Thursday, 26 July 2018

Cuba sẽ 'khác hẳn 60 năm' qua và không giống TQ - BBC


HavanaBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionVũ hội hóa trang ở Havana Cổ - hình minh họa

Cuộc bỏ phiếu hôm 22/07/2018 của Quốc hội Cuba thông qua dự thảo tân Hiến pháp đã gây ngạc nhiên cho giới quan sát.
Hiện còn cần qua một loạt thủ tục để có hiệu lực nhưng có vẻ như văn bản mới này đã tạo đà cho việc hiện đại hóa toàn diện đảo quốc vùng châu Mỹ La tinh.
Các điểm mới của Hiến pháp Cuba được những tờ báo lớn như The New York Times ở Mỹ và The Guardian ở Anh điểm ra gồm có:
  • Bỏ khái niệm chủ nghĩa cộng sản
  • Công nhận sở hữu tư nhân
  • Công nhận hôn nhân đồng tính
  • Khuyến khích đầu tư nước ngoài và ra các biện pháp bảo vệ nhà đầu tư
  • Tăng cường hệ thống tư pháp
  • Công nhận nguyên tắc suy đoán vô tội trong xét xử
  • Lập ra chức thủ tướng để điều hành đất nước bên cạnh chủ tịch nước
Hiến pháp mới sẽ thay thế Hiến pháp 1976 của thời kỳ thân Liên Xô.

Fidel Castro và Leonid BrezhnevBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionHiến pháp mới của Cuba bỏ lại đằng sau thời kỳ thân Liên Xô

Điều quan trọng là bản hiến pháp mới sẽ được đem ra thảo luận rồi trưng cầu dân ý để trở thành luật cơ bản.
Báo The Guardian ở Anh nói Hiến pháp Cuba còn được gọi là Magna Carta, tên hệt như Đại Hiến chương các quyền dân sự và chính trị ở Anh Quốc thời xưa.

Giống Đông Âu hơn là Trung Quốc?

Có vẻ như các cải tổ mà ông Raul Castro nêu ra, được ghi nhận trong Hiến pháp mới sẽ mở đường cho một thế hệ lãnh đạo mang tính chuyển tiếp.


Chức chủ tịch (president - tổng thống) theo Hiến pháp mới sẽ giới hạn ở hai nhiệm kỳ, loại bỏ khả năng đang xảy ra ở Trung Quốc hay Nga, khi lãnh đạo có thể kéo dài quá hai lần làm nguyên thủ quốc gia.
Ông Castro cũng đề xuất để tân lãnh đạo bắt đầu nhiệm kỳ ở tuổi không quá 60, trang Miami Herald đưa tin.
Theo nhà báo Nguyễn Giang, người đã quan sát tình hình Đông Âu giai đoạn 1989-1995, hiến pháp mới của Cuba nếu được thực hiện có nhiều điểm giống mô hình chuyển tiếp tại Đông Âu hơn là Trung Quốc sau vụ Thiên An Môn 1989.

CubaBản quyền hình ảnhADALBERTO ROQUE
Image captionCuba đi theo trào lưu chung của thế giới, và dần để lại đằng sau mô hình kinh tế kiểu Liên Xô

Ví dụ, dự thảo hiến pháp mới ở Cuba đặt ra chức Thủ tướng nhưng vẫn do Chủ tịch nước (hiện là ông Raul Castro) bổ nhiệm.
Điều này giống Ba Lan thời Đại tướng Wojciech Jaruzelski làm tổng thống 'nửa cộng sản, nửa dân chủ' và bổ nhiệm các thủ tướng 'chuyên gia kỹ trị', lần lượt có Zbigniew Messner và Mieczyslaw Rakowski.
Hiện nay ông Castro vừa là Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản, vừa là là chủ tịch Hội đồng nhà nước.
Nhưng sau khi thay đổi hiến pháp, chức chủ tịch Hội đồng nhà nước sẽ do Chủ tịch Quốc hội nắm, đáp ứng nhu cầu làm luật ngày càng lớn.
Về quyền sở hữu, hiện nay nông dân Cuba đã hưởng quyền sở hữu đất nông nghiệp dùng trong canh tác nhưng không được chuyển hạng.
Trong khi đó, ở Trung Quốc, sở hữu đất đai vẫn hoàn toàn thuộc nhà nước dù chế độ 'quyền sử dụng 70 năm' sẽ được gia hạn lâu dài.
Điều này khiến Cuba giống Ba Lan thời XHCN khi nông dân vẫn có quyền sở hữu đất trồng cấy diện tích nhỏ, bên cạnh sở hữu nông trang (PRG) của nhà nước.
Những thay đổi hiến pháp này ở Cuba "còn xa mới đi tới dân chủ" nhưng đã được cả chính các nhà quan sát Cuba hải ngoại đánh giá cao.
Ông Andy S. Gomez, cựu giám đốc Viện nghiên cứu Cuba tại ĐH Miami, Hoa Kỳ gọi đây là "chuyển biến lớn"
"Tuy còn xa mới tới nền dân chủ nhưng đây là những thay đổi hoàn toàn khác với những gì chúng ta thấy trong 60 năm qua".
Điều dễ thấy trước mắt là ban lãnh đạo Cuba rất tự tin về hiến pháp mới nên đã quyết định đem văn bản này ra bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý.