Mạng xã hội ồn ào về cái chết của Trần Đại Quang, chủ tịch nước CHXCN Việt Nam.
Có lẽ, chưa khi nào tấm lòng người dân đối với một chủ tịch nước được thể hiện rõ ràng đến thế. Những cốc bia chúc tụng, những lời bàn ra, tán vào đủ loại, nỗi vui mừng của người dân như trút được gánh nặng nào đó với vẻ mặt hân hoan…
Người ta còn vận đến Sấm Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm mấy trăm năm trước để mà lý giải về cái chết này, câu đó là:
Bỉnh chúc vô minh quang tự diệt.
Trọng ngân phúc bạc, sản tiêu vong.
Trọng ngân phúc bạc, sản tiêu vong.
Đây là câu răn dạy người đời, rằng ngọn đèn mà tối tăm thì ánh sáng mất hết, nếu trọng tiền bạc mà không có phúc đức thì tài sản, của cải sẽ mất hết.
Thế nhưng, tai ác thay, bộ tứ triều đình lại trùng khớp vào những chữ, những từ ở câu này.
Có lẽ người dân không mấy ai quan tâm đến mức sức khỏe Trần Đại Quang đã suy sụp đến mức những tháng gần đây qua dáng điệu thảm hại để thương cho ông ta phải gánh vác nhiệm vụ của đảng giao phó quá nặng nề cho một bệnh nhân, mà theo Ban Bảo vệ sức khỏe Trung ương cho biết thì đã 6 lần sang Nhật chữa bệnh, nhưng vẫn không được nghỉ ngơi.
Người dân cũng không quan tâm mấy đến việc ông đã “chiến đấu đến hơi thở cuối cùng” trên cương vị chủ tịch nước như một sự hy sinh bản thân cho sự nghiệp chung của đất nước. Nhưng người dân lại chú ý đến việc ông ta đã khai gian tuổi để ở lại vị trí quyền lực của vua chúa Cộng sản trên đầu trên cổ người dân.
Người dân cũng không mấy quan tâm đến những hy sinh của bản thân gia đình ông ta như thế nào qua một quãng đường dài trên đời để “cống hiến cho đất nước”. Nhưng người ta chú ý đến gia đình, anh em, họ hàng nhà ông đang được cấu tạo và tại vị những vị trí béo bở trong chế độ kiểu phong kiến “con vua thì lại làm vua” của độc tài cộng sản.
Người dân mỉa mai, khó chịu và chế giễu hình ảnh ông khi “vinh quy bái tổ” sau khi tranh giành được chức Chủ tịch nước rồi về quê Ninh Bình như đi thăm một quốc gia nào đó. Người ta cũng lan truyền hình ảnh ông bạc nhược và suy sụp mất sức sống khi tiếp những đoàn quan khách nước ngoài.
Người ta cũng chú ý đến những hành động, lời nói và việc làm của ông ta trên ngôi vị “vua chúa” đã làm được gì, đã gây hại ra sao cho đất nước, với người dân trong chế độ độc tài cai trị bằng bạo lực, dối trá nhằm giữ vững cái ghế quyền lực mà bòn xương, rút tủy của người dân Việt Nam.
Những cuộc bắt bớ, chém giết, hà hiếp cướp bóc người dân từ Nam đến Bắc, từ miền xuôi đến miền ngược. Những “tiếng oan dậy đất, án ngờ lòa mây” đã ngày càng vang lên não nề và đau đớn khắp mọi miền đất nước dới thời ông ta làm quan chức quan trọng như Thứ trưởng rồi Bộ trưởng Công an và Chủ tịch nước.
Cái thời của ông là thời của Công an trị, thời của phe nhóm cướp bóc người dân, thời của đàn áp những người có tấm lòng yêu nước thương nòi.
Thời của ông ta là thời kỳ đã bắt bớ hàng loạt, kết tội nặng nề hàng loạt người yêu nước, cướp bóc đất đai của người dân khắp nơi nhưng lại dâng lãnh thổ cho giặc một cách mờ ám.
Những vùng lãnh thổ, biển đảo của đất nước, những người dân bị giặc giết ngay trên biển quê hương, những dấu giày đinh của giặc đang giày xéo mảnh đất của cha ông để lại một cách ngang nhiên trong sự thờ ơ, đồng lõa và cúi đầu thuần phục của ông ta và đồng đảng.
Thế nhưng, nếu chỉ căn cứ vào đó, để nghĩ rằng người dân căm thù hay ghét bỏ Trần Đại Quang đến mức ấy, thì có lẽ là chưa đủ.
Thậm chí, cũng ngay ngày hôm qua và hôm nay, tin lan truyền trên mạng về những nhân vật khác như Đỗ Mười, Lê Đức Anh… sắp “đi theo Cụ Các mác, Cụ Lê nin” với những lời lẽ hân hoan và mong đợi. Toàn là các thủ lĩnh cộng sản, đã có thời kỳ dài “cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của cả nước.
Người ta lại nhắc lại những kỷ niệm về Đỗ Mười, Lê Đức Anh… và những gì mà họ đã gây ra cho đất nước. Những cái tên lãnh tụ được nêu ra đích danh, gọi bằng những tên tục, những xú danh không mấy xuôi tai hoặc dễ nghe.
Như vậy, rõ ràng là người dân không phải tỏ thái độ như vậy vì ghét Trần Đại Quang, dù Quang đã là người phải chịu trách nhiệm cá nhân trước những suy vong của dân tộc, của đất nước bằng các hành động cá nhân cũng như bằng việc sử dụng quyền lực của mình trên vị trí mà ông ta nắm giữ.
Thực chất, là người dân chán ghét đến tận cùng cái chế độ hiện tại mà nguồn gốc của nó là cái đảng Cộng sản toàn trị, phản động và thối nát hiện nay. Thế nên, trong cái bầy đảng đó, bất cứ cá nhân, tập thể nào bị tận diệt, bị tiêu vong… đều là nỗi mong chờ, mơ ước của người dân.
Có thể nói rằng những lời nói, những hành động của người dân như vậy là nhẫn tâm, bạc ác với nhau quá không?
Bởi vì truyền thống dân tộc ta xưa nay, vốn trọng nghĩa khinh tài, vốn tôn trọng những người đã khuất. Cũng như họ giàu lòng nhân ái và thương xót.
Đến một con chó bị đối xử tệ vẫn được cả cộng đồng thương xót và che chở cơ mà. Huống chi đây lại là một chủ tịch nước đương kim, một Tổng bí thư đảng, người nắm quyền sinh, quyền sát của cả đất nước, dân tộc, một nguyên Chủ tịch nước một thời gian dài đã ảnh hưởng đến lịch sử đất nước.
Có điều này, đó là xưa nay cha ông ta vẫn nói “Chết là hết”. Thế nhưng, đến bây giờ thì rất rõ rằng chết chưa phải là đã hết.
Bởi đến muôn đời sau, người dân Việt vẫn nhắc tới Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống trong lịch sử dân tộc. Và trên thế giới vẫn không quên Hittler, Polpot, Mao Trạch Đông, Xtaline… vì những nhân vật này đã gây cho thế giới này những điều khủng khiếp, về sự phản trắc và bán nước.
Thì tương tự, trong tương lai, người dân Việt Nam sẽ còn khắc ghi những tội ác bán nước gắn liền với những tên tuổi như Hồ Chí Minh, Nguyễn Văn Linh, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng… đã bán tổ quốc, giang sơn và đầu độc cả dân tộc này đến suy vong.
Xưa nay, cha ông vẫn truyền dạy lại:
Thương dân, dân lập bàn thờ
Hại dân, dân dái ngập mồ, thấu xương.
Hại dân, dân dái ngập mồ, thấu xương.
Những thái độ, hành động nói trên của người dân đã thể hiện một điều: Lòng dân đang nổi sóng, cơn phẫn uất của người dân đã đến tận cùng.
Điều này, ai cũng hiểu, chỉ một mình đảng Cộng sản Việt Nam cố tình không chịu hiểu để biết quay đầu là bờ.
J.B Nguyễn Hữu Vinh