Tôi đi giữa trời bồi hồi
Cờ bay phấp phới quên chuyện ngày xưa
Mong sao nước Việt đời đời
Anh dũng oai hùng chen chân thế giới...
Cờ bay phấp phới quên chuyện ngày xưa
Mong sao nước Việt đời đời
Anh dũng oai hùng chen chân thế giới...
(Nguyễn Văn Đông: Hải Ngoại Thương Ca)
Chưa từng được gặp, quen biết cũng không, nhưng tôi yêu mến nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông (NVĐ) từ khi mình còn nhỏ. Còn nhớ mãi thuở ấy, ngỡ như đâu mới chừng hôm qua, bản nhạc “Nhớ Một Chiều Xuân” nghe được từ đài phát thanh đã làm rung động lòng người :
Chiều nay thấy hoa cười chợt nhớ một người
Chạnh lòng tôi khơi bao niềm nhớ
Người đi xa xăm phương trời ấy
Người còn buồn còn thương còn nhớ
Nắng phai rồi em ơi (…)
Chạnh lòng tôi khơi bao niềm nhớ
Người đi xa xăm phương trời ấy
Người còn buồn còn thương còn nhớ
Nắng phai rồi em ơi (…)
Chiều nay có một người ngơ ngác đi tìm
Một mùa Xuân nơi phương trời cũ…
Một mùa Xuân nơi phương trời cũ…
So với vài nhạc sĩ nổi tiếng khác, nhạc sĩ NVĐ không sáng tác nhiều, nhưng hầu hết các tác phẩm của anh đều được thính giả yêu thích, có lẽ vì những tình cảm trong đó được biểu lộ rất thành thực. Qua nhạc của NVĐ, một người bình thường như chúng ta không cần phải là quân nhân cũng có thể cảm được như mình là người trong bối cảnh:
Xác hoa tàn rơi trên báng súng
Ngỡ rằng pháo tung bay
Ngờ đâu hoa lá rơi...
Ngỡ rằng pháo tung bay
Ngờ đâu hoa lá rơi...
Ước mơ nhiều, đời không bấy nhiêu
Vì mơ ước trắng như mây chiều
Tủi duyên người năm năm tháng tháng
Mong chờ ánh Xuân sang
Ngờ đâu đêm cứ đi.
Vì mơ ước trắng như mây chiều
Tủi duyên người năm năm tháng tháng
Mong chờ ánh Xuân sang
Ngờ đâu đêm cứ đi.
Chốn biên thùy này Xuân tới chi
Tình lính chiến khác chi bao người ...
Tình lính chiến khác chi bao người ...
Với người Việt Nam, ngày 30-04-1975 là một mốc thời gian quan trọng. Đó là ngày “có nhiều kẻ vui người buồn”, trong đó có hàng hàng lớp lớp người miền Nam phải đi tù cải tạo, kể cả nhạc sĩ NVĐ. Tôi nhớ được cách đây khoảng 10-15 năm, có ai đó kể rằng khi sống trong ‘trại’, họ thấy nhạc sĩ NVĐ mỗi ngày cứ “nằm đó một đống, cả mình đen thui, bụng sưng lên rất lớn”. Rồi có người nào đó đã hát “Chiều mưa biên giới anh đi ... về đây”, và một người lớn tuổi đã chỉnh ngay: “Người ta bệnh nặng, để cho người ta yên, đừng có giỡn!” (Viết theo ký ức).
Về sau, khi báo chí cho biết nhạc sĩ NVĐ đã được thả ra, tôi có ý định nên tìm cơ hội gặp anh một chuyến. Vài năm sau, nhân có dịp ghé Sài Gòn, tôi hỏi thăm vềanh nhưng những người quen lại bảo anh “qua đời rồi”. Tôi ngẩn ngơ, nhưng không hiểu sao lại không tìm đến nhà. Bây giờ nghĩ lại thấy tiếc nuối tại sao mình lại thế. Thì ví dụ lúc đó anh “đã mất” đi chăng nữa, tìm đến viếng bàn thờ của anh cũng rất có ý nghĩa. Ít ra cũng thắp được một nén hướng chân thành để tưởng niệm, “đã không duyên trước chăng mà, thì thôi chút lễ gọi là duyên sau”...
Bây giờ thì biết rõ anh đã ra đi thật, sau mấy chục năm sống rất yên lặng, và như lời anh nói, “rất lê thê”... Nếu bảo đời là bể khổ, thì trong đó niềm đau lớn của một con người – đặc biệt là một văn nghệ sĩ – là việc không còn có thể nói lên những cảm nghĩ của mình; nhất là khi hoàn cảnh gò bó soi mói thì những ai càng có tài, có tâm huyết lại càng thấy khổ.
Vì trong thời buổi này tại xứ Việt, văn hoá nghệ thuật cũng là chính trị, mà với chính trị “có định hướng” thì không có chuyện lân tài. Cho nên có thể hiểu được tại sao nhạc sĩ NVĐ đã sống thật im lặng trong suốt bấy nhiêu năm dài đằng đẵng. Nghe đâu anh may mắn có được người vợ hiền tần tảo để không quá chật vật vì sinh kế. Nếu không, ắt anh đã có thể phải “cát lầm gió bụi” như trường hợp của nhạc sĩ Trúc Phuơng, hay chịu “xoay vần” như Nguyễn Tuân, Tế Hanh, vv... của thời trước:
Tôi trong đau vẫn làm viên muối bể
Để mặn lòng những kẻ muốn vô tư... (Chế Lan Viên)
Để mặn lòng những kẻ muốn vô tư... (Chế Lan Viên)
Hay:
Muốn đến được đất vàng nắng mật
Phải trên lòng trăm trận gió mưa qua...
Sang bờ tư tưởng, ta lìa ta
Một tiếng gà lên tiễn nguyệt tà... (Tế Hanh)
Phải trên lòng trăm trận gió mưa qua...
Sang bờ tư tưởng, ta lìa ta
Một tiếng gà lên tiễn nguyệt tà... (Tế Hanh)
Cho nên, im lặng vẫn là vàng; cứ như Quang Dũng, Thế Lữ, Nguyễn Bính, Văn Cao, vv... trong những tháng ngày của quãng đời sau, lặng lẽ mà sống:
Tài hoa chi đó khéo trêu ngươi
Cái phận nam nhi luống nực cười
Ngược đậu xuôi đi hiềm thế nước
Sâu dầm cạn vén thuận tình đời… (Phan Văn Trị)
Cái phận nam nhi luống nực cười
Ngược đậu xuôi đi hiềm thế nước
Sâu dầm cạn vén thuận tình đời… (Phan Văn Trị)
Tuy nhiên, có điều mà anh không ngờ được, là tuy anh sống im lặng, nhưng quần chúng vẫn nhớ anh, vẫn giữ tấm lòng yêu mến đối với con người tài hoa, tình cảm:
Người đi tha phương
Xếp tàn y giữ lấy hương… (“Sắc Hoa Màu Nhớ”)
Xếp tàn y giữ lấy hương… (“Sắc Hoa Màu Nhớ”)
Có lúc nghĩ về anh, tôi tự hỏi chúng ta bảo là yêu mến và tự hào về nhạc của NVĐ, nhưng sự yêu mến ấy đã nằm ở chừng mực nào trên thực tế?
Cụ thể là chúng ta hiểu được tâm tình của nhạc sĩ NVĐ như thế nào? Trong đông đảo những người trình bày nhạc của NVĐ, hầu như mọi người đều hát sai lời nhạc của anh, làm người nghe thấy niềm vui không trọn đã đành mà đối với nhạc sĩ NVĐ, có lẽ điều này ắt cũng đã khiến anh ngậm ngùi không ít.
Ví dụ bài Sắc Hoa Màu Nhớ, chỉ có một nữ ca sĩ diễn tả bài này rất đạt, nhưng chị ấy hát:
Đời tôi quân nhân
Chút tình riêng gửi núi sông
Yêu màu gợi niềm thủy chung
Nhưng rồi vẫn nhớ
Một trời vẫn nhớ đời đời
Phượng rơi, rơi trong lòng tôi...
Chút tình riêng gửi núi sông
Yêu màu gợi niềm thủy chung
Nhưng rồi vẫn nhớ
Một trời vẫn nhớ đời đời
Phượng rơi, rơi trong lòng tôi...
Tại sao lại “nhưng”? “Nhưng” là từ để nối hai ý với nhau khi ý sau ngược lại với ý trước. Thực ra, nhạc sĩ NVĐ đã viết:
Yêu màu gợi niềm thủy chung
Xa rồi vẫn nhớ
Một trời vẫn nhớ đời đời
Phượng rơi, rơi trong lòng tôi...
Xa rồi vẫn nhớ
Một trời vẫn nhớ đời đời
Phượng rơi, rơi trong lòng tôi...
Lại trong một bài khác, Nhớ Một Chiều Xuân, người hát là một ca sĩ người Huế rất được yêu chuộng, nhưng chị ấy không phân biệt được “đằm thắm” và “đầm ấm”:
Một mùa Xuân nơi phương trời cũ
Dừng chân trông hoa Xuân hồng thắm
Buồn tìm về tình ai đằm thắm
Giờ vun vút trời mây...
Nhạc sĩ và thi sĩ, chỉ trừ khi nào muốn nhấn mạnh hay cố ý lặp đi lặp lại thì họ mới giữ những chữ trùng lặp gần nhau (còn bình thường thì tuyệt đối tránh, cho câu văn được hay). Nhạc sĩ NVĐ đã viết:
Buồn tìm về tình ai đầm ấm
Giờ vun vút trời mây...
Có lẽ điều tốt nhất để bày tỏ sự lễ độ đối với một nhạc sĩ là hát cho đúng ý của tác giả. Điều này, lẽ ra các nghệ sĩ là những người vốn bén nhạy và tinh tế phải hiểu rõ hơn người bình thường. Có thể nhiều ca sĩ VN không biết những lời tâm tình của thi sĩ Nguyễn Chí Thiện. Ông ấy đã từng nói, dù cực khổ đến mấy ông vẫn chịu đựng được, không hề thở than; nhưng những vần thơ mà ông ấy đã khó nhọc rất nhiều để làm ra trong hoàn cảnh đói khát, sống với ẩm mốc hôi hám, kiến gián chuột bọ, vv... mà bị hiểu sai đi, thì ông sẽ chết không nhắm mắt được: “Tôi sẽ khóc âm thầm trong đất”.
(Bảo như thế không phải là phủ nhận tài năng của hai nữ ca sĩ vừa kể. Trong những người hát nhạc NVĐ, hai chị là ca sĩ hát hay nhất, tuyệt vời nhất. Có tiếc chăng là tiếc nuối “ngọc lành có vết”, mà thời gian thì không cho phép con người trở lại thời thanh xuân của mình để làm lại chuyện đã qua. Còn những người khác, đặc biệt là đa số các ca sĩ của thế hệ sau, hoặc do đã không sống trong một thời khói lửa nên không hiểu được tình cảnh của một giai đoạn lịch sử, hoặc có người trọng “cái tôi” nhiều quá trong khi diễn tả, nên đánh lạc mất cả bài hát. Không phân tích được, hay đây cũng là một phần của sự “không toàn hảo” của người mình?).
Thêm một điều nữa, trong các bạn, có ai nghĩ rằng những bài hát có chiều sâu như “Phiên Gác Đêm Xuân” hay “Sắc Hoa Màu Nhớ”, vv... lại có thể được làm ra trong một bối cảnh khốc liệt, như đang chiến đấu sinh tử hay truy lùng rầm rộ? Không đâu, nhất định phải cần có một không gian yên tĩnh, tịch mịch, để tâm hồn con người lắng xuống và mơ ước, nhớ nhung...
Thế nhưng nhạc của NVĐ được trình bày thế nào trên các sân khấu văn nghệ lớn ở hải ngoại? Luôn luôn vẫn là một (hoặc hai) ca sĩ đứng hát, và bối cảnh là một đám “hùng binh” rằn ri, lui tới xăng văng, bôn chôn canh gác; rồi phục kích, bắn đạn, xung phong, vv... Thực là đi ngược với tâm tình của người sáng tác, và ngô nghê phản tâm lý.
*
Nói gì đi nữa thì ngày hôm nay nhạc sĩ NVĐ đã ra đi. Rốt ráo lại, cuộc đời 86 năm của anh đã là những gì? Phải chăng là điều anh đã đóng góp thành công trong việc làm đẹp tình nhân thế, với một ước mong trong tim giống như đại đa số của người Việt chúng ta:
Mong sao nước Việt đời đời
Anh dũng oai hùng chen chân thế giới.
Anh dũng oai hùng chen chân thế giới.
Niềm mơ ước nầy, ngày càng xa thẳm, có lẽ anh cũng biết. Một nửa đời phần trước của anh, sống trong lửa đạn, quê hương chẳng hề có thanh bình. Nửa đời sau, sống trong tù tội, rồi sống ẩn nhẫn... tất cả cũng là do vận nước.
Mà vận nước thì đã điêu linh từ hơn một thế kỷ rưởi nay, do cả dân tộc phạm sai lầm nên tất cả chúng ta đều khổ, trong đó có anh. Sai lầm từ thuở cả triều đình lẫn dân chúng cứ nhìn thế giới qua lăng kính Trung Quốc, và nghĩ rằng sức mạnh vũ lực (lẫn văn hóa) đều nằm ở Bắc Kinh. Rồi ngay đầu thế kỷ trước, cả nước lại không nghe theo cụ Phan Chu Trinh… Rồi sai lầm khi mơ ước về thế giới đại đồng mãi suốt từ những năm sau Thế Chiến Thứ Nhất, sai lầm từ các quyết định “khởi nghĩa” vũ trang, sai lầm từ thời người Việt tiếp tay cho ngoại bang trong việc ám sát Tổng Thống Ngô Đình Diệm mà quảng đại quần chúng lại cứ ngỡ đó là “làm cách mạng”… Sai lầm từ sự cả tin mông muội của dân tộc, sự ngây thơ của người trí thức và sự lạc quan tăm tối của những người làm chính trị, vv...
Thôi mong anh yên nghỉ,
Nước như rứa, dân như rứa; chết có gì đáng tiếc
Thôi ra ngoài cuộc thế học Hy Hoàng. (Phan Bội Châu)
Thôi ra ngoài cuộc thế học Hy Hoàng. (Phan Bội Châu)
(2018-02-28)
Văn Lang - Tôn Thất Phương - Exryu Úc Châu