Tôi lên Tu viện Kim Sơn lần này để gặp lại Thầy, nghe Thầy dạy tu cấp tốc một ngày cho mấy trăm Phật tử.
Có anh bạn bảo tôi :”Ông ấy viết thì hay nhưng không phải là người hùng biện.”
Thường khi đi nghe thuyết giảng, người ta nghe qua tai, bằng óc. Óc ghi nhận rồi dùng ký ức so sánh. Rồi phê phán. Mong đợi. Vấn đề nói hay và hùng biện được đặt ra. Vì nếu chỉ dùng óc mà nghe không thôi, thì thường người ta thích nghe những danh từ đẹp và kêu, thích vờn chơi với những tư tưởng cao xa, phức tạp và khó khăn. Vì óc người thích những bài toán rối để chơi trò giải toán. Để cảm thấy trong giấy lát một sự yên chí tạm bợ về mình. Là mình biết, mình thấy, mình giỏi, mình tồn tại, v.v…
Tôi thấy không cần hùng biện. Nắng sớm mai trên những lá cải hoa vàng không cần hùng biện về những cái đẹp của ngày mới. Nên sự giản dị của Thầy thật là thích và dễ chịu. Giản dị như nắng sớm mai. Thầy nói tập thở và theo dõi hơi thở. Thật giản dị và hiển nhiên. Hiển nhiên như chuyện “mặt trời mọc buổi sáng.” Trong cái hiển nhiên của hiện tượng mặt trời và buổi sáng, tôi thấy cả một cảnh tượng huyền diệu mở ra. Một phương đông bừng sáng. Chim hót. Cây cỏ của mình, vươn lên. Thảm cỏ với hàng triệu hạt sương đêm lấp lánh biến thành một thảm kim cương. Muôn màu huyền diệu. Người nhà nông lũ lượt ra đồng, chuyện trò. Trẻ con đi học. Mỗi người là cả một vũ trụ cần quan sát. Mỗi em bé là cả một tương lai chưa khai phá.
Theo kinh nghiệm riêng, những điều Thầy nói giản dị và hiển nhiên như chuyện “mặt trời mọc. Buổi sáng”, hoặc “mặt trời lặn, Buổi chiều.” Nếu nghe và dừng lại ở đó thôi thì đúng là chẳng có gì lạ. Nhưng nếu tiếp tục nghe, những âm vang của câu nói đó sẽ đem lại trước mắt ta một cảnh tượng nhiệm màu, vạn vật móc nối, chiếu dội vào nhau làm nên cả thế giới này. Một sự giản dị hàm xúc. Bao chứa tất cả. Một sự hiển nhiên tuyệt diệu.
Thầy dạy thở và theo dõi hơi thở. Nghe giản dị quá vì theo dõi hơi thở thì có gì lạ. Hiển nhiên quá vì ai mà không thở. Nhưng nếu đợi thêm một phút, nhìn sâu một chút thì thấy hơi thở đó là thân tâm con người, và sự hiện diện của vũ trụ này. Từ thân tâm ấy nảy sinh ra làng mạc, thành phố, xe hơi, máy bay, hỏa tiễn. Cả cái thế giới ta bà này cũng từ thế giới con người mà ra. Hơi thở dung dưỡng con người. Hơi thở gây chiến tranh. Tàn phá. Đau khổ. Hơi thở xây dựng, đem thương yêu hạnh phúc.
Thầy dạy điểu giản dị và hiển nhiên. Sự giản dị này cần thiết để đưa ta về nguyên thủy. Trở lại những gì căn bản nhất của con người và đời sống. Cái căn bản nguyên thủy mà từ đó tất cả mọi sự nảy sinh. Rồi phóng ra, càng ngày càng xa gốc. Thầy dạy mình nhìn vào gốc. Căn duyên tôi khiến tôi rất thích học lối nhìn vào tận gốc Thầy dạy.
Nên Thầy dạy theo dõi hơi thở. Theo dõi thì thấy là mình thờ từ lỗ mũi. Cánh mũi nở ra xẹp vào. Tiếp tục thở và theo dõi thì thấy hơi thở của mình từ ngực. Lồng ngực trồi lên xẹp xuống. Thở dài thêm rồi tiếp tục theo dõi thì thấy hơi thở của mình bắt nguồn từ phía rốn. Thấy dạ dày nở ra, co lại. Cứ thở mãi, thở đều dần và theo dõi thì có lúc bắt gặp hơi thở của mình ở đầu ngón tay, trên bắp thịt vai, trong mạch máu. Sẽ bắt gặp rất tình cờ những cảm xúc rất khác lạ trên thân thể. Những chuyển hóa của thâm tâm bắt đầu từ việc theo dõi hơi thở và chuyên cần theo dõi. Vì thế tôi không còn thấy những điều Thầy nói giản dị và hiển nhiên khi mới nghe Thầy đã vội vã bình luận hời hợt. Những điều Thầy nói như một cánh cửa gỗ mộc. Đẩy cửa ra. Đằng sau là cả một không gian bất tận, diệu huyền. Để thám hiểm, để chiêm nghiệm.
Thầy dùng danh từ giản dị bằng chọn lọc và rất thật, mà vẫn đượm chất thơ. Chữ Thầy dùng thật như hơi thở. Không phải kiểu văn chương “trên nát bàn cỏ cây xanh như ngọc bích, mọi vật trong như lưu ly hổ phách.” Thầy không dùng từ chương đưa người nghe vào vọng tưởng, phí phạm năng lượng vào việc chạy theo hình ảnh của những vọng tưởng đó. Thầy ít dùng chữ Nho, tránh cho người nghe chuyện dịch nghĩa. Giúp cho người nghe chú tâm vào việc hiểu thay vì vào việc đánh đu với chữ nghĩa. Thầy đi thẳng vào vấn đề, chiếu đèn pha vào từng điểm giúp người nghe nhìn rõ nên tránh được chuyện lạc chạy quanh hình ảnh, chạy theo âm thanh. Trí thức người nghe được giải phóng. Có năng lượng dồi dào để đi từ những sự thật giản dị và căn bản đó khám phá, khai phóng và chiêm nghiệm những sự thật căn bản khác từ bản thân mình và tùy theo căn duyên của mình.
Tôi thích nghe Thầy ở chỗ đó. Cho dù là Thầy không hùng biện như lời phê bình của anh bạn tôi. Cũng như và bởi vì tôi thích nghe tiếng chuông hơn là tiếng trống. Tiếng trống nghe to nhưng ngắn. Tiếng chuông nhẹ hơn nhưng ngân vọng rất dài. Âm thanh đưa người nghe trở về những nơi chốn ban đầu.
Sự thật tôi đi Kim Sơn không phải để cốt nghe Thầy giảng pháp và dạy Thiền. Bởi vì những điều căn bản Thầy nói đã có ở trong sách Thầy viết. Có nhiều điều Thầy nói có thể thấy ở trong những cuốn sách khác đã từng đọc. Như cặp vợ chồng đi đằng trước tôi nói chuyện với nhau sau buổi nói chuyện của Thầy: “thì những điều Thầy nói mình cũng biết rồi. Có điều là Thầy khai triển thêm ở một vài điểm nên thấy hay…”
Có cô bạn hẹn hò mãi để lên Kim Sơn nghe Thầy vì cô nghe những người bạn khác ca tụng Thầy. Cuối cùng vì “bận quá” cô ở nhà và dặn tôi: “có đi thì mua hộ vài cuốn sách của Thầy. Bạn đi rồi về kể lại cho tui nghe.” Nhưng tôi không mua sách hộ cô vì tôi không muốn cô vớ lấy sách ngấu nghiến đọc cho thỏa chí tò mò và chờ đợi. Rồi buông sách thất vọng vì thấy “cũng không có gì lạ. Cũng là những điều mình biết cả rồi. Thầy chỉ nói một cách hấp dẫn hơn.” Thế là hỏng bét. Chẳng thà để cô tò mò mong đợi. Giữ cho bấc nến khô, Đến khi nào cơ duyên tới cô được gặp và nghe Thầy, biết đâu lửa sẽ nhúm sang. Thắp sáng lửa tâm cô. Vì thế Kim Sơn có bán đầy sách của Thầy tôi cũng không mua cho cô cuốn nào. Nhưng tôi đã mua sách cho Bố tôi sau khi ông Cụ đã nghe Thầy trọn ngày hôm đó và có được đứng gần chào hỏi Thầy một hai phút.
Tôi cũng không kể được cho cô nghe những điều tôi nghe Thầy nói. Bời vì tôi đã không nghe Thầy nói bằng phán đoán, kết luận và ghi nhận vào ký ức của óc tôi mà thôi. Tôi đi để nghe Thầy bằng toàn thân tôi. Bằng mắt nhìn vào con người Thầy. Vào đôi mắt thật từ bi. Nụ cười trong sáng của trẻ thơ. Bước chân thật nhẹ như không chạm đất, thanh thoát nhưng vững chãi từng bước một. Tôi nghe chân tôi muốn bước theo mỗi lần nhìn thấy Thầy đi trên còn đướng đất nhỏ, lưng hơi cong cong, một mình. Tôi nghe thấy những bắp thịt trong người dãn lỏng ra. Máu chạy chậm lại, loãng ra. Những tế bào chạy, tốc độ chậm lại. Thấy lòng mỉnh rộng mở hơn, kiên nhẫn hơn và thương yêu mọi người hơn.
Thầy dùng ngôn ngữ thuyết giảng cho trí thức người nghe đón nhận. Nhưng Thầy còn thuyết giảng bằng toàn thân Thầy. Người nghe phải dùng chính và tất cả con người mình để chứng nghiệm. Chứng nghiệm sự hiện thân của từ bi và an lạc mà Thầy giảng dậy. Mà Thầy đã thực hành bằng cả con người và đời sống của Thầy. Mà Thầy đã đạt tới và thể hiện qua đôi mắt, nụ cười và bước chân đi. Tôi thích nhìn thấy những điều tôi nghe. Tôi dạy trẻ con hiện tượng cây, bằng cách cho mỗi cô chú bé một hạt đậu xanh đặt nằm lên trên một nắm bông gòn tẩm nước, để trong bao nylon trong và treo lên cửa sổ kính. Mỗi ngày cho bọn trẻ nhìn bao nylong thấy hạt đậu nứt ra, thành đầu mũ, rồi đến hai lá xanh, và tý rễ trắng tươi. Thích gấp trăm lần giảng chuyện gieo hạt nẩy cây.
Tôi từng chiêm nghiệm thấy là một người nói thương yêu không thể có một bộ mặt nhăn nhó, cau có được. Nếu mắt đăm chiêu đục đỏ và mặt co dúm, thì tức là người đó chỉ nói mà không thực hành sự thương yêu đó. Chỉ tu thương yêu mà không hành thương yêu. Thương yêu vẫn là một ý niệm ở trên óc, mà chưa thể hiện được vào toàn thân, đời sống. Như ăn bao nhiêu thức ăn tươi bổ dưỡng, nhưng không tiêu. Bổ dưỡng vào, bổ dưỡng ra, nên da dẻ vẫn bì bịch, bủng beo. Như một người tu Phật không thể có một đời sống bừa bãi, luộm thuộm. Nếu không người đó chỉ tu mà không hành.
Mình đã nghe nói nhiều về chuyện cần tu, phải thiền, tụng kinh này, kỹ thuật kia. Phật tánh ở trong anh chị, trong tôi, trong chúng ta. Nghe nhưng nhiều khi thấy mình bán tín bán nghi. Vì không biết hư thực. Nhìn Thầy để bớt bán tin bán nghi, để biết Phật tánh là thực, là cơ thể phục hưng. Nhìn sự an lạc của Thầy như thấy mùi hương trầm, muốn tìm về nơi khói hương đó. Cũng như nhìn thấy đức Dalai Lama để thấy hiện thân của Thương yêu. Để thấy lửa nhúm sáng một cọng rơm khô nằm đâu đó sẵn sảng, cho Lòng Từ sáng lại.
Từ xưa tới nay người mọi xứ thường đi hành hương tới đất Thánh, hay đi gặp mặt thánh nhân là thế. Đi để nghe thánh nhân bằng cả 5 giác quan, bằng óc và bằng cảm xúc của mình. Thời đại ngày nay tràn ngập sách báo, băng thu và truyền hình, nên càng cần hành hương hơn.
Lên Kim Sơn không phải là để thu thêm một số kiến thức, kỹ thuật và hình ảnh, cất vào ký ức rồi thình thoảng đem ra kể lại, đề nói thích quá, hay quá như kể chuyện một chương trình TV hấp dẫn đã xem, một truyện hay mới đọc. Đi Kim Sơn để gặp Thầy, để lửa Thầy truyền sang dầu bấc nến của mình cho lửa nhúm lên. Đi gặp Thầy để nhúm lại cụm than bọc đầy tro. Cho hồng lên, cháy lại.
Tôi trở lại Kim Sơn để gặp Thầy. Tôi đã gặp lại Thầy. Như tôi đã gặp lại Tôi. Một quê hương luôn luôn ở đó không thể mất. Chỉ có mình đánh mất đi. Rồi cũng chỉ có mình phục hồi được. Không ai có thể mang cho mình quê hương đó. Cũng như không ai có thể bước đi hộ chân mình. Dù là Phật. Dù là Thầy. Chỉ có thể thấy Thầy đi lưng cong cong một mình trên con đường đất nhỏ, rồi bỗng thấy chân mình nhấc lên, đặt xuống. Một bước đi thứ nhất trên con đường có hoa sen nở dưới gót chân. Bắt đầu một cuộc hành hương về nơi quên hương đánh mất.
June Nguyen (6/1986)