Wednesday 22 August 2018

Chàng - Phù Phiêu

(gởi đến các bạn du học ở Tân Tây Lan trước 1975 để ôn lại một quảng đời) 

Tôi gặp Hữu lần đầu tiên trong một đêm Vietnamese Evening do sinh viên Việt Nam tổ chức. Bọn chúng tôi bốn chị em nhóm mới qua Wellington diễn xong màn múa Nuôi Tằm Dệt Lụa vừa chạy vào vừa cười rúc rích. Chị Ngọc chờ sẳn đưa áo choàng cho chúng tôi vì trời trở lạnh, chị khen vùi vập “- Các em diễn hay lắm.” 

Chị Ngọc qua trước nhóm tôi năm năm. Chị có tài sáng tác điệu múa dựa vào các bài dân ca như Trấn Thủ Lưu Đồn, Ươm Tơ Tằm, Tiếng Dân Chài… Chị làm Thầy dạy múa rất nghiêm, có phần dữ nữa, đám đàn em ai cũng ngoan ngoãn nghe lời chị. Được một điều chị nấu ăn rất giỏi, nhất là món Hủ Tiếu Trà Vinh ngon tuyệt nên chị em tôi không ai ngại đến “flat” chị vào hai ngày cuối tuần tập múa. Chị Ngọc đã đậu BSc và đang học lên cao. Chúng tôi lại càng nể chị vì đa số con gái học những ngành “mềm” như Arts hay Commerce. 

Tôi đứng thập thò sau cánh gà sân khấu nghe giọng hát cao vút ngân vang của chị Vân, hòa quyện với một giọng ấm áp trầm hùng. Tôi nghiêng mình nhìn ra. Bên cạnh chị Vân là một sinh viên đàn anh chúng tôi chưa gặp bao giờ, dáng dấp vững chãi, với cặp kính trắng thông thái vừa đánh đàn vừa hòa ca:

“…Màu áo xanh là màu anh trót yêu 
Người mơ không đến bao giờ.” 

Thốt nhiên tôi ước gì mình hát hay như chị Vân và có một chiếc áo dài gấm màu thiên thanh như chị để đứng cạnh hát cùng người đàn anh.

*** 

Sau một tháng ở Wellington học Anh Văn Cấp Tốc, tôi vẫn chưa xóa hết làn da rám nắng của dân miền biển Nha Trang, vẫn còn cặp kính cận vành đen chiếm gần hết khuôn mặt. Tôi sống với cha và anh trai từ nhỏ nên vẫn mang nhiều nét của một tomboy thường xuyên đi tắm biển, bơi lội, thám hiểm các đảo quanh Nha Trang. 


Tôi mất mẹ từ lúc năm tuổi. Tôi còn nhớ rõ trước đó Ba tôi vắng nhà cả tháng, bỗng một buổi sáng về nhà thúc dục mọi người sắp xếp đồ đạc chất lên xe tải rời xa Huế. Lúc xe lên đến đỉnh đèo Hải Vân nghỉ chờ lệnh xuống đèo, Mẹ tôi đi xuống bụi rậm hồi lâu không trở ra. Ba tôi và mọi người lùng sục tìm mãi, rồi Ba tôi bồng Mẹ tôi mặt mũi đầy máu đi ra. Trong tiếng la hét thất thanh của mọi người, Mẹ tôi mấp máy môi rồi nguẹo đầu qua một bên trút hơi thở cuối cùng. Anh Hoàng và tôi đứng bên ngoài chỉ biết khóc vang. Sau khi chôn cất Mẹ tôi, chiếc xe tiếp tục xuôi vào Nam và gia đình tôi sống ở thành phố Nha Trang từ đó. Ba tôi làm cảnh gà trống nuôi con, hết lòng thương yêu, săn sóc, dạy dỗ tận tình hai anh em tôi. 
 
Chúng tôi được học trường Pháp từ nhỏ. Sau khi đậu Bac Un ban Toán, Ba tôi bảo tôi đổi qua trường Việt ban Sinh Ngữ, người bảo sau mười một năm học trường Pháp,  với vốn tiếng Pháp và tiếng Anh tôi dể thi đậu Tú Tài Toàn Phần với thứ hạng cao để xin học bỗng đi ngoại quốc. Năm Đệ Nhất thật vất vả vì phải rèn luyện tiếng Việt để học môn Triết khô khan khó hiểu nhưng rồi năm học qua nhanh. Tôi đậu Tú Tài 2 và được học bổng Colombo Plan du học Tân Tây Lan.  Tôi cũng thấy lạ rằng một người luôn mê say những gì dính đến nước Pháp như Ba tôi lại vui vẻ khi tôi sẽ đi học ở một nước thuộc khối Anh-Mỹ. Nụ cười hiếm hoi trên mặt ông từ ngày Mẹ tôi mất cũng là niềm an ủi cho tôi khi phải xa thành phố biển hiền hòa lao mình vào chốn vô định. 

Nhóm chúng tôi chưa quen với đồi núi và những cơn gió mạnh của Wellington. Ngày nào cũng thấy biển nhưng tôi chưa dám tắm biển lần nào, một phần vì lạnh, một phần vì sợ làn da đen sạm của mình quá nổi bật với những người xung quanh tuy họ đã tắm nắng nhiều. Họ thích tắm nắng tưởng chừng như ngày mai sẽ không có ánh mặt trời, còn bọn tôi thì cố thu mình trốn ánh nắng. 

*** 

Sau hơn một giờ rưởi xem trình diển văn nghệ và nghe những đoạn văn giới thiệu văn hóa phong tục Việt Nam, khách được mời thưởng thức các món ăn Việt Nam do các chị nấu rất công phu. Khách có lẻ ưa chuộng mục này hơn nên nói chuyện râm ran. Nhóm chúng tôi lo pha trà và café. Chị Ngọc đến khen ngợi chúng tôi làm chị được thơm lây, chị khen chúng tôi diển không vấp váp, chỉ mong cho khách hiểu được điệu múa mà ở quê nhà chưa ai thấy bao giờ.

Chúng tôi nhao nhao lên:

- Không khéo họ lại bảo mèo khen mèo dài đuôi! 

- Họ cứ tưởng dân mình đang luyện bùa chú!

Thật ồn ào như một đám chim bồ chao! Người đàn anh hợp ca bài Thu Quyến Rũ với chị Vân vừa đi đến thì chị Ngọc mắng ngay:

- Em về khi nào mà không đến trình diện chị!

- Em mới đến hồi sáng sớm, lên đây tập hát ngay nên chưa lên thăm chị được.

Chị dịu giọng:

- Thôi được, chị tha lần này, lần sau đừng tái phạm. 

Rồi chị giới thiệu:

- Đây là Hữu, em của chị. Còn đây là mấy đứa em mới qua, Thu, Xuân, Lệ, Hạnh”
Hữu cúi người xuống chào rất kiểu cách:

- Rất hân hạnh gặp quí cô. Chị và các cô tài thật. Cả đời em chỉ nghĩ dùng đũa để ăn, đâu có biết chúng làm biết bao nhiêu việc như là đũa thần vậy.

- Tối mai chị nấu hủ tiếu Trà Vinh đãi các em đây. Em ghé nhà chị ăn nghe.

- Tiếc quá, khuya này em phải lấy tàu hỏa về Auckland để gặp vị Giáo Sư hướng dẫn.

Rồi Hữu biến đi như một cơn lốc, không buồn để nữa con mắt nhìn chúng tôi.

Thấy Hữu sà đến đám con gái Kiwi nói chuyện rôm rả, chị Ngọc bảo:

- Thằng em này tính tình được lắm. Nó học rất giỏi tuy học sớm một tuổi. Ông Michelin, Giám Đốc External Aid Division cưng nó lắm, cứ sợ nó nổi điên vì chỉ có biết học.

Qua chị, chúng tôi biết Hữu qua trước nhóm tôi bốn năm, đang học Engineering ở Auckland. Hè năm ngoái, Hữu không về thăm nhà như mọi người cùng nhóm mà làm phụ tá nghiên cứu cho Giáo Sư Woodward. Nhìn  Hữu đang nói chuyện thân mật với một gia đình Tân Tây Lan tôi làu bàu trong miệng “- Học sớm một năm đâu chỉ có mình anh. Cả anh Hoàng và tôi đều đi học trước tuổi.”

Tôi cũng muốn lại gần góp chuyện và nhất là xem mặt cô đầm rất xinh đứng cạnh Hữu, nhưng ngại ngùng vì cái vốn nghe và nói tiếng Anh còn bập bẹ sau chỉ một tháng học cấp tốc.

Cái hình ảnh cuối cùng của đêm văn nghệ mà tôi nhớ mãi là khi cùng chúng bạn ra về, tôi thấy Hữu đang ngồi trên một chiếc mô tô kềnh càng, đạp máy nỗ vang. Cô gái hồi nãy nhanh nhẹn bước quàng lên yên sau. Hữu rú mạnh ga cho xe vọt đi, cô gái phải vội vàng vòng tay ôm Hữu, cái váy đầm Tartan tung lên để lộ cặp đùi trắng muốt. Cô gái nữa như muốn đưa tay giử chiếc váy xuống, nhưng rồi nhún vai ôm chặt Hữu và họ biến mất trong bóng đêm cuối đồi. Trong lòng tôi thấy một cảm giác kỳ lạ. Con gái Việt Nam thấy cảnh tượng này ra làm sao ấy! Con gái phải ngồi khép hai chân một bên, nhất là khi mặc váy đầm! 

*** 

Bẵng gần bốn tháng sau tôi mới gặp lại Hữu. 

Sau mấy tháng sống với cái lạnh của Chrischurch, thiếu nắng và quen uống sữa tươi, tôi mất dần làn da bánh mật của miền biển. Cũng không còn cặp kính to tướng vành đen nhờ đeo “contact lens”. Tôi cũng mất hết những nét tomboy của đứa con gái theo anh thám hiểm các đảo thuở nào. Sau khi nhận mấy tấm ảnh chụp với các bạn ở Hagley Park trước ngày tựu trường đầu tiên, Ba tôi viết “Con càng ngày càng giống Mẹ của con.” Người ít nói và ít lời với con cái, nhưng tôi âm thầm kiêu hãnh vì Mẹ tôi nổi tiếng một thời là Hoa Khôi của đất Thần Kinh. Ba tôi còn báo tin đã liên lạc được với cô Huyền sau nhiều năm bặt tin. Cô tôi được học bỗng đi học ở Mỹ từ hồi trước khi gia đình tôi vào Nha Trang.  Nay mới biết Cô đã lập gia đình với một người Mỹ, đang ở New Jersey và có hai con trai. Ba tôi từng bảo hai anh em như nước với lữa, Ba tôi mê say văn hóa Pháp bao nhiêu thì cô Huyền lại mê say văn hóa Anh Mỹ như thế, anh em thường tranh luận cãi vã đến độ giận nhau.
 
Nhân tuần nghỉ lễ Phục Sinh, cô Liz, Student Officer của chúng tôi và trước đây từng coi sóc Hữu và các anh chị ở Auckland, tổ chức một chuyến đi cho nhóm chúng tôi tám người quanh South Island. Cô thuê hai chiếc xe, nhờ Hữu lái một chiếc. Cô nói nhỏ với chúng tôi “- Hữu rất tháo vác và ông Michelin dặn chị kéo Hữu đi cùng, đừng để cho Hữu học suốt năm.”

Hữu đã mất cái vẻ ngang tàng của đêm nào rú xe mô tô ầm ĩ. Tôi cũng được các đàn anh cho biết gia đình Sharon, cô gái Hữu chở hôm đó, đã nhận Hữu làm con nuôi từ khi Hữu ở với gia đình họ lúc mới đến Wellington. Chiếc Harley Davidson là của cha Sharon. Xưa nay tôi sống khép kín với cha và anh, không một thân thích ở Nha Trang nên nghe chuyện cha mẹ nuôi xa lạ như chuyện cỗ tích đời Hùng Vương!

Hữu có một giọng nói ấm áp thanh lịch của người Hà Nội xưa. Hữu nói chuyện đon đả với mọi người, có dịp là Hữu huyên thiên kể chuyện đùa đã mất công góp nhặt suốt bốn năm trời. Bọn tôi dần dần mất vẻ e dè với người đàn anh. Đến Dunedin đón thêm hai bạn Minh và Quang nhập vào nhóm chúng tôi. Dunedin rất đẹp và cổ kính nhưng Minh và Quang thì cứ chê dài, bảo đó là Scotland thứ hai, thời tiết mây mù lạnh lẻo rất hợp cho những người nghiên cứu hay văn-thi-sĩ không cần hoạt động ngoài trời. 

Cô Liz bảo chúng tôi “- Gần Christchurch có vùng Akaroa rất đẹp còn giử nhiều nét đặc thù của người Pháp đến đấy cách đây gần 130 năm, nhưng không tiện đường của chúng ta. Các bạn, nhất là những người học trường Pháp, có dịp nên đến thăm”. 

Thật vậy chương trình đi chín ngày đã kín mít. Dọc đường ai cũng trầm trồ ngắm nhìn cảnh sắc thần tiên, đẹp yên bình như tranh vẻ. Hồ Tekapo nước màu ngọc có ngôi nhà thờ nhỏ đứng chênh vênh bên hồ, gần đó lưa thưa những ngọn lau. Chúng tôi thi nhau chụp hình, đến độ cô Liz phải dặn dò để dành phim vì còn nhiều cảnh đẹp khác. Tôi nhớ mãi cảnh Hữu đứng cạnh nhà thờ, mắt nhìn xa xăm buồn hiu hắt không còn vẻ láu lỉnh, nhưng chỉ thoáng qua rồi Hữu lấy lại vẻ đùa nghịch “- Có ai cần vòng ngọc thạch không, tôi xuống múc lên cho?”

Đoàn chúng tôi tiếp tục lăn bánh lên vùng Mount Cook. Tuy chiều cao thua xa Mount Everest, nhưng vùng xung quanh núi rất thấp so với nó nên Mount Cook trông rất hùng vĩ, nổi bật trên nền trời xanh trong vắt.  Rồi ghé ở Queenstown thơ mộng, Liz bảo chúng tôi nên đến thăm Queenstown vào cuối mùa thu hay mùa đông mới thấy hết vẻ đẹp của nó nhưng phải có xe thật tốt mới đi lên được những con đường phủ đầy tuyết. Chúng tôi vòng xuống Invercagil lạnh lùng, đã có tuyết rơi đầu mùa như chào mừng chúng tôi.  Đứng trên đồi vọng cảnh nhìn xuống trời nước mênh mông, một bên là Tasman Sea, một bên là Thái Bình Dương, bạn Quang buột miệng: 

“Ai xui tôi đến chốn này, 
Bên kia không óc, bên này không tim.” 

Tụi tôi ngơ ngác, không biết anh muốn ví von Úc và Tân Tây Lan hay sao. Quang chống chế:

- Tớ hay nghe bố tớ ngâm nga. Nghe nói ông cụ làm hai câu này khi vượt cầu Hiền Lương hồi năm tư.
 
Bạn Minh chen vào “- Lúc đó cậu mới hai, ba tuổi mà sao nhớ dai vậy?” Mọi người cười ồ lên, khen Quang có trí nhớ rất siêu phàm.

Chúng tôi tạt qua thăm Milford Sound. Khi xuống đường đèo quanh co, mấy chị em tôi ngồi đằng sau cứ níu lấy nhau nhìn con đường dốc như dựng đứng. Cuối cùng mọi người thở phào, cảnh Milford Sound với ngọn núi trông như con sư tử đang chồm tới hiện ra. Mặt nước yên tỉnh như một tấm gương phản chiếu cảnh núi rừng làm cho ai cũng nức lòng mở cửa xe xông ra. Hữu yêu cầu mọi người chụp hình chung, rồi Liz chụp cho chín đứa chúng tôi. Hữu cứ xuýt xoa: 

- Sao mà South Island đẹp thế! Cả cảnh lẩn người, tưởng như chốn đào nguyên. Biết vậy thì hồi xưa tôi đã xuống Canterbury học rồi. 

Hai bạn Võ và Mạnh chẳng nể nang đàn anh nói oang oang:

- Quá muộn rồi anh Hai ơi. Chúng tôi rào dậu hết rồi.

- Anh nhảy cao lắm, vượt rào dể dàng.

Minh và Quang cũng không kém:

- Sang năm hai đứa này đã đổi lên Christchurch, đem theo hàng rào chống B40.

- Cái điệu này chắc anh phải đi tìm Mao Toại tiên sinh để học nghề mất!

Quang đốp chát ngay:

- Trước đó anh phải chế được cái máy vượt thời gian “Back To The Future” đã.

Hữu dơ tay lên trời :

- Xin đầu hàng.

Tụi tôi nhao nhao: “- Mao Toại tiên sinh là ai vậy các anh?”

Quang vừa giải thích vừa cười tinh nghịch:

- Mao Toại là ông Tổ bốn mươi đời trước của Mao Xếnh Xáng.

Hữu vừa lắc đầu vừa nói: “- Ông cha ta tài thật, đã tiên đoán hết những chuyện ngày hôm nay.”

 Quang ngạc nhiên:

- Thật vậy sao?

- Em không biết ông cha ta có câu “Hậu sinh khả ố” à!

Hữu nói xong bỏ chạy, đám đàn em đuổi theo cười nói ồn ào như vỡ chợ. 
 
Liz rất vui thấy bọn con trai chơi đùa với nhau. Cô bảo nếu ai có dịp thì đi bộ dọc Milford Track, cảnh còn đẹp hơn. Nhưng phải ghi tên và trả tiền ít nhất trước sáu tháng. Chúng tôi nghe vậy đều lè lưởi. Chắc không bao giờ đến phiên mình. Cuộc sống ở Việt Nam chỉ biết từng hơi thở. Một viên đạn lạc, một mãnh rocket rơi là đi đời.  Làm sao tính trước cả nữa năm!

Các anh cứ đòi đi xem đập thủy điện Manapouri, nhưng Liz bảo phải lo đến Wanaka để hôm sau đi sớm vượt đèo qua vùng biển phía Tây. Mấy ngày đầu chúng tôi toàn ghé tiệm ăn, ai cũng bắt đấu ngấy các món ăn lập đi lập lại. Liz rất khéo tổ chức, đã thuê sẵn một nhà rất rộng rãi, phòng ăn có cửa kính rất lớn nhìn ra hồ Wanaka. Mỗi người nữ được một phòng riêng, còn các anh ngủ trên sofa trong phòng khách. Bù lại bốn chị em chúng tôi cùng nhau nấu một bữa cơm ngon lành. Liz cũng rất thích thú với các món ăn Việt Nam cải biến vì thiếu gia vị. Vừa ngồi ăn vừa ngắm hồ Wanaka trải rộng trước mặt, nhũng ngọn núi xung quanh hồ đã phủ tuyết trắng trên đỉnh như những cảnh núi rừngThụy Sĩ. Chúng tôi đi nghỉ sớm, nhưng đến khuya mới ngủ được vì các anh nói chuyện rì rầm ngoài phòng khách, thỉnh thoảng lại nghe tiếng cười rúc rích. Đúng là các anh vẫn còn tính trẻ nít. 

Khi xe qua Haast Pass, trời bắt đầu mưa nặng hạt, ngọn đèo mờ ảo sau màn mưa, những ngọn thác rơi từ trên núi cao như hàng trăm dãi lụa trắng treo lưng chừng trời. Vùng West Coast vẫn nổi tiếng mưa nhiều, gấp đôi xứ Huế quê tôi, nhưng khi đến vùng băng hà Fox và St Joseph thì trời nắng ráo. Tôi trầm trồ nhìn con sông băng màu xanh biếc cách đường cái không bao xa. Hồi xưa lúc học trung học tôi không tưởng tượng nỗi bài học về chuyện đóng cọc để đo vận tốc băng hà, tôi cứ thắc mắc tại sao băng hà trôi chậm thế. Anh Minh lại triết lý:

- Tớ thấy băng hà nhìn xa thì đẹp, lại gần nhiều nơi đen sì trông gớm quá. 

Rồi anh quay qua bọn con gái: 

- Các cô có nghe câu “Tình yêu nhìn xa như viên kim cương, đến gần lại hóa ra giọt nước mắt” chưa? Tôi thì thấy nên đổi lại thành “Tình yêu như dãi băng hà. Xa trông xanh biếc, đến gần hóa đen”.

Tụi tôi lao xao phản đối:

- Ừ! Nhớ nhe! Nay mai thấy anh đi với ai bọn này sẽ ca hoài câu này cho anh biết! 

*** 

Mới đó mà đã gần một tuần. Chúng tôi thấy thân nhau như anh em. Tôi nhận ra một điều rất trân quý là xưa nay những người từng học ở New Zealand trước sau vẫn coi nhau như anh chị em một nhà. Buổi sáng vượt đèo Arthur’s Pass, trời mù mịt, sương dày đến độ như mưa rơi, nhìn trước không thấy rỏ quá mười mét. Hữu và Liz phải bật đèn sương mù và lái xe rất chậm. Chúng tôi chăm chăm nhìn phía trước không còn nói chuyện râm ran. Tuy không dài hơn đèo Hải Vân nhiều nhưng đỉnh đèo cao gấp đôi lại thêm sương mù nên mất cả buổi sáng chúng tôi mới qua được.   Đồng bằng Canterbury trải rộng trước mặt, trời trong và nắng ấm, khác hẳn miền Tây. Cô Liz đã báo trước tối nay sẽ ở trong rừng, ngủ trong những lều gỗ thô sơ, không có nước máy, không có lò sưởi điện hay ga. Nhũng lều này của hội Tramping Club cho Liz mượn. Xe băng qua những rừng cây phong rồi dừng trước hai căn nhà gổ thô sơ. Trong lúc chúng tôi đem xách tay và túi ngủ vào hai căn lều, Liz nhanh nhẹn nhóm lửa, các anh đi xách nước ở suối về đổ vào các thùng chứa. Hữu bửa củi thật nhiều để bù vào số củi chúng tôi dùng. Lò sưởi kiểu xưa vừa là bếp vừa dùng nấu nước nóng để tắm rửa. Chị em tôi thay nhau đi tắm trước rồi ra chuẩn bị buổi cơm tối. Cảnh bếp lửa thật ấm cúng như cảnh làng quê Việt Nam, chỉ khác là các nồi được treo trên miệng lò sưởi và có thể quay quanh cho tiện để vào nấu và lấy xuống. Buổi ăn đạm bạc nhưng ai cũng thấy ngon miệng. Lần đầu tiên trong đời chúng tôi sống như những người tiên phong đi dựng nước. Ai cũng cám ơn Liz và Hữu. Hữu hóm hĩnh trả lời “No dare”. Cô Liz cũng cười như hiểu Hữu muốn nói gì vì chắc đã từng nghe anh chàng này ba hoa nhiều lần rồi. Tôi kín đáo nhìn Hữu qua ánh lửa bập bùng thì thấy giữa những tràng cười và câu chuyện hóm hỉnh, vẫn thoáng những nét buồn u uất tưởng chừng không tài nào xóa được mà tôi từng thấy trên khuôn mặt của Ba tôi.

*** 

Sáng hôm sau chúng tôi dậy sớm để Liz dẩn chúng tôi dạo rừng. Chúng tôi chạy tung tăng giữa rừng phong bạc ngàn, những cây phong thon mãnh rì rào trong gió lạnh. Liz chỉ cho chị em chúng tôi nhung sợi tơ mãnh mai trên thân cây và bảo chúng tôi nếm những giọt nước đọng ở cuối. Một vị ngọt ngào thanh thoát thấm vào cổ họng. Thế là chúng tôi reo hò đi hết từ cây này qua cây khác như những con chim hút mật. Tôi đang nhón chân, ngữa cổ, nhắm mắt tận hưởng giọt mật ngọt tưởng chừng mình đang ở trong wonderland như Alice, khi mở mắt ra đã thấy Hữu đứng gần nhìn tôi chăm chú, nữa như ngưỡng mộ, nữa như chế diễu. Tôi thấy hỗ thẹn như đang ăn chùng bị bắt gặp, vội vùng chạy ra xa.

Tiếng hát của Hữu đuổi theo “Sáng tinh mơ anh run mà chợt ấm. Bởi vì em uống mật ngọt rùng phong.”

Rồi Hữu gọi to lên: “- Này Minh và Quang, các chú có thấy Mount Cook xa xa không kìa?”

Hai anh Minh, Quang và cả chúng tôi chạy lại “- Đâu, đâu?”

Hữu chỉ một đỉnh cao nhất trong rặng Southern Alps. Ai cũng gật gù “- Trông đẹp quá!”

Hữu tiếp:

- Nhìn cho kỹ, ngay trên đỉnh cao gần 4000m, có thấy gì không? 

Chúng tôi nhao nhao “- Phải tuyết không anh?”

- Tuyết thì nói làm gì! Dãy Southern Alps này có giống muỗi rất độc, ai bị nó chích là da dẻ sẽ nhăn nheo như bà già không thuốc nào chửa được. 

Chị em tôi giật mình nhìn quanh coi có con muỗi nào lảng vảng không. Hữu cười cười, liến thoắng một tràng dài:

- Điều đặc biệt là giống muỗi này ban ngày ngủ ngay trên đỉnh Mount Cook để luyện công. Ban đêm mới xuống núi hành đạo. Đó, các em thấy chưa, có con muỗi gảy một chân đang cà nhắc đi qua đi lại.

Ai cũng ừ ừ rướng mắt tìm con muỗi.

Tôi chen vào:

- Anh xạo quá, muỗi bay chứ làm gì có muỗi đi, mà xa cả trăm cây số làm sao anh thấy được! 
Mọi người tỉnh ngộ đấm lưng Hữu thùm thụp. Hữu phá lên cười chạy trốn.

Tôi đi với Liz sau cùng để cám ơn Liz đã sắp xếp cho chúng tôi sống với cảnh thiên nhiên. Đằng trước có con suối nhỏ với một cây gổ dài bắt ngang. Suối tuy cạn nhưng nước suối lạnh buốt. Hữu nhanh nhẹn qua trước rồi đứng vững trên bờ chìa tay giúp đàn em vượt qua. Tôi thấy ngại ngần, Liz qua rồi mà tôi vẫn dùng dằng chưa dám bước lên thanh gổ đầy rêu. Mọi người reo hò khuyến khích tôi. Tôi ngại ngùng bước lên người tròng trành như muốn té.

Hữu đi ra giữa cây cầu đưa tay cho tôi nắm. Vừa chạm vào bàn tay Hữu tôi thấy cả người nóng rang lên như bị một hỏa diệm sơn thiêu đốt. Tôi vội giật bàn tay lại nhưng Hữu nắm chặt quá nên cả hai đều trượt chân xuống suối. Trong tiếng cười vang của mọi người, tôi và Hữu bước vội lên bờ. Liz hỏi tôi có cần về thay giày tất không thì cô đưa theo đường tắt về lều. Tôi lắc đầu và vội vàng chạy tung tăng về phía trước, cố dấu một cảm giac kỳ lạ, toàn thân nóng ran như được sưởi ấm bằng một nguồn yêu thương ngọt ngào vô tận. 

Thế rồi chúng tôi chia tay. Ngày ra phi trường Harewood tiển Liz và Hữu, chúng tôi rối rít cám ơn hai người. Cô Liz hóm hỉnh đáp “- Chị phải cám ơn các em mới đúng, đã giúp chị hoàn thành nhiệm vụ khó khăn do ông Michelin giao phó. Mission Accomplished.” Hữu thì cứ “- No star” luôn miệng với đám đàn em.

Hữu về Auckland học tiếp chương trình Master còn tôi bắt đầu dùi mài học thực sự, dầu đã chọn một môn là Pháp Văn. 

*** 

Không ngờ trong tuần Capping Week, trong lúc cầm lon đi quyên tiền giúp từ thiện cho Tổng Hội Sinh Viên Canterbury, tôi thấy Hữu trong đoàn floats đang diễn hành. Hữu dẫn đầu xe hoa của nhóm sinh viên chống chiến tranh Việt Nam. Hữu mặc một bộ jean mỏng manh, vừa run rẩy vì không quen với cái lạnh của Christchurch, vừa ôm đàn cùng các bạn Kiwi hát vang bài “Give peace a chance”. Tôi ngạc nhiên tự hỏi sao Hữu không ở Auckland lảnh bằng mà xuống đây nhập bọn với nhóm sinh viên khuynh tả, mà tại sao họ để Hữu nhập bọn?

Đến chiều, sau khi nộp tiền quyên được tôi đi bộ về nhà trên đường Armagh, không xa trung tâm thành phố bao nhiêu. Nhìn lá vàng rơi đầy lối đi và nghe âm vang bài Thu Quyến Rủ mà lòng xao xuyến. Ước gì mình có một tà áo xanh! 

Vừa đến cửa thì bà Jane, bà chủ nhà tôi ở trọ bảo có bạn đến thăm rồi bà vào phòng khách trò chuyện. Tôi rất ngỡ ngàng, tự hỏi ai đến thăm mình đây vào một ngày băng giá như hôm nay?  Vừa vào phòng khách tôi thấy Hữu ngồi nói chuyện với bà Jane rất vui nhộn. Hữu đứng lên ngỏ ý muốn mời tôi đi ăn tối. Tôi ngần ngại xin lổi Hữu vào phòng cởi bỏ cái áo duffle coat nặng nề. Tôi chạy vội vào các phòng ngủ nhìn qua các cửa sổ tìm xem có chiếc mô tô nào đậu gần nhà không? Không đời nào tôi lại chịu ngồi trên chiếc mô tô như Sharon.

Khi biết chắc không có chiếc mô tô nào tôi mới chạy vào phòng tôi, thoa nhẹ một lớp phấn hồng và tô một lớp son mỏng lên môi rồi mới bước ra phòng khách. Chắc tôi vụng về lắm vì đó là lần đầu tiên trong đời tôi dùng phấn son. Chúng tôi nói chuyện với Jane một hồi rồi xin phép đi ra phố. Bà Jane bảo người Auckland không biết cái lạnh của Christchurch, rồi ân cần lấy áo choàng của chồng cho Hữu mượn và dặn nhỏ tôi vào khoác cái áo choàng đẹp nhất và đưa cái khăn choàng sinh viên Canterbury cho Hữu mượn. 

Dọc đường, tôi hỏi Hữu sao không ở trên Auckland lảnh bằng. Hữu bảo vì sợ mặc áo thụng trông giống phù thủy nên đã xin lảnh bằng khiếm diện. Thật là một ý nghĩ ngược đời, vì sinh viên nào cũng trông cho đến ngày quan trọng đó để mời bạn bè thân nhân đi dự và chụp hình kỷ niệm. 

Chúng tôi chọn tiệm Mandarin, hầu như đó là tiệm Tàu duy nhất ở trung tâm Christchurch, không ngon như các tiệm ở Sàì Gòn nhưng được ăn các món Á Đông cũng là niềm vui của các sinh viên Việt Nam. Đa số các gia đình Kiwi ăn uống nhạt nhẽo. New Zealand là chốn thần tiên nhưng những món ăn, ngay ở các nhà hàng, là niềm lo sợ ám ảnh chúng tôi. 

Tôi hỏi thăm Sharon hồi này ra sao? Hữu kể vì Hữu không còn cha mẹ nên gia đình Sharon nhận làm con nuôi từ lúc mới qua. Hữu được xem như con cả. Sharon là em út, năm nay mới mười sáu tuổi. Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh Sharon ôm chặt Hữu vào đêm đó và không mấy hảo cảm với chuyện anh em nuôi.

Hữu hỏi về quê tôi, anh rất ngạc nhiên nghe tôi nói gia đình tôi gốc ở Thanh Hóa, theo Chúa Nguyễn vào Nam cả gần 450 năm trước, đi khắp nơi từ Quảng Bình đến miền Tây rồi về Huế mới được ba  đời. Gia đình tôi chỉ mới vào Nha Trang cách đây có 13 năm. 

- Thảo nào, giọng của Hạnh có âm hưởng của Huế. Chắc Hạnh không ngờ Bà Cố của tôi là người Huế, nguyên là cung nữ thời vua Tự Đức. Hồi đó sau nhiều năm đất nước mất mùa đói kém, quần thần khuyên Vua giảm bớt số cung tần. Thế là Ông Cố đang làm quan tại triều được Vua ban thưởng một cung nữ. Khi cáo quan Ông Bà trở về quê ở Phú Thọ, đến đời Bố tôi lại ra Hà Nội lập nghiệp. Có thể chúng ta là bà con cũng nên.

Tôi thấy phì cười cách nhận vơ bà con của Hữu. Tôi nhớ nhất ánh mắt cảm thông của Hữu khi tôi kể chuyện Mẹ tôi qua đời khi tôi chỉ mới năm tuổi. 

Tôi ngờ nghệch hỏi tại sao anh ta biết chổ ở của tôi. 

- Tối hôm qua anh bay xuống gần nữa đêm, đến nhà Huy ngủ và xin hết địa chỉ, số phone của nhóm Hạnh. Huy là bạn học hồi họcở Jean Jacques Rousseau. 

Hèn gì! Anh Huy là đàn anh của tôi ở College Francais de Nha Trang, mãi đến năm cuối anh đổi vào học ở Sài Gòn rồi đi New Zealand. Anh Huy thuê nhà ngay gần trường đại học ở Ilam. 

Hữu lại ví von “- Tìm em như thể tìm chim. Chim ăn trên phố đi tìm Ai Lâm”.

Tôi lại ngốc nghếch hỏi: “- Thế anh đã đi thăm ai rồi?”

- Lần này quá gấp nên anh chỉ thăm một mình Hạnh.

Tôi vội cúi xuống dấu đôi má đang hồng lên. May thay cô hầu bàn đã đem lại hai dĩa thức ăn. Lâu lắm mới ăn đồ ăn Á Đông nên chúng tôi ăn thật tình. 

Vừa ăn tôi vừa hú hồn, suýt chút nữa tôi đã ngu ngốc hỏi “- Tại sao anh chỉ thăm một mình Hạnh?”  Tôi kể cho Hữu về gia đình tôi ở trọ, tôi may mắn vì bà Jane vốn gốc Pháp nên nấu nhiều món rất ngon và còn dạy cho tôi nấu nướng. Hữu nói gia đình Sharon rất tốt nhưng chỉ biết luộc hay nướng thịt chấm với tiêu muối. Khi nào có dịp về Wellington, Hữu đều thăm và ở vớí gia đình McGrath.

Hữu tiếp:

- Từ khi đi thăm rừng phong ở Arthur’s Pass, anh chỉ muốn xuống thăm Christchurch mỗi khi có ngày nghỉ thôi.

Rồi Hữu đổi qua chuyện học, kể cho tôi nghe về đề tài nghiên cứu mà Hữu bỏ cả cơ hội về thăm Việt Nam trong ba tháng hè, say mê theo đuổi thí nghiệm và nay đã có nhiều kết quả hay. Bỗng nhiên Hữu xem đồng hồ và la lên: “- Ấy chết rồi! Sắp đến giờ lên máy bay.”  Tôi vội vàng nhờ nhà hàng gọi taxi trong lúc Hữu trả tiền. Tôi bảo “- Chúng ta cứ ra thẳng phi trường.”

Đến Harewood, Hữu chạy vội vào lo thủ tục. Tôi trả tiền và dặn tài xế chờ tôi, rồi chạy theo vào, chỉ kịp nhận áo và khăn choàng Hữu đưa. Hữu cầm tay tôi nói “- Anh thích tính quả quyết và nhanh nhẹn của Hạnh. August holiday anh xuống thăm hết mọi người.” rồi chạy biến vào cửa ra phi cơ. Trên chiếc taxi về nhà, cả người tôi vẫn còn dư âm hai bàn tay nóng hỗi của Hữu, buồn vui lẫn lộn và cứ e ngại có người quen nào thấy tôi đi tiển Hữu.

*** 

Đúng như đã hẹn, mới đầu August holiday đã thấy Hữu xuống thăm. Hữu mời anh Huy và hết thảy nhóm chúng tôi đi thăm Hagley Park. Hữu xuýt xoa khen những thảm hoa daffodil và jonquil trải khắp công viên, chúng tôi chụp hình dưới những cây magnolia đang khoe sắc trong nắng ấm. Ai cũng hớn hở đi dọc giòng sông Avon thơ mộng, chạy vòng vo theo những hàng anh đào nở rộ. Tôi nghĩ xứ mình mãi chịu chiến tranh, mấy khi thấy cảnh vật đẹp đẻ hiền hòa như thế này. Bạn Lệ dã từng lên Đà Lạt bảo vườn của nhà Bà Nhu không đẹp bằng những vườn của các nhà ở Fendalton nữa, nói chi so với công viên!

Hữu mời hết mọi người ăn trưa ở tiệm Mandarin. Tôi cố tình ngồi xa Hữu, anh vui vẻ nói chuyện với mọi người, nhắc nhở những kỷ niệm đẹp chuyến đi với Liz. Đàn em lại cám ơn rối rít và hẹn gặp lại những kỳ nghỉ sắp đến.   Tuy gọi là August holiday nhưng những sinh viên  undergraduates như tôi dùng dịp này để học bài chuẩn bị cho nhiều tests và kỳ thi sắp đến. Hữu hiểu điều này và xin một lịch những ngày tôi không bận học để mời đi choi. Những ngày khác Hữu đi thăm rất nhiều bạn học hay vào thư viện ở Ilam để tra cứu sách báo. Anh mượn chiếc Volkswagen của anh Huy đưa tôi thăm những cảnh đẹp quanh vùng. Tôi thầm cám ơn anh Huy. Hữu rất tế nhị và biết anh Huy là người kín đáo.

Hôm đi Kaikoura, chúng tôi rời Christchurch thật sớm vì đường xa. Hữu hỏi tôi có biết vùng này có nhều cá heo và vài con cá voi loại cá nhà táng, sperm whale. Chúng thường trú ở vùng biển Kaikoura và đố tôi vì sao như vậy. Tôi đành chịu không biết. 

- Vì nước vùng biển này rất sạch và có nhều phù phiêu sinh vật.

- Phù phiêu sinh vật! Em mới nghe lần đầu. Phù phiêu sinh vật là gì vậy anh?

- Tiếng Anh là phytoplankton, những sinh vật nhỏ, rất nhỏ trôi nổi trong nước, kể cả nước biển, làm thức ăn cho các con cá khác trong chu trình chất đạm.

- Sao anh biết nhiều vậy!

-  Chỉ tại cái tính tò mò và cái miệng hay hỏi. Anh có mấy người bạn Maori biết rất rỏ vùng này.
Hữu chạy xe lên Point Kean, ngọn đồi chạy dài ra biển và chỉ cho tôi bầy cá heo hàng trăm con đang bơi lội, thỉnh thoảng một con phóng lên quay lộn nhiều vòng rơi xuống làm nước bắn tung toé, mỗi con mỗi kiểu, trông như một bầy trẻ con đang đùa dởn.

- Trông ngộ quá anh ha! Chúng như tụi mình trong rừng phong vậy. Nhưng sao không thấy con cá voi nào hết.

- Mấy con cá voi chỉ trồi lên thở vài chục phút rồi lặn xuống tìm mồi nên khó thấy. Mà chúng ở xa bờ quá mình không thấy được.

- Có xa bằng mấy con muỗi trên Mount Cook không?

Tôi nhắc lại chuyện củ. Hữu phá lên cười:

- Hồi đó Hạnh làm anh bễ dĩa. Hạnh phải đền cho anh đó nghe!

- Được rồi, để em đền cho. Mà anh nhớ phải nghe lời em nghe. 

- Nhất định rồi.

- Anh xoay người nhìn vào trong núi. Nhắm mắt lại nha! Được rồi, ngữa cổ lên. Mà anh cao hơn em nhiều quá. Em phải đi tìm một tảng đá để đứng lên. Anh đếm năm, mười, mười lăm  cho đến một trăm  rồi mới được mở mắt nghe. Bắt đầu!

Hữu đếm năm, mười, mười lăm chậm rãi, rồi hai mươi, hăm lăm rất nhanh, rồi đếm tiếp khi nhanh, khi chậm, khi rất nhanh.

“- Đồ ăn gian!” Tôi nghĩ thầm và vội chạy lại đứng lên một tảng đá cao.

Hữu kêu ầm lên:

- Chín mươi. Sắp mở mắt được chưa?

- Sắp được rồi, anh đếm tiếp đi.

Hữu nhanh như chớp, “- Chín lăm một trăm.” Rồi mở mắt nhìn quanh, có vẻ thất vọng. Tôi bỗng la lên:

- Kia kìa, có con cá voi đang trồi lên kìa!

Hữu nhìn theo tay tôi chỉ nhưng chẳng thấy gì cả. Tôi nói líu lo một hơi dài:

- Anh không thấy cái vòi nước nó thở sao? Nhỏ nhí kìa. Mà con này có luyện Cửu Dương Thần Công hay sao mà thở được vòi nước nhỏ như sợi tóc vậy.  Kìa, nhiều sợi tóc nữa. Mà sao nó giỏi quá anh há. Nó biết đánh mấy sợi thành chân rít rất dài, ở cuối dùng một vòng nước cột lại như cái đuôi sam của người Mãn Châu.

Hữu ừ ừ như đồng tình:

- Ừ! Nó giỏi ghê!

 Tôi phá lên cười ngặt nghẽo:

- Đó, em đền cho anh rồi đó!

Hữu chợt hiểu, cúi người chào rất kiểu cách:

- Chu cô nương cũng biết xạo tài ghê.

*** 

Huu biết tính tôi hay thẹn nên ngày nào không gặp thì đến gần 11 giờ đêm, khi các bạn của tôi đã về nhà và thư viện sắp đóng cửa, Hữu mới lại đón đưa tôi về, không quên dúi vào tay tôi một hộp hamburger nóng hỗi vừa mua ở tiệm di động đằng sau Christchurch Cathedral, trước toà nhà của tờ báo The Press. Ít người biết burger tiệm này rất ngon, vì tiệm này chỉ bắt đầu bán từ chiều tối.

Một ngày khác anh đưa tôi đi thăm Akaroa. Đúng như lời Liz nói, có thể tìm nhiều nét Pháp ở cái cảng nhỏ bé và thơ mộng này. Sau một đoạn đường dài vừa quanh co vừa dốc, chúng tôi xuống xe đi quanh vùng, dọc theo những con đường mang tên tiếng Pháp. Các tiệm bán hàng nhỏ nhắn xinh xinh. Ngồi trong quán ăn nhìn ra vịnh bao bọc bởi núi đồi, tôi tưởng như đang đi du lịch bên Pháp. Người hầu bàn rất ngạc nhiên khi chúng tôi nhờ anh ta giới thiệu các món ăn bằng tiếng Pháp, Hữu hỏi rất kỷ có thịt heo trong mỗi món ăn hay không. 

Tôi tò mò hỏi: 

- Bọn em thấy rất lạ là anh không bao giờ nhúng đũa vào món nào có thịt heo. Có phải anh theo đạo Hồi không?”

Hữu cười sặc sụa rồi đổi nét mặt nghiêm nghị nói:

- Hồi nhỏ anh được một con heo mẹ nuôi với bầy con nên anh không nỡ nào ăn thịt heo.

Tôi ngớ mặt ra, chờ đợi.

- Điều này anh chỉ nói cho Hạnh biết thôi.  Anh nghĩ anh sẽ không nói cho ai khác.     

“Theo lời người Dì của Hữu kể, khi Hữu sinh ra được hơn một tháng thì cả gia đình tản cư về quê ở Phú Thọ. Ngày đó lính Pháp vào làng, lùng sục bắt hết đàn ông, đốt nhà, hãm hiếp phụ nữ. Mẹ Hữu chỉ kịp đặt Hữu vào chuồng heo sau nhà thì một tên lính Pháp đã ào đến túm bà, giật áo quần định hãm hiếp. Mẹ Hữu chống cự quyết liệt, nó tức quá rút lưởi lê đâm chết bà rồi bỏ đi. Chiều tối dân làng trốn trong rừng bắt đầu mò về làng thấy Mẹ Hữu nằm chết, còn Hữu nằm ngủ ngon lành cạnh bầy heo con. Dì  Liên kể trước ngày đó Dì từ Hà Nội tất tả chạy về báo tin lính Pháp sắp tràn lên Phú Thọ và bảo mọi người chạy trốn vào rừng. Dì vừa nói vừa lau nước mắt:

- Bà Nội của con không chịu trốn, bảo rằng Ông Nội con làm quan với Pháp được tặng huân chương. Bà lại rất giỏi tiếng Pháp. Bà có thể giải thích cho lính Pháp biết gia đình Bà trung thành với Pháp. Rồi Bà thay áo mệnh phụ đeo huân chương ngồi chờ lính Pháp đến. Ba Mẹ con đành phải ở lại với Bà. Nào ngờ tên lính Pháp vừa vào cửa đã bắn Bà chết tươi và bắt Ba con đi ngay, chắc sau đó tụi Pháp tra khảo lấy tin tức rồi bắn chết ông dọc đường. Khi lính Pháp rút đi hết, Dì trở lại thấy Bà nằm chết bên cạnh ống nhỗ bằng đồng mà chắc tên lính Pháp tưởng là bom tự chế, máu loang khô phủ đầy cả cái huân chương. Mẹ con bị đâm chết sau nhà còn con thì nằm cạnh bầy heo con. Dì đoán là con heo mẹ đã che con lại nên tên lính Pháp không thấy nên con mới thoát chết.”

Tôi hối hận đã khơi lại cái ngày khũng khiếp ấy. Thật không ngờ cái độc ác của chiến tranh hủy hoại gia đình của người đàn anh đang ngồi ngay trước mặt tôi. Chiến tranh vẫn gây ra những thảm cảnh tàn khốc cho những người dân vô tội. Trước đây sống ở Nha Trang luôn bình yên, ngay cả trong những ngày Tết Mậu Thân. Tôi có nghe cha tôi nói có người em họ dạy Toán nổi tiếng ở trường Quốc Học bị lính Bắc Việt bắt đi, sau cả ba tháng mới tìm được thi thể bị chôn trong mồ tập thể ở làng Phú Hồ. Những người bạn học ở College quê Bình Định hay kể chuyện lính Đại Hàn cũng hay bắt bớ người vô tội hãm hiếp phụ nữ. Nha Trang như một thành phố nhỏ, biệt lập, xa vời với nhũng đau thương do chiến tranh gây ra.

Hữu lấy lại bình tỉnh kể tiếp:

- Từ đó anh sống với Dì Liên và Dượng Phan rồi gia đình đổi vào Sài Gòn từ 1949. Bây giờ Dượng Phan là công chức cao cấp ở Bộ Xã Hội. Ông được xem là người hiếm hoi làm việc giỏi và thanh liêm, rất có uy tín với người Mỹ. Còn Dì Liên nỗi tiếng là mệnh phụ phu nhân của Sài Gòn. Thế mà Dì cứ nói nếu Dì đứng bên cạnh Mẹ anh thì không ai buồn nhìn đến Dì cả.

- Mấy nhỏ bạn em ở Sài Gòn có nghe tiếng Bà Liên với Ông Phan. Không ngờ đó là gia đình anh. 

Tôi nghĩ mình mất mẹ từ nhỏ nhưng được người cha hết lòng thương yêu săn sóc. Tôi còn may mắn hơn Hữu nhiều, không biết được tình thương yêu và ngay cả mặt mủi của song thân.  Mắt tôi rươm rướm theo Hữu. Tôi bỗng nắm chặt hai bàn tay Hữu, bàn tay nóng rực đã từng làm tôi hoãng sợ, như muốn nói rằng từ đây anh còn có em bên cạnh.

August holiday qua rất nhanh và tôi lại đưa Hữu ra phi trường. Hữu ân cần mời tôi lên thăm Auckland vào hè sắp tới.     

- Để em dành dụm tiền mua vé máy bay đã nghe.

Buột miệng xong tôi mới thấy mình vô duyên. Ba tôi mà nghe được chắc tôi bị đánh đòn. Nhưng quả thật, từ khi qua New Zealand tôi không nghĩ đến chuyện để dành. Hồi ở Nha Trang trời ấm và ít mưa, ngày nào tôi cũng tham gia hoạt động ngoài trời. Nhưng vì chưa quen cái lạnh của Christchurch, tôi chỉ ru rú trong nhà. Anh Huy mới rủ tôi gia nhập Fencing Club để vận động bù lại những giờ chúi mủi vào sách vở. Tôi thấy môn này cũng hay hay, nhất là mỗi khi mủi kiếm tôi chạm vào ngươi anh Huy và Thầy dạy hô “Touché” Tôi lại nghe anh Huy kêu:

- Cái con bé này ghê thật, chắc nó là con cháu của Chu Chỉ Nhược. 

Vệc học đánh kiếm lại dẫn đến mê say phim tập truyền hình “The Avengers” và giọng nói của Emma Peel. Thế là tôi ghi tên lớp học tu luyện giọng Oxford. Những chuyện này làm cho tôi không để dành được đồng nào! Tôi tự an ủi, nay mai mình làm cô giáo dạy Anh văn, phải có accent thật quý phái, học trò Việt Nam mới nể.

*** 

Năm học vừa xong, tôi đi làm ở Bưu Điện để kiếm một ít tiền. Hữu lại đang viết luận án sắp xong, rất bận rôn, nên tôi đợi ra Tết Tây mới lên Auckland.  Tôi thầm phục Hữu làm luận án  rất nhanh, chỉ mất một năm thay vì hai năm như đa số mọi người. Đó là nhờ thời gian Hữu làm phụ tá nghiên cứu, nên quen với đề tài và những kỷ năng cần thiết. Tôi cũng đậu hết các môn học với hạng khá, chỉ môn Pháp Văn được hạng giỏi.

Mùa hè ở Auckland thật dể chịu. Trời nắng ấm nhưng không nóng như Sài Gòn. Đường Queen St đông đúc náo nhiệt làm tôi thấy quen thân như quê nhà. Nhưng người đi bộ vẫn giử bên trái của vỉa hè, nên trật tự ngăn nắp hơn.  Dân Auckland có vẻ khỏe mạnh và cởi mở. Tôi có thể đem những trang phục thời ở Nha Trang cả hơn năm nay nằm yên trong tủ ra mặc.

Hữu cũng gầy đi nhiều sau mấy tháng thức khuya. Hữu kể chuyện:

- Khi anh nộp luận án, Giáo Sư Woodward nói đùa “- Anh phải hứa với tôi không vào trường trong vòng một tháng, để cho tôi nghỉ ngơi nữa chứ.” Rồi ông nghiêm nghị nói tiếp:

- Tôi vừa nghĩ lại, để chắc ăn, anh đưa chìa khóa phòng thí nghiệm Twiggy cho tôi, bù lại tôi đưa chìa khóa chiếc xe Austin Mini cho anh. Ngày mai tôi về Anh hơn một tháng, nhưng tôi sẽ giao luận án của anh tận tay và nhắc nhở hai giáo sư làm giám khảo chấm ngay, OK! Ngày mai cứ đến nhà tôi lái xe đi. 

Anh đồng ý cả hai tay và thế là chúng ta có xe rong chơi một tháng rồi đó. 

Nhà Giáo Sư Woodward nằm trên đường Shelley Beach, nhìn ra cây cầu bắt qua hải cảng Auckland, trời nước trong xanh thật đẹp với hàng nghìn thuyền buồm đang neo đậu. Cảnh hải cảng thật thoáng khác với Lyttelton hay Akaroa quanh co với núi đồi xung quanh. Nhiều nhà ở Auckland nhìn ra vịnh hay biển rất đẹp, nhưng đi lại phức tạp hơn Christchurch nhiều. Tôi lẩn thẩn nghĩ phải chăng vì vậy mà các anh chị ở Auckland ít gặp nhau, không như chúng tôi ở Christchurch, kết đoàn chặt chẻ, bao bọc chỉ vẻ lẫn nhau. 

Hữu đưa tôi lên thăm đồi One Tree Hill, nhìn xung quanh thành phố trải rộng thật đẹp, nhưng cây thông đứng trơ trọi một mình rất tội nghiệp. 

Hữu đố tôi:

- Đố Hạnh biết kiếp trước cây này là ai? 

Thật là một câu hỏi kỳ lạ và cắc cớ. Tôi đành chịu. 

- Ai vậy anh?

- Kiếp trước nó là Ông Nguyễn Công Trứ.

- Sao anh biết?

- Vì câu thơ của Ông 

“Kiếp sau xin chớ làm người. 
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”.

- Anh đoán mò giỏi thật. Sao Ông không ở Đà Lạt mà lại phải qua đây?

- Vì Ông biết có “fan” của Ông ở đây. Đối với anh, Ông là người anh hùng sống trọn vẹn nhất.

- Sao anh thích đọc thơ và nói chuyện bằng thơ của người khác vậy? Coi chừng thành ông thơ thẩn đa nghe.

- Chà, tại sao hã? Tụi học trường Pháp như em và anh mỗi tuần chỉ có vài giờ tiếng Việt, nhưng anh rất mê môn này, nên đọc thêm sách vở. Cũng có thể vì anh không muốn để cho nhũng người học trường Việt chê mình là đồ lai căng. Anh sợ làm người Việt lai căng còn hơn làm Trần Ích Tắc hay Lê Chiêu Thống. Dì Liên lại hay đọc thơ cho anh nghe hồi còn nhỏ. Bên ngoại anh là họ Trịnh, con cháu của chúa Trịnh, nên cũng giử được nếp nhà.

Rồi Hữu nhìn sâu vào mắt tôi:

“ Anh không ngại làm người thơ thẩn,

Chỉ sợ suốt đời thẫn thờ, thờ thẫn, 

Vì ai!”

Tôi đành nguýt dài chịu thua cái anh chàng láu lĩnh này.

*** 

Chúng tôi vòng lên phía Bắc của Auckland thăm cây kauri ở Waipoua cả mấy ngàn năm tuổi, đường kính gần cả sáu mét, được gọi là chúa tể rừng xanh. Nhưng tôi thích nhất là nhũng đồi chim gannet ở Muriwai, chim gannet có sải cánh cả hai mét, chúng bay qua Úc, rồi có con trở về sau vài năm, một đoạn đường dài cả ba nghìn cây số. Những con chim con quạt cánh tập bay trông thật tội nghiệp. Tôi nghĩ đến các anh chị đã về Việt Nam, mong cho họ khỏi có ngày phải tất tả trở về New Zealand như những con gannet. Cả hàng ngàn con kêu vang những tiếng “U ra u ra” hay “U a U a”, như đang nói chuyện hay tranh luận. Ai cũng ngắm nhìn say mê như bị chúng thôi miên. Hữu nói nhỏ bên tai tôi:

- Em xem! Trên mõm đất gần mình, hàng trăm con chim ồn ào không kém gì đám sinh viên tụi mình.
Anh rất hâm mộ cái cặp gannet đang lượn trên cao kia, hầu như không mất sức đập cánh, thật khỏe khoắn.

- A, đó là vì chúng biết nương theo các dòng nhiệt lưu.

- Sao em biết giỏi vậy.

- Em hay chơi thả diều với anh Hoàng trên các bờ biển quanh Nha Trang.

- Cặp gannet trên cao giống như anh Vương và chị Thanh đó. Họ đang sống hạnh phúc ở Sài Gòn.
Anh chị Thanh-Vương rất được đám đàn em ở Wellington và Christchurch yêu mến, ngay cả Hữu ở Auckland cũng biết.

- Anh có thấy con chim con lông đen thùi thui đang đập cánh loạn xạ để tập bay không?

- Ừ! Thấy nó tội nghiệp ghê!

- Nó là em đó. Sắp vào học năm thứ hai.

 - Anh không thích mấy con đen ngòm đó, để dành cho các cô cậu mới sang và bắt đầu học Anh Văn. Không, em là con chim non đằng kia kìa, đã mọc lông trắng đang đứng bên ngoài rướng người sắp bay. Bên cạnh là anh đang khuyến khích em. Ráng lên, ráng lên em, để hai đứa mình cùng bay, bay xa hơn về Việt Nam.

Rồi cả hai đứa cùng cười, như sực tỉnh giấc mộng làm chim.

Trên đường về nhà, Hữu ghé Queen St tìm mua cho tôi một con gannet nhồi bông, nhưng tìm chẳng có con nào. Hũu sáng mắt lên khi thấy một chú gấu Koala mũm mĩm. Tôi nhõng nhẻo:

- Em không chịu đâu! Con này lông màu trắng môi hồng, đâu giống con thật.

- Anh thích tặng em con này, rồi khi nào ghé Úc anh tìm mua con lông xám môi đen nữa nghe.

- Nhớ nghe, anh nhớ nha. Đừng có ngâm câu “Lời khi mười hẹn, chín thường đơn sai”.

Hữu tròn xoe mắt:

- Em cũng thích  Chinh Phụ Ngâm?

- Chiến tranh gây bao đau khổ cho phụ nữ, nhưng ít người nói đến. Vì thế em rất biết ơn Bà Đoàn Thị Điểm đã dịch rất xuất thần. Nhưng đó chỉ mới là nổi buồn của một vị phu nhân của một vị tướng trẻ. Ba em nói với tụi em có nuôi dạy tụi em ông mới biết công lao vô biên của người mẹ, con người phải mất ít nhất mười bảy mười tám năm mới tạm gọi trưởng thành, không như các giống vật như con gà con vịt chỉ một giờ sau khi nở đã tự kiếm ăn! Những người mẹ mang nặng đẻ đau, bao nhiêu công khó nuôi nấng để có ngày ôm xác con! Em chưa thấy ai nói lên nỗi tuyệt vọng của người mẹ, hay nỗi khổ đau của vô số trẻ mồ côi. Chắc trước khi đi du học anh cũng chứng kiến biết bao đám tang của hàng xóm láng giềng bị chết vì bom đạn. Em thấy tội nghiệp cho dân mình quá!

Lần này thì Hữu thẫn thờ thật như người mất hồn.

*** 

Hôm nay trời rất ấm, Hữu rủ tôi lên thăm bán đảo Whangaparoa và tắm biển. Vùng này như một con cá voi vươn mình ra biển cả, nhà nào cũng nhìn được biển cả hai phía thật thoáng mát, Red Beach lại có giống hến vỏ màu đỏ làm cho bải biển có màu hồng xinh xắn. Bải biển Orewa dài cả ba cây số thừa chổ cho những người ham tắm biển từ Auckland lên. Thật là một nơi nghỉ mát tuyệt vời với khu phố đầy đủ tiện nghi nằm sát biển. Nước biển lại ấm hơn ở Brighton Beach nhiều.

Đang nằm cạnh nhau tắm nắng trước khi xuống nước, Hữu bỗng úp bàn tay lên bàn tay tôi, bàn tay Hữu còn nóng hơn lớp cát cháy bỏng. Tôi lấy bàn tay còn lại úp chặt lên bàn tay Hữu rồi xoay mặt lại, nhìn sâu vào mắt Hữu như muốn nói “Em sẽ mãi ấp ủ hình ảnh của anh trong trái tim em”. Hữu lại đặt bàn tay kia lên tay tôi như thầm nói “Anh sẽ bao bọc che chở em suốt đời”. Cả hai lặng người một hồi, rồi Hữu hôn nhẹ lên môi tôi. Nụ hôn đầu đời như một giòng điện làm người tôi run rẫy. Tôi thẹn thùng, vội vùng chạy xuống nước, chàng chạy ào nhanh xuống trước đón tôi đang lao mình vào cơn sóng ập vào. 

Mấy tuần tiếp theo tôi và chàng như một cặp uyên ương rong ruỗi khắp nơi. Xuống Nam qua vùng Coromandel, tạt xuống Tauranga, vùng ngập nắng nhất của New  Zealand, bải biển cát vàng dài hun hút. Tôi sống lại những ngày thuở Nha Trang, ngày nào cũng đùa dỡn với sóng nước. Thật không uổng công giử gìn những bộ áo tắm mang theo từ Việt Nam. 

*** 

Tôi kể cho chàng nghe về gia đình tôi. 

“Ba tôi dạy sinh ngữ ở trường Võ Tánh. Anh Hoàng hơn tôi một tuổi, tính tình sôi nổi. Anh vào Sài Gòn học Luật và hay tham gia những cuộc biểu tình của sinh viên ở Sài Gòn, có hôm bị lựu đạn cay chảy nước mắt nước mũi, ho mửa tức cả ngực.                                                                                       

Một hôm về thăm nhà anh đem theo tờ báo Newsweek viết về vụ thảm sát Mỹ Lai, anh rất tức giận lính Mỹ giết thường dân, hơn bốn trăm mạng người già, phụ nữ, trẻ em. Nhiều phụ nữ bị hãm hiếp, thân thể bị đâm chém một cách man rợ. 

Ba tôi bảo tôi dịch hết bài báo cho ông nghe. Mặt ông tối sầm xuống. Ông bảo:

- Làm sao mà có thể ngẫng cao đầu để nói “Chính nghĩa quốc gia”. Thế là xong!

Trầm ngâm một hồi, ông tiếp:

- Phải khâm phục những sĩ quan Mỹ có lương tâm và can đãm tố cáo vụ này. Hồi xưa lính Pháp còn tàn ác dã man hơn trăm lần, nhưng chỉ có dân mình biết. Bây giờ còn dấu ai được nữa.  Xã hội nào, số người xấu ác tuy không bao nhiêu, nhưng gặp dịp là gây biết bao tội ác. Chiến tranh là dịp tốt cho họ tung hoành. Nhưng đáng sợ hơn là nhiều người vỗ tay hùa theo. Suy cho cùng, cũng không cần phải có chiến tranh, chỉ cần có một chiêu bài để biện minh cho con quỷ trong người là họ ra tay thõa thích. 

Giọng ông trở nên nghiêm nghị hơn:

-  Hồi các con còn nhỏ, ở những vùng Việt Minh kiểm soát dấy lên phong trào cải cách ruộng đất và đấu tố. Vụ bà Cát Hanh Long bị xử bắn ai cũng biết.  Năm 1954, ngay ở huyện Phong Điền, quê nhà mình chỉ cách Huế bốn mươi cây số, cán bộ  Việt Minh tuyên truyền rộng rải để “nhân dân học tập” vụ đấu tố Bà Cát Hanh Long. Ba chỉ biết vụ Cụ Đặng văn Hướng, Thượng Thư hai triều của vua Bảo Đại và chính phủ Trần Trọng Kim, Cụ là cha của Bà Phan Huy Quát và là bạn đồng song với Ông Nội các con. Cụ Hướng ủng hộ Việt Minh trong Cách Mạng tháng 8-1945 và giử chức Bộ Trưởng trong chính phủ Hồ Chí Minh. Gia đình đóng góp tiền bạc công sức không biết bao nhiêu mà kể. Thế mà gia đình họ bị đưa ra đấu tố ở Hà Tỉnh. Biết bao nhiêu gia đình bị bức tử như gia đình Cụ. Người nào may mắn thì được xử bắn. Nếu có “nợ máu với nhân dân” sâu đậm thì bị chôn sống. 
Anh Hoàng không đồng tình:

- Con có biết sơ qua phim “Chúng Tôi Muốn Sống”. Báo chí cũng hay đăng vụ “Nhân Văn Giai Phẩm” nữa, nhưng con nghĩ đó là tuyên truyền của miền Nam trong cuộc tranh quyền thống trị đất nước. Làm gì có chuyện đối xử thậm tệ với những người đã từng ủng hộ mình hết lòng.

- Ba cũng mong mọi chuyện xãy ra như con nói. Nhưng họ học tập theo Trung Cọng. Mao Trạch Đông có một luận điểm nổi tiếng là khi Cách Mạng sắp thành công, kẻ địch sẻ chui vào và luồn sâu trong hàng ngũ cách mạng để phá hoại. Càng đóng góp ủng hộ nhiều thì lại càng bị buộc tội có nhiều dã tâm phá hoại thành quả cách mạng.  Phong trào đấu tố lan nhanh từ ngoài Bắc vào miền Trung. Chỉ sau một năm đã xuống tận Thừa Thiên. Cán bộ Việt Minh theo chính sách Tam Cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nông dân, bám sát nông dân rỉ tai tỉ tê  để họ tố cáo các “tội ác”, nhiều khi được phóng đại, vu cáo, thêu dệt, của giới địa chủ. Khi đã chín muồi, họ lập Tòa Án Nhân Dân buộc tội, xử án nhưng nạn nhân không được nói một lời. Quê nhà mình, chỉ cách Quốc Lộ 1 một cây số, bắt đầu lên danh sách địa chủ. Bà Thất, em gái Bà Ngoại các con, có con trai là Tiểu Đoàn Trưởng bộ đội chính quy Việt Minh, chỉ vì có hai mẫu ruộng cho thuê sắp bị đấu tố. May mà ký Hiệp Định Geneve và lực lượng Việt Minh tập kết ra Bắc nên Bà mới thoát chết. 

Anh Hoàng lặng người đi không nói, vì biết Ba tôi luôn nói thật.

Tôi thì không thích triết lý sâu xa, con gái ít quan tâm đến thời thế phức tạp, nhưng tôi thấy đa số nạn nhân của các biến cố vẫn là phụ nữ. Tôi chen vào:

- Con có nghe bạn bè nói lính Đại Hàn gây nhiều vụ man rợ còn hơn Mỹ Lai, nhưng không ai tố cáo. Ba à! Ba đừng giao du với họ nữa.

Từ khi vào Nha Trang, Ba tôi dạy cả Pháp Văn và Anh Văn nhưng ông nói tiếng Anh mang nặng accent tiếng Pháp nên có cơ hội là ông nói chuyện với người nói tiếng Anh để học hỏi.”

Nghe xong, chàng buồn rầu nói: 

- Tuy gia đình em mỗi người một ý nhưng anh muốn được vậy cũng đành chịu, không có cha mẹ hay anh chị em để cải cọ. Dì Liên thì kể biết bao nhiêu nhà có người Nam kẻ Bắc, vì lý tưởng cũng có, vì bị kẹt hay có người di cư không kịp cũng có.

Hữu tiếp: “- Mấy năm trước, mỗi đêm Việt Nam chiếm hơn nữa thời gian tin tức trên TV Tân Tây Lan. Bọn anh thì thấy ghê sợ chiến tranh, nhưng chẳng dám suy nghĩ nhiều.  Từ khi Hạnh qua là bớt nhiều tin về Việt Nam rồi đó. 

Ông Michelin cũng linh cảm được gánh nặng đè lên tâm tư đám sinh viên Việt Nam. Khi anh học xong BE, ông mời vào văn phòng nói chuyện và khuyên nhủ: “- Cháu là nhân tài mà bất cứ một nước bình thường nào cũng mong có được. Nhưng nước cháu đang có chiến tranh, chưa phải là lúc bình thường. Cháu cần phải học và hành cho đến nơi đến chốn, không phải chỉ ngành chuyên môn mà cả những lảnh vực hỗ trợ. Cháu đừng chê New Zealand là nước nhỏ. Nó thừa hưởng văn hóa của người Anh và tinh hoa của Châu Âu. Chắc cháu đã biết New Zealand đi tiên phong trong nhiều lảnh vực về tổ chức cơ cấu xã hội và chính quyền. Nhưng chắc cháu và các bạn không biết nhiều nước và công ty lớn thử nghiệm đường lối cải cách về kinh tế và xã hội một cách thầm lặng ở  thị trường New Zealand, rồi hoàn thiện xong mới đem áp dụng ở qui mô lớn hơn. Nên cháu cứ yên tâm ở New Zealand càng lâu càng tốt.

Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã qua đời, Chủ Tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ sống thêm sáu năm sau đó. Điều đó nói lên điều gì? Rồi chiến tranh sẽ chấm dứt, có thể một bên sẽ thắng, sẽ có trả thù, nhiều người bị tù, ngay cả mất mạng. Nhưng rồi thù hận sẽ qua đi và đến lúc bắt tay vào xây dựng lại đất nước hoang tàn và rồi phát triển. Bác mong cháu và các bạn có thể đóng góp vào lúc đó. Nếu Bác chứng kiến được ngày đó thì Bác rất mãn nguyện. Nhưng cần nhất là các cháu phải sống, sống khỏe mạnh, cả thể chất lẩn tâm tư tình cảm. Quan trọng nhất là đừng để những con lốc của thời cuộc nhận chìm vào những hố sâu không có lối thoát ra.”

Anh nghe thì cũng dạ dạ cho qua chứ mình chỉ lo chuyện học không cũng đã mệt rồi, những chuyện mà mình không có quyền quyết định thì phải chịu thôi.

Tôi cũng nghĩ như chàng. Vả lại những cặp gannet đang yêu nhau đâu có nói chuyện với nhau kiểu này. Tôi nói qua chuyện khác:
 
- Em thường ước mong có em gái để tâm sự. Mà anh có thấy tính em như con trai không?

- Tính em thẳng thắn nhanh nhẹn, có lẻ Ba em là người rất cởi mở thoải mái thân thiện với các con. Ai mà nói em tomboy là phải bước qua xác anh!  Anh thì thích sau này có nhiều con cho chúng chơi với nhau. Dì Liên cũng chỉ có hai đứa, mà mấy đứa em cũng thua tuổi anh nhiều nên hồi nhỏ anh phải thui thủi một mình.

Chàng tiếp:

- Anh mong sớm gặp Ba em và anh Hoàng. Em có muốn gặp Dì và Dượng anh không?
Toi thẹn thùng gật đầu.

*** 

Đến Napier tắm biển thật thích thú vì nước biển trong veo. Bải biển toàn những  hòn sỏi màu đen nhánh, tròn trịa sau cả hằng ngàn năm cọ xát. Thay vì những hột cát là những hòn cuội nhỏ nhí bằng hạt cườm, cũng màu đen nhánh. Bức tượng nàng tiên cá bằng đồng đen như hòa mình với bải biển. Thành phố không còn dấu vết của trận động đất kinh hoàng bốn mươi năm trước. 

Nhưng khi vòng lên Rotorua chúng tôi như lạc vào một thế giới khác. Người Maori khắp nơi, mùi lưu huỳnh xông vào mũi, những suối phun nước nóng đập vào mắt, những hố bùn phun lịch phịch rất ngộ nghĩnh. Chúng tôi đi thăm làng Te Wairoa bị núi lửa chôn vùi gần 90 năm trước. Nhiều di tích vẫn còn được giữ lại. 

Chàng trầm ngâm:

- Em có thấy nước mình trải qua biết bao thãm họa, nhưng chẳng giử lại di tích nào cả, cứ tiếp tục sống. Nếu không “move on” thì làm sao đương đầu với những thử thách mới. Nếu cứ đau buồn với chuyện đã qua thì có ngày bị diệt vong.

- Em thấy lạ tại sao dân Kiwi cử hành Gallipoli Day rất trọng thể trong khi đó là ngày họ bị thất trận, bị quân Thỗ Nhỉ Kỳ giết rất nhiều. Còn dân mình thì cứ cử hành những chiến thắng thôi. Bà Jane bảo họ học được biết bao nhiêu bài học đáng giá từ sự thua trận.

- Mình phải phục những người không che dấu thất bại và luôn nhắc nhở con cháu những bài học mà ông cha phải trả giá rất cao.

*** 

Khi trở lại Auckland, chàng nhận được thư của Giáo Sư Woodward báo tin hai giám khảo xếp luận án của chàng vào hạng “Distinction” và khuyến cáo tiếp tục làm PhD. Ông bảo chàng chỉ mất thêm hai năm nữa là xong PhD.

Tối hôm đó chúng tôi ăn mừng ở một nhà hàng nhỏ trên đường Karangahape. Chàng bảo:

- Nếu anh học tiếp thì em có xin đổi lên học trên này không?

- Hay anh xin làm PhD ở Canterbury?
 
- Sao cũng được miễn sao chúng ta không xa nhau. Em cũng nên học thêm một năm Honours, để làm quen với chuyện nghiên cứu. Kinh nghiệm anh thấy undergraduates chỉ học kiến thức cổ điển, có làm nghiên cứu và viết lận án mới nâng trình độ học thuật lên được.

Chúng tôi bàn định về tương lai. Hè sang năm sẽ cùng về nước thăm, nhưng tôi sẽ về Nha Trang ngay. Sau đó Hữu sẽ ra thăm và ra mắt Ba tôi và anh Hoàng. Chàng thấy sao mà lũng cũng quá, nhưng tôi nghiêm mặt bảo lể nghĩa không cho phép người con gái thăm gia đình người con trai nếu chưa được phép cha mẹ.
 
- Vậy em sẽ cùng anh vào Sài Gòn thăm Dì và Dượng anh chứ?

- Còn tùy vào lời phê chuẩn của Ba em và cả anh Hoàng.

Chàng vò đầu vò tai, than thở, rồi lém lĩnh bảo: 

- Anh thấy sợ lể nghĩa. Em thương anh thì chúng mình làm lể hỏi và lể cưới một lần nhé.

Tôi dọa:

- Em nghe gia đình nhà gái người Bắc hay thách cưới lắm. Anh đã chuẩn bị chưa? Anh nhớ là tổ tiên em là người Thanh Hóa, gần Hà Nội hơn Sài Gòn đó nghe.

 Tôi nhắc nhở chàng từ đây phải bắt đầu tiết kiệm vì mỗi khi về nước phải ở riêng, không thể nhờ vả bên ngoại mãi.

- Em cũng sợ làm dâu. Dì Dượng thương anh, nhưng dầu sao em cũng sợ. 

Chàng mừng quá, nói không kịp thở:

- Vậy em đổi lên Auckland học và anh giao hết sổ băng cho em.

- Anh khôn quá!

*** 

Chúng tôi xuống Wellington gặp External Aid Division. Ông Michelin khen ngợi Hữu hết mức nhưng ông rất e dè:

- Khi cháu đậu BE với First Class Honours, Bác đã khuyên cháu học thẳng PhD mà cháu không nghe lời. Bây giờ phải xin với chính phủ Việt Nam lại, họ quyết định thế nào thì ngoài quyền của Bác.
Tôi an ủi chàng: “- Nếu không được chấp thuận thì anh xin thực tập, chờ em cùng về thăm nhà, mình đi Nha Trang thăm Ba em.”

Chúng tôi ghé thăm chị Ngọc. Vừa thấy Hữu, chị la liền “- Sao cả hơn năm nay không thấy em ghé thăm chị. Nói vậy chứ chị biết em bận học ghê gớm.”

Thấy tôi lấp ló sau lưng Hữu, chị mừng rở “- Mà sao có cả Hạnh ở đây?.”

Sau khi nghe lời giải thích ấp úng của tôi, chị nói ngay:
 
- Hai em giử bí mật giỏi thiệt, không nghe ai bàn tán gì cả.  Cám ơn hai em cho người chị này biết đầu tiên.

Xoay qua Hữu, chị tiếp:

- Chị nghe mọi người đồn em là lảnh tụ tụi sinh viên phản chiến ở Canterbury.
Hữu giật mình:

- Em chỉ hát với họ có một lần trong capping week. Em quen với mấy sinh viên này khi họ lên Auckland dự hội nghị về ngành Kỷ Sư. 

Chị Ngọc tỏ vẻ lo lắng:

- Ông Đình, Bí Thư tòa Đại Sứ vẫn hay khen em học giỏi và đem em ra làm gương cho các đàn em. Nhưng ông là công chức gương mẫu, rất “reglo”, không bao che cho em đâu. Chắc ông đã báo cáo tin này về Sài Gòn rồi.

Chị mắng tiếp “- Em là đàn anh, phải làm gương cho đàn em, làm việc gì cũng phải suy xét cẩn thận.”

Sau khi từ biệt chị Ngọc, tôi hỏi chàng sao năm ngoái không chịu học PhD. 

- Hồi đó anh muốn về nước sớm, ở đây nhiều lúc buồn như chấu cắn. Nếu biết có em thì anh đã ghi tên học PhD rồi.

- Anh xạo quá! Anh còn nhớ cách đây hơn mười bốn tháng, chị Ngọc giới thiệu bốn đứa bọn em với anh không?

- Ừ nhĩ! Anh quên mất.

Tôi chụm năm ngón tay lại túm tóc chàng:

- Hồi đó anh xem tụi em như không có mặt trên quả đất này.

Chàng kêu lên:

- Tại hạ biết lổi rồi, xin Chu cô nương tha tội, đừng thi triển Cửu Âm Bạch Cốt Trão. Tại hạ có mắt không tròng, không biết có ngọc trong bùn. Án Ma Ni Bát Mê Hồng.

Sáu chử này tôi đã được nghe khi đi theo Ba tôi thăm Sư Ông trên chùa Kim Sơn ở Nha Trang, một câu đại ý có ngọc trong hoa sen, nhưng Hữu nói trại ra. 

Hữu nói thêm “- Sao mà hồi đó anh vô tâm thế! Để anh suy nghĩ xem nào! A!  Anh biết rồi. Từ nhỏ, anh không biết mặt mũi Mẹ anh, chỉ nghe Dì Liên nói da Mẹ trắng hồng. Nên anh cứ đi tìm những nét thân quen theo óc tưởng tượng từ hồi trẻ thơ. Chắc vì vậy mà ai nước da không trắng là anh không nhìn nữa.”

Tôi vội buông tay hờn dỗi: “- Thế Sharon thì sao?”

- Nó là em anh mà.
 
Tôi chụm mấy ngón tay lại thành hình mỏ chim gannet, xĩa xĩa vào ngực chàng:

- Anh nhớ nghe, chim gannet chung thủy suốt đời đó. Anh mà lộn xộn em mổ cho chết luôn!

*** 

Chúng tôi đến thăm Ông Bà McGrath, bố mẹ nuôi của Hữu, nhà ở Wadestown, trên đồi giữa rừng cây rất yên tỉnh. Neil và Sharon mừng rỡ chạy ra tận cổng đón chúng tôi, rồi Neil nói chuyện huyên thiên với Hữu về xe hơi và máy móc. Neil sắp vào đại học và cũng chọn ngành kỹ sư. Sau buổi trà chiều, Sharon dẩn tôi đi khắp vườn. Có cả khu rừng cây phía sau nhà, tôi thấy thấp thoáng một nhà nhỏ bằng gổ xây lưng chừng thân cây để cho trẻ con chơi trò Cowboy-Indian. Sharon chỉ cho tôi những chổ Hữu và hai anh em Sharon vui đùa trong mùa hè, nhất là chơi trốn tìm. Sharon nhớ lại:

- Hè đó em mới mười hai tuổi, tính lại nghịch như con trai. Anh Hữu hơn Neil bốn tuổi mà tính như con nít, rất thích những trò nghịch ngợm của tụi em. Chắc vì anh không có anh em để đùa nghịch lúc nhỏ. Mẹ em thường nói đúng là ba đứa nghịch như tinh. 

Vừa lúc đó Neil chạy ra với khẩu súng nước, Hữu đuổi theo sau, áo quần ướtt sũng, tay cầm một chùm bong bóng đầy nước, cố ném vào người Neil. Sharon cũng la hét để tôi đứng một mình chạy ra nhập bọn rồi biến mất sau rặng cây. Tiếng la hét, cười đùa vang mãi. Tôi lắc đầu chịu thua.

Tôi vào bếp giúp bà Heather sửa soạn buổi ăn chiều. Bà nói nhỏ:

- Hữu nói rất nhiều về cháu. Tôi chưa bao giờ thấy Hữu vui vẻ như hôm nay. Gia đình chúng tôi cám ơn cháu. Hy vọng năm đến hai cháu cùng học môt trường.

Ông Bob xen vào:

- Hãng NAC và công ty điện thoại sẽ kiện bà vì bà xúi bậy đó nghe!

Neil cứ nằng nặc đòi Hữu ngủ phòng bên cạnh để nói chuyện. Sharon kéo tôi vào ngủ chung phòng. Sharon đã mười bảy tuổi nhưng chỉ ưa nói chuyện thể thao và đi du lịch, không để ý mấy chuyện thời trang, âm nhạc. Tóc Sharon màu hung đỏ, dài và bóng mượt nhưng để rối bời. Tôi chải tóc rồi đánh chân rít cho Sharon. Sharon trầm trồ:

- Chị thật tài, mất có vài phút mà làm em ra vẻ con gái hơn. Em biết anh Hữu thích vui đùa chỉ để che dấu nỗi buồn dai dẵng khôn nguôi. Gia đình em rất thương anh nhưng biết không thể nào xóa tan hết đám mây đen vần vũ quanh anh. Nhưng em tin chị sẽ là người tỏa sáng đời anh! 

 Bao nhiêu dằn vặt về Sharon tan biến ngay, tôi ôm và thì thầm vào tai Sharon “Em là cô em chồng rất dể thương của chị.” 

*** 

Rồi chàng và tôi tạm chia tay nhau. Tôi về Christchurch vừa kịp tựu trường.     
 
Đúng như chị Ngọc nói, không ai biết chuyện chúng tôi yêu nhau, nhưng bàn tán tin Hữu nay đã là lãnh tụ của Tổng Hội Sinh Viên Chống Chiến Tranh của toàn New Zealand. 

Chỉ trong vòng một tháng  từ khi ông Michelin gởi thư về việc Hữu đã đậu Master rất xuất sắc, xin học tiếp PhD, Chính phủ Việt Nam trả lời không đồng ý cho Hữu học tiếp và yêu cầu New Zealand gởi Hữu về để “phục vụ sự phát triển của đất nước đang rất cần các nhân tài”. 

Trong khi đó tin tức chiến sự Việt Nam dồn dập: Bắc Việt tấn công miền hỏa tuyến, Sư Đoàn 3 mới được thành lập bị đánh tan tành; quân đội Cọng Sản từ các mật khu an toàn ở Cambodia uy hiếp An Lộc. 

Cuối tháng 4-1972 chàng báo tin đã nhận vé về nước. Tôi chỉ kịp bay lên giúp chàng sắp xếp hành lý. Chàng  để lại các tập thơ Xuân Diệu, Nguyên Sa, Truyện Kiều, Chinh Phụ Ngâm và nhiều sách  về văn chương Việt Nam lại cho tôi. Chàng bảo khi nào buồn thì ngâm nga vài câu. 

Khi đưa chàng ra phi trường, hai cha con Sharon cũng bay lên từ Wellington đang chờ nói lời từ biệt.  Ông  McGrath ngao ngán nhìn tờ Laissez-Passer mỏng dính mà Tòa Đại Sứ cấp sau khi tịch thu passport của chàng.  Tôi nghẹn ngào nắm tay chàng, tay chàng lạnh giá. Chàng an ủi “Anh sẽ viết thư đều cho em” rồi đi vào cửa. Tôi khóc nức nỡ, bên tôi Sharon cũng thút thít bảo:

- Em nói điều này chị đừng giận em nha! Ba em có đề nghị để em và anh Hữu làm giấy hôn thú. Chỉ làm giấy tờ thôi để anh Hữu có thể ở lại. Nhưng anh chỉ siết chặt tay Ba em như muốn cám ơn rồi lắc đầu.

*** 

Chàng về đến Sài Gòn giữa lúc Quảng Trị thất thủ. Hình ảnh “mùa hè đỏ lửa” với “đại lộ kinh hoàng”, ác chiến ở An Lộc tràn ngập đài truyền hình. Chàng chưa kịp ra Nha Trang thăm Ba tôi, cũng chưa xin được việc thì đã nhận giấy nhập ngũ, đi trình diện ở Trung Tâm 3 rồi vào trường Bộ Binh Thủ Đức. Tôi tự an ủi mình rằng lúc chiến trận sôi động thì các trường huấn luyện quân sự là nơi an toàn nhất.

Tuần nào tôi cũng nhận thư Hữu gởi:

“Vào đây mới biết tiểu đoàn Sinh Viên Sĩ Quan (SVSQ) của anh khoảng một ngàn người thì hơn bốn trăm người có bằng đại học, đa số tốt nghiệp trong nước; người có bằng Master cũng gần sáu chục người, Tiến Sĩ từ Pháp, Mỹ, Canada, Úc cũng cả chục người. Các anh ở ngoại quốc về đều có nhiệm sở rồi nên sau ba tháng họ sẽ trở về đời sống dân sự, chỉ có anh sẽ đi lính mãi. Những người còn lại ít nhất cũng đậu Tú Tài Bán, đa số Tú Tài Toàn hay sinh viên đại học. Nhưng rồi trông ai cũng giống nhau, tóc hớt ngắn, mặc đồ lính màu lục. Sau vài tuần ai cũng đen như than. Ba tháng đầu là thời gian “huấn nhục”, huấn luyện dể trở thành một người lính. Chỉ cho hai phút để ăn cơm, vừa ăn xong là vai mang ba lô, tay ôm súng chạy ra bãi tập. Gần 12 giờ đêm  mới ngủ, bốn giờ sáng đã thức dậy. Tuân lệnh như một cái máy. Bọn anh, đúng là những “Ông Hy Văn tài bộ đã vào lồng!”
 
Những Sinh Viên Sĩ Quan cuả các khóa vào trước được gọi là Huynh Trưởng. Sau khi qua thời gian huấn nhục Sinh Viên Sĩ Quan được gắn lon Alpha và có quyền phạt đàn em ngay cả khi đàn em chẳng có lỗi gì cả, đa số hình phạt là hít đất 20 lần. Mục đích là làm cho sức chịu đựng cả thể xác lẫn tinh thần mạnh mẻ hơn. Để anh kể cho em một ví dụ: Trung đội anh đang ngủ say sau một ngày tập tành vất vã, lúc đó khoảng hai giờ sáng, thì một toán Huynh Trưởng chạy vào bật đèn lên sáng trưng và hô “Nghiêm!”. Ai không kịp vùng thức dậy đứng thẳng người liền bị phạt hít đất 20 cái. Xong, một huynh trưởng hỏi “- Các anh có nhớ nhà không?” Ai trả lời “Nhớ” bị chê là yếu đuối, bị phạt 20 cái hít đất.  Đợi đàn em vừa thi hành xong, một huynh trưởng khác hỏi “- Ai nhớ nhà?” Không có ai đưa tay. Tất cả trung đội bị phê bình làm người mà không có tình cảm. Thế là tất cả bị phạt hít đất 20 cái! 

Phải tập làm quen thi hành lệnh cấp trên dầu nó vô lý đến mức nào!  Đó là đời nhà binh. Các bạn ở New Zealand nghe chắc tức giận lắm nhưng bọn anh đều thấy sự cần thiết của huấn nhục và cười vui vẻ”.

Đúng là khác với cuộc sống êm đềm của chúng tôi. Trong những thư khác, chàng kể những giờ đổ mồ hôi tập Cơ Bản Thao Diễn ở Vũ Đình Trường; tập bò, trườn, nhảy, leo, v.v… của Đoạn Đường Chiến Binh; học lắp ráp súng, bắn đủ loại súng; đào giao thông hào, chà láng…  quần quật mỗi ngày hơn 12 tiếng. Được một điều là chủ nhật nào cũng được nghỉ ngơi và rảnh để viết thư.

Hữu được chọn làm Đại Đội Trưởng, coi sóc khoảng 200 SVSQ, hô nhịp một hai cho đại đội  đi cho đều, tập hát và bắt nhịp cho anh em hát những bài quân ca. Nhờ tài đàn hát, Hữu lại được giao lập ban nhạc tiểu đòan.

Tôi nhớ lại cùng thời gian này cách đây hơn một năm chàng và các bạn Kiwi hát vang bài nhạc của Beatles, giờ này chắc đang cùng đại đội hát bài “Lục Quân Việt Nam”! 

Tôi tự hỏi năm ngoái có phải vì chàng muốn xuống thăm tôi mà vui vẻ nhận lời bọn bạn Kiwi dẫn đầu xe hoa của nhóm sinh viên phản chiến để bây giờ phải mang họa? Thật xui xẻo cho chàng!
Trong một thư khác Hữu kể:

 “Làm Đại Đội Trưởng khổ lắm vì phải “tiên ưu hậu lạc”, hò hét đến khản cổ. Anh em được nghỉ đi Khu Gia Binh nghe nhạc, uống café thì mình phải lo giấy tờ, lảnh quân trang quân dụng cho cả 200 người mà chỉ có bốn người đại diện bốn trung đội giúp. Một hôm anh đi lảnh 200 lưởi lê cho súng M16. Lưởi lê Mỹ làm bằng thép hợp kim rất sắc bén. Có người kể chuyện xạo rằng nó bén đến độ nếu mình buông nhẹ một sợi tóc xuống trên lưởi lê, sợi tóc bị cắt làm đôi! Màu lưởi lê đen xạm trông rất lạnh lùng. Lắp lưởi lê vào súng mà đâm hổ, chắc hổ cũng chết! 

Anh và các bạn đang lúng túng không biết làm cách nào mang đống lưởi lê về trại. Anh bèn lấy tấm lều của anh gói hết vào rồi hai người xách về. Tuy chỉ đi một đoạn vài trăm mét, mà tấm lều bị lủng lỗ chỗ khắp nơi. Anh quên nói mỗi SVSQ được phát một tấm lều cá nhân để cắm trại.”
 
Hagley Park bắt đầu khoe  sắc muôn màu muôn vẻ, nhưng khi các bạn rủ đi chụp hình tôi không cầm nổi nước mắt. Mới một năm mà tưởng chừng như thiên thu. Tôi nhớ chuyện chàng kể mất Mẹ và Bà Nội và hai đứa đều rơm rớm nước mắt. Có lẻ tôi yêu chàng từ ngày đó, nhưng bây giờ chẳng được ở cạnh chàng để chia xẻ những nhọc nhằn. 

Ba tháng huấn nhục cũng qua nhanh. Tôi nhận ảnh chụp chàng được gắn Alpha mà không nhận ra, người gầy và đen hẳn, nhưng cặp mắt vẫn giử vẻ tinh anh lạc quan làm tôi yên lòng,

Trong thư tiếp Hữu viết: “Những người lính cũng trải qua ba tháng huấn luyện tương tự như bọn anh là xem như sẳn sàng để ra chiến trường. Bọn anh còn phải học tiếp sáu tháng nữa mới ra trường. Chỉ để làm Trung Đội Trưởng, chỉ huy khoảng năm mươi người mà mất gần một năm huấn luyện, vì trò chơi chiến tranh rất dể mất mạng.  Nhiều dồng đội của anh chờ ngày gắn Alpha để tha hồ bắt nạt và phạt các khóa đàn em. Có cả chục ngàn đàn em trong quân trường để huấn nhục! Thật ra chỉ những huynh trưởng lười đi học hoặc ngại ra bải tập mới thích đi huấn nhục đàn em. Họ có biết đâu rằng trốn học là chơi bạc không vốn một khi ra chiến trướng”. 

Chàng kể chuyện “Một khi gắn Alpha, ban đêm không ngủ trong trại mà ra gác tuyến, canh giử hàng rào quanh quân trường. Phải ngủ ngoài trời, nằm trên đất đá mà vẫn ngủ ngon! Ngán nhất là khi trời mưa, dựng lều lên nhưng tấm lều bị lũng hàng trăm chổ nên nước mưa nhễu vào, đành ngủ với áo quần ướt và nước mưa nhỏ trên mặt.”

Anh Hoàng cũng vừa mới vào trường Thủ Đức, anh kể chuyện ăn cơm chỉ có hai món đạm bạc, nhưng có hai thứ dồi dào: cơm rất ngon và nước tương làm bằng đường rang cháy rồi thêm muối và nước. Lương SVSQ chỉ đủ tiêu, thỉnh thoảng mới uống café và ăn phở! 

Ba tôi xưa nay rất cưng anh Hoàng nên thời anh còn là sinh viên Luật, mỗi tháng ông đều gởi tiền vào cho anh sống tiện nghi. Anh kể chuyện  hai anh em gặp nhau rất ngộ nghĩnh. Vừa vào Thủ Đức vài tuần, sau một ngày bị hành xác vừa mới được nghỉ ngơi thì anh thấy một huynh trưởng cao lớn đi vào văn phòng đại đội.  Anh và người bạn rủ nhau đi về khu Gia Binh uống café. Đang đi thì nghe tiếng đi rất hùng dũng phía sau. Rồi một tiếng hô “Nghiêm”! Anh và người bạn đứng lại thì huynh trưởng hồi nảy đã đến trước mặt. Hai người sợ xanh mặt, phen này chắc bị hít đất!

- Sao thấy huynh trưởng mà không chào? Huynh trưởng phạt đàn em có tuân lệnh không?

- Tuân lệnh!

- Nghỉ! Bây giờ huynh trưởng mời đi ăn phở uống café đàn em có tuân lệnh không?

Anh Hoàng đang lúng túng không biết trả lời sao thì nghe huynh trưởng xuống giọng: “- Em là Hữu đây. Hạnh mới gởi tên tiểu đoàn mà không có tên đại đội của anh nên em đi tìm cả buổi mới ra”.

Anh Hoàng viết tiếp “Thật là mừng húm! Vừa được đãi vừa có một huynh trưởng lớn tuổi hơn lại xưng em với mình thì thật là một khoái chí bất ngờ. Toàn là nhờ em gái của anh đó.”

Tôi cũng yên tâm phần nào và tự an ủi hai người có thể giúp nhau trong môi trường mới, mà chỉ vài tháng trước, không ai kể cả tôi có thể tưởng tượng nỗi. Tôi học xong năm thứ hai giữa lúc tình hình chiến sự rất căng thẳng. Thời gian huấn luyện bị kéo dài vì Hữu phải ra ứng chiến, canh gác ở Sài Gòn, thay cho các sư đoàn tinh nhuệ ra những chiến trường nóng bỏng, rồi tham gia các chiến dịch cắm cờ dành dân ở Miền Tây.

Hữu khuyên tôi sớm suy nghĩ về Minor Thesis cho năm Honours. Tôi chọn đề tài về “Thi cử để chọn nhân tài trong xã hội phong kiến Việt Nam”. Ba tôi cũng rất thích đề tài này. Ông tìm mua sách gởi cho tôi, nhưng các tiệm sách ở Nha Trang và ngay cả Sài Gòn chẳng có bao nhiêu. Dịp nào về Sài Gòn trong những ngày phép hay trong thời gian ứng chiến, chàng vào Thư Viện Quốc Gia tìm và sao chép tài liệu, có khi photocopy gởi qua cho tôi. Hữu còn gởi những bộ kiếm hiệp Kim Dung cho tôi và các bạn đọc “cho đở nhớ nhà”. Nhờ vậy năm thứ ba qua rất nhanh.

Anh Hoàng  cũng đã gắn Alpha và ra Sài Gòn ứng chiến, hay gặp Hữu nhưng rủ đi ăn phở hay dạo phố đều bị Hữu kiếm cớ từ chối. Anh than với tôi: “Ra Sài Gòn phở vừa ngon vừa muốn ăn khi nào cũng được mà Hữu cứ viện cớ bận tìm tài liệu cho em học. Hay là thằng em gởi thư và sách vở qua Tân Tây Lan hết cả lương tiền, không còn tiền đãi ông anh?” Có lẻ cả hai điều đều đúng vì tôi để ý nhiều gói sách do Dì Liên gởi cho tôi. 

Khi tôi sắp học xong năm thứ ba và có thể về thăm nhà thì Hữu ra trường Thủ Đức, gắn lon Chuẩn Úy và được chọn vào ngành Tâm Lý Chiến phục vụ ở Quân Đòan 2, nhờ vào tài đàn hát, hoạt kê của chàng. Chàng viết: “Các binh chủng chuyên môn như Công Binh, Quân Cụ, Truyền Tin, Anh Ngữ Quân Dội đều chê anh! Biết vậy anh đi học Quốc Gia Âm Nhạc “để đóng góp vào sự phát triển quốc gia rất cần nhân tài!”.” 

Tôi nhớ lại lời ông Michelin nói về những cơn lốc thời cuộc và linh cảm còn nhiều bất ngờ chờ đón chúng tôi.

*** 

Hữu được phái về đoàn văn nghệ Quân Đoàn đi đến các tiền dồn hay căn cứ đóng quân diển văn nghệ và ủy lạo chiến sĩ. Hữu viết cho tôi: “Bọn anh phải nay đây mai đó, giống như dân gypsies, vô gia cư, tiền lương không để dành được đồng nào. Buồn nhất là em về Sài Gòn hay Nha Trang mà anh không gặp được”. Tôi kể chuyện này cho Ba tôi. Ông bảo vậy là Hữu tằn tiện rất giỏi chứ anh Hoàng không đủ tiêu, Ba tôi phải gởi tiền hằng tháng như thời sinh viên. Ông cũng khuyên tôi đợi học xong năm Honours rồi về luôn. Thế là tôi không về thăm nhà như dự định, ở lại làm việc trong mùa hè và tự nhủ phải để dành để lập gia đìnhvì chàng hoàn toàn trông cậy vào tôi.

Sau nhiều tháng lưu diển, đoàn được về Pleiku để tập dượt chuẩn bị cho đợt tiếp theo.

Hữu kể: “Đi diễn vậy mà khỏi lo chuyện nhà ở. Về Pleiku anh bối rối lắm vì các người khác đã có gia đình hay nhà cửa, anh phải tạm trú một vài ngày với bạn rồi tìm chổ. Cái khó là nay mai lại đi, nên thuê nhà thì quá tốn kém”. Tôi thấy ái ngại cho chàng phải nay đây mai đó, ngay ở thành phố núi “trời thấp thật buồn”, còn tôi cứ ở mãi với gia đình Montfort. Ước gì
 
chàng và tôi sum họp dưới một mái nhà. Câu “Một mái nhà tranh, hai quả tim vàng” nghe như một sự lãng mạn đơn giản và hơi sến nữa nhưng đã quá xa tầm với của Hữu và tôi.

May thay khi năm học mới bắt đầu, chàng báo tin mừng được ở trọ nhà Chú Ngân, vị Thượng Sĩ già của đòan văn nghệ, Chú Ngân phụ trách hậu cần cho đoàn, từ chổ ở, ăn uống, nhạc cụ, máy móc của đoàn cho đến phương tiện di chuyển. Chú đi công tác ở Saì Gòn mua sắm cho đoàn khi Hữu vừa đến trình diện Quân Đoàn nên bây giờ chàng mới gặp. Chàng rất vui khi biết ông quê ở Diên Khánh, còn gọi là Nha Trang Thành, không xa Nha Trang bao nhiêu. Chàng viết: “- Anh xem Chú như láng giềng của em. Thím Ngân hay gởi đồ biển cho chồng. Chú và anh cùng lo việc bếp núc. Chú làm món “Bún lá, Cá, Sứa” ăn rất ngon miệng.  Từ khi quen em, anh thấy cái gì của miền Trung, nhất là Nha Trang dể thương ghê! Hôm nào em làm mấy món đặc sản của Nha Trang cho anh ăn nghe.”

Từ nhỏ tôi đã giúp Ba tôi mọi việc nhà nhưng chưa biết nấu món này tuy đó là món ăn rất bình dân của Nha Trang. Tôi cũng nguôi ngoai nỗi lo sợ vì ngành Tâm Lý Chiến tương đối ít nguy hiểm và Hữu có nơi ăn chốn ở ổn định, không dính líu với “em má đỏ môi hồng” nào!

*** 

Chị Ngọc nhắn tin đã học xong sắp về nước. Từ đây khó mà tìm được người Thầy tập múa cho các nhóm mới qua. Chị kể người cậu của chị là Tướng Văn làm Tư Lệnh Quân Đòan 2 ở Pleiku và chị sẽ lên thăm. Tôi bay lên Wellingtonn tiển chị và tìm mua cho chàng một cái áo len merino vì nghe cao nguyên có những buổi sáng rất lạnh. Khi tôi trả tiền, cô bán hàng ở tiệm James Smith cứ trầm trồ “- Người nhận được cái áo này là người được ân sủng nhất thế giới!”

Anh Hoàng cũng vừa rời trường Thủ Đức, anh đi pháo binh nên ra Dục Mỹ học thêm ba tháng rồi đổi lên Kon Tum. Anh bảo rồi hai anh em sẽ gặp nhau và nếu có phép cùng về Nha Trang thăm Ba. Thư tiếp anh kể chuyện đoàn văn nghệ Quân Đoàn đến tiền đồn của anh diễn và gởi hinh chụp hai anh em mắt đỏ ngầu, cầm hai lon bia giơ cao như thách thức tất cả. Một ảnh khác chụp với hai cô ca sĩ trong đòan. Họ mặc áo chemise trắng chật ních, quần đùi ngắn ngũn để lộ những cặp đùi dài trắng phau. Tôi thấy nghèn nghẹn, tức tủi. Tôi thấy lo sợ: họ nay đây mai đó, suốt ngày bên nhau. Tôi rủa thầm, chẳng thà Hữu ra mặt trận, chịu đầu tên mũi đạn tôi còn yên tâm hơn là thấy chàng hát hò nhún nhảy với phường xướng ca vô loại. Rồi tôi chợt nghĩ họ chỉ là đồng nghiệp và tôi quá xấu tánh, chỉ nghĩ đến mình, ích kỷ ghen tuông vô lý. Chẳng trách ngày xưa ông Đào Duy Từ phải bỏ miền Bắc vào Nam phò chúa Nguyễn.   

Chị Ngọc cũng viết thư báo tin đã lên Pleiku thăm người Cậu và gặp Hữu rồi. Suýt nữa chị không nhận ra vì Hữu vừa đen vừa gầy. ÔngTướng Tư Lệnh rất thích Hữu và kêu riêng chị Ngọc vào phòng mắng:

- Tao tưởng mày mang người yêu đến gặp tao chứ, hóa ra là đàn em của mày.

Rồi ông dịu giọng: 
 
- Ông Bà ta có câu “Nhất gái hơn hai nhì trai hơn một”.  Nói thật với Cậu đi. Mình phải tốc chiến tốc thắng. Hay là Cậu gọi mời Cha Mẹ cháu lên ngay rồi Cậu làm mai cho hai đứa làm đám cưới luôn.

Ông vừa nói vừa nhấc điện thoại lên làm chị hoãng hồn xua tay lia lịa:

- Đừng! Đừng Cậu! Cả con và Hữu đã có nơi đính ước rồi.

Chị viết thêm: “- Thật là hú hồn! Đó, em thấy chưa! Ngay Cậu của chị gặp Hữu là chịu liền. Em lo về cho nhanh mà giử Hữu”.

Tôi thầm cám ơn chị Ngọc, vì ngay sau đó Ông Tướng kéo Hữu về làm Sĩ Quan Tùy Viên cho Ông. Thế là vừa ít nguy hiểm cho chàng, mà tôi cũng yên lòng chàng không mỗi ngày kề cận biết bao nhiêu cô ca sĩ.

Hữu cho tôi biết Ông Tướng tốt nghiệp trường Võ Bị Saint-Cyr nên rất có cảm tình với những người giỏi tiếng Pháp. Chàng được Ông Tướng giao cho một chiếc Harley Davidson của đội cận vệ của Ông để đi lại. Nhiệm vụ của Sĩ Quan Tùy Viên là phải theo sát Ông Tướng không rời nên Hữu có nhiều dịp đi trực thăng.
  
Hữu viết: “Em biết không! Dãy Trường Sơn chập chùng mây phủ. Anh có dịp nhìn một rừng hoa mai vàng rực rỡ ngút ngàn đến tận chân trời. Hồi nhỏ khi học câu thơ “Thỏ thẻ rừng mai, nai cúng trái”, anh cứ nghĩ nhà thơ có tài xạo rất giỏi, làm gì mà mai mọc nhiều đến độ thành rừng. Nay mới biết mình sai. Anh mong có ngày đất nước thanh bình để anh đưa em và một bầy chút chít lên thăm cảnh rừng mai. 

Cao nguyên cũng lạnh hơn miền đồng bằng nhiều. Cái áo em tặng thật tuyệt vời, vừa nhẹ vừa ấm. Tiếc là anh phải mặc bên trong bộ đồ lính, mà như vậy anh lại càng thích vì anh cứ tưởng như đang được em ôm ấp.”

Tôi thầm nghĩ mình thì bị căng thẳng tinh thần vì lo lắng cho chàng từng ngày mà sao chàng chỉ biết lãng mạn vui chơi, lại còn đòi có cả một bầy con! Lấy gì để nuôi chúng đây? 

Anh Hoàng đang đóng quân ở Sa Thầy, gần vùng Ba Biên Giới viết thư kể chuyện Hữu lên thăm anh:

 “Khi anh nghe lệnh Đại Tá Tỉnh Trưởng bảo phải về Kon Tum gấp, anh tưởng mình tác xạ khẩu đội 105 ly tắc trách gây thiệt hại cho thường dân hay quân mình. Té ra Ông Sĩ Quan Tùy Viên của Ông Tướng xuống thăm!  Mà thằng em gan thật, đường từ Pleiku lên Kontum không an toàn, toàn rừng rậm hai bên rất dể bị phục kích. Vùng này còn có cả cọp lảng vảng nên rất nguy hiểm. Có lẻ ta cũng như địch, ai cũng bất ngờ vì mấy ai dám cởi mô tô một mình đi trên núi rừng Trường Sơn.  Từ hôm đó anh được cấp chỉ huy ưu ái hơn. Cám ơn em lần nữa.”

Nhưng thư tiếp của chàng càng làm tôi lo sợ vẩn vơ. Hữu tháp tùng Ông Tướng đi săn Bò Tót Trường Son, một loài động vật quý hiếm. Loài bò tót này to và nặng gấp đôi loài trâu, rất hung dữ và gan dạ. Chàng kể: 
 
“Cả một đại đội súng ống đầy đủ vào rừng sâu, lùng sục tìm loài bò tót. Chúng thường sống đơn độc phải mất cả tháng trời mới tìm thấy. Họ nhận lệnh dồn đuổi nó ra bìa rừng nhưng không được bắn, chỉ có nhiệm vụ dồn nó ra đồng cỏ trống rồi báo tin về. Ông Tướng cùng bọn anh lên trực thăng bay đuổi theo. Thường khi gặp kẻ thù nó đứng lại tấn công kẻ địch nhưng chắc chưa bao giờ đối đầu với trực thăng kêu ầm ỉ, quạt gió vù vù nên tỏ ra luống cuống. Ông Tướng lăm lăm cầm khẩu súng săn, loại bắn mỗi lần chỉ một viên. Trực thăng quần quanh con vật. Ông phải nhắm bắn đúng tim, tránh làm hư bộ lông. Phải phục tài thiện xạ của Ông Tướng, chỉ một phát là con vật ngã lăn ra. Chiếc trực thăng đậu bên cạnh nó mới thấy nó to lớn như thế nào, dềnh dàng không thua gì chiếc trực thăng. Anh Đê, ngườì sắc tộc và là hộ vệ của Ông Tướng bảo con này cao hơn cả hai mét, dài gần ba mét rưởi, nặng e hơn hai tấn. Cặp sừng ngắn hơn sừng trâu nhưng cong nhọn ất đẹp. Toán lính cắt đầu nó gói ghém cẩn thận đem lên trực thăng, về thuê người độn thành trophy trang hoàng văn phòng Ông Tướng, còn đại đội được thưởng tiền và hưởng hết phần còn lại.

Khi anh kể chuyện với chú Ngân, chú bảo Ông Tướng rất chịu chơi, chỉ riêng cái mật con bò tót bán cho ngời làm thuốc Bắc cả hai, ba lượng vàng, bộ lông đắc giá hơn cả bộ lông hổ, chưa kể cả hơn tấn thịt. 

Một phần vì bom đạn chiến tranh, một phần bị săn bắn, nên giống này trở nên quý hiếm lắm. Chúng được mọi người và mọi loài kính nể, cả những con hổ dữ dằn nhất cũng sợ nó.”

Tôi thấy xót thương con bò tót Trường Sơn, đã trốn vào trong rừng sâu mà còn bị lùng giết, trong khi những loài vật quý hiếm được bảo vệ ở những nước khác. Bên Mỹ loài bisons được ở trong những công viên quốc gia như Yellowstone National Park, dầu còn cả vài ngàn con. Tôi thấy sao chàng thay đổi quá, mới xa nhau hơn hai năm mà chàng như người xa lạ, tươi cười hãnh diện đứng cạnh xác con bò tót mắt trợn trừng như oán hận loài người độc ác. Tôi mong ngày gặp lại chàng để chất vấn. 

*** 

Bai vở năm Honours chồng chất, lại thêm làm Minor Thesis nên tôi phải vùi đầu học, tạm quên nổi lo lắng buồn phiền.  Kết quả các môn thi cũng khá, nhưng làm Minor Thesis với tài liệu tham khảo bằng tiếng Anh hay tiếng Pháp không nhiều nên khó thuyết phục giám khảo. Một đề tài hay ho hấp dẩn trở thành một gánh nặng. Có lẻ tôi phải làm việc chăm chi suốt  mùa hè mới viết xong. Điều thú vị cho những người gốc trường Pháp như tôi khám phá là ngay từ năm 1075 đời Lý đã có thi tuyển nhân tài toàn quốc và mở trường dạy cho những người đã đậu thi Hội chuẩn bị thi Đình.  Có thể nói Việt Nam đã có trường đại học và hậu đại học sớm hơn các nước Tây Phương rất nhiều. Một điểm bất ngờ là từ thời Lý đến thời Lê Trung Hưng, gần 700 năm, có 57 vị Trạng Nguyên thì chỉ có một vị là người Hà Nội xưa, như vậy chế độ thi cử tuyển nhân tài khắp mọi miền đất nước, một mặt nào đó phản ảnh đồng đều cơ hội cho mọi người, tốt đẹp hơn nhiều nước Tây Phuong chỉ ưu đải tầng lớp quý tộc và giàu có.

Dầu không biết New Zealand có cho tôi về thăm nhà rồi qua lại chờ lảnh bằng, tôi cũng viết thư hỏi Ba tôi, anh Hoàng và chàng. Anh Hoàng thì kêu than Hiệp Định Paris chỉ là tở giấy lộn: từ căn cứ pháo binh của anh, về đêm có thể nghe rầm rập tiếng nhửng đoàn xe Molotova từ ngoài Bắc chạy qua, đèn xe pha sáng cả góc trời; chiến sự leo thang, ngay cả việc cùng Hữu về thăm Ba tôi mà gần một năm rưởi không làm được. Anh bảo những đói khổ ở quân trường không thấm vào đâu với chiến trường, khi khẩn cấp không ăn không ngủ vài ngày liền là chuyện bình thường. 

Hữu báo tin Ông Tướng đổi về Bộ Tổng Tham Mưu và hứa khi ổn đnh sẽ kéo chàng về bên cạnh. Một vị tướng khác đổi lên làm Tư Lệnh Quân Đoàn, toàn bộ quân nhân ở Bộ Tư Lệnh phải làm việc với vị Tư Lệnh mới, không ai được nghỉ phép. Chàng khuyên tôi đợi tháng 5 lảnh bằng rồi về nước. Khi đó chắc chàng đã đổi về Sài Gòn sum họp.  Ba tôi thì bảo lo học cho đàng hoàng, đừng lo gì cho ông.

*** 

 Quân dội Mỹ và các nước khác đã rút về nước, tin tức về chiến tranh Việt Nam trên TV giảm dần, nhưng các ký giả bắt đầu viết sách và chọn lọc vô số ảnh chụp ở chiến trường. Jane đưa tôi xem cuốn suu tập những bức ảnh gây chấn động dư luận, như ảnh chụp Tướng Loan bắn vào đầu một tù nhân bị bắt hay cảnh em bé gái trần truồng chạy trốn bom Napalm. 

Tôi lật nhanh cuốn sách như muốn trốn chạy một sự thật phủ phàng. Ký giả Mỹ rất tận tụy với nghề nghiệp, bất chấp hiểm nguy của chiến tranh, có người như Bernard Fall chết trên chiến trường. Nhưng tôi biết chắc không có người nào cận kề với bên kia chiến tuyến để có cơ hội ghi được một cách trung thực những tình huống tương tự. 

Một bức ảnh đập vào mắt tôi, cảnh một người lính Mỹ đâm lưởi lê vào bụng một bà già, có lẻ trong một trận Search And Destroy ở thôn quê, da mặt bà cụ đã nhăn nheo, chắc tuổi bà phải trên tám mơi, đôi mắt sợ hãi mở to lộ vẻ đau đớn. Cái ghê rợn là không thấy máu chảy. Tôi nhớ lời Hữu kể về lưởi lê M16 của Mỹ và nhận ra nó sắc bén đến mức đâm xuyên thủng bụng bà rất nhanh đến độ khi người phóng viên bấm máy xong máu chưa kịp chảy ra! 

Một ảnh khác chụp cảnh một toán lính Mỹ bắt được tù binh và dẩn họ đi. Hai cô gái du kích, tuổi chừng mười lăm, mười sáu, áo quần vải đen, người ướt sũng, chắc đã trốn trong ao hồ hay sông rạch miền Tây. Quần họ xắn quá đầu gối, khuôn mặt non dại, không dấu được bộ ngực dậy thì sau chiếc áo bà ba không nịt ngực. Tay hai cô bị trói, một sợi giây luồn vào giây trói tay được người lính Mỹ da đen, miệng cười toe toét, cầm dẩn đi. Tôi không dám nghĩ đến số phận hai cô bé sẽ ra sao, liệu họ có đủ quyết liệt để chống cự như người mẹ xấu số của chàng không, hay đành buông xuôi theo số phận? 

Tôi nghĩ nếu Ba tôi dừng xe ở Vũng Rô hay Vịnh Vân Phong để lập nghiệp thì có thể tôi là một trong hai cô gái trong bức ảnh. Tôi ngủ thiếp khi nào không hay.

***

Tôi thấy tôi và ba bạn Xuân, Thu, Lệ cùng trốn dưới một hầm bí mật. Có tiếng trực thăng bay ầm ĩ rồi hạ xuống trong rừng cây. Chúng tôi không dám thở vì nghe tiếng chân đi lạo xạo. Tiếng chó sủa rất gần, rồi nắp hầm bị cạy và một giọng hét to “- Có lên ngay không hay đợi tao ném lựu đạn xuống?”

Giọng nói nghe rất quen. Khi nắp hầm mở bật, ánh sáng lóe lên tôi thấy khuôn mặt Hữu, mắt đỏ ngầu, tay lăm lăm một trái lựu đạn. Chúng tôi sợ hãi, riu ríu bước lên miệng hầm. Hữu cười khoái trá, cùng với hai sĩ quan Đại Hàn mà Ba tôi hay cùng uống café lần lượt trói tay mỗi đứa rồi luồng một sợi giây dài xuyên qua các dây trói. Một tên Đại Hàn đi trước dẩn đường, một tên đi sau, Hữu súng lục cầm tay, lưởi lê và lựu đạn dắt đầy quanh ngươi đi ngoài áp tải chúng tôi lên chiếc trực thăng. Người phi công đang nhai kẹo cao su lăm lăm nhìn chúng tôi. Hữu bắt chúng tôi đứng thành hàng ngang, đôi mắt quét một đường sắc lạnh qua thân thể chúng tôi. Hữu nói bằng tiếng Anh với các tên kia:

- Cái xứ này lạ thiệt, rừng núi đầy hoa thơm cỏ lạ, con gái người nào cũng đẹp, đúng là cảnh thần tiên! Biết chia làm sao cho công bằng. Thôi! Tao là chỉ huy, tao chọn trước. Rồi đến mày là Đại  Úy Sư Đoàn Mãnh Hổ, rồi mày vì mày chỉ là Thiếu Úy, còn thằng phi công ít cực nhọc nhất sau chót.
Hữu đi qua, đi lại như phân vân không biết chọn ai. Tôi sợ hãi cúi gầm mặt xuống. Hữu đến trước mặt tôi, nâng cằm tôi lên:

- A! Con này trông ngộ nhất. Phần tao nghe.

Tôi uất ức lấy đầu húc mạnh vào ngực Hữu. Hữu đau điếng tát tôi thật mạnh làm tôi chao đảo. Tôi quay một chân đá vào hạ bộ Hữu. Hữu vừa rút lưởi lê ra khỏi vỏ vừa hét:

- Con này láo! Tao cho mày chết!

Rồi chàng đâm mạnh lưởi lê vào ngực tôi, cười điên loạn. Hai tay tôi bị trói quật ra đằng sau có thể cảm thấy hơi lạnh lưởi lê đã xuyên qua tim tôi, nhưng tôi không thấy giọt máu nào. Tôi hét lên:

- Anh nỡ giết em sao!

Vừa lúc đó tôi nghe tiếng Jane:

- Hạnh! Em có sao không?

Tôi khóc nức nỡ như mới từ địa ngục trở về. Jane chạy vào ôm lấy tôi, vỗ về “- Không sao cả! Có chị đây.”

Tôi kể lại cơn ác mộng. Giữa những tiếng nấc, Jane nghe chử được chử mất. Jane nhẹ nhàng đặt tôi nằm xuống, đắp lại mền cho tôi và ngồi một bên.

- Tuy chỉ mới gặp Hữu một lần, nhưng chị biết Hữu là người có tư cách. Em chọn đúng người rồi! Em đừng sợ gì cả, gắng thêm một tháng, nộp xong thesis là cả nhà mình đi chơi xa với nhau. Rồi em sẽ gặp Hữu trong nay mai. Nhớ gởi thiệp mừng cho gia đình chị biết nghe.

Tôi tin lời Jane, nhưng chẳng lẻ đây là cơn lốc thời cuộc nhận chìm chàng xuống vũng bùn!

*** 
 
Vừa ăn Tết Ất Mão xong tôi nhận được tin Minor Thesis của tôi được chấm đậu. Nói ăn Tết cho oai, nhưng chỉ là nhâm nhi với các bạn các món mức bánh mà Ba tôi và Hữu gởi. Hữu thích nhất món mức gừng, rất hợp với trời lạnh của Christchurch và cả Pleiku. Chúng tôi không lên thăm Wellington, một phần vì không có chị Ngọc, một phần tụi tôi bây giờ là ma củ hết rồi.

Chưa kịp vui trả xong nợ đèn sách thì tin tức Việt Nam lại dồn dập và càng ngày càng bi thảm: mất Ban Mê Thuộc, Quân Đoàn 2 di tản chiến lược mà thực ra là rút chạy. Tôi chỉ nhận được lá thư cuối cùng Ba tôi kể hai anh em và chú Ngân chỉ kịp dựng xe mô tô trước nhà rồi lăn xuống đất kiệt sức sau hơn một tuần chạy loạn. Chú Ngân kể  “- May mà Hữu chạy ngay lên Sa Thầy đón anh Hoàng rồi ba chú cháu rú xe chạy bạt mạng đi trước đoàn quân dân di tản, nhờ vậy mới không bị quân du kích chận đường.”

 Ba tôi thuyết phục được anh Hoàng ở lại Nha Trang chờ lệnh cấp trên. “- Ba và anh Hữu nói chuyện với nhau một buổi tối, rất tâm đầu ý hợp, nhưng Hữu muốn về Sài Gòn gấp để gặp Ông Bà Phan. Ba thấy Hữu định vậy cũng phải vì nếu có lệnh điều động của quân đội thì ở Sài Gòn nhận nhanh hơn.

Tình hình thay đổi rất nhanh. Con cứ ở yên ở New Zealand. Đừng lo cho Ba và các anh bên này.  Từ ngày Mẹ con qua đời, Ba chẳng thiết sống nữa. Nếu không vì nuôi dạy hai con cho nên người Ba chẳng có duyên cớ gì mà có mặt trên đời này.”

Tôi thầm lo sợ vì Ba tôi chưa bao giờ viết cho tôi những lời nghiêm trọng như vậy. Hay ông sống cô độc mấy năm nay, không có đứa con nào bên cạnh, nên lại càng thương nhớ Mẹ tôi hơn và nghĩ quẫn.

Tôi lại càng lo chàng đi một mình trên đường vào Sài Gòn hơn năm trăm cây số biết bao nhiêu nguy hiểm.  Hay là chàng kiếm cớ để đi tìm các cô ca sĩ. Tôi cố nén uất hận trong lòng.

Thế rồi hoàn toàn im lặng, không một tin tức từ Ba tôi và hai anh em. 

Báo chí và TV đầy hình ảnh dân chúng nheo nhóc chạy loạn. Hai tuần sau mất Huế, rồi cả Đà Nẳng và Vùng 1 chỉ ba ngày sau. 

May tôi đã  học xong chỉ chờ ngày lảnh bằng và gia đình Jane luôn an ủi chăm sóc tôi. Các bạn khác không có lòng dạ nào để học hành. Chúng tôi rất hoang mang, không biết tiến thoái làm sao. Ngày 30 tháng 4 nhiều người khóc vì sợ từ đây không còn cơ hội gặp lại gia đình. 

Đầu óc tôi quay cuồng theo những câu hỏi không lời giải đáp. Ba tôi và anh Hoàng có bị thương hay chết không? Chàng có vào được Sài Gòn không hay gặp nạn trên đường? Chàng có di tản khỏi Sàì Gòn được không? Các anh chị đã về Việt Nam ra sao?

Một ngày sau ngày lảnh bằng tôi lo xin việc. Tôi trở thành cô giáo dạy Anh Văn và Pháp Văn tại Orewa College. Orewa ở xa các cộng đồng Việt Nam ngày càng trở thành phức tạp nhất là ở Otahuhu và Wellington. Học trò khá ngoan cũng là niềm an ủi cho tôi trong cơn khủng hoảng. Tôi dùng thì giờ rảnh để đôn đáo hỏi tin từ những người thân quen, cô Huyền cũng không được tin gì hơn. Một số anh chị di tản đến Guam rồi trở về New Zealand, mặt mũi bơ phờ, thất thần. Họ đều trả lời không có gặp Hữu. Tôi dần mất hết hy vọng. Không lý chàng đã chết rồi sao?
 
Nhớ chàng tôi tìm đọc những sách chàng để lại. Tôi rất thích thú khám phá cuộc đời hành động của Nguyễn Công Trứ, một người văn võ toàn tài, một người làm việc hết mình mà chơi cũng hết mình. Ông được  xem như Ông Tổ của ngành hát ả đào. Ông cũng là một kỷ sư thủy lợi tài ba, xây không biết bao nhiêu công trình từ Nam ra Bắc. Ông đúng là một gương tốt cho thanh niên noi theo. Chỉ một điều mà phái nữ không ưa: đến bảy mươi ba tuổi ông vẫn còn thu nạp nàng hầu. Ông còn vênh váo: “Tân nương dục vấn tân lang kỷ, Ngũ thập niên tiền nhị thập tam.” Tôi tưởng tượng mình đang thì thầm với chàng “Anh chọn Ông làm anh hùng em cũng chịu, nhưng anh mà hó hé bắt chước Ông điều này là em xé xác anh!”

Mỗi buổi sáng tôi đều dậy sớm đi bộ dọc bải biển.  Mỗi lúc đi qua nơi chàng và tôi nằm cạnh nhau, tôi vẫn thấy như in dấu bàn tay tôi trên cát và rồi tôi thẹn thùng chạy ra biển. Mới đó mà đã hơn ba năm rồi, ba năm mà tưởng như quá khứ xa xăm. Mà sao hồi đó chúng tôi chỉ trao nhau những nụ hôn nồng cháy và vòng tay ôm nóng bỏng mà thôi. Chàng và tôi dự định  về thăm nhà cùng một lần, rồi ra mặt họ hàng hai bên rồi đám hỏi, đám cưới. Phải chi chúng tôi hiến thân cho nhau thì tôi đã có một chút chít để bồng ẳm, để luôn bận rộn, để lo lắng, để yên tâm vững lòng chờ đợi. Còn bây giờ chỉ biết hối hận, nhớ nhung, tiếc nuối.

*** 

Tôi liên lạc được với chị Hoài ở California, anh chị có gặp Hữu trước 30-4.  Chị kể:                                                                                                                           
- Hữu có ghé thăm anh chị trước 30 tháng tư, ai cũng hốt hoảng như những con thú chạy quanh trong cái bẩy càng ngày càng khép lại. Sau 30 tháng tư, tan hàng rả ngũ. Chẳng ai biết bạn bè mình ra sao, đúng là “Hàng thần lơ láo, phận mình ra chi”. Những công chức cao cấp và sĩ quan quân đội, cảnh sát đều đi học tập cải tạo. Anh chị có quốc tịch Pháp nên mới được ra khỏi Việt Nam năm 1976 đến Pháp rồi qua Mỹ.

- Học tập cải tạo là gì vậy chị?

- Tức là bị giam tù, không cần xét xử, không có bản án, không biết bị tù bao lâu mới được thả ra.
Tôi thở phào nhẹ nhõm. Ít nhất chàng còn sống trước 30 tháng tư.  Có thể chàng bị tù, hay chết trên đường di tản? 

Vài tháng sau, khi sắp nghỉ hè, tôi nhận được điện tín của Cô Huyền báo tin anh Hoàng đã đến Poulo Bidong, Cô đang lo thủ tục cho anh qua Mỹ. Dượng James thật mau mắn, chỉ có hai mươi ngày sau anh đã có giấy tờ qua Mỹ. Tôi vội mua vé bay qua New Jersey. Gặp lại người anh sau hơn bảy năm, thấy anh gầy ốm đen đúa, tôi khóc òa. Tôi ôm người cô đã xa cách hơn hai mươi năm. Dượng James cũng cảm động không kém. Ông nói tiếng Việt rất rành: “- Cám ơn Ông Trời có mắt, đã cho gia đình đoàn tụ.”  Tôi càng khóc hơn biết tin Ba tôi đã bị tù từ lâu. Anh Hoàng kể:

- Ngay buổi sáng họ tràn vào Nha Trang, nhà mình đã bị chiếm, họ cho nữa giờ để mang được gì thì mang khỏi nhà. Ba dặn anh quý nhất là ảnh Mẹ đang thờ, hai cha con chỉ kịp đem theo áo quần và một ít vật dụng rồi đem cái gì quí nhất lên gởi cho Sư Ông chùa Kim Sơn. Ngày hôm sau họ tìm đến nhà bạn anh mà hai cha con đang tạm trú, còng tay Ba bắt đi ngay vì tội làm cho CIA chuyên liên lạc với Sư Đoàn Mãnh Hổ. Anh dò biết Ba bị tù ở Đồng Nai. Rồi tuần sau đó anh cũng đi trình diện học tập cải tạo.  May mà anh chỉ mang lon Chuẩn Úy nên được tha sau hai năm tù.

Anh kể cho mọi người nghe những năm lao động khổ sai, ăn uống đói khát, trại tù chỉ có vài loại thuốc thông dụng, ai bị bịnh phảỉ trông cậy vào bạn tù.  Anh nói thêm “- Hai năm nay cả nước đói khổ, ngay cả những cán bộ quản giáo cũng chẳng khá hơn, có khi phải đi xin thuốc men những người tù.” Anh nói với Dượng James:

- Cháu phải nễ sợ họ, đem hơn ba trăm ngàn người bỏ tù mà hầu như không tốn kém một đồng, không gặp sự chống đối đáng kể nào. Tù nhân lo xây nhà ngục cho mình, lo lao động để đổi lấy lương thực!

Anh rất ân hận vì khi được ra tù, vừa về lại Nha Trang thì có người quen kêu cho đi vượt biên, thế là tất tả đi ngay không kịp vào Đồng Nai thăm Ba tôi. 

Đợi lúc thư thả tôi hỏi anh có nghe tin gì về Hữu không. Anh chưng hửng:

- Anh tưởng nó đang ở với em bên New Zealand, không thì ở Mỹ. Em tìm Ông Bà Phan mà hỏi thử. Anh chắc gia đình Ông Bà được Mỹ bốc đi sớm, vì người như Ông nước nào cũng quý cả. 

Tôi nghe mà rụng rời tay chân. Tôi hốt hoảng gọi các anh chị ở Mỹ nhờ tìm giúp Ông Bà Phan. Trước đây Ông Bà được nhiều người Sài Gòn biết đến. Chỉ sau hai tuần Cô Huyền nhận được điện thoại gọi từ Virginia và chuyển cho tôi nghe. Một giọng nói thanh lịch ấm áp như giọng nói của chàng vang lên làm tôi ngỡ ngàng:

- Hạnh hở con! Dì Liên đây. Hữu viết thư cho Dì kể nhiều chuyện về con. Hồi đó gia đình Dì mong ngày gặp con và Ba con. Dì lại sơ ý không đem địa chỉ hay số điện thoại của ai ở New Zealand để tìm con. 

- Con cũng nghe anh nói thương yêu Dì như Mẹ. Mấy năm nay con hốt hoãng quá, không nghĩ đi tìm Dì và Dượng ở Mỹ. Ba con có nói anh rời Nha Trang vào Sài Gòn ở với Dì thôi. Từ đó con không biết gì hơn. Anh của con ở đâu vậy Dì?

- Mỹ bốc gia đình Dì đi bí mật và bất ngờ lắm, nên Hữu không biết mà ở nhà chờ đợi. Chắc nó kẹt lại Sài Gòn. Dì hỏi nhiều người quen qua được đây cả hai năm nay nhưng không có tin gì hơn. Cầu Trời khấn Phật cho nó được bình yên.

Dì Liên nói chuyện với Cô Huyền một hồi sau khi cho tôi số điện thoại và địa chỉ.   

Khi nghe Cô và tôi kể lại, anh Hoàng lo lắng:

- Chắc là Hữu bị đi tù rồi, mà chắc bị đày ra ngoài Bắc.

Anh nói thêm:

- Họ ghét không quân và pháo binh như anh một thì họ thù Tình Báo, Bình Định Nông Thôn, Đảng Phái và Tâm Lý Chiến mười. Cái kiểu buộc tội của họ thì Hữu là dân Bắc Kỳ, bỏ Đảng và Bác di cư vào Nam, học ở một nước tư bản để về đánh phá cách mạng, lại thêm làm Sĩ Quan Tùy Viên kiêm Cận Vệ cho Ông Tướng.

Rồi anh kết luận phủ phàng: “- Chắc nó ở tù đến rục xương. Mà sao nó không chịu ở nhà trong những ngày hỗn loạn ở Sài Gòn”.

Tôi cũng rủa thầm “- Chết đến nơi mà còn rú mô tô đi chơi!”

Tôi lại mơ thấy chàng. Sáng 30 tháng tư Hữu cởi chiếc mô tô đằng sau chở hai cô ca sĩ. Vừa đến một tòa cao ốc, Hữu vất chiếc mô tô kéo hai cô ca sĩ hai bên chạy như bay lên cầu thang. Hai cô vẫn mặc quần trắng ngắn cũn cỡn, áo chemise vải mousseline đen chật ních, để lộ ngồn ngộn hai bộ ngực đồ sộ. Họ chạy ra sân thượng, đã có một chiếc phi cơ trực thăng chờ sẳn. Hữu nói tiếng Anh với viên phi công. Hắn gật gù ra hiệu hai cô lên trước. Hai cô vừa vào trong, Hữu định leo lên thì hắn cầm một bình capsicum xịt vào mặt Hữu. Hữu loạng chọang rơi xuống sân thượng. Tên phi công cười nói với hai cô “- Nghèo mà ham!” rồi vào phòng lái cho phi cơ cất cánh. Tôi sung sướng mắng thầm, “- Cho đáng đời!” rồi tôi hét vào mặt Hữu

- Sao anh cứ đeo đẳng theo mấy con đượi hoài vậy! 

Tôi tỉnh dậy mới biết chỉ là giấc mơ! Tôi vừa oán giận chàng vừa lo lắng không biết chàng ở nơi nào, sống chết, lành dữ ra sao. Nếu chàng bị tù, thì chắc rất đói khổ, như Ba tôi và anh Hoàng vậy, không có ai thăm nuôi cả.

*** 

Anh Hoàng nghe lời Dượng James đi làm tạp dịch ở một siêu thị ở Newark. Dượng bảo để tập nói và nghe tiếng Anh cho nhanh. Tôi thầm phục quyết định của Dượng. Trước 1975, nếu Ba tôi bảo anh đi bưng phở để kiếm tiền tiêu, chắc anh nghĩ Ba tôi mất trí. Nhưng sau những năm trong quân đội rồi bị tù tội, anh mềm nhũn như con bún và ngoan ngoãn vâng lời. Tôi mong anh biết quý những cơ hội và không còn sĩ diện hão như chàng sinh viên Luật chống chiến tranh. Cô tôi dường như hiểu suy nghĩ của tôi nên bảo:

- Dượng James đã ghi tên cho Hoàng học Đại Học Columbia vào tháng 9. Hoàng viết và đọc tiếng Anh không tệ nhưng nói và nghe loạng quạng lắm. Vã lại học Kinh Tế thì không gì bằng lăn vào thị trường.

Cô nói tiếp: “- Thật may Cô gặp một người bạn đời giỏi giang. Dượng là luật sư nổi tiếng của New York, giao thiệp rộng. Trong Đảng Democrats, Dượng được xem như là “Kingmaker.”

Rồi Cô tôi sụt sùi:

- Nhiều khi Cô thấy xấu hỗ, nhận học bỗng du học rồi không chịu về giúp nước. Nhưng đàn bà con gái như chúng ta thì làm gì được trong tình thế nhiễu nhương như vậy. Vã lại Cô thấy có lỗi với Ba Mẹ cháu nên không mặt mũi nào về gặp lại. Chỉ mới gần đây Cô mới liên lạc với Ba cháu.

Đợi Dượng James và anh Hoàng qua phòng khách, tôi mới hỏi:
 
- Lúc Mẹ cháu qua đời, Mẹ cháu mấp máy câu gì mà tụi cháu đứng ngoài xa không nghe được. Một năm, vào dịp ngày kỵ Mẹ cháu, cháu có hỏi Ba cháu, nhưng Ông rươm rướm nước mắt không trả lời. Từ đó cháu không dám hỏi nữa.

- Cô cũng mới biết đây thôi. Lời trăn trối của Mẹ cháu là: “Em xin lỗi anh! Em xin lỗi hai con! Anh gắng nuôi con!”

Tôi bàng hoàng cả người. Tại sao Mẹ tôi phải xin lỗi cả nhà? 

- Gia đình mình hơn mười lăm đời phò tá Chúa Nguyễn, thuộc tầng lớp danh gia vọng tộc. Ba cháu làm giáo sư ở Huế được học trò yêu mến. Ba cháu lại biết buôn bán làm ăn, vừa giàu lại có vợ đẹp, con khôn nên nhiều người ganh ghét. Ba cháu lại mê say bất cứ cái gì về nước Pháp nên mang họa khi nước Pháp và Vua Bảo Đại hết thời ở Việt Nam. Hồi đó ÔngThận được xem như Vua không ngai của Miền Trung. Không hiểu sao Ông biết hết các cơ sở kinh doanh của Ba cháu. Khi cảnh sát và quan thuế đồng loạt ập vào tất cả nhà xưởng, tiệm buôn lục soát hàng hoá, máy móc và đòi Ba cháu xuất trình biên lai mua bán, Ba cháu làm gì có mà đưa ra. Hồi đó mua bán bằng tiền mặt hay bằng vàng, chẳng ai giử sổ sách giấy tờ cho đàng hoàng. Thế là Ba cháu bị bắt giam, bị tra tấn, chết đi sống lại nhiều lần, phải ký giấy nhận tội làm kinh tài cho Pháp, là sĩ quan của Deuxieme Bureau được gài lại để chống lại “Cách Mạng Quốc Gia”. Trong khi chính phủ hô hào “cương quyết chống Cọng, bài Phong Kiến bóc lột, diệt Thực Dân đang rắc reo tàn phá” thì đó là tội tử hình.

Ba cháu và Cô thường gây nhau, Cô thì ghét Thực Dân Pháp, chỉ thích văn hóa Anh-Mỹ. Cô thường bảo Ba cháu những khái niệm về dân chủ do Locke đặt nền tảng đầu tiên, Montesquieu theo đuôi sau cả ba mươi năm, và Rousseau thêm ba mươi năm sau nữa mà Ba cháu không tin. Ba cháu thì khi nào cũng Lamartine, La Fontaine. Trong khi mọi người đề cao Nhân Vị thì Ba cháu ca tụng bức tranh L’Origin du Monde của Gustave Courbet. Nhưng không ngờ các sở thích vô hại đó lại gây họa cho nhà mình. 

Co ráng kiềm chế xúc động, chuyển qua chuyện khác:

- Cô thi đậu vào Ban Anh Văn, Đại Học Sư Phạm và yêu thich văn hóa Anh Mỹ, có mức quá khích không kém gì Ba cháu. Cô được Thầy Bàn nâng đở.

Tôi nhớ lại từng được Ba tôi kể về vị Giáo Sư Đại Học rất được kính nễ một thời.Thầy quê ở Quảng Bình, du học ở Mỹ và đậu MA về Văn Chương Mỹ, một trong những người tốt nghiệp đầu tiên ở Mỹ và về nước sớm nhất. Trước đó, khi đất nước bị chia cắt, vợ con Thầy phải ở lại phụng dưỡng cha mẹ Thầy và giử gìn gia tài dồ sộ của hai gia đình. Gia đình Thầy cứ tin vào Hiệp Định Genève, sau hai năm khi chồng về nước rồi muốn ở đâu cũng dược.Nhưng rồi họ không bao giờ sum họp được. Thầy chọn Đại Học Huế để được gần gia đình, nghe ngóng tin tức. Thầy thường ghé nhà tôi nói chuyện rất tâm đắc với Ba tôi.

Cô Huyền cúi đầu nói nhỏ cho một mình tôi nghe:

- Hồi đó Cô rất phục Thầy và có cảm tình với Thầy. Một hôm Cô trao thân cho Thầy, rồi hai người ôm nhau khóc vì biết khó được sống chung với nhau. Thầy xin một học bỗng cho Cô du học ở Mỹ. Thầy dặn Cô: “- Em cứ yên tâm ở bên đó học hành. Anh sẽ xin phép bề trên cho anh kết hôn rồi anh qua sum họp với em”.

Nhưng hai người không bao giờ gặp lại. Sau một năm, một đàn em của Cô và cũng là hoa khôi của Trường Đại Học Sư Phạm được học bỗng qua Mỹ học và tâm sự mọi chuyện y chang như chuyện của Cô thì Cô mới tỉnh ngộ.

- Sau này Cô mới biết tuy Thầy không giử chức vụ gì ở Đại Học nhưng ai cũng nể sợ Thầy. Thế lực của Thầy bao trùm khắp miền Trung, vì Thầy phụ trách kinh tài cho Ông Thận và đại diện Ông ta liên lạc với các quan chức Mỹ. Ông Thận biết rõ mọi ngõ ngách làm ăn của Ba cháu là do Thầy Bàn dò la được qua Cô và những lần nói chuyện với Ba cháu.

Cô không cầm được nước mắt, cố gắng nói tiếp:

- Cô qua New York học được một tháng thì Ba cháu bị bắt giam, chờ ngày ra tòa. Một hôm Thầy Bàn đến gặp Mẹ cháu mách nước lên gặp Ông Thận xin tha cho Ba cháu.

Ông ta chấp thuận can thiệp với Cảnh Sát thả Ba cháu nhưng Mẹ cháu phải trả bằng cái giá: hiến mình một đêm cho Ông dày vò. Hai ngày sau Ba cháu được thả về, nhưng toàn bộ tài sản bị tịch biên phải đem cả nhà vào Nam.

Tôi khóc òa lên. Không cần Cô nói thêm gì nữa, tôi cũng hiểu vì sao Mẹ tôi gieo mình xuống ghềnh đá trên đèo Hải Vân và câu trối trăng tội nghiệp của Bà. Mẹ ơi! Mẹ không có lỗi gì cả!

*** 

Tôi như con thú bị thương, nằm liệt giường cả tuần. Dượng James rất tế nhị, nhường phòng Ông Bà cho tôi. Nhà Cô Dượng ở vùng Montclair, trên đường Mountain View. Vườn rất rộng, đằng sau có cả rừng cây, nhưng tôi thích nhất là vườn đằng trước nhà rất thoáng nhìn bao quát cả thành phố New York bên kia sông Hudson. Nhất là về đêm, từ phòng ngủ của Cô Dượng, nhìn ánh đèn lung linh trên mặt nước thật là êm dịu tâm hồn. 

Cô tôi thường nói:

- Cô thích vùng này nhất, vì được nhìn cảnh phồn hoa đô hội nhưng không bị hãm mình vào bụi bặm, ồn ào. Gần nhà có đường tàu điện đến Newark, rồi đi tàu hỏa, chỉ trong vòng nữa giờ là đến chổ làm ở New York. Cô Dượng có thể mua nhà bên New York nhưng Cô thích ở đây hơn, như vậy cũng đã gần hai mươi năm nay rồi. Hai đứa con trai của Cô Dượng thích ở ký túc xá của Đại Học, không chịu ở nhà cha mẹ.

Dượng James kể cho anh Hoàng và tôi nghe ngày đầu Dượng gặp Cô. Đúng là tiếng sét ái tình! Một buổi trưa đi qua vùng Times Square, Dượng bỗng thấy một thiếu nữ cặm cụi đi, rất đẹp nhưng sao gương mặt buồn u uất. Cô gái nỗi bật lên giữa đám người đang trầm trồ, tíu tít chụp ảnh khu phố nhộn nhịp. Lần đầu tiên Dượng quên hẳn công việc, cứ bị cuốn hút đi theo một cô gái. Dượng đi về tận ký túc xá sinh viên và rồi tìm cách làm quen. Kiến thức thông thái, tính tình vui vẻ dần dần xóa tan nỗi buồn ray rức của Cô tôi. Khi biết cô gái là người Việt, ông bắt đầu học tiếng Việt và ngày Cô tôi lãnh bằng tốt nghiệp ông cầu hôn bằng ngôn ngữ của người mình yêu. Cô tôi khóc ròng gật đầu. 
 
Dượng James luôn khuyến khích anh Hoàng: “- Với kiến thức bằng Luật của cháu, Dượng tin cháu sẽ học xong BA rất nhanh, rồi học tiếp MBA như anh Hân là bảo đảm tương lai.”

Tôi thấy lời khuyên rất hửu lý, nhưng vẫn thầm hãnh diện Hữu của tôi rất oai hùng, học một ngành rất khó mà vẫn đậu vẻ vang trong thời gian kỷ lục. Nhưng bây giờ chàng ở đâu? 

Sau vài tuần nữa, thấy anh Hoàng khá ổn định, tôi mua vé chuẩn bị gần cuối tháng giêng về Auckland. Cô tôi vẫn khen Dượng James trù liệu mọi chuyện rất nhanh, chẳng có gì ngạc nhiên ông là nòng cốt của Đảng Democrats. Chính Dượng đề cử Ông Carter làm ứng cử viên Tổng Thống. Ông Carter đối xử thân thiện hơn với Việt Nam so với Ford hay Reagan cũng là do Dượng James đề xuất.

Nghe đến đây Dượng góp ý:

- Tiếc là Chính Phủ Việt Nam Cọng Sản không nắm lấy cơ hội!

Anh Hoàng góp ý:

- Trong tù, khi họ biết cháu từng biểu tình phản đối chiến tranh, họ kể nhiều chuyện cho cháu nghe. Thế giới cọng sản cũng rất phức tạp, nhiều khi một nước nhỏ như Việt Nam không có quyền tự quyết định chính sách của mình, nhất là về ngoại giao. 

Dượng James gật gù:

- Có lẻ cháu đúng. Đó cũng là qui luật ứng xử giữa những nước được gọi là “đồng minh” hay “đồng chí”. Tiếc là cả hai vị Tổng Thống của Việt Nam Cọng Hoà vô tình hay cố ý quên mất điều này.

*** 

Tuyết bắt đầu rơi và phủ kín vườn, chỉ thấy màu xám đen của các thân cây trơ trụi lá nỗi bật trên màu trắng lạnh lùng của tuyết. Từ Montclair có thể thấy mồn một các tòa nhà chọc trời của New York. Những hôm có bảo tuyết, từ sớm khuya đã nghe tiếng xe cào tuyết rì rầm chăm chỉ làm viêc để mọi người có thể đi làm từ sớm. Hầu như không có ai đi bộ trên đường. Tôi cũng ở riết trong nhà. Tuyết cũng hay rơi ở Christchurch nhưng chỉ vài giờ sau tuyết tự tan, lái xe hay đi bộ rất an toàn. Không như ở đây, tuyết ngập quá đầu gối, những nơi đóng băng rất trơn trợt.  Chắc tôi không thể nào ở một xứ mà một năm bị tuyết giam hãm trong nhà cả ba bốn tháng.

Gần đến Noel, Andrew và Alan về thăm cha mẹ. Hai em nói tiếng Việt rất khá và thay nhau dạy anh Hoàng lái xe. Anh Hoàng hơi sợ lái trên đường tuyết nhưng Andrew bảo anh học lái vào thời gian này rồi thì đi đâu ở Mỹ cũng không ngại

Chiều Noel, trong lúc bốn anh chị em trang hoàng cây Noel, Dượng James đi làm việc về, theo đằng sau là một chiếc xe lạ lăn bánh vào cổng. Một thanh niên chững chạc bước vào, nhanh nhẹn chào Cô Huyền:

- Con xin lỗi Dì, mấy tháng nay con bận việc quá không qua hầu thăm Dì và Chú được.

Cô tôi niềm nở:
 
- Dì biết việc của cháu ở World Bank chồng chất, làm một ngày 24 tiếng cũng không kịp. Đây là Hân, con nuôi của Dượng. Còn đây là Hạnh, cháu của Dì.

Hân như bị choáng váng, nhưng gượng lại và liến thoắng nói:

- Hân hạnh gặp cô. Tôi còn là cháu nuôi của Dì nữa.

Tôi thờ ơ chào lại. Tôi không mấy có cảm tình với các vụ con nuôi, cháu nuôi.

- Tuần sau con đi Việt Nam hai tuần để lo công việc của World Bank. Dì và Chú có cần chi ở Việt Nam không, cho con biết.

Trong khi ăn tối, Dượng James cho biết thêm: “- Mấy tuần nay Hân làm việc với vị đại diện của Việt Nam qua xin vay tiền. World Bank muốn tìm hiểu thêm về sự khả thi của các dự án nên cử Hân đi.” Rồi ba người đàn ông say sưa thảo luận chính trị. Hai em giúp dọn dẹp còn hai cô cháu xuống bếp chuẩn bị món tráng miệng và café. Cô Huyền nói thêm về Hân:

- Cô từng dạy Hân lúc anh ta mới qua Mỹ học khóa Anh ngữ. Hân quê ở Gò Công, con cháu của Thượng Thư Phạm Đăng Hưng, ông ngoại của vua Tự Đức đó. Cha của Hân làm thông ngôn cho quân đội Pháp ở Mỹ Tho khi Pháp theo chân quân Anh trở lại Nam Kỳ năm 1946. Đến ngày giổ tổ, ông bà về Tân Hòa lo việc. Đêm hôm đó giữa lúc mọi người đang chén anh chén tôi thì một toán người võ trang  đến mời ông bà lên “làm việc” với Ủy Ban Kháng Chiến Huyện Tân Hòa, và mời đi ngay lập tức! Mấy ngày sau bà con thấy xác ông bà bị thả trôi sông, họ vớt lên chôn cất. Từ đó Hân sống với Ông Bà Nội ở Sài Gòn. Năm 1963 Hân được học bỗng USAID học ngành kế toán.

Tôi nghĩ thầm “Lại thêm môt người học ngành mềm”.  Cô nói tiếp:

- Hồi đó, người Việt Nam ít lắm nên dể thân nhau. Dượng James thương Hân mồ côi nên nhận đở đầu. Hân nghe lời ông học MBA là ngành mới mẻ nên được thực tập với IMF rồi xin làm với World Bank cả mười năm rồi.

Cô và tôi trở vào với hai khay chè và café. Mọi người vui vẻ thưởng thức bên lò sưởi lưả bập bùng. Hân nhìn quanh mọi người rồi nói:

- Con rất biết ơn Chú và Dì đùm bọc con từ lúc qua Mỹ, nên có chuyện chi ở Việt Nam con giúp gia đình được con sẽ xin hết sức.

Co Huyền bàn nhỏ với hai anh em tôi rồi nói:

- Cháu hầu như là người dầu tiên vào Việt Nam từ 1975. Chắc họ cần cháu lắm. Dì có người anh đang học tập cải tạo ở Đồng Nai mà chưa biết tin ra sao. Nếu cháu ghé thăm được thì gia đình Dì biết ơn cháu lắm.

- Dì cho con biết thêm. Con sẽ cố gắng.

Cô Huyền kể sơ hoàn cảnh gia đình tôi sau 1975, như anh Hoàng biết thì Ba tôi bị giam ở trại K4, gần Xuân Lộc, nguyên là trang trại của Tướng Đổ Cao Trí. Hân lấy sổ ghi hết chi tiết từ anh Hoàng rồi chào tạm biệt. Phải nói cùng là sinh viên du học mà sao mấy người ở Mỹ nhậm lẹ quyết đoán, còn những người như Hữu và tôi cứ bị giòng đời vùi dập.

*** 

Buổi sáng sớm trước ngày tôi bay về Auckland, Hân trở về Mỹ. Vừa đến phi trường Newark, anh ta bảo xe đi thẳng về Montclair. Vừa vào nhà Hân đặt lên bàn một hộp giấy gói rất cẩn thận.

- Đây là di vật của gia đình con nhận từ tay Sư Ông chùa Kim Sơn. Dì mở ra xem.

Sau nhiều lớp bọc hiện ra những khung ảnh thờ gia đình tôi, Ông Bà Cố, Ông Bà Nội và Mẹ tôi. Vẫn nét đẹp quí phái, đầu đội khăn vành, cổ đeo chiếc kiền vàng, ảnh chụp vào ngày thành hôn. Đôi mắt long lanh như muốn nói vài lời với hai đứa con. Tôi không cầm được nước mắt, khóc sụt sùi. Anh Hoàng lại gần cầm chặt tay tôi.

Một phong bì lớn đựng chiếc kiền vàng và thư từ, nhiều ảnh chụp gia đình tôi. Trong lúc chúng tôi xem lại các kỷ vật thì Hân và Dượng James ra ngoài hiên nói chuyện. Khi họ trở lại, Dượng James nói chậm rãi: “- Mọi người hãy bình tỉnh nghe Hân nói tiếp.”

- Con may mắn được vị đại diện chính phủ Việt Nam giúp suốt hành trình.Nge nói Ông Ninh từng tốt nghiệp Ecole Normale Supérieure và làm Thứ Trưởng Ngoại Giao. Ông rất giỏi và cởi mở.  Khi vào Sài Gòn ông cho xe đưa con xuống Tân Hòa thăm mộ Ba Mẹ con ngay. Trong khi đi thăm các nơi liên quan đến dự án, con ngỏ ý muốn thăm người Bác đang học tập cải tạo ở trại K4 gần ba năm nay. Sau khi hỏi ý kiến cấp trên ông sắp xếp cho con vào thăm Bác. Tội nghiệp Bác bị bịnh rất nặng. Con có gởi một ít quà và thuốc men. Bác rất mừng nghe tin anh Hoàng và chị Hạnh đang ở với Cô. Vài ngày sau trong lúc đang ở trên Dầu Tiếng thì ông Ninh nhận điện thoại bảo hai người về gấp vào Bịnh Viện 30-4. Bác đã được ra trại nhưng quá yếu nên họ chở ngay vào bịnh viện. Khi con vào thăm thì Bác kêu con lại gần và thều thào nói “- Cháu ra chùa Kim Sơn, Nha Trang, gặp Sư Ông… Dặn hai đứa đừng về Việt Nam cho đến khi….nào đất nước… không còn… cường….hào…..ác…… bá!” Rồi Bác trút hơi thở cuối cùng trên tay con.

Cả ba chúng tôi không giử được bình tỉnh khóc vang lên. Hai anh em tôi thật bất hiếu, không đi thăm nuôi để ông kiệt sức vì đói khát! Đợi chúng tôi lau nước mắt xong, Hân nói tiếp:

- Ông Ninh đề nghị hỏa thiêu và đem tro gởi vào chùa. Chính ông sắp xếp hết mọi chuyện và cùng con đi hốt tro rồi phái một người hướng dẩn và tài xế đưa con ra Nha Trang rồi ông bay về Hà Nội chờ con.

Cô tôi nói trong tiếng nấc:

- Gia đình Cô đội ơn cháu đã lo lắng chu đáo. Tạ ơn Trời Phật xui khiến cho Cô được gặp cháu. Cô và hai em đây, nếu còn ở Việt Nam, chắc cũng không làm được chi hơn. Chưa kể họ có cho thăm và cho nhận xác không nữa.

- Dì đừng nói vậy mà con buồn. Con là con nuôi của gia đình, đó là bổn phận của con. Nhưng cũng nhờ Ông Ninh đưa tiển ra phi trường mới đem được di vật gia đình trót lọt.
 
Tôi thầm cám ơn ông Ninh. Ông xứng đáng tốt nghiệp trường đại học nhất nhì của Pháp.

Sau khi Hân ra về, Cô Huyền cầm khung ảnh Mẹ tôi, bảo: “- Hai mẹ con giống nhau như hai giọt nước.  Cháu Hoàng giử hết mọi thứ nhưng cái ảnh này giao cho Hạnh.” Tôi thầm nghĩ hai anh em tôi chẳng xứng đáng nhận được gì cả, may mà có Hân thay chúng tôi báo hiếu. Bây giờ tôi mới thấy chuyện con nuôi cũng có lý, không tào lao vô bổ như tôi nghĩ xưa nay.

Dượng James lựa một ảnh đẹp nhất của Ba tôi, hỏi mượn khung ảnh cuả Mẹ tôi rồi Cô Dượng đi phố mua sắm. Tối lại, Dượng bày hương án, với đủ ly hương, bông trái cây, đèn sáp, tách nước và dựng hai khung ảnh Ba Mẹ tôi đặt lên bàn rồi thắp hương ra trước cổng khấn vái thổ thần. Cô tôi và hai anh em lần lượt vào thắp hương cúng lạy. Đến phiên Dượng James cúng sau cùng. Dượng khấn to:

- Em là James, chồng của em Huyền. Em biết anh chị quá trể. Hai chục năm nay em gắng học tiếng Việt để khi gặp anh tranh luận xem Văn Hóa Pháp và Văn Hóa Anh Mỹ, cái nào hay hơn, nhưng trời không chìu lòng người. Theo em văn hóa nước nào cũng có điểm đặc sắc cả, không nên so sánh. Thôi thì em thưa thế này: Văn Hóa Việt Nam là ưu việt nhất, còn Pháp và Anh-Mỹ là thứ nhì đồng hạng. Anh chị sống khôn thác thiêng, phù hộ cho hai cháu Hoàng và Hạnh sống khỏe mạnh, vui vẻ, hạnh phúc.

*** 

Toi về lại Orewa với di ảnh của Mẹ tôi, và thật sự là trẻ mồ côi như Hữu, như Hân. 

Còn Hữu thì vẫn bặt tin, cho đến ngày tựu trường tôi mới nhận được điện thoại của anh Vương và chị Thanh, vừa đến Mỹ. Anh kể lại ngày 20 tháng 4, anh và các bạn đến Tòa Đại Sứ New Zealand thỉnh nguyện họ giúp đở thoát khỏi Sài Gòn. Vị Bí Thư trả lời ngay:

- Các anh chị yên tâm, chính quyền cọng sản sẽ không sát hại các anh chị chỉ vì các anh chị đã từng du học ở New Zealand. Vã lại chúng tôi cũng không có phương tiện.

Rồi ông đứng lên tiễn khách. Khi ra cửa ông nói nhỏ : “- Chỉ có Hoa Kỳ có phương tiện. New Zealand là một nước nhỏ, nếu đưa anh chị ra khỏi nước thì mất lòng cả chính phủ hiện nay lẫn chính phủ tương lai.”

Cô thư ký tiếp tân chỉ quanh các căn phòng đang nhộn nhịp người ra vào và nói:

- Anh chị có thấy họ thu dọn hồ sơ để đem đi không?  Họ chịu tiếp các anh chị là đã ưu ái lắm, chứ mấy ông nghị sĩ dân biểu xin gặp họ không thèm tiếp!

Vừa ra khỏi cổng anh Anh đã chưỡi đỗng: “- Cái bọn Kiwi hèn nhát. Thật uổng công thù tiếp tụi nó mấy năm nay. Năm nào VANZA cũng mời họ ăn tiệc đều đều.”

Anh em buồn quá kéo nhau về nhà anh Vương nhậu say đến chiều hôm sau mới tỉnh. Khi Hữu về nhà thì cả nhà đã đi hết rồi. Vậy mà tôi trách Hữu ham đi chơi để không di tản được.

Anh Vương nói thêm ; “- Nghe nói Hữu bị đưa ra Bắc cùng với các Ông Tướng”.
 
Chị Thanh tiếp lời:  “- Tội nghiệp Hữu. Bị tù trong Nam còn có ngày về, chứ ra Bắc thì coi như mút mùa lệ thủy.”

Tôi chưa nghe những chử này bao gờ nhưng cũng đóan được số phận bi thãm của chàng và khóc rưng rức. Chị Thanh kể những đau khổ, khó khăn chồng chất mà anh chị trải qua cho đến ngày vượt biên rồi qua Mỹ. Chị kết luận:

- Chị nói điều này em đừng buồn. Em phải lo cho em vì con gái chúng mình, thời xuân sắc qua nhanh lắm. 

*** 

Sau này có dịp nói chuyện với Peter, từng làm ở Bệnh Viện Qui Nhơn tôi mới biết tối 21-4 toàn bộ người New Zealand và gia đình, kể cả chồng hay vợ là người Việt, được hai chiếc Hercules cûa New Zealand Airforce chở qua Singapore, đem theo rất nhiều của cải, kể cả đồ cổ, bàn ghế, gốm sứ, tranh sơn mài,v.v...

Tôi đem hết các bộ áo tắm, son phấn, nước hoa vất vào thùng rác vì “Vắng chàng điểm phấn trang hồng với ai?”  Tôi vẫn cố gắng đi bộ dọc bờ biển, mỗi lần đi qua chổ Hữu và tôi nằm cạnh nhau hồi xưa tim tôi vẫn đau nhói. Tôi tự trách tại sao tôi không làm được như nhiều đàn chị bỏ ngang khoá học về với người yêu. Sao tôi cứ chần chờ không về Việt Nam sau ba năm học để thăm chàng? Rồi đầu năm 75 tôi đã có thể về nước, không cần đợi ngày lãnh bằng như Hữu đã từng làm. 

Cả Hữu và tôi đã lây nhiễm tai hại cái thói quen sống trong một xã hội yên bình của New Zealand. Hữu ngại tôi về Sài Gòn và Nha Trang mà chàng còn ở trên Pleiku, nhưng tôi đã có thể lên Pleiku thăm chàng, chẳng thà sống chết có nhau. Cả Hữu và tôi cứ đòi hỏi phải thỏa mãn hết các “điều kiện ắt có và đủ” mới hội ngộ, nhưng  những cơn lốc của thời cuộc đâu thèm đếm xĩa đến ai. Tôi cứ hối hận, tiếc nuối, băn khoăn đến gần phát điên. 

May mà anh Hoàng vẫn viết thư đều đặn cho tôi, kể chuyện học hành, làm việc. Nay anh đã sắm được xe hơi củ nên đi lại đở mất thì gờ. Anh Hoàng kể Hân đã đổi việc qua làm với Asian Development Bank (ADB) ở Manila.  Không lâu sau đó Cô Huyền điện thoại báo cho tôi biết Hân lại giúp gia đình một việc lớn. Anh ta ghé thăm mộ Mẹ tôi nhân một chuyến làm việc ở Đà Nẳng, gặp lúc chính quyền địa phương giải tỏa nghĩa địa Liên Chiểu. Hân gọi về Mỹ xin ý kiến và lo hết việc cải táng và đem tro cốt của Ba tôi từ Nha Trang ra an táng cạnh nhau ở trên chùa Linh Ứng, Ngũ Hành Sơn, “để hai Bác được ở bên nhau. Từ điểm đó có thể nhìn bao quát núi đồi của Thừa Thiên, quê hương của hai Bác”.

Cô Huyền đã gởi Hân tiền phí tổn nhưng Cô nói thêm: “- Chi phí thì dể hoàn lại, nhưng ân tình biết đền đáp sao đây. Tính Hân ít nói nhưng thật chu đáo tế nhị. Cô tiếc là không có đứa con gái nào để gả cho nó.”

Tôi xin Cô địa chỉ của Hân để gởi thư cám ơn nghĩa cử cao đẹp của Hân. Tôi xin lỗi hồi đầu năm vì phải về cho kịp ngày tựu trường nên không đi được cùng anh Hoàng đến thăm và cám ơn Hân đã lo lắng tận tình cho Ba tôi. Hân trả lời ngay: 
 
“Nhờ kinh nghiệm ở World Bank, tôi được cử làm Giám Đốc bộ phận cho các nước trong vùng vay. Việt Nam cũng xin vay hàng trăm triệu Mỹ kim nên tôi hay đi Việt Nam. Phi Luật Tân có hàng nghìn đảo, đẹp không thua Việt Nam. Có nhiều núi lửa đẹp như núi Phú Sĩ. Nhưng Manila còn nhiều khu ổ chuột. Họ không bị chiến tranh tàn phá mà sao nhiều vùng, nhiều người nghèo thê thảm.”

Trong một thư khác Hân kể về việc mua một biệt thự nhìn ra biển xa trung tâm Manila, để tiếp đãi đồng nghệp và bạn bè từ Mỹ sang: “- Giá nhà New York và Manila chênh lệch quá nên rốt cuộc tôi mua một biệt thự rộng không thua Tòa Bạch Cung bao nhiêu.  Qua đây tôi phải theo các đồng nghiệp: có đến ba người giúp việc, tài xế lo luôn vườn tược, một người nấu ăn hằng ngày và lo luôn nấu tiệc đãi khách, một bà dọn dẹp nhà cửa, giặt ủi áo quần. Tôi đâm lười việc nhà, mà mình muốn làm khác các đồng nghiệp cũng không được. Thôi thì cứ nghĩ đó là cách giúp cho người nghèo của Phi. 

Vùng Makati là trung tâm hành chính thương mại của Manila, đẹp và sạch sẽ không thua gì những thành phố Tây Phương, nhưng điều làm tôi sợ hãi là mỗi tòa nhà đều có đầy nhân viên security, mang đồng phục và súng M16 canh gác khắp nơi, tưởng như đang bảo vệ Tổng Thống Phủ. Chắc đã có rất nhiều vụ cướp xảy ra nên mới có cảnh như vậy.”

Hân hay đi Việt Nam, luôn được đón tiếp như thượng khách. Miền Bắc Việt Nam rất đẹp, nhưng đường sá và phương tiện giao thông còn thô sơ. Nhiều nơi chỉ có xe tốt như xe nhà nước mới đi được. Hân chụp nhiều ảnh gởi cho tôi, Vịnh Hạ Long, bãi biển Sầm Sơn, cảnh Lạng Sơn và Cao Bằng đẹp như chốn thiên thai. Hân chỉ tiếc không còn gặp ông Ninh để nói lời cám ơn, nghe nói ông đã về hưu.

Một chuyến đi thăm Hoàng Liên Sơn làm Hân nhớ mãi: “- Tôi không ngờ trên Sapa lại có một khu nhà nghỉ chính phủ sang trọng như thế, do Pháp xây để các quan thuộc địa Pháp lên nghỉ mát. Nay vẫn được giử gìn nguyên vẹn. Phong cách như vua chúa Âu Châu thời xưa. Chén bát, ly tách, dao nĩa tuyệt đẹp. Đầu bếp được đào tạo từ những nhà hàng sang trọng nhất Paris. Cả đời tôi chưa bao giờ được ăn ngon, uống rượu vang đắc tiền như vậy. E cả Chú James cũng không dám mua những loại rượu đó.”

Tôi thầm nghĩ anh chàng này khoe khoang phóng đại quá, không biết có ý gì đây?  Nhưng nhớ lại bộ mặt thật thà của Hân ngày đầu tôi gặp, tôi nghĩ có lẻ anh ta nói thật. Tôi cũng viết thư trả lời. Tôi gởi kèm những cảnh đẹp của New Zealand và mời xã giao Hân qua thăm New Zealand.

Không ngờ Hân gởi thư trả lời bằng đường bảo đảm và thượng khẩn. Tôi mở ra ngay lo sợ có chuyện gì xảy ra cho Hân. Hân viết nắn nót trên một tấm thiếp rất đẹp: “Tôi trân trọng mời Hạnh qua Phi Luật Tân làm chủ cái biệt thự quá khổ này. Nếu Hạnh nhận lời thì tôi là người hạnh phúc nhất trần gian. Còn không tôi vẫn là người may mắn, vì ngay từ giây phút gặp mặt, Hạnh đã mở mắt cho tôi thấy một thế giới kỳ ảo, ngoài cái thế giới bạc tiền, dự án khả thi, ngân sách, kiểm toán,… mà tôi vẫn hằng tưởng là mạch sống duy nhất của con người.”

Tôi bàng hoàng cả người. Bên tai tôi văng vẳng những câu “ở tù đến rục xương”, “mút mùa lệ thủy”, “tuổi xuân sắc chóng qua”. Sau sáu năm sống trong sự chờ đợi vô vọng với nỗi bi phẫn tột cùng, tôi nhận lời cầu hôn của Hân.

*** 

Cuộc sống ở Phi Luật Tân thật dể chịu. Tôi xin được dạy ở trường Quốc Tế dành cho người ngoại quốc hay người Phi giàu có. Với giọng Oxford tôi được học sinh và đồng nghiệp nể nang. Mỗi tuần chỉ dạy tám giờ. Chỉ tiền lương của tôi cũng đủ lo toàn bộ chi phí gia đình và khoảng hai ba chuyến du lịch Âu Mỹ, còn tiền lương của Hân để dành đầu tư vào các nhà ở vùng Remuera của Auckland. Hân thuê thêm hai người giúp, chị Hoa, lấy chồng người Phi Luật Tân từ lâu, để săn sóc bé Duyên và dạy cháu tiếng Việt. Anh tài xế bây giờ khỏi chăm lo vườn tược, vì phải lo đưa đón hai mẹ con và kiêm luôn bảo đãm an ninh cho biệt thự. Hân rất thích sưu tầm phong lan và đã mua lại bộ sưu tập khiêm tốn của người tiền nhiệm ở ADB. Nhưng tôi thay đổi vườn lan rất nhiều. Những loại hửu sắc vô hương đều lần lượt ra đi, tôi thêm những giống lạ khắp vùng Đông Nam Á, nhất là từ quê hương như Hoàng Thảo, Giáng Hương, Mỹ Dung, Quế Lan Hương, Nghinh Xuân, Dã Hạc,… . Mỗi lần đi Việt Nam về, Hân đều mang theo nhiều chủng loại đặc biệt của Việt Nam, đa số là quà tặng của các địa phương có dự án vay tiền ADB, nhất là từ rừng núi của Hoàng Liên Sơn, Nam Hà, Yên Báy...

Khi tôi không kham nổi, Hân tuyển một chuyên viên trồng trọt coi sóc vườn tược và vườn phong lan cho tôi.  Khi Cô Huyền nghe tôi có năm người giúp việc, Cô lắc đầu không tin nổi và lo xa làm sao tôi thích nghi với cuộc sống ở Mỹ hay New Zealand khi không còn người giúp việc nào. 

Đúng như Hân nói, tôi dể trở thành lười biếng, nếu tôi không chịu bỏ công chăm chút cho bé Duyên. Tôi kể những chuyện về Ông Bà Ngoại, về Cậu Hoàng, tuổi thơ của tôi ở Nha Trang, bạn bè thời sinh viên ở New Zealand, tập cháu hát những bài hay hát trong những đêm văn nghệ “Vietnamese Evening”.  Hân thường khen con biết nói sớm và nói rất rỏ ràng, không ngọng nghịu. Bé Duyên thích hát nghêu ngao suốt ngày. Nhiều khi tôi băn khoăn vì nó quá tra trắng, có phải vì bé Duyên gần gủi và quanh quẩn với tôi và chị Hoa mà biết quá nhiều chuyện, đánh mất tuổi thơ ngây vì không có bạn cùng lứa để đùa nghịch. 

Tôi nhập bọn với các bà vợ đồng nghiệp của Hân theo học khóa về đồ cổ rồi khóa nếm rượu vang. Tôi tìm tòi đọc các sách báo chuyên về đồ cổ và khám phá những bất ngờ thú vị như  cách đây cả ngàn năm, lụa Việt Nam rất được các bà phi của Tàu thèm muốn, chỉ khi được Hoàng Đế ân sủng mới được thưởng một tấm lụa “An Nam”. Gốm sứ Việt Nam thời Lý được các bảo tàng viện nổi tiếng trân trọng trưng bày.

Trong những chuyến đi thăm các nước Âu Mỹ, tôi lục lọi tìm mua đồ cổ hay mua các đợt rượu vang ngon. Tôi thích sưu tầm rượu vang vùng Bordeaux. Các lâu đài vua chúa hồi xưa trở thành nơi trử rượu tuyệt hảo, với nhiệt độ khoảng 12-13 độ C quanh năm. Dần dà tôi có một bộ sưu tập Premier Crus của Chateau Margaux, nhưng chỉ để chưng bày. Tôi thích nhất đi lang thang trong các trại rượu vùng Barossa Valley của Nam Uc, rộng ngút ngàn, dài hàng chục cây số, có cả phi trường trong trại để đón những “executive jets”. Những “bin” đặc biệt của Penfolds ngon không kém gì loại ngon nhất trên thế giới với giá vừa phải, đa số khoảng năm mươi đô la một chai, hiếm có chai nào trên một ngàn đô la. Thời gian gần đây vùng Blenheim cũng có những trại rượu vang danh khắp thế giới. Nhưng để uống và trử để dành, chúng tôi hoàn toàn trông cậy vào anh Phú, vị đàn anh ở Paris lâu năm, chụp ảnh rất nghệ thuật và rất sành rượu. Anh mua sớm những đợt rượu mà sau một thời gian ủ sẽ rất ngon, giá dể chịu chưa tới mười đô la một chai. Tôi gởi sẳn một số tiền để hằng năm khi anh Phú đi nếm khắp các trại rượu của Pháp, mua giúp thêm và để sẳn cho chúng tôi ghé nhận. 

Hân quen đi máy bay hạng nhất nên gia đình cũng phải chìu theo. Các hảng máy bay không có giới hạn hành lý cho người có vé hạng nhất, muốn gởi bao nhiêu hành lý kể cả hành lý cồng kềnh cũng được. Hân vui vẻ để tôi mua sắm và lo chuyện đóng gói cẩn thận. Dần dần cái biệt thự quá khổ ngày nào chỉ còn một phòng ngủ trống dành cho khách.

Thỉnh thoảng tôi cũng đi làm thông ngôn tình nguyện cho bệnh viện hay UNHCR giúp các thuyền nhân.  Biết đâu có cơ may nhận được tin về Hữu, nhưng suốt bốn năm nay tôi chẳng mảy may có được tin nào. Các viên chức UNHCR cho tôi biết những cuộc vượt biển của các thuyền nhân, một khi ra khỏi hải phận Việt Nam, chỉ hai phần ba đến bờ an toàn, có khoảng bốn trăm ngàn người bị thuyền chìm hay bị hải tặc Thái Lan giết. Có người đến được bờ sau những ngày bị lạc hướng, thuyền hư máy, hết nước uống, phải vất xác bạn đường xuống biển hay trong một trường hợp thương tâm, ăn thịt bạn đường để sống sót. Tôi lại cầu mong Hữu cứ ở yên trong tù, còn hơn phải chịu những cảnh thương đau và trở thành một con số thống kê của Liên Hiệp Quốc. Một hôm tôi lên tận trại tị nạn Bataan cách Manila khoảng 130 km để giúp UNHCR. Sau buổi làm việc, vị Tổng Giám Đốc, nguyên là một tướng lãnh quân đội Phi Luật Tân, sau khi cám ơn tôi, đã nói:

- Tôi rất cảm phục sự chịu đựng của các bạn. Theo những ước tính dè dặt nhất của cả hai bên chừng khỏang ba triệu rưởi người chết trong trận chiến, nếu kể cả số chết trên đường vượt biển và vì bom mìn sau chiến tranh, hơn bốn triệu người Việt đã bỏ mình. Cứ tính trung bình một người có năm người yêu thương họ, có thể nói hơn hai mươi triệu người để tang. Như vậy khoảng 50% các bạn chịu những vết thương trí mạng. Vậy mà tôi vẫn thấy những nụ cười trên gương mặt các bạn. Một dân tộc khác chắc đã bị suy sụp!

Hơn bốn triệu  người! Tương đương với toàn bộ dân số cùa New Zealand! Thật là  khủng khiếp và tôi tự hỏi, nếu Hữu chết, tôi có phải là một trong năm người khóc thương, hay Hữu không còn có ai thương tiếc?

Tôi nhớ lại lời ông Michelin từng mong ước: “Rồi hận thù sẽ qua đi”. Có lẻ ông, cũng như những người Kiwi tốt bụng ngây thơ, không thấy được nỗi thù hận sâu sắc giữa một số người Việt Nam ở nhiều phe phái tranh quyền đọat lợi suốt gần nữa thế kỷ qua. Nếu lịch sử nước mình là điều gợi ý, chắc phải cần ba thế hệ, khoảng một trăm năm, mới “mong sẽ quên chuyện non nước mình”!

*** 

Hân hay đi Việt Nam, cứ nhắc hai mẹ con đi cùng một chuyến cho vui. Phía Chính Phủ Việt Nam cũng mong tôi đi cùng Hân để họ có dịp “chiêu đải Giám Đốc Phu Nhân”. Lần nào tôi cũng lắc đầu quầy quậy và bảo: “- Anh còn nhớ lời Ba em dặn không? Khi nào anh chắc chắn là lời trối trăng của Ba em đã được đáp ứng thì mẹ con em sẽ tháp tùng anh.” 

Hân đành lắc đầu chịu thua. Bù lại, các anh chị từng học ở New Zealand hay ghé thăm chúng tôi. Năm ngoái, tôi mùng rỡ nghe chị Vân và chị Ngọc ghé thăm trên đường về Việt Nam. Hai chị là những người ở ngoại quốc đầu tiên về thăm theo diện du lịch, thật ra để thăm cha mẹ quá già yếu. Hân đang ở bên Tàu theo công việc của ADB. Tôi ra phi trường đón hai chị. Vừa vào nhà bé Duyên đã chạy ra chào:

- Thưa Mẹ mới về. Thưa Bác Vân, thưa Bác Ngọc. Mời hai Bác vào chơi.

Toi cũng không ngờ con mình nhận được các chị qua những ảnh chụp hồi xưa ở New Zealand, dầu hai chị có đổi thay. Chị Vân khen:

- Cháu giỏi quá. Cháu bao nhiêu tuổi rồi, tên cháu là gì?

- Dạ. Con tên Phạm Đăng Hồng Duyên. Con được ba tuổi.

Chị Vân buột miệng: “- Mới ba tuổi mà ăn nói lưu loát, mồm miệng lém lỉnh giống Hữu quá!”
Tôi giật thót cả người. Chị Ngọc nói ngay: “- Chị mắc bệnh hoang tưởng rồi. Hai đứa xa nhau cả chín năm rồi.” Tôi lại giật mình, mới đó mà đã chín năm từ ngày tôi tiển Hữu về nước! Sharon đã lập gia đình và có hai cháu bé. Tôi chua chát nghĩ thầm, thế là không còn ai quan tâm đến những đám mây đen đang bủa vây quanh đời Hữu!

- Con nghe Mẹ con kể Bác và Cậu Hữu hát hay lắm. Bác hát cho con nghe bài Tà Áo Xanh nha.
- Hồi xữa hồi xưa chứ bây giờ Bác bị bể giọng hết rồi. Để Bác tập lại, lần sau Bác hát cho con nghe.

Tôi phải chen vào: 

- Con ra chơi với Dì Hoa đi, để cho hai Bác đem hành lý vào phòng.

 Có hai chị ở chơi, tôi như được sống lại thời con gái. Bé Duyên thì coi hai chị như bà con lâu ngày chưa gặp, quanh quẩn bên chúng tôi, thỉnh thoảng lại chen vài câu vào câu chuyện hay cất tiếng hát. Chị Ngọc tâm sự: “- Mấy năm nay tờ Bảy Ngàn Dặm đã lập được danh sách với hầu hết chi tiết liên lạc của các exKiwis, nhất là những người đã về Việt Nam. Chỉ có hai người, anh Quốc của nhóm trước chị và Hữu. Anh Quốc bị động viên trước cả Hữu và dạy Kinh Tế Chính Trị trường Võ Bị Đà Lạt, anh  bị đưa  từ nhà tù này qua nhà tù khác, rốt cuộc chuyển ra Bắc, nhưng nghe mới được thả và đã về Sài Gòn. Nhưng Hữu thì không biết lưu lạc ở đâu, em có tin gì không?” 

Tôi cố nén khóc, lắc đầu.

Chị Vân về lại Mỹ trước liền gởi một máy Sony Walkman cho bé Duyên cùng nhiều băng nhạc của các danh ca miền Nam trước 75. Chị Vân kể chỉ có chị Ngọc đi thăm nhiều thắng cảnh còn chị suốt ngày ở bên cha mẹ. Mẹ chị cho chị một vòng ngọc cẫm thạch. Hôm ra phi trường, chị phải để lại cái vòng gia bảo cho người em vì “nó là di sản văn hóa của đất nước”, không cho đem ra khỏi nước. Mỗi người chỉ được đem nhiều nhất một khâu vàng một chỉ! Chị Ngọc về Mỹ sau chị Vân và tôi không nghe tin gì cả.

Bé Duyên thì suốt ngày đeo cái Walkman bên người, tay ôm con gấu Koala lông trắng môi hồng, miệng hát ông ỗng theo các danh ca. Nhìn con mà lòng tôi xúc động đến ứa nước mắt. Sao tôi không có niềm say mê như nó, nhất là không có bền lòng chờ đợi! 

*** 

Chúng tôi hay về thăm New Zealand, các viện đại học hay mời Hân nói chuyện cho các lớp của văn bằng MBA bắt đầu rất được ưa chuộng, nhiều môn học do các doanh nhân, người quản lý ngân hàng, công ty giảng dạy. Hân rất thích cảnh thanh bình và xã hội bình đẳng, cơ hội thăng tiến đồng đều cho mọi người của New Zealand. Hân thường nói “- New Zealand là nước theo Xã Hội Chủ Nghĩa hiện thực, Việt Nam và Trung Cọng là những nước Xã Hội Chủ Nghĩa LýThuyết.” Hân cũng bắt đầu thấy chán các chuyến công tác về Việt Nam. Hầu như không có thắng cảnh nào mà Hân chưa được hướng dẩn đi xem. Bé Duyên đã vào tuổi đi mẫu giáo. Tôi cũng muốn con về học ở New Zealand, sống bình thường với bạn bè cùng lứa. Hân cũng đồng ý và khi Đại Học Auckland thông báo tuyển giáo sư dạy chương trình MBA, Hân cặm cụi làm hồ sơ và được nhận. 

Mấy tháng nay tôi bận rộn gói ghém đồ đạc gởi tàu thủy về New Zealand. Chúng tôi phải đòi lại hai căn nhà đang cho thuê, một để ở, một để chuẩn bị đón bộ sưu tầm đồ cổ và rượu vang, trong lúc chờ tìm mua hay xây mới một biệt thự đủ lớn có hầm rượu vừa để ở vừa triển lảm kho đồ cổ, không quá đồ sộ và hợm hĩnh như “Toà Bạch Cung” này. Có lẻ tiền bán biệt thự Hân mua cũng đủ cho ngôi nhà mới, còn nếu không tôi cũng không chần chờ bán luôn hai căn nhà ở Remuera, vì tôi cũng không muốn mất thì giờ và bận tâm về chuyện nhà cho thuê. Hân vẫn thường nói chỉ quen quản lý ngân sách hằng trăm triệu đô la trở lên, còn chuyện nhà cửa hoàn toàn để tôi quyết định vì Hân không giỏi bằng.

 Biệt thự và vườn lan đã được người kế nhiệm Hân thỏa thuận mua. Chiếc xe để lại cho anh tài xế với giá tượng trưng, gọi là đền đáp tình nghĩa anh đã săn sóc gia đình tôi suốt từ ngày Hân nhậm chức ở ADB. Ngày mai anh sẽ cho chúng tôi ra phi trường và về giúp chị Hoa chở các đồ đạc về nhà chị và giúp quét dọn biệt thự, sẳn sàng đón chủ mới. Các người giúp việc khác đang về thăm gia đình và sẽ tiếp tục làm việc với gia đình người kế nhiệm Hân. Chúng tôi tặng chị Hoa đồ đạc trong phòng chúng tôi và phòng bé Duyên cùng chén dĩa, soong chão.

Hôm nay Hân đem accompanied luggage đến trạm Qantas gần phi trường Manila gởi trước. Tôi cũng đã rút một ngàn đô la Mỹ để tiêu vặt dọc đường và ghé Sydney. Tôi để phong bì đựng tiền trên bàn làm việc.  Sáng nay tôi vào uống trà từ biệt các đồng nghiệp. Ăn trưa xong tôi định nằm nghĩ với con thì Hân gọi về bảo tôi tối nay có khách quý từ Việt Nam sang, năn nỉ tôi đải khách để có dịp trò chuyện lâu hơn. Tôi đoán khách là Ông Thứ Trưởng Ninh có dịp ghé Manila nên vui vẻ dặn Hân ăn trưa nhẹ để bụng ăn tối với khách. Tôi cũng muốn gặp Ông Ninh để cám ơn vị ân nhân của gia đình.
 
Mình nên nấu gì đây? Ông Cụ chắc cao tuổi rồi, thịt bò tăng áp suất máu, không được! Các món đồ biển thì Việt Nam có thua gì Phi Luật Tân đâu.  Ông Cụ đã từng học ở Pháp nhưng chắc mấy chục năm nay ít ăn các món Pháp. Thế là tôi chọn nấu theo lối Pháp.  Jane dạy tôi tường tận món thịt cừu “Cotelettes d’Agneau champ vallon”, nhưng món này nhiều cholesterol quá, không hợp với người lớn tuổi. Vả lại người Việt sợ mùi thịt cừu hơn sợ bệnh dịch. “Chicken and Truffles vol-au-vent” cần nấm truffles, tôi ngại tìm gấp quá không có. Rốt cuộc tôi chọn món “Carré du Porc rôti”, chỉ sợ món này nấu mất hai giờ và rất mất công. Càng hay, vì trong khi chờ đợi tôi có thể làm món tráng miệng “Bombe Ahlambra” hợp với xứ nóng và đang vào mùa dâu tây. 
 
Tôi dục chị Hoa lấy xe gắn máy cho tôi mượn đi siêu thị mua sắm. Tôi nhớ Ba tôi hay thích uống Dubnonet để khai vị, cố tìm mãi mới mua được. Về đến nhà chị Hoa và tôi cặm cụi làm. Vừa chuẩn bị cho thịt heo vào lò thì đã nghe tiếng bánh xe hơi lăn lạo xạo trên đường sỏi. Tiếng bé Duyên vọng vào:

- Thưa Ba mới về. Cháu thưa Ông. Mời Ông vào nhà!

Một giọng khàn khàn đáp lại: “- Cháu ngoan quá”.

- Mẹ đâu rồi con?

- Dạ, Mẹ ở trong bếp làm liền tay.

- Xin lỗi. Nhà tôi đang bận nấu ăn. Chút nữa rồi chúng ta gặp nhau. 

Rồi Hân nói:

- Con vào bếp phụ Mẹ một tay nghe. Mời anh ngồi.

Toi thầm nghĩ, chắc Hân hay về Việt Nam nên quen gọi người cao tuổi là anh. Chử “Bác” chỉ được dùng cho một vài vị đứng đầu cả nước.                                                                                                                         
Hân đưa khách vào phòng khách nói chuyện. Tôi nghe một giọng Hà Nội xưa, nghe rất quen thuộc nhưng khàn khàn có lẻ vì Ông Ninh đã cao tuổi. Tôi bận liên hồi nên chỉ nghe tiếng được tiếng mất. 

- Cám ơn Ông Giám Đốc đã ưu ái mời tôi về nhà. Nhà rộng và đẹp quá!

- Ngày mai đã giao cho chủ mới vì chúng tôi về New Zealand.

Tôi bảo chị Hoa đem chai rượu Dubonet và các món khai vị ra phòng khách, rồi giao cho chị chuẩn bị các thứ rau, cà rốt, khoai tây trong lúc tôi làm món tráng miệng. Món này lấy tên của một lâu đài nổi tiếng ở Cordoba, Tây Ban Nha, kinh đô của vương quốc Hồi trước thời Phục Hưng. Tôi mãi lo theo dỏi món thịt nướng trong lò, quên hẳn câu chuyện ngoài kia:

- Tiếc quá chị Helen không đi cùng với chúng ta.

- Vâng, Helen còn phải giao các món hàng các bạn nhờ mua rồi lo cơm nước cho gia đình. Hằng ngày hai đứa tôi được cử đi mua lương thực cho mọi người. Hôm nay quá nhiều người nhờ mua giúp, nếu không gặp được Ông Giám Đốc cho quá giang thì không biết làm sao mà mang về hết được.

- Có chi đâu, tôi cũng đi cùng đường. Nhờ vậy tôi mới gặp được người quen biết Ông Ninh.

Tiếng Hân nói tiếp:

- Tôi làm việc với Ông Cụ một thời gian, cách đây cũng đã năm sáu năm rồi. Cụ là ân nhân của gia đình nên tôi rất mong biết tin tức. Khi gặp anh, chút xíu nữa tôi kêu lên mừng rỡ vì anh giống Ông Thứ Trưởng quá, đương nhiên là trẻ hơn nhiều.

- Ông là thân sinh của tôi, đã không gặp hơn ba mươi hai năm.

- Chèng đéc ơi! Hèn chi! Tôi thật may mắn. Ông Cụ đang ở đâu?

- Ông ở vùng quê của Phú Thọ. Ông đã về hưu, đúng hơn là bị cách chức!

- Sao lạ vậy! Tôi thấy Ông là một nhà ngoại giao xuất sắc, kiến thức rất uyên bác, tính tình đôn hậu.

- Chuyện dài lắm. Trước đây tôi cũng nghĩ vậy, nhưng anh cũng biết câu thơ trong Truyện Kiều “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen” mới chỉ là một nửa câu chuyện đời. Vào thời loạn ly đảo điên thì người đàn ông cũng bị đời vùi dập nếu mình là “Wrong man at the wrong place at the wrong time”. 
- Cuộc đời của anh chắc cũng nhiều gian truân.

- Đúng ra là nhiều cuộc phiêu lưu ngoài ý muốn và mong đợi của mình. Không nói dối gì anh tôi bị đi học tập cải tạo mới ra khỏi tù gần hai năm thôi.

- Tôi tưởng anh ở miền Bắc trước 1975.

- Tôi sinh ở Hà Nội nhưng được người Dì nuôi từ nhỏ rồi theo bà vào Sài Gòn từ lúc chưa lên một tuổi. Tôi tưởng cha mẹ đều chết, nhưng cha tôi không bị lính Pháp bắn chết như Dì tôi kể mà bị tù. Tôi cũng chỉ mới biết mới đây thôi.

Rồi người khách kể cho Hân chuyện đời mình. Tôi bận lo nấu hai ba món ăn nên lại càng không nghe rõ ràng câu chuyện giữa hai người.

- Ngay sau 30-4 tôi bị đưa ra các nhà tù miền Bắc. Hồ sơ buộc tội tôi nhấn mạnh: “Đối tượng di cư vào Nam từ nhỏ, lớn lên trong gia đình Ngụy Quyền cấp cao. Đươc Ngụy Quyền gởi đi đào tạo ở Tân Tây Lan, một nước chư hầu của đế quốc Mỹ, đặc biệt được tạo điều kiện học thuận lợi, tốt nghiệp rất nhanh và đươc Đại Sứ Quán Ngụy Quyền ở Oe-lin-tơn biệt phái về gấp để hổ trợ Tướng Ngụy Quân Tư Lệnh Vùng 2 Chiến Thuật đánh phá Cách Mạng quyết liệt. Đối tượng mang vỏ bọc Thiếu Úy, làm Ca Sĩ trong ban nhạc Quân Đoàn 2, rồi Sĩ Quan Tùy Viên kiêm Sĩ Quan Cận Vệ nhưng thực chất là làm Quân Sư cho Ngụy Tướng”. 

Câu chuyện dài lắm. Tôi cũng tưởng phải ở tù suốt đời vì họ cứ tra hỏi tôi đã bày mưu tính kế gì cho Tướng Văn. Nhưng ở đời thật kỳ lạ, chính cái tật thích hát hò của tôi đã bắt đầu một phản ứng dây chuyền của một chuổi bất hạnh, lại giúp tôi nhẹ tội. Sau nhiều năm soi mói những bản lý lịch phải viết hằng tháng, họ thấy tôi chẳng có tài cán quân sự gì cả, cũng chẳng được ai thăm nuôi, lại tập được cho các bạn tù hát những bài nhạc xanh hoặc đỏ được cho phỗ biến, như bài Hồng Hà, Bạch Đằng Giang, Anh Vẫn Hành Quân,… nên họ bớt làm khổ tôi. Những hôm vào rừng vắng đẵng cây, các lính gác tù còn yêu cầu tôi hát những bản nhạc vàng ướt át cho họ nghe. Vậy mà cũng hết sáu năm sống chỉ biết ngày hôm nay và quên hết họ tên, biết mình chỉ qua một con số, con số tù.

Hân chen vào:

- Tôi về Việt Nam thấy ở chợ trời miền Bắc bán nhan nhãn sách báo in ở miền Nam trước 1975. Còn nhạc vàng thì nghe khắp xóm.

- Ấy! Sự đời oái ăm thế đấy! Khi ra tù tôi về Nha Trang tìm gia đình người bạn thì nó đã thành Trụ Sở Ủy Ban Nhân Dân Phường, người trong nhà đã tan đàn xẻ nghé, hàng xóm không biết họ trôi dạt về đâu. Tôi tìm đến người Chú quen ở Nha Trang Thành tá túc, một phần cũng muốn dò la tin tức gia đình người bạn, một phần gia đình Dì Dượng tôi đã di tản qua Mỹ rất sớm trước 30-4 nên tôi về Sài Gòn cũng chẳng biết ở đâu.

- Vậy sao anh chị lại ở trại PRPC của UNHCR?

- Chúng tôi chờ thủ tục và chuyến bay đi Mỹ. Ấy! Xin lỗi Ông Giám Đốc, tôi quên kể chuyện về Bố tôi. Số là tôi nương nhờ Chú Ngân một thời gian  thì Helen đem một vài bạn đến xin học Anh Văn để chuẩn bị đi Mỹ. Nhà Helen cùng xóm nên biết tôi dạy các con của Chú Thím. Thế rồi chúng tôi thành hôn và tìm về quê thăm Mộ Bà Nội và Mẹ tôi trước khi rời nước. Hai người bị lính Pháp giết năm 1949. Cũng nhờ vậy mới gặp lại được Bố tôi. Thật không ngờ!

Chắc Ông Giám Đốc về miền Bắc cũng biết phương tiện giao thông công cọng chẳng có bao nhiêu. Từ Hà Nội phải mất công dò hỏi chúng tôi mới mò được về quê cha đất tổ, hỏi thăm ra được nơi chôn cất người thân. Helen và tôi đang đặt lễ vật và thắp hương khấn vái thì một Ông Cụ nhà quê đi đến. Nhìn Ông Cụ rất quắc thước tuy áo quần không lành lặn. Helen còn nói nhỏ vào tai tôi sao tôi giống Ông Cụ quá. Ông đứng xa xa, đợi chúng tôi vái xong mới tiến lại hỏi:

- Xin lỗi anh chị. Tôi hỏi điều này không phải. Anh chị quen biết thế nào với hai người nằm dưới này?

- Dạ vâng. Đây là Mộ Bà Nội và Mẹ của cháu ạ.

Nghe đến đây Ông Cụ choáng váng mặt mày rồi ngất xĩu. May Helen có đem theo chai dầu xanh liền xức dầu vào mũi và đánh gió màng tang cho Ông. Ông tỉnh lại mếu máo:

- Có phải con tên là Cu Nhớn không? Bố đây, Bố của con là Lê Thiện Ninh đây.

Tôi lặng cả người. Cu Nhớn là tên cúng cơm của tôi, chỉ có Dì tôi biết. Người cha mà tôi nghe Dì kể đã chết từ hồi tôi mới đầy tháng, không biết chôn ở đâu vẫn còn sống sờ sờ trước mắt tôi. Thật là một cuộc kỳ ngộ. Tôi ôm chầm lấy Ông, nước mắt ràn rụa:
 
- Con là Cu Nhớn đây. Từ lâu, con tưởng Bố chết rồi.

Helen chưa nghe tên Cu Nhớn bao giờ nhưng nhận ra ngay Ông đúng là cha chồng, vui vẻ thưa Ba ngay.

 Bố tôi đưa chúng tôi về nhà gần đó, mới đến đầu ngỏ Bố tôi kêu toáng lên:

- Bà ơi! Con Hà đâu? Ra gặp anh Cu Nhớn và chị dâu này!

Một người phụ nữ trông rất giống Dì tôi chạy ra, theo sau là một cô gái chừng mười lăm tuổi, núp sau lưng Mẹ vì thấy người lạ.

- Đây là Anh Cu Nhớn, đứa con tôi tìm gần ba mươi năm nay. Đây là Helen vợ mới cưới của anh.
Helen nhanh nhẫu:

- Thưa Mợ. Con tên Lơn. Chúng con chưa được phép Ba Mợ mà đã thành hôn rồi. Ba Mợ tha lỗi cho chúng con.

- Chị đừng ngại. Ngộ biến thì phải tùng quyền. Đây là kế mẫu của con, Mợ Loan. Còn đây là em Hà. Lại chào anh chị đi con!

Hà lí nhí thưa anh chị, nhưng chắc chưa qua được cơn sốc. 

Mợ Loan mời chúng tôi vào nhà, Hà đun nước pha trà. Suốt hơn nữa ngày cả nhà kể cho nhau nghe chuyện của hơn ba mươi năm.

Mợ Loan nói:

- Lạy Trời Phật. Từ khi về làm bạn với Ông nhà, cũng gần hai mươi năm rồi, đêm nào tôi cũng khấn vái Trời Phật phù hộ cho Ông tìm được anh. Đúng là ăn hiền ở lành thì có ngày đoàn tụ. Ông ở tù đến 1954 mới được thả ra, đến Phố Hàng Đào tìm dinh nhà họ Trịnh hỏi tin Dì anh thì họ đã vào Nam từ lâu. Khi gia đình ta gặp nạn thì anh mới đầy tháng, Bố Mẹ chưa kịp làm giấy khai sinh, chỉ mới có tên cúng cơm. Sau 1975 Ông vào Sài Gòn tìm bên ngoại của anh thì nhiều người biết nhưng họ bảo đã đi Mỹ lâu rồi. Vì không biết tên khai sinh của anh là gì nên chịu không thể dò hỏi tiếp. 

- May mà Dì con hay kể chuyện gia đình nên con biết tên Bố và tên cúng cơm của con. Mà sao con thấy Mợ trông quen quá. Có phải Mợ cũng họ Trịnh?

- Không phải, tôi họ Nghiêm. Họ Nghiêm cũng nổi tiếng ở Bắc Hà nhưng không bì với họ Lê và họ Trịnh được.

Hà chăm chú lắng nghe, bây giờ mới xen vào:

- A! Con biết rồi! Khi Bố muốn lập gia đình, Bố đi tìm người giống Mẹ Cả vì Bố không quên được người vợ xấu số. Có phải vậy không Bố?

- Chà! Cô em tôi nói đúng chóc.

Rồi tôi kể cho gia đình nghe chuyện lưu lạc của tôi. Khi biết tôi ở tù khắp các trại miền Bắc, từ Hoàng Liên Sơn, qua Yên Bái, Nam Hà, hơn sáu năm. Hà kêu lên:

- Tội nghiệp anh, các nơi ấy đâu có xa nhà ta mà không biết để đi thăm nuôi anh.

Nói xong Hà chạy qua chen vào ngồi giữa tôi và Helen. Chúng tôi vòng tay ôm Hà. Helen nói ngay:

- Hà giống anh ghê, nhưng làn da đẹp hơn.

Tôi nói đùa: “- Làm sao không giống khi Bố anh giống Bố của Hà, Mẹ anh giống Mẹ của Hà.”
Helen tiếp lời:

- Được gặp Ba Mợ và em Hà xinh đẹp thì con cũng không ngại ở tù.

Mợ Loan ngắt lời Helen:

- Nếu ở tù khỏe như dạo mát Hồ Gươm và làm cho hai bố con gặp nhau sớm hơn thì tôi cũng tình nguyện ở tù với chị.

Tôi hỏi chuyện Bố tôi từ ngày bị bắt. Ông bảo:

- Khi Bố bị dẩn đi, không dám nói một câu tiếng Pháp vì lính Pháp sẽ thả mình ra ngay, nhưng tối về nhà Việt Minh sẽ chặt đầu bằng mã tấu, nên Bố giả làm người nhà quê. Bị mấy thằng lính Sénégal tra tấn, đá vào mồm gảy mấy cái răng, rồi bị tống vào tù ở Hà Nội, cũng hơn năm năm. Trước ngày Việt Minh tiếp thu Hà Nội mới được Pháp thả ra. Chính PhủViệt Nam Dân Chủ Cọng Hòa cũng trọng dụng những người học ở Pháp về, nên dần dần Bố cũng được giao chức Thứ Trưởng phụ trách các nước Tư Bản. Năm 1977 Bố sang Mỹ làm việc với World Bank xin vay sáu mươi triệu đô la Mỹ để xây các công trình thủy lợi, tưới tiêu cho đồng ruộng.

Hà liến thoắng xen vào:

- Thế mà Bố em bị kỷ luật đấy. Hôm em ra phi trường Gia Lâm đón Bố từ Mỹ về, gặp Ông Đức, Bí Thư Đảng Ủy Bộ Ngoại Giao, sắp lên máy bay đi Liên Xô. Ông bắt tay Bố, giật liên hồi và nói:

“- Đảng ủy đánh giá cao thành công của đồng chí. Vay được sáu chục triệu đô la là ta đã bước đầu làm thất bại âm mưu phong tỏa kinh tế của Đế Quốc Mỹ. Đi công tác về, tôi sẽ đề nghị với các anh đưa anh vào cơ cấu trung ương.” 

Thế mà chỉ một tháng sau, khi Đại Hội Đảng Bộ Ngoại Giao họp để dề cử đại biểu dự Đại Hội Đảng Toàn Quốc, ông Đức phát biểu:

“- Các đồng chí đều biết đồng chí Ninh được ta giác ngộ trong tù. Tuy đồng chí xuất thân từ gia đình quan lại, đi học ở Pháp nhưng Đảng ta vẫn tin dùng giao nhiều trọng trách. Chắc các đồng chí, nhất là các đồng chí gốc Nam Bộ, vẫn cho rằng đồng chí Ninh đóng góp phần quyết định trong việc vay vốn của Ngân Hàng Thế Giới. Thật ra cơ sở của ta ở Niu-Oóc báo cáo sau vụ khủng hoảng dầu hỏa, các nước Á Phi không dám vay tiền để phát triển, Ngân Hàng Thế Giới không cho ta vay thì cũng chẳng biết cho ai vay.

 Tôi có nhận báo cáo bên Công An, ngay sau khi Miền Nam được giải phóng, đồng chí Ninh liên lạc với tàn dư của Mỹ Ngụy ở Thành Phố Hồ Chí Minh. Mới đây đồng chí còn tạo điều kiện cho người nước ngoài thăm viếng một điệp viên CIA đang học tập cải tạo ở Đồng Nai. Cha mẹ tên này thuộc thành phần phong kiến, địa chủ, Việt Gian phản động, bị ta xử lý trong Phong Trào Nam Kỳ Khởi Nghĩa.”

Rồi ông ta cất cao giọng nói tiếp:

“- Đảng ta đang bước vào một nhiệm vụ lịch sử mới: Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên Chủ Nghĩa Xã Hội không thông qua Tư Bản Chủ Nghĩa. Các đảng viên phải nắm vững lập trường chuyên chính vô sản. Đồng chí Ninh đã thiếu kiên định lập trường, chưa từ bỏ lối suy nghĩ của thành phần trí thức tiểu tư sản để một lòng một dạ theo Đảng cho đến cùng. Chúng ta không thể tùy tiện đề cử bất cứ ai vào cơ quan đầu nảo của Đảng.”

Như được bật đèn xanh, những đồng chí của Bố lần lượt kể hết các khuyết điểm của Bố, phần đông cũng có thể nói thành ưu điểm nếu gió thuận chiều.  Kết quả là Bố mất luôn chức Ủy Viên Dự Khuyết Trung Ương Đảng và thuyên chuyển qua Ủy Ban Phụ Trách Kế Hoạch Dân Số. 

Hân chen vào:

- Nhưng người nước ngoài đó chính là tôi, còn điệp viên CIA sau này là nhạc phụ của tôi. Tôi nhớ ông Thứ Trưởng luôn xin phép cấp trên trước khi làm những chuyện đột xuất.

- Tôi cũng không rỏ, nhưng ông Giám Đốc chắc đã nghe câu “Khi thương trái ấu cũng tròn, khi ghét trái bồ hòn cũng méo”. Bố tôi tiếp lời em Hà:

- Ngày tiếp theo, khi Ông Bộ Trưởng đưa văn thư điều động cho Bố, Ông cũng lớn tiếng nói: “- Đảng rất quý kiến thức uyên bác của đồng chí nên tôi phải để cho đồng chí qua giúp công tác kế hoạch dân số. Đây là khâu then chốt trong thời kỳ quá độ lên Chủ Nghĩa Xã Hội.” Sau khi nhắc ông Bí Thư văn phòng qua phòng bên pha bình trà, Ông nói nhỏ: “- Từ nay anh em mình khó gặp nhau. Anh phải hết sức cẩn thận. Thà mất chức hơn mất mạng.”

Hà nói nhỏ giọng lại:-

- Anh chị chắc chưa bao giờ nghe câu thơ dân gian nói về Kế Hoạch Dân Số:

“Ngày xưa Đại Tướng công đồn
Ngày nay Đại Tướng…

Mợ Loan trừng mắt nhìn con gái. Hà bịt miệng rồi nói “- Câu sau tục lắm, em phải nói nhỏ cho anh chị thôi.”  Hà châu đầu vào đầu chúng tôi thì thầm: “- Ngày nay Đại Tướng khóa tay chị em.”

Helen không hiểu gì hết, nhưng tôi thầm phục cô em biết giử cái thanh lịch của người Hà Nội xưa.

 Tôi phá lên cười. 

Bố tôi không nói nhưng cũng cười đồng tình và tiếp lời Hà: “- Khi Bố qua nhận việc ở Ủy Ban, bàn giấy cũng không có, chẳng được giao việc gì cả, cứ ngồi đọc báo Nhân Dân và uống trà cả ngày. Cứ vậy suốt một tuần, tuần tiếp theo Bố cáo ốm rồi nộp đơn xin về hưu non.” 

- Thế là Bố Mẹ em trả nhà ở Khu Tập Thể đường Đội Cấn, rồi về quê dựng nhà trên mảnh dất của tổ tiên. Em cũng nghỉ học phụ Mẹ em nuôi lợn.

Helen đồng cảm, nói: “- Tội nghiệp cho em, phải xa các bạn học ở Hà Nội.”

 Nhưng Hà chẳng tiếc gì cả:

- Em về nói chuyện với mấy con lợn còn hơn nói chuyện với tụi bạn, phải giử mồm giử miệng suốt ngày.

Mợ Loan cũng đồng ý:

- Như anh chị thấy đấy, nhà tranh vách đất, nhưng thoải mái. Chứ hồi ở Hà Nội ngày nào tôi cũng lo sợ vì cái mồm của cái con bé này.

Bố tôi kết luận: “Đúng là lắm chuyện bể dâu, nhưng nhờ về đây ở cha con mới gặp nhau, còn không thì chắc phải đợi đến kiếp sau”.

Hân cắt ngang: “Tôi thì chịu không sống như vậy được. Bác về quê thì như “Ngọa Hổ Tàng Long”.

 Trong những lần về Việt Nam, tuy tôi ít khi được tiếp xúc với dân chúng nhưng đến địa phương nào cũng gặp nhiều người giỏi nhưng không được dùng. Uổng thật!”

 - Tối hôm ấy, Bố tôi thắp hương khấn vái trước bàn thờ rồi bảo tôi và Helen cùng vào lạy ra mắt tổ tiên. Mợ Loan vái sau cùng, xong Mợ lấy trên bàn thờ một hộp nhỏ, trịnh trọng đưa cho Bố tôi. Ông kêu Helen đến trước mặt Ông Bà và bảo:

- Hai con thành hôn mà Bố và Mợ không có mặt cũng là vì hoàn cảnh đặc biệt của gia đình. Giòng họ ta có chiếc nhẫn gia bảo truyền từ đời này qua đời khác đã hơn năm trăm sáu mươi năm. Nay Ba Mợ trao lại cho Helen đeo chiếc nhẫn và giử gìn rồi trao lại cho con dâu trưởng của con. 

Mợ Loan mở hộp ra, lấy chiếc nhẫn nhỏ đeo vào tay Helen. Helen cảm động khóc thút thít.

Trước khi ngủ, Helen đem chiếc nhẫn ra săm soi. Bên ngoài thì cũng tựa như những chiếc nhẫn vàng diệp một chỉ, nhưng bên trong lòng chiếc nhẫn có khắc hai con rồng đang tranh một hòn ngọc, nét khắc họa rất tinh vi. 

Những ngày sau tôi phụ Bố tôi sửa những chổ rách nát của nhà và chuồng heo. Helen giúp Mợ Loan nấu cám heo. Hà tấm tắc khen:

- Chị học ai mà cũng biết xắt chuối, nấu cám heo thế!
 
- Chị vừa mới học em chứ học ai. Nhưng mà chị khuyên em, việc gì lao động chân tay cũng dể học nếu mình để ý và chú tâm. Nhưng học chử thì càng lớn tuổi càng khó học. Em cứ trở lại trường học, ít nhất cũng tốt nghiệp trung học rồi mới nghỉ. Mà phải giử gìn lời ăn tiếng nói cho hợp với hoàn cảnh mình đang sống.

Khi rảnh rỗi Hà cứ đòi tôi tập hát những bài hát tiền chiến và những bài tình ca miền Nam, rồi cả ba anh em cùng hát vang nhà.

Chúng tôi ở với gia đình chưa đến một tuần rồi phải về Sài Gòn để chuẩn bị đi Mỹ qua đường Bangkok rồi Manila. Bố tôi đưa chúng tôi về Hà Nội. Mợ Loan và Hà bịn rịn chia tay. Hà chạy lại ôm Helen:

- Em nghe lời anh chị sẽ xin đi học trở lại. Gì rồi chúng ta sẽ còn gặp nhau. Nhất định gia đình ta sẽ có ngày đòan tụ.

Đến Hà Nội Bố tôi đưa chúng tôi đi thăm một vài danh lam thắng cảnh. Tôi rất thích Chùa Một Cột đã gần nghìn năm. Hôm vào Văn Miếu, trong khi tôi nhìn các bia Tiến Sĩ thì Helen kêu rối rít lại xem cuốn sách của Chu Văn An.

- Nè! Anh lại coi chử viết của Ông. Em chẳng biết một chử Hán, nhưng thấy Ông viết như phượng múa rồng bay. Phải gọi là thần bút.

Rồi Helen quay qua nói với Bố tôi:

- Vào đây rồi con mới thấy hãnh diện là người Việt Nam.

Bố tôi cười đồng tình và bảo tôi:

- Gia đình ta có phước lắm mới có được con dâu như Helen, anh phải cư xử với chị cho xứng đáng.
Lần đầu tiên từ khi gặp đầu ngỏ, hôm nay tôi mới thấy nét mặt Helen rạng rỡ như vậy.

Helen ngỏ ý muốn thăm chợ Đồng Xuân. Bố tôi và tôi ngồi uống trà cúc ở một quán nhỏ gần chợ. Trà cúc nóng với đường nâu là thức uống bình dân của người Hà Nội, rất hợp với cái lạnh sũng gió heo may, những quán trà cúc chính là đồng bạn với quán nhậu bình dân nồi ghế thấp trên hè phố Sài Gòn khi đường phố đã lên đèn. Tôi đang nhấm nháp chén trà thì Helen đi ra trên tay cầm ba gói quà đưa cho tôi. Tôi hiểu ý nói với Bố tôi:

- Helen tìm mãi mới thấy các loại vải dệt ở miền Nam. Chúng con biếu Ba Mợ và em Hà gọi là đặc sản miền Nam. Mong có ngày gia đình chúng ta lại sum họp.

Bố tôi cảm động nhận lấy và đưa chúng tôi về ga Hàng Cỏ lên tàu Thống Nhất vào Nam. Khi lên tàu tôi hỏi Helen còn bao nhiêu tiền.

- Vừa đủ cho anh ăn uống dọc đường, còn em thì nhịn đói cho biết mùi vị ở tù là như thế nào.
Tiếng Hân thở dài:
 
- Không ngờ đời anh lại đầy bi kịch như vậy. Đúng là thế giới nhỏ bé thật. Ai mà ngờ có ngày tôi gặp được người con trai của Bác Ninh. Tôi cũng hối hận, một phần vì tôi mà Bác bị mất chức, nhung cũng mừng anh tìm được người cha tưởng đã chết rồi. Tôi thì cha mẹ chết thảm thật sự từ hồi Pháp theo chân quân Anh chiếm miền Nam..

- Rồi cũng phải quên để sống. Xin lỗi nếu tôi quá tò mò. Ông Giám Đốc về ở hẳn New Zealand hay sao?

- Đúng vậy. Chúng tôi muốn cho cháu đi học đàng hoàng và chơi với các bạn cùng tuổi. Cuộc sống ở đây nhàn hạ nhưng không bình thường, mình chỉ quen biết với một số người ngoại quốc làm việc ở những cơ quan quốc tế.

- Quý hóa quá! Thế phu nhân là ngời Mỹ hay New Zealand?

- Anh đừng khách sáo quá. Anh và tôi chịu nhiều thảm cảnh, tôi chỉ hơn anh bốn tuổi, nhà tôi thua anh bốn tuổi. Chúng ta coi nhau như anh em đi, đừng gọi Giám Đốc và Phu Nhân nữa.

- Nếu Ông Giám Đốc cho phép.

*** 

Vừa lấy khay thịt ra khỏi lò nướng, để nó “nghỉ” cho nước thịt ứa từ trong ra ngoài, tôi dặn chị Hoa dọn bàn ăn và cho bé Duyên đi theo phụ sắp các khăn ăn, xong vào đem các thứ rau, củ ra, rồi đánh nhuyễn khoai tây với bơ và sửa tươi . Tôi lo làm nước sauce, đó là chìa khóa quyết định ngon hay dở của càc món ăn Pháp. Phải khuấy đều tay và chăm chút từng phút. 

Tôi rất bằng lòng vì màu nước sauce vàng nâu rất đẹp, nếm rất vừa miệng. Tôi dục chị Hoa dọn thịt lên cái dĩa sứ đẹp nhất, mang ra trước. Tôi rót nước sauce vào cái xuồng pha lê Waterford mua nhân dịp đi Ireland. Chị Hoa đặc biệt thích cái xuồng này nên tôi để lại cho chị Hoa.

Tôi nghe tiếng Hân trả lời:

- Nhà tôi không phải người Mỹ hay New Zealand, cũng là người Việt, trước học ở đại học Canterbury. Anh cũng học bên đó, có thể biết nhà tôi.

- Vậy chị quý danh là gì?

- Nhà tôi tên Hạnh, Châu Hồng Hạnh.

Tôi nghe một tiếng choang, rồi tiếng chị Hoa: “- Để cháu dọn cho, Ông yên tâm”.

Vừa bước vào ngưỡng cửa, tôi thấy một cụ già tóc hoa râm, gầy gò, da đen sạm, đang lúi húi giúp chị Hoa lượm những mảnh thủy tinh vỡ vừa xin lỗi rối rít.

Người khách ngẩng đầu lên nói với Hân:

- Xin lỗi, tôi sơ ý quá.
 
Tôi bỗng sửng sờ. Ông  cụ trông còn trẻ và rất quen. Cái xuồng nước sauce rời khỏi tay tôi và tôi loạng choạng như muốn té. Chị Hoa đến vừa kịp đở tôi, nhưng tôi xua tay, bảo chị:

- Tôi không sao, nhờ chị dọn nhà giúp rồi vào lấy nước sauce còn lại đem ra nghe.

Hân vội chạy lại, lo lắng: “- Em có sao không?”

- Em không sao, chắc trong phòng bếp nóng quá, ra đây gặp máy lạnh nên em hơi khó chịu.

Hân giới thiệu:

- Đây là anh Hữu, trước từng học ở New Zealand, trước em bốn năm thì phải. Còn đây là nhà tôi. Hai người chắc đã có dịp gặp nhau. Chị Helen bận việc không đi cùng anh Hữu được.

- Xin chào chị. Vâng, trước sau chỉ có chừng hai trăm sinh viên Việt Nam trong mười tám năm nên chúng tôi xem nhau như anh chị em trong một đại gia đình, dầu mỗi người mỗi tính, không ai giống ai. Chắc tôi có gặp chị trong những đêm văn nghệ ở Wellington, nhưng nếu anh không nhắc thì tôi cũng không nhận ra.

Tôi lấy lại bình tỉnh nhìn Hữu.  So với ảnh chụp ở Pleiku còn gầy và đen hơn nhiều. Đôi mắt tinh anh đã mất vẻ ngang tàng nghịch ngợm năm nào.

Tiếng Hân văng vẳng bên tai tôi:

- Thế giới nhỏ thật. Ông Thứ Trưởng Ninh, ân nhân của nhà mình lại là người cha mất tích của Hữu, mới tìm gặp được sau hơn ba mươi năm.

Tôi tiến tới bắt tay Hữu. Bàn tay Hữu lạnh ngắt.

- Xin chúc mừng anh đã tìm được Bác.

Tôi thật tình mừng cho Hữu, thoát khỏi cảnh mồ côi của Hân và tôi. Tôi nói bình thản: “- Các anh chị đều nhắc đến anh, nhưng cho đến hôm nay không ai biết anh ở đâu sau bao biến cố.”

- Vâng, anh nhà sẽ kể cho chị nghe mọi chuyện.

Bỗng bé Duyên reo lên, mừng rỡ:

- Vậy Ông đây là Cậu Hữu. Mẹ con hay kể chuyện về Cậu. Con biết Cậu hát hay lắm.

- Đúng đó con, Cậu Hữu với Bác Vân hát hay lắm.

- Chút nữa Cậu hát cho con nghe nha, ngày mai con về New Zealand rồi.

Hữu ẳm bé Duyên lên, thân thiết:

- Giọng Cậu khàn hết rồi, lại không có Bác Vân. Cậu hứa sẽ tập hát lại.  Sẽ có ngày Bác Vân và Cậu qua thăm con, rồi hai người sẽ hát cho con nghe nhé.

Thế là Bé Duyên đòi ngồi cạnh Hữu. Bửa ăn diển ra vui vẻ, Hữu kể chuyện về các người bạn chúng tôi cùng biết, thỉnh thoảng nhắc đến tên tôi một cách thờ ơ tình cờ.
 
- Thật ra tôi mới ra tù chưa đến hai năm, lại ở Nha Trang Thành nên xem như biệt tích giang hồ từ năm 1975.

Bé Duyên chạy vào phòng, đem cái Walkman ra, loay hoay tìm bài hát. Giọng hát trong vắt mượt mà của Hà Thanh vang lên: 

“ Anh mong chờ mùa Thu,
Dìu thế nhân lạc vào chốn thiên thai…” 

Bé Duyên cũng phụ hoạ theo.

- Cháu kháu quá, lại hát rất hay.

Nhìn bé Duyên và Hữu thân thiết như đã gặp nhau từ lâu, tôi thầm nghĩ, nếu không có cảnh vật đổi sao dời thì tôi đã sinh được một bầy chút chít!

- Cám ơn anh quá khen, cả Hạnh và tôi đều hát rất dở.

Rồi Hân quay qua nói với tôi:

- Cám ơn em. Báo tin đột ngột mà em cũng nấu kịp.

- Em cứ tưởng khách là Ông Thứ Trưởng nên nấu món thịt heo, sợ các món khác tăng huyết áp, không hợp với Bác.

Tôi thấy dĩa của Hữu sạch trơn thức ăn, thế mà tôi cứ áy náy Hữu không ăn được thịt heo.

Sau món tráng miệng, Hữu xin cáo từ vì Trung Tâm Tỵ Nạn PRPC đóng cổng sớm.

Bé Duyên và Hân đi vào phòng một chút rồi trở lại. Bé Duyên ôm con gấu Koala mà nó còn quý hơn cái Walkman, năn nĩ với Hân:

- Ba cho con đi gặp Mợ với Ba nha. Con muốn tặng Mợ con gấu Koala và xin Mợ bức ảnh.

Hân bảo: “- Con phải đi ngủ sớm để mai về New Zealand. Anh nhờ em đưa anh Hữu về. Anh đưa con đi ngủ rồi còn giúp chị Hoa dọn dẹp nhà cửa.”

Bé Duyên phụng phịu đưa con gấu cho Hữu, không quên dặn dò:

- Mợ nhớ qua thăm con nữa nha.

Hân bắt tay Hữu rồi cầm một phong bì đưa tận tay Hữu:

- Gọi là chút quà tặng anh chị mới lập gia đình.

- Em xin cám ơn anh chị.

Tôi thầm cám ơn hai cha con rất tình cảm và chu đáo nhưng rất buồn vì Hữu xưng “em” với tôi. Còn đâu nét oai hùng của thời hát bài “Give peace a chance”. Tự nhiên tôi thấy lòng rưng rưng tội nghiệp cho Hữu, bị vùi dập quá nhiều, không những ngoài đời thường mà còn trong tâm tưởng của tôi.

*** 

Trên đường ra phi trường đến Trung Tâm Tỵ Nạn PRPC, Hữu ngồi im lặng không nói một lời. Tôi cứ buồn, vui, lẩn lộn. Sao mà tôi lại trở thành chị của Hữu, có phải vì tôi là vợ của Hân hay vì số tiền một ngàn đô la Mỹ? Thật tức đến chết! Tại sao Hữu bặt tin lâu đến thế? Tại sao tôi lại không bền lòng chờ đợi?

Manila đang vào mùa mưa. Mưa như trút nước, không khác Sài Gòn vào mưa tháng chín.

Tôi bỗng buột miệng hỏi:

- Anh quen Helen từ lúc nào? Mà Helen là người nước nào vậy, làm viêc ở Tòa Đại Sứ nước nào?
Hữu phá lên cười:

- Helen là con lai, bị Mẹ bỏ rơi từ lúc mới sinh ở đầu ngõ nhà Chú Ngân ở Nha Trang Thành. Ông Bà Thầy Giáo Thương trong xóm thấy tội nghiệp đem về nuôi. May mà người mẹ để lại tờ giấy ghi cha là một Thiếu Tá Hải Quân Mỹ, sang làm cố vấn cho Hải Quân Việt Nam năm 1962.

Gần hai năm trước, tôi ra tù về Nha Trang tìm Bác và anh Hoàng nhưng nhà cửa bị tịch biên, dò hỏi hàng xóm không ai biết Bác và anh Hoàng đi đâu.

- Ba tôi bị tù ngay từ ngày 1-5 rồi qua đời cách đây gần năm năm rồi. Còn anh Hoàng bị tù hai năm rồi vượt biên qua Mỹ cũng được hơn năm năm.

Hữu cầm nhẹ cánh tay tôi:

- Tội nghiệp Bác quá. Tôi ở với Bác có một ngày nhưng xem Bác như cha. Xin chia buồn với Hạnh. Mừng cho anh Hoàng đã bình yên. Hai anh em Hạnh có một người cha tuyệt vời. Tôi ân hận không có được duyên sum họp với Bác.

- Cám ơn anh. Còn anh và Helen kết hôn lâu chưa?

- Chưa đến một năm. Số là hồi đó tôi nghĩ về Sài Gòn cũng chẳng biết ở đâu vì gia đình Dì Liên được Mỹ bốc đi rất sớm, vả lại Giấy Ra Trại cho về Nha Trang, mình vào Sài Gòn thì có thể bị bắt vào tù lại hay đày đi kinh tế mới.

- Đi kinh tế mới là gì vậy anh?

- Là bị đày ra vùng khỉ ho cò gáy, chưa khai hoang, phải làm ruộng làm rẫy mà không có gì trong tay cả và xem như bị giam lỏng ở đó luôn. Tôi bèn tìm đến nhà Chú Ngân, vả lại tôi cũng muốn ở gần Nha Trang để dò la tin gia đình Hạnh. Đến đầu ngỏ hỏi nhà thì gặp Helen đang ngồi bán xăng lẻ và thuốc lá lẻ.

- Có phải Chú Ngân là ông Thượng Sĩ già của ban nhạc Quân Đòan 2 không?
 
- Đúng là Ông. Ông nấu món “Bún Lá Cá Sứa” đó. Ông là Hạ Sĩ Quan nên không bị đi học tập. Chú Thím Ngân cho tôi tá túc và tôi dạy học cho các em và bạn bè trong xóm. Rồi Mỹ bắt đầu tìm những người lính mất tích MIA và con lai. Helen mới rủ vài người bạn đến học Anh Văn với tôi và nhờ tôi giúp họ làm hồ sơ.

Một hôm Helen đến sớm trước giờ học và bảo tôi hôm nay là sinh nhật thứ mười tám. Tôi vừa chúc “Happy Birthday” thì Helen nói luôn một mạch:

- Thầy làm giấy kết hôn với em rồi đi Mỹ với em. Thầy ở đây là như kình ngư mắc cạn. Giấy Ra Trại của Thầy có ghi rỏ là “Tạm Tha”. Họ có thể bắt Thầy đi tù lại bất cứ hồi nào. Em lo sợ có ngày Thầy mất mạng. Em thì thương Thầy từ ngày Thầy thất tha thất thểu đến hỏi em nhà Chú Ngân ở đâu.

 - Thế là anh được Mỹ bảo lãnh cùng gia đình Helen.

Giọng Hữu trở nên hờn dỗi:

- Người cùng đường bị nhận xuống bùn đen như tôi đâu có quyền lựa chọn. Đâu còn ai quan tâm đến tôi nữa. Tôi như người sắp chết đuối, được Helen quẳng cho cái phao, nên tôi phải vớ lấy.

Một thoáng im lặng. Đúng là tôi chưa làm được chi giúp Hữu từ ngày chia tay, nay đã mười năm.
Rồi giọng Hữu ấm áp trở lại:

- Trước đó tôi có gặp chị Ngọc ở bờ biển Nha Trang, ở Mỹ về nước du lịch. Chị không nhận ra tôi, chỉ mới kịp nói tin về Hạnh thì nhân viên hướng dẫn đoàn du lich, mà có lẻ là công an chìm, cảnh cáo tôi không được nói chuyện với người nước ngoài, đuổi tôi đi.

Tôi thầm nghĩ “Vậy là Hữu đã biết mình lập gia đình, có con”. Một thoáng bẽ bàng. Tôi im lặng.
- Chúng mình có duyên gặp gỡ nhưng không có nợ ăn đời ở kiếp. Hy vọng chúng ta sẽ là bạn tốt. Tôi cũng mến bé Duyên lắm.

Tôi như người sắp chết được hồi sinh. Tôi vội nói không kịp thở:

- Nhưng anh cũng phải thương Helen thật lòng nghe.

- Ông cha ta thường nói “Tình Nghĩa Vợ Chồng”, nhưng với Helen và tôi, phải đổi thành “Nghĩa Tình Vợ Chồng”.

Khi đến Trung Tâm Tỵ Nạn thì trời đã tạnh. Tôi loay hoay tìm một chổ ít ngập để đậu xe. Hữu xin lổi vào trước để tìm Helen.

Trung Tâm có nhiều dãy nhà dài, đèn điện leo lét. Nhiều người đứng hóng mát dọc hành lang vì còn quá sớm. Tôi bước vội vào nhưng không thấy Hữu đâu. Có tiếng xì xầm:
 
- Cái thằng Hữu giỏi tiếng Anh nên quen biết nhiều quá. Hồi xế trưa đã có một Ông Lớn chở về tận nhà rồi còn chở đi chơi cả buổi. Bây giờ tối lại được một Phu Nhân Phi Luật Tân đưa về tận cửa. Chỉ tội nghiệp con Lơn, không được đi cùng chồng.

- Ừ hén! Xưa nay tui không tin câu “Cái nết đánh chết cái đẹp”, mà gặp con Lơn rồi tui mới thấy Ông Cha ta có lý.

Một người khác có vẻ hiểu biết nói nhỏ: “- Mà sao bà này đẹp thế, chắc là gốc Tây Ban Nha lai Tàu mới đẹp mê hồn như vậy. Chứ người Phi chính gốc còn đen hơn Tây đen.”

Tôi chờ một lúc thì thấy Hữu đi ra. Trong ánh đèn le lói, có một người đi bên cạnh nhưng tối quá tôi không nhận ra là ai, chỉ thấy hàm răng trắng nhỡn đang nhoẻn miệng cười. Hai người tiến lại. Đi bên cạnh Hữu là một cô gái trẻ, da đen, tay ôm con gấu Koala.  Hữu nói:

- Xin lỗi chị, Trung Tâm không có phòng khách nên mình phải đứng nói chuyện ở đây. Các dãy nhà đều là phòng ngủ chung cho cả hằng trăm người. Đây là chị Hạnh, người bạn anh hay kể chuyện cho em nghe.

- Em tên Lơn. Được gặp chị em mừng quá trời! Anh Hữu hay kể chuyện các anh chị hồi đi học ở Tân Tây Lan. Em ước gì em cũng được đi học như vậy.

Tôi ngạc nhiên hỏi:

- Thế em không phải tên Helen?

Hữu giải thích:

- Trong xóm quen gọi như vậy từ nhỏ thành ra Helen cũng tự xưng mình là Lơn luôn.

Tôi đột ngột hỏi Helen bằng tiếng Anh “Thế cô có biết bàn tay anh Hữu ấm lắm không?”

Helen ngớ ra, không hiểu tôi muốn nói gì. Hữu đỡ lời: “- Cô bé này tiếng Anh còn loạng quạng lắm, nhưng tiếng Việt rất khá.”

Helen vui vẻ:

- Em dốt tiếng Anh lắm. Cứ bị anh Hữu la hoài. Anh hay kể chị nói tiếng Anh hay hơn người Luân Đôn, tiếng Pháp hay hơn người Ba Lê.

Helen lấy trong xách một tấm ảnh chụp hai vợ chồng trong đám cưới gởi tặng bé Duyên. Tuy là ảnh đám cưới nhưng cũng là bộ áo quần hai người đang mặc, chắc là bộ tươm tất nhất mà họ chỉ mặc vào những dịp long trọng. Chỉ khác là trong ngày đám cưới Helen choàng thêm một cái áo len rộng thùng thình. Nhìn kỷ tôi mới nhận ra đó là cái áo len merino tôi nhờ chị Ngọc đem về cho Hữu. Tôi thoạt vui vì Hữu vẫn giử nó bên mình qua bao gian truân, nhưng lại tức giận vì Hữu đưa cho Helen mặc.

Rồi tôi thấy xót xa cho hai người, cái áo len đắc tiền là vật quý giá nhất mà Hữu có để tặng cô dâu, như một món nữ trang tựa cái kiềng vàng chạm trỗ tinh vi mà Ba tôi tặng Mẹ tôi hồi xưa. Trước 30-4, bao nhiêu tiền lương ít ỏi của người lính, Hữu để dành mua tài liệu và sách vở gởi qua cho tôi.   Thế mà mấy năm nay tôi hết đi du lịch lại sưu tầm đồ cổ rồi mua trử rượu vang, chưa kể hai căn nhà ở Remuera!

Tôi chúc hai người sớm ổn định ở Mỹ. Helen cũng nhanh miệng chúc chúng tôi về New Zealand bình an. Hữu ân cần nhắn bé Duyên gì Cậu Mợ cũng rủ Bác Vân qua thăm cháu.

Trời lại bắt đầu mưa nặng hột. Tôi cáo từ vì Manila không an toàn, nhất là phụ nữ lái xe một mình về đêm.

Tôi chạy nhanh ra xe, mở cửa và đánh rơi bức ảnh xuống vũng nước, bức ảnh bị giòng nước cuốn đi nhanh. Tôi mím chặt môi, nhún vai đóng rầm cửa xe, mở máy lái đi. Bên hành lang, Hữu đang nắm tay Helen, hai người tươi cười vẫy tay chào tôi.

Trên đường về lòng tôi buồn rười rượi. Tôi tự hỏi có phải đây là Hữu mình quen hồi xưa không?
Hữu đã từng không thèm nói chuyện với bốn chị em tôi vì da chúng tôi còn mang màu nắng  Miền Nam. Hữu đã từng không đụng đến món ăn nào có thịt heo. Hữu một thời là tùy viên của Ông Tướng, đã theo Ông săn bò tót Trường Sơn bằng trực thăng. Hữu mắt đỏ ngầu nhún  nhảy hát nhạc Rock với các cô ca sĩ ăn mặc hở hang. Nhưng tôi nhớ nhất là Hữu đeo kính trắng, hát bên cạnh chị Vân, làm xao xuyến biết bao con tim chị em chúng tôi. Còn đâu một Hữu mơ mộng hăm hở noi gương Nguyễn Công Trứ để “Xuống đông, đông tỉnh, lên đoài, đoài tan”.

Không, không! Hữu của tôi đã chết rồi. Chết thật rồi từ lúc Hữu rút xoẹt lưởi lê đâm xuyên suốt tim tôi. 

*** 

Mưa đã tạnh, khí trời mát mẻ sau hai trận mưa tẩy sạch bụi bặm ô nhiễm của Manila. Hân đang đứng tận ngoài cổng chờ tôi, vẻ mặt bồn chồn lo lắng. Tôi ngừng xe, Hân mở cửa xe ngồi cạnh:

- Anh sợ trời mưa lớn, em lại không quen lái xe ban đêm.

- Cám ơn anh đã đối xử với Hữu và Helen rất thân tình và chu đáo.

- Thật là những cuộc kỳ ngộ không ngờ!

Tôi cho xe vào garage, sóng vai cùng Hân bước lạo xạo trên đường sỏi. Manila về đêm sau cơn mưa trở se lạnh. Tôi cầm tay Hân. Tay chàng ấm vô cùng. Vừa đi tôi vừa vẻ ra trong đầu một viễn cảnh êm đềm: “Về New Zealand, tôi sẽ thôi nghề gỏ đầu trẻ, sẽ sang một gian hàng ở chợ trời Victoria, chuyên bán đồ cổ và rượu vang quý hiếm cho người sành điệu. Tôi sẽ thuê người coi hàng, trong tuần tôi ở nhà nuôi dạy con cái. Ngày cuối tuần, tôi mới ra coi phụ và ngắm nhìn chàng chơi cricket ở ngay công viên Victoria bên cạnh với các đồng nghiệp. Chàng chỉ quen chơi baseball, nhưng khó gì, tôi sẽ nhờ anh Nhân, người đàn anh của những khóa đầu tiên, lập gia đình và ở lại New Zealand, dạy ở Đại Học từ lâu rồi, tập cho chàng chơi môn thể thao quí phái này. Nếu chàng không chơi cricket thì cả gia đình sẽ đi dã ngoại. Vào những kỳ nghỉ dài hơn, cả nhà sẽ xuống vùng Blenheim đầy nắng ấm. Chàng sẽ chơi golf để làm bạn với giới thượng lưu của New Zealand, còn tôi và các con sẽ vào các trại rượu tìm mua những đợt rượu ngon để tàng trử…” 

Giọng chàng trìu mến bên tai tôi:

- Em nghĩ gì mà thừ người ra vậy?

Chàng vòng tay ôm người tôi, vòng tay nóng hổi như vành đai Thái Bình Dương làm người tôi như tan chảy. Chàng áp môi vào má tôi. Tôi xoay người ôm chàng sát vào người và hôn chàng nồng nàn, hôn say sưa, hôn cuồng nhiệt như sợ ngày mai sẽ không còn hôn được và được hôn. Tôi thủ thỉ vào tai chàng: 

- Mình sinh thêm vài chút chít nghe anh.

Mắt chàng sáng lên, gật đầu. Chúng tôi bịn rịn không muốn rời nhau. Tôi khẻ nói:

- Em lại coi bé Duyên ngủ chưa.

- Anh đi tắm trước nghe.

Tôi bước nhẹ nhàng về phòng bé Duyên. Bé Duyên đang ngủ ngon lành, hai tay ôm cái Walkman đang vang lên giọng hát não nùng của Thanh Thúy.

“… Không, không trăm ngàn lần,  
Không ai giận hờn,  
Nếu đã hay rằng,  
Lòng người như chiếc lá,  
Nằm trong cơn gió vô tình.” 

Tôi tắt máy, rút nhẹ cái Walkman để cạnh giường, kéo mền lên phủ ngực bé Duyên rồi nhẹ nhàng đóng cửa phòng.

*** 

Thay lời kết

Có bạn sẽ hỏi Hạnh, Hữu, và những nhân vật khác, là ai giữa chúng ta?  Câu trả lời là không  ai cả! Nhưng mỗi một chúng ta, trong một thoáng chốc, có thể có những cảm xúc, suy nghĩ, hay một mảnh đời như họ. 

Cũng như trong một khỏanh khắc nào đó, dầu muốn dầu không, chúng ta cũng không tránh khỏi cùng chia xẻ những vinh nhục nhọc nhằn của cả một dân tộc.

Phù Phiêu