Thursday, 26 July 2018

Người Chuyên Môn Cười - "The Laughter" của Leila Vennewitz.

Xưa nay chúng ta vẫn biết rằng ông bà ta đã nói, và khoa học cũng đồng ý, là “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ." Thế nhưng nụ cười chưa hẳn đã là cách thức thể biểu lộ niềm vui. Cụ Nguyễn Công Trứ đã viết:
“Ngồi buồn mà trách ông xanh,
Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười.”
Nụ cười, vì thế, rất khác nhau, và chỉ có người đang cười mới hiểu rõ tâm trạng của họ. Nó cũng tương tự như nụ cười trên gương mặt anh hề, nụ cười được tạo ra để làm vui cho người khác, chưa chắc gì trong lòng anh hề đã có chút gì vui. Nhất là khi tiếng cười lại là nghề nghiệp chính để nuôi bản thân và gia đình.
Đặc San Lâm Viên xin giới thiệu đến quý đọc giả một chuyện ngắn của Heinrich Boll, người Đức đã được giải Nobel văn chương năm 1972, mô tả cuộc đời nhàm chán của một người kiếm sống bằng tiếng cười của mình. Tác giả Tâm Minh Ngô Tằng Giao đã chuyển ngữ câu chuyện này tiếng Việt dưới tên “Người Chuyên Môn Cười" theo bản Anh ngữ "The Laughter" của Leila Vennewitz.


Heinrich Boll sinh tại Cologne (Đức) vào năm 1917 và mất năm 1985, là một trong những nhà văn hậu chiến rất nổi tiếng của nước Đức. Các tác phẩm của ông gồm "Ansichten eines Clowns" (The Clown), "Billard um halb zehn" (Billiards At Half-Past Nine) và "Gruppenbild mit Dame" (Group Portrait With Lady). Ông nhận giải Nobel về văn chương vào năm 1972.

Truyện ngắn sau đây được chuyển ngữ theo bản dịch Anh ngữ của Leila Vennewitz với nhan đề "The Laughter".

Vì người ta thường coi tôi là một người đứng đắn đàng hoàng nên khi có ai đó hỏi tôi rằng tôi làm nghề ngỗng gì thì tôi thật là lúng túng: tôi đỏ mặt lên và nói năng lắp bắp ngay. Tôi thấy như ghen với những người mà họ có thể trả lời thoải mái: tôi là thợ hồ. Tôi ghen tức với những người thợ hớt tóc, những anh chàng thư ký kế toán và những anh chàng viết văn vì câu trả lời của họ thật là đơn giản, chính cái nghề của họ đã tự nói lên là họ làm công việc gì rồi mà chẳng cần "dài dòng văn tự" để giải thích gì thêm, trong khi tôi thì bó buộc phải trả lời những câu hỏi trên rằng: "Tôi là một người chuyên môn cười." Khi thú nhận như thế rồi thì lập tức bao giờ tôi cũng phải trả lời thêm một câu hỏi thứ hai: "Thế bạn kiếm sống bằng cách đó à?". Tôi thành thật trả lời: "Đúng vậy!". Tôi hiện tại đúng là đang kiếm sống bằng tiếng cười của tôi đấy, mà kiếm chác ngon lành là đằng khác nữa, vì tiếng cười của tôi - nói theo giọng lưỡi kinh doanh - đang ăn khách trên thị trường.

Tôi là một chuyên viên cười, cười xuất sắc, lại kinh nghiệm đầy mình, chẳng có kẻ nào khác có thể cười giỏi như tôi được, chẳng có ai cười mà có thể đạt tới tột đỉnh nghệ thuật như tôi. Có một thời gian dài, để tránh khỏi phải giải thích lòng thòng chán ngấy, tôi đã tự gọi tôi là một diễn viên, nhưng tài nghệ của tôi trong lãnh vực kịch câm và kịch nói thì lại xoàng xĩnh lắm khiến tôi cảm thấy gọi như thế không ổn, xa vời sự thật quá. Tôi yêu sự thật và sự thật là: tôi là một người chuyên môn cười.

Tôi chẳng phải là một chú hề, cũng chẳng phải là một diễn viên hài kịch. Tôi không làm cho bà con cô bác khoái chí, vui vẻ, tôi chỉ diễn tả sự vui nhộn thôi: tôi cười như hệt một vị hoàng đế La Mã, hay cười kiểu giống y như một chú học trò nhạy cảm, tôi cười thoải mái giống kiểu cười thế kỷ thứ 17 cũng như thế kỷ thứ 19, và đôi khi vì nhu cầu tôi có thể cười theo bất cứ kiểu cười của thế kỷ nào, bất cứ từng lớp xã hội nào, bất cứ loại tuổi tác nào: đó chỉ thuần là một sự khéo léo mà tôi đã thu thập được, tương tự như sự khéo tay sửa giày, dép vậy. Trong lồng ngực của tôi chất chứa tiếng cười của Mỹ Châu, của Phi Châu, tiếng cười của dân da trắng, da đỏ, da vàng và nếu được trả một khoản tiền tương xứng thì tôi sẽ cười vang vang lên theo đúng với lời yêu cầu đặt hàng của ông giám đốc.

Tôi đã trở nên quan trọng rồi. Tôi cười để thâu vào đĩa hát, tôi cười để thâu vào băng, và các ông giám đốc truyền hình đối xử với tôi một cách kính nể. Tôi cười một cách sâu thẳm, ôn hòa hay điên dại. Tôi cười như một ông tài xế lái xe điện hay như một gã phụ việc trong tiệm thực phẩm. Có tiếng cười kiểu bình minh, kiểu hoàng hôn và kiểu đêm tối. Nói tóm tắt lại: người ta cần cười ở bất cứ nơi nào, cười bất cứ kiểu nào, tôi sẽ làm chuyện đó.

Thật khó mà vạch ra cho mọi người thấy rằng một cái nghề như thế này thì chán mớ đời, nhất là đối với tôi đó lại là một nghề chuyên môn, tôi đã lên đến tột đỉnh của nghệ thuật gây tiếng cười. Điều này cũng khiến cho tôi trở thành cần thiết để giúp cho các diễn viên hài kịch hạng ba hay hạng tư khi các anh chàng này có lý do chánh đáng sợ rằng khán giả của họ không phá ra cười với những câu pha trò vào lúc chót của câu chuyện. Bởi thế tôi hầu như mỗi đêm phải đến các hộp đêm, các phòng trà ngồi làm cò mồi kín đáo, công việc của tôi là cười vang lên trong những đoạn yếu nhất của chương trình để mọi người nghe thấy mà cười theo. Cần phải "canh me" mà tính toán giờ giấc cẩn thận: tôi phải cười cho thật lớn, thật mạnh, không sớm quá nhưng cũng đừng trễ quá, phải cười đúng lúc, đúng thời điểm đã sắp xếp trước. Tôi phá ra cười, toàn thể các khán giả sẽ rú lên cùng cười theo tôi và như thế cái vụ pha trò, giễu dở của anh chàng diễn viên sẽ được cứu vãn. Nhưng riêng phần tôi, tôi mệt mỏi lê chân ra phòng để áo, mặc áo khoác vào và lòng cảm thấy vui sướng vì cuối cùng dầu gì thì mình cũng vừa hoàn thành xong nhiệm vụ.

Ở nhà, tôi thường nhận được những bức điện tín gửi cho tôi: "Khẩn cấp. Cần tiếng cười của anh. Ghi âm thứ ba" và một vài giờ sau là tôi đã chui vào ngồi trong một chuyến xe lửa tốc hành quá nóng nực để mà than vãn cho cái số phận của mình. Tôi cũng cần phải nói thêm rằng những lúc ngoài giờ làm việc hay khi đang đi nghỉ hè thì tôi lại có khuynh hướng cười rất ít: những kẻ chăn bò chỉ vui khi họ quên bò của họ, người thợ nề chỉ vui khi quên đi vôi vữa, và các anh chàng thợ mộc thì thường thường lại có cái cửa ra vào hay những ô kéo bị kẹt, khó mở, những tay làm bánh mứt lại khoái đồ chua, những anh chàng hàng thịt lại ưa bánh hạnh nhân, và người làm bánh thì thích thịt nhồi hơn là bánh, những tay đấu bò thích nuôi chim bồ câu làm thú giải trí, những võ sĩ quyền Anh mặt tái đi khi thấy con cái mình bị chảy máu mũi. Tôi thấy tất cả đều là chuyện bình thường, vì chính tôi chẳng bao giờ cười lúc ngoài giờ làm việc. Tôi là một người nghiêm túc và mọi người coi tôi - có lẽ đúng vậy – là một gã bi quan.

Trong những năm đầu của cuộc sống hôn nhân bà vợ tôi thường nói với tôi: "Cười lên chứ!" nhưng rồi kể từ đó bà vợ tôi hiểu ra rằng tôi chẳng thể chiều ý bà ấy được. Tôi cảm thấy sung sướng khi tôi được thoải mái khỏi phải lên gân mặt, được thoải mái tinh thần. Thật vậy, ngay cả lúc người khác cười thì cái cười ấy cũng tác động đến đầu óc của tôi, vì nó gợi cho tôi nhớ đến nghề nghiệp của mình. Chính vì thế mà cuộc hôn nhân của chúng tôi hoàn toàn trầm lặng và an bình, bởi vì bà vợ tôi cũng quên mất cả cười rồi. Thỉnh thoảng tôi chợt bắt gặp vợ tôi mỉm cười và tôi cũng cười mỉm theo. Chúng tôi trò chuyện với nhau bằng một giọng nhỏ nhẹ, bởi vì tôi ghét cay ghét đắng cái tiếng động ồn ào của các hộp đêm, các phòng trà, ghét cái âm thanh đôi khi ầm ĩ vang rền lên khắp cả phòng thu thanh. Những người nào không biết rõ tôi lại nghĩ rằng tôi là kẻ suy tư, ít nói. Có lẽ tôi như vậy đó, bởi vì tôi đã phải há miệng ra để cười quá nhiều rồi.

Đời tôi trôi qua với những nét biểu lộ tình cảm trơ lạnh như vậy. Thỉnh thoảng tôi cũng có cười nhẹ nhàng chút đỉnh và tôi thường tự hỏi không biết mình đã từng biết cười bao giờ chưa nhỉ? Tôi nghĩ rằng không. Các anh chị em của tôi lại coi tôi như một đứa rất nghiêm trang.

Bởi thế tôi có thể cười đủ các kiểu khác nhau, nhưng chính tôi, tôi không có được một nụ cười nào cho riêng cá nhân mình.

Tâm Minh Ngô Tằng Giao