Nói đến nhạc trữ tình Bolero của thời gian trước 1975 thì người Nhạc Sĩ được nhắc tên nhiều nhất phải là NS Trúc Phương (1933-1995). Ông đã được mệnh danh là ông hoàng Bolero. Ông sáng tác không nhiều, chỉ khoảng 70 nhạc phẩm, nhưng hầu hết bài nào cũng được giới yêu nhạc ưa chuộng và được phổ biến rộng rãi. Nhạc của ông viết về tình yêu, tình người , tình quê hương, và đôi chút tình lính. Âm điệu lúc nào cũng êm ái nồng nàn. Lời ca lúc nào cũng bình dị, dễ nhớ, dễ thuộc và đi vào lòng người.
Hôm nay xin mời quý vị thưởng thức nhạc phẩm “Chiều Cuối Tuần” với giọng ca nữ Lưu Trúc Ly, thế hệ trẻ nối tiếp của dòng trình diễn nhạc Bolero. Hình ảnh minh họa 4K: Trần Ngọc.
Cuối Video là tâm sự của NS Trúc Phương trong phần phỏng vấn Live thực hiện bởi TT Asia, khi ông còn sinh tiền (DVD 74) .
Cám ơn quý vị.
TN
(Theo Wikipedia và Báo Mới)
NS Trúc Phương (1933-1995) có một số lượng sáng tác gần 70 bài hát, được biết đến từ những năm cuối thập niên 1950 và được phổ biến nhiều trong suốt thập niên 1960 và sau này tại hải ngoại như: Nửa đêm ngoài phố, Buồn trong kỷ niệm, Đêm Tâm Sự, Thói đời, Hai lối mộng,Chiều Cuối Tuần, Kẻ ở miền xa...
Nhạc sĩ Trúc Phương tên thật là Nguyễn Thiên Lộc, đã sống qua thời vàng son, rực rỡ nhất của nền văn nghệ miền Nam với các sáng tác được biết đến từ cuối những năm 50, phổ biến rộng rãi trong những năm 60 qua tiếng hát khàn đục, mộng mị và liêu trai của danh ca Thanh Thúy. Dư âm của những ca khúc ấy còn lan rộng đến ngày hôm nay.
Sau 1975, Trúc Phương vẫn còn sáng tác thêm một số bài nói về tình yêu cây lá, tình yêu quê hương nhưng hầu hết ca khúc này, như ông xác nhận, không thành công lắm, chỉ với lý do: Ông không còn cảm hứng dồi dào như những bài tình ca đã được đón nhận từ trước 1975. Xin cảm ơn đời là ca khúc cuối cùng Trúc Phương viết tháng 3 năm 1995. Lời ca khúc này có thể coi như những tâm tình, uẩn khúc nhất mà ông muốn gửi lại cho đời lần sau chót.
Năm 1975, Trúc Phương không di tản và sống tại Sài Gòn. Ông vượt biên lần đầu năm 1976 nhưng không thành công, do vậy bị tịch thu nhà số 301 Lý Thường Kiệt, Quận 11. Những năm sau đó ông vượt biên thêm 2 lần nhưng vẫn không thành công. Lúc ra tù, vợ con li tán, ông sống không nhà cửa, không giấy tờ tuỳ thân. Khoảng giữa năm 1985, ông được nhận vào công tác tại Hội Văn nghệ Cửu Long và được cấp một căn phòng tại số 6 Hưng Ðạo Vương, thị xã Vĩnh Long để ở. Không lâu sau, ông trở về sống ở Saigon.
Lúc Trúc Phương mất, nhạc sĩ Nhật Ngân (lúc này đã định cư ở Mỹ) có viết tặng Trúc Phương bài Gửi người về cát bụi với lời nhạc có nhắc tên một số bài hát của ông.
Năm 2014, lần thứ hai Trung tâm Asia có thực hiện chương trình đặc biệt Trúc Phương – Ônghoàng của dòng nhạc Bolero (DVD Asia 74) để vinh danh ông.