Monday, 17 September 2018

‘Ga Cuối Đường Tàu’ – chuỗi thương cảm bất tận của nhà văn Huy Phương

Tác giả Huy Phương (trái) và xướng ngôn viên Hoàng Trọng Thụy trong buổi ra mắt sách “Ga Cuối Đường Tàu” tại hội trường nhật báo Người Việt. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Lâm Hoài Thạch/Người Việt
WESTMINSTER, California (NV) – “Nhan đề của cuốn sách được ra mắt hôm nay có thể gây nhiều câu hỏi của quý vị, vì sao là ‘Ga Cuối Đường Tàu’? Nếu cuộc đời là một con tàu thì chúng ta rồi đây ai cũng phải xuống ga,… Biết bao nhiêu người đã xuống ga trước chúng tôi như nhà văn Bùi Bảo Trúc, ký giả Vũ Ánh,… Và có lẽ sẽ còn nhiều người nữa đang ngồi trong con tàu hôm nay.” Nhà văn Huy Phương nói về quyển sách “Ga Cuối Đường Tàu” của mình trong buổi ra mắt vào trưa Chủ Nhật, 16 Tháng Chín tại hội trường nhật báo Người Việt, Westminter.
    Trong lời tựa của cuốn sách, ông cũng có viết: “Nếu cuộc đời là một chuyến tàu thì cuối cùng, chúng ta ai cũng có một nhà ga để xuống, có điều sớm hay trễ mà thôi. Và đến một tuổi, một lúc nào đó, chúng ta phải nghĩ là đã đến lúc xuống tàu. Vì vậy, tác phẩm này, hôm nay đến tay bạn đọc, được xem như là một nhà ga cuối, cuộn chỉ thời gian đã kéo gần hết, quỹ thời gian chẳng còn được bao nhiêu!”
Tuy nhiên, xướng ngôn viên Hoàng Trọng Thụy là người điều hợp chương trình ra mắt sách, lại cho rằng: “Tôi nghĩ rằng, cái ga cuối đường tàu này nhằm để lấy trớn, vì quý vị đã biết đến lúc còn tàu dừng lại thì cũng có một con tàu khác lại kéo đi, không phải kéo vào nhà dưỡng lão theo ý của tác giả mà vẫn kéo tiếp tục để đi đến những sân ga khác. Vì trong căn phòng này có cựu Đại Tá Trần Ngọc Thống đã 96 tuổi, mà nhìn kỹ thì đại tá đối với anh Huy Phương cũng không khác bao nhiêu. Cho nên, với tuổi tám mươi của tác giả đối với tôi thì anh Huy Phương sẽ vẫn còn viết được nữa. Và chúng ta sẽ có thêm ‘Ga Cuối Đường Tàu 2.’”
Diễn giả Đỗ Tiến Đức trong buổi ra mắt sách “Ga Cuối Đường Tàu” của tác giả Huy Phương. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Một trong những diễn giả của buổi ra mắt sách là ông Đỗ Tiến Đức, cựu giám đốc Nha Điện Ảnh VNCH. Theo ông Tiến, với 80 bài trong “Ga Cuối Đường Tàu,” Huy Phương viết trong đủ mọi đề tài mà ông đã bắt gặp trong cuộc sống của ông. Nhưng ông Đức thích nhất là Huy Phương viết về tuổi già trước nỗi cô đơn và trước cái chết.
“Dường như Huy Phương thấy những người già Việt Nam ở Mỹ ngày nay, mỗi sợi râu là một xâu buồn tủi. Thế nên, ông đã viết: Trẻ con chỉ biết khóc khi đói, khi lạnh, khi đau. Còn cảnh già thì biết buồn, biết tủi thân, biết hồi tưởng và biết khóc lặng lẽ mà không có nước mắt. Phần lớn đã không còn biết, còn nhớ gì nữa nên khi bị ai ngược đãi, tắm lạnh hay cơ thể thiếu nước, thì cũng không còn có khả năng để phản kháng hay kêu nài,” ông Đức nói.
Ông nói thêm: “Theo Huy Phương thì tâm lý của người đời ai cũng muốn sống lâu, nhưng lại sợ già, sợ bệnh tật. Chuyện đời, có người bớt công việc, chịu thu nhập thấp để ở nhà trông con vì sợ con hư hỏng, chứ chưa nghe nói nghỉ việc để trông coi cha mẹ già đói lạnh. Cho nên ở với cha mẹ về già thì mới khó, chu cấp cho cha mẹ già là điều dễ. Bởi vậy, nhiều bậc cha mẹ già bị đùn đẩy từ đứa con này sang đứa con khác. Và chặng cuối cùng là cái nhà dưỡng lão, cũng có chén cơm, viên thuốc, nhưng không có tình thương của quyến thuộc.”
“Huy Phương bình thản viết: Người mẹ nuôi năm người con là chuyện thường. Nhưng, năm người con không nuôi nổi một người mẹ, thì cũng là chuyên bình thường thôi. Và cũng bình thường như cha mẹ nuôi con trở thành bác sĩ, còn con nuôi cha mẹ thì trở thành bác tài để đưa cháu đi học,” ông Đức chia sẻ thêm.
Một diễn giả khác có mặt trong buổi ra mắt sách là kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa. Theo ông Nghĩa, “Huy Phương đã dùng chuyến tàu hỏa sắp đến nhà ga cuối đường, thì ông biết mình là sẽ phải xuống, và ông đã chuẩn bị kỹ lưỡng để đi xuống. Sau đó, đi đâu thì có lẽ ông không biết. Thật ra, nhiều khi ông cũng chẳng cần biết vì ông bận kiểm lại cái hành lý cho chuyến đi sắp chấm dứt của mình. Hành lý của ông thật ra chẳng có gì nhiều, tại vì những thứ đó đã nằm trong tâm trí của Huy Phương.”
Diễn giả Nguyễn Xuân Nghĩa trong buổi ra mắt sách “Ga Cuối Đường Tàu” của tác giả Huy Phương. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Về bút pháp của quyển sách, diễn giả Nguyễn Xuân Nghĩa nói: “Huy Phương viết rất chỉnh và có lẽ ông đã cân nhắc từng câu, từng chữ cho đến dấu phẩy, dấu chấm và với tác phong của một nhà giáo sống trong một thế giới gọi là văn minh này, chúng ta bão hòa với cái nạn thông tin tràn ngập, thông tin tức thời, nghe xong, đọc thấy là quên, và có khi còn phiên dịch linh tinh với những nhiều âm om sòm không có nghĩa gì cả.”
“Thì trong khung cảnh gọi là văn minh đó, Huy Phương lại ngồi yên như một cụ già của năm xưa. Ông viết tiếng Việt có trật tự, có mạch lạc mà không đi lạc vào khu vườn văn minh đó. Ông khiêm nhường viết tạp ghi như là một thể loại bút ký, nhưng mà vẫn để lại những hình ảnh rất là nghệ quang và mỹ quang. Cái cảm quan về thẩm mỹ của Huy Phương nó họp nhất về tinh thần phát nguyên đạo lý. Đó là tinh thần làm việc của Huy Phương,” ông nói thêm.
“Tôi xin được kết thúc bằng một câu danh ngôn của Huy Phương trong cuốn sách này: Có những thứ đã chết mà người ta tôn vinh, xây lăng cho nó, nó vẫn chết. Nhưng, có những thứ người ta muốn chôn vùi, hủy bỏ, nó vẫn đội mồ sống dậy. Vì vậy, hành lý cuối đường tàu do Huy Phương trao lại cho chúng ta chính là chuỗi thương cảm bất tận,” kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa kết luận.
Một trong những nhà văn nổi tiếng có mặt là Giáo Sư Doãn Quốc Sỹ đã nói: “Tôi trân trọng và quý mến các bạn trẻ đã dấn thân vào con đường văn nghệ mà tôi đã đi trong bao nhiêu năm qua. Tuy họ là những nhà văn trẻ, nhưng tôi vẫn xem họ như là những người tri kỷ của mình. Hôm nay, tôi được đến đây để dự kiến buổi ra mắt sách ‘Ga Cuối Đường Tàu’, và theo tôi, Huy Phương đã gởi gắm những đều mà mọi người đang lúc hay rồi cũng sẽ đến với ít nhất là một trong nhiều hoàn cảnh của quyển sách này.”
Từ trái: Nhà văn Doãn Quốc Sỹ, Giáo sư Dương Ngọc Sum và nhà văn Huy Phương trong buổi ra mắt sách “Ga Cuối Đường Tàu”. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Giáo Sư Dương Ngọc Sum nhận xét: “Ngay từ lúc chúng tôi còn đi học thì anh Huy Phương đã tỏ ra có năng khiếu về văn chương, thì chuyện sau này Huy Phương nổi danh là việc hiển nhiên. Gần đây, anh đã có hướng đi rất đặc biệt đó là cho ra đời những tác phẩm tạp ghi, và theo tôi, Huy Phương là người viết tạp ghi số một.”
Ông Đỗ Anh Tài, cựu giáo chức Việt Nam, bạn học cùng với nhà văn Huy Phương tại Trường Quốc Học Huế, nêu cảm nghĩ: “Với những bài viết của anh Huy Phương, tuy ngắn, nhưng tích lũy rất nhiều điều quan trọng trong đời sống của chúng ta. Thế nên, anh đã giúp ích được rất nhiều về sự truyền đạt không những về tài liệu mà còn những tâm tình đối với quê hương, dân tộc,… Nhất là hoàn cảnh của người Việt đang sống tại hải ngoại trong lúc này”.
Giáo Sư Song Thuận, cựu hội trưởng sáng lập CLB Hùng Sử Việt cũng có nói vài nét về nhà văn Huy Phương: “Nhà văn Huy Phương là một cây viết nổi tiếng ở hải ngoại, vì ông đã được nhiều độc giả thích đọc những tác phẩm của ông. Sở dĩ ông được nhiều độc giả mến mộ là vì tư tưởng của ông rất chín chắn và rõ ràng khi nói về cuộc sống, những suy tư, những ràng buộc thực tế của những người Việt tại hải ngoại.”
Buổi ra mắt sách có phụ diễn phần văn nghệ do đoàn Văn Nghệ Lạc Hồng trình diễn với sự hướng dẫn của giáo sư Nguyễn Châu.
Độc giả có thể liên lạc mua sách qua điện thoại (949) 241 0488. Email: xbnamviet@gmail.com
Chi phiếu xin đề: Namviet Publisher. Gởi về: P.O. Box 14982 Irvine, CA 92623.
Tác phẩm “Ga Cuối Đường Tàu” – Tuyển tập 80, 372 trang $25. (Cước phí 1 cuốn $3 – 1 đến 3 cuốn $5)