phụ với mấy thằng bộ đội khiêng từng người ra bỏ xuống huyệt.

Hai vợ chồng bác Hậu theo ra sau vườn, tôi kiệt sưc nằm vùi một chỗ nhưng tai tôi vẫn nghe rõ những lời đối thoại trong nhà. Tôi không đủ can đảm theo ra vườn chứng kiến cảnh vùi lấp những người thân yêu của tôi. Nằm trong  buồng ông nội nhưng tôi nghe rõ từng tiếng cuốc xẻng đào đất, tâm trí tôi quay cuồng, ruột gan tôi đòi đoạn. Trời ở đâu? đất ở đâu? Tôi gọi ông tôi, goi  anh Lộc, anh Kính, anh Hải...không ai nghe tôi hết.

Khi bốn cái xác được bỏ xuống, miệng lỗ chưa được lấp thì tôi nghe tiếng súng nổ và tiếng kêu gào của vợ chồng bác Hậu nhưng không nghe tiếng của Văn. Tiếng bác Hậu kêu Văn ơi, Văn ơi! Giọng bác đòi đoạn, nghe thấy tôi đoán biết chuyện gì đã xảy ra cho Văn. Toàn thân tôi lẩy bẩy, tôi cảm thấy khó thở, một lần nữa phân và nước tiểu trong người tôi túa ra.

Tôi nghe tiếng mấy thằng bộ đội hò hét bảo lấp đất lại, bác Hậu và những người hàng xóm của tôi đành phải làm theo.

Khi tụi bộ đội Việt cộng bỏ đi, bác Hậu chạy vào buồng vò đầu bức tai, giọng tức tưởi, thằng Văn nằm chung với ba thằng anh mi rồi con ơi. Trời ơi là trời ơi ! Bác Hậu đấm ngực, không biết thằng Văn chết chưa mà hắn bắt tôi lấp. Văn ơi là Văn ơi, con tha cho bác. Trời ơi! 
Người mô mà ác chi rứa... Tôi lặng người nghe bác Hậu khóc anh Văn.

Sau lần đó không đứa nào trong bọn chúng trở lại, kể cả tụi bộ đội. Chắc vì nhà ông tôi chẳng còn người để mà giết, chả còn của cải chi để mà cướp nữa.

Hơn ba mươi ngày tôi nằm liệt lừ trong nhà nội, bên ngoài súng đạn vẫn tứ bề. Hai vợ chồng bác Hậu không nỡ bỏ tôi lại một mình. Hai bác nghe ngóng và biết đa số dân Phú Cam đã tìm đường chạy thoát xuống Phú Lương. Bác năn nỉ tôi ráng ăn uống thêm một chút để có sức mà chạy, không lẽ nằm đó chờ chết? con không muốn tìm mạ con răng?

Hôm sau nữa tôi theo gia đình bác Hậu tìm đường chạy lên Phù Lương vì nghe nói lính Mỹ, lính mình đã xuất hiện chung quanh đây rồi. Đi xuống ngã Cầu Kho Rèn thì cầu đã bị sập, bác theo đoàn người đi hướng khác. Tôi đi theo như người mất hồn, họ đi đâu tôi theo đó không còn nhớ là mình đã đi qua những nơi đâu. Có điều tôi thấy làm lạ trên đường chạy giặc đạn pháo bắn khắp nơi mà người ta cứ gồng gánh nhau mà đi, không ai chịu dừng lại kiếm chỗ tránh đạn. Người ta nói với nhau, khi mô mà có mọc chê hay đạn pháo chi đó thì bọn Việt Cộng chui vô nhà dân để trốn đạn nên chúng không ra đường chận bắt dân lại. Vì vậy, người ta cứ chạy bất kể, dưới làn mưa đạn đoàn người càng chạy đi đông hơn. Ôi! Những người dân tội nghiệp của xứ Huế thà chết dưới bom đạn còn hơn để lọt vô tay quân sát nhân ác độc.

Cuối cùng thì tôi cũng đến được Phù Lương gặp mạ và ba đứa em trai. Khi hay tin cái chết của ba người anh và ông nội tôi, quá đau khổ mạ tôi bị phát điên. Ít lâu sau ba tôi trở về sau một đợt hành quân nào đó của tiểu đoàn 12 Pháo Binh, Phú Bài. Thấy mạ tôi như vậy biết không thể trở lại đường Hàm Nghi. ông mướn nhà ở tạm tại Phú Lương.

Sau khi Huế đươc giải thoát, ba tôi nhờ bà con lối xóm cải táng Văn, ba người anh và ông nội tôi, tang lễ được cử hành ngay tại nhà thờ Phú Cam do cha Nguyễn Trung Tuệ chủ tế. Gia đình anh Văn đồng ý cho  anh Văn được nằm lại trong miếng vườn nhà ông nội tôi, cùng với ba người anh của tôi.

Ba tôi được giải ngũ khoảng năm 1969. Mạ tôi vẫn trong cơn điên loạn không thuyên giảm. Ba tôi quyết định bỏ Huế đem hết gia đình vào Long Khánh sinh sống, nhà nội giao lại  nhờ hai bác Hậu coi chừng, nhà ở 24 Hàm Nghi (gần đường rầy xe lửùa) thì bán cho ai tôi không rõ.

Đó là những cái chết oan khiên của những người ruột thịt thân yêu mà tôi phải chứng kiến tận mắt với muôn vàn đau đớn. Trong bà con thân tộc nội, ngoại hai bên của tôi có rất nhiều người bị bắt đi ở nhà thờ Phú Cam, một số bị bắt ở nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế. Số người bị chôn sống và mất tích lên tới ba mươi người. Tất cả đều là học sinh, sinh viên, thường dân, nông dân, buôn bán ở chợ An Cựu.

Sau Têt Mậu Thân những người bà con còn lại của tôi quá đau khổ, sợ hãi; họ đã âm thầm bỏ Huế, tản mác khắp nơi thay tên đổi họ mà sống.

Sau biến cố Tháng Tư Đen 1975, gia đình tôi một lần nữa, lại là nạn nhân của lũ Việt gian cộng sản ác độc, vô luân. Ba tôi và những đứa em trai còn lại cũng đã chết sau mười mấy năm bị đày đọa trong lao tù cộng sản.

Đã bốn mươi năm qua, những vết thương đó vẫn còn tươi rói trong tôi. Nỗi đau mỗi ngày một đầy, đó là những cái chết oan khiên trong muôn ngàn cái oan khiên của người dân Huế.

Tôi là người con duy nhất trong gia đình còn sống sót sau Tết Mậu Thân cũng như sau ngày mất nước. Nay viết lại những cái chết thương tâm của những người thân yêu trong gia đình tôi với tư cách là một nhân chứng và nạn nhân, để tố cáo tội ác của Việt gian cộng sản. Có như thế, oan hồn ông nội và anh em tôi mới có thể siêu thoát.

Tôi sẵn sàng ra làm nhân chứng trước tòa án quốc tế, cũng như xuất hiện trước các phương tiện truyền thông khi cần thiết.

Tên tuổi ông nội tôi và của ba người anh bị sát hại.
Tên ông nội tôi : Nguyễn Tín, 70 tuổi.
Ba người anh :
1. Nguyễn Xuân Kính, sinh viên Y Khoa, sinh năm 1942.
2. Nguyễn Xuân Lộc, sinh viên Luật Khoa, sinh năm 1946.
3. Nguyễn Thanh Hải, sinh viên Văn Khoa, sinh năm 1949.
Tôi : Nguyễn Thị Thái Hòa

Băng đảng Mafia thế giới sau khi đọc bài trần tình của cô Nguyễn Thị Thái Hòa, họ sẽ chắp tay bái phục sát thủ Hoàng Phủ Ngọc Phan, con người có máu lạnh giết người như ngóe; thành tích trong băng đảng thảm sát là nổi trội hơn hết.

Chúng tôi kinh hãi về sự “cuồng nhiệt” của mấy ông tàn sát người dân Huế, dù kế hoạch và lệnh là do bộ chính trị cộng sản Hà Nội đưa ra. Chúng tôi biết rõ điều đó và về phía các ông tấn công vào các tỉnh thành miền Nam cũng thiệt hại vô kể.

Nhà thơ Chế Lan Viên đã cho ta một con số ước lệ :

Hai ngàn quân tràn xuống đồng bằng
Chỉ ba mươi người trở lại

Tướng Trần Văn Trà cũng thú nhận :

"Có những đơn vị tham chiến mà không ai sống sót trở về"

Tự nhiên tôi có một ước mơ phải chi dân tộc Việt Nam đừng có Đảng Cộng Sản.

Mới đây nghe người về từ Việt Nam nói lại ông (HPNT) lâm trọng bệnh, nhờ một bà thầy lang cứu tử. Không thôi ông đã đi gặp Hồ Chí Minh, cụ Mác, cụ Lênin rồi.

Giờ đây tuổi ông đã già, bệnh tật khiến ông liệt nữa người phải ngồi xe lăn. Lúc sinh thời hai anh em đã giết một phần hai mươi trong tổng số 5,327 người bị thảm sát tìm được thi thể, còn 1,200 người báo cáo mất tích vĩnh viễn.

Người biết chuyện cho hay, gương mặt HPNT lúc nào cũng âu lo sợ hãi và nốt ruồi đậm nét trên càm. Mao Trạch Đông cũng có nốt ruồi giống ông nhưng ở phía bên kia - run sợ hằng đêm với giấc ngủ chập chờn ác mộng, nhiều oan hồn về đòi ông đền mạng.

Thức giấc, ngồi trên xe lăn, tay run rẩy viết nên mấy vần thơ :

Những chiều Bến Ngự dâng mưa
Chừng như ai đó mơ hồ gọi tôi
Tôi ra mở cửa đón người
Chỉ nghe tiếng gió thổi ngoài hành lang

Ông ôm lấy đầu và van xin:

Nợ người một khối u sầu
Tìm người tôi trả ngày sau luân hồi

Chỉ đơn thuần trên bình diện văn chương, tôi cảm nhận được nỗi hối hận, giày vò xâu xé trong lòng ông. Lòng trắc ẩn về một loài hoa sớm nở tối tàn mà ông là "Người Đi Hái Phù Dung" tên một tác phẩm của ông.

Lẽ đời ai rồi cũng phải chết.

Anh em Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, hai tên đồ tể tẩm máu người dân Huế rồi cũng phải chết thôi.

Trước khi đi gặp Bác Hồ, hai ông nên trối lại người thân đừng dại, đem thân xác hai ông mai táng trong ngôi mộ cẩn đá hoa cương cung cách lăng tẩm, để hãnh diện dòng họ Hoàng Phủ.

Những đêm về sáng, đèn đóm khói hương nghi ngút, tiếng tụng kinh gõ mõ của cả thành phố Huế. Tiếng mõ gọi hồn anh em ông đấy!

Tôi bảo đảm mộ đá hoa cương của anh em ông sẽ bị đào xới chỉ trong một đêm thôi ! xác sẽ bị quăng xuống Khe Đá Mài, hoặc giả còn tệ hại hơn nữa : thân xác các ông sẽ bị chó, mèo phân thây ra trăm mảnh! Dân Huế thù dai lắm.

Nếu trước khi lìa đời, trối lại thân nhân hãy đem thân xác hai ông hỏa thiêu, tro cốt chèo ghe rải xuống dòng sông Hương .... Tôi cực lực phản đối lối hành xử này, mai kia lớp con cháu, thế hệ đời sau của Huế biết chuyện đứng tựa cầu Tràng Tiền buông một câu, sau khi đã bâng khuâng hỏi trời, vấn đất :

"Ai đã làm ô nhiễm dòng sông?!"


Tuong Lam