Tuesday, 5 June 2018

Cuộc Chiến Tranh Mậu Dịch Toàn Cầu Đã Bắt Đầu?

Thứ Năm tuần qua, 31/5/18, thuế nhập cảng thép và nhôm đã được áp dụng lên các sản phẩm nhập cảng từ Canada, Mễ Tây Cơ và Liên Minh Âu Châu (EU).  Và thủ phạm chính trong những việc mất quân bình mậu dịch này là Trung Hoa có thể sẽ được tính đến trong đợt kế tiếp.

Đây là một phương thức trong các chính sách bảo hộ mậu dịch mà chính quyền của ông Trump đưa ra để chống lại những sự chèn ép mậu dịch (trade abuses) từ nhiều quốc gia khác mà Hoa Kỳ vẫn phải gánh chịu từ nhiều năm nay.

Việc áp dụng những thuế quan nhập cảng bên trên có thể sẽ bắt đầu cho một cuộc chiến tranh mậu dịch toàn cầu.  Một khi cuộc chiến tranh này bộc phát, chắc chắn nền kinh tế và cũng như sự ổn định trên toàn cầu sẽ bị thiệt hại nặng nề.  Và Hoa Kỳ chắc chắn cũng bị tổn thất.

Tuy nhiên, như những điều Tổng Thống Obama đã đề cập trong diễn văn nói chuyện trước quốc dân - State of the Union Address, vào năm 2012, thì nền kinh tế của Hoa Kỳ được xây dựng để tồn tại lâu dài - an economy that’s built to last.  Bởi đó, tối thiểu, chúng ta cũng có thể hy vọng rằng, Hoa Kỳ sẽ là kẻ đứng vững sau cùng trong trận chiến tranh mậu dịch này, nếu có, thay vì sẽ bị chết dần, chết mòn vì bị Trung Hoa (và các "đồng minh" free riders) tiếp tục bòn rút.

Xin mời quý độc giả đọc bài bình luận của Keith Johnson qua phần chuyển ngữ của Huỳnh Thạnh để tìm hiểu và nhận định về một “nước cờ kinh tế" của chính phủ của ông Trump trên “bàn cờ quốc tế" bao gồm tất cả mọi mặt từ chính trị, đến quân sự và kinh tế.




Trong tương lai gần nếu không có sự tương nhượng của mọi bên can dự, thì có thể nói rằng thứ Năm, 31/5/18, đúng là ngày mà chính quyền Trump chính thức phát động cuộc chiến tranh mậu dịch toàn cầu.

Dù Trung Hoa là đối tượng chính trong cuộc chiến tranh này, thế nhưng cuộc "ra quân" đầu tiên của Hoa Kỳ lại nhắm ngay đúng vào các đối tác mậu dịch (trading partners) của họ. Chính quyền Trump đã tính toán sai? Hay họ muốn gửi ra thông điệp: Trong cuộc chiến tranh mậu dịch với Hoa Kỳ, sẽ không ai được miễn trừ - kể cả đồng minh hay đối tác?

Chúng tôi xin mời quý độc giả theo dõi bản dịch Việt ngữ của bài báo Trump’s Steel Tariffs on Allies Complicate Bigger Problem: China (1) của Keith Johnson, đăng ngày 31/5/18 trên Foreign Policy.

Huỳnh Thạnh chuyển ngữ

Quyết định của chính quyền Trump vào hôm thứ Năm để áp đặt thuế quan lên thép và nhôm nhập cảng từ một số đối tác mậu dịch lớn nhất của họ - Canada, Mễ Tây Cơ và Liên Minh Âu Châu - sẽ tạo khó khăn hơn cho Hoa Kỳ khi phải đối phó với vấn đề chèn ép mậu dịch mà Hoa Kỳ cho rằng họ phải đương đầu.

Đã có một loạt các cuộc đàm phán với Canada, Mễ Tây Cơ và Âu Châu vào phút chót. Nhưng Hoa Kỳ vẫn tiến tới và đánh 25% thuế lên thép và 10% thuế lên nhôm của ba đối tác mậu dịch này nhập cảng vào Mỹ, chấm dứt thời kỳ được tạm thời miễn trừ mà họ đang thụ hưởng từ mùa xuân.

"Hôm nay là một ngày tệ hại cho mậu dịch thế giới," Cecilia Malmstrom, Ủy viên Mậu dịch của Liên Minh Âu Châu, cho biết trong một thông cáo báo chí vào hôm thứ Năm. "Đây là chủ nghĩa bảo hộ, đơn giản và thuần túy chỉ là như vậy,"  Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Ủy ban Âu Châu, nói thêm.

Những thuế quan này, được công bố bởi Tổng thống Mỹ Donald Trump trong tháng Ba, có vẻ như là để đối phó với một lượng lớn sản xuất quá mức trên thị trường thép toàn cầu và hệ quả là đã đẩy giá thép xuống thấp và đưa đến việc các hàng nhập cảng này đổ vào làm tràn ngập Hoa Kỳ và các nền kinh tế trưởng thành khác.

Nhưng các biện pháp trừng phạt của chính quyền Trump đã đánh trúng hầu hết mọi quốc gia - ngoại trừ thủ phạm chính của tình trạng cung ứng quá dư thừa trên toàn cầu và là nguyên nhân của phần lớn các nỗi khốn khổ của ngành thép: Trung Hoa.

Trong tháng Tư, sản lượng thép của Trung Hoa đã tăng gần 5% so với năm ngoái (year over year), và mức xuất cảng tăng vọt, một phần cũng vì giá cả cao hơn do bởi các biện pháp bảo hộ thị trường của chính quyền Trump gây ra. Trung Hoa sản xuất một nửa sản lượng thép trên thế giới. Còn đối với cả ba khu vực sản xuất nói trên, đang là mục tiêu bị đánh thuế nhập cảng của Hoa Kỳ ngày hôm nay, thì dù có đem hợp cả ba lại, họ cũng chỉ sản xuất được hơn 12% tổng số thép toàn cầu.

Nhưng phương cách cứng rắn của Hoa Kỳ đối với các đối tác mậu dịch thân cận nhất của mình sẽ gây thêm khó khăn trong việc hình thành một ứng phó chung đối với sự cung cấp quá mức (oversupply) của Trung Hoa.

Juncker nói: “Bằng cách nhắm vào những người không chịu trách nhiệm về việc sản xuất quá mức, Hoa Kỳ đang vô tình làm lợi cho những kẻ phải chịu trách nhiệm về vấn đề này.”

Và, theo Mickey Kantor, một cựu đại diện mậu dịch của Mỹ trong chính quyền Clinton, phương cách hẹp hòi của Hoa Kỳ đối với mậu dịch có thể đẩy Âu Châu và các quốc gia khác đến gần các mối quan hệ kinh tế với Trung Hoa, một nền kinh tế lớn thứ nhì trên thế giới.

“Điều này sẽ đẩy bạn bè của chúng ta từ Âu Châu, Canada, và Mễ Tây Cơ vào tay của Trung Hoa và giới lãnh đạo Trung Hoa," ông nói. "Bạn không có nhiều lựa chọn nếu Hoa Kỳ không những chỉ khước từ, mà còn trừng phạt bạn nữa."

Các biện pháp, đặc biệt là chống lại Âu Châu, cũng có thể tạo khó khăn hơn cho Hoa Kỳ trong việc theo đuổi các mục tiêu khác trong chính sách đối ngoại. Quyết định rút ra khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran và tái lập lại các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran, thí dụ vậy, đã làm Brussels, phản ứng tức khắc. Một số khác sợ rằng các mối quan hệ đang trở nên chua chát hơn đối với Âu Châu về các vấn đề không liên quan gì đến mậu dịch sẽ tạo thêm khó khăn trong việc mưu tìm một lợi ích chung (common cause) để chống lại Iran. [Ghi chú: Brussels là thủ đô của nước Bỉ và thành phố này cũng được xem là thủ đô không chính thức (de facto capital) của Liên Minh Âu Châu (European Union, EU) gồm 28 quốc gia thành viên.]

Nhưng chính quyền Trump đã không hề do dự khi đem ra bất kỳ công cụ nào trong kho vũ khí của mình để giải quyết những gì mà họ xem đó là mậu dịch không công bằng (unfair trade). Để bảo vệ ngành công nghiệp thép của mình, chính quyền Hoa Kỳ đã dựa vào đạo luật có từ thời thập niên 1960s, cho phép đánh thuế nhập cảng lên một số hàng hóa nào đó nếu những hàng hóa này bị xem là đe dọa cho nền an ninh quốc gia, mặc dù các quy luật của Tổ Chức Mậu Dịch Thế giới (World Trade Organization - WTO) nói chung là cấm bảo hộ quá mức. Dù ngành công nghiệp thép của Hoa Kỳ có thể dư sức đáp ứng nhu cầu sản xuất quốc phòng của mình, chính quyền Trump vẫn đem luật quan thuế trên ra áp dụng - việc này đã tạo ra sự phẫn nộ và trả đũa từ Brussels cho đến Bắc Kinh.

Tuần qua, chính quyền Trump đã thông báo họ đang cân nhắc việc sử dụng cùng một lập luận về vấn đề an ninh quốc gia để (có lý do) đánh thuế lên các xe hơi nhập cảng. (Trong khi đó, giới truyền thông Đức tường thuật rằng Trump hy vọng sẽ cấm tất cả các xe hơi Đức nhập cảng vào Hoa Kỳ.)

Doreen Edelman, một luật sư chuyên về mậu dịch quốc tế tại Baker Donelson nói: “Chúng ta đã đi từ những gì không tiên đoán được để bước sang đến hỗn loạn." Những chiến thuật cứng rắn đó sẽ dẫn đến các mức thuế trả đũa đánh lên hàng hóa của Hoa Kỳ, làm phương hại đến các nhà xuất cảng, rồi có thể leo thang hơn nữa để thành một cuộc chiến tranh mậu dịch. "Chúng ta đã đứng ngay trên con dốc trơn tuột," bà nói.

Liên Minh Âu Châu đã thiết lập một danh sách các sản phẩm có trị giá hơn 3 tỉ Mỹ kim của Hoa Kỳ sẽ bị đánh thuế trả đũa, chẳng hạn như rượu bourbon, thuốc lá và xe gắn máy. Canada cũng tuyên bố các mục tiêu của họ trong việc đánh thuế trả đũa lên tất cả mọi thứ từ giấy vệ sinh cho đến bút bi. "Những mức thuế này hoàn toàn không thể chấp nhận được," Thủ tướng Justin Trudeau nói.

Sự trả đũa từ phía Canada và Mễ Tây Cơ sẽ đánh trúng nền kinh tế Hoa Kỳ còn nặng hơn các biện pháp của Liên Minh Âu Châu (EU), Kantor lưu ý - Mễ Tây Cơ mua hàng của Hoa Kỳ cũng nhiều như của toàn thể Âu Châu.

Liên Minh Âu Châu nói thêm rằng họ chống lại quyết định của Hoa Kỳ trước Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới (WTO).

Từ nhiều tháng qua, chính quyền Trump đã đem việc đánh thuế lên thép để đe dọa Canada, Mễ Tây Cơ và Liên Minh Âu Châu với hy vọng sẽ ép được họ phải nhượng bộ trong các cuộc đàm phán mậu dịch rộng lớn hơn; Hoa Kỳ và các nước láng giềng vẫn đang cố gắng sửa đổi Hiệp Định Tự Do Mậu Dịch Bắc Mỹ (North American Free Trade Agreement – NAFTA),  dù rằng hiện tại gần như đã quá trễ để có thể có được một thỏa thuận mới thông qua Quốc Hội Hoa Kỳ trong năm nay.

Nhưng những điều này đã chẳng đe dọa được Canada hoặc Mễ Tây Cơ để họ phải nuốt chửng những đòi hỏi không hấp dẫn của Hoa Kỳ trong các cuộc đàm phán về NAFTA, và Brussels nhiều lần nói rằng họ sẽ không thương lượng dưới mũi súng. "Đây không phải là cách chúng ta làm kinh doanh, và chắc chắn không phải giữa các đối tác lâu dài, bạn bè và đồng minh," Malmstrom nói vào hôm thứ Năm.

Kể từ lúc lên nắm quyền, chính quyền Trump đã đề ra phương cách bảo hộ mậu dịch và đã tách rời ra khỏi các thoả thuận mậu dịch tham vọng, và đa phương, vốn là đặc điểm trong chính sách của chính quyền Obama. Trump đã rút khỏi Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), được hình dung là một khối mậu dịch của 12 quốc gia, và đã chẳng làm gì nhiều để tiến xa trong các cuộc đàm phán tương tự với Liên Minh Âu Châu.

Các quốc gia khác ở Á và Âu Châu đã cố gắng để chống đỡ cho tự do mậu dịch trên toàn cầu – phần còn lại của các quốc gia trong TPP đã vẫn phải tiếp tục mà không có Washington, và Brussels thì bận rộn lo xúc tiến các thoả thuận mậu dịch với Canada, Mễ Tây Cơ và Nhật Bản. Nhưng hậu quả không tránh được do bởi những thuế quan của chính quyền Trump sẽ làm cho sự tự do mậu dịch trên toàn cầu càng bị móp méo thêm.

Mặt khác, chính Liên Minh Âu Châu cũng đang phải sửa soạn những biện pháp để hạn chế nhập cảng vào các quốc gia nằm trong liên minh của họ. Việc làm này nhằm để bảo vệ các nhà sản xuất trong Liên Minh Âu Châu để họ không bị tràn ngập bởi bất kỳ lượng thép dư thừa nào đã bị chuyển hướng đẩy ra khỏi thị trường Hoa Kỳ vì hàng rào thuế quan nhập cảng tại đó.

Nói một cách khác, ngay cả các quốc gia tìm cách tránh khỏi các biện pháp bảo hộ thị trường, đến nay lại thấy chính họ bắt buộc phải hành động ăn nhịp với các hành động của Hoa Kỳ.  Khi đưa ra chính sách với những biện pháp kinh tế chỉ làm lợi cho mình và có khuynh hướng sẽ gây tai hại cho quốc gia láng giềng (beggar-thy-neighbor approach), Hoa Kỳ đe dọa làm trật hướng đi của sự hồi phục mong manh trong lãnh vực mậu dịch toàn cầu và làm giảm thiểu những triển vọng kinh tế.

Kantor nói: “Chúng tôi đã thử điều này vào những năm trong thập niên 1930s, với các thuế Smoot-Hawley. Và đó là một thảm họa.”
Huỳnh Thạnh

Chú thích: