Saturday 28 April 2018

Tin Vắn - 4/2018

Diễn Đàn Trái Chiều


APRIL 28 – 2018 
SÁCH LƯỢC TRANH CỬ CỦA ĐẢNG CỘNG HÒA
Đảng CH chuẩn bị cho cuộc vận động bầu cử cho quốc hội tháng 11 tới đang gặp một khó khăn khá lạ lùng: khó khăn không biết tấn công phe đối lập DC về chuyện gì.
Trên căn bản, ai cũng biết các cuộc vận động tranh cử đều phải dựa vào vài chủ đề chính, đại khái có 4 điểm chính:
1.     tên tuổi, uy tín, quan điẻm và khả năng cá nhân của ứng cử viên;
2.     những thành quả cụ thể của đảng của ứng cử viên;
3.     những sai lầm sách lược đáng chỉ trích của đảng đối lập;
4.     sự bất tài hay sai lầm của cấp lãnh đạo đối lập.
Cuộc bầu quốc hội giữa mùa năm nay mang ý nghĩa cực kỳ quan trọng như diễn đàn này có dịp bàn qua. Nếu phe đối lập DC chiếm được Hạ Viện, nhẹ nhất thì chính quyền Trump coi như sẽ bị tê liệt, không còn ra được quyết định hay luật lệ lớn nào nữa vì DC sẽ chặn hết ngay từ Hạ Viện. Nặng hơn một chút thì Hạ Viện do DC kiểm soát sẽ mở đủ loại điều tra nhằm mục đích đánh phá TT Trump. Nặng hơn nữa thì đa số DC tại Hạ Viện sẽ tìm cách đàn hặc TT Trump, là chuyện không khó lắm khi họ có đa số.
Có người hỏi ‘đàn hặc dựa trên tội gì’? Đây là câu hỏi không cần câu trả lời. Nghĩa là chẳng cần dựa trên tội gì hết. Ta đừng nên quên đàn hặc tuy là một thủ tục pháp lý để kết tội và truất phế một tổng thống (hay một chức vị dân cử nào đó), nhưng trên thực tế, đàn hặc tổng thống đã biến thể, trở thành một thứ công cụ hợp pháp để ‘đảo chánh’ trong chế độ dân chủ Mỹ. Đàn hặc ngày nay hoàn toàn bị chi phối bởi yếu tố chính trị, không còn dựa trên luật pháp nữa.
Đảng DC không có đủ lý luận để đánh chính quyền CH trên phương diện chính sách kinh bang tế thế vì những thành quả của TT  Trump như giảm thuế, tạo công ăn việc, ngăn chặn các mánh mung mậu dịch phi pháp của Trung Cộng, chấm dứt chiến tranh Iraq, triển vọng hòa bình lâu dài với Bắc Hàn,...  Trong khi đó, cuộc điều tra thông đồng với Nga sau cả năm trời của công tố Mueller vẫn chẳng có kết quả gì mặc dù vài con tép đã bị vồ dùng làm mồi nhử đi câu tôm hùm. Nên chỉ còn cách tìm đánh cá nhân, con người của TT Trump qua những chuyện vớ vẩn như tố Trump là vua nói láo, hay chuyên giao du với gái điếm cách đây vài chục năm.
 Đó sẽ là ‘chiến lược’ tranh cử căn bản của đảng DC cho dù lãnh tụ khối DC tại Thượng Viện, TNS Chuck Schumer đã cảnh giác các đồng chí “đánh cá nhân Trump không thể nào là sách lược tranh cử hữu hiệu”.
Về phiá CH, rõ ràng là DC chẳng có chính sách kinh bang tế thế nào để rao bán cho cử tri hết. Chẳng lẽ lại ra hứa hẹn tăng thuế tất cả mọi người, để dành kỷ lục mới về số người lãnh trợ cấp? Hay hứa hẹn mở toang biên giới cho băng đảng di dân lậu hay khủng bố vào  Mỹ?
Đã vậy, hiện nay, cũng chẳng hiểu ai đang lãnh đạo đảng DC nữa vì DC thực sự ra chẳng có ai là lãnh tụ, là ngôi sao sáng mới chớm nở.
TT Obama thì đã về hưu và cho đến nay tương đối giữ thế im lặng, chưa xuất quân ra đánh CH. TT Trump cũng không muốn khua chiêng trống gì đối với TT Obama vì ông đang lẳng lặng tháo gỡ gia tài chính trị của Obama, từng luật một, từng thủ tục hành chánh một. Những việc này, kín đáo làm sẽ hiệu quả hơn nhiều.
Thôi thì chỉ còn... hai đối tượng để đánh. Bà Hillary và bà Pelosi.
Bà Hillary cho đến nay vẫn còn giận dữ, không chịu về nhà ôm cháu ngoại, mà vẫn đi lòng vòng giải thích ‘rằng thì là mà’. Lợi thế lớn của CH là bà vẫn chưa hiểu được mỗi lần bà lên tiếng biện giải cho việc thất cử lại là môt lần giúp cho CH xỉa tay vào những lý do quan trọng nhất bà đã thua cuộc: mất phiếu của dân trung lưu và lao động, mất phiếu qua chính sách thiên tả sai lầm của TT Obama, và mất phiếu qua việc chính bà Hillary đã nhục mạ họ, gọi họ là đám ‘”tệ hại hết thuốc chữa”.
Bà Nancy Pelosi, cựu chủ tịch Hạ Viện DC thì lại có vấn đề khác. Càng ngày bà càng trở nên thiên tả cực đoan, đã vậy còn càng ngày càng lẩm cẩm, nói lộn, cà lăm. Bà là người chính chịu trách nhiệm về những thất bại liên tục của DC tại Hạ Viện, nhất là cuộc đại bại lịch sử năm 2010, nhưng nhất định nằng nặc bám lấy vai trò lãnh đạo, không chịu nhường lại cho thế hệ DC trẻ.
Trong những tháng tới, nếu TT Obama tiếp tục im tiếng, ta sẽ thấy hai bà này bị CH mang ra làm đối tượng để đánh.

ĐẢNG DÂN CHỦ ÁP LỰC ỨNG CỬ VIÊN GỐC VIỆT
Tin báo chí cho biết đảng DC đang bối rối đối phó với cái nạn ‘lạm phát’ ứng cử viên cho cuộc bầu quốc hội giữa mùa tháng Mười Một tới.
Trong khung cảnh phân hóa chính trị nặng nề hiện nay, với TT Trump đang bị phe cấp tiến coi như đại thù, quá nhiều chính khách địa phương đã tự phong cho mình vai trò cứu nhân độ thế, nhẩy ra tranh cử đủ loại chức vụ đủ cấp, với mục đích chống chính quyền Trump. Quá nhiều ứng cử viên dĩ nhiên sẽ đưa đến tình trạng tự cấu xé nhau đến chết ngay trong nội bộ đảng DC. Do đó, Ủy Ban Quốc Gia của đảng DC, với trách nhiệm chính là điều hợp các cuộc tranh cử trên cả nước, đã phải vất vả lựa chọn ủng hộ ai, bác bỏ ai.
Tại Quận Cam, Ủy Ban đang cố gắng khuyến cáo một ứng cử viên gốc Việt, bà Mai Khanh Trần, nên rút lui để dồn phiếu cho ông Gil Cisneros.
Vấn đề ở đây không phải là đảng DC ‘kỳ thị’ dân gốc Việt, hay ‘kỳ thị’ phụ nữ, để ủng hộ một ông gốc Mễ. Mà là trong thực tế chính trị Mỹ, dân Mỹ gốc Việt chúng ta chưa đủ sức mạnh chính trị cũng như chưa đủ dân số để có một tiếng nói đáng lưu ý. Đảng DC làm con tính sơ đảng: cử tri gốc Mễ đông hơn cử tri gốc Việt.
Dĩ nhiên đây là cách tính toán có thể hiểu được của đảng DC, nhưng dù sao, cũng là một quyết định thiếu dân chủ, không tôn trọng tiếng nói của cộng đồng gốc Việt. Đúng ra, đảng DC phải giữ thế trung lập, không thiên vị ai, cứ để yên cho bà Trần ra tranh cử và để cử tri quyết định.

DÂN MỸ CHÁN MUELLER
Theo thăm dò mới nhất của McLaughlin & Associates,  một cơ quan thăm dò của TT Clinton trước đây, một số lớn (43%) dân Mỹ cho rằng công tố Mueller đã chẳng tìm ra được bằng chứng gì để kết án TT Trump bất cứ tội gì, so với 33% nghĩ ông Mueller đã tìm thấy cái gì đó.
Bằng một tỷ lệ tương tự, dân Mỹ cũng nghĩ công tố Mueller đã đi ra ngoài vòng trách nhiệm được giao phó, vì đã điều tra những chuyện chẳng liên quan gì đến việc thông đồng với Nga. 52% cũng cho rằng cuộc điều tra đã kéo dài quá lâu và tốn quá nhiều tiền, so với 32% không nghĩ như vậy.
Một nửa dân (50% so với 40%) cho rằng những người đánh phá TT Trump nên chấm dứt việc này  và để cho TT Trump làm việc.
Trong khi đó, Ủy Ban Điều Tra về việc ông Trump thông đồng với Nga tại Hạ Viện đã chính thức chấm dứt cuộc điều tra, với kết luận không có dấu vết gì về một thông đồng nào hết. Ủy Ban xác nhận Nga có tìm cách thâm nhập và phá rối cuộc bầu cử, nhưng không có thông đồng gì với ban vận động của ứng cử viên Trump hết.
Các dân biểu DC trong Ủy Ban dĩ nhiên đã phản đối, cho rằng Ủy Ban chưa làm việc kỹ lưỡng, chưa tra hỏi đủ nhân chứng.
Dù sao thì việc làm của Ủy Ban cũng sẽ gây khó khăn lớn cho công tố Mueller. Nếu ông muốn kết tội TT Trump thông đồng sẽ phải có bằng chứng và nhân chứng cụ thể có tính thuyết phục tuyệt đối, nếu không sẽ lộ mặt phe phái ngay.

CỰU GIÁM ĐỐC FBI COMEY BỊ ĐIỀU TRA
Tin mới nhất, cựu giám đốc FBI, ông James Comey, đang bị tổng thanh tra FBI điều tra vì có thể ông đã vi phạm luật về bảo mật quốc gia.
Theo ông Comey, thì ông đã xì một bản ghi nhớ -memo- riêng của ông cho một giáo sư đại học Columbia để ông này xì ra cho báo, với mục đích ép bộ Tư Pháp phải bổ nhiệm một công tố đặc biệt điều tra về việc ban vận động của ông Trump có thể đã thông đồng với Nga. Ông Comey cho biết bản ghi chú này không phải là tài liệu được xếp loại ‘mật’.
Tổng thanh tra FBI nghi ngờ ông Comey đã xì ra tới 4 bản ghi chú chứ không phải một, và cả bốn đều có những tin được xếp loại mật.
Nếu thật sự ông Comey đã xì ra bốn bàn ghi chú có tin mật thì ông có thể bị bộ Tư Pháp truy tố ra tòa, lãnh án tù như chơi.

PHE DÂN CHỦ CHỐNG PHÊ CHUẨN BỘ TRƯỞNG CỰU CHIẾN BINH
Sau khi bộ trưởng Cựu Chiến Binh David Shulkin (nhân viên nội các duy nhất của TT Obama còn được lưu giữ) bị cách chức vì tham nhũng, TT Trump đã đề cử bác sĩ của Tòa Bạch Ốc, tướng Ronny Jackson thay thế.
Nhưng vài ngày trước khi Thượng Viện cứu xét, ông Jackson đã bị một vài nhân viên của ông tố cáo nhiều tội như say xỉn, không có khả năng quản trị, gây bất mãn trong nhân viên,... Thượng Viện đã đình hoãn buổi điều trần để có thêm chi tiết về những tố cáo này.
Cũng cần nhắc lại, BS Jackson đã là y sĩ cho ba tổng thống từ TT Bush con. TT Obama đã từng ca tụng ông bác sĩ này hết cỡ, như một người lãnh đạo dư thừa khả năng, đáng được thăng tướng ‘ngay lập tức’. Khi TT Obama thăng cấp tướng cho ông Jackson thì cũng cần Thượng Viện phê chuẩn, tức là lại thêm một lần khảo sát mà ông vẫn qua lọt. Nhưng bây giờ thì kẹt. Tại sao? Tại vì BS Jackson đã phạm cái tội tầy trời là mới đây đã dám tuyên bố TT Trump không bị khùng! (Hình như đã không có báo Mỹ hay báo Việt nào nhắc lại lý do này!)
Thế mới thấy phe đối lập DC và cả một vài nghị sĩ ‘đồng minh’ CH cũng tìm đủ cách gây khó dễ cho TT Trump.
Tin giờ chót, BS Jackson đã rút tên, không nhận sự đề cử của TT Trump nữa vì ông không muốn trở thành một rắc rối cho TT Trump trong khi ông vẫn khẳng định những tố giác đều là phịa, vô căn cứ. Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc nhắc lại ông Jackson đã là bác sĩ lo cho sức khỏe của ba tổng thống, tất nhiên đã phải trải qua tất cả những khảo sát về tư cách cá nhân và khả năng chuyên môn, không thể nào có chuyện một bác sĩ say xỉn có thể chăm sóc ba tổng thống.

CHUYỆN BẮC HÀN
Lần đầu tiên trong lịch sử phân chia Nam-Bắc Hàn, lãnh tụ BH đã bước qua vĩ tuyến 38 để gặp TT Nam Hàn, rồi nắm tay ông dắt qua ‘biên giới’ BH trước khi trở vào phòng họp phiá NH.
Thượng nghị sĩ CH Lindsey Graham, một trong những ông CH chống TT Trump hăng nhất, đã xác nhận nếu có được một thỏa hiệp ‘phi nguyên tử hoá’ bán đảo Hàn Quốc thì TT Trump rất xứng nhận giải Nobel Hoà Bình. Ngay cả đài TV thù địch nặng, CNN, cũng phải nhìn nhận TT Trump xứng đáng nhận giải Nobel Hòa Bình nếu một thỏa hiệp hòa bình lâu dài có thể đạt được.
Trung Cộng đang bối rối không biết phải xử trí ra sao trước vụ đàm phán Mỹ-Bắc Hàn. Ban đầu, TC lo ngại việc có một cường quốc có bom nguyên tử sát nách, lại bị thống trị bởi một chủ tịch cực kỳ tàn bạo và bất nhất, khó kiểm soát. Từ đó, TC đã kín đáo tiếp tay với Mỹ để áp lực BH. Nhưng rồi bất ngờ Cậu Ấm Ủn có vẻ muốn đi quá xa và quá nhanh, trong việc đàm phán và nhượng bộ Mỹ. Cho dù Cậu Ấm Ủn đã đủ khôn ngoan để đích thân đi tới Bắc Bình để trấn an cũng như vuốt ve chủ tịch Tập, TC cũng đã không yên trí gì, nhất là trong việc đàm phán Mỹ-BH không có sự hiện diện của TC.
Mới đây, cũng đã có tin là khu hầm núi BH thử nghiệm bom và hoả tiễn đã bị xập vì những thử nghiệm bom nguyên tử của BH. Phần lớn hẩm nằm dưới lòng đất khoảng 700 thước đã bị xập, thiêu hủy khá nhiều cơ sở cũng như giết hại hàng loạt kỹ sư.  Đưa đến ‘thiện chí’ lạ lùng của Cậu Ấm. Tin này cho đến nay, chưa được kiểm chứng. Có thể là sự thật, cũng có thể là fake news của phe cấp tiến hay Trung Cộng tung ra để hạ giá thành quả tạo hòa bình của TT Trump.
Vài ngày trước khi đô đốc Harry Harris, cựu tư lệnh lực lượng quân sự Mỹ tại Thái Bình Dương được ra trước Thượng Viện để phê chuẩn việc ông được bổ nhiệm làm đại sứ Mỹ tại Úc, TT Trump đã thay đổi quyết định, bổ nhiệm đô đốc Harris làm đại sứ Mỹ tại Nam Hàn.
TT Trump khi thay đổi quyết định, đã muốn chuyển đi một thông điệp lớn: Mỹ rất coi trọng vấn đề Hàn Quốc và đang chuẩn bị rất kỹ việc đàm phán với Bắc Hàn trên một tư thế mạnh. Đô đốc Harris là một tướng nổi tiếng ‘diều hâu’, chống Trung Cộng mạnh và chủ trương cứng rắn với Bắc Hàn.
Việc thuyên chuyển này đã được cả Nam Hàn lẫn Nhật Bản hoan nghênh ngay, nhưng lại bị Úc bất mãn và Trung Cộng phản đối. Úc bất mãn vì sợ Mỹ đã hạ giá quan hệ Úc-Mỹ khi rút lại việc bổ nhiệm một nhân vật nặng ký như ông Harris làm đại sứ tại Úc, trong khi Trung Cộng phản đối vì quan điểm chống Trung Cộng mạnh của đô đốc Harris.
Thật ra, câu chuyện đàm phán Mỹ-BH hết sức rắc rối, chẳng có gì rõ ràng hết, ta cần đề cao cảnh giác theo dõi kỹ, chứ không thể vội vã đả kích hay hoan nghênh quá sớm. Có khi cuối cùng sẽ không có cuộc họp mặt Trump-Kim không chừng. Cũng có thể một họp mặt Trump-Kim sẽ trở thành không cần thiết nếu BH và NH đạt được thỏa hiệp với sự ‘giựt giây’ trong hậu trường của cả Mỹ lẫn Trung Cộng.

LUẬT MỚI Ở MỸ?
Một ông Mỹ ở New York vào quán uống rượu, nhưng sau đó bị đuổi ra khỏi quán vì cái tội đội cái mũ đỏ có hàng chữ ‘Make America Great Again’. Đó là lý do ông này đã thưa kiện quán nhậu ra tòa vì tội ‘kỳ thị quan điểm chính trị’.
Quan tòa tại New York (dĩ nhiên!) đã phán quán nhậu không bị tội gì hết, có quyền đuổi ông ra khỏi quán, vì luật Mỹ không có điều khoản nào chống nạn ‘kỳ thị quan điểm chính trị’.