Thực vậy, nhựt báo kinh tế của Pháp Les Echos có bài phân tích của thông tín viên thường trú tại Bắc Kinh, được Đài quốc tế của Pháp RFI điểm cho rằng, «Đối phó với Trump, Trung Quốc chuẩn bị chiến tranh lạnh». Sự kiện và thời sự trong Chiến tranh Thương mại giữa Mỹ và TC cho thấy thực tiễn tình hình cuộc chiến này càng ngày càng nóng lên không những về kinh tế, thương mại mà đang trên đà tràn lan qua chiến tranh quân sự ở Biển Đông, với vũ khí tối tân nhứt như siêu pháo đài bay B52, hai hàng không mẫu hạm 3 và 7 của Mỹ và vũ khí nguyên tử mà TC đưa vào Biển Đông. Trong khi TC cô đơn thì liên minh của Mỹ, Úc, Nhựt những nước trong vùng Á châu Thái bình dương, còn có Anh, Pháp từ Tây Âu gởi chiến hạm, chiến đấu cơ tân tiến, hiện đại Rafale qua trinh sát mặt trận Biển Đông này. TC lạnh mình nên co cụm lại, không dương oai diệu võ nữa, chuyển sang hình thái Chiến Tranh Lạnh như thời Liên sô chiến tranh Lạnh với Mỹ, rốt cuộc Liên xô đột quị.
Sự kiện và thời sự cho thấy câu ngạn ngữ Trung Hoa “phước bất trùng lai, hoạ vô đơn chí,” đang là hoàn cảnh, định mạng dành cho Chủ Tịch Tập cận Bình trong giai đoạn thậm chí nguy này. Ông vừa mới lên như diều, chưa hưởng phước được bao lâu thì hai đại hoạ kéo đến cho Ông. Ông mới thành công trong thao túng quyền lực ở TQ, được bộ hạ đưa tư tưởng Tập cận Bình vào Hiến Pháp TC như Mao Trạch Đông. Ông hơn Mao qua việc Ông một mình nắm được ngũ trụ triều đình, Ông làm chủ tịch Nước kiêm Chủ Tịch Đảng, kiêm Chủ Tịch Quân Uỷ Trung ương, kiêm Tổng Chỉ Huy Quân đội và lực lượng bán quân sự như cảnh sát công an. Ông còn ngon hơn bất cứ lãnh đạo CS nào, Ông được giữ những chức ấy suốt đời vì Quốc Hội TC đảng cử dân bầu miễn cho Ông giới hạn chỉ 2 nhiệm kỳ thôi. Tức là Ông có thể trị bá quan, văn võ, quân gia, thiên hạ dưới chỉ một Ông Trời và Ông là Thiên Tử con Trời trên 1 tỷ 400 triệu người, Thiên Tử của Trung Hoa cổ đại.
Nhưng ông ngồi trên ngôi cửu ngũ chưa nóng đít thì hai cái hoạ đến. Mỹ bất ngờ mở trước, khai chiến cuộc Chiến Tranh Thương mại chống TC. Giặc ngoài ngày càng leo thang, với Ông Già Gân Trump đòi công lý cho Mỹ. Chủ Tịch Bình còn đang loay hoay chưa tìm ra cách đối phó Ô. Trump người được báo chí đanh giá là vì tổng thống Mỹ không ai có thể đoán biết Ông sẽ làm gì và nói gì.
Thì trong nội bộ Đảng Nhà Nước TC từng tiền cừu hậu hận với Ô. Tập nổi lên như thù trong chống đối Ông Tập. Ông Tập không những lạnh người mà lạnh cẳng luôn, thân thể nổi da gà như gà nuốt dây thun, trước tình hình suy thoái kinh tế của TC và cái kiểu đánh xa luân chiến, hồi mã thương và đà đao của TQ nhưng Mỹ biến cải theo mô thức vô chiêu của Mỹ.
Les Echos nhận thấy Ô. Tập Cận Bình vốn là người thích thường xuyên xuất hiện trên ‘báo đài’, bỗng biến mất trong suốt hai tuần lễ trong mùa hè rồi. Tìm hiểu được biết Ông bị kẹt phải dự hội nghị Bắc Đới Hà. Ngày 04/08/2018, 62 chuyên gia, trí thức đến Bắc Đới Hà, kể cả hai cựu tổng bí thư Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào cùng cựu thủ tướng Chu Dung Cơ tỏ ra không tin tưởng vào Ban lãnh đạo hiện hành. Tin xì ra Hội nghị Bắc Đới Hà bất thần lên án chính sách độc tài chuyên quyền của họ Tập, TCB có dấu hiệu lung lay.
Trước lâm nguy cho thế cầm quyền của Chủ Tịch Bình vì thất bại kinh tế, thương mại và sự lung lay trong quyền thế cá nhân, Chủ Tịch Bình khẩn cấp gởi Vương Thụ Văn qua Mỹ đàm phán với Phụ tá Bộ Trưởng bộ Tài Chánh Mỹ Malpass trong cố gắng làm dịu sự căng thẳng, nhưng không đạt được tiến bộ nào.
Tình hình kinh tế, sản xuất thậm chí nguy, có thể làm mất thế cầm quyền của Đảng CS sau khi chủ nghĩa CS đã thất bại đi vào cõi chết với Liên xô và các nước Đông Âu.
Cái kiểu TC khoa trương dọa sẽ ăn miếng trả miếng đối với Mỹ thất bại, thua nặng. Báo Les Echos đưa ra một số thất bại tiêu biểu của TC. Vẫn rất lệ thuộc vào xuất cảng, TC thiệt thòi nhiều trong trò chơi đánh thuế qua lại hàng hóa của nhau. Lượng hàng nhập từ Mỹ chỉ bằng một phần tư so với số 506 tỉ đô la hàng Trung Quốc xuất sang Hoa Kỳ hàng năm, và ông Donald Trump không loại trừ khả năng đánh thuế toàn bộ.
Đảng Nhà Nước và báo chí của TC và thân TC lâu nay vẫn đắc chí xỏ xiên sự bất nhất, tự làm hại mình của tổng thống Mỹ; nay coi sự tấn công của Washington không chỉ có mục đích làm giảm thâm hụt thương mại, mà nằm trong một chiến lược tổng thể nhằm ngăn chận đà tiến của Trung Quốc trên trường quốc tế. Cơ quan tư vấn Trivium ở Bắc Kinh nhận xét: «Các lãnh đạo không còn coi đây là cuộc đấu đá thương mại, mà là sự tấn công vào mô hình kinh tế chính trị Trung Quốc».
Ở TQ đã nổi lên dư luận cho rằng sự huênh hoang về sức mạnh kinh tế và địa chính trị của TQ chỉ làm Hoa Kỳ thêm nghi ngại. Báo chí Hoa lục đã được chỉ thị không nhắc đến kế hoạch Made in China 2025 – một động thái mà theo Les Echos là chưa đủ để làm dịu bớt căng thẳng với Mỹ.
Trong khi đó càng ngày tình hình chiến tranh thương mại làm tình hình kinh tế TQ càng lạnh lẽo, âm u hơn. Tình hình suy thoái kinh tế của TQ thêm trầm trọng. Các nhà máy và công trường Trung Quốc đang mất đơn đặt hàng xuất cảng, ngưng gói thầu, nên sa thải công nhân. Một số lớn công ty ngoại quốc lẫn TQ đang và chuẩn bị bỏ TQ, di tản chiến thuật và chiến lược ra nước khác. CNN dẫn kết quả một cuộc khảo sát hằng năm từ hàng trăm công ty được công bố hôm 3/9 cho biết, tăng trưởng sản lượng từ các khu vực sản xuất lớn của Trung Quốc đã giảm mạnh trong tháng 8 xuống mức thấp nhất trong hơn một năm qua. Số lượng đơn hàng xuất cảng của các nhà máy Trung Quốc giảm mạnh trong tháng thứ 5 liên tiếp. Một chuyên gia phân tích cao cấp tại công ty nghiên cứu CEBM Group, nhận xét, “Nền kinh tế Trung Quốc hiện phải đối mặt với áp lực sa sút tương đối rõ ràng”. Juian Evans-Pritchard, chuyên gia kinh tế cao cấp của công ty nghiên cứu Capital Economics, viết trong một lưu ý gửi cho khách hàng hôm 3/9, rằng “Xu hướng phát triển của nền kinh tế Trung Quốc có lẽ vẫn sẽ theo quỹ đạo đi xuống trong năm tới.”
Ngoài thuế quan, chính phủ Trung Quốc hiện vẫn còn nhiều thách thức kinh tế khác phải giải quyết. Lĩnh vực sản xuất của nước này đang phải đối mặt với tình trạng đầu tư chậm chạp, trong khi cơ sở hạ tầng và tăng trưởng tín dụng suy giảm. Bắc Kinh đã cố gắng kiểm soát những khoản cho vay rủi ro sau khi có nhiều cảnh báo lặp đi lặp lại về mức nợ cao bất thường của các công ty trong nước.
Thị trường chứng khoán và tiền tệ Trung Quốc cũng không tránh khỏi thái độ lo ngại từ phía các nhà đầu tư. Quan chức nước này đang tìm cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua việc cắt giảm thuế, chi tiêu cơ sở hạ tầng và nới lỏng chính sách tiền tệ. Theo các nhà phân tích, những động thái đó có thể giúp ngăn chặn suy thoái, nhưng khả năng tạo ra sự thay đổi lớn dường như khó xảy ra.
Trong khi đó, TT Trump bồi thêm một hàn phong chưởng nữa. Tin RFI ngày 07/09/2018, tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẵn sàng đánh thuế nhập cảng thêm 267 tỷ hàng Trung Quốc bán sang Hoa Kỳ.
Vi Anh