TTDC đang làm rùm beng câu chuyện cô Omarosa đánh TT Trump, viết sách khui cả lô chuyện hậu trường để bôi bác TT Trump và các cựu đồng nghiệp, đồng thời phổ biến một số băng mà cô thu lén khi nói chuyện với tổng thống và các quan chức cao cấp trong Tòa Bạch Ốc. Toàn bộ câu chuyện là cuộc chiến bình thường, bôi bác chửi bới cá nhân, chẳng liên quan gì chính sách kinh bang tế thế, cũng chẳng ảnh hưởng xa gần gì đến cuộc sống hàng ngày của quý vị và kẻ này. Dĩ nhiên giống như tất cả những tin xấu nào về TT Trump, đã trở thành một thứ đá nam châm hớp hồn các cụ chống Trump.
Việc các quan chức sau khi hết làm việc, đi viết sách khui chuyện hậu trường để kiếm tiền là chuyện bình thường tại xứ Mỹ này. Những người bị sa thải thì kể chuyện xấu, có khi thật, có khi phịa, để thanh minh thanh nga hay trả thù. Những người không bị sa thải thì viết hồi ký kể lể công lao hy sinh hãn mã của mình có khi thật, phần lớn là phịa. Chính khách CH hay DC cũng đều vậy.
Chuyện cô Omarosa khui tin xấu hậu trường không có gì lạ và đáng nói. Nhất là sau khi cô đã bị sa thải, muốn khui tin rác rưởi để trả thù và kiếm tiền. Giá trị của những tiết lộ đó tự nó chẳng là bao nhiêu đối với những người muốn tìm hiểu sự thật một cách nghiêm chỉnh. Với những người thích khui thùng rác thì dĩ nhiên đây là kho vàng phải chui đầu vào càng xâu càng tốt.
Trước hết, ta coi lại xem bà này là ai.
Bà Omarosa Manigault-Newman từ đầu đến đuôi là ‘sản phẩm’ của TT Trump, được ông cứu năm lần bẩy lượt, nâng đỡ, coi như con ruột.
Sanh năm 1974, bà Omarosa có bằng Master về thông tin, báo chí từ đại học da đen Howard, theo học lấy bằng tiến sĩ nhưng không đủ khả năng, bỏ học. Đi làm việc cho văn phòng PTT Al Gore. Tại đây, cô Omarosa bị bà giám đốc Nha Nhân Viên của PTT Gore than phiền là nhân viên tệ nhất và tìm cách sa thải. Được chuyển qua làm việc tại bộ Thương Mại qua sự ‘gửi gắm’ của văn phòng PTT. Tại đây, cô làm việc không bao lâu cũng bị sa thải vì ‘không đủ khả năng và chuyên gây sự’ (unqualified and disruptive). Ở Mỹ, sa thải nhân viên da đen là cả một vấn đề, nhất là từ văn phòng một chính trị gia như PTT Gore, nên thường thì họ bị chuyển đi chỗ khác. Ông Gore lấy tư cách PTT bán cái cô Omarosa cho bộ Thương Mại. Đổi qua bộ Thương Mại với cả chục ngàn nhân viên, sa thải kín đáo hơn và dễ hơn.
Cô tham gia thi tài trong chương trình The Apprentice của ông Trump trên đài NBC năm 2004, được chú ý vì cách hành xử ‘mạnh bạo’ của cô trong các ‘tình huống’ do chương trình tạo ra. ‘Mạnh bạo’ có nghiã là mạnh miệng, nói thẳng thừng, sẵn sàng cãi và chửi nặng,… được nổi tiếng là ‘bad girl’. Cô trở thành biểu tượng của một phụ nữ không chịu thua anh tu mi nam tử nào, tức là biểu tượng của một phụ nữ khai phóng, của cách mạng nữ giới, mà lại là nữ giới da đen nữa. Có người cho đây là cô cố tình đóng tuồng để tạo chú ý, có người cho đây là do bản tính hiếu chiến. Bất kể là gì, cô nổi tiếng và được khối phụ nữ da đen hoan nghênh, coi như thần tượng.
Sau khi lên show được 9 tuần, cô bị sa thải vì cãi nhau lung tung, gây rối loạn.
Ông Trump cứu cô lần nữa. Cho hợp tác trong một chương trình TV mới. Lần này, chương trình thành công không có chuyện gì.
Qua năm 2013, cô Omarosa lại hợp tác với ông Trump trong một chương trình TV mới, All-Star Celebrity Apprentice. Nhưng lần này, có chuyện lớn. Lại chửi lộn lung tung, bị đích thân ông Trump sa thải tại chỗ.
Sự nghiệp của cô Omarosa: một lần sa thải bởi PTT Al Gore, một lần bởi bộ Thương Mại của TT Clinton, ba lần bởi NBC.
Khi ra tranh cử tổng thống, ông Trump lại hợp tác với cô Omarosa, bổ nhiệm cô làm Liên Lạc Viên với Cộng Đồng Mỹ Gốc Phi Châu vì cô vẫn còn được hậu thuẫn khá mạnh của giới phụ nữ da đen. Ứng cử viên Trump cần một khuôn mặt da đen nữ giới mà lại được hoan nghênh bởi các bà da đen.
Sau khi ông Trump đắc cử tổng thống, cô đi theo, vào Tòa Bạch Ốc làm Giám Đốc Thông Tin trong Văn Phòng Giao Tế Công Cộng (Director of Communications for the Office of Public Liaison), chỉ là giám đốc thông tin của một văn phòng thôi, không phải giám đốc thông tin cả Tòa Bạch Ốc như TTDC thổi phồng. Trên thực tế, không ai rõ cô này làm việc gì mỗi ngày.
Nổi tiếng cao ngạo, phách lối, vẫn thói cũ, gây gỗ lung tung. Cô viết thư tứ tung, tự ký tên “The Honorable Omarosa Manigault”. Danh từ ‘The Honorable’ được dành để gọi những quan chức cao cấp nhất như quan tòa, bộ trưởng, dân biểu, nghị sĩ hay quốc trưởng. Dù vậy, cũng không có ai tự xưng là The Honorable bao giờ. Có lần cô ra oai, tự ý tổ chức một buổi họp, ký tên “The Honorable Omarosa Manigault” mời tất cả các dân biểu liên bang da đen đến thảo luận, không có một người nào tới tham dự.
Trong suốt thời gian tranh cử cũng như trong năm đầu của TT Trump, cô Omarosa nổi tiếng là bà da đen bênh vực TT Trump ồn ào nhất, suốt ngày tự ý cho báo và TV phỏng vấn để có dịp ca tụng TT Trump bằng những lời lẽ mạnh bạo nhất, bác bỏ tất cả những chỉ trích, nhất là những chỉ trích về kỳ thị chống ông Trump.
Mùa hè 2017, tướng Kelly được bổ nhiệm Chánh Văn Phòng. Chỉ chưa đầy nửa năm sau, tướng Kelly sa thải cô Omarosa. Ngày 20 tháng Giêng 2018, cô bị Mật Vụ hộ tống ra khỏi Tòa Bạch Ốc, tay không, không được mang theo bất cứ giấy tờ, hồ sơ gì. Khi tin này được loan báo, cô Omarosa cải chính, nói là cô tự ý từ chức. Rồi mới đây, cô nhìn nhận đã bị sa thải, và phổ biến cuốn băng thu cuộc nói chuyện của cô với tướng Kelly khi ông này sa thải cô. Tin Tòa Bạch Ốc cho biết, sau khi tướng Kelly sa thải cô Omarosa, TT Trump nghe tin, có điện thoại cho ông Kelly và nói “ông đã làm những gì cần phải làm”.
Sau nửa năm tương đối im lặng để viết sách, bây giờ cô Omarosa tái xuất giang hồ, ra sách, chẳng những khui nhiều chuyện được quảng bá là ‘kinh thiên động địa’ nhất trong hậu trường, mà còn bung ra nhiều cuốn băng thu âm những cuộc nói chuyện của cô với TT Trump, tướng Kelly và nhiều quan chức cao cấp khác.
Những loại sách tấn công chính trị này luôn có ‘giá trị’ lớn, đặc biệt là sách chống Trump, tuy ‘giá trị’ chỉ kéo dài khoảng vài ba tuần, sau đó chẳng ai còn nhớ gì nữa. Như sách của anh Michael Wolff đã từng khui cả vạn chuyện bê bối mà chẳng ai kiểm soát được thực hư, từng gây chấn động chính trường Mỹ. Bây giờ, vài tháng sau, ai còn nhớ tên anh ta? Ai còn nhớ những chuyện gì anh ta viết?
Trường hợp cô Omarosa cũng tương tự. Tương tự ở điểm toàn tin rác rến và sẽ sớm đi vào quên lãng. Nhưng lại không giống hoàn toàn, mà trái lại, nghiêm trọng hơn nhiều. Việc cô Omarosa làm đã thành một vấn đề lớn.
Việc làm của cô Omarosa nêu lên vài điểm quan trọng:
Ø Tư cách con người cô Omarosa. Tuyệt đối không biết gì về những khái niệm danh dự, tự trọng, tinh thần trách nhiệm. Những đức tính mà dân Á Đông chúng ta coi trọng như nhân, nghĩa, lễ, trí, tín đều hoàn toàn xa lạ. Chỉ có cái ‘TÔI’ là quan trọng, đụng vào cái TÔI là tôi sẽ đánh lại xả láng, bất chấp hết. Việc làm của cô Omarosa, hiển nhiên là việc làm của một người phản phúc, tráo trở, lại là phản một người đã cứu giúp sự nghiệp của mình tới ba lần, mang cô từ một người vô danh, bất tài, bị sa thải liên tục trong nhiều jobs, leo lên đến chức phụ tá tổng thống.
Khi bị chất vấn về những câu tâng bốc Trump trước đây của cô thì cô này trả lời lung tung. Khi thì nhìn nhận mình đã sai lầm, nhưng bây giờ sáng mắt, vì ‘lương tâm’ nên phải ‘đau lòng nói lên sự thật’. Khi thì ẫm ờ ám chỉ cô đã được trả tiền để tâng bốc như vậy. Vậy con người thật của cô là gì nếu không phải là một người xảo trá, vô tư cách? Nếu Trump tệ hại như cô mô tả, tại sao cô có thể đi theo trong suốt 15 năm? Chỉ trở mặt sau khi đã bị sa thải.
Mà không phải là chuyện phản phúc giờ chót, bất mãn sau khi bị sa thải, mà nhiều người có thể thông cảm và tha thứ được. Theo New York Times, cô Omarosa có hơn 200 cuốn băng thu âm lén ngay trong khi cô còn được hậu đãi, chưa ai nghi ngờ gì cô, kể cả những cuốn băng bù khú với bạn bè, trong đó họ ‘nói chuyện Bà Tám’ với nhau. Tức là cô Omarosa đã có dã tâm mờ ám, ý định phản phúc với tất cả mọi người ngay từ đầu, qua những nụ cười và cái bắt tay thân thiện nhất.
Việc thu âm lén nêu lên một vấn đề lớn cho Tòa Bạch Ốc. Tổng thống khi lấy quyết định thường tham khảo ý kiến rất nhiều người, và ông phải có những trao đổi thẳng thắn nhất, dĩ nhiên có cả nhiều ý kiến không ‘phải đạo chính trị’ mà việc tiết lộ ra ngoài sẽ rất tai hại. Bây giờ với việc cô Omarosa lén thu cả mấy trăm cuộc nói chuyện, ai còn dám nói thẳng, phân tích mọi việc với nhau nữa? Ai còn dám nói ngay nói thật với tổng thống nữa? Và tổng thống nào dám nói ngay nói thật với phụ tá và cố vấn nữa?
Cuốn sách của cô Omarosa cũng là cuốn sách bẩn thỉu nhất. Không có một bằng chứng cụ thể nào hết, nhưng cô Omarosa khẳng định TT Trump bị ám ảnh về sex với cô con gái Ivanka và cô này biết thế nên khai thác tối đa để gây ảnh hưởng trên ông bố. Chuyện vu cáo bẩn như vậy mà cũng có cụ tỵ nạn đọc tin này, mừng như trúng số, vội gửi emails cho cả thế giới biết. Cụ ơi, cụ nên đi khám bác sĩ đi. Một là cái bệnh Trump Derangement Syndrome của cụ đã vào thời kỳ cuối, hai là cụ bị sex ám ảnh quá nặng khi ba viên Viagra cũng không còn ép-phê nữa.
Ø Quan trọng hơn là vấn đề bảo mật an ninh quốc gia trong Tòa Bạch Ốc. Làm sao cô Omarosa có thể dễ dàng thu âm những cuộc nói chuyện với tổng thống, với Chánh Văn Phòng Tổng Thống, trong phòng ‘Situation Room’, là phòng họp tuyệt mật, dành để họp bàn, nói chuyện về những chuyện bí mật nhất (đây là phòng TT Obama và cả Hội Đồng An Ninh Quốc Gia ngồi theo dõi biệt kích SEAL đi bắt Osama Bin Laden khi việc này còn là chuyện tuyệt mật chưa được công bố). Theo thủ tục an ninh Tòa Bạch Ốc, tất cả mọi người, bất kể cấp bực, trước khi vào phòng Situation Room, đều phải bỏ tất cả các máy móc, dụng cụ thông tin cá nhân như laptop, điện thoại, máy ghi âm, iPad, … ở ngoài, phải qua máy dò soát. Thế thì sao cô Omarosa có thể mang máy ghi âm vào theo được?
Đây là vấn đề tướng Kelly sẽ nhức đầu không ít và phải tìm hiểu cho rõ và thật sớm để có biện pháp thích ứng.
Ø Nhưng đặc biệt hơn cả là ngoài hai ba cuốn băng đã được phổ biến, cô Omarosa đã có những băng nào khác, liên quan như thế nào đến an ninh quốc gia? TTDC lo đánh TT Trump mà không hề lưu ý đến chuyện an ninh quốc gia cực kỳ tai hại này. Ai biết được cô này đã thu âm những gì ngoài những băng liên quan đến việc cô bị sa thải mà cô đã phổ biến. Cô đã từng làm phụ tá tổng thống về thông tin, tất nhiên đã tham gia rất nhiều buổi họp tối mật liên quan đến các vấn đề bí mật nhất về mọi phương diện, an ninh, quốc phòng, ngoại giao, kinh tế,…? Cô có chịu bán những tin này cho Nga hay Trung Cộng không? Hay có khi đã bán rồi không chừng?
Đúng ra, có lẽ FBI đã phải bắt giam cô Omarosa ngay lập tức, niêm phong tất cả các dụng cụ thông tin liên lạc của cô như computer, laptop, điện thoại, iPad,… để kiểm soát lại, thanh lọc những tin bí mật an ninh quốc gia. Kẻ này không hiểu tại sao FBI chưa làm chuyện này? Ở đây, không còn là vấn đề tự do cá nhân nữa mà hiển nhiên đã trở thành vấn đề an ninh quốc gia. Có lẽ đây là một trong những kẽ hở của pháp luật Mỹ, không cho phép FBI làm gì khi chưa thấy có tội cụ thể?
Ø Ngoài ra, cô Omarosa còn công khai cho biết đã hợp tác, nói chuyện với công tố Mueller rồi. Dĩ nhiên là ông Mueller đang đi mò tin, tìm cách vồ TT Trump, rất muốn nghe cô này, nhưng cũng phải cân nhắc việc hợp tác với một nhân vật bất hảo và tính xác thực của những tin tức từ loại người này, đồng thời cũng phải cân nhắc để khỏi bị tố phe đảng mù quáng.
Tin giờ chót, Ủy Ban Vận Động Tranh Cử của ông Trump đã đưa đơn kiện cô Omarosa về tội không tôn trọng cam kết giữ bí mật (Non-disclosure Agreement) cô đã ký khi vào làm trong Ủy Ban, đòi bồi thường thiệt hại đâu cả vài triệu và tất cả lợi nhuận thu được nhờ tiết lộ bí mật qua việc bán sách. Tờ cam kết này còn ghi rõ cô Omarosa tuyệt đối bị cấm không được tuyên bố hay viết lách gì có tính cách bôi bác, nhục mạ cá nhân TT Trump và gia đình ông một cách vĩnh viễn.
Dường như đây chỉ là biện pháp đầu tiên, món ăn sáng nhẹ, chưa đả động gì đến thời gian cô làm việc trong Tòa Bạch Ốc và những cuốn băng thu lén liên quan đến an ninh quốc gia.
Một số rất lớn công ty thường bắt nhân viên ký giấy cam kết giữ bí mật. Khi bài này được viết thì cuốn sách của cô mới vừa được phát hành, chưa ai có thời giờ nghiên cứu kỹ, không biết trong đó cô có tiết lộ chuyện gì vi phạm đến giấy cam kết khi vào làm trong Ủy Ban Vận Động của ông Trump hay không. Nếu cô chỉ tiết lộ những ‘cảm tưởng’ vớ vẩn của cá nhân cô thì dĩ nhiên, không sao. Nhưng nếu cô tiết lộ những tin bí mật hậu trường, cô sẽ phiền to. Bán bao nhiêu sách cũng không đủ trả tiền luật sư, nếu tiền bán sách không bị tịch thu.
Cô Omarosa đang rầm rộ đi quảng bá cho cuốn sách. Nhưng theo tin của CNN, số người đặt mua sách này đã thấp hơn mọi dự đoán và CNN tiên đoán sách này sẽ không thuộc loại bán chạy nhất. Lý do gồm có 1) đề tài quá nhàm vì đã có quá nhiều sách báo viết để thoá mạ Trump, 2) quá trình thất bại, bị sa thải liên tục cũng như tính tình chuyên gây rối của cô Omarosa khiến cuốn sách không có bao nhiêu giá trị, và 3) tính phản phúc quá lộ liễu của cô Omarosa khiến thiên hạ nghi ngờ tính xác thực của những chuyện được viết ra trong sách.
Phản ứng của mọi người ra sao? Phản ứng của TT Trump, ai cũng đoán được. Ông đã mau mắn tuýt hàng loạt mẫu tin ngắn, gọi cô Omarosa là “low life”, “dog”. Ông Trump trước đây đã xử dụng danh từ ‘chó’ với nhiều người, như TNS Ted Cruz hay bà Ariana Huffington của trang mạng Huffington Post, nhưng TTDC không khiếu nại. Bây giờ, cô Omarosa bị gọi là ‘chó’, TTDC chu chéo ngay Trump kỳ thị, nhục mạ dân da đen. Nôm na ra, nhục mạ dân da trắng thì không sao, làm y như vậy với dân da đen là tội chu di tam tộc. Dù sao, cái áo giáp sắt da đen vẫn còn nặng ký lắm.
Báo New York Times chỉ trích TT Trump đã không tôn trọng –respect- nhân viên da đen cao cấp nhất của Tòa Bạch Ốc. Xin hỏi lại NYT, giữa tổng thống và một phụ tá thông tin, ai ‘cao cấp’ hơn ai? Khi cô Omarosa lén thu băng tổng thống, lên TV và viết sách thoá mạ tổng thống là kỳ thị, là có bệnh tâm thần, là bị ám ảnh tình dục với cô con gái,… những cái đó có là những việc thiếu tôn trọng tổng thống không, sao NYT không đề cập đến? Tại sao tổng thống phải ‘respect’ một nhân viên của mình mà nhân viên đó thì lại có quyền tha hồ nhục mạ tổng thống? Hơn nữa, một người phản phúc tráo trở, thu âm những cuộc nói chuyện với tất cả mọi người, người đó có đáng được nể trọng không? Khi nào thì NYT thấy được sự không công bằng của mình? Khi nào thì các cụ tỵ nạn thấy được cái tính phe phái vô lý của NYT? Nếu quý cụ có một người bạn lén thu âm các cuộc chuyện vãn với quý cụ thì quý cụ nghĩ sao về người ‘bạn’ đó? Đáng nể trọng hay nên khinh tởm?
Cô Omarosa đang được TTDC phủ phục đón rước như thiên thần. Thái độ của TTDC đối với cô Omarosa hết sức tiêu biểu cho cái giả đối của giới TTDC này. Khi cô Omarosa còn cơm lành canh ngọt với TT Trump thì TTDC phớt lờ, coi như cô này không có mặt trên thế gian, không bao giờ nhắc đến việc tay ‘kỳ thị thượng tôn da trắng’ Trump này đã có một phụ tá là một bà da đen. Những tuyên bố ồn ào của cô Omarosa đều bị TTDC ỉm đi hết, báo không đăng, TV không loan tin. May ra trên thế giới này có được ba người biết Omarosa là ai, làm gì, và nói gì. Cô Omarosa bị coi như là thứ bánh Oreo, là loại bánh sô-cô-la đen ở ngoài, kẹp bánh kem trắng ở trong. Bây giờ thì TTDC nâng cô lên: Trump sỉ nhục viên chức da đen cao cấp nhất trong chính quyền.
Cuộc đời đổi trắng thay đen, cô Omarosa đang được TTDC trọng vọng như một cựu Đệ Nhất Phu Nhân. Trong tuần qua, cô đã liên tục xuất hiện trên tất cả các đài truyền hình dòng chính, ABC, NBC, CBS, MSNBC, CNN,... Tin và hình ảnh của cô hiện lên trang nhất của gần như tất cả các báo lớn nhỏ, đặc biệt là trên các báo lớn nhất như New York Times và Washington Post.
TTDC đang khiêng cô Omarosa lên nóc tủ để vái lạy như thần tượng mới. Xin lỗi quý vị, nếu đảng DC ngày nay tung hô những bà đào chuyên đóng phim sex như Stormy, những cô Mácxít lớ ngớ như Ocasio-Cortez, và những người phản phúc như cô Omarosa,… làm thần tượng mới để thay thế những thần tượng đi vào tuổi xế chiều như Feinstein, Pelosi, Warrens, … thì tương lai của đảng không lấy gì làm sáng lạn lắm.