Thursday, 19 April 2018

Vĩnh biệt ký giả Bê Tê - Phan Mạnh


Image result for Ký Mục Gia Bùi Bảo Trúc

          Cuối tháng 12 năm ngoái, tin nhắn điện thoại từ một người bạn cho biết ký giả Bê Tê, tức nhà báo Bùi Bảo Trúc đã qua đời, mẫu tin dù ngắn ngủi nhưng rất khó quên với dòng chữ cuối: anh em chúng ta nợ ông ấy rất nhiều!

Bây giờ ở nơi xa ấy, ông có thể đang nhậu rượu vang pinot noir, đang đọc sách, hoặc ngồi thừ bên trang giấy trắng trước khi bước vào một bài viết như đã từng làm hằng vạn lần lúc còn tại thế...Nhớ ông, ngồi đọc lại những mẩu chuyện Thư gửi bạn ta để biết rằng khi không còn Bùi Bảo Trúc, người đọc Việt Nam đã mất đi một tiếng cười trong văn học. Tiếng cười mà chỉ có Bùi Bảo Trúc mới mang lại cho chúng ta từ những chi tiết tưởng thật tầm thường, đã nấp dạng thật lâu trong đời sống nhưng bỗng trở nên sinh động một cách bất ngờ qua cái nhìn và câu chữ của ông. Là một tên tuổi quen thuộc với người Việt hải ngoại, nhà báo Bùi Bảo Trúc với bút danh khác là Bảo Lâm, sinh năm 1944 tại Miền Bắc Việt Nam, sau khi du học tại New Zealand, ông về nước năm 1967 và trở thành phát ngôn viên chính phủ Việt Nam Cộng hòa đến 1974 thì được cử sang Anh quốc làm việc. Sau biến cố 75, ông chuyển nơi sinh sống và làm việc từ Anh quốc sang Canada rồi Hoa kỳ, cộng tác viết báo và phát thanh cho các đài VOA, Little Saigon Radio, Viet Tide, Người Việt, Hồn Việt TV...

Trong gần 40 năm gắn bó với báo chí truyền thông hải ngoại, yếu tố xuyên suốt nào đã làm nên sự ủng hộ của đông đảo độc giả, khán thính giả hâm mộ Bùi Bảo Trúc? Xin mượn câu thơ của Cao Tần cùng thế hệ với ông để trả lời rằng:

Bài học lớn từ khi đến Mỹ
Là ngày đêm thương nhớ nước mênh mang

Cho dù ông viết thật nhiều, viết thường xuyên, viết ròng rả về đủ chuyện trên trời dưới biển, đủ mọi loại người, không né tránh, khuất tất, không ngại va chạm, ngộ nhận hiềm khích, nhưng rất đông người đọc yêu mến ông vì từ đáy sâu của những dòng chữ ấy là một tâm hồn luôn khắc khoải về quê hương, một trái tim luôn “khóc cười theo mệnh nước nổi trôi”[1]. Việt Nam, ngoài ý nghĩa địa lý của nơi chốn muốn trở về, đối với Bùi Bảo Trúc còn là địa chỉ cư ngụ của hằng hà sa số những kỷ niệm lớn bé mà trí nhớ siêu phàm của ông đã dung nạp tất cả để rồi người đọc, khi đã quen hơi ông viết, sẽ thấy phảng phất đâu đây những mùi vị, hương màu cho đến những giá trị vàng son của quá khứ êm đềm, đầy luyến tiếc đã được ông mang lại bằng lối viết cứ như là kể chuyện, thủ thỉ tâm tình.

Trên dưới 1.000 chữ trong trang viết ký mục hay còn gọi là đoản bút văn học của ông có nhiều điểm giống với bút pháp thơ Đường tứ tuyệt có 4 phần cấu trúc nội dung: Khởi (nêu vấn đề), Thừa (luận bàn), Chuyển (phản luận, giả thuyết), Kết (giải quyết), đó không phải là những bài tiểu luận theo logic phương Tây thể hiện trong cách viết Paragraph Writting với từng đoạn văn diễn tả từng ý một, tuần tự triển khai vấn đề mà chúng ta thường hiểu qua cấu trúc 3 phần : Mở đề, Thân bài, Kết luận. Ở rất nhiều bài viết, tác giả đã sử dụng khéo léo thủ pháp Thừa, Chuyển này. Tế bào ếch trong phòng thí nghiệm có thể được dùng để trách mắng phường tiểu nhân thiển cận ếch ngồi đáy giếng, mùi nước hoa trên thân thể cô đào điện ảnh tiếng tăm thế giới có thể sẽ làm sống lại sắc màu thơ dại của cành hoa bứt trộm tuổi học trò, chữ ...éo tục tĩu có thể được cất nhắc làm vũ khí tuyên vận chống kẻ thù một cách sống động không ngờ.

Như đã có lần tâm sự, trước trang giấy trắng của rất nhiều bài viết, ông ví mình như con thuyền không tay chèo lái, phó thác vào dòng chảy cảm xúc cho đến khi ý tưởng dứt điểm lóe lên vào những dòng chữ cuối, khó có nhà văn nào thay thế được ông ở bút pháp có thể làm chúng ta nghiêng ngửa chỉ trong một vài chữ xoay chuyển lật ngược này. Thông thường, trước khi viết, hầu hết nhà văn đều định hướng trước điểm đến, suy nghĩ về điều muốn viết và kết luận, do đó người đọc có thể đoán được ý định của tác giả từ giữa chừng bài viết, thậm chí là ngay từ những câu chữ đầu tiên. Nhưng đối với Bùi Bảo Trúc, người đọc nôn nao cho đến tận vài chữ cuối cùng, ví như cột neo xong, chúng ta mới biết là thuyền đã cập bến. Viết được vậy, là nhờ ở kiến thức bao la, trí nhớ thâm hậu, hơn thế nữa, một nhận thức luận (epistemology: lý thuyết cho rằng tri thức con người nằm trong tổng hòa của chân lý và niềm tin) thiên phú đã bàng bạc trong đầu ông sau mỗi lần ngồi xuống trước trang giấy. Riêng về trí nhớ, Bùi Bảo Trúc cũng cho chúng ta một bài học rất hay về sự liên tưởng khi ví von cho rằng: trí nhớ dính chùm với nhau. Tựu chung, các dữ kiện của ông nêu ra đa phần là biểu hiện của phương pháp liên tưởng “dính liền”, chỉ khác là ông đã đặt để tất cả sự kiện của ký ức đó trên chuỗi suy nghĩ không chỏi không “phô” trước khi dẫn về kết luận.

Ở một lối viết khác mà người đọc không kém phần yêu thích, đó là khi ôn lại kỷ niệm của những người thương yêu trong gia đình hoặc bạn bè thân thiết. Khác hẳn với lối hành văn ngông chua thường được sử dụng trong các phiếm luận phê phán, người đọc như bồi hồi thấy được con người đầy tình cảm của tác giả bằng những câu viết đi thẳng từ lòng dạ đem trọn vào trên trang giấy. Chiếc cặp da cũ sờn màu năm tháng của đời sống tiết kiệm, tiếng chuông xe đạp kính coong nhẫn nại đèo con đi học, mùi mô hôi sau làn áo bạc màu.....đức hạnh của người cha tỏa sáng ấm áp từ những chi tiết nhỏ nhặt, thầm kín nhưng đã được ông khắc sâu ghi nhớ...trong những bài viết về cụ thân sinh nhà giáo Bùi Văn Bảo là một ví dụ. Người đọc chợt nhận thấy ở ông một dáng dấp khác: hiền hậu và nhân ái qua những dòng chữ chân thành hiếu thảo phơi bày trên từng dòng viết này. Lòng thương người cũng là đức tính đáng ca ngợi của ông khi thường xuyên chính mình thực hiện cũng như kêu gọi mọi người giúp đỡ cho đồng bào dân oan, trẻ em thiếu trường học trong nước. Ông cũng luôn là một trong những người phát động đầu tiên cho các đợt quyên góp cứu trợ trên diện rộng mỗi khi thiên tai, nhân họa xảy ra tại Việt Nam.

Bùi Bảo Trúc còn là nhà văn của sự tinh tế và mẫn cảm, đặc biệt là khứu giác bén nhạy và bền bĩ đã giúp ông sống lại với những mùi hương dĩ vãng của năm hoặc sáu mươi năm trước. Đồng ý rằng khứu giác là giác quan có ký ức lâu nhất và một mùi hương nào đó có thể làm sống lại cả khung trời kỷ niệm nhưng chỉ khi đọc Bùi Bảo Trúc chúng ta mới cảm thấy lâng lâng thú vị khi được tác giả gợi mở, gọi về và làm trỗi dậy, hồi sinh các kỷ niệm tinh khôi ẩn nấp sau một mùi hương nào đó. Ở trên gác nơi các con ta ngủ, Mấy chục năm rồi, mùi chúng vẫn đâu đây....[2]: ông nhớ đến con mình trong bài thơ nói về giấc mơ trở lại nhà cũ ở Sài Gòn. Mấy chục năm rồi, mùi chúng vẫn đâu đây... mùi của những người con đã là một phần thân thể, và ai đã làm cha già, neo đơn vì con cái sống xa gia đình mà không khỏi chạnh lòng, khắc khoải? Hoặc khi nói về câu hát : “anh xa em thật rồi, làm sao quên mùi tóc” của Trần Thiện Thanh, ông nhắc lại mùi tóc dưới mưa, trong quán, bên hiên, ngoài ngõ, giữa đồng, trên núi...ông làm chúng ta choáng váng, sững sờ trước phát hiện tinh tế của mình, và có thể khiến cho hằng triệu người đã từng hát ca khúc này trên môi sẽ biết ơn hơn tác giả tài hoa của nó, do đó, cũng không sai khi nói rằng ông giúp chúng ta nâng cao tính cảm thụ, chí ít thì đã khiến chúng ta biết để ý đến các giá trị tiềm ẩn trong một tác phẩm văn học nghệ thuật.

Sinh thời, Bùi Bảo Trúc cực kỳ ngưỡng mộ và cũng là chỗ thâm giao với nhà văn Võ Phiến. Đã có lần ông ca ngợi : “Võ Phiến không chỉ chẻ sợi tóc làm tư, mà chẻ làm 16, 20!” nhằm nói lên sự phân tích tỉ mỉ sâu sắc của nhà văn phiếm luận hàng đầu Việt nam này. Bùi Bảo Trúc không chi ly như thế, trái lại, biệt tài của ông là nối kết các sự việc, thay vì chẻ sợi tóc, có thể ông buộc thêm vào sợi tóc đó cơn mưa giông đầu hè, hoặc làn gió thu bay rối bời và cũng có thể là đĩa muối tiêu rang hoặc những bờ bãi tuyết trắng cho một sợi tóc đã ngã màu, vân vân và vân vân. Ông đi, về, tung hoành đông tây ngang dọc thanh thản giữa không gian cũng như trục thời gian của chuỗi sự việc và con người, nhiều bài viết của ông mở ra như một vũ trụ nhỏ, giãn nở dần theo trí tưởng của người viết cộng hưởng với hứng thú của người đọc. Từ điểm gốc 0, Võ Phiến chẻ dần sự việc về hướng tọa độ âm, ngược lại, Bùi Bảo Trúc triển khai theo độ lớn dương, chung qui cũng là để mô tả bản chất của một vấn đề muốn bàn đến. Văn học, cũng như các bộ môn nghệ thuật khác có mục đích cuối cùng là nói lên sự thật để mô phỏng tái hiện (Mimesis) một sự việc, một tồn tại. Gợi nhớ lại nhiều sự việc liên quan chung quanh bằng lối viết mạch lạc, duyên dáng cũng là một phương pháp hiệu quả mà Bùi Bảo Trúc đã giúp chúng ta hiểu thêm về bản chất của vấn đề.

Trước khi viết bài này, chúng tôi có dịp đọc lại một số bài viết Thư gửi bạn ta trong những năm gần đây thì nhận thấy văn phong của ông càng đứng tuổi càng thong dong, ít phần câu nệ. Ví dụ trong bài viết: “Cầu mong ơn trên giúp làm được những điều tâm nguyện viết ở trên. Nếu không làm được thì...cũng chẳng sao cả”, là câu kết của những lời ước trong năm mới như: “Xin cho Michelle Obama xinh một chút xíu. Mong cặp giò Hillary Clinton được thon thả để nàng khỏi phải mặc pant suit vì nhiều người trông sốt ruột lắm rồi. Tin những điều đọc thấy trong face book đều là sự thật. Không ghét cay ghét đắng hai chữ "chia sẻ" hay "sẻ chia" nữa mặc dù vẫn không dùng chúng. Nghĩ là Nguyễn Thanh Phượng càng béo càng đẹp giống con mẹ nó. Tin là Nguyễn Tấn Dũng quả thật có bằng cử nhân Luật mặc dù không biết nó học ở đâu và hồi nào.
Cố gắng cười theo khi mấy emcee pha trò vô duyên chưa nói đã cười.
Cố chải mái tóc cho giống tóc của Donald Trump.

         Những bài viết về các sự việc tầm thường đang bộn bề xảy ra hằng ngày trong đời sống như thế khó có thể được đưa vào văn chương nếu không phải là kết quả của một tư duy viết lách lâu năm đã đạt đến nguyên lý “nhẹ nhàng” thường thấy trong đường lối sáng tác của các nhà nghệ thuật già dặn đặc biệt tại Nhật Bản. Matsuo Basho là một điển hình. “Karumi” (sự nhẹ nhàng) là triết lý sáng tác vào lúc cuối đời của thi hào này, lúc đã ngộ ra rằng mọi chuyện tầm thường nhỏ bé trong đời sống hằng ngày đều lấp lánh màu sắc riêng tây nếu chúng ta biết biểu hiện nó một cách trung thực và điềm tĩnh. “Vật ngã nhất tri”, nhẹ nhàng để thật sự hòa trộn bản ngã vào trong bản thể sự vật, để chiếu được ánh sáng vào góc phần sâu thẳm chưa được phơi lộ. Hội họa cũng thế. Sau hơn 30.000 bức tranh đủ loại, vào tuổi 89, Hokusai đã vẽ tác phẩm cuối cùng bằng một màu mực đen đơn giản về ngọn núi Phú Sĩ vốn đã được ông vẽ nhiều lần, bằng nhiều màu trước đó. Ngọn núi dù chỉ bằng một màu nhưng ở một góc nhìn khác, nhẹ nhàng hơn, giúp chúng ta hiểu ra đằng sau cuộc sống bình thường này có một ngọn núi, một tự nhiên bao la cũng giống như chúng ta vẫn đang hít thở, tồn tại đêm ngày. Bốn mươi năm viết văn của Bùi Bảo Trúc với những bài viết cuối đời có nhiều nét nhẹ nhàng hao hao như thế: “Cầu mong ơn trên giúp làm được những điều tâm nguyện viết ở trên. Nếu không làm được thì...cũng chẳng sao cả”, cuộc sống vẫn chảy, dòng đời cuộn trôi, ông nhẹ nhàng gửi đến đời sống những dòng chữ bâng quơ, những ước nguyện không chắc sẽ thành, ông khiến người đọc chợt cười lên đôi giây phút để rồi nhận ra rằng đúng là “cũng chẳng sao cả”....văn chương theo Nguyễn Du là “mua vui chỉ đủ một vài trống canh”, ở Bùi Bảo Trúc là “nếu không làm được thì...cũng chẳng sao cả”. Nguyễn Du để lại cho đời truyện Kiều, hơn 20 nghìn bài viết của Bùi Bảo Trúc chẳng thể nào đem ra so sánh với đại thi hào này nhưng chắc chắn sẽ không phải là một di sản nhỏ bé của văn học Việt Nam trong 40 năm ly tao sau biến cố 1975.

            Anh em chúng ta nợ ông ấy rất nhiều!, dòng mail của người bạn ngày 17/12/2016 sau khi Bùi Bảo Trúc mất đã một ngày lại vang lên trong đầu. Chúng ta nợ Bùi Bảo Trúc một ân tình khôn nguôi với quê hương, một tâm hồn luôn quyến luyến với từng giá trị tinh thần của dân tộc, một nghiệp dĩ báo chí nói thay chúng ta những điều muốn nói và sau cùng riêng với Nguyệt San Hiệp hội, từ 30 năm nay, chuyên mục “Chuyện cái sự đời” đã được ông hào hiệp cấp phát bài vở cho từng số báo. Ông ra đi, khi thế hệ đàn em chúng tôi chưa kịp được trả ơn to lớn đó. Mất mát này không nhỏ và sẽ khôn nguôi mỗi khi suy nghĩ về một con chữ nào đó của tiếng Việt yêu dấu nghìn đời. Chúng tôi sẽ lại nhớ ông.

Phan Mạnh


[1] Lời nhạc Phạm Duy            
[2] Thơ Bùi Bảo Trúc